Nhà báo Hoàng Linh sinh ngày 13-10-1962, công tác tại Báo
Tuổi Trẻ TPHCM từ tháng 8-1989. Bản án hình sự phúc thẩm số 2114 /HSPT từ ngày
15-9- 003 đến 30- 0-2003 đã tuyên Hoàng Linh 12 năm tù, thời hạn tính từ ngày
bắt tạm giam 22- 3-2002. Ngày 24/10/2007 Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam ký quyết
định đặc xá cho nhiều phạm nhân đã cải tạo tốt và đã khắc phục hoàn toàn hậu
quả vụ án, trong số đó có nhà báo Hoàng Linh. Cũng như nhiều mảnh đời hoàn lương
khác, với sự giúp đỡ của xã hội, nhà báo Hoàng Linh đã có việc làm và ổn định
cuộc sống. Những ngày tháng tăm tối trong lao tù được nhà báo Hoàng Linh viết
lại thành những hồi ức in 2 kỳ trên ấn phẩm Dòng Đời số 1 phát hành ngày
25-5-2012 và Dòng Đời số 2 phát hành ngày 1-6-2012. Như một nguồn tư liệu văn
chương và báo chí bổ ích, lethieunhon.com xin trân trọng giới thiệu cùng bạn
đọc gần xa.
Kỳ 1: Đại gia điên loạn và thế giới tâm linh của tử tù
Những bạn tù đầu tiên
… Tôi được đưa đến một trại giam ở TP.HCM tạm gọi là trại T,
thủ tục đầu tiên là cởi đồ ra khám xét, xem có đem vật cấm vào trại không và đi
thẳng vào buồng giam. Cửa sắt đóng sầm sau lưng, trước mặt là bóng tối phủ đầy,
chân tôi ngập trong cái gì đó, mùi xú uế xông lên nồng nặc.
- Bình tĩnh ông thầy, ông thầy đạp trúng “thần tài” của đại
gia điên rồi.
Buồng giam dài khoảng 3 m, chiều ngang cũng vậy, hai bên là
hai phản ngủ bằng xi măng, giữa là lối đi đầy phân và nước tiểu. Phía bên phải
là cái đầu cắt cao của ai đó hơi nhỏ con, bên trái là người cao gầy chân bị
xích lại. Tôi nhanh chóng làm quen với Hải, người bạn tù dễ mến đầu tiên trong
cuộc đời tù tội mà tôi không ngờ nó sẽ kéo dài đến vậy. Còn ông bạn bị xích
chân, người mà Hải gọi là đại gia điên hóa ra là người quen: Trần Văn Giao, giám
đốc bất động sản với nhiều dự án nổi tiếng và càng nổi tiếng với mối quan hệ
cùng diễn viên điện ảnh rất nổi tiếng V.Tr. Tôi mở lời chào, Trần Văn Giao đứng
một chân, niệm chú bắt quyết trông điên không chịu được.
- Nó giả điên, tiêu tiểu tùm lum nhưng chưa dám ăn cơm với
phân…
Có tiếng đập tường thình thình từ cả hai phía, Hải áp tai
vào tường, vừa gò vừa đập để trả lời:
- Chúng nó hỏi ông thầy tội gì, em nói là thầy giáo đụng xe
người ta, nó nói nếu là băng Năm Cam thì nói chuyện, còn “se sẻ” thì thôi. Em
nói ông thầy là chim cút.
Tôi đang rầu thúi ruột nhưng cũng phải bật cười trước những
chuyện kỳ lạ trong nhà tù. Chia cho Hải nửa ổ bánh mì cán bộ công an mua cho,
đưa nửa ổ cho Trần Văn Giao, anh ta xô ra rồi hạ chân lê xuồng bồn cầu ngồi đưa
mặt vào bồn cầu nói rì rầm.
- Nó đang nói chuyện với “chị thỏ”… Lẽ ra lính mới phải nằm
dưới “phi đạo”, nhưng thôi, ông thầy lên nằm với em…
Đang đuối sức, vừa đặt lưng xuống phản xi măng tôi đã ngủ
vùi. Đang mê mệt có ai đó lôi tôi dậy:
- Thằng điên ngủ rồi, em không biết sống với ông thầy được
bao lâu nên phải nói ngay bây giờ. Cán bộ quản giáo trại này tốt lắm, không để
tù bị điều tra đánh đâu. Nếu thấy nó (cán bộ điều tra) muốn động thủ ông thầy
phải la lớn “báo cáo cán bộ, điều tra đánh tôi”, quản giáo sẽ đưa mình về buồng
giam không cho hỏi cung nữa.
Mười tám ngày trôi qua tôi vẫn không thừa nhận điều gì và
rất an tâm với “cẩm nang” của Hải. Điều kiện vệ sinh của buồng giam tiếp tục
kinh khủng, Trần Văn Giao vệ sinh ngay chỗ nằm và trộn phân vào cơm, nói năng
lảm nhảm nhưng đã ngừng tấn công Hải. Tôi bàn với Hải đề nghị cán bộ tháo xích
cho Trần Văn Giao.
- Không được đâu ông thầy, nó phá dữ lắm, đánh bạn đồng
cảnh, tạt nước dơ vô cán bộ. Mà ông thầy biết chưa, hai buồng giam kế bên đã
chuyển đi hết, họ cách ly ông thầy rồi, không phải chuyện bình thường đâu! Ông
thầy hãy lo cho mình trước đã.
Dù vậy khi gặp cán bộ tôi vẫn đề nghị cởi xích cho Trần Văn
Giao, trại giam đồng ý với điều kiện tôi phải cam kết Trần Văn Giao sẽ thực
hiện đúng nội quy, không quậy phá nữa. Được tháo xích, Trần Văn Giao dọn dẹp
phòng khá sạch và mặc quần dài áo sơ mi trắng suốt, kể cả lúc đi ngủ, nhưng vẫn
không nói chuyện, lúc nào cũng tọa thiền quay mặt vào tường lâu lâu la lên: “Tr.
ơi, anh yêu em”.
Đến ngày thứ 19, vừa điểm danh phát cơm nước xong, cửa phòng
giam lại mở ra:
- Anh Hoàng Linh, chuyển trại.
Hải rớt nước mắt dặn nhỏ tôi “ông thầy coi chừng “chèo” (cơ
sở của điều tra) nhé” .Trần Văn Giao xin cán bộ cho tôi nán lại ít phút và anh
hát tặng tôi trọn bài hát có câu đầu là “Như chưa từng có giây phút lìa xa”…
Hơn 10 năm sau, khi ra tù tôi mới biết đó là bài “Chân tình”.
Trong buồng giam số 7
Gặp lại anh điều tra viên khám nhà tôi:
- Anh Linh vào xe cho, sẽ là kỳ nghỉ dài hơn ông tính đấy,
vì ông không hợp tác nên chúng tôi buộc phải chuyển ông đến nơi rất phù hợp với
ông.
- Tôi ổn không cán bộ?
- Gọi tôi là anh em được rồi, ông không ổn, báo đăng ông dữ
lắm, báo P. còn viền đen hình ông, y như ảnh báo tang.
Sau câu đó anh công an không nói thêm câu nào, tôi thì nhìn
mê mệt cảnh vật bên đường qua cửa kính xe. Ôi Sài Gòn, không biết còn gặp lại
không!
Vài giờ sau, tôi được bàn giao cho trại tạm giam của một
tỉnh, tạm gọi là trại G. Người đàn ông trông như thầy giáo, áo sơ mi ngắn tay,
kính gọng đen, tự giới thiệu là thiếu tá, phó điều tra gì đó nghe không rõ:
- Mình bị thần kinh tọa, đau lắm nhưng cũng còn đủ sức tiếp
đón ông Linh. Hoàng Linh đã đến đúng nơi rồi.
Ông ta đưa tôi đến buồng giam P7, tù gọi là xà lim P7:
- Nhà ông số 7, tôi cũng cho ông ở buồng giam số 7, các ông
chỉ toàn thích số đẹp. Châu Phát Lai Em, Hoàng lựu đạn, Dũng chim xanh đều ở
buồng này và đều cúi đầu nhận tội. Không quá 7 ngày đâu.
Những gì diễn ra ở đây, hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm
vụ án Năm Cam đã làm rõ, tôi chỉ ghi chép lại mấy chuyện lặt vặt, cũng gọi là
khá ly kỳ.
Buồng giam quá tối nên lát sau tôi mới nhận ra đống thịt lù
lù ở phản bên phải là Sáu Được, một nhân vật lừng danh trong vụ Năm Cam, phản
bên trái là một người mày râu nhẵn nhụi, tóc chải láng mướt như đang ở ngoài
đời tự giới thiệu tên là Ba Tân. Sáu Được sợ “chèo” nên không dám nói gì còn Ba
Tân thì huyên thuyên trăm chuyện, nào là Hồ Việt Sử ở buồng bên cạnh, Năm Cam
cũng ở trong trại này. Tôi ậm ừ cho qua chuyện rồi đưa bàn chải đánh răng bị
chặt cán chỉ dài bằng ngón tay trỏ thắc mắc. Ba Tân bảo:
- Mấy thằng tù hay mài nhọn bàn chải đâm nhau nên cán bộ
chặt cụt cho chắc cú.
Thấy đã hết chuyện nói, Ba Tân nằm xuống ngáy pho pho. Lính
mới phải nằm dưới “phi đạo”, không có chiếu tôi trải áo ra nằm xuống. Nằm chưa
ấm chỗ, cửa buồng giam lại mở để đưa tôi ra hỏi cung.
Chắc đã nửa đêm về sang, có tiếng động ầm ầm cho biết cửa
buồng giam mở ra liên tục, Sáu Được trở mình: “Ở đây cán bộ làm việc suốt đêm,
vội gì, tới chú bây giờ!”.
Tôi thấy Năm Cam trên đường
từ buồng giam lên phòng cung, Năm Cam đi khập khễnh, tóc bạc trắng, răng cũng
chẳng thấy… Tôi xin được chào thăm Năm Cam, ông phó điều tra nói:
- Không được, nhưng ông và Năm Cam
sẽ phải đối chất về mối quan hệ với ông H (lúc đó là thứ trưởng Bộ Công an).
- Tôi không biết ông H.
- Biết hay không đừng vội trả lời.
Giang hồ cộm cán cũng ngán… tử hình
Thời gian sau có những đêm cửa các buồng giam mở rất lâu mới
đóng lại, Ba Tân giải thích: nhập tù mới.
Trại G chật ních, toàn giới giang hồ cộm cán trong Nam ngoài Bắc
đều được đưa về đây: Năm Cam, Hiệp phò mã, Long đầu đinh, Dũng đui, Dũng Bắc
Kạn, Oanh hà, Thủy té, Hải bánh, Hải chó ngao, Bình kiểm, Thành sùi, Sơn bạch
tạng… Không hiểu vì lý do gì tôi được chuyển đi các trại khác rồi lại quay về
trại G để chờ ngày đi trường (đi trại giam để thi hành án phạt tù). Nếu phạm
nhân khác khi điều tra xong xác định hành vi phạm tội đều được chuyển lên buồng
lớn nhốt tập thể thì tôi vẫn ở buồng giam riêng đến ngày đi trường. Hai năm,
quá dài với sức chịu đựng của tôi. Tôi thèm được ra khỏi buồng giam dù chỉ
trong phút chốc, thèm bị đánh vào mặt miễn là được nhìn thấy trời xanh mây
trắng, nhìn thấy mặt người. Đáng sợ nhất là khi đêm xuống, những tử tội chờ
ngày đi bắn không ngủ, khua xích chân và ca hát nói chuyện suốt đêm. Chỉ khi
đến kẻng 5 giờ sáng họ mới an tâm ngủ vì biết còn được sống thêm một ngày nữa,
bởi lệnh thi hành án tử hình luôn được bắt đầu bằng thủ tục đưa tử tội ra khỏi
buồng giam vào lúc hai, ba giờ sáng. Tử tội sẽ được bữa ăn cuối cùng gồm cơm,
canh, cá kho, ly cà phê sữa và điếu thuốc lá… Thường tử tội chỉ chọn cà phê và
điếu thuốc mà không dùng trọn vẹn bữa cơm ân huệ.
Tử tội Châu Phát Lai Em thường chờ đợi bằng cách rao lô tô:
- Con vượn bồng con
Lên non hái trái
Con gái có chồng
Đàn ông có vợ
Còn người ở đợ
Thì kêu lô tô
… Tôi bóc con cờ
ra, cờ ra con mấy, con mấy gì đây…
Sát thủ giết người nổi tiếng nhất trong giới giang hồ đang
chờ thần chết bóc con cờ ra! Châu Phát Lai Em là trùm băng chợ cá Cầu Ông Lãnh,
từng thách đấu, giết người giữa ban ngày ngay chợ cá. Bao giờ cũng vậy, Lai Em
rao lô tô xong các buồng giam khác đáp lễ bằng bài hát bày tỏ hối hận vì không
thể về nhà chịu tang mẹ:
- Khăn tang cha quấn
trên đầu đưa mẹ ra nghĩa trang buồn
Trại giam bốn bức
tường cao con ăn năn biết nói sao
Hồi nhỏ đã bao mùa
lúa con cùng sống trong gia đình
Đến năm mười sáu
con cải lời của mẹ cha
Giờ đây khôn lớn
con bơ vơ Đồng Phú ba (tên phạm nhân dùng gọi phân trại một trại giam ở miền
đông nam bộ).
Các phạm nhân khác tiếp lời bằng những bài hát nói về nỗi nhớ
xã hội, gia đình, sự ăn năn hối hận, thế thái nhân tình và sự bội bạc của người
đời. Cuối cùng im lặng bao trùm, những người tù quay mặt vào tường khóc thầm.
“Thế giới tâm linh” của những kẻ mặc áo tù
Người tù có những niềm tin kỳ lạ: cào cào bay vô phòng là có
thăm nuôi, con gián là đổi buồng giam, bọ ngựa là có “chèo”, cú kêu hoặc chim
thầy chùa gõ cốc cốc là quê nhà có tang. Tù sợ nhất là “cặp đôi hoàn hảo” chim
thầy chùa và chim cú nối nhau tấu khúc “Tiếu ngạo giang hồ”. Nghĩa là nếu chim
thầy chùa gõ mỏ ban ngày, tiếp đến cú rúc ban đêm thì ngày mai tù đi xử bị
tuyên án tử. Tôi không nhớ là ngày mấy tháng mấy của năm đó, vừa phát cơm chiều
xong cả bầy chim thầy chùa gõ mỏ cốc cốc vang rền ở đám cây gòn khu biệt giam
vừa bay đi thì ở đó lại phát ra tiếng cú rúc không rầm rộ như bầy chim gõ mỏ
nhưng đều đều, dai dẳng không dứt như tiếng gọi hồn…
Vừa kẻng báo ngủ (21giờ) có tiếng kêu cứu từ dãy biệt giam
cách tôi mấy buồng: “Báo cáo cán bộ có người tự tử”. Bị can Thanh T (trong vụ
án buôn bán chất ma túy) thắt cổ chết. Tôi còn vài lần chứng kiến sự tiên
nghiệm này của người tù. Vào đúng đêm trăng non, chim thầy chùa gõ mỏ, cú rúc
trước phòng giam tử tội Sáu H. Trong quá trình điều tra, bà Sáu H tỏ ra bản
lĩnh đàn chị, nhận hết hành vi để giảm nhẹ tội cho đám đàn em. Khi còn ở “võ
lâm Trung Nguyên” thì khỏi nói, Sáu H cầm đầu băng cướp trên 10 thành viên hoạt
động trên xe tốc hành, bà cho đàn em tiếp cận hành khách, đầu độc họ bằng nước
ngọt, nước tăng lực pha thuốc mê. Sau khi lột sạch tài sản, Sáu H ném hành
khách xuống đường, mặc kệ nạn nhân sống chết. Sáu H còn chỉ đạo đàn em mua hẳn
2 xe tốc hành để hoạt động khép kín. Băng cướp di chuyển liên tục theo xe tốc
hành nên công an rất kỳ công mới phá án được. Cho dù đã đạt đến “cảnh giới” của
tội ác nhưng khi nghe “cặp đôi hoàn hảo” tấu khúc “Tiếu ngạo giang hồ”, bà Sáu
H đã hoảng loạn la hét, van xin các oan hồn tha tội rồi ngất xỉu, bác sĩ trại
phải xuống cấp cứu. Ngay hôm sau, Sáu H bị tuyên án tử hình.
Thì ra cho dù xem thường mạng sống người khác, họ vẫn run sợ
khi tính mạng chính họ bị đe dọa dù đó là nguy cơ thật sự hay chỉ là giấc chiêm
bao, với những tiếng chim hoặc những hiện tượng thiên nhiên bình thường.
Sự tiên nghiệm có vẻ vô lý của người tù được lập lại nhiều
lần trong ngày xét xử Trương Văn Cam (án tử), Vũ
Hoàng Oanh (Oanh hà, chị ruột Dung hà, án tử), Ngô Đức Minh (Minh sứt, bị cáo
trong vụ án buôn bán chất ma túy, án tử). Sau này Ngô Đức Minh được ân giảm còn
tù chung thân.
Sau khi bị tuyên án tử, Trương Văn Cam bỏ ăn mấy ngày, gặp
ai cũng nhắn lời xin lỗi: “Chú cho anh xin lỗi, vì hoàn cảnh thúc ép chứ anh
không có ý hại chú”. Trương Văn Cam cũng tỏ ra ăn năn hối lỗi nhắn lời xin lỗi
gia đình những nạn nhân. Trong bức thư tuyệt mệnh trước lúc bị bắn, Trương Văn
Cam dặn dò những người trong gia đình không đi theo vết xe đổ của mình… Phải
chi tiếng chim dị thường đó cất lên sớm hơn khi họ vừa tập tễnh bước chân vào
con đường tội lỗi!
Gần hai năm ở buồng giam, tôi mới nhận quyết định thi hành
án phạt tù tại một trại ở miền Đông Nam bộ, tạm gọi là trại A, tù thường gọi là
đi trường, nơi mà về nguyên tắc người tù sẽ được cải tạo lao động, học nghề
trong cộng đồng tù nhân rộng lớn để trở thành công dân có ích khi mãn án phạt.
Tôi xin phép cán bộ từ giã bạn thân thiết, cán bộ ngạc nhiên
khi tôi quay lại buồng giam và đem ra con cóc lớn. Tôi bắt nó vào phòng và nuôi
gần một năm nay, buổi tối tôi đặt con cóc lên bụng, nó nhảy vòng quanh mặt tôi
để ăn muỗi. Bây giờ nó trắng kỳ lạ như con vật bạch tạng, tôi nhìn xuống tay
mình và thấy cũng trắng kỳ lạ! Tôi thả con cóc vào đám cỏ, trả tự do cho bạn
thân. Từ đây tôi có thể nhìn thấy trời xanh mây trắng, nhìn thấy mặt người.
Đọc hồi ức của nhà báo Hoàng Linh, chắc chắn không ít người
sẽ cảm thấy ê chề khi nhìn lại những tác phẩm văn xuôi Việt Nam đã và đang
được tung hô trong vài năm gần đây. Cuộc đời sinh động và khốc liệt như thế,
nhưng tiểu thuyết và truyện ngắn Việt Nam lại tẻ nhạt và đơn điệu. Một
thế giới phía sau song sắt được nhà báo Hoàng Linh kể lại cũng chính là lời
cảnh tỉnh cho thứ văn xuôi õng ẹo và nông cạn vẫn chiếm lĩnh văn đàn nước ta.
Hãy nghe nhà báo Hoàng Linh chia sẻ: “Bước ra khỏi trại, bạn tù kêu tên chia
tay rất nhiều, nhưng tôi không dám quay đầu nhìn lại mà đi thẳng đến dòng kinh
cạnh đập nước. Tôi định nhảy xuống để rủ sạch tội lỗi, nhưng thôi. Tội lỗi có
thể tha thứ, nhưng không thể rũ bỏ được, nó sẽ đeo đẳng suốt đời”.
Kỳ 2: Thoát chết trong gang tấc để đi đến phút giây “qua
kinh sạch mình”
Đi tù cũng giống… đi tu
Chuyến xe tù đưa tôi từ trại G đến một trại giam của Bộ Công
an ở miền Đông Nam Bộ, tạm gọi là trại A, bề ngoài to đẹp như công viên. Sau
khi làm thủ tục, cán bộ trại bảo:
- Trại sẽ đổi cho anh 500.000 đồng tiền phiếu để mua những
thứ cần thiết tại căn-tin trại. Thường đến ngày thăm nuôi mới đổi nhưng cán bộ
giải quyết để anh sinh hoạt. Số tiền còn lại sẽ gửi lưu ký. Anh nên sinh hoạt
tiết kiệm. Tay anh sao thế?
- Báo cáo cán bộ, gần đây tay tôi bị rung.
- Tôi cho anh quả banh tennis cũ, lúc rảnh anh dùng lòng bàn
tay bóp nó để trị.
Không ngờ món quà này cứu tôi thoát chết khi tôi chuyển đến
trại “Bồ Câu” sau này.
- Anh ở buồng B3. À,
anh có nhiều người quen trong đó…
Tôi chập choạng bước. Phòng B3 đây rồi, ngang 6 m, dài 20m,
hai phản xi măng lót gạch, hai bên phía trên là hai gác lửng tương tự, trong
cùng là phòng vệ sinh tập thể. Đội đi lao động hết nên tôi ra ngoài và bị lôi
vào nhóm đang uống trà bên bếp lửa.
- Tôi là Thảo ma…
Thảo ma, nhân vật thân cận nhất của Năm Cam, người theo Năm
Cam từ thuở hàn vi đến khi ông trùm xộ khám. Rồi đến Lắm què, tay “phá hỏa”
trong các sòng bài (chia bài), nay rót trà không một giọt rớt ra ngoài, điêu
luyện như chia bài. Mau mắn lịch thiệp là Tám Liệu, người được phân công đưa
hối lộ trong băng Năm Cam. Cũng như tôi, mấy anh này án tù đều trên hai con số.
Họ lên trước tôi vài ngày, vẫn ổn, chưa va chạm ai trong trại… tất cả đều nhờ
sự giúp đỡ của Dũng lì. Dũng lì thi hành án tại đây đã lâu, vào tù ra khám cũng
nhiều nên biết cách sắp xếp cho anh em. Tôi đã đọc phóng sự nhiều kỳ về Dũng
lì, con đại bàng “thành bịnh” ở đất Bình Thạnh, nay mới gặp. Dũng lì nấu nồi
thịt kho mời cơm anh em dưới gốc cây lớn:
- Ông Linh ăn cơm với tôi vài ngày rồi tôi sắp xếp cho thằng
Vinh ở B3 lo cơm cho ông.
Chiều tôi sang ăn cơm với Vinh, 20 tuổi người ở quận 8
TP.HCM. Phòng đông nghẹt, mỗi người được nằm một cục rưỡi gạch chiều ngang,
riêng tôi được cán bộ sắp cho nằm cạnh anh Hiệp, đội trưởng kiêm trưởng buồng,
được 2 cục gạch. Khi cửa buồng giam khóa lại, cơm nước xong mọi người gần như
cởi hết quần áo vì quá nóng, xem tivi đang phát phim “Thời niên thiếu của Lý
Tiểu Long”, hào hứng lắm. Phim đang hay, có kẻng báo ngủ, đội trưởng tắt tivi,
ai nấy nằm xuống lập tức nhắm mắt.
Cả hôm sau, chúng tôi học nội quy trại giam, gồm 3 nhóm:
những điều phải làm, những điều nên làm, và những điều không được làm.
Mấy anh em lắc đầu: chắc không làm nổi! Tôi nghĩ khác, khi
khó khăn đến ta không thể trốn tránh mà phải đề ra nguyên tắc ứng xử để sống
cùng với khó khăn, nhất là những khó khăn kéo dài. Cứ xem nội quy như quy định
ở nhà tu khắc kỷ, thôi thì nếu ngoài đời đi tu tự nguyện thì ở đây đi tu bắt
buộc, cùng đi trên con đường trở thành người tốt cho xã hội, vậy tại sao không
tu?
Tôi còn hỏi cách thức se sợi chỉ làm dụng cụ nhổ râu, cắt
móng tay móng chân vì trại chỉ cho cắt tóc vào những lúc nhất định. Mấy tay
giang hồ gộc còn dạy tôi tự vệ và chiến đấu bằng cái khăn tắm, thứ “vũ khí” mà
người tù có thể mang bên mình bất cứ lúc nào.
Đến trại “Bồ Câu”
Hơn 10 ngày sau, một sáng sớm có lệnh chuyển trại, chỉ một
mình tôi, nơi đến không được thông báo.
Chuyến xe tù qua nhiều cầu phà, đường càng lúc càng lắc léo,
đến nơi mặt trời đã lên đỉnh đầu. Nếu cảnh quan bên ngoài trại A đẹp như công
viên thì ở đây là Shangilar đẹp đến nao lòng… Con đường độc đạo trải đá dài hun
hút, hai bên là hai hàng cây xanh trồng theo dạng kiểng cổ thụ đều tăm tắp, bên
trong là kỳ hoa dị thảo đủ màu sắc được chăm sóc công phu, những mái nhà nhô
lên xa xa như lâu đài trong chuyện cổ tích. Bên kia là đập nước chảy cuồn cuộn.
Nắng như nung. Bỗng có tiếng đập phành phạch trên không, trời như tối sầm lại,
hàng ngàn con bồ câu từ đâu bay về trại.
Tôi mê mãi nhìn đám mây bồ câu kéo dài không dứt cho đến khi
nghe tiếng bước chân rào rào. Tôi nhìn xuống cảnh tượng thật hùng tráng, đoàn
người kéo dài hàng cây số thân hình lực lưỡng để trần bóng loáng lần lượt nhảy
xuống đập nước bơi sang bờ bên kia rồi xếp thành hàng. Bao nhiêu bùn đất đều
trôi theo dòng nước. “Qua kinh sạch mình”, chuyện này tôi nghe kể nhiều hồi ở
tạm giam, giờ mới thấy. Nghe nói những người phạm tội nặng khi ra tù đều nhảy
xuống kinh bơi qua bờ bên kia để rũ sạch tội lỗi trước khi về đời.
Cán bộ dẫn giải đưa tôi vào trại. Đây là trại CB nhưng tôi
vẫn thích gọi là trại Bồ Câu như ấn tượng (xin viết tắt là trại BC từ đây, và
xin lược bỏ “báo cáo cán bộ” trong phần đối thoại để dễ đọc - PV).
Tôi được đưa về đội 4 do Đức đại bàng làm đội trưởng:
- Anh Linh muốn sinh
hoạt với Tân man hay Kỳ khùng?
- Tân man (tôi nghĩ
man man chắc đỡ hơn khùng).
Phạm nhân (PN) sinh hoạt theo nhóm từ 2 đến 4 người gọi là
mâm, việc này có ý nghĩa giúp nhau trong sinh hoạt: người lấy nước, người lấy
cơm, người hâm nấu thức ăn, người giặt đồ… PN đông hơn trại A nên tôi chỉ được
nằm một cục rưỡi gạch, mà ngủ ngon.
Hôm sau đội đi làm cỏ lúa, cách trại BC khoảng 6 km sâu
trong cánh đồng. Tôi không nhớ chỉ tiêu được giao là bao nhiêu nhưng nhiều lắm.
Tân man biến đâu mất. Không chung mâm với ai nên khi xin nước uống ai cũng lắc
đầu, tôi đành tìm vũng nước trong súc miệng cho đỡ khát vì trời nóng như đổ
lửa. Đội hình lao động dàn hàng ngang, tôi tụt lại sau khá xa, đuối sức. Cán bộ
giám sát tên Xa bước xuống:
- Anh Linh đến chỗ
đầu bờ quét dọn cho sạch để trưa cán bộ ăn cơm. Đức chấm chỉ tiêu cho anh này.
Nắng đứng bóng, PN di chuyển đến giữa ruộng khô để ăn uống,
nghỉ trưa, cán bộ vũ trang chốt xung quanh trên các bờ bao, không có cây lớn
nên cán bộ cũng chịu cảnh nắng nóng như tù. Từng nhóm PN dựng lều bạt, nấu mì
gói làm canh ăn cơm. Tôi không thành mâm nào nên cởi áo tù che mặt ngủ. Đang mơ
màng chợt có cái gì đó rớt trên bụng: ổ bánh mì thịt, cùng bóng người mặc cảnh
phục đi phớt qua, tôi chỉ thấy lưng, Ôi, quới nhân! Tôi ăn ngấu nghiến và còn
được Đức đại bàng kêu đến mâm cho uống trà.
Hôm sau rút kinh nghiệm tôi nhập vào mâm Tùng lé và không
phải lo về hậu cần. Buổi trưa lúc tù nghỉ lao động trời đang nóng như chảo lửa
bỗng tối sầm, nước đổ như thác, tối đen. Lệnh tập hợp, điểm danh vang rền. PN
xếp thành hàng đi về trại, ban đầu mát mẻ sau lạnh thấu xương.
Đức đại bàng nói cán bộ Xa rất nhân đạo cứu tôi vì nếu không
tôi sẽ phải đứng học 2 giờ nội quy vì thiếu chỉ tiêu và ảnh hưởng xếp loại thi
đua.
- Hoàng Linh thấy rất
nhiều bồ câu phải không? Bồ câu là linh vật của trại này, không ai được đụng
đến. Ngày mai đội đi mót lúa, anh Linh sẽ còn thấy nhiều chuyện kỳ lạ hơn, chỉ
cần tù gầm lên chim trời rớt xuống, chuột trong hang bò ra nộp mạng…
- Kim mao sư vương Tạ
Tốn?
- Không phải sư tử
hống trong phim chưởng, mà là tù hống…
Đúng như vậy, khi đội đi mót lúa, anh em ào xuống cùng lúc,
những con chim thấy động bay vụt lên, anh em thót bụng lại gầm lên: “Mầy” thì
chim rớt lịch bịch, bị tóm gọn. Chuột cống nhum to bằng bắp chân bung khỏi hang
chạy trốn, lại “mầy”, chúng cúm giò tê liệt, bị tù vồ lấy.
Những ngày làm đồng kéo dài với đủ loại việc, tôi đen như
cục than mà cứng cáp hơn. Nhưng bắt đầu rắc rối: tắm mất xà bông, đánh răng mất
kem, ăn cơm mất nồi thịt kho, nhận quà thăm nuôi bị rọc túi xách, đang ngủ bị
đạp vào bụng… Tôi xin cán bộ chuyển đội khác và cũng nhờ Đức đại bàng cho tiếp
cận anh Hai, án 18 năm, người được coi là uy tín nhất trong PN:
- Tôi án dài nên chỉ
xin hai chữ bình yên. Rừng nào cọp nấy, anh là cọp còn tôi là cắc ké kỳ nhông,
xin anh quan tâm để tôi cải tạo tốt.
Anh Hai gật đầu. Thế là các hết hiện tượng quấy rối. Tôi
được chuyển đội 2, tách vỏ hạt điều. Đội trưởng là anh Chín chó.
Suýt mất mạng dưới tay bạn tù
Trại có gíam thị mới, ông là người địa phương công tác tại
trại này hơn 10 năm, rất thương tù. Giám thị tiến hành bổ sung cơ sở vật chất
để việc lao động học nghề và sinh hoạt của PN tốt hơn, như xây nhà xưởng, hệ
thống cung cấp nước, thư viện, cà phê văn hóa, sân bóng, thành lập đội văn
nghệ… Trong trại vui nhộn hơn, giảm hiện tượng gây rối, đánh nhau, cờ bạc…
Trại giam này thật ra không giống nhà tù (trừ việc cách ly
PN ra khỏi xã hội) mà nửa giống hợp tác xã nông nghiệp nửa giống làng thanh niên.
Trại phân theo tổ đội đa ngành nghề: mộc, hồ, trồng kiểng, tách hạt điều, may
banh, trồng lúa, trồng cây công nghiệp… Lao động theo chỉ tiêu và được chấm
công, nếu đủ chỉ tiêu và vượt chỉ tiêu PN được đi cà phê, đánh bóng, thư viện,
xem phim… và được xét giảm án từng đợt.
Tôi được ra lao động tự giác và được phân công lao động ở
nhiều nơi rồi làm đội trưởng đội văn nghệ, trật tự… Làm trật tự, tôi đã đụng
chạm đến nhiều anh em PN kể cả các băng nhóm đang nhen nhóm, trở thành mục tiêu
tấn công.
Hôm đó tôi ra xưởng hạt điều để phụ giúp cán bộ giám sát
buổi nghỉ trưa, từ phía sau Du và Sò nhảy đến đè tôi xuống đất. Tôi vùng thoát
ra được và trông thấy Du cầm dao lột vỏ hạt điều, Sò cầm bóng đèn đập vỡ đầy
mảnh nhọn cùng xông tới. Trong tù không có khái niệm bỏ chạy, tôi xốc đến Sò,
tay trái gạt bóng đèn, tay phải bóp cổ Sò, bàn tay tập luyện với quả bóng
tennise rất khỏe làm Sò nghẹt thờ nên đã đâm chậm lại chỉ làm thủng phần mềm
hông trái tôi. Tôi quật ngả Sò, ngay bên cạnh Du cầm dao đâm tới. Anh Phước (thư
ký đội 1) dùng tay hứng lưỡi dao giúp cán bộ vũ trang khống chế và tước dao của
Du. Đức đại bàng từ đầu kia xưởng chạy đến giúp cán bộ ổn định tình hình. Hơn
500 PN chứng kiến cuộc đấu có ai đó la lên “phim hay quá” làm cả xưởng bật cười
ồ xóa tan không khí căng thẳng đến nghẹt thở. Ít lâu sau, khi dẫn đội đi khám
sức khỏe, tôi bị ai đó từ phía sau đập vào đầu nghe cái rổn, tôi ngả xuống.
Tùng lé đè lên người tôi để che các đòn tấn công tiếp tục nhưng kẻ tấn công đã
bỏ chạy.
Tú rồng, người cầm cục gạch đập vào đầu tôi khai vì cục gạch
bị bể vụn nên bỏ chạy mà không tấn công tiếp. Anh ta nhất quyết không khai ai
thuê tấn công tôi dù xác nhận rằng tôi và anh ta không mâu thuẫn gì.
Cao điểm xảy ra lúc vừa ăn tết xong, một PN bí mật bẻ đôi
kéo hớt tóc đâm vào cổ tôi từ phía sau khi các đội đang xuất cổng đi lao động.
Máu phun thành vòi như thọc huyết heo, tôi lấy cả hai tay bụm lại nhưng máu
phun mạnh quá bung cả hai tay ra. Cán bộ Minh dùng khăn lông quấn cổ tôi lại và
mang xuống trạm xá cấp cứu. Bác sĩ trưởng trạm nhận định tình hình không ổn nên
may vết thương lại và cho chuyển bệnh viện tỉnh, cổ tôi phù máu to như quả
bóng. Bảo thái tử (Trương Hiển Bảo, con Năm Cam) cho tôi ly trà đường nóng:
- Anh Linh uống lấy sức, cố gắng mở mắt không được ngủ…
… Hình như đang làm các xét nghiệm, các kỹ thuật viện thông
báo các chỉ số để bác sĩ giải phẫu. Có giọng nữ, hình như y tá: “Ông này không
bệnh gì mà chết trẻ, uổng ghê”. Tôi dần thiếp đi, bất chợt hiện lên hình ảnh
con đường đất đỏ đầy bụi và mái ngói nghèo chốn quê nhà ở Hóc Môn, xin vĩnh
biệt…
Khi tôi mở mắt ra, vật đầu tiên tôi thấy là đôi mắt thật gần
của bác sĩ. Ông nói:
- Ông mê man suốt hai
ngày đêm rồi, bị đứt cả động mạch cảnh, tĩnh mạch cảnh và chấn thương cổ nặng
nhưng vẫn qua khỏi, thật kỳ diệu. Tôi may thẩm mỹ cho cổ ông đẹp trai…
Tôi định cảm ơn nhưng
không thể vì miệng ngậm dây thở, thân hình dây nhợ tùm lum... Tuần sau tôi ngồi
được và ăn uống dần bình thường lại. Ngoài những cán bộ trại giam đến thăm, tôi
còn gặp vị khách đặc biệt, anh Chín chó, đội trưởng đội 2, vừa được đặc xá đợt
Tết:
- Họ chỉ cảnh cáo anh
thôi, khi về trại đừng tìm hiểu vì sao bị tấn công, như vậy mọi việc tự nhiên
sẽ yên. Tù là vậy…
Tôi gật đầu.
Hai tuần sau tôi trở lại trại giam, nghe lời Chín chó tôi
lao động bình thường, không tìm hiểu, và đúng là bình yên. Nghe tôi bị đâm, vợ
tôi vào thăm và đề nghị ly dị, tôi đồng ý vì hiểu vợ tôi không đủ bản lĩnh vượt
qua cảnh chồng đi tù dài hạn.Thủ tục ly dị khá gấp rút để cô ấy kết hôn với một
Việt kiều Mỹ.
Mọi việc rồi cũng qua, tết này mâm của tôi xôm lắm vì được
báo Tuổi Trẻ thăm nuôi. Ban đầu tôi định không ra vì mắc cỡ, dù sao tôi cũng
làm thiệt hại quá lớn cho uy tín của báo, nhưng nỗi nhớ còn lớn hơn nên đành
làm mặt dày vậy… Các anh chị đều xót xa vì thấy tôi khác xưa quá nhiều. Họ mua
cho tôi đầy đủ các thứ cho cái Tết xôm tụ trong tù, và tặng tôi quyển Chuyện
tình tự kể, lập tức tù chuyền tay nhau đọc.
Nhà báo Hoàng Linh lao động tại một xưởng mộc trong tù!
Giấc mơ kỳ lạ và ngày trở về
Năm sau đó dịch cúm gia cầm bùng phát ở nhiếu địa phương,
đàn bồ câu bị ra lệnh tiêu diệt nhưng cán bộ bắn được chỉ vài con,tất cả bay đi
mất hết. Những anh em cùng sinh hoạt với tôi lần lượt ra đi. Có người mãn hạn,
về đời. Có người ra đi vĩnh viễn vì dính HIV/AIDS. Người bạn thân nhất của tôi
là Đức đại bàng được đặc xá:
- Hoàng Linh ở lại
bảo trọng, khi nào mơ thấy chúa ngục thì mới được tự do.
- Chúa ngục trông ra
sao?
- Anh không thể nói
được, nhưng đúng như vậy đó…
Đức đại bàng đặc xá đợt 1, tôi có trong danh sách đặc xá đợt
2. Tôi cố hình dung chúa ngục như thế nào để nằm mơ gặp, nhưng khi giấc mơ đến
chỉ thấy mặt người đen sì, chắc Bao Công chứ không phải chúa ngục. Và tôi rớt
đặc xá năm đó.
Đúng năm sau có đợt đặc xá lớn, tôi được làm thủ tục nhưng
không dám đặt niềm tin nhiều. Đêm 23/10/2007 đang ngủ ngon giấc tôi bị lay dậy
và trông thấy một người mặc áo bà ba nâu đen, tóc xõa dài che khuất mặt hai tay
đóng gông đứng cạnh chỗ ngủ. Tôi la hét và thức giấc, thì ra chiêm bao tôi đã
thấy chúa ngục.
Ngày 24/10/2007 tôi được chủ tịch nước đặc xá trả tự do,
tổng cộng tôi đã thi hành án tù hơn năm năm rưỡi.
&
Bước ra khỏi trại, bạn tù kêu tên chia tay rất nhiều nhưng
tôi không dám quay đầu nhìn lại mà đi thẳng đến dòng kinh cạnh đập nước. Tôi
định nhảy xuống để rủ sạch tội lỗi, nhưng thôi. Tội lỗi có thể tha thứ, nhưng
không thể rũ bỏ được, nó sẽ đeo đẳng suốt đời.
* nguồn: Báo Dòng Đời, bản vi tính do lethieunhon.com thực hiện!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét