Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

cây cỏ vô ưu [bài1] - võ chân cửu


“Tôi” là Ai?

Mở đầu cho đợt tản mạn này định lấy tựa là “Vô ưu Hoàng Ngọc Tuấn”, Chợt nghĩ, chúng tôi có một tính chung là ít thích ai nói về mình. Vậy thì cứ chọn đại những biểu từ có nghĩa chung chung nhất…

Một chiều cuối hạ đầu thu đâu đó, Hoàng Ngọc Tuấn (HNT) về nhà đưa cho con tôi mấy chiếc bánh và một cành hoa nhiều nụ rồi lẵng lặng lên chỗ của anh trên gác. Cháu Ty, con gái thứ 2 của tôi, năm đó chừng 14 tuổi. Cháu cầm nhành hoa vô đưa cho mẹ, không nhịn được cười, la lên: "Chú Tuấn lần đầu mang về cái này. Mẹ xem, hình như chú có “bồ”!
Vốn ở trong Gia đình Phật Tử ngày xưa, vợ tôi lật qua lật lại nhành hoa hồi lâu rồi bảo: "Hoa “vô ưu” đó con. Hãy đem cắm vào bình.
Thanh sạch

Loài hoa này vốn ở Ấn Độ, ở Việt Nam chỉ trồng được ở một số nhà chùa. Hoa mọc từng chùm, cánh phơn phớt tím đào. Nhưng có lẽ do truyền thuyết là nó ở bên cạnh Thái tử Tất Đạt Đa vào thời khắc ngài thành Phật nên ở Việt Nam, những chùm hoa lành nhiều nụ đều được gọi là hoa vô ưu. Cây Asoka (Bồ cạp nước) có gốc từ Nhật Bản, thân cây lớn, hoa vàng từng chùm phủ cành. Nhưng có lẽ vì thấy nó thanh sạch nên nhiều người cũng phong cho nó là hoa “vô ưu”!
Sự cố gây ngạc nhiên của HNT xảy ra vào khoảng đầu thập kỷ 1990. Công nghệ Internet mới bắt đầu phổ biến ở Sài Gòn. Tên tuổi HNT, nhà văn ở Sài Gòn trước 75, được nhiều người yêu mến. Nhưng bạn bè quen biết lại khá ngạc nhiên khi đọc những dòng cậy đăng của anh trên báo Tuổi Trẻ. Anh nói rõ: HNT hiện đang sống ở Việt Nam, không có “liên quan” gì đến bút danh trùng lập được ký ở một tờ tạp chí văn nghệ và trên mạng ở nước ngoài (HNT này ở Australia).

Nghĩ cũng buồn cười. Nhưng chỉ những người làm văn nghệ trước 75 đang còn ở Sài Gòn, phải kiếm sống nhờ các khoản nhuận bút từ những bài dịch, hay bài viết vô thưởng vô phạt thường xuyên được in báo, thì mới rõ được nguồn cơn. Để gây hiểu lầm, tuyên huấn chỉ xuống triệt đường kiếm sống là rớt mồng tơi!
Với sự gia tăng của lĩnh vực tin học, việc ngồi dịch các mẩu bài từ báo nước ngoài chuyển về theo đường nhanh nhất (đặt mua lại từ sọt rác các chuyến bay đến Tân Sơn Nhất), phải âm thầm lụn bại. Nên HNT dần dần chuyển sang viết nhiều hơn về bóng đá, hoặc cho các chuyên mục “cười”. Nhưng sau lần phải “xưng danh” ấy, anh lại ngày càng “vui vẻ” hơn! Tuấn nổi tiếng là một người lập dị và khó tính. Thường khi vào các quán bia bình dân, anh chỉ ngồi một mình (lúc này bạn bè Việt Kiều chưa về nước, nên mấy khi anh được kéo ghế trong nhà hàng!). Bạn không hẹn, hoặc người nào đó rủi “mến danh” tự động xách ly qua hỏi chuyện, thì sau cái cụng xã giao, anh sẽ đứng dậy qua chỗ khác ngồi lặng lẽ.
Sau khi đem về chùm hoa vô ưu, anh lại “lên lịch” gặp nhau mỗi tuần tại quán 81 (Căng – tin Hội văn nghệ sĩ. Hoặc khi bất ngờ gặp các “bạn bia” hợp ý - như các nhà thơ Phù Hư, Nguyễn Lệ Tuân (nay đã mất), hoặc Trần Từ Duy (lúc đó còn hàn vi), thì Tuấn vẫn có thể ngồi uống dăm ba chai, nói cười xả láng. Cung cách mới này được HNT giữ đến ngày cuối đời.
Năm nay (Nhâm Thìn) nhuần 2 tháng 4, nếu không thì đã sắp đến ngày các bạn kỷ niệm anh giã biệt cuộc đời (4-6 âm lịch). Điều gì đã tạo nên sự thay đổi trong con người Tuấn? Nhớ lại chùm hoa lạ anh mang về, tôi nói với nhiều người chơi thân: "Chắc là Tuấn bắt đầu “vô ưu”! Các cây bút tự do thường ít vướng vào lễ nghi thánh thần. Nên chùm hoa ấy chắc là của một thiếu nữ mới đi chùa về trao anh!

Câu hỏi cũ

Điều đó có lẽ đúng. Những người chơi thân với Tuấn dần dà đã biết trong “thời khóa biểu hàng tuần của anh” có một ngày khá bận rộn. Những cặp nhân tình lúc này thường phải chở nhau về tận Biên Hòa. Ở đó các khách sạn sớm “đổi mới”, không bắt khách thuê phòng phải xuất trình giấy “hôn thú”! Vào ngày đó anh mới được cỡi lại xe Honda (của người yêu), chứ thường ngày vẫn trên chiếc xe đạp trành! Ai cũng mừng là Tuấn bắt đầu “vô ưu”, Từ chỗ một nhà văn “Best seller”, anh đã bỏ được mộng thai nghén, sáng tác văn chương! Mà viết ra (thực sự là sáng tác), muốn đăng được lên báo hay in cũng không phải dễ. Lý lịch, tư tưởng của anh ra sao? Viết bỏ ngăn kéo lại càng thêm mệt. Và tốn sức. Lại rủi lúc vui miệng tiết lộ, có một cò mồi nào đó vốn là người quen biết cũ trong giới, nay muốn “tiến thân”, thì lại càng thêm mệt. Vậy thà tạm ngưng hay bỏ quách. Tôi cũng vậy!
“Viết cho ai, viết để làm gì?”. Câu diễn đạt vốn có tự muôn đời trong văn chương nay lại sắc mùi “quan điểm”. Câu khẳng định của “thần tượng” J.P. Sartre trước kia mang mùi triết học: Tôi tư duy là tôi tồn tại! Nhưng vào thời văn nghệ độc quyền, câu nổi tiếng của một nhà thơ “lớn”: Tôi là ai giữa mùa thay đổi ấy? lại muốn bạn phải “thức tỉnh”: "Chọn một dòng hay để nước trôi. Muốn có tem phiếu, anh phải là một “con người mới”…
HNT là ai? Giới văn nghệ Miền Nam nếu không ưa nhau thì chỉ ít gặp nhau. Sự cãi cọ về “thẩm mỹ”, “trường phái” xảy ra trên mặt báo có khi chỉ là chuyện giỡn, gặp nhau vẫn vui vẻ, chơi chung. Nhưng sau 75, tất cả những gì gọi là văn chương đều bị đánh đổ sập, “văn học Miền Nam” chỉ là một cõi chợ trời – như khẳng định của một viên chức làm “nhà phê bình” tại các lớp học “nâng cao tư tưởng” dành cho văn nghệ sĩ. Mất hết tất cả rồi, thôi hãy để chôn vùi, việc gì tự những người trong cuộc lại có cái nhìn lệch lạc. Nhà văn (người sáng tác nói chung) thường dễ cảm xúc khi có ai đó nhìn không đúng về mình. Có lẽ điều đó đúng nên có một lần tôi và các bạn thân đã chứng kiến HNT nổi giận. Hôm đó là ngày làm tuần của thân sinh tôi (năm 1987) tại nhà. Một bạn là nhà văn nổi tiếng với nhiều truyện về bản thân “lao công đào binh”. Sau mấy cốc bia làm ngà ngà, anh buộc miệng “nhận định” HNT chỉ là nhà văn của “tuổi mới lớn”. Bất ngờ từ tay Tuấn, một ly bia được ném vào tường, vỡ toang. Anh em vuốt giận cả 2 cây bút khác “trường phái”. Rồi thôi. Tuấn chỉ lầm lì ngồi đốt thuốc củi tới khi tan hàng.

Bóng thời gian…

HNT nổi tiếng là một nhà văn của giới tuổi trẻ. “Tuổi mới lớn” cũng là tuổi trẻ! Nhưng tuổi trẻ lại có nghĩa là những gì tươi đẹp nhất và không bị giới hạn bởi các khung. Chỉ là nhà văn của “tuổi mới lớn” có khi lại không phải là nhà văn, theo nghĩa người vốn có những ưu tư về thân phận con người. Để giải quyết “vấn nạn” ưu tư này, nhiều cây bút đã lần lượt chọn theo đường tôn giáo, hoặc “ca tụng xác thịt”, tóm gọn là “đạo” và “dục”. Nhà văn của tuổi trẻ HNT ra sao? Nét đẹp nào của nhà văn trên cõi trần gian? Tìm câu trả lời này thật khó.
Cuộc đời lại có những diễn biến khó ngờ. Mới tháng 5 vừa qua, Trần Quốc Định nhắn tôi và Phạm Việt Cường, Phù Hư - những bạn thân giai đoạn cuối đời HNT, đến để anh trao lại mỗi người một tập truyện “Ở một nơi ai cũng quen nhau” -bản dành cho tác giả- mới được nhà xuất bản Thời đại liên kết với một công ty văn hóa phẩm tái bản. Phạm Chu Sa là người làm việc cho công ty liên kết mới tung ra loạt sách này, với 4 tựa sách của HNT, Từ Kế Tường, Đinh Tiến Luyện và Đoàn Thạch Biền. Sách in theo loạt “Pocket book”, gáy dán keo, mỗi bìa trình bày theo mô típ in hình một nữ ca sĩ - tài từ Hàn quốc. Ngoài bìa, tên tác giả, các chữ Tuấn, Tường, Luyện, Biền được in khá lớn. Tuổi mới lớn vẫn thường thích các truyện diễn tả cảm xúc “mới biết yêu”. Và các nhà làm sách qua “nghiên cứu thị trường” cứ nghĩ đây là các sách sẽ bán khá chạy. Nhưng, sách chỉ in 1000 bản, mà nghe đâu không được tiếp nhận nồng nhiệt lắm. Phạm Chu Sa sau đó cho biết: ngay cả các sinh viên mới tốt nghiệp đang làm trong công ty liên kết, hiện tại cũng không biết HNT là ai. Hay tại thiếu công đoạn PR (lăng xê trên báo)? Nhiều người đọc và cây viết mới sau đó đã nói với tôi: Tuổi trẻ bây giờ sống khác xưa, suy nghĩ khác xưa. Hơi đâu ngồi mơ mộng, tưởng tượng như lứa các anh. Vậy họ thích gì? - Dâm loạn? bạo lực? như “bóng đè”. Qua một bài nghiên cứu trên mạng về sách Việt ở Mỹ, tôi nghe nói ở hải ngoại, sách thuần văn học cũng bán rất khó. Người mua chỉ thích các sách tạo “Xì căng đan” về chính trị, hoặc hồi ký, đời tư của các chính trị gia, tài tử nổi tiếng.
Nghĩ lại cũng buồn. Tôi tự an ủi: giá như sách trước 75 in lại theo kiểu tuyển tập hay toàn tập, đóng bìa cứng, dành cho các nhà sưu tập, người lớn tuổi muốn lưu giữ lại một thời đã mất. Thì có lẽ sẽ bán dễ hơn.
Nhiều cây bút, kể cả ở trong và ngoài nước, vẫn không ngần ngại cho rằng bề sâu của các tác phẩm văn chương Việt Nam, kể cả thơ, vẫn còn rất kém so với các nước Âu Mỹ. Mặc cảm nhược tiểu, hay vì những lý do ngoài văn chương? Tôi tự an ủi mình: Trong thi ca, vì tiếng Việt là một ngôn ngữ riêng, thế giới chưa thể đồng cảm qua bản dịch được.

Câu trả lời

“Tôi là ai”. Tình cờ lật trang cuối cuốn sách mới tái bản của HNT, tên truyện “Ở một nơi ai cũng quen nhau - OMNACQN” cũng được chọn làm tên sách. Những dòng cuối truyện, HNT đã tự trả lời:
"… Có một người trong những khi thoát ra khỏi sự ào ạt của đời sống, muốn chụp bắt lại nguyên vẹn hay một phần nào quá khứ của hắn, những kỷ niệm tươi đệp hay buồn bã. Một người mà trí nhớ khốn khổ của hắn rất lờ mờ đến nỗi mỗi khi muốn nhớ lại điều gì, hắn chỉ nhớ những chi tiết vô vị nhất, còn bao nhiêu chuyện quan trọng hắn đều quên hết cả. Thế mà lúc nào hắn cũng ao ước được tìm lại hình ảnh của bạn người thân thiết với hắn, của chính hắn, trong khu vườn cỏ dại. Người ấy là tôi.
Tôi là một người mà hồi đó nếu ai có muốn tìm gặp, xin cứ đi vào khu vườn cỏ, đến quán cà phê vào lúc ban đêm và hỏi bất cứ một người nào ở đấy:
- Anh có thấy một thằng người Huế, hơi gầy, tóc dài không chải, áo quần bê bối, miệng hay hát những câu kỳ cục, thường hút một thứ thuốc lá hiệu Lạc Đà, hay bó gối ngồi một mình với dáng cô độc buồn bã. Nhưng thật ra hắn không có gì buồn cả đâu, đôi khi hắn sung sướng kinh khủng mà vẫn cứ mang bộ mặt thảm hại ấy như thường. Anh có biết thằng đó không?
Chắc chắn là người nào đó cũng sẽ trả lới bằng một cái gật đầu, vì họ đều quen biết hắn, cũng như ở đây mọi người đều quen biết nhau.
(1969)
Cũng với tựa sách này, năm 2005 chị Đặng Hòa Bình, một người đọc mê văn HNT đã tự bỏ tiền ra in tập sách tại Mỹ dưới nhãn hiệu NXB Hòa Bình, do Hoàng Xuân Sơn viết lời tựa. Hai tập OMNACQN in tại Mỹ và Việt Nam khác nhau vì các truyện do người sưu tập chọn ra tùy tư liệu có trong tay (37 năm đã có nhiều thất tán). Trước 1975, chị Hòa Bình đã tình cờ gặp được NHT, và làm quen với nhà văn. Dù chưa nói nhiều chuyện, nhưng người độc giả đặc biệt này vẫn giữ hình ảnh và những trang văn của người mình quý mến. Gặp chúng tôi tại Sài Gòn tháng 12-2011, Hòa Bình cho biết sẽ tiếp tục để in thêm một tập sách thật xứng đáng của HNT.
Khó mà diễn tả được hạnh phúc của một nhà văn từng tự hỏi “Tôi là ai?”.
[còn nữa]
---------------------------
* nguồn: blog nguyenmienthao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét