Nhạc sĩ Trần Tiến khi làm giám khảo một cuộc thi
trên truyền hình đã phát biểu với báo giới: “Mình làm giám khảo
chấm thí sinh còn khán giả thì đang chấm điểm mình”. Với một giải
thưởng văn chương, người đọc sẽ chấm điểm ban giám khảo của giải
thưởng đó. Hội đồng giám khảo của Hội Nhà văn Hà Nội gồm những ai
thì báo chí đã nhiều lần nêu tên từng vị, mà tên vị nào cũng có
thể đảm bảo uy tín chuyên môn cho lá phiếu của mình. Hội đồng giám
khảo xét giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM, gồm Lê Quang Trang, Trần Văn
Tuấn, Hoàng Đình Quang, Dương Trọng Dật, Phạm Sỹ Sáu, đều là chức
sắc đứng đầu Hội hoặc các hội đồng chuyên môn của Hội Nhà văn TP.HCM,
nhưng ít nhiều chưa tạo được uy tín với công chúng và đồng nghiệp bằng tác phẩm
của mình. Điều này có thể khiến cho lá phiếu chấm giải của các vị không có được
uy tín cao trong giới cầm bút cũng như độc giả.
Giải thưởng văn chương 2012: “Món quà” không “dễ xơi”
trần hoàng nhân
Nói tới giải thưởng văn học hàng năm, có thể kể ra ba “chân kiềng”:
giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam,
giải của Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn TP.HCM. Thế nhưng không phải cứ đoạt
giải của một trong ba hội này là trở thành tác phẩm xuất sắc nhất trong năm.
Ngược lại, trong các năm gần đây, người yêu văn chương có vẻ thờ ơ với giải
thưởng có tính “chuyên môn cao” của các hội này.
Nhiều người còn cho rằng, giải thưởng hàng năm của các cấp hội
nhà văn từ địa phương đến trung ương như những món quà: Ai đến xin thì xét cho,
tùy vào mối thân tình của người đi xin với người được quyền cho. Có ý kiến còn
khẳng định: Tác giả A. đã “chi cửa trước luồn cửa sau” để được nhận giải của
Hội hòng kiếm chút danh với đời. Tạm gác qua những “góc khuất” của các giải
thưởng, chỉ xin nêu tính minh bạch và công tâm ở hai giải thưởng Hội Nhà văn Hà
Nội và TP.HCM trong năm 2012, vì giải Hội Nhà văn Việt Nam đến phút này chưa
công bố.
Công tâm và uy tín
“Công tâm và uy tín” là cụm từ được truyền thông lẫn
các nhà văn dành tặng cho giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội hay đúng
hơn là dành tặng cho các vị trong Hội đồng giám khảo giải thưởng
này. Trong các năm gần đây, từ thời nhà văn Hồ Anh Thái đến nhà phê bình
Phạm Xuân Nguyên làm chủ tịch, Hội Nhà văn Hà Nội luôn tạo ra nhiều
dấu ấn khi quyết định trao giải hàng năm. Có người nói đùa mà rất thật
rằng, sau khi Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thì đến lượt Hội Nhà văn
Việt Nam không còn gì để trao nữa, bởi gần như tác phẩm xuất sắc
nhất trong năm đã được vinh danh rồi!
Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2012 được Hội đồng
giám khảo gồm những nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình, dịch
giả uy tín chấm giải đã trao cho tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột
của Hồ Anh Thái, tập thơ Buổi câu hờ hững - Nguyễn Bình Phương, tập
lý luận phê bình Dĩ vãng phía trước - Ngô Thảo, bản dịch của Dương
Tường - tiểu thuyết Lolita và giải Thành tựu cho nhà thơ Phùng Cung
với tập thơ Xem đêm. Tất cả các tác phẩm tham dự giải thưởng này
đều được công khai khi xét giải và các thành viên trong Hội đồng chấm
giải đều trình bày quan điểm của mình trước khi bỏ phiếu để chọn ra
tác phẩm xứng đáng nhất trong năm.
Ngoài uy tín và sự công tâm của từng thành viên Hội
đồng xét giải, giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội còn thể hiện sự
dũng cảm khi trao giải dịch thuật cho bản dịch từng gây tranh cãi của
Dương Tường. Việc trao giải này thể hiện sự đánh giá sức lao động
nghiêm túc của dịch giả, như Dương Tường phát biểu hôm phát giải,
rằng ông đã làm việc hai năm miệt vài với Lolita – một cuốn sách rất
khó dịch, có sai sót gì là lỗi của trình độ dịch chứ không phải do
dịch ẩu.
Sự công tâm và uy tín của các thành viên trong ban giám
khảo ở bất cứ một cuộc thi nào sẽ làm nên diện mạo của giải
thưởng đó. Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội đã có được một ban giám
khảo như thế nên tất nhiên giải của Hội này được đánh giá cao là
điều dễ hiểu.
Bất ngờ xuất sắc sau 5 năm im lặng
Giải thưởng văn học nghệ thuật TP.HCM 5 năm lần thứ
nhất do Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP.HCM tổ chức vừa được
trao cuối tháng 12/2012 dành cho các lĩnh vực: văn học, âm nhạc, kịch,
múa... Riêng văn học, hầu hết các tác phẩm văn xuôi đều đoạt giải
lần này, với bốn tiểu thuyết: giải Nhất Mùa Hè giá buốt (Văn Lê),
giải Nhì Thế giới xô lệch (Bích Ngân), giải Ba Đêm Sài Gòn không ngủ (Trầm
Hương), giải Khuyến khích Xuân Lộc (Hoàng Đình Quang). Xem danh sách văn
chương đoạt giải 5 năm lần thứ nhất của TP.HCM cứ ngỡ thành phố
phương Nam
là vùng đất tiểu thuyết.
Thế nhưng, cả bốn tiểu thuyết đoạt giải lại khiến
cho người đọc băn khoăn. Bởi cả bốn cuốn tiểu thuyết này, kể từ khi được
trình làng đến khi nhận giải 5 năm của TP.HCM dường như không để lại
chút dư âm nào trong dư luận. Dư luận ở đây không xét trên phương diện
truyền thông mà xét ở các giải thưởng nghề nghiệp trong hành trình
đi đến giải 5 năm mà từng cuốn sách nhận được. Vì hàng năm, Hội Nhà
văn TP.HCM đều có giải cho những tác phẩm nổi trội nhất trong năm
nhưng không hề có tên bốn cuốn tiểu thuyết nói trên. Người yêu văn
chương có quyền đặt câu hỏi: Tại sao trong 5 năm qua, cả bốn cuốn tiểu
thuyết này không đoạt bất cứ giải thưởng nào của Hội Nhà văn TP.HCM
lại “bất ngờ” nhận giải 5 năm của TP.HCM? Có lẽ nào trong 5 năm “im
lặng” thì bốn cuốn tiểu này “bỗng dưng… xuất sắc”? Xin nói thêm,
giải hàng năm của Hội Nhà văn TP.HCM nằm trong hệ thống giải của Liên
hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP.HCM.
Mới đây, giải hàng năm của Hội Nhà văn TP.HCM công bố
chỉ có hai tập thơ nhận giải và tặng thưởng. Thật kỳ lạ, trong giải
thưởng 5 năm của TP.HCM chỉ có toàn tiểu thuyết thì tại sao giải năm
2012 chỉ có vỏn vẹn hai tập thơ? Lẽ nào trong năm nay TP.HCM không có
tập văn xuôi hay lý luận phê bình? Điều này khiến người yêu văn chương
TP.HCM thắc mắc: Liệu Hội đồng giám khảo Hội Nhà văn TP.HCM có theo dõi
đời sống văn chương của thành phố này hay chỉ ngồi chờ tác phẩm đến
xin dự giải theo như điều lệ của giải thưởng?
Chấm điểm ban giám khảo
Nhạc sĩ Trần Tiến khi làm giám khảo một cuộc thi
trên truyền hình đã phát biểu với báo giới: “Mình làm giám khảo
chấm thí sinh còn khán giả thì đang chấm điểm mình”. Với một giải
thưởng văn chương, người đọc sẽ chấm điểm ban giám khảo của giải
thưởng đó.
Hội đồng giám khảo của Hội Nhà văn Hà Nội gồm
những ai thì báo chí đã nhiều lần nêu tên từng vị, mà tên vị nào
cũng có thể đảm bảo uy tín chuyên môn cho lá phiếu của mình. Hội đồng
giám khảo xét giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM, gồm Lê Quang Trang, Trần
Văn Tuấn, Hoàng Đình Quang, Dương Trọng Dật, Phạm Sỹ Sáu, đều là chức
sắc đứng đầu Hội hoặc các hội đồng chuyên môn của Hội Nhà văn TP.HCM,
nhưng ít nhiều chưa tạo được uy tín với công chúng và đồng nghiệp bằng tác phẩm
của mình. Điều này có thể khiến cho lá phiếu chấm giải của các vị không có được
uy tín cao trong giới cầm bút cũng như độc giả.
Thêm một điều dễ khiến người ta suy nghĩ trong giải của
Hội Nhà văn TP.HCM và giải TP.HCM 5 năm lần thứ 1, phần lớn những
người đoạt giải đều có chức trong Hội. Nhà văn Hoàng Đình Quang đang
là ủy viên Ban chấp hành kiêm Chủ tịch Hội đồng văn xuôi, Bích Ngân
là ủy viên ban chấp hành, Văn Lê là ủy viên Hội đồng thơ, Phan Hoàng
nhận giải thưởng Thơ 2012 cũng là ủy viên ban chấp hành kiêm Trưởng
ban văn trẻ của Hội này. Năm 2011, Phan Trung Thành nhận tặng thưởng
khi đang là Chánh văn phòng của Hội Nhà văn TP.HCM. Việc các nhà văn,
nhà thơ đang làm công tác Hội nhận giải của Hội không có gì sai chiếu
theo điều lệ giải thưởng nếu tác phẩm của họ thực sự xuất sắc, gây tiếng
vang trong dư luận và trong bạn nghề, nhưng thực tế những tác phẩm xuất sắc
hoặc xuất chúng như vậy gần như không có.
Bình luận về thực tế này, nhà văn trào phúng Lê Văn
Nghĩa, hiện đang là chủ biên báo Tuổi trẻ Cười, cho biết: “Hàng năm
báo chúng tôi có giải Cù nèo Vàng dành cho lĩnh vực sân khấu. Nhiều
người hỏi tôi sao không có giải cho tiểu phẩm trào phúng. Tôi nói có
thì dễ thôi nhưng nếu có thì trước sau gì tôi cũng đoạt giải này,
mà mình tổ chức giải rồi đi nhận giải của mình nữa thì không ra
cái… ôn dịch gì hết!”.
---------------------
* nguồn: ttvh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét