Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

ngôi sao đêm giáng sinh - huỳnh ngọc nga * truyện ngắn




Bệnh viện Molinette nằm bên đây đại lộ Bramant, siêu thị PAM nằm đối diện bên kia đường, phía cuối đường là dòng sông Po với chiếc cầu xinh đẹp đầy hoa và phần nối dài của công viên nổi tiếng Valentino. Trời mùa đông lạnh ngắt, không có tuyết rơi nhưng gió rét căm căm, nhiệt độ thường ngày đôi khi xuống dưới âm độ.
Gã là một người Tunesia di dân đến Ý tìm đất sống, hơn năm năm rồi từ ngày trốn trại tỵ nạn chung cùng bạn đồng hành trên chuyến tàu vượt biển, gã lang thang rày đây mai đó với chiếc túi xách cồng kềnh chứa đầy vật dụng riêng tư gã mang từ quê hương sang đây. Và cũng hơn năm năm rồi gã thấm thía để hiểu thế nào là nỗi khổ của kiếp tha hương lang bạt xứ người, không nhà cửa, không thân nhân, bè bạn, gã sống bằng những công việc vặt vãnh tìm được từ những chợ lộ thiên, những quán bar, tiệm hàng. Theo ngày tháng thiếu cơm, thiếu áo, sức khỏe gã kém dần với những cơn ho chợt đến, chợt đi khi trở trời trái gió, giấc mơ ngày về với xe pháo xênh xang, rỡ ràng tên tuổi cũng tàn dần trong những đêm ngủ vỉa hè, những chiều gối đầu bên ghế đá công viên dù gã vẫn chờ phép lạ của Allah. Bây giờ gã nghe mình kiệt lực, chốn tạm trú của gã mấy tuần nay là khu vực bệnh viện Molinette này. Gã bắt chướt mấy người bạn di dân mới, đứng chỉ dẫn bãi đậu xe cho khách dù biết đó là việc làm ngoài lề luật địa phương, và công việc này khiến xui gã hạnh ngộ cùng cô gái dễ thuơng mang hai dòng máu đông tây Ý-Việt.
Cô gái thật trẻ và duyên dáng, nhiều người bảo rằng cô đẹp nhưng cô không dám nghĩ như thế vì nhớ lời mẹ cô bảo chẳng có cái đẹp nào hơn cái đẹp của tâm hồn. Cô rất yêu mẹ nên ghi khắc bất kỳ điều gì mẹ dạy, mẹ muốn cô chọn nghề nào có thể xoa dịu nỗi đau vì bịnh tật của con người. Mẹ kể ngày cô mới chào đời cô đã nợ nần với cháu con của thần Ippocrate, không có bàn tay và tấm lòng của những thiên thần áo trắng đó cô đã không có mặt trên cõi đời nầy. Nhưng cô vốn dị ứng với máu me, dao kéo phẩu thuật, kim chích, bông băng… nên học hết bậc Trung học, vào Đại học cô chọn trường Khoa học – Chính trị với phân ngành Xã hội học và hy vọng có thể đem chút khả năng nhỏ nhoi của cô xoa dịu nỗi khổ tinh thần của những người bất hạnh trong cuộc sống lắm truân chuyên này. Cô đang học năm cuối của chương trình và hiện được phối trí thực tập tại bịnh viện Molinette trong công tác quan sát các vấn đề xã hội về lĩnh vực y tế, và chính nơi đây cô đã gặp gã.
Hôm đó cô đang cho xe chạy vòng quanh khu vực bệnh viện để kiếm bãi đậu xe, nhằm giờ cao điểm nên chẳng còn một chỗ trống. Đến gần siêu thị PAM cô chợt thấy một người đưa tay ngoắc cô và ra dấu cho biết có chỗ đậu xe. Người đó là gã. Cạnh gã là một chiếc thùng có bánh xe lăn dùng để đựng rác cho khu vực, kế bên thùng rác là túi xách to kềnh của gã, hai vật vô tri đó hợp lại chiếm đúng một khoảng vừa vặn cho chỗ đậu một chiếc xe. Cũng may, trước và sau nơi đó không có lằn ranh màu xanh dành cho bãi đậu phải trả tiền. Thấy cô gái dừng xe lại nhìn mình, gã cười, đem chiếc túi xách của gã quăng lên vệ đường rồi quay lại dùng hết sức đẩy thùng rác lăn về  phía một gốc cây gần bậc tam cấp ra vào cửa siêu thị. Cô đã thưởng cho gã hai đồng euro với lời cám ơn chân thật. Chiều xuống, tan giờ thực tập, cô ra lấy xe và thấy gã ngồi co ro trước siêu thị PAM, cô giơ tay chào gã, gã nhận ra cô và mỉm cười chào lại. Qua ngày sau và những ngày kế tiếp cô không cần phải chạy vòng vo tìm chỗ đậu nữa, cứ đến đúng trước siêu thị là thấy chiếc túi to kềnh của gã nằm cạnh xe rác có gã đứng chờ sẵn, cô cứ việc đợi gã “dọn chỗ” và cho xe vào “ụ”, mỗi lần như vậy cô thưởng gã khi một euro hoặc lúc lẻng kẻng trong túi xu hào nhiều hơn cô dúi vào tay gã hai euro như tiền cọc cho chỗ xe đậu ngày hôm sau. Có hôm tan giờ tương đối thảnh thơi tâm trí, cô dừng lại chuyện trò dăm ba câu với gã. Bằng giọng lơ lớ của người chưa quen tiếng địa phương, khi biết cô có nửa giòng máu Việt, gã như tỉnh táo hẳn ra và bảo rằng gã có một ông chú làm lính viễn chinh trong quân đội Pháp từng đến Việt Nam khi chính sách  thực dân đang ở vào giai đoạn cuối. Gã hỏi cô về đất nước quê mẹ của cô, cô thực tình bảo cô chỉ hai lần đến đó nhưng những hình ảnh một dãi đất xanh màu cỏ cây, sông nước với nhân hậu tình người, ngọt thơm hoa trái luôn là giấc mơ để cô chờ đợi những lần trở lại trong tương lai. Cô cũng tò mò tìm hiểu tại sao gã bỏ quê hương lặn lội chi đến nơi này. Gã bảo gã thấy có nhiều đồng bào của gã di dân sang châu Âu “làm ăn” và thành đạt trở về vinh quang hào nhoáng, gã cũng muốn thử thời vận như họ và tin vào sự giúp đỡ của Allah sẽ cho gã một tương lai rực rỡ như những người may mắn đó. Tên của gã là Mohamet, cùng tên với Giáo chủ đạo Hồi, gã tin chúa Allah sẽ không bỏ rơi những đứa con của người. Rồi nhiều lúc như trong cơn mộng du, gã nói khi nào thành đạt trở về xứ sở, gã mời cô sang viếng thăm đất nước xinh đẹp của gã với những bãi biển trong xanh bên bờ Địa Trung Hải, những đền Hồi rực rỡ uy nghi, những cánh đồng cát của sa mạc Sahara dài bất tận, nơi đó có lần gã đã làm hướng dẫn viên cho một đoàn du lich trên lưng lạc đà chu du tìm lai hùng khí của những dũng sĩ, thi nhân ngày xưa, đêm ngắm ngôi sao Allah dưới những gốc cây chà là trên ốc đảo, ngày lang thang gió cát nhớ tiếng vó ngựa tiền nhân; gã sẽ nói mẹ gã đãi cô những món ăn truyền thống, tặng cô những chiếc áo thêu sặc sỡ hoa văn của xứ sở gã. Những khi gã thao thao bất tuyệt như thế cô nhìn gương mặt hốc hác tiều tụy của gã mà ái ngại, cô cũng cầu mong có được ngày đó để gã tìm lại mái ấm gia đình, còn bây giờ cô phải làm sao tìm cách giúp gã qua được nhũng ngày đông giá cuối năm này, đó là thực tế vì cô há chẳng phải là nguời đang làm việc cứu tế xã hội hay sao? Nhưng làm cách nào đây khi gã không giấy tờ tùy thân và cô cũng không đủ quyền hạn để làm những điều ngoài khả năng một sinh viên thực tập. Cô biết gã hàng đêm thường ngủ trước hành lang siêu thị, may mà tuyết không rơi như những năm trước, nhưng gió mùa đông vẫn lạnh cắt da, cô nghi ngờ gã đang mang bịnh phổi khi nhìn những cơn ho sù sụ của gã và cô thở dài bất lực.
Ngày mai là buổi thực tập cuối năm, cô sẽ nghỉ ngơi đến sau ngày lễ Befana. Khi nghe cô kể chuyện người di dân khốn khổ, mẹ cô đã chuẩn bị sẵn cho cô một túi quà với linh tinh nhiều thứ cho gã, không biết mẹ bỏ gì vào đó nhưng chắc là có một cái gì đó của quê ngoại cô, có thể là những gói kẹo mè miền Trung xứ Huế hay một hộp bánh đậu Bảo Hiên Rồng Vàng của Hà Nội phương Bắc hoặc biết đâu đó một  gói mít sấy khô thơm ngào ngạt của đất Saigon phương Nam. Nhưng thôi, tùy mẹ chọn, món gì cũng được, cô hy vọng chút quà đặc sản đó sẽ cho gã nghe ấm lòng giữa đêm Giáng Sinh. Cô chợt mỉm cười khi nghĩ đến mẹ. Mẹ là một Phật tử thuần thành, tụng niệm, chay trì đúng giới luật nhưng mẹ vẫn lo lắng chuẩn bị cẩn thận cho ngày Giáng sinh và sống thuận hòa với cha là người Ki tô giáo. Gia đình cô là một tập hợp ngẫu nhiên giữa Chúa và Phật, giữa bình đẳng trong thương yêu của cha lẫn mẹ, mái ấm nhà cô có lễ Giáng sinh tưng bừng đêm Chúa chào đời, những ngày Phục sinh tụ hội đông đủ bà con nhưng cũng có những ngày giỗ kỵ ông bà, những hôm đèn nhang rực sáng bàn thờ Phật trong ngày Phật Đản, lễ Vu Lan. Riêng với cô, Chúa hay Phật không là điều làm cô vướng bận, đạo nào cũng dạy cô làm người với chữ thiện là gốc, chuyện ngày sau trong tương lai bên kia cõi thế là chuyện xa vời, cô thích những gì gần cận đời sống hàng ngày hơn, cô ngạc nhiên và sợ hãi trước bao nhiêu tranh chấp của những kẻ mang danh tôn giáo để tạo chia rẽ giữa người với người trong khi các đấng thiêng liêng luôn khuyên tín đồ câu nhân ái.

Sáng nay cô lại được gã “dọn” sẵn bãi đậu xe, cô định trao gói quà của mẹ cô cho gã ngay khi xuống xe, nhưng cô đã điện thoại rủ một người em bà con của cô chiều nay đến cùng cô đưa gã đi ăn tiệm rồi trao quà sau cũng chẳng muộn, cô muốn ít ra cũng có một chiều trong những ngày lễ cuối năm gã được đường hoàng ngồi làm thực khách và mở quà nghe lời chúc tụng của cô, sau đó cô và em cô sẽ đưa gã đến trung tâm từ thiện của giòng chúa Cứu thế Torino, nơi mà những người làm thiện nguyện đã chuẩn bị sẵn buổi lễ tiệc cho tất cả những ai không nhà, không thân nhân, bè bạn trong đêm Giáng sinh. Xong việc cô và bạn cô sẽ về nhà ăn lễ với gia đình, chương trình chiều nay của cô là thế đó. Duy có điều cô thấy mặt mày gã nhợt nhạt hơn thường ngày, chắc tại hôm nay gió thổi mạnh, nhiệt độ xuống dưới bốn độ âm, phải chi gã vào được bên trong bệnh viện ngồi ở những dãy phòng chờ đợi có máy sưởi ấm thì hay biết mấy, cô nghĩ thầm như thế và lại thở dài khi bỏ vào tay gã hai đồng euro, cô còn ăn bám mẹ cha và gia đình cô cũng không giàu có gì mà, đối xử với nhau tùy khả năng và cốt ở tấm lòng, mẹ cô há chẳng từng dạy cô như thế hay sao. Gã đưa tay nhận tiền trong lúc cơn ho ập đến, tay còn lại gã ôm lấy ngực, mặt nhăn nhó đau đớn. Cô ái ngại, dịu dàng bảo gã:
       - Ông ho nhiều quá, hay ông thử vào phòng cấp cứu cho người ta chữa trị thử xem.
Gã lắc đầu, giọng như đứt quãng giữa cơn ho:
       - Tôi đã làm như vậy vài lần rồi, nhưng tôi đã hủy hết giấy tờ lúc đến Ý nên họ cho giấy ghi tên thuốc bảo tôi về mua rồi đuổi tôi ra.
Cô gái làm thinh vì gã có lý. Chung quanh bệnh viện này có rất nhiều “đồng nghiệp” của gã, bệnh viện không thể chấp nhận những người như gã khi họ chưa đến nỗi ngả quỵ giữa đường, mọi thứ phải theo thủ tục hành chánh trước, một người lang thang vô gia cư vào “tạm trú” đuợc thì cả “đoàn quân” như thế sẽ ùa vào. “Nhà thương” nhưng không thể “thương” hết được mọi người, mọi hoàn cảnh. Ôi tiếng Việt tuyệt vời của quê mẹ cô nó mới hay làm sao, chữ “thương” trong thương tật cũng có thể nghĩ là thương yêu, thương hại, thương tâm… để  tiếp cứu khi có người bệnh tật, ốm đau.
Cô gái buộc lòng phải bỏ gã giữa cơn ho sau khi dặn gã nhớ chờ cô sau giờ tan việc. Ngày hôm đó cô bận quan tâm cho nhiều trường hợp của những bệnh nhân khác trong khu vực cô đang thực tập. Một bà lão vừa giải phẩu ruột muốn về nhà ngay vì gia cảnh đơn chiếc, chồng bà tàn tật ngồi xe lăn, cả hai đều không con cái, bà muồn về cho ông không đơn lẻ trong ngày lể trọng đại cuối năm, nhưng tình trạng sức khỏe của bà khiến các bác sĩ trách nhiệm không cho phép. Bộ phận trợ giúp xã hội cho hay họ sẽ cử người đến giúp chồng bà trong thời gian bà nằm bệnh viện. Và những trường hợp khác đối với những người bệnh gặp hoàn cảnh khó khăn, ban trợ giúp Xã hội đều cố gắng giúp họ ít, nhiều toại ý. Giữa công việc chung là những hân hoan chúc tụng riêng của mọi người trước giờ tan việc, cô gái lợi dụng sự vui vẻ đó để dọ ý vài người có thẩm quyền về trường hợp gã di dân nhưng không ai giúp gì được cho gã cả. Chiều xuống, cũng là lúc đến giờ hẹn với em cô để đưa gã đi ăn, lòng  cô nằng nặng khi bước ra khỏi cổng bệnh viện nghe gió lạnh ùa vào mặt làm lạnh ngắt cả da. Em bà con của cô đã đứng sẵn chờ cô trước cổng, họ thân mật chào nhau rồi cùng băng qua đường đến chỗ đậu xe. Cô nhìn về hành lang PAM, giờ này siêu thị vẫn còn mở cửa, khách ra vào tương đối tấp nập, những người mua sắm trễ hối hả để về trước giờ ăn lễ nữa đêm, cô không thấy cái dáng cao gầy luộm thuộm của gã đâu hết. Trời mùa đông, mới năm giờ đã tối, đèn đường lấp lánh những dãy hoa đăng chen lẫn những ánh điện màu của hàng quán, cửa tiệm phố phường. Phố mùa đông nhưng không lạnh lùng xơ xác, chỉ có người không nhà mùa đông đang xơ xác bên đường. Cô gái đưa mắt lục lọi tìm kiếm giữa những nơi quen thuộc quanh chỗ gã vẫn lảng vảng thường ngày, bỗng cô nghe tiếng em cô kêu:
     - Nhìn kìa, Eli, có phải hắn đấy không?
Theo ngón tay của người em, cô thấy dưới bậc tam cấp của siêu thị, khuất trong bóng tối và cũng che tránh được những cơn gió đang thổi mạnh từ bến sông vào, một thân người ngồi gục không động đậy, cô nhận ra gã ngay nhờ chiếc túi xách quen thuộc to kềnh của gã vất cạnh đó. Ngỡ gã ngủ, cô chạy đến khẽ lay vai gã:
      - Dậy đi, dậy đi Mohamet, chúng ta cùng đi ăn, ông thích ăn pizza chứ?
Nhưng gã không trả lời và theo đôi tay cô gái, gã ngả vật về một bên, đầu gối trên chiếc túi xách của gã. Ánh đèn đường và đèn trước cửa siêu thị hắt vào cho cô thấy đôi mắt gã nhắm nghiền, cô hốt hoảng kêu lên:
       - Quỳnh Như, gọi nhanh về bệnh viện Molinette nói họ cho xe sang chở ông ta vào cứu cấp ngay đi.
Bệnh viện bên kia đường nên chỉ vài phút sau nhân viên cứu cấp đã có mặt, họ đặt gã lên băng ca, cho dưỡng khí vào mũi gã rồi đưa gã lên xe cứu thương. Gã mở mắt lờ đờ nhìn chung quanh, trước mắt gã là khuôn mặt dịu dàng của cô gái quen thuộc gửi xe hàng ngày. Gã nhớ ra rồi, gã đã ngồi đợi như lời cô ta dặn dò buổi sáng, nhưng cơn lạnh khắc nghiệt khiến gã phải tìm nơi tránh gió, gã đã vào cái hốc sau các bậc thềm tam cấp của siêu thị ngồi đó. Gió tránh được, nhưng cái lạnh chẳng buông tha cho buồng phổi tội nghiệp của gã, suốt cả ngày gã chỉ gặm khúc bánh mì thô, uống nước lạnh như đá của cái phông-tên bên kia công viên Valentino, sức không có, cơn ho được thể hoành hành, gã cố gắng mở mắt nhìn về phía bên kia đường chờ cô gái đến. Tối nay là tối trừ tịch của đêm Giáng sinh, người nơi đây bảo đêm lễ Thánh này còn là mùa hội sao mừng Chúa Kitô ra đời. Gã không có đạo Thiên chúa, nhưng những vì sao trên cao đêm nay chắc cũng  chẳng khác gì hội sao của lễ Ramadam bên đạo Hồi của gã. Gã tặc lưỡi ngẫm nghĩ, kể cũng lạ thật, một bầu trời với những vì sao, tất cả là của chung nhân loại, thế sao kẻ bảo sao của chúa trời, người kêu sao của chúa Allah. Ai đúng, ai sai? Đâu là sự thật? Nhưng gã không còn sức để suy nghĩ chuyện những vì sao nữa, cái lạnh đang gia tăng và gã nhớ hình như gã đã gục xuống sau một cơn đau buốt lồng ngực bởi một tràng ho dài xé tâm can, sau đó gã thấy mình đứng lên, khăn gói trở lại nhà. Trời ơi, ngôi nhà màu xám nhỏ nhắn, nghèo nàn của cha mẹ gã đang cách gã chừng dăm ba mét sao chân gã soải dài mà không bước đến được trước cửa để gọi mời mẹ gã ra mở cửa cho gã vào. Trên vai gã chiếc túi xách cũ kỹ vẫn nặng đầy nhưng hành trang ngày gã ra đi được thay thế bởi những xấp tiền euro thơm mùi giấy mới. Không còn nữa quyển kinh Coran, bộ quần áo lễ, chiếc mền len lông cừu mẹ gói cẩn thận để gã đắp lạnh trên tàu vượt biên, khung hình có ảnh chụp gã tươi cười giữa cái đầu của mẹ gã nghiêng nghiêng một bên vai gã, vai bên kia có cánh tay cha gã choàng nhẹ thương yêu, gần đó cô em gái hiền lành của gã nép người cạnh mẹ. Ngày ra đi, trong túi xách gã còn chứa nặng bao hy vọng một cuộc đổi đời để chờ ngày trở lại. Giờ thì gã đang trở về đây, gã về để đưa những người thân yêu của gã sang Ý tìm thiên đường vật chất mà suốt cả đời gã mê man theo đuổi. Cánh cửa nhà gã bỗng mở bật dù chân gã vẫn cách xa, gã mở túi xách bốc ra một nắm tiền vãi vung về phía trước, gió từ huớng sa mạc thổi thốc về, bạc bay tứ tung tan vào trong cát biến thành những mũi dao nhọn quay ngược đâm vào thân gã, nhìn vào bên trong ngôi nhà trống rỗng, gã chỉ thấy một màu đen, hãi hùng gã thét lên và chợt tỉnh đúng lúc oxygen đươc chuyền vào phổi gã.
Vẻ mặt lo lắng nhưng cô gái vẫn nhoẻn miệng cười nhìn gã:
       - Ông yên tâm, ông sẽ được vào bệnh viện cứu chữa, ông sẽ khỏi bệnh.
Chị em cô gái theo chân nhân viên y tế đưa gã đến phòng cấp cứu, ngồi đợi hơn vài giờ sau người ta cho biết gã bị lao phổi nặng sắp đến thời kỳ nguy hiểm, họ giữ gã lại để điều trị và cho biết việc chữa bịnh cứu người là trên hết, chuyện giấy tờ là chuyện pháp lý sẽ có cơ quan khác lo sau. Cô gái thở phào, nghe nhẹ cả tâm hồn khi thấy tình trạng sức khỏe của gã được giải quyết đúng lúc. Bên giường bệnh của gã cô nhẹ nhàng đặt gói quà của mẹ cô vào tay gã, giọng thân tình:
      - Mohamet, đây là quà của chúng tôi tặng ông, mong ông sớm hết bệnh. Chúng tôi phải về vì gia đình đang đợi. Ngày mai và những ngày kế tiếp, tôi sẽ vào thăm ông. Ông hãy yên tâm tịnh dưỡng, trong tương lai mọi sự rồi sẽ tốt hơn thôi, hãy hy vọng như thế nha Mohamet.
Và như không cần biết gã là người ngoại đạo, cô thêm:
      - Chúc mừng Giáng sinh.
Gã xiết chặt tay cô gái, đôi hàng nước mắt lặng lẽ tuông, gã mấp máy đôi môi khô nhạt:
       - Cám ơn cô, ngôi sao sáng của tôi, tôi cũng xin chúc cô một Giáng Sinh hạnh phúc.
Từ giả gã, hai chị em cô rời bệnh viện. Còn hơn một giờ nữa, chuông các nhà thờ sẽ đồng loạt ngân vang mừng ngày thánh lễ. Gió đã nhẹ thổi, bầu trời thật trong lành, cô ngước nhìn lên tìm kiếm một vì sao, vì sao mà ngày xưa Ba Vua đã theo đó để tìm đến nơi Chúa thương khó ra đời. Cô chợt nhớ đến mẹ cô với trái tim Phật tử, nhớ đến Mohamet với tâm hồn luôn vọng hướng đấng Allah và cô, người ở giữa vòng xoay trần thế, cô khẽ mỉm cười khi nhận ra cuộc đời này nhân thế bị ràng buộc quá nhiều bởi những danh từ. Nhưng thôi, nếu trong ngày Phật Đản, trong lễ Vu Lan cô đã nguyện cầu trước bàn thờ Phật tổ thì đêm Giáng Sinh này cô cũng thấy mình thành tâm khi cúi đầu làm dấu thánh và chỉ tay lên nền trời đêm lấp lánh ngàn sao, cô bảo với em mình:
       - Quỳnh Như, em có biết ngôi sao sáng nhất trong đêm nay tên gì không?
và cô đáp không cần câu trả lời của người được hỏi:
       - Đó là ngôi sao Yêu Thương, ngôi sao của Đêm Thánh vô cùng...

 Torino, Italia 30.11.2007

******
Chú thích của tác giả:
Câu chuyện được dàn dựng gần như hoàn toàn hư cấu. Tác giả đã mượn một nhân vật di dân người Tunisie và cô con gái, cô cháu gái đưa vào cốt chuyện cho bài viết thêm linh động.
Thực sự, hơn ba năm trước đây trong khu vực những bãi đậu xe của nhà thương Molinette va siêu thị PAM có 1 người di dân khốn khổ đã chết lạnh trên những bậc thềm của siêu thị trước ngày lễ Giáng Sinh, tin tức đã được các báo chí đăng tải nhưng rất ít người chú ý đến. Riêng tác giả, vì những liên quan thường xuyên với bệnh viện nên quen biết khá thân tình 1 một người Tunisie “dọn bãi đậu xe”, nghe ông ấy kể về cuộc sống của mình và lấy đó làm nòng cho một phần câu chuyện này. Tác giả không thích trong bài viết có kết cuộc buồn nên cho gã di dân được sống. Khi cuộc sống còn thì tương lai vẫn còn với hy vọng mọi sự sẽ tốt đẹp hơn. Đó cũng là lời chúc mà tác giả muốn gửi đến mọi người.

--------------------
* nguồn: xunau.org

   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét