“Tôi bị ốm”.
Gã chỉ nói được thế, nỗi tủi hổ làm nghẹn giọng. Quả thực
trong túi không còn một cắc, gã ngập ngừng không biết có nên tìm cha “đầu nậu” mượn
thêm tiền tạm ứng, khi chính gã vi phạm hợp đồng không giao bản thảo đúng kỳ
hạn. Sau cùng, chọn trên giá chẳng còn cuốn sách nào bán được gã đành cắm đầu cắm
cổ dịch thêm chương nữa và ôm chồng bản thảo xuống đường.
Sức mạnh dạ dày thực ghê gớm, nó xóa hết ám ảnh mọi thứ “thư
mời” của cảnh sát, câu chuyện lập lờ, bí hiểm của tên giả hành khất, hình
ảnh chợt có chợt không ngoài ban công của nàng Emily ngoài đời… còn lại duy
nhất nỗi phân vân liệu cha "đầu nậu”có chịu chi nữa không?
Để cầu điều đó, gã thắp hương lầm rầm khấn khứa trước đức
Phật Bà trên trang thờ, mặc bộ quần áo màu đen thẫm và hai lần ra khỏi nhà gặp
gái đều quay lại làm lão gác dan sinh nghi, vẫy gã lại.
“Này có chuyện gì cứ dở ra dở vào vậy?”.
“Không, không có chuyện gì”.
Lão nhìn gã, hạ giọng:
“Thế đã đến đấy chưa? Đồn cảnh sát ấy mà”.
Gã cau mày, bực dọc:
“Bữa trước hẹn nhưng ốm, nay chưa thấy mời lại”.
Lão la lên ngắt lời gã:
“Việc gì phải mời lại? Bữa trước ốm không tới giờ khỏe rồi,
phải đến đi chớ”.
“Được..được…”.
Gã nói thật nhanh, cốt xong việc dứt ra mà đi nhưng
lão gác dan vẫn níu lại, thì thào vào tai gã.
“Người ta có hỏi, cậu cứ nói độc thân, chẳng có bạn bè nào tới
lui cả nhé”.
Gã chợt nhớ lời dặn của tên giả hành khất, a... thì ra
hắn mua đứt được cả lão gác dan này rồi, nhưng mà tại sao phải thế?
có chuyện gì rồi sao? Gã vờ lắc đầu:
“Không, không nên giấu nhà chức trách, tôi vẫn có một anh và
một cô bạn thỉnh thoảng đến chơi”.
“Ấy chớ, chớ, chuyện đó... việc vặt ấy mà, cậu nói ra làm gì
tổ rách việc”.
Lão rối rít căn dặn và sau khi gã đã hứa cam đoan
không đả động chuyện đó lão mới buông tay cho gã đi.
Thất thểu ôm chồng bản thảo, lê bước trên phố, cái đói
mỗi lúc một cồn cào làm gã quên béng nỗi ngờ vực do lão gác dan vừa gây ra. Nhà
thằng đầu nậu sách mãi cuối thành phố, nhưng một xu không dính túi nên gã đành
bỏ qua chiếc xe buýt xì khói vào mặt, chịu hành hạ bởi mùi xào nấu ngào ngạt và
tiếng réo của dạ dày. Không nghe, không ngửi, không thấy, lúc này nhất định
phải “ba không”, gã nhủ vậy, muốn đạt tới “vô ngã” của thiền sư tốt
nhất là nhịn đói ngồi giữa dãy quán ăn này.
Vậy mà đã ba “không” rồi gã chợt nhận ra ngay cả đôi chân
cũng không chịu cất bước. Rất có thể gã ngã xỉu ngay trước một quán cà phê đang
oang oang hát “money, money” của nhóm ABBA nếu như từ bên trong không
phóng ra một người nhỏ thó, đầu bù xù ôm chặt lấy gã:
“A ha… tóm được ông rồi nhá. Gớm. Tu luyện mãi, giờ mới ôm
bản thảo hạ sơn đấy hả?”.
Để gã khỏi chạy mất, nhà thơ Trầm Hoài Tử giằng lấy tập
giấy, lôi gã sềnh sệch vào quán, om sòm gọi “một ly cà phê thật đặc” cho
nhà thơ siêu hiện đại:
“Ông chơi với bạn bè chẳng đẹp tí nào, cái tối hôm ra mắt
câu lạc bộ thơ thể nghiệm ấy, tôi dồn hết cảm hứng cốt đọc tặng riêng ông thôi,
ấy thế mà lúc đọc xong trở về chỗ, đã thấy mất hút ông từ lúc nào, hôm nay ông
phải nghe bù thôi, đây là thể nghiệm mới của tôi mà nếu không để ông biết tới
thì là một tội ác, một tội ác”.
Nhà thơ đặt chồng bản thảo của gã xuống bàn, chẳng hề đếm
xỉa tới nó, đỡ lấy ly cà phê trong tay cô gái xinh đẹp, đập tay lên đùi gã.
“Nói thực, về mặt thẩm thơ, tôi chỉ phục ông thôi, mấy thằng
phê bình vẫn ba hoa bốc phét trên báo chỉ lòe được đám con nít đang mài đít
trên ghế nhà trường. Rồi ông sẽ thấy trường ca của tôi thực sự là một thể nghiệm,
âm điệu mới, cảm xúc mới. Bây giờ người ta chưa thấy hết giá trị của nó, nhưng
độc giả đời sau sẽ thấy cha ông chúng nó không phải toàn những tên bất tài”.
Gã tuyệt vọng không thể chen được lời nào vào phần
giáo đầu thao thao bất tuyệt, đành ngồi thụt sâu trong ghế gỗ lo ngay ngáy tác
động của cà phê đặc sánh và đắng ngắt đang cào cấu dạ dày. Giá như hắn đãi mình
cà phê sữa thì hay quá, bụng rỗng tuếch lại bắt mình xơi cái thứ đắng ngắt này
bằng giết mình. Gã nhấp nhổm tìm cô gái xinh đẹp lúc nãy để xin mấy thìa đường.
Nhà thơ Trầm Hoài Tử kêu lên:
“Ông định chuồn hả? Ông khinh tôi thế kia ư?”.
Gã vội vàng:
“Không , không nhất định tôi phải… đòi ông đọc thơ. Nhưng…”.
Gã vừa định bày tỏ cái nguyện vọng tầm thường, không may cô
gái xinh đẹp đã lướt qua, mất hút vào trong. Thôi được, thôi được, mình sẽ lại
gọi cô ta, gã nhủ thầm và nhấp một ngụm cà phê đắng chát nữa. Chao ôi, bụng dạ
cồn cào, nôn nao như có cái bàn chải đang chà sát, lát nữa có đường nhất định
phải ăn vã cả một thìa to cho dịu cơn buồn nôn. Chịu khó đợi chút đi, cô ta sắp
trở lại. Nhưng mà… kìa, nhà thơ đã cất tiếng đọc, gã không thể cứ hau háu tìm
cô gái, đành quay sang nhà thơ, cúi gằm, ra vẻ trang trọng lắng nghe.
Không may lòng thành thực đón nhận nghệ thuật của gã bị tan
vỡ bởi cơn cồn cào đã dâng lên tới tai cho dù nhà thơ Trầm Hoài Tử có hét lên
chăng nữa. Những lời cao đẹp với nhiều cung bậc cũng đều biến thành tiếng chày
gõ màng tang. Không sao cả, dù có thế nào, gã cũng quyết nín chịu để nghe cho
tới hết. Và rồi khi nhà thơ ngừng lại nhấp ngụm cà phê, gã mừng rỡ, đập hai tay
vào nhau hổn hển.
“Hay, thơ hay quá…”.
Nhà thơ lắc quày quạy:
“Chưa đâu, chưa tới đoạn hay nhất đâu, đây mới là phần dạo
đầu”.
Trời ơi, trong đầu gã bỗng bốc lên một niềm uất hận không
phải nhà thơ mà chính thể loại trường ca anh ta đang sử dụng. Sự lắm lời
đó cho tới nay các nhà thơ vẫn chưa chịu nhường cho các bà bán cá ngoài chợ.
Gã tuyệt vọng liếc mắt theo cô gái chạy bàn vừa lướt qua,
không, không thể dứt cái mạch cảm hứng đang bốc cao của nhà thơ chỉ vì một nhu
cầu tầm thường như thế được, vả lại lúc này đã quá muộn, có cả chục thìa đường
cũng chẳng giúp được gã chẹn giữ được cơn buồn nôn đang lăm le bật tung khỏi
cổ. Sau cùng bài trường ca đã đọc xong, nhà thơ lặng đi trong xúc cảm và rồi ngạc
nhiên không thấy bất cứ một tán thưởng nào, đành phải ghé sát mặt gã:
“Sao? Ý kiến ông ra sao? Không đến nỗi dở quá phải không?”.
“Bục”, trời đất ơi, nếu nhà thơ không tránh thật nhanh theo
phản xạ, ắt là cả khối nước đen xì bật từ miệng gã hẳn đã tung tóe lên mặt.
“Sao thế? Ông làm sao thế?”.
Nhà thơ giữ chặt hai vai gã, rối rít gọi cô chạy bàn, hàng
trăm con mắt tò mò đổ dồn tới, phút chốc cả một dãy bàn đã náo loạn cứ như vừa xảy
ra một vụ bỏ thuốc mê vào cà phê để trấn lột. Lúc này bụng đã nhẹ nhõm, cơn cồn
cào giảm hẳn, gã mới mở được mắt ra, thều thào:
“Không sao, không việc gì, tôi chỉ bị nôn ra thế thôi…”.
Nhà thơ Trầm Hoài Tử sau khi đã xem xét kỹ lưỡng cái chất
lỏng đang được cô chạy bàn lau đi bằng cả một cái bao tải rách, nhìn gã đăm đăm
rồi nhếch miệng cười: “Phải từ sáng ông chưa ăn gì đúng không?”.
“Tôi… tôi đói”.
Nhà tơ kêu to:
“Bỏ mẹ… đang đói mà bố nốc cái thứ cà phê này thì có mà lộn
tung phèo hết ruột gan”.
Mặc cho gã run bắn, che mặt vì hổ thẹn nhà thơ vẫn cứ oang
oang gọi một đĩa bánh mì ốp lết.
“Khách khí quá khổ thế đấy? Giá như lúc nãy ông cứ bảo
thẳng: tớ đang đói, phải ăn cái gì mới uống cà phê được, vậy có hơn không. Thơ
ông xem ra hiện đại thế mà cách sống của ông lại cổ hủ quá vậy?”.
Gã đành phải nuốt hổ thẹn theo miếng bánh mì phết trứng gà
mà hứa với nhà thơ rằng lần sau sẽ thẳng thắn mạnh dạn hơn.
kỳ 25
Tuy nhiên gã vẫn "sĩ" nói sáng nay quên ăn vì phải tới nhà ông “đầu nậu sách” cho kịp hẹn. Nghe nhắc tới tên đó, nhà thơ sầm mặt, giận dữ:
kỳ 25
Tuy nhiên gã vẫn "sĩ" nói sáng nay quên ăn vì phải tới nhà ông “đầu nậu sách” cho kịp hẹn. Nghe nhắc tới tên đó, nhà thơ sầm mặt, giận dữ:
“Thằng đó là đồ con buôn,
biết mẹ gì văn chương nghệ thuật. Ông biết không, trong khi nó nuôi bốn con bẹc
giê toàn bằng bít tết thì nó không bỏ ra một cắc in thơ tôi. Nó cần cóc gì sáng
tác chân chính, nó chỉ cần tiền. Nó bỏ ra cho ông một triệu thuê dịch truyện
nhảm nhí nó phải thu về ít nhất sáu triệu. Kỳ này nhất định tôi phải lôi nó ra
công luận tội kinh doanh văn hóa độc hại”.
Gã biết đã lỡ lời nói ra câu
chuyện làm ăn của thằng “đầu nậu” để nhà thơ đùng đùng nổi giận buông ra những
lời lẽ chẳng thi ca tí nào.
“Cả ông nữa, nhà thơ lại gào
lên, thật đáng tiếc ông là người có tài lại cam chịu làm thuê cho nó. Dùng chữ
nghĩa kiếm tiền là chết rồi, suy đồi, tha hóa, trượt dốc rồi. Thảo nào bao lâu
nay người ta chẳng thấy ông làm thêm được câu thơ nào, tôi quý tài ông, tôi mới
nói thẳng…”.
Cuối cùng nhà thơ cũng buông
tha cho gã ôm chồng bản thảo lủi thủi ra khỏi quán sau khi đã thuyết một hồi về
sứ mạng thiêng liêng của người cầm bút, về sự xung khắc giữa văn tài và tiền
bạc, về sự cần thiết phải chống xu hướng thương mại hóa nghệ thuật đang
dồn thi ca chân chính vào chân tường…
Quả thực đúng như nhà thơ
nói, nhà thằng “đầu nậu” có tới bốn con bẹc giê khổng lồ, một con nằm ngang cửa
sắt, một con chân cầu thang, một con chầu cửa phòng, con còn lại quanh quẩn bên
chân hắn như tên vệ sĩ trung thành. Hắn phủ đầu gã một trận hùng hồn về “chữ
tín” trong làm ăn, làm gã tối tăm mặt mũi không kém gì lúc nghe nhà thơ dẳn mặt.
“Ông chậm hợp đồng đúng hai
mươi mốt ngày rồi ông nhớ chưa? Ông có biết ông gây thiệt hại bao nhiêu tiền
không? Mười triệu tiền giấy đọng ở nhà in chờ ông dịch xong, lãi xuất tính rẻ
mười lăm phần trăm, cứ chậm in một tháng mất đứt triệu rưỡi”.
Chừng ra oai đủ rồi, thằng
“đầu nậu” tụt trên giường xuống, khệ nệ vác bụng đi tới mở tủ lạnh. Cho dù
những lời đồn đại về hắn đã bay tới tai gã khá nhiều, gã không ngờ thằng gã
trọc phú, béo múp đầu này đã từng cầm viên phấn đứng trên bục giảng, đã từng là
chồng một cô giáo hiền dịu và cha của một đứa trẻ. Hắn đã vứt tuốt cả những phụ
tùng chỉ gây phiền hà cho công cuộc làm ăn, đã tậu ngôi nhà kiên cố này, tụt
sâu mãi trong hẻm, suốt ngày ngồi thu lu đếm tiền bên chiếc két sắt kê sát đầu
giường, mà chắc ngoài hắn ra không ai biết trong đó có bao nhiêu. Hắn bật nắp
lon bia hộp, tu ừng ực, nhón một cục giò trong đĩa hất hàm.
“Ông dùng thoải mái đi,
chừng nào sách ra tôi sẽ đãi ông chầu nhà hàng ngất ngư".
Gã nhìn con bẹc giê lưỡi thè
dài, hỏi một câu chẳng ăn nhập gì tới nó:
“Ông ở… độc thân vậy chịu
được ư?”.
Thằng “đầu nậu” vỗ bụng cười
lớn:
“Độc thân nhưng đổi món
thường xuyên. Ngày nào tôi cũng phải thuê một em thật thơm đến dọn dẹp, đấm bóp,
lên giường, lâu lâu đổi em khác, vậy đã sướng bằng vua chưa”.
Hắn liếc đồng hồ treo tường:
“Ông có khoái cái món đó
không? Chốc nữa có một em tôi nhường ông dùng trước, được chưa?”.
Gã lắc đầu quầy quậy, bụng
chỉ lo hắn dùng món đó thay tiền tạm ứng mà từ lúc đến, gã loay hoay nghĩ mãi
không biết nói ra thế nào, nhân đó, gã đánh liều.
“Thôi thôi, tôi đang lo chạy
gạo, chẳng bụng dạ đâu nghĩ chuyện đó. Ông cho… cho tôi tạm ứng đợt nữa, đủ
sống để dịch nốt…”.
Gã hổn hển, cố mãi mới nói
hết câu, run bắn trong nổi hổ thẹn khiến gã chỉ muốn quăng vào bộ mặt đầy thịt
kia tất cả bản thảo, hợp đồng, bia… Sa đọa quá, mình sa đọa quá, Trầm Hoài Tử
nói đúng, mình trượt dốc rồi, lẽ ra phải biết chết như nàng Emily khi nhan
sắc đã hết, còn mình cứ bám khư khư lấy cuộc sống khi nhân phẩm đã thấp hơn cả
con bẹc giê kia, nó sướng hơn mình, nó chẳng cần van xin gì, “ông chủ” nhét giò
vào mồm mà vẫn dửng dưng không thèm nhai.
Thằng “đầu nậu” chợt kêu lên:
“Kìa, ông sao thế, sao phải
khóc, lại lên cơn bệnh “sĩ” rồi phải không?”.
Hắn cười ha hả:
“Ông xóa đi cái mặc cảm
“phạm tội” ấy đi cho tôi nhờ, chúng ta nghèo nàn rị mọ cũng chỉ vì cái
trò vớ vẫn đó, tôi hỏi ông, tôi có tội gì khi kinh doanh những mặt hàng
văn hóa phục vụ nghỉ ngơi, giải trí cho con người, tôi tuân theo pháp luật, nộp
đầy đủ các khoản thu cho nhà nước, sách cũng do nhà nước duyệt. Cả ông nữa, ông
bán chất xám cho nhà nước vừa rẻ rúng, vừa ngang xương bị hủy hợp đồng mà chẳng
được một xu bồi thường nào, ông bán cho tôi vừa sòng phẳng, vừa công bằng, ông
có tội gì nào? Không lẽ làm lợi cho xã hội, tôi với ông lại xấu hơn những thằng
ăn hại đái nát, đục khoét tài sản nhà nước mà vẫn nhơn nhơn lớn tiếng mạt sát
người khác sao?”.
Hắn đi tới mở két, lấy ra
chiếc phong bì dày cộp ấn vào túi gã, miệng vẫn vỗ về như gã là một đứa trẻ
con. Lúc gã đứng dậy ra về, hắn cười toét:
“Không ở lại “văn nghệ” chút
hả? Tới giờ em đến rồi đó”.
Gã lắc đầu, nín thở rón rén
bước qua cả bốn con chó lưỡi thè dài, nghiêng mắt ngó gã. Tên “đầu nậu” hứng
chí:
“Ông đi ra tay không thì OK.
Xin mời cứ tự nhiên nhưng nếu ông dắt cái xe CUB tôi để gầm cầu thang kia
thử coi. Cả bốn con chó ngao này sẽ nhảy lên cắn cổ ông liền. Ngày nào cũng cả
ký thịt bò nên mới khôn thế đấy ông ạ”.
Khi tiếng cửa sắt rít lên
trong tay thằng “đầu nậu”, gã đã ba chân bốn cẳng ra tới đầu hẻm, một dáng
người quen quen đạp chiếc xe mini đi tới làm gã giật thót nép mình sau gốc cây.
Gã đã nhận ra rồi, người con gái đang đi tới chiếc cửa sắt thằng đầu nậu vừa
kéo sập lại kia chính là cô gái có tên Tình.
Trời ơi đâu có ngờ cả gã và
cả cô nữa đều đến bán cho “ông chủ” cái mình “tự có”. Tất nhiên gã sẽ giấu mặt
không để cô nhìn thấy nhưng tránh sao khỏi thằng đầu nậu sẽ ba hoa về thằng cha
gàn dỡ vừa mới ở nhà hắn ra và nhất định cô sẽ nhận ra gã. Nhớ tới những
vỗ về cháy bỏng yêu thương trong đêm tháng trước, gã ứa nước mắt thương cô lẫn
thương cả gã. Đứng nép gốc cây nhìn cô cúi đầu dắt xe qua khung cửa sắt, gã thì
thầm, “Vĩnh biệt, vĩnh biệt”.
(còn nữa)
---------------------
* nguồn: bog nhattuan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét