Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

bướm bay thơm thuở sách đèn – luân hoán * thơ

















chẳng rõ lòng thương chính xác ai
sân trường trắng nõn những áo dài
tà bay tà rũ tà tay nắm
tà ửng vàng hườm hương nắng mai

tình vốn lao chao nhiều bóng hồng

tóc thề tóc kẹp tóc garçon
mắt nâu lấp lánh tròn mắt biếc
môi tẩm hương lài môi mật ong

một dạo si mê Nhỏ xóm Chùa
tan trường lững thững bám nắng trưa
bụi bay cay mắt lo quên dụi
đi lén sau lưng ngỡ được đưa...

theo Bé quận ba liền nửa năm

bàn tay vịn nón, làm sao cầm?
chưa tìm phương kế làm quen được
qua ngõ mỗi ngày, khó ghé thăm!

vọng mỹ nhân hoài chẳng hụt hơi

thay nhiều thần tượng, nhớ khơi khơi
em quay đầu ngó, lòng hoảng hốt
giả bộ nghiêm trang ngóng đất trời

nhát gái hình như được trời thương

lai rai vai vắt ít hoa hường
suốt thời đèn sách may không tệ
dại gái đương nhiên chuyện bình thường…


Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

bài chủ nhật số 12 - nguyễn đăng trình * thơ













tình xưa thì đã xưa rồi
nghĩa thì cũ hoắc từ hồi chưa quen
ủ lâu mà chẳng lên men
đường ai nấy bước òn èn mãi chi

ngán thay bản mặt lầm lì
khéo tu luyện “thiết diện bì” tà công
không son phấn cũng hồng hồng
mâm xôi nắm đấm tỏng tòng tong xơi

òng uênh mấy chục năm trời
lưỡi môi thơn thớt uốn lời cuội trăng
tôi nai muốn đứt dây chằng
buông đi chẳng lđợi quăng xuống bùn…

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

cảm nhận bài thơ "Đành nhớ nhau tàn bạo" của nguyễn đăng trình



biết rồi em cũng sẽ về thôi
sao trái tim vẫn chực òa tiếng nấc
vẫn y chang ngày xưa nào lâu lắc
tay run run níu chín tháng học trò

những nụ cười trên gương mặt buồn xo
không vui nổi ánh nhìn thảm đạm
già chát cả đâu mười lăm mười tám
sợ môi buông đánh rớt nụ hôn đầu

đang giữa hè mà nắng phai mau
 mặt trời ngã nhào không kịp thấy
những tàn phượng dậy thì vô tư cháy
vẫn không làm bớt lạnh những sân ga

ngày ác thế mà đêm cũng thật là
trôi đuồn đuột chiếu giường chưa kịp ấm
nồng đến vậy tình vẫn không đủ thắm
vòng tay lơi theo từng giọt bình minh

thần lứa đôi không ngó nghĩ mình
chơi khăm mãi trò trốn tìm nam bắc
nẻo em về khói mây giăng bàng bạc 
đành nhớ nhau tàn bạo trước khi xa!...
 sài gòn 16.6.1

nguyễn tiết

Lại được đọc một bài thơ hay theo kiểu NĐT. Những câu thơ không điệu đàng làm dáng nhưng đã tự nhiên đi vào lòng người như để cùng hòa vào hạnh phúc và đau khổ của kiếp người trong cõi nhân gian này.

biết rồi em cũng sẽ về thôi
sao trái tim vẫn chực òa tiếng nấc
vẫn y chang ngày xưa nào lâu lắc
tay run run níu chín tháng học trò


Vâng anh biết rồi, em sẽ phải về thôi, ta sẽ phải xa nhau thôi. Vậy mà đôi tay sao cứ hoài bịn rịn, cứ run run theo tiếng nấc, theo nhịp đập của trái tim đang chực vỡ òa. Cái cảm giác bồi hồi xao xuyến sao "vẫn y chang ngày xưa nào lâu lắc", cái thuở yêu nhau với tuổi học trò thơ dại không muốn rời xa. Tác giả đã dùng từ "y chang" có lẽ muốn khẳng định rằng dù năm tháng đã qua nhưng tình yêu tác giả dành cho nàng không bao giờ thay đổi. Và có cuộc chia tay nào không lưu luyến buồn thương. Buồn lắm nhưng cũng cố gượng cười nhưng dù có cố vẫn không dấu được nỗi buồn sâu thẳm từ trong lòng hiện rõ trên gương mặt "buồn xo", ẩn trong đôi mắt với ánh nhìn mang nét buồn xa xăm dịu vợi. Thời gian đã làm mái tóc pha sương không xanh như thuở mười lăm mười tám. Sao không trao cho nhau nụ hôn nồng say ở cái tuổi "già chát" này để tìm lại hương vị nụ hôn đầu mà thuở dại khờ đã đánh mất giữa đời nhau. Ở đây tác giả dùng từ "già chát" để nói

lên sự tiếc nuối tuổi xuân chăng?
những nụ cười trên gương mặt buồn xo
không vui nổi ánh nhìn thảm đạm
già chát cả đâu mười lăm mười tám
sợ môi buông đánh rớt nụ hôn đầu


Thế đó, em có biết không, tình yêu chân thành của trái tim anh luôn sống mãi với thời gian. Vậy mà anh lại loay hoay với những câu hỏi mà chẳng có câu trả lời.

đang giữa hè mà nắng phai mau
xô mặt trời ngã nhào không kịp thấy
những tàn phượng dậy thì vô tư cháy
vẫn không làm bớt lạnh những sân ga

Những câu hỏi làm ray rứt trái tim, hỏi ai hay hỏi chính lòng mình. Sao mùa hè mà nắng lại mau phai, ai xô mặt trời "ngã nhào" để ngày vội thành đêm tối, để sân ga không bớt lạnh lúc tiễn đưa người! Mặt trời "ngã nhào" hay hồn anh ngã quỵ khi biết rằng chút nữa đây anh đã thật sự xa em rồi. Tác giả đã dùng hai cụm từ đối lập nhau "mặt trời ngã nhào" và "tàn phượng dậy thì" có lẽ muốn khẳng định em là lẽ sống đời anh, không có ai thay thế được em trong trái tim anh, không có em lòng anh như đêm tối? Trong cái khắc khoải của sự cô đơn tột cùng đó tác giả không biết trách ai nên đành trách ngày, trách đêm vậy.

ngày ác thế mà đêm cũng thật là
trôi đuồn đuột chiếu giường chưa kịp ấm
nồng đến vậy tình vẫn không đủ thắm
vòng tay lơi theo từng giọt bình minh


Tình yêu anh dành cho em tha thiết thế, nồng nàn thế mà sao vẫn chưa đủ thắm để ôm trọn trái tim người. Đã để những yêu thương mặn nồng trôi tuột khỏi vòng tay. Ở đây tác giả lại dùng cụm từ "trôi đuồn đuột" như muốn nói lên sự thất vọng, sự bất lực trước sự đỗ vỡ như một quy luật tự nhiên hết ngày lại đến đêm, hết hợp rồi tan chăng? Khi cõi lòng đang rối bời, tác giả lại thầm trách Ông Tơ Bà Nguyệt là hai vị thần lứa đôi đã không thương xót ngó nghĩ đến mình. Lại chia uyên rẽ thúy, bắt anh và em suốt đời cứ mãi chơi trò trốn tìm người nam kẻ bắc. Làm sao anh được gặp lại em, khi "chim bay biển bắc, anh tìm biển nam".

thần lứa đôi không ngó nghĩ mình
chơi khăm mãi trò trốn tìm nam bắc
nẻo em về khói mây giăng bàng bạc
đành nhớ nhau tàn bạo trước khi xa!...

Thật mỉa mai, thật nực cười,anh có tội tình chi mà đời hành anh đến vậy. Ngày ác với những đợi chờ, đêm ác với những nhớ thương tiếc nuối những giây phút mặn nồng, thần lứa đôi ganh ghét gì mà không thương tình, không ngó nghĩ đến để chúng mình mãi mãi xa nhau. Thôi đành lòng vậy... Trước khi em về nẻo ấy không anh, nơi chỉ có mây giăng bàng bạc thì ta hãy dành trọn cho nhau hôm nay, hãy yêu nhau, hãy cho nhau hết những gì có thể để mai kia ta vẫn mỉm cười, nụ cười mãn nguyện với ngập tràn hạnh phúc mỗi khi nghĩ, mỗi khi nhớ về nhau.
NT chưa đọc nhiều thơ của NĐT nhưng qua những bài đã được đọc, NT có cảm nhận thơ của NĐT mang dáng vẻ như tưng tửng, như có, như không, lãng đãng như khói sương nhưng cũng rất gần gũi, rất thực như đời, nhưng trong sâu thẳm trong đó lại là yêu say đắm, là dâng hiến, là bao dung, là nhớ "tàn bạo" đến không ngờ và với bài thơ này như Huỳnh Ngọc Tín đã cảm nhận "Bài thơ hay lắm! Cả bài thơ hay đến từng câu chữ, không thiếu, không thừa, nó như ngấm sâu vào tâm tư người đọc".
     Qui Nhơn 24.12.2012

 khảo mai
* ngẫu họa bài thơ "Đành nhớ nhau tàn bạo" của nguyễn đăng trình

biết khủng khiếp nhớ nhau

Sao anh biết tận tường em thế
biết là em rồi cũng sẽ về
vẫn không khác ngày xưa mới đó
Vẫn thòm thèm thuở áo dài xa

Mắt thôi lanh môi cười khô úa
má phai hồng vết xạm thời gian
khóe môi hằn em cố cười tươi
sợ chân chim che khuất hẹn hò

Gió se se heo may vội vã
trời sắp đông mây thấp xuống gần
chiều dần buông mặt trời trốn sớm
ga lạnh buồn thêm buốt những tình nhân

Ngày qua nhanh đêm chừng hấp tấp
mới thấy đó rồi trôi đi đó
tình vừa khêu đêm chưa bừng cháy
nhúm tro buồn lạnh lẽo đón ngày lên

Thần lứa đôi vô tình quên ngó
để đôi mình kẻ bắc người nam
đường em về một mình vò võ
ga vắng đợi chờ biết khủng khiếp nhớ nhau...
                                    Sai Gon 24/11/2012


 


Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

cảm ơn lan hinh những tấm hình đà lạt - trần vấn lệ * thơ












Bạn gửi cho mình Đà Lạt xưa…
Những ngày Đà Lạt nắng, những ngày Đà Lạt mưa
Nắng mưa Đà Lạt đều xanh mướt
Như tóc người yêu thuở ngẩn ngơ…

Bạn gửi cho mình Đà Lạt đêm
Hình không vang được tiếng chân êm
Nhưng mà thềm gạch vang trong nhớ
Những tối nào anh theo bước em…

Bạn gửi cho mình Đà Lạt… bạn
Là bầy chim én mới bay qua
Những thoi đưa đuổi năm và tháng
Những tuổi thơ bên những tuổi già…

Bạn gửi cho mình Đà Lạt bão
Rừng thông nằm thấp, núi Bà cao
Cái hình ảnh của hai bà cháu
Đứng tựa vào nhau… mà mất nhau!

Đà Lạt của tôi Đà Lạt nhớ
Đà Lạt của tôi Đà Lạt thương
Hoa hướng dương vàng quanh núi phố
Vàng ơi áo lụa buổi chiều sương…

Tôi xa Đà Lạt đã nhiều năm
Bạn gửi cho tôi nước mắt chăng?
Ai đã theo chồng, ai mất dấu
Ai buồn những tối bước lang thang?

Đà Lạt bao la không phải biển
Ngó về chỉ thấy đám mây trôi…

-----------------
* nguồn: xunau.org

 

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

một cái vòng luẩn quẩn... hãi hùng!

nguyễn thảo

Các cuộc cãi nhau về thơ phú ở cái xứ Việt Nam là cái vòng luẩn quẩn... hãi hùng. Nhưng theo tôi, đó không phải là tranh luận mà là chửi nhau. Bản chất của các cuộc gọi là tranh luận thơ này đúng là như dzậy. Khi ông Tô Hoài chê thơ Hữu Thỉnh thì bị Trần Mạnh Hảo choảng cho một đòn. Khổ thân Tô Hoài già rồi mà vẫn dại. Trần Mạnh Hảo viết bài bênh vực ca ngợi thơ Hữu Thỉnh lên tận mây xanh. Sau đó, Trần Mạnh Hảo lại chửi thơ Hữu Thỉnh đến không còn lời lẽ nào hơn nữa...




    Các cuộc cãi nhau về thơ phú ở cái xứ Việt Nam là cái vòng luẩn quẩn... hãi hùng. Nhưng theo tôi, đó không phải là tranh luận mà là chửi nhau. Bản chất của các cuộc gọi là tranh luận thơ này đúng là như dzậy.
    Khi ông Tô Hoài chê thơ Hữu Thỉnh thì bị Trần Mạnh Hảo choảng cho một đòn. Khổ thân Tô Hoài già rồi mà vẫn dại. Trần Mạnh Hảo viết bài bênh vực ca ngợi thơ Hữu Thỉnh lên tận mây xanh. Sau đó, Trần Mạnh Hảo lại chửi thơ Hữu Thỉnh đến không còn lời lẽ nào hơn nữa.
    Trần Mạnh Hảo, Đỗ Hoàng đập thơ Nguyễn Quang Thiều liêu xiêu, tóe máu. Ai bảo giải thưởng với lại hội thảo. Lại có thần đồng Trần Đăng Khoa ma lanh xúi đểu Đỗ Hoàng nốc ao thơ Nguyễn Quang Thiều. Trần Đăng Khoa trước mặt Đỗ Hoàng thì khen thơ Đỗ Hoàng có tư tưởng và sẽ sống mãi. Nhưng ở một quán ăn, Trần Đăng Khoa bảo: đừng dính vào tay Đỗ Hoàng, tư cách vớ vẩn lắm.
    Đỗ Hoàng chửi thơ Hoàng Quang Thuận nhưng lại trong ban tổ chức hội thảo thơ Hoàng Quang Thuận, cũng nhận tiền bồi dưỡng, hihi..., rồi lại khăn áo chỉnh tề đón khách đến dự hội thảo thơ Hoàng Quang Thuận. Trần Trương (nhà thơ, không phải Trần Trương trông coi Yên Tử) nói Đỗ Hoàng nát rượu, nhếch nhác... lại cứ đi phán thơ ca với đạo đức.
    Lethieunhon.com ca ngợi Trần Đăng Khoa là người tài giỏi như là xứ Việt hết người tài rồi nhưng lại cho comment chửi Khoa là "phường bẩn thỉu” khi tung hô Nguyễn Bình là thần đồng.
    Nguyễn Bình là con trai ông Nguyễn Hòa. Lethieunhon.com đăng bài ông Nguyễn Hòa mắng thơ Hoàng Quang Thuận nhưng lại cho comment giấu tên chửi con Nguyễn Hòa.
    Nguyễn Hiếu kiện không được giải thưởng nhà nước. Sau khi không được giải thì lại quay ra chửi Hội Nhà Văn như chửi kẻ bất lương. Nguyễn Hiếu viết sách dày hàng mét nhưng tào lao không được một đoạn văn nào ra hồn. Nguyễn Hiếu không biết làm thơ nhưng chửi những nhà thơ khác như điên như khùng.
    Đỗ Ngọc Yên cũng chửi bọn làm thơ được giải hội nhà văn như Từ Quốc Hoài không bằng thơ học sinh lớp 6. Nhưng lại thức cả tháng quên ăn quên ngủ để viết một tham luận 16 trang A4 ngợi ca ngất trời đấng thi thánh Hoàng Quang Thuận lưu manh, lừa lọc. Yên là hội viên hội nhà văn với tư cách là nhà phê bình. Việt Nam mạt vận nên người như Yên mới trở thành nhà lý luận phê bình.
    Dương Kỳ Anh chấm thi thân thể gái đẹp mấy chục năm. Không biết thế nào lại nhìn Hoàng Quang Thuận có lẽ tưởng là gái, liền lạnh người khi đọc thơ Thuận. Minh Diện là cấp dưới của Dương Kỳ Anh, viết một loạt bài trực tiếp và gián tiếp mắng Dương Kỳ Anh như mắng phường giá áo túi cơm.
    Phạm Viết Đào khi còn làm cho Hữu Thỉnh suốt ngày xin Thỉnh tiền tài trợ. Khi không còn làm nữa thì cứ nhắm đầu Thỉnh mà ném đá. Thỉnh uất lắm những chưa tìm ra cách trị lại. Tất nhiên, Đào là kẻ lẩm cẩm số 1 ở hội nhà văn. Ăn nói lăng nhăng chẳng đâu vào đâu. Thế nên khi nói đến Đào thì bọn nhà văn ngồi nhậu bĩu môi: bàn làm đ... gì thẳng này. Mất ngon. Uống đi.
    Võ Thị Xuân Hà tổ chức hội thảo thơ Hoàng Quang Thuận. Khi Thuận bị lên án đạo văn, thì Hà trả lời phỏng vấn, nói ngốc không chịu được: "không biết ai đạo văn của ai”. Đúng là mắt mũi kèm nhèm, hiểu biết lem nhem. Hà vừa thích đi với Hồng Vinh lại vừa thích đi với Hoàng Quang Thuận. Chẳng biết cái bà này là thứ gì.
    Trần Nhuận Minh, anh trai Trần Đăng Khoa, trước kia hay được lethieunhon.com ngợi ca, nay viết bài khen thơ Thuận nức nở lại bị lethieunhon.com đưa comments chửi chẳng còn mặt mũi nào. Hai anh em họ Trần này góp phần không nhỏ làm sục bùn văn chương trong nước.
    Ôi... kể chuyện đến đây mệt quá. Ông này chửi ông kia, ông kia chửi ông nọ, vừa khen đấy lại chửi ngay... cứ gọi là loạn hết lên. Cái xứ Việt này loạn mọi thứ, chẳng còn tư cách gì nữa.
    Xin các ông bà lý giải giúp cái trò như tôi tạm kể ở trên là cái trò gì ở cái xứ Việt Nam này?
    Chỉ biết thấy chóng mặt và buồn nôn.
    Xin các bậc trượng phu lý giải giùm một chút hỉ.
                                                                                 
------------------------
* ngồn: vandanviet

nén nhang buồn - trần thị cổ tích * thơ



            









* kính dâng hương hồn thầy Huỳnh Châm

Ngọn nến chập chờn làm sao chống cơn bão dữ
Nên cuối cùng thầy đành phải ra đi
Dòng lệ trào dâng giây phút biệt ly
Không níu được thời gian dần mất
Xe tang dùng dằng tiễn người về đất
Học trò xưa nước mắt chảy vào tim

Thầy tôi đó giờ im lìm thanh thoát
Trả lại đời bao ước vọng nồng say
Bài giảng văn xưa còn văng vẳng bên tai
Ngấm vào óc vào tim vào mãi mãi

Chúng tôi biết yêu thơ văn từ dạo ấy
Bốn khúc đàn Kiều thăm thẳm gợi hồn say
Khí phách ngang tàng Cao Bá Quát nào phai
Gào công lý- gào tự do- tự tại

Đám học trò nào trai nào gái
Hớn hở theo thầy rong ruổi khắp nơi
Khi quây quần bên núi lúc vùng vẫy biển khơi
Cùng hoa cỏ trời trăng làm bạn
Bài học giữa bốn bức tường chưa trọn
Giữa trời mây bỗng chốc thăng hoa

Thầy mảnh mai, mảnh mai của gió
Thầy nhu hòa, bền bỉ nước trôi
Học trò chúng con bao lăn lóc giữa đời
Nhớ mãi câu “Sống làm người cho đáng”.
Dẫu đường đời có bao lần cay đắng
Vẫn giữ cho đời tha thiết một chữ TÂM.

Thầy ơi! Hôm nay…
Trong ngọn nến lung linh
trong lãng đãng hương trầm
Thắp nén nhang buồn em tưởng vọng thầy xưa.

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

chia buồn


Nhận được tin Thầy Nguyễn Kim Ba, nguyên giáo sư trường Trung học Cường Để, vừa đột ngột từ trần vào trưa thứ Hai, ngày 19 tháng Mười năm 2012, tại thành phố Quy Nhơn (nhằm ngày 06 tháng Mười năm Nhâm Thìn), hưởng thọ 71 tuổi.
         Thầy Nguyễn Kim Ba sinh năm 1942, tại xã Phước An, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Thầy từng dạy Vật Lý, Hóa Học ở các trường trung học Cường Để, Bồ Đề, Nhân Thảo... Quy Nhơn.
Lễ an táng được tổ chức vào thứ Tư, ngày 21 tháng Mười năm 2012, tại nghĩa trang Bùi Thị Xuân, TP.Quy Nhơn.
 Xin chia buồn cùng gia đình Thầy & cầu nguyện hương hồn Thầy sớm thanh thản nơi miền cực lạc.
Võ Ngọc Chuyển, Võ Thanh Vân, Phạm Đào Phát, Trần Phi Hùng, Nguyễn Hữu Nhung, Đào Văn Tuấn, Nguyễn Quốc Tuấn, Đoàn Văn Khương, Nguyễn Hữu Đệ, Nguyễn Hữu Thành, Huỳnh Công Trí, Đào Văn Thông, Phạm Văn Tam, Nguyễn Trí Tài, Trương Sa Sanh, Trần Đức Lượng, Hồ Thị Ngọc Lan, Võ Hòa, Nguyễn Ngọc Hải, Phạm Khả Dũng, Vũ Bắc Cường, Hà Ngọc Ẩn. Nguyễn Đăng Hảo, Võ Thị Liêm, Nguyễn Hữu Trung, Nguyễn Tuấn, Nguyễn Ngọc Việt…


bài chủ nhật số 11 - nguyễn đăng trình * thơ















không lẽ nào em chờ tôi năn nỉ
khi tội em đáng tống cổ ra đường
quá phiêu lưu em làm tôi liên lụy
gần hết đời chẳng khác gã cái bang!

hứa cho nhiều để rồi quên tuốt luốt
nào là… nào là… hàng lô lốc nào là…
xin nói thật tôi chỉ cần một chút
lòng chân thành mà bới mãi không ra!

nếu điếm điêu hãy điếm điêu vừa phải
xung quanh ta đồng loại cũng con người
nợ em vay tôi trân mình trả lãi
chắc gì xong ngày mắt nhắm tay xuôi!

em cần lạy ngàn lần tôi cũng lạy
không thương nhau xin đừng ám đời nhau
bất cứ gì nhỏ to em cứ lấy
rồi xéo giùm tôi chẳng giận hờn đâu…


nhớ quê ngoại Quy Nhơn

nhạc & lời: thảo trang
trình bày: ca sĩ Nẫu minh nhơn






Quê ngoại miền trung sỏi đá nắng khô cằn
Ăn miếng phổi dừa sim tím trong ngày thơ
Cây cao bóng dừa rợp che mát ven đường
Lòng con quay quắt bao nhớ thương làng xưa

Biển dài hình cong Ghềnh Ráng đá chênh vênh
Xa tít Quy Hòa khói sóng vương sầu thương
Bên bờ cát vàng mùi khô mắm oi nồng
Nồm sang gió bấc. Ôi! Rét căm mùa bão giông


Gió nước cuốn đi trôi mênh mông bao thê lương
Mộ Hàn Mạc Tử dốc Mộng Cầm mỏi mòn côi
Kìa! Tình "NẪU" đó bao chứa chan lòng tha thiết
Nhớ nhà Quy Nhơn quê ngoại ơi Quê hương tuổi thơ

Nắng vàng ngoài sân bánh tráng hong khô rồi
Ăn bánh tráng giòn yêu thấu trong tình quê
Chim chim dúi dẻ mọc hoang sát bên đường
Cù lao xanh ngát ôi dấu yêu người Quy Nhơn.

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

tiếng chuông gió mùa hè

mang viên long - vài cảm nhận về tập thơ của cao văn tam


… Tập thơ chia làm hai phần như sự tự phân định biên giới của dòng cảm xúc, của giai đoạn sáng tạo – nhưng thật ra, cũng chỉ là một: Nó xuyên suốt từ “Lời Hạnh Phúc” (bài số 1 trong “Uống Cạn Đìu Hiu” – phần I) cho đến “Ô Cửa Mùa Xuân” (bài số 60 trong “Tiếng Chuông Gió Mùa Hè” - phần 2) như con suối xanh ngắt một màu của trời mây và của đời sống!
Dòng suối trôi chảy miên mật theo thời gian, theo từng ghềnh thác gập ghềnh sâu khuất hay êm đềm giữa dòng xanh – như bao ni thăng trầm hệ lụy của đời sống cùng n lực kiếm tìm cho Thơ một sức sống mới, một thể hiện lạ, để có thể làm tốt nhất cái thiêng chức của Thơ là truyền đạt cao nhất mọi xúc cảm chân thành của Trái Tim, mọi tư duy ần tàng trước đời sống đến với người đọc:
Từ cái mênh man mầu nhiệm của Tình Yêu:
“Lời nào như huyễn hoăc
                 tự dưng ta có nhau
                 phiến đã tròn xanh mộng
                 cạn đi chén ngàn sau…”
(Lời Hạnh Phúc)
Đến sự hiện hữu của Tình Yêu :
" … Bây giờ là mùa Xuân
                   sóng sánh trên cầu treo Kon- Klor
                   nối đôi bờ lồi lỡ
                 (nếu không có ánh nắng mặt trời mùa xuân sẽ
                                                 không còn rực rỡ)
                    Như tình yêu của anh và em
                    sẽ không có không khí sắc nhọn và lạnh
                    treo vào ô cửa
                    mùa xuân…"
      (Ô Cửa Mùa Xuân)
            Tôi đã được đọc Thơ Cao Văn Tam từ những năm cuối của thập kỷ trước và 60 bài trong tập Thơ hôm nay – cảm nhận vẫn nguyên vẹn một niềm tin ở Thơ anh – rằng, mỗi chặng đường đi tới với Thi Ca – Cao Văn Tam vẫn không ngừng nuôi dưỡng sức sáng tạo được trải nghiệm rất đáng được trân trọng và hy vọng, giữa bao "tự phong nhân danh thơ" để làm hoen ố Thơ như hôm nay cho dầu được che đậy, hay phủ đầy những vòng hoa ngụy tín!"
Quê nhà, tháng 9 năm 2012
 ________

vài hình ảnh buổi ra mắt tập thơ tại Sài Gòn


chờ tình



nhạc & lời: khê kinh kha
ca sĩ: khánh ly






đời như biển – biển mênh mông
tình như bãi cát lặng câm
lòng ta là bóng trăng nằm lẻ loi
em rũ tóc – giữa đời ai
ôi mòn mõi – tháng ngày rơi
con tim chờ đợi ngậm ngùi riêng tôi
Chờ ai mấy thuở mưa rơi,
Chờ ai mây cũng xa trôi,
chờ thiên thu hỡi , chờ người tình mơ
chờ ai, chờ giữa bao la
chờ trong cơn mộng xót xa tình chờ
chờ ai, mộng đã dần khô
Hồn say như lá mùa thu,
Tình ta như đám sương mù lạnh căm…
chờ ai, chờ đến trăm năm
trăm năm lệ ướt lưu vong
một mai ai hỡi héo tàn ước mơ ?
Vầng trăng lẻ bóng đêm khuya,
Giọt sương giá buốt môi khô,
đường dài vạn nẻo mình ta đi, vê
chờ ai, tình mãi say mê
Chờ nhau, chờ hết lòng mơ,
chờ bao lâu nữa cho vừa lòng nhau?
chờ ai, dù có mòn hao
chờ nhau, dù ngàn thương đau
quạnh hiu rụng giữa lòng sầu thế gian
Chờ ai chờ chết con tim,
Chờ nhau nhạt phấn phai son,
Chờ đêm hiu hắt ngày buồn đơn côi,
Chờ ai tình có chờ tôi,
Chờ nhau ai có lệ rơi,
Chờ ai chỉ thấy một trời đau thương…
chờ ai, biển rộng đại dương
chờ ai, tình vẫn muôn phương
một lòng son sắt, một lòng chờ ai
Chờ nhau dòng nước dần trôi,
Chờ ai năm tháng phôi phai,
chờ nhau, chờ hết đường dài mây bay
chờ nhau, chua xót môi cười
Đời tôi mưa nắng đầy vơi,
Một mai thân thế ngậm ngùi người ơi!
Chờ ai tình vẫn còn say,
Chờ ai sông núi buồn lây,
chờ nhau hoa lá hao gầy tuổi xanh
chờ ai, tình vẫn lặng yên
Sầu đau rơi giữa buồng tim,
Một trăm năm nữa ưu phiền ai hay?
Nghìn thiên thu nữa
chờ tình – chờ em…

Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

chiêu anh quán – nguyễn tấn lực * thơ
















* Thân tặng: Trần Dzạ Lữ, Nguyễn Đăng Trình

Chiều cuối tuần hẹn hò Chiêu Anh Quán

Đủ mặt anh hùng cao thủ võ lâm
Nhấp miếng rượu cay ngẫu tràn thế sự
Dưới đất trên trời chẳng sót chuyện chi


Thằng em ngẩn ngơ nghe đàn anh luận kiếm
Chuyện giang hồ mưa nắng xưa nay
Bụng đầy thơ túi thì lưng lững
Yêu thơ văn nào thiết chữ sang giàu

Thả mấy câu thơ kiếm dăm chiến hữu

Đời thật vui khi phiếm luận tưng bừng
Chén rượu đầy mời người hào kiệt
Câu thơ giang hồ loang loáng đường gươm

Múa cây bút cho tang bồng thỏa chí

Gieo vần thơ cho thêm đẹp cuộc đời
Thằng em nhỏ chút tâm hồn nghệ sỹ
Ghé giang hồ lòng thanh thản vui chơi…


Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

con gái qui nhơn – hồ ngạc ngữ * thơ
















Bỗng dưng như một cánh chuồn chuồn
Anh vướng phải đường tơ từ ánh mắt
Từ cái dáng trời sinh ra để gặp
Từ nụ cười như thể để ai hôn

Trời sinh em đã mượn tạm làn hương
Kết mái tóc em thơm mùi hoa dại
Đôi tà áo mang ngày xưa trở lại
Màu trắng trong thanh tẩy những con đường

Trời sinh em lại mượn những giọt sương

Để đôi mắt long lanh ngày Xuân biếc
Cho anh gặp một khoảng trời ngọc bích
Cho bài thơ thanh khiết những nỗi buồn

Bỗng dưng như chạm phải một đường gươm

Con gái võ là phượng hoàng bay thẳng
Anh đã từng xông pha trăm trận thắng
Bỗng dưng thành bại tướng đất Quy Nhơn!

14.11.2012

------------------------------
* nguồn: huongxua.org 
  

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

tà áo lụa giữa những cánh sen [Un lembo di seta tra i fori di loto]


nguyên tác: Elena Pucillo Truong
bản dịch: Trương Văn Dân



Không khí ngạt thở bởi giao thông trong các thành phố lớn. Đó là cảm giác đầu tiên khi ghé thăm một đô thị lớn dù là Á hay Âu, ngạt thở vì hơi nóng, bụi bặm, khí thải từ các phương tiện giao thông,  khó chịu vì tiếng ồn ào của xe cộ và tiếng còi xe. Tôi nhận ra là sống trong điều kiện ấy, dần dà người ta phát triển được khả năng thích ứng, giống như một sự cam phận.
Người ta làm quen và chịu đựng tất cả mọi thứ, dù lúc ban đầu không thể nào chấp nhận, thế mà về sau lại xem những vấn nạn đó như là điều hiển nhiên trong thế giới này. Nghĩa là tôi cũng quen dần với những tiếng ồn ào của xe cộ, với những phố xá đông người. Khi trở về Ý, ở một thị trấn nhỏ yên tĩnh hơn,  thật là vô lý, tôi lại thấy thiếu vắng đám đông người, thiếu vắng những tiếng động và mùi vị của Sài Gòn. Rồi khi trở lại Việt nam, những thứ mà tôi cảm thấy “nhớ” kia lại xuất hiện và hằng ngày vây bủa lấy tôi.
Ở Ý, bạn bè rất nhiều người tò mò hỏi tôi là Việt Nam như thế nào, một đất nước xa xôi, khác biệt về khí hậu, ngôn ngữ và tập quán. Thường thì tôi nói về đời sống vô cùng khác biệt trong các thành phố lớn như Hà nội hay Sài Gòn so với các thôn xóm nằm giữa ruộng đồng bát ngát, khuất sau những luỹ tre xanh và các hàng dừa cao. Tôi luôn nói thêm là tôi rất nhớ màu xanh của lúa, các màu sắc của đồng quê, đây đó nổi lên một ngôi mộ cổ hay hiện lên một mái chùa, những ngôi nhà tranh có đàn gà cục tác hay các ao hồ có đàn vịt bình yên bơi lội. Nhưng cũng có lúc tôi nói với các bạn về sự giao thông hỗn loạn, rất giống nhau giữa các thành phố lớn, như Napoli ở Ý thì  chẳng khác Hà Nội là bao!
Ở Ý, hầu như suốt cuộc đời tôi luôn luôn là một cuộc chạy đua với thời gian. Đời sống hối hả, lúc nào cũng cuống cuồng: đi học, đi dạy, đi làm, tiếp xúc với mọi người trong cái nạn kẹt xe khốn khổ, nhiều khi ngồi bất lực một mình trong xe hơi, xung quanh được bao vây bởi những chiếc xe bất động khác. Chiếc đồng hồ trên tay tôi luôn được chỉnh nhanh hơn 15 phút để tránh việc đến nơi hẹn trễ. Luôn luôn “xung kích” , không bao giờ ngừng nghỉ.
Về sống ở Việt nam có làm chậm tốc độ sống phần nào, nhất là thời gian đầu, nhưng sau này nhịp sống hối hả cũng bắt đầu xâm nhập ở nơi đây rồi!
Một buổi chiều, sau khi xong giờ dạy ở trường đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, vừa bước vào nhà thì chồng tôi nhắc:
-        Tối nay mình còn phải đi gặp các bạn nữa đó!
Chỉ có một ít thời gian để thay quần áo và chúng tôi đã ngồi lên xe máy. Sự giao thông thường lệ vào buổi chiều… rồi đây, chúng tôi sắp đến, rẽ qua một con hẻm nhỏ sau lưng Đài Truyền Hình thành phố và dừng lại trước một bảng hiệu có ánh đèn.
Tôi chẳng biết điều gì đang xảy ra: có một điều gì đó khác thường! Chỉ mới vừa lách qua một con hẻm mà tôi đã thấy như mình đã ở rất xa phố thị.
Ngồi trên căn gác có thành chắn làm bằng gỗ tre, những người bạn mời chúng tôi đi lên. Chỉ khi ngồi xuống chiếc băng dài làm bằng gỗ màu nâu sậm tôi mới nhận biết là mình đang ở đâu: một trà quán; trên các bức tường có treo các bức thư pháp viết trên các nan tre, nội dung về thiền trà và Phật giáo. Khi nhìn bức tượng Phật thật lớn đang ngồi kiết già thiền định ở trước mặt lòng tôi bỗng cảm thấy bình yên.
Người bạn mời chúng tôi đến đây là nhà văn Nhật Chiêu, hiện đang giảng dạy văn học ở trường Đại Học KHXH và Nhân Văn, người rất nổi tiếng về những tác phẩm văn chương và các công trình nghiên cứu về văn học Nhật và Anh. Đó là một nhà văn uy tín có tài năng nhưng rất khiêm tốn. Có lẽ nhờ bản tính hiền hậu nên ông được bạn bè ái mộ và có nhiều sinh viên quý mến.
Từ nhiều năm Nhật Chiêu là người bạn rất chân tình của chúng tôi và tôi tin không phải là một sự tình cờ mà hôm nay chúng tôi gặp gỡ ở đây. Bằng sự minh triết và ôn hoà, dường như ông muốn giới thiệu với tôi những điều tôi chưa biết.
Chính Nhật Chiêu đã giới thiệu tôi với bà Viên Trân bà chủ thiền trà, mà mới đầu tôi tưởng là một nữ đạo sĩ. Đó là một thiếu phụ có khuôn mặt dịu hiền, trong sáng và bình an. Bà mặc một chiếc áo dài bằng lụa mỏng có hai tà áo bay lất phất và thướt tha. Rất nhiều năm đã sống ở Việt Nam nhưng tôi không lúc nào không hâm mộ chiếc áo dài  truyền thống của đất nước này. Nhiều năm trước, lúc mới quen chồng tôi, khi đó là một chàng sinh viên mới sang Ý du học, anh đã kể cho tôi nghe rất nhiều điều: Nhiều lần lấy xe máy chạy ra cổng trường nữ trung học lúc tan trường để chờ các nữ sinh: Một biển người thướt tha trong chiếc áo dài tinh khôi, hai tà áo trắng cùng với mái tóc huyền tung bay theo gió. Một hình ảnh đến giờ vẫn còn làm tôi xúc động là khi nhìn thấy các  cô gái mặc áo dài trắng, thong thả dắt chiếc xe đạp trước cổng trường.
Chồng tôi rất thích nhìn phụ nữ mặc áo dài. Anh nói  thoạt nhìn trông nó cũng tương tự như các loại trang phục của các đất nước Á châu khác, thế nhưng khi trời có gió hay người mặc nó chuyển động, hai tà áo ve vẩy phất phơ  làm bước đi của người đàn bà  thanh thoát và uyển chuyển.
Tôi cũng có chiếc áo dài đầu tiên của mình khi về Việt Nam lần đầu để tổ chức đám cưới vào năm 1985. Mấy năm sau, đi dự đám cưới của hai người bạn Ý ở Milano, tôi cũng thấy cô dâu mặc áo dài mà cô đã  rất thích và đặt may trong một chuyến du lịch ở Việt Nam. Đó là kiểu áo, mà như tôi đã nói, người phụ nữ  nào có cơ hội mặc nó sẽ cảm thấy mình là một bà hoàng. Dù nó chỉ có một màu hay có được thêu những hoa văn  tuyệt đẹp hay không, nó vẫn luôn lịch sự và quyến rũ.
Và chiếc áo dài mà bà Viên Trân đang mặc cũng thế: được may bằng lụa có pha những sợi tơ óng ánh, bà còn lịch sự quàng một chiếc khăn trên cổ, nút thắt hờ, làm nổi bật màu xanh da trời của tơ lụa. Giọng nói của bà nhẹ nhàng, ngọt ngào và thanh thoát như tiếng đàn tranh của một cô gái  mảnh mai đang gẩy cùng với một thầy dạy đàn tranh, nhà thơ Lê Mộng Thắng. Ông ngồi  xếp bằng trên chiếc chiếu đặt trên nền nhà với nhạc cụ của mình.
Tôi ngồi quan sát các cử chỉ thành thạo và điệu nghệ của bà Viên Trân lúc pha trà. Mỗi loại trà được chọn lựa tuỳ theo khoảnh khắc thích hợp chứ không phải tình cờ.

Bà Viên Trân giải thích là bà đang chọn trà tẩm hương sen, rồi thông cảm với vẻ tò mò của khách, bà đưa cho tôi một búp sen có những cánh vừa hé mở, bên trong có một nhúm trà và đỉnh hoa được cột lại bằng một sợi vải. Bằng cách đó, sau một thời gian trà sẽ được tẩm hương sen và toả ra trong bình trà lúc được pha nước nóng. Trong lúc quan sát các cử chỉ thành thạo của bà từ lúc châm nước sôi vào bình trà, bỏ trà vào, châm thêm nước sôi rồi sau một lúc, đổ đi. Sau hai lần như vậy bà mới châm nước sôi vào bình trà, đậy nắp và đặt giữa những chiếc tách nhỏ đã chuẩn bị từ trước.
Căn phòng lúc này thoang thoảng hương sen. Không gian yên tĩnh và thanh thoát còn thú vị hơn từ những lời trò chuyện nhẹ nhàng, từ  tiếng cười đầy tính bạn bè được đệm bằng tiếng nhạc êm dịu của hai chiếc đàn tranh. Cả thầy và trò cùng dạo nhạc và có một lúc, nhà thơ Lê Mộng Thắng còn cao hứng buông đàn để ngâm Kiều và mấy bài cổ thi, giọng ngâm ấm áp của ông được cô học trò điểm nhẹ bằng vài tiếng đàn tranh.
Trước khi uống trà, bà Viên Trân rót cho mỗi người một chén rượu nhỏ rất thơm. Bà nói đó là thứ rượu sen do mà bà tự làm, theo một công thức từ đời Trần, cách nay mấy thế kỷ. Tôi không quen uống rượu, nhưng vì tò mò và không muốn mất một chút gì trong giây phút đặc biệt nầy nên cầm lấy chén rượu nhỏ bà đưa. Hơi nóng của rượu lan khắp toàn thân lúc tôi nhấp những giọt cuối trên môi.
Chỉ sau khi mọi người uống cạn chén rượu sen bà Viên Trân mới bắt đầu chiết trà ra các tách nhỏ đang đặt thành vòng tròn trên mặt bàn. Tia nước từ vòi của ấm trà như đang vẽ một đường cong liên tục trong không gian, lên xuống nhịp nhàng từ tách đầu đến tách cuối. Bằng một động tác thật thuần thục, cổ tay thon mềm của bà chuyển động nhẹ đến nỗi như không thể nào nhận biết, bà chiết đầy trên tất cả các tách trà. Tôi có cảm giác là thời gian đã ngưng lại trong khoảnh khắc đó: Chẳng quan trọng là mình đang ở đâu, đang làm gì, ở đây không có chỗ cho quá khứ với những muộn phiền mà cũng chẳng còn chỗ cho tương lai với bao ẩn số.
Không. Chỉ còn lại khoảnh khắc vô tận này, khi tôi ấp tách trà nóng ngào ngạt hương sen giữa hai lòng bàn tay. Tôi cảm nhận được tất cả những cảm giác của mình. Một niềm xúc động sâu xa, có mang theo hậu vị thơm ngon từ chén rượu sen vừa nhấp. Hơi nóng của trà lan khắp toàn thân, và đó là một điều gì rất lạ, tuy rất “vật lý”, bên ngoài mà hình như đã mang lại cho tôi một sự bình an ở bên trong. Đó chính là niềm vui khi nhận một món quà không mong đợi, một thứ hơi ấm của tình người, có những người bạn quây quần bên nhau.
Biết bao điều tôi học được trong tối ấy! Tôi nhớ là sau đó bà Viên Trân đã mang ra mấy chiếc bánh đậu xanh mà chúng tôi nhâm nhi lúc uống trà.
Tôi còn gặp những người bạn quý và bà Viên Trân vào những lần khác trong quán trà, chúng tôi đã trao đổi rất nhiều chuyện quanh ấm trà làm khép lại những cánh hoa sen và tách trà ngào ngạt hương thơm, thế nhưng lần nào tôi cũng đều sống lại và cảm nhận cái không khí thân tình và thanh thoát đó.
Sự hài hoà của âm nhạc, của lời nói thân tình, sức nóng và mùi vị đặc biệt của rượu sen được đưa lên khi tiếp xúc với trà nóng, chiếc bánh đậu xanh, tiếng xào xạc và màu sắc quyến rũ của những tà áo dài, sự thanh thản của giây phút sống bên cạnh nhà văn Nhật Chiêu, bà Viên Trân cùng các người bạn khác như nhà thơ Lê Mộng Thắng, nhà báo Ngân Hoa… chính là lý do làm tôi rất yêu mến đất nước này. Dù đã nhiều năm sống ở đây nhưng với tôi, lúc nào tôi cũng cảm thấy là còn nhiều điều cần phải khám phá. Và kinh ngạc.

Elena Pucillo Truong
Saigon 7-2012

------------------ 
* nguồn: xunau.org