* Ghi
lại chút kỷ niệm nhân ngày giỗ Mẹ…
Mẹ tôi mất vào lúc 2
giờ sáng ngày 27 tháng 10 năm 1952 trong những ngày mưa bão lũ lụt, khi tôi vừa
tròn 8 tuổi! Nửa đêm, bà Bốn - người giúp việc cho mẹ tôi ở khu nhà riêng dưới
phố - ào đến đập cửa nhà ba anh em tôi đang ngủ cách nhà mẹ tôi khoảng năm trăm
mét.
Con đường trước ngỏ
nước lụt đã ngập tràn - anh tôi vội vàng xách chiếc đèn gương dầu dừa
bươn bả chạy theo bà Bốn – bỏ mặc hai chị em tôi ở lại. Anh bảo chúng tôi hãy
ngủ tiếp đi. Anh chỉ xuống thăm chừng mẹ thế nào thôi. Nước lụt. Con nít không
làm gì được.
Bóng đêm lạnh buốt. Mưa
dầm ào ạt. Nước cuộn ầm ầm phía sông sau nhà. Mẹ tôi đang thở những hơi thở
cuối cùng. Đang muốn gặp mặt chúng tôi lần cuối như lời bà Bốn thuật lại. Tất
cả những điều đó đã làm cho chúng tôi sợ hãi – kêu khóc. Sau mấy phút kêu gào
thất vọng, chị tôi quyết định nắm chặt lấy tay tôi, kéo bừa ra sân dưới cơn mưa
như xối. Chúng tôi dò dẫm trong bóng tối quen thuộc ra ngõ – lội dần từng bước
trong con nước xoáy để xuống phố – nơi mẹ tôi đang hấp hối như lời bà Bốn đã
thều thào kể lại…
Mẹ tôi đã chết
thật rồi! Hai chị em tôi vẫn ở ngoài phòng, không ai cho vào. Mẹ tôi được khâm
kiệm vội vã rồi cho vào nằm trong chiếc quan tài đơn sơ bằng những tấm ván tủ.
Và bà đã được những người hàng xóm tốt bụng khiên đi chôn ngay trước khi trời
sáng để tránh máy bay Pháp trong cơn mưa tháng mười dai dẳng. Hai chị em tôi
lại không được anh cho đi theo đưa mẹ, tạm ngủ nhờ nhà bên cạnh cho đến sáng
hôm sau…
Ba anh em
chúng tôi đã lớn dần trong sự cô độc và tự lập kể từ ngày ấy – trong chiến
tranh, hiểm nguy và nghèo đói và cả trong sự ổn đinh tạm thời vô cùng gian nan
sau đó. Trong tháng năm lạc lõng của tuổi thơ nhớ về mẹ – tôi luôn ân
hận, và hối tiếc là không được nhìn thấy mặt mẹ lần cuối, không được đưa mẹ ra
nghĩa trang vào buổi sáng sớm hôm ấy. Tôi thầm trách anh tôi (và những người
lớn) đã cướp mất của hai chị em tôi niềm an ủi lớn lao của đời mình. Tuy vậy –
khi nhớ lại hàng chữ viết bằng than trên vách sau nhà của anh – tôi đã cảm
thông cho nỗi lo buồn của anh, cho dầu hàng chữ theo năm tháng đã nhòe mất – nhưng
nó như vẫn luôn được khắc ghi trong trí tôi: “Kể từ 2 giờ sáng ngày 27 tháng 10
năm 1952 – tôi không còn nhìn thấy bóng dáng người mẹ thân yêu của tôi nữa!”… Vậy
là ba anh em tôi đã mồ côi cha lẫn mẹ!
Năm 1958 – tôi thi đậu vào lớp đệ thất trường trung học Cường Đễ (lớp 6 bây
giờ) – nhưng phải trọ học ở thị xã, cách nhà hơn 20 cây số. (Thời ấy, cả tỉnh
chỉ có 2 trường trung học công lập tập trung ở hai thị xã; các thị trấn, huyện,
xã đều không có). Nhà nghèo, mồ côi cha mẹ – tôi đã phải lận đận với tiền cơm
hằng tháng cho bà chủ nhà trọ, mà không hề nghĩ đến áo quần (đôi khi kể cả sách
học nữa).
Tết
năm ấy – tôi không có áo quần mới (chỉ với hai bộ áo quần đồng phục cũ để đi
học thôi) – nên chợt nhớ đến chiếc áo dài mầu xanh đen bằng nỉ của mẹ tôi đã bị
xếp lại trong ngăn tủ ẩm mốc từ sau ngày bà mất. Tôi đã đôi lần được nhìn ngắm
chiếc áo dài của mẹ mà nghĩ đến tuổi thanh xuân của bà. Mẹ tôi mất khi tuổi đời
chưa được 40 và chiếc áo dài là kỷ niệm không quên của cuộc đời con gái. Tôi
đã mân mê, ve vuốt nó – nhiều lần, với lòng thương nhớ ngậm ngùi! Tôi nài nỉ
hỏi xin anh tôi. Anh đã cho tôi mà không chút phân vân.
Tuy đã vào những ngày cuối tháng Chạp, công việc bề bộn – nhưng vì thương tôi (hay
ngạc nhiên đến tội nghiệp?) mà người thợ may hiền lành trong khu phố đã nhận
sửa lại chiếc áo dài của mẹ tôi thành chiếc áo sơ mi ngắn tay cho tôi măc Tết…
Tết năm ấy, dù thời tiết không lạnh – tôi đã “diện” áo mới mầu xanh đen bằng
thứ vài dày cộm với chiếc quần trắng đồng phục sáng thứ hai. Tôi cảm thấy hạnh
phúc, và hãnh diện – được mặc chiếc áo mới ấy – cứ nghĩ nó là món quà mà mẹ tôi
đã gởi lại cho tôi vậy! Tôi sung sướng đến nỗi – khi cầm chiếc áo trên tay về
nhà mặc thử lần đầu – tôi cứ ôm hôn nó. thật nồng nàn – như đã hôn mẹ tôi thuở
nào!
Mấy cái Tết năm sau (hay có dịp quan trọng) – tôi vẫn còn mặc chiếc áo –
cho đến khi nó quá chật, không còn mặc thêm được nữa! Tôi đã giặt ủi chiếc áo,
và cất giữ nó trong chiếc rương nhỏ chứa áo quần và mọi thứ “của riêng” của đời
mình!
Theo tháng năm – tôi lớn lên. vào đại học – ra trường làm nghề dạy học – đi
đâu, tôi cũng vẫn xếp bỏ chiếc áo sơ mi vào valise mang theo như một bảo vật
riêng cho đời mình. Mỗi lần mở valise, nhìn thấy chiếc áo màu xanh đen vải dày
cộm ấy – là đôi mắt tôi như rưng rưng, lòng tràn ngập bao tưởng nhớ xa xôi của
một thời mất mẹ, một thời gian truân, và một thời vào đời lạc lõng…
Anh tôi đã mất. Người chị vẫn lao đao nơi quê chồng. Tôi đã có gia đình riêng
(…). Tất cả đã theo luật vô thường biến đổi tang thương, nhưng chiếc áo sơ mi
được cắt may từ chiếc áo dài của mẹ ngày nào vẫn còn mãi bên tôi như hình bóng
mẹ thân yêu đã theo tôi cho hết cuộc đời.
Lần đầu nhìn thấy chiếc áo ngắn củn lạ lùng – vợ tôi đã kêu lên: “Anh còn tiếc
gì cái áo sờn cũ nhỏ xíu này mà cất kỹ trong tủ sách vậy?”. Tôi chỉ cười: “Đó
là mẹ anh!” – “Anh nói sao?”. Tôi đã kể cho nàng nghe về mẹ – về những tháng
năm khổ nhọc mồ côi. về chiếc áo dài là cuộc đời thanh xuân của mẹ… Từ đó, hằng
tháng – nàng đã thay tôi lấy chiếc áo sơ mi ra giặt ủi – và xếp gọn trong ngăn
tủ kính để hằng ngày tôi có thể nhìn thấy nó.
Chúng tôi có ba đứa con gái rồi mới sinh được cậu út. Khi cậu út được mười hai
tuổi – tôi đã cho nó măc thử chiếc áo sơ mi! Tôi muốn ngắm nhìn lại hình ảnh
tôi ngày nào – vào những dịp Tết! Ôi! Thơ trẻ và ngộ nghĩnh làm sao! Khi nghe
tôi kể về chiếc áo sơ mi đã hơn 30 năm được hình thành từ chiếc áo dài của bà
nội – cậu út rất sung sướng, hỏi xin tôi. Tôi đã đồng ý cho nó – chỉ với lời
dăn duy nhất: “Con phải gắng giữ gìn chiếc áo – dù không còn mặc vừa nữa! Suốt
đời…”.
Theo bước đi của các chị – cậu út đã vào đại học, là một kỹ sư điện tử! Nhưng
trên chặng đường xa quê – rày đây mai đó, bao giờ trong chiếc valise của nó vẫn
có chiếc áo sơ mi – như tôi đã từng mang đi theo trong những năm dạy học từ
tỉnh này, sang thành phố nọ!
Chiếc áo dải của mẹ thuở nào - chiếc áo sơ mi tuổi thơ tôi - bây giờ,
ngoài hơi ấm của mẹ tôi – còn có cả cuộc đời và ước mơ của tôi gởi lại cho các
con đang tiếp tục bước đi trong cõi tạm này…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét