1
Sau ba lần bảy lượt cù cưa hứa tới hẹn lui, cuối cùng tôi cũng
đi thăm Thân, định bụng sẽ ở lại chơi vài ngày nhưng ngay buổi chiều
hôm đó tôi bịa ra lý do để về nhà.
Hắn là bạn thân của tôi từ thời mới vào đại học hơn bốn mươi năm
trước. Mà đâu có xa xăm gì, chúng tôi ở hai thành phố cách nhau chưa tới
một trăm năm mươi cây số. Mấy năm trước khi còn làm việc cho một công
ty du lịch ở Nha Trang, tôi thường xuyên đi qua thành phố Phan Thiết của
hắn, có khi mỗi tuần một bận dừng chân để ăn trưa nếu khởi hành từ Sài
Gòn vào tám giờ sáng. Hắn dặn tôi cứ phôn báo trước nửa giờ là hắn có
mặt để đón tôi. Vậy mà tôi chưa bao giờ gọi hắn, chỉ vì nghe nói hắn làm
quan to mà tôi thì nuôi sẵn thành kiến với những bạn bè cũ gặp thời làm
ông nầy bà kia.
Tôi đã một lần dại vì tin vào tình bạn nên tôi cất công lên tận
Pleiku để can gián hai thằng bạn cũ đấu đá nhau để giành một chức giám
đốc. Hai thằng đó chơi thân với tôi thời trung học ở Quy Nhơn, thân đến
nỗi bạn bè gọi chúng tối là bộ ba tướng-sỹ-tượng. Số phận đưa đẩy chúng
làm việc cùng một cơ quan, lý lịch đều “đỏ”, nhưng lại thuộc hai “phe”
khác nhau, mà phe nào cũng muốn “gà” của mình nắm giám đốc của cơ quan
béo bở đó. Ghế thì ít nhưng đít thì nhiều, một chức giám đốc nhưng có
hai thằng tranh, mâu thuẫn chồng chất, đánh nhau một mất một còn. Tôi
nghĩ tôi có thể hòa giải chúng nhân danh tình bạn lâu năm. Thế là tôi
bỏ tiền túi lên Pleiku, ngủ khách sạn, rồi liên lạc mời cả hai thằng đi
nhậu mà không cho đứa nầy biết tôi cũng mời đứa kia. Khi ba đứa đã ngà
ngà, tôi nêu chuyện chúng “hục hặc” với nhau và khuyên “chỗ anh em cũ
nên cộng tác với nhau”. Một trong hai thằng cảm ơn thiện chí của tôi rồi
ra xe biến mất không thèm bắt tay. Tối đó nó điện mắn vốn, bảo rằng
thằng kia đã “chơi” hắn cạn tàu ráo máng nay lại nhờ tôi làm trung gian
hòa giải.
Từ dạo ấy, sợ rằng không có cái ngu nào giống cái ngu nào, nên tôi
tránh bạn bè làm quan, ngay cả trong đám tiệc tôi cũng tránh không ngồi
chung bàn với họ. Lần nầy tôi chịu đi thăm Thân vì hắn đã nghỉ hưu mấy
năm rồi. Hơn nữa, trong nhóm bạn xưa của tôi nay chỉ còn sót lại tôi và
Thân, cả hai đều đã “có tuổi” – phải tranh thủ gặp nhau một lần, biết
đâu lại có đứa ra đi trước.
Thuở đó chúng tôi có năm đứa thuê nhà trọ ở đường Nguyễn Cư Trinh Sài
Gòn. Thằng Hà thi rớt, phải đi sỹ quan trừ bị Thủ Đức, ra trường hơn
hai năm thì tử trận ở Quảng Ngãi. Thằng Quý đi sỹ quan võ bị Đà Lạt,
cuối cuộc chiến mang lon đại úy ở sư đoàn 22, đi học tập mút mùa, rồi
vượt biên và chết mất xác ngoài biển, bỏ lại vợ và ba con. Thằng Hữu di
tản theo tàu Thương Tín 2, không vợ con, chết già ở Mỹ. Tôi vốn là nhân
viên ngân hàng Việt Nam Thương Tín, chưa từng cầm tới khẩu M16 nên được
“lưu dung”.
Riêng Thân thì khác. Hắn học Đại học Sư phạm Sài Gòn, ra trường đi
dạy ở Bình Tuy hơn năm thì giải phóng. Khoảng đầu tháng 3-1975, hắn bỏ
nhiệm sở chạy vào Sài Gòn mặc dầu chiến trận còn ở tận các tỉnh phía
Bắc. Tôi rủ nó về ở chỗ tôi vì căn hộ hai phòng ngủ của tôi ở chung cư
Lan Đình gần cầu Công Lý khá rộng mà tôi thì vẫn độc thân vui tính,
lương giám đốc chi nhánh ngân hàng dư ăn dư để. Với lương “giáo sư” –
thời đó giáo viên Trung học trở lên đều gọi như thế – hắn ký cóp bộn
tiền gửi ngân hàng để dành cưới vợ, nay thời cuộc đang thay đổi nhanh
chóng, “không biết sống nay chết mai thế nào, xài cho hết…” – hắn bảo
thế. Hằng ngày hai thằng bạn độc thân ăn cơm nhà hàng lúc Victoria, lúc
Thanh Thế, chiều chiều ngồi nhấm nháp café Kim Sơn, Thanh Bạch, Brodard
mặc sức xem gái Sài Gòn “bát phố” để “rửa mắt”, chán lại vào Rex xem
những bộ phim mới nhất của Hollywood, tối tối đi nhảy đầm ở Maxim’s.
Những ngày Sài Gòn sắp sụp đổ, hắn đi từ sáng đến tối, mặt mày hớt
hải như gà bị chó đuổi. Tôi bảo nó “người ta sao mình vậy việc gì phải
rối lên thế…”, nhưng không thể giúp hắn bớt sợ hãi. Cả hai chúng tôi đều
không có ý định di tản vì toàn bộ gia đình đều “kẹt” ở ngoài Miền
Trung, mặc dầu nếu muốn đi tôi đã có thể rủ hắn cùng xuống tàu của ngân
hàng VNTT như tôi đã giúp Hữu.
Khi tình hình tạm ổn, tôi hay tin ba má tôi dẫn mấy đứa em hoảng loạn
chạy vào tới Cam Ranh rồi quay trở lại quê, may mắn không mất người mất
của. Còn hắn về Phan Thiết trình diện rồi ở biệt ngoài đó. Thật ra, qua
bạn bè tôi cũng biết hắn thôi nghề dạy học chuyển sang nghề chính trị
nhờ lý lịch “đỏ”. Hắn không liên lạc với tôi, nên tôi cũng chẳng muốn
tìm hắn, vì ở đời “giàu đổi bạn, sang đổi vợ” là lẽ thường. Cho đến khi
hắn nghỉ hưu, hắn mới mò đâu ra số di động của tôi để bắt liên lạc, năm
lần bảy lượt mời tôi ra thăm chơi.
Nghe nói, ba hắn là cán bộ lớn ở Hà Nội, điều nầy trước đây tôi chưa
hề nghe hắn tiết lộ , tôi cũng chẳng trách hắn vì thời trước ở Miền Nam
ai cũng che giấu có thân nhân ở “bên kia”. Nhờ sự sắp xếp của cha và
năng lực bản thân, hắn thăng quan tiến chức như diều gặp gió, sau mấy
chục năm hắn trở thành một trong những cán bộ chóp bu của tỉnh cho đến
ngày về hưu. Còn tôi vẫn là chuyên viên ngân hàng, sau khi nghỉ hưu làm
bán thời gian cho một vài công ty tư nhân “cho vui” rồi nghỉ hẳn. Cũng
như giày dép, người ta ai cũng có số má. Cái số tôi nó vậy, lình bình
như bèo lục bình, nước lên thì mình trôi lên, nước xuống thì dạt theo
con nước ròng, vẫn xanh tốt, ra hoa rực rỡ như ai, có điều chẳng sánh
được với hoa lan, hoa hồng,…Mà sánh để làm gì? Phận hoa lục bình đã sao
nào. Hoa càng đẹp, càng quý càng dễ bị cắt nguyên cành đem bán cho người
ta chưng. Hoa lục bình an toàn hơn, mặc sức nở, rồi tàn giữa trời nước
mênh mông.
2.
Hắn đón tôi ở bến xe bằng chiếc Lexus màu đen metallic mới cáo
cạnh. Lúc đó khoảng 11 giờ trưa. Hắn mặc đồ chơi tennis, dường như hắn
từ sân chơi nào đó đển đón tôi. Tôi ngồi trong quán café do hắn chỉ dẫn,
cố quan sát mọi người tới lui để tìm hắn. Nhưng cả hai chúng tôi đều
không nhận ra nhau, cho đến khi hắn móc MP gọi tôi, “Tấn, mầy ngồi chỗ
nào mà tao không thấy…”, lúc đó tôi mới nhận ra hắn đang đứng ngay trước
quán cách chỗ tôi ngồi mấy bước chân. “ Tao đang ngồi sau lưng mày
nè…”, nghe tôi đáp qua máy hắn quay lại, đút máy vào túi, reo lên:
“Thằng quỷ, mầy thay đổi nhiều quá, tao nhận không ra…”. Hắn cũng thay
đổi đến độ nếu không hẹn, chắc tôi tưởng nó là người chưa từng gặp trong
đời. Hồi đó hắn ốm tong teo, lại làm nghề “bán cháo phổi” nên cứ sợ mắc
bệnh lao. Bây giờ mặt hắn tròn bóng nhẫy, bụng bự, tóc nhuộm đen thui
xịt keo chải ngược khiến khuôn mặt hắn tròn quay như mặt ông địa. Phần
trên phì lũ của cơ thể hắn đè nặng đôi chân ngắn đủn nên trông hắn thêm
lùn tịt.
Khi đã lên xe, hắn bảo tôi, “ Sao mầy ốm quá vậy, có bịnh hoạn gì
không?”. Tôi đáp, “Chả có bịnh gì nghiêm trọng, mỗi thứ yếu đi một chút
nhưng cơ bản vẫn còn xài được năm mười năm nữa…”. Hắn cười rồi than, “
Tao bịnh đủ thứ, áp huyết cao, gan nhiễm mỡ, thận cũng có vấn đề …tao cố
giảm cân mà vẫn thế…Cái nghề làm quan thật độc hại, ăn nhậu mấy mươi
năm mà còn được vầy là may. Nhiều người nhỏ tuổi hơn tụi mình mà mang đủ
thứ bệnh trầm kha, một số ‘tử trận’ vì ung thư gan, phổi, suy thận, đái
tháo đường…”. Đúng là “tử trận”, quan trường, thương trường cũng là
chiến trường, tất nhiên có thương vong. Sự thành đạt nào chẳng phải trả
giá. Tôi tự an ủi kiểu A.Q của Lỗ Tấn: “Xem ra mình cũng may mắn”. Tôi
cười vì ý nghĩ đó. Hắn bận lái xe nên chắc không thấy tôi cười.
Con cá trong lờ đỏ mắt, thế mà vẫn có nhiều con cá ngoài lờ lấn nhau
chui vô. Không trách được vì cái lờ thật hấp dẫn. Quyền đi đôi với lợi.
Nói cho sòng phẳng: không phải ai cũng dựa quyền lực để trục lợi vì vẫn
có những ông bà quan thanh liêm. Nhưng trong hệ thống quyền lực muốn giữ
bàn tay sạch không dễ, có khi bị hệ thống đó đẩy ra, chí ít cũng bị cô
lập. Thời nào cũng vậy. Có vậy, Khuất Nguyên mới tự trầm mình xuống
sông Mịch La mà chết. Hắn vốn là giáo viên dạy văn nên rất rành chuyện
của họ Khuất. Cuối cuộc viếng thăm, cùng nhau nhâm nhi café chờ xe bus,
hắn tâm sự, “tao nghe lời lão ngư phủ khuyên Khuất Nguyên: nước sông
Thương Lan trong thì giặt dải mũ, nước sông Thương Lan đục thì rửa chân
(1). Sông nào cũng có bến đục bến trong, làm chó gì có nước trong hết
theo ý mình. Nước đục dễ thả câu…ha ha”. Tôi đế thêm, “ Đục nước béo
cò”. Tưởng hắn giận, ai ngờ hắn còn phụ họa, “Đúng quá”.
Mới gặp lại nhau, tôi đã nghĩ hắn giàu nhưng khi về đến nhà hắn, tôi
không khỏi ngạc nhiên. Đó không phải là nhà mà là dinh thự với villa đồ
sộ nằm trong khuôn viên rộng mấy ngàn mét vuông trồng đủ loại kỳ hoa dị
thảo, từng dãy bonsai, ngoạn thạch to nhỏ, cao thấp dọc các lối đi rải
sỏi quanh co. Cuối vườn là hồ trồng sen, súng với nhà thủy tạ tuy không
lớn bằng nhưng chắc chắn đẹp hơn nhà thủy tạ của vua Tự Đức ở Khiêm lăng
ngoài Huế. Đã có nhiều người chờ chúng tôi với thức ăn đồ uống bày sẵn.
Thảo nào, tôi thấy mấy chiếc ô-tô sang trọng đậu ngoài sân trước.
Hắn giới thiệu tôi với mọi người, “ Đây là anh Tấn, bạn chí cốt của
tôi như tôi đã nhiều lần nhắc đến, do bận công tác nên mấy chục năm rồi
chúng tôi mới có dịp gặp nhau…”. Hắn cố ý không nói đến địa vị nhân viên
ngân hàng quèn của tôi. Hắn giới thiệu tên, chức vụ của từng người bắt
tay tôi giống như các vị nguyên thủ tiếp đoàn quốc khách. Tôi chưa từng
có dịp được bắt tay nhiều quan chức, doanh nhân đến thế. Hắn chỉ bỏ sót
không giới thiệu một phụ nữ còn khá trẻ, có lẽ lúc ấy bà ta đang bận chỉ
dẫn những người phục vụ bày biện thức ăn, đồ uống. Lúc đầu tôi tưởng bà
ta là người của nhà hàng nào đó được hắn thuê làm tiệc nhưng sau đó bà
ta cũng ngồi vào bàn và được nhiều thực khách săn sóc chu đáo.
Hắn mời tôi đi tham quan bên trong nhà. Trước hết là phòng làm việc
rộng thênh thang với bàn bureau bằng gõ đỏ, ghế bọc da, desktop, laptop
lủ khủ. Trên tường treo những tấm pa-nô lớn lồng kính những sơ đồ dự án
khu biệt thự cao cấp, resort bờ biển, cao ốc văn phòng,…Hắn thuyết
trình, “ Đất là vàng. Người thì sinh sôi nẩy nở, nhu cầu nhà ở, văn
phòng, khu nghỉ dưỡng, khu văn phòng ngày càng tăng nhưng đất đai ngày
càng thiếu, cung ít, cầu nhiều thì giá trị biên tế càng tăng…Tao nghỉ
việc nhà nước nhưng vẫn còn sức làm việc. Làm kinh doanh cho mình có cái
thích thú của nó. Trâu chậm uống nước đục. Vả lại, làm việc cho vui…”.
Tôi nghĩ đến bong bóng địa ốc không biết nổ lúc nào với nợ xấu hàng trăm
ngàn tỷ đồng, các đại gia đang ngáp như cá mắc cạn. Kinh doanh đâu phải
“làm cho vui”, hắn đủ khôn để biết điều đó. Thôi, mặc kệ hắn, có sức
chơi có sức chịu.
Tôi mệt bở hơi tai đi theo hắn xem từ tầng trệt lên đến lầu hai và
nghe hắn thuyết trình từ công việc kinh doanh, các tiện nghi, vật liệu
trang trí nội thất, đến chuyện mấy đứa con đang du học và sinh sống ở
nước ngoài…Tôi có cảm tưởng hắn đang tranh thủ báo cáo tổng kết với tôi
những thành quả hắn tạo dựng được trong mấy mươi năm từ ngày chúng tôi
chia tay nhau. Có một điều hắn chưa “báo cáo”, nên tôi phải hỏi: “ Bà xã
ông…?”. Tôi chưa nói hết câu, hắn chận ngang, “ A… bã lên Sài Gòn ở với
đứa con gái đầu”. Tôi không hỏi thêm.
Hắn đưa tôi đến phòng ngủ dành cho tôi để tôi rửa ráy, rồi cùng nhau
trở lại nhà thủy tạ. Tiệc đã bày sẵn, người phục vụ lăn xăn bưng bê,
khách cười nói ỏm tỏi. Cuộc nhậu bắt đầu rơm rả như mọi cuộc nhậu của
tầng lớp trưởng giả mới trên khắp đất nước nầy. Rượu thịt ê hề, thừa
mứa. Những bụng bia đua nhau, thách nhau trút đầy bia qua những miệng
phễu. Những khuôn mặt vốn bóng lưỡng càng bóng thêm, đỏ thêm hay tái
mét. Và trên bàn nhậu là sự bình đằng, không cần giữ kẽ, không phân biệt
trên dưới, lạ quen…Tự do ngôn luận cũng vậy, mạnh ai nấy nói, ai muốn
nói gì cũng được, từ chuyện triều đình đến bia ôm, từ triết học đến mánh
mung, từ thơ văn đến chửi tục, nói xấu người khác …cứ tuôn ra tùy
thích.
3.
Tiệc tàn. Khách biến. Hắn đưa tôi đến “trà đình” ở phía bên
trái hồ, nơi dành riêng cho hắn uống trà để “tĩnh tâm” – theo lời hắn.
Đúng là một cái “đình” bát giác theo phong cách Trung hoa, lợp ngói lưu
ly, cột kèo bằng gỗ quý. Bàn tròn mặt đá cẩm thạch với bốn ghế đẩu đặt ở
giữa. Liễu rũ quanh hòn non bộ bằng đá vôi Ninh Bình cao gần hai mét
thay thế tấm bình phong. Dưới bóng cây nhãn sum sê cạnh đó treo lủng
lẳng nhiều lồng chim.
Hắn tự tay pha trà với bộ ấm chén Tàu cổ. Tôi vốn thích đồ cổ nên tò
mò xem dưới đáy bình có khắc chữ Hán “ Càn Long thập bát niên chế”(2),
nét chữ sắc sảo, có vẻ không phải hàng nhái. Hắn nói, “ Đồ cổ thật đấy.
Đồ gia bảo của một đệ tử tao tặng đấy…”.
Chờ trà ngấm, hắn rót ra chén tống (3), rồi chia đều ra hai chén nhỏ.
Vừa nhấp chén trà ô long, hắn vừa mở lời, “ Tao thấy mầy không được
vui…”. Tôi phân bua, “ Đâu có. Tại tao đi đường hơi mệt, chưa kịp nghỉ
lấy sức mầy đã kéo vào trận. Vả lại, từ lâu tao bỏ nhậu. Mầy cũng nên
giảm, tuổi bọn mình nhậu nhiều không tốt”.
Hắn im lặng uống trà, có vẻ trầm ngâm, mãi sau hắn mớ nói, “ Tao
biết. Nhưng cuộc chơi nó thế, đã xuống sân thì phải theo bóng, đá bóng
cho đến khi trọng tài thổi còi mãn cuộc hoặc bị chấn thương phải rời sân
trên cáng…”. Tôi cười, “ Ủa mầy về hưu rồi, vậy mà chưa hết trận đấu
sao?”. Hắn phân trần, “ Hưu là với nhà nước. Còn với anh em, đệ tử
thì…chưa, còn hai hiệp phụ, còn đá phạt đền luân lưu. Dễ gì muốn nghỉ là
nghỉ”. Tôi kêu lên, “ Cũng may, người ta bỏ luật cái chết bất ngờ”. Hắn
ho khan một lúc rồi nói, “ Đâu có bỏ. Vẫn còn cái chết bất ngờ đấy.
Thiếu gì đứa đột quỵ, đứt bóng, thậm chí dựa cột…”.
Tôi chợt nhớ một chuyện cũ, tôi hỏi, “ Nè Thân, mớ đồ lót phụ nữ hàng
ngoại mầy mua ở khu Lăng Cha Cả lúc mới giải phóng, sau nầy có bán được
không?”. Hắn cười hô hố, “Bán hết sạch. Tao kiếm bộn tiền, toàn tiền
miền Bắc. Mấy bà miền Bắc giá mấy cũng mua. Mầy nhớ dai ghê…”. Chuyện là
thế nầy, khoảng giữa tháng Năm 1975, hắn bảo tôi, “Đừng giữ tiền VNCH,
nay mai thế nào cũng đổi. Vàng cũng không được xài. Cứ đem mua thứ hàng
gì nhà nước không cấm, mà có cấm cũng không dễ kiểm soát. Đồ lót phụ nữ
là thứ các bà, các cô thời nào, ở đâu cũng thích, nhất là hàng ngoại
sau nầy làm gì có. Tao mua mấy trăm bộ, giá rẻ rề, sau nầy cứ từ từ đem
bán…”. Xem ra hắn có máu kiếm tiền bẩm sinh.
Tôi lại hỏi hắn, “ Nhà cửa thế nầy mà mầy sống một mình à?”. Hắn
cười, “ Cái số tao nó vậy. Con cái lớn có gia đình riêng, sự nghiệp
riêng…”. Tôi buột miệng lặp lại câu hỏi chưa được hắn trả lời đầy đủ, “
Còn bà xã mầy?”. Lần nầy hắn mới chịu khai, “ Tao với bã ly thân cả chục
năm rồi, nhưng để không ảnh hưởng đến con cái và công tác của tao, bọn
tao thỏa thuận giữ kín, bã lên Sài Gòn ở với con gái lớn…”. Tôi không
hỏi thêm và chợt nhớ đến người phụ nữ sồn sồn khá xinh có mặt trong bàn
nhậu, luôn được thực khách nâng ly mời và thỉnh thoảng “chỉ đạo” đám gia
nhân phục vụ. Tôi nhủ thầm, “À ra thế!”
Đến lượt hắn chuyển đề tài, “ Tao nuôi chim và chó. Chó thì giờ nầy
phải nhốt, tối mới thả để giữ nhà; tao có sáu con, gồm bốn con giống
berger Đức, một con Phú Quốc và một con chó kiểng Nhật. Còn chim thì
chút nữa tao dẫn mầy xem. Nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn cũng thích nuôi chó
và chim, ông nói thật chí lý rằng chó luôn trung thành và không chê chủ
nghèo, còn chim không chỉ biết hót mà có con còn biết nói tiếng người.
Tao cũng có một con vẹt rất thông thái…”. Tôi nghĩ: ông Ẩn xem chim và
chó là bạn, còn hắn thì khác.
Hắn đưa tôi đến gốc cây nhãn, nơi treo lủng lẳng cả chục lồng chim đủ
loài, đủ màu sắc và giới thiệu tôi với nhà thông thái vẹt. Tôi không
thấy con vẹt nầy có gì đặc biệt, cũng giống như bao con vẹt khác. Thấy
chủ, con vẹt chào bằng thứ tiếng Anh của loài…vẹt mà người Anh chưa chắc
đã hiểu nếu chủ nó không nhắc tuồng, “ Good morning”. Rất tiếc lúc đó
đã hơn ba giờ chiều. Con vẹt chuyển sang tiếng Pháp, “ Bonjour”. Chưa
hết, nó hỏi, “ khỏe không?”, tiếp theo, “ đừng anh”. Đó là nhờ chủ nó
thông dịch sang tiếng Việt phổ thông cho tôi hiểu, nếu không tôi chịu
chết. Tôi ngạc nhiên chọc hắn, “ Đừng anh, là thế nào? Sao lại đừng?”.
Hắn cười, giải thích, “ Đó là nó bắt chước bà bạn của tao. Với mầy, tao
không giấu. Mỗi lần tao cao hứng đụng tới bã là bã kêu như vậy. Nhiều
lần nghe được, con vẹt nhập tâm nói theo. Mỗi lần thấy tao là nó xổ câu
đó. Cũng may, người lạ như mầy, nếu tao không thông dịch thì không
hiểu”. Tôi trêu hắn, “ Lần sau mầy nhớ đừng làm gì trước mặt nó, có làm
thì dặn bã đừng kêu”. Cả hai chúng tôi cùng cười.
Vốn ngôn ngữ của con vẹt thông thái tưởng chỉ có bao nhiêu đó, ai dè
khi tôi và chủ nó bước đi, nó kêu lên liên hồi “ Đ*M*”. Phát âm của nó
khá rõ, thoáng nghe là nhận ra ngay. Hắn ngạc nhiên quay lại mắn con
vẹt, “ Nói bậy”. Càng bị mắn con vẹt thông thái càng “xổ nho chùm”. Hắn
bực mình kéo tôi đi, phân bua, “ Không biết nó học đứa nào? Thôi
chết…Tao nhớ rồi. Hôm qua có mấy chú săn sóc cây kiểng hễ mở riệng ra là
chửi thề. Để rồi tao kiếm cách cải tạo nó”. Tôi đùa, “ Đâu có sao. Ở
đời có khi cũng cần chửi thề như Cao Bá Quát khi ra pháp trường ấy(4)”.
Hắn cố lưu tôi lại chơi nhưng tôi nhứt định về ngay chiều hôm đó. Khi
tôi bước lên xe đò, hắn goi dựt ngược: “ Nầy Tấn, tao biết mầy không
thích ở chơi chứ chẳng có lý do gì phải về gấp. Tùy mầy. Tao nói thật,
mầy ra thăm tao rất vui. Đã lâu rồi tao không có bạn…”. Hắn bỏ lửng
nhưng tôi hiểu hắn muốn nói gì. Tôi bắt tay hắn lần nữa và dặn, “Khi
nào vào Sài Gòn nhớ gọi tao, bọn mình ra Brodard uống café xem thử có gì
khác trước không, nghe nói họ mới sửa lại”. Hắn “ừa” rồi vội vã quay
đi.
Một thời gian sau, tôi hỏi thăm về con vẹt thông thái, hắn cho biết
hắn đã dùng mọi cách để reset, tẩy não con vẹt nhưng nó vẫn ra rả chửi
thề. Nhiều vị quan to, quan nhỏ đến thăm hắn đều bị con vẹt chửi thề
vuốt mặt không kịp. Bực mình, hắn mở cửa lồng để con vẹt bay đi đâu thì
bay cho khuất mắt nhưng con vẹt bay quanh quẩn trong vườn rồi lại chui
vào lồng. Giết nó thì tội. Cuối cùng theo chỉ dẫn của một tay nuôi chim
có kinh nghiệm hắn cắt cụt bớt phần ngoài lưỡi con vẹt để nó học nói trở
lại, bỏ những tiếng nó đã quen nói. Con vẹt vẫn sống, vẫn ăn ngon, ở
lồng đẹp, không còn nói những thứ nó từng nói trước đó nhưng suốt ngày
chỉ ú ớ tiếng vẹt không ra tiếng vẹt, tiếng người không ra tiếng người.*
4-11-2012
-----------------
Những tên nhân vật, địa danh, sự kiện trong truyện là hoàn toàn hư
cấu, nếu có sự giống nhau là hoàn toàn ngoài ý muốn của tác giả. NT
(1) Dịch nghĩa bốn câu của bài Sở từ “Ngư Phủ”: Thương Lan chi thủy
thanh, khả dĩ trạt ngô anh hề/ Thương lan chi thủy trọc, khả dị trạt ngô
túc hề.
(2) “Càn Long thập bát niên chế” – Chế tạo năm Càn Long thứ 18.
(3) Chén “tống” là chén lớn trong bộ bốn chén trà, dùng để chế nước
trà từ trong bình ra trước khi phân đều cho ba chén nhỏ để không có chén
nào đậm chén nào nhạt hơn.
(4) Cao Bá Quát: “ Ba hồi trống giục đ*cha kiếp/ Một nhát gươm đưa đ* mẹ đời”.
--------------------
* nguồn: xunau.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét