KỲ 47
(tiếp theo)
Chính vì cuốn sách vẫn được coi như thành tựu văn học hiện đại,
vẫn được rao giảng trong nhà trường nên cần thiết phải đi cho hết nó.
Nhà văn cho ông cha trẻ nói năng “lập trường” vậy, đến ông
cha già quản hạt lại còn "cách mạng” hơn. Cha "chỉnh” câu trả lời của
cha Thư:
“Vâng lời chưa đủ, còn phải hiệp tác. Có hoan hỉ thật lòng
thì mới hợp tác được”.
Vậy cha quản hạt muốn cha Thư phải ngoan ngoãn vâng lời
nhà cầm quyền một cách tự nguyện chứ không phải miễn cưỡng, tức phải “hoan
hỉ mà vâng lời” kia. Bởi vậy sau khi gặp cha quản hạt trở về, cha Thư vui
vẻ cho phép cậu giúp lễ tham gia vào… đội gặt của hợp tác xã. Khi cậu ta đi
rồi, cha càng thấy chán đạo, càng cảm thấy nhà thờ ngày càng giống như nhà tù:
“Rồi trong cái nhà tù này chỉ còn có ta thôi, một ông cha
xứ đã lẩn thẩn, và mấy người hầu việc đã quá già. Nhà tu, nhà nguyện, nhà dòng,
nơi chỉ chăm lo có sự cứu rỗi thì bóng tối và cái chết là ơn ích của nó…”.
Không hiểu ông nhà văn còn đòi hỏi nhà thờ những gì ngoài “chăm
lo sự cứu rỗi”, không lẽ ông muốn biến nhà thờ thành hợp tác xã thủ công sản
xuất quạt nan hoặc đậu phụ thì mới xua được “bóng tối và cái chết”? Nhìn nhận
tôn giáo nông cạn thế mà ông muốn nhân danh “chủ nghĩa xã hội” để “triết luận”
với Thiên chúa giáo thì thật tức cười.
Cái nỗi buồn chán đạo đẩy ông cha trẻ đến chỗ muốn cởi bỏ cái áo
chùng thâm:
“Còn luyến tiếc làm gì, còn tìm cách lại gần làm gì cái
thế gian của những bổn
phận, những mưu trá, những khổ đau. Những… ngay trong tòa nhà của ông thánh
Phêrô vẫn có đầy đủ mọi tấn bi kịch đã từng xảy ra ở ngoài đời”.
Nếu “ngoài đời" cũng đầy rẫy những thối tha như trong “nhà
thờ” thì đức cha cứ ở yên trong nhà Chúa tội gì về với đời? Tuy nhiên, ông cha
trẻ còn cho rằng “nhà thờ” còn thua cả “ngoài đời” ở chỗ:
“Ngoài đời còn có sự sống và ánh sáng, chứ còn ở đây thì
chỉ có mùi ẩm mốc và cái chết…”.
Thật là một câu chửi đạo Thiên chúa mang đầy tính khái quát.
Cha Thư đã chất chứa trong tâm can biết bao sự phiền muộn và
khinh ghét giáo hội, lại thêm khi tới thăm gia đình ông chánh trương được bà vợ
ông này “tố khổ” tội lỗi của các linh mục trước kia:
“Trình cha với cố, mấy năm Pháp nó đóng đồn ở đây, cha
Hoàng Quỳnh từ Phát Diệm sang coi sóc xứ đạo này, chúng con đã tưởng tới ngày
mạt thế. Cha đòi lại ruộng đất được chính phủ chia cho năm trước, rồi truy tô
các chủ ruộng, thiếu một đồng cũng không được. Kẻ nào chậm chạp lập tức bị nhốt
hầm ngay. Ông lão nhà con cũng bị nằm hầm cả mấy tháng. Kẻ có đạo chỉ biết kêu
xin có Chúa, nhưng đấng thay mặt Chúa lại bịt chặt cả mọi đường. May mà anh em bộ
đội về giải phóng sớm, chậm chút nữa không khéo các cụ ấy giết chết hết con
chiên…”.
Đến vợ ông chánh trương tức phu nhân của ông đứng đầu các con
chiên mà còn thở ra những lời lẽ “căm thù” các đấng chăn chiên như thế, thử hỏi
cái xứ đạo này có đáng “giải tán” không? Ông cha trẻ nghe chuyện không tin, hỏi
lại:
“Trong nhà xứ có hầm nhốt người à?".
Ông chánh trương xác nhận:
“Thưa, nó vốn là cái hầm chứa đồ thánh, cha Quỳnh về mới
cho xây rộng ra để nhốt người… Năm anh em bộ đội về đánh bốt chúng con cho xây
bịt lại luôn…”.
Chỉ tưởng tượng thêm chút nữa, ông nhà văn sẽ biến nhà thờ thành
bốt Tây có súng lớn, có bãi mìn chống lại cách mạng. Bà vợ ông chánh trương lại
tố cáo tội ác của các cha:
“Trình cha con cứ nghĩ cái năm thằng cháu trai đậy chiếu
nằm đấy mà không có
tiền mua áo. Chồng chạy vào cha Hiển, vợ chạy sang ông bà Tư van vỉ khóc lóc cả
buổi, rút lại vợ về tay không, chồng cũng về tay không. Mà là chánh trương với
cha xứ cả đấy. Vậy là phải bó cháu bằng bao tải , bằng chiếu , chồng gánh
một đầu. Vợ gánh một đầu, trời lại mưa tầm tã…”.
Rõ ra là một màn con chiên đấu tố “linh mục”, tự nguyện đấu tố
chứ chẳng phải do Đảng “phóng tay phát động”. Bà vợ ông chánh trương khóc
sụt sùi:
“Một đời người ngoảnh đi ngoảnh lại chỉ những khổ là khổ.
Kêu Chúa, Chúa cao
xa quá nên nghe không thấu, đến với cha, cha xua tay bảo:
”Vậy cái khó của tôi thì tôi kêu ai? Gắng mà chịu chứ !”.
Những lời “tố đạo” của con chiên làm ông linh mục trẻ như bừng
tỉnh. Ông ngộ ra rằng:
”Nếu các đấng bậc ấy tin là có một Thiên Chúa thật, có hỏa
ngục và thiên
đàng thật, có sự xét xử tối hậu thật, lẽ đâu họ dám hành động càn rỡ đến thế?
Hình như họ đã không còn tin ở những điều thiêng liêng đó nữa…”.
Thế là ông linh mục xét lại “đức tin’ của các cha. Ông cho rằng
"đức tin" ấy là không có thực, là vờ vịt, giả vờ để các cha “hành
nghề” linh mục:
“Với họ đi tu là một nghề nghiệp, Hội Thánh là một tổ chức
xã hội, danh vị và tiền bạc vẫn có sức mạnh vạn năng, mọi tội lỗi và đam mê chỉ
khác đi là đã được thánh hóa… Các đấng bậc tự cho phép thỏa mãn mọi dục vọng,
còn giáo hữu thì è vai gánh vác mọi khó khăn thì vừa cuồng ngạo vừa ngu ngốc,
bọn áo chùng chúng ta ở giáo phận này là sứ thần của quỷ chứ đâu phải của Chúa?”.
Than ôi, một khi linh mục Thư đã báng bổ đạo của chính ông như
thế, đã vứt bỏ đức tin như vậy, con đường tất yếu dẫn ông tới là “bỏ đạo” về
với “chính quyền”. Quả nhiên một tối cha Thư mặc ra ngoài chiếc áo chùng thâm
một cái áo dài trắng – biểu tượng của sự từ chối chức linh mục và cho mời ông
chủ tịch mặt trận và ông chánh trương xứ tới trịnh trọng đề nghị:
“Thưa hai cụ, hai cụ là đại diện có thẩm quyền của giáo dân
xứ nhà… tôi cúi mình cầu xin hai cụ hãy rửa tội cho tôi lần nữa... vì từ nay
tôi là tôi tớ trung thành của các người…”.
Như vậy ông cha Thư không còn là “con cái Chúa" nữa mà là
tôi tớ của giáo dân trong mặt trận Tổ Quốc của Đảng, tức "đầy tớ của nhân
dân” như cán bộ Đảng. Thế là ông Chủ tịch mặt trận làm lễ “rửa tội” cho ông
linh mục theo kiểu chính quyền:
“Ông vục nước đổ lên đầu cha xứ lần nữa, miệng đọc to:
“Tao rửa mày nhân danh Cha và Con và Giáo hữu xứ Nhất…”.
Như vậy, lẽ ra “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, ông nhà văn
đã cho ông Chủ tịch mặt trận sửa “thánh thần” thành “giáo hữu” – tức là từ nay,
ông linh mục sẽ từ bỏ “thánh thần” mà trở về với “nhân dân”.
Thật là một hư cấu vừa lố bịch vừa ấu trĩ tới mức dở hơi trong
“triết luận về chủ nghĩa xã hội và Thiên chúa giáo” như "phê
bình gia" Vương Trí Nhàn tôn vinh nhà văn Nguyễn Khải .
(còn tiếp)
----------------------------
* nguồn: blog nhattuan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét