Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

chân dung hay chân tướng nhà văn [kỳ 41-42] - nhật tuấn

KỲ 41


        

Thực ra tại các hợp tác xã, các địa phương cán bộ Đảng không hề bị kiểm tra, kiểm soát bởi báo chí hoặc bất kỳ cơ chế quyền lực nào khác nên chúng ra sức tự tư tự lợi, ăn chặn ăn bớt xã viên, ăn cắp công quỹ. Sự sa đoạ, xuống cấp của cán bộ đã xảy ra từ rất lâu, từ thời bắt đầu xây dựng hợp tác xã nông nghiệp ở nông thôn.
Tuy nhiên trong các tiểu thuyết của Nguyễn Khải, cán bộ tỉnh, huyện, xã, thôn, xóm đều là “đầy tớ tận tuỵ của dân’, lặn lội đồng ruộng giúp dân nâng cao năng suất. Như ông “bí thư tỉnh ủy” đi sâu đi sát nhân dân, vào tận buồng riêng nhà người ta cắt đặt việc gia đình, ông Chủ tịch huyện ăn ở lẫn lộn với cán bộ, nghe tin ở đâu có hiện tượng xã viên xin ra khỏi hợp tác xã là phóng xe xuống bất kể ngày đêm. Cán bộ xã thì “từ mờ sáng tới nửa đêm: mồm nói, chân chạy, xem xét, hỏi han, tranh cãi, la hét, cáu giận, ngọt ngào, thôi thì đủ…”. 
Càng đọc “Chủ tịch huyện” người ta càng nhận rõ cảm hứng chủ đạo là “ca ngợi một chiều”, là thực hiện đúng nhiệm vụ ”tuyên truyền cho đường lối chính sách của Đảng”.  Bởi thế tác phẩm nhanh chóng rơi vào quên lãng. Khi nhiệm vụ chính trị qua đi, tác phẩm “phục vụ kịp thời” cũng chết theo. Đó là “số phận” của những tiểu thuyết viết về nông thôn Việt Nam của Nguyễn Khải.
Suốt cả cuốn “Chủ tịch huyện”, cán bộ từ thôn xã lên tới huyện tỉnh, anh nào anh nấy hai bàn tay đều sạch bong, nhất mực chỉ “vì Đảng vì dân” không mảy may tơ hào công quỹ lấy một cân gạo, không nhũng nhiễu ăn tiền của dân lấy một đồng bạc. Có lẽ “tô hồng” quá đáng vậy sợ bạn đọc cười, Nguyễn Khải “liều mình” dựng lên một ông Chủ tịch xã  tự tư tư lợi, lợi dụng chức quyền ăn tiền của dân. 
Nguyên ở xã Hòa Trung có lái buôn tên Đào đề nghị Chủ tịch xã  mua giúp cái dầm cầu xã bỏ đi để làm cột nhà giá có 200 ngàn nhưng lại đưa những 300 ngàn, coi như “biếu” Chủ tịch xã chỗ chênh lệch.
Chuyện “tham ô” của Chủ tịch xã chỉ có thế, rất may, “đồng chí Bí thư Đảng ủy xã” đã có mặt kịp thời, phân tích cho Chủ tịch xã “nhận ra sai lầm”, trả lại tiền cho lái buôn, nhờ vậy vẫn giữ được phẩm chất cán bộ cộng sản".
Thế là một lần nữa Nguyễn Khải “làm động tác giả” khi mon men tiến gần tới cái cốt lõi của cán bộ Đảng ở nông thôn: máu tham ô, bòn rút của công. Tiếc thay, “Chủ tịch huyện” hoàn thành vào tháng 2 năm 1971 khi bộ mặt của “cán bộ mua đài mua xe” đã lộ ra gớm ghiếc, khi bất công xã hội đã trở nên sâu sắc, khi “chợ vua quan” và “chợ nhân dân anh hùng” mỗi ngày một cách biệt, vậy nhưng ông nhà văn vẫn nhắm mắt, bưng tai không dám nhìn, không dám nghe những xấu xa, đồi truỵ của đám quan lại cán bộ này, vẫn hết lời ‘bốc thơm” chúng.
Kết thúc cuốn truyện, ông nhà văn đặt vào mồm Chủ tịch xã trẻ và Chủ tịch huyện già những đối thoại “ca ngợi “ không còn biết xấu hổ.
Chủ tịch xã:
“…khó khăn mấy rồi cũng vượt qua được cả thôi. Thế hệ cha anh đã đánh thắng bọn xâm lược Pháp, thì thế hệ chúng em sẽ đánh thắng bọn xâm lược Mỹ. Chắc chắn là như thế…”.
Chủ tịch huyện:
“Chắc chắn phải là như thế…”.
Chủ tịch xã:
“…cái khó nhất là đoàn kết được với nhau, không có gì phải ngờ nhau, phải đối phó với nhau thì việc gì cũng làm được. làm được hết…”.
Chủ tịch xã nói năng như… bác Hồ kêu gọi “đoàn  kết, đại đoàn kết”. Kết thúc cuốn tiểu thuyết, ông nhà văn còn cho Chủ tịch huyện phát biểu một câu thật “lãng mạn”… cách mạng:
Nói cho cùng, cái thử thách lớn nhất, phức tạp nhất vẫn là tự mình vượt qua mình. Ngoài ra những khó khăn khác, những thử thách khác đều không đáng sợ, có phải không, đều không có gì đáng sợ…”.
Tuy nhiên, thử thách lớn nhất, phức tạp nhất với các cán bộ chẳng phải vượt qua chính mình mà là vượt qua… cái ghế của mình. Bởi thế họ phải trui rèn phẩm chất… bất nhân, gian manh và đểu cáng giẫm đạp lên nhau mà leo cao. Thực ra cái khó vượt nhất trong con người cán bộ chính là máu tham, nhu cầu hưởng thụ, vượt qua được cái “máu” đó còn khó hơn con voi mượn cánh con bướm bay qua đại dương.
Cha và con và…
Hồi tháng 2 năm 2006, nhà văn Nguyễn Khải trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ.
”Nếu người ta gọi ông là nhà văn thời sự thì ông buồn hay vui?”  và “thời sự hình như không mấy tương đồng với sức sống lâu dài của một tác phẩm. Chủ quan mình, ông nghĩ  tác phẩm nào của mình sẽ có được cái lâu dài ấy?”.
Nhà văn Nguyễn Khải sốt sắng trả lời:
“Nhiều tác phẩm hay đã được bắt đầu từ những bức xúc rất nhỏ của một “chuyện hôm nay”, của cái “bây giờ” nhưng vẫn làm nhiều thế hệ bạn đọc xúc động … Phần mình, tôi nghĩ “Một cõi nhân gian bé tí”, “Cha và con và…”, “Điều tra về một cái chết" cùng một số truyện ngắn của tôi có được cái thân phận ấy của con người…”.
Vậy là trong vài chục tác phẩm, Nguyễn Khải đã chọn “Cha và con và…” là một trong vài tác phẩm ông cho rằng có thế để đời, còn lại mãi với thời gian. Viết xong vào tháng 8 năm 1978, xuất bản ngay trong năm, dày vỏn vẹn chừng 200 trang  và sách vừa in ra đã được “phê bình gia” Vương Trí Nhàn bốc lên mây xanh trên báo Văn Nghệ với cái tựa to tát: "Cha và con và… triết luận về tôn giáo và chủ nghĩa xã hội".
Ghê gớm chưa?
Vậy giá trị thực của cuốn truyện này ra sao?
Cha và con và…” lại cũng xoay quanh chủ đề "bôi bác nhà thờ” như hai tập tiểu thuyết “Xung đột”. Đó là câu chuyện về một linh mục trẻ, mới ngoài ba mươi, tên Thư được Tòa Giám mục cử về “nhậm chức thầy cả” ở xứ Nhất. Về địa phương, trước hết Cha phải tới trình diện chính quyền xã. Cái cách đối xử của cán bộ ủy ban làm Cha không được vui, phàn nàn với ông chánh trương:
“Cả cái ủy ban của các ông nữa. Họ để tôi leo cả mấy bậc thềm, tự bước vào trong nhà, tự đến trước bàn giấy của bà Chủ tịch ngả mũ chào, rồi bà ta mới đứng lên chào lại. Bà ta là Chủ tịch thật nhưng còn là con chiên của Chúa. Chúa chiên đến mà con chiên dám xử sự vậy sao?”.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là nỗi phiền lòng đầu tiên ông Cha trẻ gặp phải khi tới nhậm chức ở vùng đất mới. Chờ đợi ông ta ở phía trước còn vô số những “chọc phá”, những "đòn phép” bổ vào đầu ông mà đau đớn thay không phải từ phía chính quyền vốn “thù địch" với nhà thờ, mà lại từ phía những con người thuộc phe ông – những linh mục già, chánh trương, trùm trưởng, con chiên… luôn luôn giăng bẫy trên đường đi tới của Cha linh mục trẻ mới nhậm chức.
Trước tiên, Cha linh mục trẻ phải tới gặp Cha linh mục già để nhận “bàn giao”. Mới qua vài ba câu chuyện, Cha trẻ đã nhận ra tính cách xỏ xiên của Cha già:
“Lạy Chúa! Tại sao ông già này lại nói nhiều về sự yếu lẫn của mình. Ông già ấy định giăng cái bẫy nào đây?”. Lời nói như gan ruột, nhưng cái miệng thì bỡn cợt, con mắt thì hấp háy, biến ảo quá chừng".
Cha trẻ cúi mặt thở dài rất nhỏ, lái câu chuyện sang hướng khác…
Một Cha trẻ mới ngoài 30 tới nhậm chức, một Cha già ngoài 80 sắp về với Chúa phải rời chức. Hai Cha đối xử với nhau thật chẳng khác gì hai quan cán bộ trẻ già hằm hè nhau khi bàn giao ghế.
Hành hạ “cha trẻ” vậy nhưng “cha già” vẫn chưa chịu buông tha. Tới bữa ăn “cha già” còn “quay” một hồi nữa khiến “cha trẻ” cảm giác “bữa cơm kéo dài như một hình phạt. Chẳng phải vì một già một trẻ, một cũ một mới, một Cha quản hạt và một Cha mới nhậm chức, mà còn vì một cái gì khác nữa, chưa rõ rệt, rất khó dò tìm đã khiến vị linh mục trẻ mất hẳn phương hướng đối đáp trong những mẩu chuyện vặt vãnh không đầu không đuôi…”.
Thoát được “cha già”, “cha trẻ” được phái về xứ Nhất nơi còn biết bao nhiêu điều phiền tạp chờ đợi cha. Trước hết, “lễ nghênh tiếp vị chủ chiên của ban hành giáo hàng xứ rất đúng phép tắc, nhưng gượng gạo, vênh váo…”. Lẽ ra theo thông lệ, cuộc tiếp rước phải “cờ phướn, có chè chén, tối có đánh bạc” nhưng chính quyền không cho phép. Chỉ còn lại “những trình bẩm, ban truyền, những ân sủng, kính cáo, toàn những chữ nghĩa đã chôn đi, đã quên đi từ đời kiếp nào, nay phải móc lên cả lượt”. Cái cảnh ông già bà cả cung kính chào Cha chăn dắt linh hồn được ông nhà văn riễu là “ông già cúi người trước một chàng trai trẻ, xưa là thế, vì nó còn là con vua cháu chúa, còn nay mà thế tự nghĩ cũng ngược lẽ, cũng nực cười…”.

  
KỲ 42
                              



Không biết nghĩ tới thời cả dân tộc phải gọi một “ông trẻ” mới ngoài 50 bằng “bác” xưng cháu, Nguyễn Khải có thấy “nực cười” như vậy chăng?
Trong đám rước đón Cha, có ông trùm họ An Cựu, “đội khăn xếp, áo thâm dài, đi giày mũi nhọn, lại cắp cả ô nữa mà trời vẫn nắng ráo” liền bị chê cười “Ông trưởng khu lên hầu cụ lớn  đấy à?”. Để biến việc đón rước Cha thành một vở hí kịch, ông nhà văn cho ông trùm An Cựu đi tới trước mặt cha “quỳ hẳn gối vái một vái, ông hổn hển đứng dậy vái thêm một vái nữa và cứ bước giật lùi”, chẳng ngờ “gót giày lại dẫm ngay vào bàn chân bà trưởng hộị khấnkhiến bà đang véo von chúc thày cả liền kêu thét như bị ai cấu, dùng cả hai tay ấn mạnh ông trùm ra một bên, miệng nói the thé: Mắt mù hay sao mà giẫm nát cả chân tôi”.
Bôi bác kiểu “hề chèo“ vậy thật thô thiển và tiểu nhân. Chưa hết, khi con chiên còn đang xúm xít đón Cha Thư thì “một tiếng gọi hết sức bất ngờ, hết sức rành rẽ: "Anh Thư”. Cả mọi người chết lặng vì tiếng gọi quá sức láo xược của một đứa nữ nào đó…”. Gọi tên cúng cơm của Cha bằng “anh” ngay giữa lễ đón tiếp, lại do giọng nữ rất âu yếm thì quả bằng trát bùn vào mặt cha giữa lúc linh thiêng, long trọng nhất. Thế là cả đám rước biến thành một đám trò. “Trong nháy mắt, những tiếng cười bị dồn nén luồn lỏi khắp các nhóm người, đến nỗi các chức dịch hàng xứ đứng hầu cha cũng không dám ngước nhìn vị chủ chăn, e rằng chính mình cũng khó giữ được sự kính cẩn cần phải có…”.
Dùng chuyện “trai gái’ bôi bác linh mục là một trong những “sở trường” của Nguyễn Khải. Khi có tiếng người nữ gọi tên Cha âu yếm như vậy, lập tức ông trùm An Cựu “làm ra vẻ bầy tôi sốt sắng" hò hét:
Các người bị ma ám quỷ xui cả sao dám hỗn láo thế? Đứa nào gọi tên Cha trước? Đứa nào? Là con cái nhà ai để tôi thưa với Cha phạt nó. Nó là đứa nào?”.
Thật chẳng ngờ đứa con gái đó lại là thị Thảo, con gái của chính ông làm “đám đông cười vỡ ra. Họ không dám cười linh mục mà chỉ cười cha con ông trùm An Cựu nên có thể cười thật thỏa thuê” làm ông trùm trợn mắt:
“Chúng bay đừng có bỏ vạ cáo gian mà sa xuống hỏa ngục đời đời. Nhà tao mấy đời thờ phượng Chúa…”.
Lại cười, cười như thể đang xem vở tuồng, vở chèo gặp một vai đắc ý. Rồi họ nói chen vào như nói đế:
“Đời ông chỉ biết thờ Chúa, chứ con gái ông chỉ biết thờ các Cha thôi…”.
Đám đông vỗ tay tán thưởng màn kịch cương, lời lẽ đã hay mà vai diễn cũng hay…”.
Than ôi, ở một xứ Công giáo toàn tòng như Bùi Chu, Phát Diệm liệu có cái cảnh con chiên đón tiếp đức Cha linh hồn về xứ mình hỗn xược như vậy chăng? Ông nhà  văn Nguyễn Khải quả đã khéo xuyên tạc, biến lễ nghi trang trọng của người ta thành trò hề rẻ tiền.
Cô Thảo, con gái ông trùm An Cựu đã cả gan gọi tên cúng cơm của Cha giữa đám đón rước, về nhà còn chớt nhả với bố:
“Ông cụ mới tới nom trẻ đẹp quá, bố ạ… chúng con chỉ thích xem người chứ không xem lễ…”.
Ông bố chửi:
“Con nhà vô phúc, rồi mày kéo cả bố mẹ xuống hoả ngục với mày thôi…”.
Nó toét miệng cười:
“Xin mời các cụ lên thiên đàng hầu Chúa, còn con xin đi theo Cha xuống hỏa ngục?”.
Bịa ra con gái một ông trùm đạo cả gan mang đấng chăn chiên ra bỡn cợt ngay cả với bố mình, quả thật ông nhà văn đã tìm ra một hình ảnh quá sinh động diễn tả sự suy đồi của đạo Thiên Chúa tại một xứ toàn tòng. 
Công việc đầu tiên của Cha mới là xem xét “bình Mình Thánh, chén đĩa, chân đèn, ảnh tượng, khăn bàn, khăn thánh…”. Buồn cho Cha, chẳng có vật gì ưng ý, “tất cả đều cũ kỹ, sứt vỡ, hôi mốc, khập khiễng như nhà vắng chủ đã lâu ngày…”. Tâm sự Cha trẻ lúc này thật ngao ngán “một ông linh mục quá già, một đàn chiên quá đông, thế tất việc chăm sóc phải biếng, sự giảng dạy phải nhác… Công lao vun trồng vườn nho của Chúa suốt mấy chục năm của các đấng bậc đi trước, rút lại tay không?”.
Ôi chết chết, cứ như diễn tả của ông nhà văn thì quả Thiên Chúa giáo đã đến thời mạt đạo. Gia sản “cha già" để lại cho “cha trẻ” quá èo uột, cái trách nhiệm gây dựng lại việc đạo Cha trẻ phải gánh vác quá nặng nề. “Gai góc lại mọc đầy như thủa ban đầu và dây leo đã sắp bịt kín cả ảnh tượng. Người kế nghiệp trẻ tuổi sẽ bắt đầu công việc khai phá từ đâu?”.
Nếu thực sự Công giáo trở lại thời vua Tự Đức vậy thì không thấy ông nhà văn chỉ ra ai đã gây nên tình trạng hoang tàn vậy mà chỉ thấy ông cảnh báo linh mục:
Nhân nhượng với đời hay hay đối mặt với đời? Hoặc giả có việc phải đối mặt và cũng có việc phải nhân nhượng? Là người anh em tốt mà vẫn là người chăn dắt tốt. Cười vui với tất cả mà vẫn chỉ huy được tất cả. Đã có giáo sĩ nào trong địa phận biết dung hòa lề luật của nhà Chúa với lề luật của thế tục chưa? Chưa một ai thì phải. Người được Tòa giám mục hài lòng thì chính quyền căm ghét. Người được chính quyền chiều chuộng thì Tòa giám mục phải đề phòng. Hoặc là đầu này hoặc là đầu nọ, tìm được một chỗ đứng vững chắc ở quãng giữa thật khó lắm thay…”.
Nguyễn Khải coi mối quan tâm lớn nhất của linh mục là làm sao dung hòa Tòa thánh và Nhà nước để giữ vững cái ghế linh mục chứ chẳng phải chăm lo phần hồn cho con chiên. Vậy khác nào “lấy dạ tiểu nhân đo lòng quân tử", lấy Chủ tịch huyện mô tả cha xứ?
Nhận định về mẹo xử sự giữa Cha cố và chính quyền này đã được nhà phê bình quốc doanh Vương Trí Nhàn nâng lên thành “triết luận về tôn giáo và chủ nghĩa xã hội"? Phình bụng quá cỡ vậy không khéo vỡ bụng ếch mất thôi .
Ngày làm việc đầu tiên, Cha Thư như bị dội thùng nước lạnh khi gặp người giúp việc thân cận nhất của mình: ông chánh trương xứ vì “ông ta già quá, ốm yếu quá, kèm nhèm và ngu tối thế nào?”. Và lạ chưa, câu chuyện đầu tiên giữa hai người lại là … tranh luận về cải cách ruộng đất xoay quanh chuyện cụ Thượng trong làng, bỏ tiền xây cất mấy cái nhà thờ sau bị cách mạng xử lý. Ông linh mục nói:
“Địa phận ta còn mắc nợ với Ngài nhiều lắm…”.
Ông chánh trương cãi:
“Thưa Cha ông ấy còn mắc nợ chúng con rất nhiều…”.
Ông Cha trẻ gườm gườm nhìn người giúp việc:
“Ruộng đất của người ta, cơ nghiệp một đời của người ta một sớm một chiều mất sạch. Thế còn chưa đủ khổ sở ư?”.
Ông chánh trương nói nhỏ nhưng bướng bỉnh:
“Cái khổ cả trăm gia đình chẳng ai biết đấy là đâu. Cái khổ của một nhà lại như chiều ai oán. Cũng là tôi tớ của Chúa mà…”.
Người đọc không khỏi buồn cười cái nhân vật “chánh trương” này nói năng chẳng khác gì Bí thư xã. Vậy chắc ông là “chánh trương quốc doanh” Nhà nước cài vào Nhà thờ?
Mang tiếng là “cánh tay phải”, là người giúp việc thân cận cho Cha, không hiểu sao vừa mới gặp, ông chánh trương đã giở giọng khủng bố tinh thần:
Thưa ha, năm nay con đã bảy chục tuổi, đã hầu hạ Cha già trọn bốn mươi năm… Mắt con đã nhìn nhiều sự đổi thay, người ta hợp nhau rồi người ta lại chia nhau ra. Hôm qua là cha là con, hôm sau có tao không mày. Hôm qua chén chú chén anh, hôm sau nhét rọ buông sông. Đời người biến ảo khôn lường, một sớm một chiều chưa thể biết được…”.
Mới chân ướt chân ráo về giáo phận Cha trẻ đã bị Cha già răn đe muốn điên đầu, nay lại gặp ông chánh trương buông giọng bí hiểm, doạ nạt về cái sự khó ở đời . Những tưởng ra trường sẽ cùng người nhà Chúa xắn tay áo làm việc đạo, ai ngờ như lạc vào trận đồ bát quái, xung quanh là cả một rừng  gươm giáo.
“Cha trẻ đưa tay lên che mặt, đầu óc quay cuồng, ông rên rỉ:
“Khó  hiểu quá! Các ông nói gì với tôi mà khó hiểu vậy? Tôi chỉ xin các ông một điều: nếu xứ này còn cần linh mục thì tôi ở lại, dẫu khổ hạnh thế nào tôi vẫn cứ ở. Bằng không thì trả tôi về Tòa Giám, đừng dùng mưu mẹo làm nhục tôi, bức hại tôi…”.
Ôi chao, đấng chăn chiên, đức Cha tinh thần của cả chục ngàn giáo dân  lại đau buồn, bế tắc “mùi mẫn” như chàng trai si tình bị người yêu ruồng rẫy:
Và, lạy Chúa, con chỉ ước nguyện sẽ được nằm ở cái giường đơn sơ kia mà trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay âu yếm của Chúa”…ha xứ đã cởi áo, buông màn và nằm xuống, hai tay chắp ngang bụng, thổn thức vì những ý nghĩ thương cảm xa xôi, miệng khẽ gọi những tên cực thánh  Giêsu – Maria – Giuse…”.
Liệu một đấng chăn dắt linh hồn của cả một giáo phận có dễ “tủi phận mình”, thổn thức  như một anh đồng cô ẽo uột vậy chăng?
Xây dựng nhân vật Cha Thư ngây ngô, ngớ ngẩn như vậy trách gì các “sự  khó” cứ ùn ùn kéo tới. Sau khi cả gan gọi tên cúng cơm Cha trong buổi tiếp rước, con gái chánh trương lại xin gặp riêng Cha với tư cách trưởng hội hát. Ông Cha trẻ chưa trải đời chấp thuận để cô cùng hội hát quyên góp may áo lễ mới cho cha. Mặc dầu các cô đã  dặn nhau “Không được nói lại với ai đấy nhá! Cấm đấy nhá…” nhưng chỉ thời gian sau cả xã đã biết chuyện, gây ra bao tai tiếng làm ông Chủ tịch mặt trận xã phải tìm tới ông chánh trương phàn nàn:
Tôi nghe con mẹ Tộ vừa la vừa khóc: vậy là mày giết tao. Đứa nào xui mày? Thằng nào con nào xui mày để tao băm vằm nó ra?... Chúng nó chim chuột dăng dện nhau thì mặc mẹ nó chứ, hà cớ gì lại khéo dỗ mày. Mày ăn cơm hay ăn cứt mà dại dột thế?”.
Hóa ra con gái bà Tộ lấy bông tai quyên góp may áo mới cho Cha làm bà ta chửi toáng: "Đã có ông linh mục nào đến xứ này mà chê tiền không? Mà chê gái không? Tôi cũng là người có đạo tôi không nói vu cho ai bao giờ…”. Cha quản hạt thì sao?" –Rụng hết răng thì còn ăn gì được, giả thử còn đủ cả hai hàm chắc cũng chẳng từ…”.
Ở giữa một xứ đạo toàn tòng, liệu có một mụ đàn bà oang oang chửi cả Cha trẻ lẫn Cha già như mất gà mà kẻ cắp lại chính là… các Cha không? Hay nhà văn mượn mồm đàn bà bôi xấu linh mục? 

(còn tiếp)
----------------------------
* nguồn: blog nhattuan




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét