Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

sự cố từ đâu đến? - triệu từ truyền




Tôi là một tài xế sinh ra ở  Phnompenh, ông nội tôi là người Việt Nam làm bồi cho Ông chủ đồn điền người Pháp, sang sống ở CompongChàm, từ những năm 30 của thế kỷ 20 ở đây có hàng vạn hecta cây cao su với hai nhà máy chế biến mủ tờ, ba tôi hoạt động Việt Minh, ba chìm bảy nổi với phong trào cách mạng rồi về lại Campuchia khi đảng của Hun Sen cầm quyền. Tối nay, sau cả tháng đi làm trên vùng đông bắc Campuchia, giáp với Tây nguyên và Đông nam bộ của Việt Nam, tôi về thăm nhà ở thủ đô, tôi gặp Kim Sa một cô gái giang hồ, có hai dòng máu Việt – Khơ me. Tôi kể Kim Sa nghe cuộc găp gỡ tình cờ: Sáng hôm qua, tôi đang lái xe tải lớn vận chuyển đá từ Ratanakiri về Krachéh để dặm vá lại đường, tôi đi được một phần ba đoạn đường 350km, tôi phải nói vậy vì đường tỉnh lộ này những cột cây số còn trắng nhách, chưa ghi gì cả, thậm chí chưa kẻ vạch trắng giữa tim đường. Lái xe không có vạch trắng chia hai làn đường rất khó định phần mình được phép lưu thông. Từ xa tôi nhìn thấy một đám đông đang tụ tập quanh một chiếc xe Camry màu đen đầu chúi xuống rảnh nước, hai bánh sau còn bám được bờ cỏ lề đường. Tôi dừng xe lại vì nhận ra một người đứng tuổi mặc chiếc quần màu sáng, áo bình tô đen bóng vẫy tay, khuôn mặt cương nghị đầy vẻ chịu đựng:
- Anh có dây cáp không giúp tôi kéo xe này lên?
- Con sẵn sang kéo lên, không tiền nong gì đâu, người Việt giúp nhau thôi!
Tôi gật đầu sẵn sàng và cho biết không có dây cáp. Ông ta chỉ cho tôi một sợi dây thừng buộc vào một mấu sau đuôi chiếc Camry móp méo và vỡ vụn tấm kính trước dù còn dính vào khung xe. Tôi bảo cậu bé Khơ me làm lơ cố nối dây đứt đoạn đó vào mấu phía trước chiếc xe tải nặng đầy đá. Tôi lên xe cày số de, chỉ nhích lên vài tấc chiếc Camry lại chúi xuống như một con chuột nhắt cố thoát ra khi bị chân mèo níu giữ chặn đuôi, nhưng dây thừng lại đứt vì không chịu nổi hai lực lớn. Có người báo cách đây non cây số có một máy cày mang theo dây cáp. Nhưng nói qua nói lại nào tiếng Khơ me nào tiếng Việt, mất mấy khắc mà chẳng ai chạy xe đi lấy dây cáp. Người chủ xe bị nạn hiện lên vẻ sốt ruột trên nét mặt dù hết sức kềm chế để trầm tỉnh. Một chiếc máy cày đang gác chảo bảy phía sau lăn bánh, tôi thấy ông ấy nói gì đó, đoán là nhờ máy cày kéo xe bốn chỗ lên, tôi lại nói với ông: - bác nhờ họ phải thỏa thuận giá trước, nếu không… - Máy cày đi luôn vì nó cũng không mang theo cáp. Một ông đi xe Lexus hai cầu mới tinh, ông ăn mặc tươm tất, áo trắng bó sát vào thân người mập mạp đang trao đổi nhỏ nhẹ với người bị nạn. Tôi nghe loáng thoáng ông ta thương lượng giá để kéo xe Camry lên. Chủ xe gặp nạn chỉ chiếc xe chở đá của tôi, xem chừng không kiếm lời được, ông ta lên xe dông mất. Bỗng có hai nông dân Campuchia xuất hiện, chở một đóng dây xích sắt trên xe gắn máy, một anh đòi 50 ria tương đương 250 ngàn đồng. Người đồng hành với chủ xe Camry trả giá: ba mươi ria thôi! Người nông dân ngồi sau nói đồng ý. Tôi ra hiệu cho cậu bé lơ xe nối dây xích vào hai xe. Không quá 30 giây chiếc xe Camry đã lên lòng đường. Đoạn đường hơn 200 km từ thị xã Bung Lung về đến ngã ba nối vào đường số 7 này mới tráng nhựa và rãi đá dăm năm ngoái, trước đây chỉ là đường đất đỏ, vào mùa mưa như bây giờ lầy lội kinh khủng. Hai bên đường có ba, bốn đại công ty Việt Nam đang cày ủi rừng nghèo để trồng cây công nghiệp. Ông chủ chiếc xe Camry lấy đô la Mỹ cho tôi để cám ơn, nhưng tôi từ chối và Ông mời dùng cơm trưa khi đến ngã ba. Giữa trưa ngồi trong quán bên đường mà không nóng lắm, vì vài ba ngày qua có bảo ngoài biển Đông, mây che phủ khắp bán đảo Đông dương, người đồng hành hỏi ông chủ:
- Anh Tư muốn gọi món ăn gì?
- Hiền gọi cho hai cậu xe tải đi, anh chỉ muốn uống cà phê thôi không thấy đổi. Chú Hiền đã ngoài 50 tuổi khuôn mặt khắc khổ, trán nhiều nếp nhăn, rất lịch thiệp:
- Hai cậu quen ăn gì ở quán này cứ gọi nhé!
Vưa ăn cơm trưa, chúng tôi vừa trò chuyện. Chú Hiền kể:
- Khoảng 15 phút sau sự cố, có một xe Mersedes 16 chỗ do anh tài xế Khơ me dùng dây thừng kéo đít xe lên được một chút thì đứt dây, tôi bảo cần có dây cáp hay dây xích mới đươc. Hơn một giờ sau mới gặp hai cậu đó, nhiều người hứa giúp nhưng họ đi luôn.
- Nhưng ông chủ và chú đi đâu vậy?
- Đi ký hợp đồng làm vươn ươm cây giống cao su, có mấy công ty bên kia cầu Sê pook, họ cần hàng triệu cây giống trong nhiều năm để trồng mấy vạn hecta cao su. Bác Tư chen ngang hỏi tôi:
- Ở đây hình như những chỗ khai hoang không có dân ở?
- Dạ, con cũng thấy vây…
- Nếu như vậy sẽ ít đụng chạm với dân, bác biết bên Lào khi cấp trên giao đất cho công ty trồng cao su, không nghiên cứu cẩn thận,có vài nơi không để đất lại cho dân bảng chăn nuôi, trồng trọt. Lúc tiến hành khai hoang hoặc trồng cây rồi vẫn bị dân thả bò vào thậm chí còn bị lấn chiếm diện tích để trồng hoa màu, thật rắc rối. Bác vẫn phải đóng thuế hằng năm đủ 100%, trong khi dân đã chiếm mất 20% diện tích khai hoang rồi. Bác nói với những người quản lý và bảo vệ ở đó không được đụng đến dân, luôn tôn trọng quyền lợi sinh sống của họ…
- Con thấy mấy nước nhỏ như vầy, quan chức chỉ lo thu đươc tiền bỏ túi mà ít quan tâm đến sống chết của dân, phải không bác. Chú Hiền mỉm cười:
- Anh Tư dễ xúc động, thương người nên hay nói vậy thôi, mấy cháu ăn cơm đi đường còn xa mới đến chỗ giao đá làm đường. Chuyện lớn ấy để chính quyền ở đó lo, thời thế mà cháu.
- Con nghe mấy người dân chỗ xe bị lật nói nếu bác Tư không né leo lề chắc chắn người phụ nữ đi xe gắn máy sẽ bị đụng chết, vết xe cho thấy bác Tư thắng lết bánh nhưng do tốc độ khá cao nên xe lật. Bác Tư thắc mắc không biết vì sao xe bị nạn:

- Con lái xe chuyên nghiệp, con biết tại sao xe bị lộn vòng tròn không?

- Bác kể lại lúc đó ra sao?

- Bác đang chạy khoảng 100km/giờ, bỗng một xe gắn máy chạy ngược chiều lảo đảo băng qua trước đầu xe của bác, Bác bẻ lái hết vào lề phải, nghe bánh xe lăn rào rào như một bánh bị xẹp, bác nói với chú Hiền xe bể bánh, chú Hiền cũng lặp lại bể bánh rồi. Bác nhấp thắng, thấy không ăn nên quay vô lăng qua trái một chút, xe không theo ý mình,và sự cố ập đến.
- Thông thường con thấy khi xe cua vòng, thắng không ăn, hoặc khi bác đạp thắng lần hai quá gấp nên xe lật. Theo con, Bác phải kiểm tra lại thắng, cũng có thể xe bị dính thắng, rối theo quán tính xe vọt qua lề luôn.
Chú Hiền ngơ ngác: Chú chẳng biết gì về xe! Tai qua nạn khỏi là quá mừng rồi. Chú thấy ông Tư từ đầu đến cuối vẫn tỉnh bơ, trong lúc chú hoảng hốt sợ khiếp vía. Ông còn nói với chú đâu bằng bị tra tấn trong tù.
- Vậy bác Tư có theo cách mạng sao? Nhìn tướng giống ông chủ làm ăn lớn.
- Bác Tư mày còn làm thơ nữa đó.
Ông Tư gạt ngang: bây giờ nói chuyện đó làm gì, thôi chia tay đi còn nhiều việc đang chờ, hẹn gặp nhau ở Phnompenh. Tôi nhìn theo chiếc Camry móp méo quẹo về bên phải, đến tỉnh lỵ Stoeng trêng sửa xe, thấy thương cho hai ông già bôn ba. Tôi rồ ga đạp xe

theo hướng ngược lại, trời rớt hột lưa thưa, mưa giữa trưa. Kim Sa nghe xong, rơm rớm nước mắt:
- Thôi chết rồi, hai ông đó mới ăn cơm chiều ở quán này hôm kia, hai ông ấy “mát xa” mà không chịu “mát gần”, Em gặp và tâm sự nhiều với ông Tư, em nghe chú Hiền nói ông Tư biết làm thơ, nên nằng nặc kêu ông Tư làm bài thơ theo lời em kể. Sáng ngày sau Ông Tư để lại tờ giấy này ở quầy tiếp tân. Tớ giấy trắng theo kiểu photocopy thông thường, chữ viết lớn nên dễ đọc, tôi đọc lại cho Kim Sa nghe:
Lỡ bước
Tặng Kim Sa (Phnompenh)

đâu còn đẹp nữa hỡi người

ngực em vừa ngã hướng đời dạt xa

em từ sân hận sinh ra

từ đau thương xọc vào nhà ấu thơ
em lao vào những giấc mơ
tìm đâu hạnh phúc mịt mờ khói sương
trãi thân sưỡi ấm lạc đường
mà người khinh bỉ như phường gian manh
lòng em luồng gió mát lành
ai kia đố kỵ tan tành nghiệp duyên
sao người phán một câu điên
“Em là bồ tát đương nhiên giữa trần!”                       ‘
hình như ai bước lỡ chân
xuống trần thế chẳng nên thân chút nào
tới đi khỏi tiếc tiêu hao
đồng tiền bạc phước chui vào lỗ đen
ngực em căng lại sức hèn
giúp ai thiền định bay lên không cùng.
Đọc xong tôi ngẫm nghĩ Kim Sa không nói thật, vì sợ bị cho là xui xẻo:
- Tại em mà ông Tư bị sự cố xém chết.
- Em có làm gì đâu?
- Rất may mà hai ông không bay mất vào không cùng đó.
- Anh nói quá, em nghe ông Tư nói có một luận sư Phật giáo tên là Osho viết rằng làm tình cũng thiền định được. Hai ông vẫn được Trời Phật độ bình yên mà? Em không chơi với anh nữa đâu!
- Em nói xạo…
Kim Sa giận dữ nói với tôi bằng tiếng Khơ me mấy phút liền, cho rằng tôi dị đoan và thề không bao giờ ngủ với tôi nữa. Tôi thoáng buồn vì làm cô nàng giận mình, đúng là do tôi hồ đồ, trên đời này mấy ai tìm đúng nguyên nhân của biến cố hay sự cố, ví như vụ tai nạn xe của ông Tư, cảnh sát xe cho rằng ông phóng nhanh; kỹ thuật viên sẽ nói do thắng không ăn, tay lái cứng quá; thầy bói thì nói đang gặp vận xui, cánh tài xế cho rằng do ông ngủ với ả điếm mạt vận, còn ông thì đổ thừa cho người đi xe máy lấn tuyến… Kim Sa ơi anh sẽ xin lỗi em, nhưng em hiểu cho rằng mấy ai tìm được đúng nguyên nhân của một kết quả, nguyên nhân thường võ đoán...
Ai cũng tự nhận chính mình là nguyên nhân của mọi thắng lợi, mọi thành công, còn thất bại là do từ đâu đó./.

Stoeng treng-Gia Lai,12-7-2012
-------------------
* nguồn: tác giả


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét