Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

thấy gì ở lễ trao giải văn học ASEAN?- di li * tạp ghi



Nhà văn Di Li ghi nhận: "Buổi tối cuối cùng, chúng tôi dự tiệc tối do công chúa chủ trì tại khách sạn Mandarin Oriental, nhân lễ trao giải văn học ASEAN. Mỗi nước một người lên nhận giải. Lần này nhà văn Trung Trung Đỉnh đại diện cho Việt Nam, tham dự có đại sứ Việt Nam tại Thái Lan. Giải thưởng này nước nào tự chấm của nước ấy rồi cử người đến Bangkok. Công chúa sẽ trao giải… Chúng tôi đến muộn, vì vô số lý do riêng của phụ nữ. Thêm vào đó chẳng có taxi nào chịu nhận chở chúng tôi đến nơi vì Bangkok giờ tan tầm tắc đường khủng khiếp. Cuối cùng chúng tôi đi tuk tuk dự tiệc ở khách sạn năm sao. Một loại phương tiện xập xệ, ầm ĩ và lạng lách theo lối tài xế tử thần. Đến nơi thấy quân lính đi lên thang gác rầm rập, súng ống vũ trang tận chân răng. Biết là công chúa đang chuẩn bị đến. Chúng tôi còn phải đo nhiệt độ trước khi vào dự tiệc, sợ nhỡ đâu lây virus cho các thành viên hoàng tộc. Công chúa chừng ngoài 30, ngồi trên ghế dài, trao tặng thưởng cho từng tác giả. Các nhà văn quốc tế, dù có già lọm khọm vẫn phải cúi rạp đầu chào trước công chúa và chắp tay. Các trợ lý nữ, ngày xưa gọi là các tỳ nữ, mỗi lần tiến đến gần công chúa, thường phải đi nhịp nhịp vài bước rồi dừng lại, hành tung kỳ lạ kiểu chỉ còn tồn tại trong phim cổ trang. Thú thực là tôi không chịu được việc này".


Tháng 11-2012, tôi được mời đến Bangkok dự hội nghị mang tên “Reaching the world” do Hội Nhà văn Châu Á-Thái Bình Dương tổ chức. Hội nghị có hơn 100 nhà văn, nhà thơ, dịch giả đến từ hơn 20 nước trên thế giới. Cùng “đoàn” có nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, chị Vũ Phương Liên- giám đốc công ty sách Liên Việt và chị Đặng Hà-biên tập viên NXB Văn học. Các cuộc hội thảo phần lớn diễn ra tại trường ĐH Chulalongkorn, trường đại học có khuôn viên đẹp nhất Thái Lan.
Tại sảnh có một bàn trưng bày và bán sách ký gửi của các nhà văn. Tất cả sách đều bằng tiếng Anh, giá bán đắt đến phát ốm, và chẳng thấy ai mua mấy. Tôi cũng ký gửi cuốn “The Black Diamond”. Người phụ trách nói rằng 4USD rẻ quá, ở đây chẳng ai bán sách rẻ thế, đề nghị tôi tăng giá thành 10USD có được không. Tôi bảo đắt quá, trong nước còn chẳng có cuốn nào đắt thế ngoài lịch vạn niên, lương tâm nào mà tôi lại bán đắt thế được. Cuối cùng thỏa thuận giá bán 8USD/cuốn. Từ lúc ký gửi sách lại nảy sinh tâm lý chốc chốc… ra ngó xem đã bán được cuốn nào chưa. Cuối cùng sách bán hết veo, vì tổng cộng tôi ký gửi… 3 cuốn. Ở nhà bán 3000 cuốn thấy là bình thường, ở đây bán được 3 cuốn thì mừng mừng rỡ rỡ.
Ngay tối hôm đó có một festival thơ quốc tế. Hội nhà văn Châu Á-Thái Bình Dương (APWA) làm việc rất chuyên nghiệp. Tất cả các văn bản và thiết kế đều thẩm mỹ, dù cũng chỉ mực đen giấy trắng, các chương trình đều chính xác đến từng phút và không thay đổi. Chỉ duy có đêm thơ là thật khủng khiếp, dự tính 30 phút nhưng bị quá thành một tiếng rưỡi. Vì các nhà thơ đều thích đọc thơ, và đọc rất dài như trường ca, đọc nhiều bài một lúc. Nhìn chung thì các nhà thơ ở nước nào cũng giống nhau.
Nhà văn Úc Jan Cornall, người đã giới thiệu tôi gia nhập Hội Nhà văn Châu Á-Thái Bình Dương. Jan có một trang web writersjourney. Bà chuyên tổ chức các chuyến đi thực tế cho các nhà văn. Vừa đi về chưa kịp thở, bà đã gửi cho tôi một thư mời xem có tham dự được tour thực tế ở Maroc 14 ngày không. Nếu tham gia, chúng tôi sẽ tập kết ở Casablanca rồi đi xe caravan xuyên qua các sa mạc, ngủ trong lều và sống vài ngày với thổ dân. Vừa nghe đến địa danh Casablanca, chẳng nghĩ gì đến việc viết lách, chỉ nhớ ngay tới mối tình bất hủ trong bộ phim “Casablanca” và bản tình ca “Casablanca”. Maroc, cảnh quay cuối cùng trong bộ phim nóng bỏng “Original sin”. Tôi từ chối vì chuyến đi gấp quá, đầu tháng 1-2013 đã phải có mặt mà khéo làm visa còn chưa kịp. Đành tiếc hùi hụi. Ôi Maroc, một nơi mà tôi đã ao ước được đặt chân đến từ lâu, những ngôi nhà tường trắng, những bãi biển tuyệt đẹp và những làn da rám nắng. Ngoài ra Jan còn vô số chương trình thực tế ở New Zealand, Miến Điện, Lào… Đã 62 tuổi nhưng Jan vẫn thon thả, trẻ trung và năng động.
Khách sạn Mandarin Oriental rất đặc biệt vì có một khu dành riêng cho nhà văn gọi là Authors’ suites. Bởi vì trước giờ các nhà văn nổi tiếng thế giới có thói quen cứ ghé qua Bangkok là lại ở Mandarin Oriental, có khi ở lại đến vài tháng để viết văn. Trong số đó có Leo Tolstoi, Macxim Gorki, Somerset Maugham, Arthur Conan Doyle, Georges Simenon… Danh sách các nhà văn tại phòng triển lãm của Mandarin Oriental dài dễ đến vài chục. Giờ các phòng suite room cũng được đặt tên các nhà văn. Không gian Mandarin Oriental đẹp và lãng mạn đến ngẩn ngơ. Ở đây sẽ rất khó để mà viết văn. Tôi đồ rằng các đại văn hào chỉ đến đây để tìm cảm hứng rồi khi về nhà sẽ hì hụi ngồi viết bên lò sưởi.
     Buổi tối cuối cùng, chúng tôi dự tiệc tối do công chúa chủ trì tại khách sạn Mandarin Oriental, nhân lễ trao giải văn học ASEAN. Mỗi nước một người lên nhận giải. Lần này nhà văn Trung Trung Đỉnh đại diện cho Việt Nam, tham dự có đại sứ Việt Nam tại Thái Lan. Giải thưởng này nước nào tự chấm của nước ấy rồi cử người đến Bangkok. Công chúa sẽ trao giải.
Chúng tôi đến muộn, vì vô số lý do riêng của phụ nữ. Thêm vào đó chẳng có taxi nào chịu nhận chở chúng tôi đến nơi vì Bangkok giờ tan tầm tắc đường khủng khiếp. Cuối cùng chúng tôi đi tuk tuk dự tiệc ở khách sạn năm sao. Một loại phương tiện xập xệ, ầm ĩ và lạng lách theo lối tài xế tử thần. Đến nơi thấy quân lính đi lên thang gác rầm rập, súng ống vũ trang tận chân răng. Biết là công chúa đang chuẩn bị đến. Chúng tôi còn phải đo nhiệt độ trước khi vào dự tiệc, sợ nhỡ đâu lây virus cho các thành viên hoàng tộc. Công chúa chừng ngoài 30, ngồi trên ghế dài, trao tặng thưởng cho từng tác giả. Các nhà văn quốc tế, dù có già lọm khọm vẫn phải cúi rạp đầu chào trước công chúa và chắp tay. Các trợ lý nữ, ngày xưa gọi là các tỳ nữ, mỗi lần tiến đến gần công chúa, thường phải đi nhịp nhịp vài bước rồi dừng lại, hành tung kỳ lạ kiểu chỉ còn tồn tại trong phim cổ trang. Thú thực là tôi không chịu được việc này. Cho dù trao cho tôi bất cứ giải thưởng gì trên đời trị giá tiền bạc bao nhiêu chăng nữa, tôi cũng không thể cúi đầu trước một người phụ nữ chỉ trạc tuổi mình. Vẫn biết là vấn đề văn hóa nhưng vẫn cứ thế nào ấy. Tôi đã đến Bangkok nhiều lần, có bận vào rạp xem phim. Trước khi xem phim cũng phải cúi chào quốc vương rất lâu (đúng hơn là chào hình quốc vương, hình từ lúc biết lẫy biết bò cho đến lúc trưởng thành). Ôi chao là nền quân chủ lập hiến. Lắm lúc cứ nghĩ nếu mình sinh ra ở thời phong kiến thì dễ bị lôi ra ném đá đến chết lắm. Hết kêu gọi nữ quyền rồi lại phủ nhận thần quyền, vương quyền.

--------------------------
* nguồn: lethieunhon blog

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét