Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

luật biển Việt Nam - bbc


Trung Quốc lần đầu xác nhận thành lập thành phố cấp địa khu Tam Sa, ngay sau khi Quốc Hội Việt Nam thông qua Luật Biển hôm 21 tháng 6 - 2012.

(Luật Biển Việt Nam đã được thông qua với sự đồng ý của 99,2% đại biểu. Với 7 chương, 55 điều, Luật Biển Việt Nam chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013).

Trụ sở của chính quyền theo cấp mới này đặt trên đảo Phú Lâm mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng, nằm trong quần đảo Hoàng Sa nhưng vẫn thuộc sự quản lý của thành phồ́ Tam Á, trên đảo Hải Nam. Theo BBC Tiếng Trung tại London, danh từ dùng để chỉ cấp hành chính này là 'chuyên khu', dưới cấp tỉnh, trên cấp huyện, và cho thấy cấp hành chính 'quản lý' Hoàng Sa và Trường Sa sẽ có thẩm quyền và ngân sách lớn hơn. Cấp 'khu', mà các văn bản tiếng Anh hoặc dịch là 'prefecture', hoặc lớn hơn là 'autonomous region' (tự trị khu) cũng được dùng để quản lý nhiều vùng thuộc sắc tộc Tây Tạng, Mông Cổ, Triều Tiên ở biên giới của Trung Quốc.

Tin về quyết định thành lập Tam Sa từng châm ngòi cho các vụ biểu tình tại Việt Nam năm 2007, nhưng khi đó Trung Quốc phủ nhận.

Từ Hà Nội, người phát ngôn Lương Thanh Nghị nói Luật Biển Việt Nam thông qua là "hoạt động lập pháp bình thường nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới".
Thông cáo trên trang mạng Bộ Ngoại giao Việt Nam viết: "Đáng tiếc là Trung Quốc đã có những chỉ trích vô lý đối với việc làm chính đáng của Việt Nam".
"Nghiêm trọng hơn là Trung Quốc đã phê chuẩn thành lập cái gọi là 'thành phố Tam Sa' với phạm vi quản lý bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết bác bỏ sự chỉ trích vô lý của phía Trung Quốc; đồng thời phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc thành lập cái gọi là 'thành phố Tam Sa'.
Ông Nghị nói tiếp: "Việc Luật Biển Việt Nam đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự tiếp nối một số quy định trong các luật đã có trước đây của Việt Nam. Đây không phải là vấn đề gì mới và không ảnh hưởng đến quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh chấp ở Biển Đông".
Luật Biển của Việt Nam cũng khẳng định "đảo, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam".
Mặc dù vậy Luật cũng nói Việt Nam chủ trương "giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia bằng biện pháp hòa bình" theo các nguyên tắc của Hiến chương ASEAN và Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
  • Tiến sĩ Dương Danh Huy tại Quỹ Nghiên cứu Biển Đông ở Anh Quốc:
Luật biển của VN hiện nay ra đời năm 1982, lúc đó có Chiến tranh Lạnh, xung quanh Việt Nam tứ bề thọ địch. Năm 1982 cũng là năm Công ước Luật Biển ra đời và lúc đó Việt Nam chưa phê chuẩn Công ước này của LHQ, có lẽ lúc đó Việt Nam cũng chưa hiểu rõ về Công ước đó.
Bây giờ trong 30 năm qua, tình hình địa chính trị Thế giới đã thay đổi và các nhu cầu an ninh của Việt Nam cũng thay đổi, vì vậy Việt Nam cần cập nhật và phát triển luật biển mới.
BBC: Có những vấn đề gì cần lưu ý cho việc cập nhật Luật Biển của Việt Nam?
Luật biển năm 1982 của Việt Nam có một số điều không tuân thủ với Công ước Luật Biển của LHQ, ví dụ như Việt Nam vạch đường cơ sở quá xa bờ, lấn ra biển hơi nhiều. Ngoài ra, luật đó cũng không tôn trọng đầy đủ các quyền đi qua không gây hại trong vùng lãnh hải của Việt Nam và cũng không tuân thủ đầy đủ quyền tự do hàng hải trong vùng tiếp giáp lãnh hải. Thành ra có một số nước, trong đó Mỹ, đã phản đối luật biển 1982 của Việt Nam.
Hiện nay, nếu Việt Nam muốn vận dụng Công ước Luật Biển để chống lại đường chữ U của Trung Quốc, hay muốn dùng vấn đề tự do hàng hải trên Biển Đông để kêu gọi các nước khác chống lại đường chữ U Trung Quốc, thì sẽ bất lợi nếu chính luật biển Việt Nam cũng không tuân thủ công ước đó.
BBC: Theo quan sát của ông, luồng quan điểm chính của Việt Nam như thế nào?
Trước đây, theo tôi biết trong giới lãnh đạo Việt Nam và giới hoạch định chính sách có hai ‎ ý kiến khác nhau. Một bên cho rằng nên sửa lại luật biển sao cho tuân thủ UNCLOS mà cũng không gây "thiệt hại" đáng kể cho vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhưng bên kia cho rằng nên đợi thời điểm nào khác sửa đổi. Vì tôi chưa đọc bản dự thảo nên tôi chưa biết bên nào sẽ thắng, tôi cũng chưa biết Quốc hội sẽ quyết định ra sao.
BBC: Ông vừa nhắc tới yếu tố thời điểm, cụ thể hơn là như thế nào?
Phía cho rằng chưa nên sửa đổi Luật Biển Việt Nam về đường cơ sở, lãnh hải, thì họ nói là cần thời điểm nào thích hợp hơn. Nhưng hiện nay chưa rõ thế nào là thích hợp hơn.
BBC: Nếu Luật Biển lần này được thông qua, ông dự kiến phản ứng của Trung Quốc, của các nước có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam trong khu vực như thế nào, ngoài ra phản ứng của các nước khác ngoài khu vực, như Hoa Kỳ, sẽ ra sao?
Chắc chắn là Trung Quốc thế nào cũng sẽ phản đối luật biển của Việt Nam và các nước có tranh chấp với Việt Nam về Trường Sa cũng có thể phản đối. Đó là điều không tránh được vì người ta có tranh chấp với mình thì người ta phản đối. Còn mình cho là chủ quyền của mình thì mình phải làm. Điều đó không tránh được.
Nhưng với một số nước khác ngoài khu vực như là Mỹ, Nhật hay các nước Tây Phương, nếu mình không khắc phục được những điều trước đây không tuân thủ Công ước Luật biển của LHQ, thì người ta cũng sẽ phản đối. Và cái đó cũng là một điều đáng tiếc.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét