Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

níu áo mùa xuân - nguyễn đăng trình * thơ

















xuân ơi! đừng vội trở hài
để bao đôi lứa khoan thai vợ chồng
đường tình tưởng thẳng mà cong
tưởng cong lại thẳng thẳng cong khó lần!

xuân ơi! xin hãy chậm chân
ngày xanh chẳng mấy sẽ dần dà phai
trăm năm không ngắn không dài
nhưng là chớp mắt mùa trai trẻ... và

cuộc tình nào cũng chóng qua
nụ hôn nào cũng phôi pha hương nồng
từ hồng hoang đến hoang hồng
yêu ròng rã vẫn chưa xong cuộc tình!

xuân ơi! xuân cứ trùng trình
để bao đôi lứa hết mình lứa đôi...


chúc mừng năm mới 2013


Sáng tác & Giao lưu thân chúc quí bạn đọc, công tác viên & thân hữu năm mới 2013 hạnh phúc & thành đạt...
nguyễn đăng trình







Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

viết sau ngày hai một tháng mười hai - trần dzạ lữ * thơ



   










Có người kêu thảng thốt
Tận thế tới nơi rồi
Riêng tôi thì vẫn ngồi
Làm thơ và đọc sách…
 .
Đã nghĩ rồi trăm cách
Không mua được ngày vui
Sống mà không hạnh phúc
Chết có tiếc đâu người?
.
Nhắm mắt nghĩ qua đời
Là xong một kiếp người
Nửa đêm chợt thức giấc
Thấy trăng vẫn còn soi…
.
Tận khuya lại mỉm cười
Trái đất chưa hề hấn
Tôi vẫn nhăn-răng-sống
Mong có em bên đời!
 .
Nếu lỡ, tận thế thật
Cũng cầu chết có đôi
Chuyện tình em và tôi
Sẽ đẹp hơn cổ tích.
 .
Em sáng hơn ngọc bích
Mãi mãi tôi giữ gìn
Nếu chết không có em
Làm sao tôi nhắm mắt?
 .
Tận thế, nếu có thật
Em hãy về nhanh nhanh
Trước khi tan thành nước
Ta bung ngọn lửa tình…
 .
Nhưng không còn đinh ninh
Trái đất vẫn ấm vậy
Mọi người xôn xao vẫy
Gọi nhau trong Hòa Bình.
        
SàiGòn , khuya 21.12.2012 

-----------------
* nguồn: xunau.org



thằng “chúa chổm” – từ sâm * truyện ngắn





Công ty tôi có thằng bạn tên Phú, nó cùng phòng với tôi, ra trường cùng khóa nhưng khác ngành. Sở dĩ tôi hay gọi nó là Phú “chổm” vì khi nào cũng kêu nợ. Vợ chồng hắn và vợ chồng tôi khá thân thiết. Chả là, cách đây hai chục năm cơ quan bên vợ tôi phân cho căn buồng chừng mười lăm mét vuông, vừa ờ vừa nuôi heo, còn vợ chồng hắn ở hành lang của công ty, đặt vừa cái giường mét hai. Hai nhà cách nhau chừng năm phân vách liếp, xin tí nước mắm chỉ thò tay qua cửa sổ là xong. Khi đi công tác, tôi chỉ thò tay qua lỗ thủng mà bắt tay tạm biệt, tiết kiệm thời gian và công sức cho cả hai bên.
Mấy năm chắt bóp nuôi gà, vợ tôi có dăm ba phân gọi là của để dành. Hăm chín tết, khi làm vài ly “rượu có chấm chút thuốc rầy cho mau say”, nó dắt tôi ra bãi cát Bình Tân, nơi khỏi trả tiền nước vệ sinh và hưởng cái thú ỉa đồng cách Nha Trang chừng dăm cây số. Nó chỉ tay về phía bắc, “tao định ẵm  chỗ này”, tôi hỏi “bao nhiêu mét vuông”, “mấy trăm mét cũng vô tư”, nó trả lời. Một lúc phân vân nó bảo tôi “cho tao mượn năm phân nhé, tao có năm phân rồi, hết một chỉ cả thảy”, “mua đất thì tao ủng hộ liền, giúp nhau lúc khó khăn mới là bạn”. Tay chém gió quyết đoán nhưng tôi cũng hơi bị lo, sợ vợ không đồng ý thì quyết định của mình mất hiệu lực. Vợ hắn điều chỉnh âm lượng thế nào mà vợ tôi mau mắn rút nhẫn ra khỏi ngón tay phân gà (vì đang lấy trứng) tròng vào ngón tay vợ nó đen thui (vừa đi cân heo về chưa kịp rửa).
Hắn sở hữu bãi sa mạc chừng năm trăm mét vuông đầy xương rồng và mảnh bom. Hắn đào giếng, nuôi heo, nuôi gà, trồng rau. Vợ hắn là nhà nông chính hiệu, quần xắn tận bẹn, cặp đùi ăn nắng màu da bò. Rửa chuồng xong, phăm phăm đạp xe chở mùn cưa, có người nhắc mới dừng xe xõa quần, không thì thôi. Ai cười mặc kệ, kiếm cái ăn đã, đẹp mà đói cũng vứt. Trời thương vợ chồng hắn chăm chỉ, heo không bệnh, gà không dịch, vườn đầy trái. Chưa đầy năm, vợ hắn tròng ngón tay vợ tôi chiếc nhẫn, “xong nợ khỏe người”, rồi  thở thượt một cái.
Tôi nhắc lại câu “giúp nhau lúc khó khăn mới là bạn”, “tao cũng nghĩ như mày”, nó lấy tay chém gió giống tôi.
Mấy năm sau, gía đất lên nhanh hơn giá đậu, hắn thành người giàu có. Anh ruột nó từ quê vào. Tôi được nhờ chở đi vòng thành phố, khi chuyện len tới thằng Phú, tôi thán phục “thằng Phú nhìn xa trông rộng, đất thành vàng cả rồi, mấy chục cây không chừng, ngoài mình có ai giàu rứa không”. “Nghe vợ chồng chú than nợ mua đất chưa trả hết. Định  mượn chú ít tiền về mua con heo giống nhưng chú cũng ngặt nên tui chơi vài ba ngày rồi về. May là hôm vào đi nhờ xe người trong làng”, anh xuống giọng trầm buồn.
Tôi mở miệng đính chính nhưng kịp sờ tốp vì chuyện nhà người ta không nên chen vào.
Thỉnh thoảng, tôi hay ghé nhà nó kiếm trái cà chua ăn sống chấm mắm ớt. Vợ nó sau khi quản lý và xuất chuồng mấy chục con heo thịt, có tiền tươi, chia tay nghề nông, vào công ty thuốc lá, chúng tôi gọi đùa là “công ty nhang khói”. Vợ hắn khoe “em mua chiếc xe cup 89 đi làm, giá hai cây tư, mời anh tới nhà rửa xe”. Tôi đến chúc mừng. Tay nâng ly bia “lên cơn”, Phú nói trong đám tiệc “mua thì mua mà nợ cứ nợ”. Mọi người ai cũng tin nhưng tôi thì không. Chiếc xe là kết quả hắn cắt xéo miếng đất cho vuông vắn, hàng rào dời có vết cọc, tôi lạ gì.
Tôi mở miệng đính chính nhưng kịp sờ tốp vì chuyện nhà người ta không nên chen vào.
Làm cả đời không bằng trời thương. Hắn chuyển qua công ty vận tải viễn dương. Chuyên đánh quả hàng chợ, đi Singapore một lời ba, đi Nhật một lời bảy. Người hút thuốc ngày càng nhiều thì “công ty nhang khói” càng nở ra, càng phát đạt, vợ hắn lĩnh lương mua một lần mấy chỉ. Chưa qua hai lần “chúc mừng năm mới”, hắn ẵm về con Rim gần tám cây vàng. Rửa xe, hắn nâng cấp chiêu đãi lên nhà hàng. Nâng ly bia Hê ni ken, hắn tuyên bố “mua thì mua nợ cứ nợ”. Mọi người phục lăn “thằng này giỏi, dám nợ mới sắm được  của”.
Nó có thằng bạn thân cùng học cấp ba, nghe nói củ khoai sống ăn cắp cũng chia đôi. Bạn nó là giáo viên đại học ngành chài lưới, muốn vay nó vài chỉ mua chiếc cối 79, là xe bãi rác từ Nhật tha về (ai đời thầy thiếu ăn gầy như que củi đạp xe ngược gió hơn chục cây số đến nhà hắn mà miệng vẫn mỉm cười thì thật là yêu nghề). Nhưng nghe nó nói mua xe nợ, thầy tiu nghỉu ra về, chiếc xe đạp bó lốp như băng cánh tay bị thương, dắt bộ hơn trăm mét thầy mới lên yên.
Tôi định mở miệng đính chính với thầy nhưng kịp sờ tốp vì chuyện nhà người ta không nên chen vào.
Tiền nhà giàu đẻ nhanh hơn gà đẻ trứng, dây chuyền chồng chéo trên cổ, nhẫn vàng nhẫn bạc chi chít ngón tay. Kinh doanh mở rộng, buôn có bạn, bán có phường, vợ nó bắt đầu làm ăn với dân buôn ngoài chợ.
Chưa đến kỳ thôi nôi con Rim, cả xóm ngạc nhiên thấy hắn cúng kiếng ngoài cổng từ tờ mờ sáng, vài hôm sau đá gạch ấm ầm đổ về. Nó xây nhà mới. Nhà biệt thự ba tầng to vật vã. Lại có dịp gặp nhau. Ngoài bạn bè nghèo kiết xác như tôi mừng phích Trung Quốc, nhiều người lạ mặt đến bằng xe hơi, khệ nệ bưng đồ.
Lần này hắn nâng ly bằng rượu tây và y sao bản chính “nhà có đó, nợ có đó, nhà to, nợ nặng”. Người bà con bên vợ ghé chơi định vay tiền mua chiếc xe đạp cũ cho con gái dạy thêm để phụ tiền trọ, nghe vậy, im lặng ra về như dơi bay.
Tôi định mở miệng đính chính nhưng kịp sờ tốp vì chuyện nhà người ta không nên chen  vào.
Tết chưa giáp lai, thấy hắn ngồi trên con bốn bánh chạy lui chạy tới trước khu tập thể, nó bấm còi báo hiệu, nhóm bạn ăn theo xe mới ngồi kín chỗ. Hắn chạy ra Bãi Tiên, nơi cởi truồng miễn phí, cách Nha Trang mười mấy cây, gió mát từ trên mát xuống, từ ngoài mát vào. Hắn nhấn cho bõ ga, vừa nhấn vừa hát “chưa có bao giờ đẹp như hôm nay… , chưa có lúc nào ta uống mà say”.
Lần này nâng ly rượu có pha mật gấu, như băng thu sẵn phát ra từ miệng, nó dõng dạc “mua thì mua nợ cứ nợ”.
Tôi định mở miệng đính chính nhưng kịp sờ tốp vì chuyện nhà người ta không nên chen  vào.
Báo ra ngày thứ năm trên trang nhất có đăng tin “vụ vỡ nợ mấy chục tỉ đồng”, trong đó có tên vợ thằng Phú.
Từ đó, thấy bạn bè là nó tránh mặt.

Nha trang thu 2011

--------------
* nguồn: xunau,org

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

sóng biệt ly - nguyễn ngọc thơ * thơ














Em đi bỏ lại chân trời tím
Ta kẻ si tình nhấm biệt ly!
Uống cạn hoàng hôn say chới với
Gió lòng sóng vỡ động tầng mây…

 

Rớt lá mùa thu vàng trước ngõ?
Xạc xào cõi nhớ lạc hồn ngâu
Lắc lư bóng ngả miền nương cũ
Hun hút lặn chìm hố mắt sâu…

 

Giờ biết biệt ly: - Hành ly biệt!
Qua cầu nín lặng gác trăng soi
Gập ghềnh con nước tan tình thác
Chảy ngược về nguồn xanh nắng mơi…

----------------
* nguồn: huongxua.org

 

bài chủ nhật số 14 - nguyễn đăng trình * thơ













đừng bắt ta phải chửi thề văng tục
dân văn chương chưa”đm!” bao giờ
lời tâm huyết nhỏ to gần gãy lưỡi
mặt mạ đồng vẫn trấm trất trấm trơ

đừng buộc ta phải phàm phu tục t
thượng cẵng tay rồi đến hạ cẵng chân
ta luyện võ chẳng qua cần tự vệ
khi du côn toan cậy thế làm càn

đừng xui ta phải beo gầm hổ rống
chuyện cỏn con cũng múa vuốt nhe nanh
rồi vu vạ trăm ngàn điều độc địa
hòng mượn đời bêu riếu thân danh

ta thừa biết em học hành chẳng mấy
nhưng ranh mương thì ít kẻ sánh bằng
quỷ dẫn lối đưa đường ngôi dâu trưởng
cửa nhà ta toàn những tối không trăng

thôi em ạ! hay chi trò hoang tưởng
tài bấy nhiêu và đức chẳng bao nhiêu
mèo nhỏ xíu bắt chuột to sao nổi
chưa năm mươi mà bước đã liêu xiêu!...


dáng xuân - luân hoán * thơ














chiều vàng ngồi hóng gió
nhìn mây trước hiên nhà
mây trắng mất quyến rũ
khi em chợt đi qua

dáng xuân như vệt nắng
hồn vương hương đôi tà
thơ ngây chợt bẻn lẻn
rùng mình chạm mắt ta

 

mắt xanh chừng mười sáu
môi hồng chớm hai mươi
gót son cánh hoa nở
rạng ngời đoạn đường vui

 

mỗi bước em gieo nhạc
đàn vọng từ thiên thai
ta chẳng là bồ tát
lòng chao gió hiên ngoài

 

gắng ngồi trong bủn rủn
á khẩu trước nguồn hương
bước em kéo dài mãi
sợi thơ tình nhớ thương...
12-2012

---------------
* nguồn: huongxua.org

 

mép nước - chế diễm trâm * truyện ngắn


  
1. Sáng nay, vừa xỏ chân vào đôi giày “búp bê”, tôi thấy tim mình như lỗi nhịp khi bàn chân chạm phải cái nham nhám, ươn ướt của cát biển, cát biển quê anh. Những hạt cát dấp dính vào da đau đáu một sự chia xa. Tôi bỏ chân ra, lùa tay vào giày, vân vê từng hạt cát li ti, lòng tôi nghèn nghẹn. Tôi xa anh ngàn trùng…
Anh đã đưa tôi đi dọc biển quê anh. Tôi đã trật chân ra khỏi giày khi bất thần một con sóng nghịch ngợm xô vào chân anh. Theo phản xạ, tôi bíu chặt lấy tay anh kéo về phía mình. Anh ngả về phía tôi, cả hai chấp chới. Anh cười, cám ơn em, không thì anh ướt hết rồi. Tôi nghe lòng mình thổn thức, tôi muốn nói may là em vẫn còn có anh, nhưng rồi tôi im lặng. Tôi tự hỏi lòng mình nếu quả tình có một bàn tay khổng lồ thò lên kéo chân anh xuống khỏi mép nước thì tôi sẽ làm gì. Tôi sẽ nắm chặt tay anh để cùng bị lôi phăng xuống hay là tôi sẽ buông tay anh ra để được vô sự. Tôi là người sợ biển đêm, sợ mép nước tăm tối. Nước mắt tôi giàn ra vì thấy sợ hãi với ý nghĩ lựa chọn thật dễ sợ của mình, nhưng anh không nhận ra, anh nghĩ tôi khóc vì ngày mai chúng tôi đã phải xa nhau rồi. Đến bây giờ, khi đã xa anh thật xa, sống trong nỗi nhớ giày vò, tôi nhận rõ một điều, được ở bên anh dù vui hay buồn, sống hay không sống cũng là hạnh phúc.

2. Tôi vừa yêu biển vừa sợ biển. Lúc còn bé xíu tôi được coi là dạn nước. Mỗi sáng, tôi theo ông anh và đám con trai lốc nhốc trong xóm đi bộ gần hai cây số ra biển rồi lại hai cây số về. Hè nào cũng đủ chín mươi ngày như thế. Thời đó nhà nào cũng đông con, đứa nào cũng tự thân vận động. Nhà tôi cũng vậy, miễn sao đến khi cái đồng hồ có cái quả lắc đánh chín tiếng thì phải có mặt, ngồi vô bàn để học sinh ngữ là được. Bố tôi sinh thời rất giỏi tiếng Anh, cả tiếng Pháp. Lính Mỹ trọ ở khách sạn của bác Hai tôi cứ năn nỉ bố tôi đi phiên dịch cho nhưng ông cụ không chịu. Cụ đi làm hỏa xa, lúc ở trên tàu thì thôi, về nhà là bắt đàn con “vô lớp”, vì theo bố tôi, phải biết sinh ngữ để còn ăn nói với người ta. Bất kể chênh lệch trình độ, bố tôi đã lên máu giáo sư là từ trên xuống dưới phải ngồi vào bàn. Lập luận của bố là đứa lớn phải kèm cặp đứa nhỏ, “em ngã chị nâng”. Vì vậy một đứa lười học, không làm bài là tất cả phải nằm xếp hàng ăn roi, chị em “máu chảy ruột mềm” mà không chịu nhắc nhở nhau là có lỗi như nhau.
Nhà tôi có một bộ bàn mặt gương sáu ghế để ở phòng khách. Anh chị tôi xuống bếp bưng thêm bộ bàn tròn dùng để ăn cơm lên nữa là dư chỗ ngồi. Dân trong xóm thấy lớp học nhà tôi cũng hay hay nên muốn gởi con sang học. Bố tôi là nhà sư phạm rất amateur, chỉ đứa nào qua sát hạch đọc đúng giọng mới được vô học chung. Anh em tôi con nhà nòi, học hơn hẳn tụi trong xóm, được nhiều đứa nịnh nọt gà cho vài câu “tủ” của bố, trả công là một con dế, mấy tấm hình để dích hoặc hai chục cọng dây thun… Bốn, năm tuổi, tôi đã phải đọc đúng những câu tiếng Anh có rất nhiều âm gió như “I see the seashell on the seashore” (Tôi thấy cái vỏ sò trên bãi biển) trong khi nhiều đứa to ngồng ngồng trong xóm đọc hoài chưa được. Mẹ tôi sinh một đàn con tám người, cứ xen kẽ một gái một trai, đều đặn. Lẽ ra đến tôi phải là con trai thì mới đúng, nhưng tôi lại là gái, nên các cụ ngừng lại. Tôi thành cô Út. Nhưng tôi không thân với bà chị kế mình mà lại lẵng nhẵng theo ông anh kế trên. Tôi mặc quần đùi, tóc cắt ngắn lơ thơ, tập tọng vài câu chửi bậy ngô nghê. Có như vậy anh tôi và mấy thằng trong xóm mới cho đi theo. Bù lại, có ảnh kèm một bên, bố tôi không sợ tụi nhóc trong xóm ăn hiếp tôi, thả cho hai anh em muốn làm gì thì làm. Anh tôi có đầu óc chỉ huy lại có tài kể chuyện tiếu lâm, chuyện ma nên tụi trong xóm khoái lắm, tụi nó không dám đụng đến sợi lông chân của tôi mặc dù có đứa nói gièm tôi là con gái không được đi chơi với con trai.
Đi tắm biển, anh tôi mang cho tôi cái batxi là cái ruột xe hơi bơm lên để ảnh đẩy ra xa xa nhưng dần dà tôi cũng men theo mép nước đập tay đập chân lung tung cho nổi lên, coi như đã biết bơi. Bởi anh tôi ra tối hậu thư Út biết bơi anh mới thưởng cho ăn kem. Đến tận bây giờ tôi vẫn không tìm đâu ra cái vị kem tuyệt vời của thời ấu thơ. Những que kem hồng hồng cam cam được người bán để trong một cái thùng xốp trắng đeo lên vai mang bán đến tận mép nước, tay cầm một cái chuông lắc kêu keng keng rất mời gọi. Đâu phải ngày nào hai anh em cũng có tiền, phải lâu lâu anh tôi mới mua cho ăn một lần. Ôi sao mà nó ngọt ngào, lại vương vướng một chút mằn mặn của nước biển, cắn từng miếng thật mỏng, để cho nước đá tan ra buôn buốt êm ái, chốc chốc phải liếm một lượt không thì nó chảy ra thật phí.
Tôi thích biển sáng còn vì mặt biển như một tấm áo kim tuyến óng ánh, thi thoảng điểm vài hạt kim sa sáng lóe lên. Những con sóng vỗ vào bờ trắng xóa giống những đường ren lụa viền dưới lai váy. Cứ mỗi lần ngụp xuống tôi lại nghĩ nàng Lọ Lem mặc áo dạ hội đi gặp chàng hoàng tử chắc đẹp đến thế này cũng là cùng. Nói cho mau là tôi yêu biển, thích tắm biển.
Vậy mà mười tuổi tôi lại thành nhút nhát. Nhát biển, nhát nước, nhát bóng đêm. Số là xóm tôi có tám nhà, thêm nhà bác Hai tôi ở mặt tiền của xóm nữa, chín nhà chơi với nhau thật thân thiết. Độ tuổi nào cũng có bạn thân. Những đêm hè nóng nực, mấy anh chị lớn dẫn đám con nít lũ lượt kéo nhau ra biển. Hết bắt còng lại chơi u mọi. Cái trò mà người lớn thích nhất là rượt đám con nít, túm được đứa nào là hai người, một người xốc nách, một người tóm chân, một hai ba đưa như đưa võng rồi quăng ùm xuống nước. Tôi thường nghe anh tôi kể về một con ma da tóc tai rũ rượi, thò bàn tay lông lá lên tóm lấy chân người kéo xuống nước là coi như tiêu đời. Tôi đã từng chứng kiến cảnh một đứa trẻ chết đuối khi tìm được xác, cái bụng to như cái trống vậy mà cứ phải để dập dềnh, đầu và lưng ở trên cát nhưng nửa thân dưới vẫn phải nhúng trong nước, chờ thầy cúng đến mới được đưa lên liệm, sóng biển liếm đi liếm lại cái bụng đã bắt đầu nứt da dưới sức nóng của mặt trời. Tôi cũng từng đọc bài thơ “Đại dương đêm” của Victor Hugo viết về những tiếng kêu tuyệt vọng trong đêm dài của những người thủy thủ không bao giờ còn có thể trông thấy quê hương và người thân. Thân xác họ tan trong nước, theo sóng biển xô mãi vào bờ…
Lần đó xui xẻo tôi bị tóm, bị hất tung lên rồi rơi tòm xuống màn nước đen ngòm. Biển đêm thăm thẳm như không tới đáy, nước lạnh như chưa từng thấy lạnh như vậy bao giờ, tôi hoảng hốt tối tăm mặt mũi vì sóng cát làm mắt tôi cay sè, tôi thấy mình chuồi xuống không phương bấu víu. Tôi nghĩ đến bàn tay con ma da, tôi vùng vẫy tuyệt vọng đến khi chạm vào đáy cát, tôi lóp ngóp loi ngoi bò bằng tay bằng chân lên được bờ cát. Tôi đã chạy trên bãi cát dài như vô tận nhưng không khóc nổi, chỉ tức tưởi không thành tiếng. Từ đó tôi hãi, thôi không đặt chân xuống mép biển đêm nữa, biển sáng cũng dần thưa thớt cho đến khi gia đình tôi rời xa thành phố về quê vì bố tôi bị tai biến, phải về hưu non.

3. Anh nói nhờ có tôi anh biết biển đêm quê anh thật tuyệt. Chúng tôi lang thang theo những con sóng, anh cười: “Biển một bên và em một bên”. Lòng tôi rối bời, luôn trông chừng mép nước bướng bỉnh lấn lên bờ cát. Anh chỉ cho tôi tượng Phật Bà tỏa sáng một góc trời, rồi nói biển quê anh hiền hòa và yên bình. Tôi muốn nói em chỉ cần thấy anh là thấy ấm áp, chỉ cần nhìn anh cười là thấy an tâm, chỉ cần ở đâu có anh là em thấy nơi đó thật êm đềm. Tôi cố nhìn vào mắt anh, thấy thăm thẳm một cái gì lặng thầm sâu kín nhưng êm ả. Cơ hội cuối cùng được nói với nhau đã đi qua. Anh hỏi Út có thấy biển nói gì không? Tôi lắng nghe biển âm âm như đang gọi tên mình, tên anh. Đang nghĩ đến câu hát trong “Biển nhớ” của Trịnh thì con sóng lạ tràn lên…

4. Tối nay, tôi lại lần xuống biển. Bờ cát bị xâm thực chỉ còn vài chục bước chân đã đến mép nước. Tôi cởi bỏ đôi giày búp bê để cho sóng cát xoi vào gan bàn chân nhột nhạt. Chợt kỷ niệm ấu thơ bừng thức, tôi thốt lui.
Tôi nhớ anh vô cùng. Tôi nhớ anh không nguôi. Từ nơi đây đến nơi ấy núi đèo  cách trở nhưng mặt biển này thông nhau. Vậy mà tôi không bước xuống mép nước. Tôi không dấn thêm bước nào. Có những giới hạn của số phận, của cuộc đời làm người ta phải từ bỏ hết, kể cả những giọt nước mắt dào lên mặn đắng…

---------------
* nguồn: xunau.org


Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

một thoáng u buồn - nguyễn tấn lực * thơ


















Hoa vẫn nở tưởng như đời vẫn đẹp
Sao trong ta hờ hững đón xuân về
Phiên khúc ngày xanh xa rồi mấy độ
Rượu đêm tàn sao hồn mãi tái tê

Thời hoa mộng đã chôn vào dĩ vãng
Ngủ yên đi xanh rêu dãy mộ sầu
Đốt tâm tư khói bay hồn thanh thản
Cơn lốc nào khơi dậy nửa hồn đau

Tóc ngày xanh tháng năm nào nhuộm trắng
Tuổi xuân trôi dần xa dấu địa đàng
Giòng lệ ứa lăn dài trên môi đắng
Say ngút trời sao buồn vẫn chưa tan

Cháy buồng tim cớ sao hồn ngắt lạnh
Gió cô đơn lịm chết tuổi xanh rồi
Đêm tàn tạ rưng rưng sầu bất tận
Đời vật vờ hiu hắt lục bình trôi…

28/12/2012

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

khoảng trống giao mùa - minh kiên * thơ














Đêm lạnh quá! Gió luồn qua khe cửa
Đếm thời gian trên phiến lá hao gầy
Em run rẩy trong từng câu thơ cũ
Nhớ về anh day dứt ngọn lửa hồng.

Gió đầu mùa anh có lạnh lắm không?
Em chẳng thể là nàng Bân đan áo
Sợi tình yêu đàn hoài theo năm tháng
Ấp ủ cho chồng trên những chiến trường xa.

Nỗi nhớ anh em dệt tháng ngày qua
Giờ nằm im ở ngăn nào kí ức
Một thời yêu - một nỗi niềm rưng rức
Cháy tận cùng  khao khát tuổi đôi mươi

Chắt góp niềm vui để đánh đổi nụ cười
Em bỗng thấy mình sao khờ khạo quá
Anh ra đi như mùa thu vội vã
Để lại trong em khoảng trống giao mùa.

-------------------
* nguồn: huongxua

ok! café sáng! - trần thoại nguyên * thơ














* tặng Hàng Chức Nguyên và bạn bè thân
thường cùng uống café sáng
.
Chào buổi sáng! Café cùng bằng hữu
Hương vị đời nồng ấm chuyện cười vang
Lòng vui ngất có cần chi men rượu
Mắt hồn nhiên ngó cỏ nội hoa ngàn

Mặc thời đại bão giông trời biển động
Ta vẫn ngồi thả khói thuốc trắng bay
Bữa gặp nhau đâu chỉ là ăn uống
Gương mặt bạn bè rạng rỡ phút giây

Rồi mai xa xứ sở nào ca hát
Bạn yêu ơi! Và năm tháng đẹp thơ ơi!
Cầm tuổi trẻ rong chơi ngày tóc bạc
Mỗi sớm mai ta đi hái mặt trời

Mỗi sớm mai cây lá vẫy tay chào
Tiếng chim hót trên cành xanh năm tháng
Đời hiu hắt không vòng tay bè bạn
Cõi đi về ta chiếc bóng đêm thâu!

Một sáng nào thức dậy chẳng gọi nhau
Còn đâu nữa! “OK! Café sáng!”
Ai cũng biết đời người là hữu hạn
Sao dập hồn một kiếp lao đao?!

Chào buổi sáng! Café cùng bằng hữu
Phố phường hoa nắng đẹp gái má hồng.
Vui khoảnh khắc trên bờ môi vĩnh cửu
Sống mỗi ngày xin cạn chén yêu thương!


Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

giáng sinh ở rừng - nguyễn đăng trình * thơ













giữa rừng ngồi đệm tông mi
chúa quên!
đàn vẫn nhu mì nhỏ to
nên chi đêm thánh buồn xo
trăng côi cút sượng co ro… nỗi đời!...

xập xòe lí lộng bóng dơi
khua khua cành khế hương rơi ngát vừa
khẽ lay thức cuộc tình xưa
hôn mê từ dạo cau chưa trĩu buồng!...

 

lỡ tay chạm nốt trầm buông
trúng y bon miệng vết thương đang lành
tông mi thẻ thọt cầm canh
rủ rê nỗi xót xa quanh bước về

 

cuộc tình buồn ngật ngừ nghe
tỉnh mê chán lại tỉnh mê… cợt đùa…
này em có nhớ*
rừng mưa
mình tôi nhóng giáng sinh xưa xửa… đàn!…

 

----------------
* tên ca khúc TCS


tà áo trắng - hồ ngạc ngữ * thơ
















Bữa ấy, em về qua trước ngõ
Gió vờn tà áo trắng tinh khôi
Vườn tôi ngơ ngẩn đôi cánh bướm
Muốn giữ làn hương một khoảng trời

Bữa ấy, em đi trong sương sớm
Con đường hoa cỏ hóa trang thơ
Tôi như cậu bé ngày mới lớn
Trải nhẹ lòng thơm giấy học trò

 

Bữa ấy, đôi tà áo trắng bay
Đường tơ mở khép dáng xuân đầy
Như buông như giữ đôi bờ mộng
Như vẽ trên đường một bóng mây

 

Vậy đó. Rồi thôi. Em nghỉ học
Hương xưa em gửi lại lòng tôi
Đôi tà áo trắng giờ bay trớt
In dấu mây trôi một dáng người…

21.12.2012

------------------
* nguồn: huongxua.org

 

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

tà áo xanh - phan mạnh thu * truyện ngắn















Chỉ còn hơn mười ngày nữa là Giáng Sinh, mà không khí Sài Gòn vẫn còn
oi bức quá. Chị ra khỏi khách sạn, đi dạo dọc theo vỉa hè, rảo qua
những cửa tiệm với các ô cửa kính sáng loáng, rực rỡ màu sắc bởi những
cây thông Noel  đã được trang trí. Hai mươi sáu năm rồi chị mới quay
trở lại quê hương, Sài Gòn bây giờ khác xưa nhiều quá, những cao ốc
vòi vọi nhìn mà chóng mặt. Ở bên Pháp mỗi lần nghe Lê Uyên hát “… Sài
Gòn bây giờ trời mưa hay nắng? Sài Gòn bây giờ ai khóc thương ai…Sài
Gòn bước ai gõ xuống đêm sầu, Sài Gòn bóng nghiêng Sài Gòn đứng đợi,
Sài Gòn bây giờ cúi mặt xa nhau…” là lòng chị rưng rưng muốn khóc,
nhưng chị không muốn trở về, chị sợ phải nhớ lại những kỷ niệm mà chị
đã chạy trốn, nhưng hôm nay cũng chính vì nó mà chị lại quay về…

Chị đi dần về phía cuối con đường Bà Huyện Thanh Quan, nơi ngày xưa có
quán cà phê mang tên Nỗi Nhớ, nơi chị và Nguyên hẹn hò nhau vào mỗi
cuối tuần, chẳng biết bây giờ nó có còn không. Chị vô cùng mừng rỡ khi
nhìn thấy ngôi quán cũ hiện ra, cũng vẫn màu  sơn xanh da trời quen
thuộc như ngày xưa. Quán đã được đổi tên thành Trúc Lan, cách trang
trí của quán đúng như tên gọi của nó, hai bên cửa có trồng mấy bụi
trúc hoe vàng, còn những chậu lan đủ màu sắc thì được treo rải rác
khắp trong sân. Chọn một chỗ ngồi dưới vòm trúc, chị gọi một ly cà phê
sữa nóng, lắng nghe giọng hát trầm buồn của Lan Ngọc trong ca khúc
Tình Nghệ Sĩ. Không gian cũ… âm nhạc cũ… đã đưa ký ức chị trở về
những  năm tháng xa xưa…

Mùa hè năm chị mười bảy tuổi, chị được ba mẹ cho về Đà Lạt chơi ở nhà
cô. Đó là lần đầu tiên chị đến Đà Lạt, thành phố cao nguyên thật trầm
mặc lặng lẽ, khác hẳn với Sài Gòn quê chị. Dù đang mùa hè chiều xuống
trời vẫn lạnh, đặc biệt ở đâu chị cũng nhìn thấy hoa, có nhiều loài
hoa rất lạ. Cái giàn hoa chị đứng ngắm buổi sáng hôm ấy, nơi lần đầu
chị gặp Nguyên, có màu đỏ cam rất đặc biệt, khi cánh hoa chưa nở nhìn
giống như hoa thiên lý, chị gọi nó là hoa Thiên Lý Mặt Trời. Lúc ấy
Nguyên đã xuất hiện trước mặt chị và nói - Cho tôi vẽ cảnh cô bé với
giàn hoa này nhé? Giọng Bắc của Nguyên nghe mới hay làm sao, nhưng tất
nhiên chị từ chối rồi bỏ đi. Nguyên cứ lẽo đẽo theo sau chị một đoạn
dài và năn nỉ mãi, hứa sẽ tặng chị bức vẽ khi nó hoàn thành, thế là
cuối cùng chị cũng xiêu lòng. Nguyên chọn tư thế ngồi mẫu cho chị,
loay hoay mãi đến trưa mới xong bản phác thảo, Nguyên hẹn gặp chị ngày
mai với bức tranh hoàn chỉnh. Sáng hôm sau tới chỗ cũ, chị thấy Nguyên
đã ở đó, chị chẳng hiểu gì về hội họa, nhưng chị thấy Nguyên vẽ thật
đẹp, đôi mắt chị trong tranh, đầy ngạc nhiên thích thú, khi nhìn những
bông hoa Thiên Lý Mặt Trời. Nguyên đặt tên bức họa là Tà Áo Xanh. Chị
hỏi Nguyên tại sao lại chọn tên như thế, Nguyên bảo vì Nguyên thích
màu xanh ngọc của chiếc áo chị mặc và cũng rất thích bài hát Tà Áo
Xanh của Đoàn Chuẩn, bài hát này thì chị quá quen thuộc vì mẹ chị vẫn
thường hay hát, hồi trước giải phóng mẹ chị vốn là một ca sĩ phòng
trà, khi gặp ba chị rồi thì bà đã bỏ nghề.

Từ đó chị và Nguyên gặp nhau mỗi ngày, Nguyên chở chị bằng xe đạp, đi
qua nhiều con dốc nhỏ tìm cảnh vẽ, thấy chỗ nào đẹp là lại bắt chị làm
mẫu, dù chị mặc bất cứ màu áo gì Nguyên cũng biến nó thành màu xanh
hết thảy. Có lần chị hỏi Nguyên - Không biết tác giả Tà Áo Xanh thích
màu xanh nào nhỉ, da trời hay xanh ngọc? Nguyên bảo - Có lẽ cả hai, vì
màu xanh ngọc là màu của cốm mùa thu, còn màu thanh thiên là màu của
bầu trời mùa thu - Riêng Nguyên thì Nguyên thích cả hai màu xanh ấy.

Hết hè chị và Nguyên trở về Sài Gòn, Nguyên vào mỹ thuật năm thứ tư,
còn chị học lớp mười hai. Cứ mỗi cuối tuần, Nguyên lại đưa chị đến
quán cà phê Nỗi Nhớ nghe nhạc Đoàn Chuẩn. Nguyên bảo đã khám phá ra
chỗ này vào năm thứ nhất đại học, cũng từ đó yêu thích luôn những màu
xanh. Lần nào đến quán Nguyên cũng yêu cầu bài Tà Áo Xanh, còn chị lại
thích nghe bài Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay. Chịu ảnh hưởng của Nguyên,
lần hồi chị bắt đầu thấy thích những bài hát viết về tà áo xanh và mùa
thu của Đoàn Chuẩn. Khi chị thi đỗ vào đại học, Nguyên bày tỏ tình cảm
với chị và chị đã nhận lời.

Chị bước chân vào đại học được vài tháng, thì tai họa ập xuống gia
đình chị. Xưởng dệt nhà chị đột nhiên nửa đêm bốc cháy, trước đó một
tuần, ba chị vừa nhập về một lượng sợi rất lớn. Xe cứu hỏa phải mất
hàng giờ mới dập tắt được ngọn lửa, nhưng tất cả máy móc, tơ sợi, vải
vóc thành phẩm chẳng còn lại gì. Phút chốc trắng tay, ba chị bị sốc
rất mạnh, ông đã ra đi mãi mãi trước khi kịp tới bệnh viện. Cái chết
của ba chị đã để lại nỗi đau quá lớn cho gia đình, mẹ chị phải nhập
viện vì bệnh tim tái phát. Cô chị từ Đà Lạt xuống lo hết mọi việc, chị
thì khóc mãi, trong lòng cứ lo sợ rồi mẹ cũng đi theo ba.

Mọi chuyện không dừng lại đó, đến hạn không tiền trả nợ ngân hàng, nhà
xưởng bị niêm phong, Tài sản nhà chị chỉ còn lại mỗi căn nhà, nơi gia
đình chị gắn bó hơn hai mươi năm qua, dù đau lòng mẹ chị cũng phải rao
bán. Mẹ mua một căn nhà nhỏ ở ngoại thành, dù mẹ can ngăn chị vẫn nghỉ
học để đi làm, chị xin vào làm kế toán trong một cửa hàng bách hóa.
Suốt thời gian ấy, Nguyên vẫn ở cạnh an ủi động viên chị, nhưng chị
chẳng thể nào nguôi ngoai được.

Một người bạn cũ của ba chị ở Pháp về tìm tới nhà thăm, bác mở lời với
mẹ chị, xin cho chị về làm dâu nhà bác. Con trai của bác lớn hơn chị
tới mười tuổi, đang định cư tại Pháp. Anh đã để ý tới chị từ khi chị
còn là cô bé, vừa đặt chân vào ngưỡng cửa trung học. Mẹ hỏi ý chị, sau
nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, chị đã nhận lời. Hồi ấy tình yêu của chị
với Nguyên, chưa đủ sâu nặng để chị sống chết vì nó, chị còn quá trẻ
vẫn chưa tới tuổi hai mươi, với chị con đường phía trước sao mà mờ mịt
quá, bệnh mẹ chị thỉnh thoảng lại tái phát, rồi còn việc học hành của
hai em trai chị nữa. Mẹ Nguyên thì từ ngày nhà chị sa sút, thái độ của
bác đối với chị cũng đã khác đi rất nhiều.

Chị với Nguyên vẫn gặp nhau mỗi tối, mẹ bảo sẽ nói cho Nguyên biết về
quyết định của chị, chị lắc đầu nói mẹ hãy để chị tự đối mặt với việc
này. Nhưng rồi chị cứ lần lữa mãi, thời gian còn lại của chị bên
Nguyên quá ngắn, nói sớm ngày nào chị sẽ mất Nguyên sớm ngày đó, nghĩ
tới việc ấy là trái tim chị lại đau nhói. Cho đến trước ngày cưới một
tuần, chị mới dám nói hết với Nguyên mọi chuyện. Chị không bao giờ
quên khuôn mặt của Nguyên lúc ấy, Nguyên nhìn chị tái xanh thảng thốt
và đầy vẻ đau đớn, đôi mắt như đau đáu một câu hỏi tại sao?.. tại
sao?.. Nguyên không thốt ra một lời nào trách móc chị và cứ thế lặng
lẽ quay lưng, chị nhìn theo bóng Nguyên lòng tan nát. Cũng kể từ hôm
đó, chị không gặp lại Nguyên một lần nào nữa.

Trước hôm cưới một ngày, chị nhận được một cuốn băng cassette do
Nguyên gởi đến. Đêm đó chị đóng cửa phòng mở băng ra nghe, toàn bộ
cuốn băng chỉ có mỗi  một bài hát Tà Áo Xanh được thu lặp đi lặp lại
“… Rồi chiều nào xác pháo bên thềm tản mác bay. Em đi trong xác pháo,
anh đi không ngước mắt thôi đành em… trách sao hoa xưa còn có lúc tàn,
nhưng riêng anh dệt mấy cung đàn, nhạc đời còn ghi những nét thương
yêu, hoa tàn tình tan theo không gian…”. Lời hát cứ như lưỡi dao, xoáy
sâu thêm vào trái tim vốn đã nhiều đau đớn của chị. Bài hát Tà Áo Xanh
chẳng lẽ là mặc định cho tình yêu của chị và Nguyên. Chị đã khóc, khóc
rất nhiều cho mối tình đầu của mình một lần sau cuối…

Tròn hai mươi tuổi chị theo chồng xa xứ, chồng chị là một người rất
tốt, tính tình điềm đạm sâu sắc và tỉ mỉ. Anh gượng nhẹ chăm sóc chị
từng li từng tí. Anh không nhìn thấy, hay vờ không nhìn thấy đôi mắt
vốn lúc nào cũng đầy những nỗi u uẩn của chị. Hình như lúc nào anh
cũng như đoán trước được ý chị, để nương theo đó mà làm cho chị hài
lòng. Còn chị vốn là người có lý trí mạnh hơn tình cảm, khi đã quyết
định điều gì chị sẽ không hối hận, chị đã quyết tâm đoạn tuyệt mối
tình đầu, chôn thật sâu những ký ức ngọt ngào của thời con gái. Đôi
lúc hình bóng Nguyên chập chờn hiện về, thì chị lại gạt nó ra khỏi
đầu, chị đã từng có lỗi với một người, nên không muốn lại có lỗi thêm
với người thứ hai nữa. Rồi con gái chị ra đời, ngày lại ngày con bé
chiếm hết trái tim chị, chị không còn thời gian để nghĩ ngợi đến
chuyện cũ nữa. Chị đã làm một người vợ trọn vẹn đúng nghĩa, trong suốt
mười sáu năm chị chung sống cùng anh.

Gần mười năm trước chồng chị qua đời vì bệnh tim, con gái của chị lúc
ấy mới mười lăm tuổi, đó là thời điểm chị thấy mình cô độc ghê gớm.
Một lần dọn dẹp lại phòng làm việc của chồng, chị phát hiện hai vật
thuộc sở hữu của chị, lại đang nằm sâu trong ngăn kéo của anh, đó là
cuốn băng cassette và bức họa Tà Áo Xanh. Chị vô cùng kinh ngạc, ngày
ra đi chị đã quyết tâm quên mối tình đầu nên để chúng ở lại. Vậy ra từ
lâu anh đã biết chuyện của chị, có lẽ ngày anh về đón mẹ và hai em chị
sang Pháp, anh đã nhìn thấy nên mang chúng đi theo. Khi chị hỏi mẹ, mẹ
chị cũng rất ngạc nhiên về điều này.

Gặp lại kỷ vật cũ, đánh thức trong chị, những ký ức tưởng chừng như đã
lãng quên. Lúc đầu chị còn cảm thấy có lỗi với người đã khuất, sau đó
nỗi nhớ Nguyên mỗi ngày càng thêm cồn cào da diết. Hơn lúc nào hết,
chị cảm nhận sâu sắc những câu thơ của Phạm Thiên Thư: Ôi mối tình đầu
- Như đi trên cát - Bước nhẹ mà sâu - Mà cũng nhòa mau - Tưởng đã phai
màu - Đường chiều hoa cỏ… Nhưng rồi lý trí đã giữ chân chị lại xứ
người thêm mười năm nữa, giờ đây con gái chị đã trưởng thành, con bé
tốt nghiệp đại học và ổn định việc làm cũng đã vài năm, thế nên chị
quyết định quay về…

Ngày hôm sau chị lại đến quán Trúc Lan, giọng hát Mai Hương đang vào
đoạn cuối bài Chiều Mơ, câu kết của bài hát nghe mà não lòng quá
“… Dù ngày về chỉ có… chiều mơ…”. Nghĩ đến ngày về của mình chị cảm thấy
chạnh lòng vô hạn. Chị vẫy tay gọi cô bé hầu bàn đến và yêu cầu bài
Tà Áo Xanh, chị tựa lưng vào ghế nhắm hờ đôi mắt và thả lỏng đầu óc.
Khi chị mở mắt ra, một cô gái đang nhìn chị chăm chú, cô gái hỏi chị
bằng giọng Bắc pha giọng Sài Gòn nghe ngồ ngộ - Cô thích nghe nhạc
Đoàn Chuẩn có phải thế không ạ? Chị gật nhẹ đầu, cô gái hỏi tiếp -
Hình như cô ở xa mới về? Chị lại gật đầu - Thế trước đây cô đã tới
quán Trúc Lan lần nào chưa? Chị trả lời - Lâu lắm rồi, cũng đã ngoài
hai mươi năm, ngày ấy nó mang tên là Nỗi Nhớ.

Mấy ngày tiếp theo sau đó, cứ thấy chị đến là cô gái lại mở bài hát Tà
Áo Xanh, rồi đến ngồi bên cạnh nói chuyện cùng chị. Cô gái có đôi mắt
ấm áp và quen thuộc khiến chị có cảm tình, nên chị cũng cởi mở hơn. Có
hôm chị nghe bài Gởi Người Em Gái, được hát với giọng nam trầm rất
lạ, (hình như đây là bài hát duy nhất Đoàn Chuẩn viết về mùa xuân)
trong tiếng đàn guitar thùng nghe da diết vô cùng, chị mơ mơ hồ hồ
tưởng chừng như giọng hát từ thuở xa xưa nào đó vọng về… Cô gái bảo đó
là tiếng hát của ba cô, dành tặng cho một người quen cũ, chị cảm thấy
những lời trách móc trong bài hát sao mà giống như là dành cho chị:
“… Nhưng một sớm mùa thu khép giữa trời tím ngắt, nàng đi gót hài xanh,
nàng đi trong dạ sao đành, đường xưa lối cũ ân tình nghĩa xưa…”. Tự
dưng tim chị bỗng thấy đau nhói.

Dần dà chị đã kể cho cô gái nghe về gia đình chị, cô cũng kể chuyện
của cô cho chị nghe. Cô chính là con gái của chủ quán, Trúc Lan là tên
của cô, mẹ mất lúc cô mới hai tuổi, bố cô vẫn ở vậy nuôi cô khôn lớn.
Mười tám năm trước, bố cô mua lại quán cà phê này, chỉ thay đổi mỗi
cái tên thôi, chứ không sửa sang gì nhiều về vẻ bề ngoài của quán. Cô
đã hai mươi hai tuổi, vừa tốt nghiệp xong ngành công nghệ sinh học,
hiện đang tìm kiếm việc làm. Một hôm Trúc Lan hỏi chị - Ngày mốt là
noel rồi cô có định đi đâu không? Chị trả lời - Cô định mai về Đà Lạt
cùng người thân đón Noel, tiện thể xem festival hoa luôn. Trúc Lan
bỗng nắm tay chị và nhìn chị với ánh mắt nài nỉ - Sau Noel cô hãy đi
Đà Lạt nhé, tối hai mươi bốn cô đến đây, con có một món quà muốn dành
tặng cho cô. Thấy giọng cô gái tha thiết quá đỗi cùng với ánh mắt đó,
làm chị không thể nào từ chối nên đành nhận lời, lúc chị ra về Trúc
Lan còn nhắc đi nhắc lại sợ chị quên.

Hơn mười giờ tối đêm giáng sinh, chiếc taxi chở chị bị kẹt giữa một
rừng xe cộ, chị trả tiền rồi xuống đi bộ, len lỏi trong đoàn người.
Chị thấy ở Châu Âu, trong những ngày lễ tết đường phố rất vắng vẻ, ai
cũng muốn về sum họp với gia đình, còn ở Việt Nam thì dường như mọi
người đổ hết ra đường. Từ xa chị đã nhìn thấy Trúc Lan, cô gái đang
đứng trước cửa với dáng điệu bồn chồn. Nhìn thấy chị, Trúc Lan mừng rỡ
- Con cứ sợ cô không đến. Chị đáp - Cô bị kẹt xe, mà sao quán vắng
tanh thế này, tối nay con không bán sao? – Dạ không! Tối nay quán nhà
con chỉ có mỗi cô là khách đặc biệt thôi.

Trúc Lan đóng cửa quán rồi kéo tay chị vào trong, cô đưa chị lên lầu
đến trước một căn phòng, cô đẩy cửa ra rồi nói với chị - Cô vào trong
đi. Chị nghe theo và bước qua cánh cửa… đột nhiên chị khựng lại tròn
mắt kinh ngạc, chị nhìn thấy những bức tranh Nguyên vẽ chị ngày xưa,
màu áo xanh tràn ngập cả gian phòng. Tim chị thắt lại giây lát rồi đập
thật nhanh, chị lảo đảo vịn tay vào một chiếc ghế rồi ngồi xuống thở
dốc. Một bàn tay đặt nhẹ lên vai chị, chị ngước lên và bắt gặp ánh mắt
quen thuộc ngày nào, Nguyên đó. Nguyên đang cúi xuống nhìn chị, nước
mắt chị giọt nọ nối giọt kia cứ thế lăn dài xuống má. Nguyên siết nhẹ
tay chị và nói nhỏ - Mừng Thanh Trúc đã quay về. Xa xa… chị nghe
tiếng chuông nhà thờ đang đổ từng hồi rộn rã, có lẽ đã bắt đầu thánh
lễ nửa đêm…

---------------
* nguồn: huongxua.org