Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

chân dung hay chân tướng nhà văn [kỳ 48] - nhật tuấn

KỲ 48


                             

Sau tháng 4 năm 1975, Nguyễn Khải cho ra lò “Gặp gỡ cuối năm” viết về trí thức ở lại Sài Gòn. Khoảng năm 1980, nhà viết kịch Hồng Phi (anh ruột nhà văn Chu Lai) ghé tôi kể: "Họp trao đổi về “Gặp gỡ cuối năm” tớ phát biểu: “Anh Khải ơi, thằng Nhật Tuấn nó bảo anh đánh người ngã ngựa, không quân tử”. Tôi bảo đây là ý kiến riêng, nói ra làm gì? 
Xin nhắc lại câu chuyện tôi đã viết trong phần đầu loạt bài chân dung này. Năm 1978-79, NXB Văn Học thực hiện biên soạn Tổng tập văn học Việt Nam. Tôi được giao gặp từng nhà văn để hỏi tác giả muốn chọn những tác phẩm nào. Một buổi sáng tôi tới nhà Nguyễn Khải ở bãi Phúc Xá. Lúc đó ông đang ngồi bàn viết, trước mặt là tranh vẽ bìa cuốn “Cha và con và…” sắp in. Nguyễn Khải chọn đi chọn lại trong kho chữ của mình rồi bất chợt  kêu lên: "Tung tóe mẹ nó hết rồi Tuấn ơi…”. Ông nhìn tôi thất thần rồi cười khảy: "Nhưng không sao, tao sẽ vót nhọn gươm đâm một cú cuối cùng”.
15 năm sau, Nguyễn Khải tưởng đã quên chuyện đó. Tuy nhiên, chuyển vào định cư ở Sài Gòn, tư tưởng ông dần dà đã thay đổi. Vào khoảng đầu năm 1990, vào dịp đại hội nhà văn TP Hồ Chí Minh, ngoài hành lang vào giờ nghỉ, tôi gặp Nguyễn Khải hỏi thân mật: "Anh Khải ơi, thanh gươm của anh sao rồi? “.  Nhà văn Nguyễn Khải cười bẽn lẽn: "Tớ thương Đảng lắm. Tớ chưa có ý định ấy…”.
Tuy nhiên, năm 2000 trong “Nghĩ muộn”, ông đã dám viết:
Tôi là người viết báo, chính những đối tượng mà tôi tìm hiểu để viết bài cũng băn khoăn như thế, cũng có người nói thẳng việc này việc kia đã làm mất lòng người. Nhưng tôi đâu dám viết, nói cũng không dám, thành ra nói dối, viết dối và sống cũng dối. Căn bệnh nói dối bắt đầu từ lý thuyết Cách mạng dần dần tách khỏi thực tiễn Cách mạng, nhưng chỉ có một lựa chọn, hãy bênh vực đến cùng sự đúng đắn của lý thuyết đã trở thành bảo bối hộ thân của người cầm quyền".
Ông đã nhận ra:
“Nhà chính trị, nhà văn, nhà khoa học, những người hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ điều cốt tử nhất là phải giữ được sự độc lập trong quan sát, suy nghĩ, tổng kết, không bị bó trong cái vòng kim cô nào cả, không là tín đồ trung thành của một học thuyết nào cả để có thể phát huy hết tiềm lực trí tuệ của riêng mình dấn bước vào những cuộc dò tìm mới".
Không đầy 6 năm sau, tháng 5 năm 2006, Nguyễn Khải đã viết xong tùy bút chính trị “Đi tìm cái tôi đã mất” như một bản tổng kết đời mình trong văn học. Và cũng không đầy 2 năm sau, bản “sám hối” này đã lan truyền khắp trên mạng trong nước và ngoài nước và nghe nói, vào dịp Ban chấp hành TƯ ĐCS VN họp Hội nghị 7, Giáo sư Chu Hảo đã chuyển bản “Đi tìm cái tôi đã mất” của Nguyễn Khải tới các quý vị trong Ban Bí thư Trung ương Đảng coi như tài liệu tham khảo cho Hội nghị dự định  bàn về trí thức.
Đã muộn, vào tuổi “xưa nay hiếm”, Nguyễn Khải mới đặt bút viết:
“Năm 70 tuổi tôi bắt đầu chán viết, người rã ra, đọc sách cũng nằm, đọc được mười lăm phút chữ nghĩa đã lòe nhòe, chả rõ mình đang đọc cái gì. Rồi ngủ. Ngủ như chim, một chớp mắt đã tỉnh, tiếp tục đọc nốt cái nửa trang đọc dở vẫn cứ lờ mờ vì chả còn nhớ họ viết cái gì trong cái nửa trang vừa đọc…”.
Vậy là khi ở đời chẳng còn chút lạc thú gì, nhà văn mới bắt đầu… chán, chán cả công danh, sự nghiệp:
“Cũng năm ấy tôi được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 2. Mừng thì rất mừng nhưng tôi đã nhận ra ngay đây là tấm bia mộ sang trọng cắm lên một đời văn đã tới hồi phải kết thúc. Thế là lại buồn, ra vào ngẩn ngơ cả tháng".
 Giải thưởng Hồ Chí Minh là tột đỉnh vinh quang của nhà văn cách mạng mà lại coi như “tấm bia sang trọng cắm lên một đời văn” thì quả thực nỗi chết đã ám ảnh Nguyễn Khải không rời ra rồi.
Thế rồi như phản kháng chiều hướng ngưng trệ của cơ thể, Nguyễn Khải làm một cuộc xê dịch nữa ra Bắc, trở về quê, nơi nhà văn đã lớn lên và đã trưởng thành. Thế nhưng cái mảnh đất đầy kỷ niệm đó nay cũng đã trở thành một nỗi dửng dưng:
“cái mảnh đất thân thuộc đã hóa ra xa lạ. Đạp xe cả ngày chả gặp người quen nào, hoặc có gặp nhưng đã là hai ông già ở tuổi bảy mươi làm sao nhớ lại gương mặt của nhau cái thời mới mười tám đôi mươi... Đường phố không quen, mặt người không quen, còn lại một ông bạn thân tối ngày đi họp, đủ các thứ hội hè để ông đến họp, vẫn là cái khát khao của người đã già, đã nghỉ hưu có dịp gặp lại bạn cũ, trò chuyện là chính, nhắc lại chuyện ngày xưa là chính, rồi than thở, đủ thứ than thở, chuyện nhà chuyện nước. Cũng buồn nhỉ? Chuyện người già có vui bao giờ, người đã xong một việc có làm gì cũng không thể vui”.
Rõ ra là một cảm giác rã rời, không còn tha thiết, gắn bó, không còn bồi hồi kỷ niệm, không còn nghĩ ngợi lo toan trách nhiệm với quê nhà. Nếu như ngày xưa, trong tiểu thuyết “Chủ tịch huyện” chân dung những cán bộ xã, huyện, tỉnh được vẽ vời thành những “con người thời đại” đầy năng lượng, xốc vác, năng nổ vì dân vì nước thì bây giờ, dưới mắt nhà văn chỉ còn lại là các “quan tham” mặt  mũi đầy…"thịt”:
“Vì tôi là người có gốc địa phương nên tỉnh ủy có gặp và mời ăn một lần cho phải phép. Nhưng nhìn những gương mặt quan chức của tỉnh hôm nay mà kinh ngạc. Mặt người nào cũng đầy những múi thịt, sần sùi, nói nhiều, cười to, lời lẽ nhạt nhẽo, dung tục, và không bao giờ nhìn thẳng vào mặt mình để nói, cứ như là đang nói với một ai khác ngồi cạnh mình hoặc ngồi sau mình".
Dường như Nguyễn Khải đã hết e dè, hết giữ gìn, hết sợ ngay cả quan đầu tỉnh ông cũng hết nể vì như ngày xưa:
“Bữa sắp về Hà Nội, bí thư tỉnh ủy lại mời gặp, không phải là gặp chính thức mà là cùng ngồi ăn sáng với ông vì ông cũng đang bận. Buổi gặp vừa hình thức vừa khó chịu vì chỉ có người lãnh đạo của tỉnh nói, nói như người rao hàng, mắt nhìn đâu đâu, bụng nghĩ đâu đâu. Tôi chỉ còn nhớ một chuyện, có một ông tướng, là danh tướng, người địa phương, có đem một giống hoa lạ từ Hà Nội về, tự tay ông trồng ở vườn hoa của tỉnh ủy vì phải chọn đúng ngày, đúng giờ, cả đúng hướng nữa mới đem lại thịnh vượng, hạnh phúc cho dân trong tỉnh. Thật vậy sao?".
Khác hẳn ngày xưa, nhà văn Nguyễn Khải đi đến đâu cán bộ Đảng, chính quyền cũng xúm lại hỏi han, mừng rỡ, bây giờ hầu như chẳng mấy ai quan tâm tới nhà văn:
“Tôi về một xã, xã cho tôi ở nhà một anh bưu tá, lúc rảnh rỗi hỏi chuyện gì anh cũng bảo không biết. Ở xã ba ngày, đảng ủy, ủy ban không ai tiếp cả".
Và thật bất ngờ, cái anh Chủ tịch xã có tới nhưng nom anh thật chẳng khác gì một anh lái heo:
“Có một buổi tối có một anh chàng to béo đến chơi với gia đình, cả vợ lẫn chồng nhà chủ ăn nói thưa gửi, bộ điệu khúm núm.  Anh ta ngồi ưỡn người trên ghế tựa, hai chân xoạc rộng, hai bàn tay đặt lên bụng, nói hỏi trống không, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn tôi nhưng không hỏi gì, chào cũng không, mắt nhìn cứ lừ lừ, mà hắn chỉ đáng tuổi con tuổi cháu. Tôi cứ nghĩ tay này hẳn là dân buôn bán ở tỉnh có họ hàng gì với anh chủ nhà, tạt qua chốc lát rồi đi. Nhưng anh bưu tá lại bảo đó là ông chủ tịch xã. Lại một ngạc nhiên nữa!“.
Vậy là trở lại quê cũ, con người cảnh vật đã đổi thay, khác trước hoàn toàn và ông nhà văn có cái nhìn “tổng kết”:
“Trong mấy ngày xuống xã vừa vui vừa buồn. Ai cũng giàu có hơn trước, nấu cơm bằng nồi cơm điện, tối xem tivi màu, giờ rảnh thì xem phim bộ. Mỗi xóm đều có cửa hàng cho thuê băng vidéo, có gái điếm cho ngủ chịu đến mùa trả bằng thóc, có cờ bạc, có hút thuốc phiện và chích heroin, thành phố có gì ở làng quê đều có, cả hay lẫn dở, dở nhiều hơn hay".
Chuyến đi đó càng làm Nguyễn Khải nhận rõ gánh nặng của tuổi già đã chất lên vai ông và từ nay mọi chuyện đã khác:
“Sang tuổi 70, mọi hoạt động của con người đều chậm, đều kém, riêng cái chuyện viết lách của tôi vẫn giữ được phong độ gần như xưa, vẫn viết rất nhanh, riêng cái nhìn thì trào lộng nhiều hơn, ngậm ngùi nhiều hơn. Nó là thứ hương vị thơm ngát chắt ra từ hơn bảy mươi năm được làm người".
Tuổi 70 như Nguyễn Khải vừa diễn tả dường như đã trở thành một cái mốc, từ đó ông có những nghĩ ngợi vượt lên trên khỏi những chuyện “xã hội” – chuyện hàng xã, hàng huyện, ông nghĩ tới những chuyện cao xa hơn. Ông nghĩ về các thứ chủ thuyết, chủ nghĩa và phải chăng những suy nghĩ sau đây là nhắm vào học thuyết  Mác Lê:
“Học thuyết là do con người làm ra, một trí tuệ sáng láng nhất vẫn cứ bị ràng buộc bởi nhiều vòng tự giác và không tự giác của thời thế, của cuộc đời. Bởi vì họ không thể là Thượng Đế để biết hết vô vàn nguyên nhân những tác động qua lại, uốn éo, bất ngờ của nó đưa đẩy mọi sự vật tới những thay đổi rất nhỏ, không mấy ai chú ý, cuối cùng là những biến thiên cực lớn. Chả có học thuyết nào dự đoán đúng những gì sẽ xảy ra trong tương lai và cũng chẳng thể dự đoán được cái kết cuộc của nhiều sự việc đang xảy ra trong hiện tại. Mọi lời tiên tri đều có tính mê sảng, đồng cốt. Dành cả một thời thanh xuân để tin vào những lời tiên tri ấy, về già nhìn lại cái tài sản tinh thần thâu góp một đời chỉ là một cái kho chứa đủ tạp nham chẳng có một chút giá trị gì".
Có nhiều cơ sở kết luận Nguyễn Khải nhắm vào cái chủ nghĩa bắt ông đội lên đầu cái vòng kim cô suốt một đời cho tới tận lúc chết vẫn chưa được tháo ra – chủ nghĩa Mác-Lênin. Cho đến tuổi 70 ông mới nhận ra đã dành cả một thời thanh xuân để tin vào chủ thuyết đó mà thực ra nó chỉ là một cái “kho tạp nham” chẳng có chút giá trị gì. Sám hối của “con chiên” Nguyễn Khải trước các Giáo chủ về mặt tư tưởng như vậy là đã không còn nhân nhượng, không còn nể nang mà đã quyết liệt sổ toẹt đi hết.

              (còn tiếp)
-----------------------------
* nguồn: blog nhattuan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét