KỲ 7
(tiếp theo)
Không lẽ cứ nằm ngoài hiên hắn biết hết được hoàn cảnh
mọi người trong khu tập thể? Chắc không phải vậy, một khi hắn biết rõ về gã chắc
hắn phải tránh xa thằng cha dính dáng tới cảnh sát. Ý nghĩ đó lại làm nhói lên câu
hỏi “tiếng động nhà dưới anh nghe thấy là cái tiếng gì? Khai báo thành thật là
cách tốt nhất cho anh”
Gã cố xóa đi gương mặt lão cảnh sát giương đôi
mắt trắng dã nhìn gã. Khỉ thật, cố quên chẳng được, lúc nào nó cũng trong đầu.
Vô lo vô nghĩ như thằng ăn mày lại sướng. Kìa, gà đã gáy ồ ồ rồi, trong đầu hắn
chắc chỉ có gà quay với đàn bà chứ chẳng ám quẻ một lão cảnh sát như mình. Thôi
xóa lão đi bằng tưởng tượng ra cô vợ anh hàng xóm vậy. Gã ôm lấy đầu, quắp
người như con tôm. Tuy nhiên tiếng ngáy, mùi hôi bốc ra từ người gã hành khất
làm trí tưởng tượng của gã không sao bay nổi tới lầu ba nơi có người đàn bà đẹp
nõn nà, như một con chim bị thương cố giãy giụa đôi cánh tuyệt vọng, nó đâm
đầu xuống bãi sình của giấc ngủ mù lòa…
Bốn
Khi sự chờ đợi đã bay hết mùi phập phồng, rạo rực, gã định
đánh thêm bức điện nữa, bỗng một hôm ông lão gác gan đạp cửa bước vào phòng
chìa cho gã tờ điện: “Xin hủy hợp đồng dịch vì sách không bán được, Nhà
xuất bản không có tiền!”.
“Khốn nạn”, gã quăng vào mặt lão gác dan câu chửi cứ như
chính lão đã đánh điện cho gã. Một tác phẩm lớn như thế của một nhà văn vĩ đại như
thế mà chúng dám nói “sách bán không được”. Khốn nạn. Nhưng lão gác dan
lục lọi cái gì trên mặt bàn kia? Bàn tay xương xẩu của lão lật lật
chồng bản thảo, cặp mắt trắng dã chúi xuống dò dẫm:
- “Âm thanh và cuồng nộ”… Tiểu thuyết Mỹ…
Á à… ghê nhỉ, sách phản động hả? Không phản động sao người ta
lại hủy hợp đồng?” .
- Là vì chúng nó ngu, chúng
nó ngu, bác hiểu chưa?
Lão gác dan ngấc cái miệng lên:
- Chúng nó ngu hay anh ngu?
Vẻ khoái trá đầy giễu cợt trong giọng cười của lão làm
gã tức trào nước mắt. Lão nhổ vào lòng mình mà không thể táng một quả đấm
vào gương mặt khả ố kia. Hèn, hèn, hèn…
- Anh đã xoay được mười ngàn chưa?
- Trời đất… bác đã xem bức điện rồi đấy. Người ta có chịu
trả tiền tôi đâu?
- Vậy chuẩn bị vài ngày nữa đi lao động nghĩa vụ.
Kỳ này người ta khoán khối lượng đấy. Sức vóc anh thế, chịu sao nổi?
Lão nhìn gã chằm chằm rồi gật gù:
- Anh giả nghèo giả khổ giỏi đấy. Có chục triệu trong tay
lúc nào cũng làm như sắp chết đói đến nơi.
- Chục triệu trong tay? Sao bác dựng chuyện lên thế?
Gã kêu lên kinh ngạc trước cái cười tinh quái
làm ra vẻ đã biết tỏng gan ruột gã của lão gác dan đang vảy vảy tàn thuốc lên
mặt bàn.
- Đi ăn tiệm này, đi chơi điếm lại còn đưa nhau
vào nhà hàng nữa. Tôi hỏi anh không phải triệu phú ai dám ăn chơi
như thế?
Mình có nghe nhầm không, hay lão già là con ma
xó? Vậy mà cứ tưởng đã “qua mặt” được lão, đến nước này chỉ còn cách ở lì trong
buồng, nằm trên giường mà thở. Nhưng vậy rồi cũng chẳng tránh được cái
giọng đe dọa đầy khoái trá của lão luôn đặt gã vào cảm giác bất an.
- Nói thật nhá, đừng có hòng bướng. Thành khẩn là tốt nhất,
cái thứ anh người ta chỉ búng một cái là chết.
- Cái gì? Bác nói cái gì lạ vậy?
- Nói gì thì anh phải biết chớ.
Những mạch máu giật giật trên cổ cò khẳng khiu của
lão làm gã run lên thèm bóp chặt đôi tay ngay chỗ đó. Mắt tối sầm, vị đắng chát
trào lên miệng, gã bước giật lùi cố tránh xa khỏi lão. Cảm giác sát nhân là như
thế này đây, thực không ngờ nó nằm ngay trong gã. Phải lập tức hủy diệt
nó bằng cách hướng tới một cái khác, gì cũng được, miễn không phải bộ mặt sắt
gỉ kia.
Lão già bước vào buồng tắm đái tồ tồ như thể hào phóng
ban tặng gã cái chất thải hiếm quý của lão. Cũng được thôi, gã cười như thằng ngố,
bây giờ lão có ỉa trên giường mình cũng phải chịu, chẳng thể làm gì được, quát
vào mặt lão cũng chẳng dám, ha ha, cũng được thôi, ha ha…
- Cười gì như động rồ thế kia?
- Tôi đã nghĩ ra cách rồi!
Lão vảy vảy cái của lão, cài khuy quần
và dòm vào mặt gã:
- Cách gì?
- Kiếm tiền chứ còn gì!
Đến lượt lão cười òng ọc:
- Mở két hàng xóm hả?
- Không, không, tôi sẽ bán mấy cuốn sách đi lấy tiền nộp
bác.
- Ấy đấy, lại giả nghèo giả khổ rồi. Mặc anh muốn
làm gì làm miễn có tiền đưa đây.
Lão hé cửa sổ, ngó sang bên kia, chắc chỉ thấy người chồng,
lão rụt đầu lại, nháy mắt:
- Tối nay họp tổ dân phố nghe chưa? Không được vắng
mặt, anh cứ sống xa rời quần chúng thế này không êm đâu.
Thôi được, gã nghĩ sau lúc lão gác dan đã
buông tha, thôi được, mình sẽ bán đi mấy bộ tự điển, mấy bộ
sách Henry Miller, Proust, Joyce, lạy các bố, các bố chỉ tán
suông thôi, cứu rỗi được ai đâu, tới ngày tận thế, một thằng điên bấm một
cái nút thế là thép cũng như bã, thần linh cũng như ma quỷ… tất cả đều
bình đẳng thành tro hết.
Nhìn thấy mấy bộ sách quý trong tay gã, thằng hàng sách
có bộ mặt ngựa lập tức hau háu cặp mắt đầy rử:
- Bán hả?
Hắn sờ nắn gáy sách, lật giở từng trang kỹ càng chẳng kém
hải quan khám hàng lậu với vẻ lo lắng như thể văn chương, tư tưởng các thiên
tài thủa trước, ngày nay người ta cũng làm giả được hết. Hắn dừng trước một
trang chi chít nét bút gã gạch đỏ, “thế giới chỉ rút tỉa được ở nơi tôi đôi
chút giá trị chừng nào tôi thôi không còn là một thành phần trang nghiêm của xã
hội”, gớm, ông cứ gạch bừa thế này thì bố ai còn đọc nổi, mà cứ phải là
thành phần bất hảo mới đóng góp cho xã hội sao? Loạn, xúi người ta làm
loạn. Hắn kêu lên đau khổ và lại tiếp túc sờ nắn ông Henry Miller.
Gã cũng rời mắt khỏi trang sách ngước lên trời, sa sỉ,
những tư tưởng ấy chẳng khác gì lọ nước hoa đắt tiền đặt trong tủ kính
trước mũi một thằng bụng réo ùng ục chỉ mong một mẩu bánh mì. Thôi xin các
thiên tài, các bố toàn huyên thuyên chuyện trên giời dưới bể.
Cuối cùng thằng mặt ngựa cũng làm xong cái việc định giá
chồng sách, cái miệng đầy răng ám khói thuốc nhả ra một câu chết người:
- Tôi mua cho ông theo giá giấy cân, ưng không?
- Bao nhiêu?
Lẽ ra chỉ dăm ngàn, thôi, chiếu cố trí thức, tròn một chục
đấy.
Mẹ kiếp, gã nắm tay chỉ muốn đấm vào bộ mặt dài thượt,
cả một thế giới tinh thần gã thường trốn vào đó trong những giây phút cô đơn
trong căn buồng hẹp chỉ được hắn đánh giá bằng 10 kí gạo hoặc 20 gói mì ăn
liền, khốn nạn, khốn nạn.
- Thêm cho ông anh một ngàn nữa, bằng giá cả một bộ
Britanica vừa mua kia.
Tiếng dạ dày rên lên làm xẹp luôn phẫn nộ, gã
nhìn pho từ điển Anh quốc xếp hàng oai vệ, phô ra vẻ vàng son choáng lộn chẳng
hề biết thân phận nó cũng chỉ được đánh giá bằng mười ký gạo. Nhưng bây giờ
không phải lúc nghĩ ngợi khi trong tay đã có tiền và dạ dày đang lên cơn
gào thét. Thế rồi khi hương vị của bát phở vỉa hè bốc nghi ngút, khua động từng
tế bào trong cơ thể, bỗng đâu xịch tới một chiếc xe máy và một gã đầu béo múp
như đứt dây rơi xuống từ trên trời:
- Mẹ ơi, tìm ông muốn hụt hơi, ai ngờ ông lại ngồi
đây…
Hắn nâng niu cái xe máy lên vỉa hè nom chẳng khác chú rể
dìu cô dâu vào phòng cưới .
- Đèn vuông, màu cánh gián, đánh lửa bằng bộ điện tử, tôi
đố ông tìm đâu ra chiếc thứ hai ở cái thành phố này đấy. Có thằng xin chết 3
cây 8 ngay chiều qua mà tôi chưa cho đấy.
Gã nâng bát phở lên, húp cạn chỗ nước cuối cùng, tiếc rẻ
đã ăn quá nhanh, nếu không có cái thằng cha phá đám này, hẳn gã còn ngâm ngợi
kỹ lưỡng hơn nữa.
- Anh tìm tôi có việc gì? Bán xe máy hả?
- Không bao giờ, ông đánh giá túi tiền ông quá
cao đấy…
Hắn đã chịu rời mắt khỏi chiếc xe máy từ nãy hắn
vẫn nhìn với vẻ thán phục và rút trong cặp, đặt lên bàn một… khẩu súng lục
trong tay một người đàn bà khỏa thân đang nằm ưỡn giữa ngổn ngang chăn gối.
(còn tiếp)
------------------------------
* nguồn blog nhattuan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét