Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

miền "cụp lạc" [kỳ 10] - nhật tuấn

KỲ 10

 

 

Gã cười mủm mỉm, quả thực ngoài nỗi khát khao được ôm ấp người đẹp, gã chẳng chút mặc cảm có lỗi nào với anh chồng. 
- Chuyện với cậu lẩm cẩm bỏ mẹ. Tớ đi ngủ còn hơn… 
Hắn ngáp một cái thật dài rồi quăng mình xuống giường. Tối lâu rồi, kiểu này hắn làm một giấc tới sáng mai. Gã không lo nằm đất, chỉ ngại không biết hắn có giấy tờ gì tạm trú không? Gã đã hình dung trước sự nạt nộ của lão gác dan nếu dám qua mặt lão, lờ tịt cái chuyện cho một người ở trọ qua đêm. Gã lay người hắn: 
- Này, anh đưa tôi chứng minh nhân dân đi báo tạm trú.
Hắn mở mắt nhìn gã đầy riễu cợt:
- Chứng minh cái con cặc… Lão gác dan đã đớp của tớ một tờ xanh rồi, khỏi bẩm báo gì hết. 
Hắn xoay người vào tường ngủ tiếp mặc gã loay hoay dọn dẹp tàn dư bữa rượu. 
Sáng hôm sau thức giấc ở dưới đất, gã đã không còn thấy tên giả hành khất nữa, hắn biến mất cùng với bữa rượu tối qua như thể những thứ đó chưa hề xuất hiện trong căn phòng gã.
 “Đúng vào lúc luồng cảm khoái dâng lên ào ạt trong các mạch máu làm gã nhói đau, vòng tay trần nõn nà của người đàn bà ghì chặt quanh đầu gã, một tiếng nổ khô ngắn vang lên và cái hình ảnh cuối cùng gã nhìn thấy ở trên đời là nụ cười âu yếm, vấy máu của người đàn bà chỉ vừa mới đây thôi đã ban tặng cho gã cái hạnh phúc tuyệt đỉnh chưa bao giờ gã được nếm trải…".
Trang bản thảo dịch dở của gã nằm chơ vơ trên mặt bàn gắn mảnh giấy nhỏ, có dòng chữ  viết nguệch ngoạc tên ăn mày giả nhắn lại:
"Tớ đã đọc hết, cậu dịch hay lắm, bán  chất xám thế này nên lắm, khỏi áy náy lương tâm”.
Không ngày tháng, không chữ ký nhưng gương mặt rắn rỏi, đầy riễu cợt của hắn cứ hiện lên giữa các dòng chữ. Gã bực bội xé vụn tờ giấy thả cho gió bay qua cửa sổ.  Mẹ kiếp, hắn là cái thớ gì lên mặt dạy dỗ cơ chứ. Một thằng giả ăn mày lừa đảo khắp thiên hạ lại kiếm bẫm hơn bất cứ một gã hành khất thứ thiệt nào. Hóa ra đời nay “của giả” lại có giá hơn ”thứ thiệt”, chân lý phổ biến ở khắp nơi nơi.
Gã bỗng bật lên cười sằng sặc, gã vừa nhớ tới cô gái làm tiền có tên là Tình, phải rồi, ngay cả những ghì xiết, rên rỉ của em trong cái đêm hôm đó cũng là giả cả thôi. Ý định tìm gặp lại cô gái nảy ra và bám riết trong đầu khiến gã chẳng dịch thêm được dòng nào.
“Tròn em trăng trắng tay… Em qua lòa nhòa gối mộng…”, bài thơ đánh dấu đêm gã đánh mất "cái tân con trai” trở thành thằng đàn ông luôn ám ảnh đàn bà. Vậy mà từ đó tới nay chẳng thêm được bài thơ nào làm gã ngạc nhiên lâu thế ”nàng thơ” vẫn chưa trở lại.
Cái chính là không còn lên "cơn sốt chữ nghĩa” như trước kia nữa, gã lẩm bẩm, đúng thế đấy, mình không có nhu cầu. Nỗi khao khát thường trực giờ chỉ còn mong nhìn thấy người đàn bà bên kia cửa sổ. Chao ôi, ngày hôm nay dễ có đến hai mươi lần gã hé mắt nhìn sang bên đó mà vẫn chỉ thấy cái ban công lạnh vắng với những dây phơi quần áo mà gã có thể nhận ra những thứ nào là của nàng.
Chiếc váy ngắn chiều qua nàng đã mặc, chiếc quần lót đen, chiếc nịt vú… gã không thể nào rời mắt khỏi những thứ ấy để quay vào bàn làm cái việc dịch dọt muôn thủa kia. Gã đã yêu nàng rồi sao? Cái trạng thái cảm xúc này là quá mới mẻ với gã. Lòng bồi hồi, ruột gan nóng như lửa đốt, gã chẳng thể làm được gì hơn ngoài việc nằm dài trên giường, vắt tay lên trán tưởng nhớ buổi chiều qua nàng đã ban tặng gã những hình ảnh tuyệt vời của thân thể nàng. Và một lần nữa gã lại ngồi dậy, bước tới cửa sổ ghé mắt nhìn. Than ôi, cái người đang cất quần áo kia lại không phải nàng mà là người có diễm phúc được làm chồng nàng .
Nỗi buồn vô cớ trĩu nặng khi gã ra khỏi nhà lang thang qua những cửa hiệu sáng đèn mọc nhan nhản khắp các đường phố!
“Liệu về cho sớm nhé” - Lão gác dan  nháy mắt cười lúc gã đi qua cổng. Khác hẳn vẻ lầm lầm mọi ngày, tối nay chẳng hiểu sao lão bỗng vui vẻ, vồn vã.
“Tôi đã bảo mà, thỉnh thoảng anh phải rời cái “chuồng cọp” của anh xuống phố, hòa mình với xã hội, cứ ru rú trên đó không khéo người ta tưởng anh chứa hàng lậu hoặc in bạc giả cũng nên “.
 Bắt chước thằng giả hành khất, gã cũng “cắm vào miệng“ lão điếu thuốc thơm sót lại từ bữa rượu chiều qua:
“Tôi có chút công việc, về trễ một chút, bác chờ cổng nhé”.
Lão cười gật gật:
“Được, được, cứ “mèo mỡ” thoải mái, nhưng về nhớ có quà đấy nhá…".
Thói quen từ thời lão đương chức Giám đốc bền vững thế đấy, thảo nào lão chẳng mảy may hạch tội cho người ngủ lại không khai tạm trú. Tuy nhiên, trong chuyện này lão chỉ hành hạ được những “phó thường dân” như gã thôi, với các quan chức, hoặc các gia đình “có máu mặt“, lão nhũn như con chi chi. Chẳng thế lúc ông trung tá lầu một phàn nàn với lão đêm nọ ông đi vắng, thằng con trai đưa bạn về mở vidéo, nhậu nhẹt nhảy nhót suốt đêm làm mất trật tự khu tập thể, lại không trình báo tạm trú… chẳng để ông trung tá than vãn hết, lão đã xoa tay rối rít, có gì đâu, có gì quan trọng đâu, cả tuần bù đầu học hành, tối thứ bảy phải để các cô các cậu thoải mái tí chút chớ, đồng chí cứ yên tâm đi công tác, ở nhà chuyện gì đã có tôi.
Khi ông trung tá xách cặp nhảy lên xe con chạy đi, lão mới quay sang gã:
”Me kiếp, cứ khuân về lắm vidéo với trò chơi điện tử, con cái có ngày trấn lột cả bố mẹ. Cậu ấm cả mới hai chục tuổi đầu đã hiếp con ở mang bầu làm bà lớn phải đưa nó đi nạo thai đấy. Anh có biết đêm thứ bảy vừa rồi chúng nó làm trò gì không? Ôi chao ôi, tôi nhòm qua lỗ khóa thấy tô hô cả một bày như lợn cạo. Nếu không phải con cái ông trung tá ấy à, tôi gọi cảnh sát xích tay đi hết. Cứ quanh năm ông xách cặp đi công tác rồi không khéo có ngày bà ấy tậu ngay cho một cặp sừng. Anh thử để ý coi, ngoài bốn mươi rồi mà cứ phây phây,  nom tức cả mắt, cứ ba ngày lại có một con bé xách túi đến rửa móng chân, cạo móng tay, tối thứ bảy nào ông đi vắng là nhất định bà diện bộ, nhảy lên xe CUB phóng mất, gớm, đi qua chỗ tôi, cứ thơm lừng cả lên…”.
Lão kể lể với giọng cay cú của kẻ đã về hưu rồi mà dại dột không vơ vét gì trước cảnh giàu sang, mỗi ngày mỗi phất của người đương quyền. Rồi lão tự an ủi: “Ấy mình hưu trong thanh bạch nhưng ăn ngon, ngủ kỹ, chẳng lo ngay ngáy đứa nào viết đơn tố cáo. Đấy, khối anh hưu rồi vẫn phải ra hầu tòa có nhục không?".
 Tuy nhiên, cứ theo lời vợ lão phàn nàn, thời làm giám đốc lão cũng chẳng liêm khiết gì, lão cho chở lén về nhà từ cái đồng hồ treo tường cổ lổ sĩ tới cái ghế gãy mà lão xếp vào loại hóa giá, có điều hồi đó đang làm ăn theo lối bao cấp, nhà máy thua lỗ, xơ xác nên lão có vơ vét cũng chẳng được bao nhiêu. Bởi vậy bây giờ cứ nhìn đám bạn bè cũ hiện đương quyền Giám đốc mỗi ngày mỗi phất to, lão lại sôi gan sốt tiết lên:
“Từ thuở tôi đi thoát ly đến nay, chưa bao giờ lại loạn như bây giờ. So với thời tôi đang làm việc, anh Giám đốc ngày nay thật sướng hơn vua, tới cơ quan có xe con đưa rước, về nhà có ti vi, tủ lạnh, video… chẳng còn thiếu thứ gì, ngày lễ ngày tết cứ ngồi nhà nhận quà biếu cũng mệt. Tôi hỏi anh dựa theo quan điểm nào Nhà nước mình lại trao cho mấy anh giám đốc quyền ”ông chủ” tự tung tự tác như thế?  Tiền hàng nắm trong tay, tội gì nó không đút  túi. Thằng Tạo ngày xưa chỉ là quản đốc phân xưởng, lính của tôi đấy, bây giờ một bước lên ông Tổng Giám đốc, trong nhà nuôi cả chó bẹcgiê, gặp mình đạp xe ngoài phố nó cười nhạt, xì khói ra đằng đít xe TOYOTA có gắn máy lạnh, rông tuốt. Mẹ kiếp, sao đời bây giờ nó bất nhân bất nghĩa thế không biết, mình hưu một cái là chúng nó giở mặt ngay lập tức…".
Những lời lẽ lão gác dan chẳng mấy khi chui hết vào tai gã, nhưng đôi mắt lão như có hai tròng lồng nhau cứ  loe lóe những ánh rất lạ, hút hồn gã vào cái chiều sâu tăm tối ấy. Gã hoảng sợ lùi xa ra ba bước làm bà vợ lão đang đi tới đâm sầm vào lưng, chậu thau nước trong tay bà đổ tung tóe. Lão gác dan chứng kiến tai nạn vừa xảy ra với vẻ mặt của người lên cơn động kinh:
 “Có sao không? Có sao không? Xem kỹ có con cá giống nào rơi ra ngoài không? Mà anh cũng chả ra cái đéo gì cả.  Đang đứng trò chuyện tử tế bỗng dưng bật ngửa ra như ma ám thế”.

(còn tiếp)

---------------------------
* nguồn: blog nhattuan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét