Tài năng của Mạc Ngôn hẳn không nằm ở lĩnh vực viết diễn từ,
nhất là diễn từ Nobel.
Trước khi đến lượt ông, áp lực của vinh quang tột đỉnh cũng
đã biến nhiều nhà văn xuất sắc thành những diễn giả nhợt nhạt tại Stockholm. Sau Stockholm
nhiều người chuyển nghề, từ nghề văn sang nghề chủ nhân Giải Nobel – hãy nhìn
Wole Soyinka, Günter Grass, Imre Kertész… Khả năng sự nghiệp của một nhà văn
được Giải Nobel chấm dứt ở Thụy Điển là khá lớn – hãy nhìn Hemingway, Alexander
Solzhenitsyn, Octavio Paz, thậm chí Samuel Beckett…
Song Mạc Ngôn còn gánh thêm những áp lực khác mà trong suốt
lịch sử của giải thưởng này không một đồng nghiệp nào của ông, kể cả nhà văn
Xô-viết Mikhail
Sholokhov, phải chịu: áp lực từ chính Giải Nobel dành cho ba người Trung
Quốc khác, trong đó hai người phải sống lưu vong và một người đang ngồi tù: Đức
Dalai
Lama, nhà văn Cao
Hành Kiện và nhà văn Lưu
Hiểu Ba; áp lực từ cương vị Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc của ông, từ
vụ tung hô Mao Trạch Đông, từ những phát ngôn bênh vực cho chế độ kiểm duyệt
tại Trung Quốc… Trong hoàn cảnh khó mở miệng nhưng không thể “mạc ngôn” này,
công thức đã giúp ông lách qua mọi chướng ngại vật ở Trung Quốc – 1/3 hiện
thực, 1/3 huyễn giác huyền ảo, 1/3 ẩn dụ tùy cách hiểu – không hoàn toàn đem áp
dụng được. Bài diễn từ nhan đề “Những người
kể chuyện” của ông theo công thức mới: 1/3 hiện thực, 1/3 ẩn dụ và 1/3 biện
luận. Kết quả là một sản phẩm vô thưởng vô phạt đến quá nửa, kể lể về bản thân,
điểm xuyết bằng những nhận định không lấy gì làm độc đáo về bản chất cũng như
sứ mệnh của văn chương, để cuối cùng thanh minh cho chỗ đứng của tác giả trước
những chỉ trích mạnh mẽ, đặc biệt từ nhiều đồng nghiệp và đồng bào nổi tiếng.
Thông điệp từ sự khổ sở dài lê thê này có thể tóm tắt như sau: Ừ thì hoàn cảnh
phức tạp nhưng tôi chỉ là một người kể chuyện thôi mà, và tôi thấy mình cũng
xứng đáng đấy chứ, thôi các vị đừng làm ồn lên nữa. Ông là chủ nhân Giải Nobel
Văn chương đầu tiên phải biện bạch cho vinh quang của mình.
Đầu tiên ông kể về thời thơ ấu cơ cực, một đề tài đã được
đào đến gãy cán bút của nhà văn mọi quốc gia. Rồi bà mẹ chất phác nhưng đầy
nhân hậu và thấu tỏ lẽ đời của ông xuất hiện tất yếu trên cái nền tăm tối đó và
ông dựng cho bà một đài tưởng niệm[1].
Rồi định mệnh lại xui khiến một người kể chuyện ghé qua chợ làng và đánh thức
trí tưởng tượng của ông, chưa kể việc ông cũng là một trong những hậu duệ của
Bồ Tùng Linh. Hơi nhiều khuôn đã đúc đến lần thứ bao nhiêu cho đường đến văn
học của một cậu bé lam lũ thất học. Rồi làng Cao Mật xuất hiện, và ông tiết lộ
làng này có chứng nhận kết nghĩa với Yoknapatawpha
County và Macondo. Đến
đây bầu kiên nhẫn của tôi đã vơi trông thấy và cạn hẳn ở phần tiếp theo, bài
giảng Mo Yan for Beginners với cả chục tác phẩm. Song diễn giả vốn là một nhà
kể chuyện hấp dẫn này không bỗng nhiên đem sự tẻ nhạt dài hơi ra hành hạ. Ông
hành hạ có phương pháp. Có chiến thuật. Chắc phải dựa trên binh pháp Tôn Tử,
cái gì đó “lừng khừng như rừng rậm”, cái gì đó “bớt lửa dưới nồi”, để rồi xùy ra
chiêu tự vệ vào lúc tất cả đã ngủ gật.
Ông nói rằng mình không sợ lên án những mặt tối của xã hội,
mà e rằng bức xúc và phẫn nộ chỉ khiến chính trị quay ra đàn áp văn chương và
biến tiểu thuyết thành phóng sự về các vấn đề xã hội. Rằng với tư cách là một
thành viên của xã hội thì tiểu thuyết gia tất nhiên có quan điểm và cách nhìn
riêng, nhưng khi viết thì phải tuân theo quan điểm nhân văn chung và chỉ như
vậy mới vượt ra khỏi khuôn khổ của những sự kiện nhất định và vượt lên chính
trị, vĩ đại hơn chính trị. Rằng ông thấu hiểu bản chất của con người, trong
người nào Thiện và Ác, đúng và sai cũng trộn lẫn, khó lòng phân biệt, đó chính
là nơi thử thách tài năng, khiến nhà văn vượt qua chính trị và đạt đến tầm thượng
thừa trong văn học. Nói ngắn gọn: Các vị muốn gì nào? Tôi sáng tạo ra thứ văn
học đích thực, văn học vĩnh cửu, vượt ra ngoài chính trị nhất thời.[2]
Hơi nhiều “vượt qua chính trị” cho một người muốn ngăn chặn nguy cơ chính trị
đàn áp văn chương.
Và cũng vượt ra ngoài thị phi phù phiếm. Những điều tiếng
xung quanh giải thưởng này chẳng liên quan gì đến ông, ông chỉ sắm vai người đi
xem kịch. Xem vị tân khôi nguyên được tặng hoa, ném đá và té bùn rồi bình thản
mỉm cười chùi bùn bẩn, nhẹ nhàng kể khuyến mại cho cử tọa ba câu chuyện.
Chuyện thứ nhất kể về một học trò không chịu khóc vờ như cả
lớp, trong đó có Mạc Ngôn, khi đi xem một triển lãm về tình cảnh khổ đau của
nhân dân Trung Quốc (hẳn là trong những chế độ trước). Mạc Ngôn và nhiều học
trò khác đem việc đó ra mách thầy, cậu học trò kia bị kỉ luật. Sau này Mạc Ngôn
ân hận, xấu hổ và hiểu ra rằng: Nếu mọi người đều khóc thì ít nhất nên có một
người không khóc. Và nhất là khi tất cả khóc vờ thì càng nên có một người không
chịu khóc theo.
Chuyện thứ hai kể về một tình huống giữa Mạc Ngôn khi là
lính trong quân đội với một sĩ quan chỉ huy. Một thời gian dài ông tự thấy mình
dũng cảm, dám hiên ngang đối đáp và làm cấp trên bẽ mặt. Sau này ông lại tự
trách mình đã xử sự như vậy[3].
Chuyện thứ ba kể về tám người thợ hồ tránh bão trong một tu
viện cổ. Bão ngày càng mạnh. Họ bảo nhau rằng chắc một người trong số họ đã
phạm tội gì xúc phạm đến trời đất, vậy người đó phải ra mà chịu hình phạt để
những người vô tội được yên lành. Nhưng không ai tự nhận mình là kẻ tội đồ. Họ
bàn nhau vứt hết mũ rơm ra ngoài. Mũ ai bị cuốn đến cổng ngoài thì kẻ đó chính
là thủ phạm. Quả nhiên bảy chiếc mũ trụ lại, một chiếc bị gió cuốn ra cổng. Bảy
người hè nhau tống được thủ phạm ra ngoài. Đúng lúc ấy tu viện sụp đổ.
Bài học từ chuyện thứ nhất: không chạy theo khuôn mẫu tập
thể không hẳn là xấu như ta đã tưởng, mà có khi là cần thiết, nhất là khi khuôn
mẫu ấy giả tạo. Từ chuyện thứ hai: làm cấp trên bẽ mặt không hẳn là dũng cảm
như ta đã tưởng, mà có khi là không nên. Từ chuyện thứ ba: họa của người không
hẳn là phúc của ta, nhất là khi ta bắt người phải hứng họa, và người tính không
bằng trời tính.
Tôi phải nhận là mình không có duyên với những sự thâm thúy
bỏ túi rất phổ biến trong văn học Trung Quốc và Việt Nam từ cổ đến tận kim như thế.
Trong các tác phẩm của Mạc Ngôn chúng được dùng hết công suất, đó là một trong
những lí do khiến tôi không có nhu cầu đọc nhiều hơn ba tác phẩm của ông. Tôi
cho đó là một thủ pháp dễ dãi, dù người sử dụng nó hẳn rất đắc chí về sự khôn
ngoan của mình. Tôi không thích những tác giả khôn ngoan, ghét những tác giả
khôn ranh và thậm ghét những tác giả khôn lỏi. Chiếc cửa hậu của đạo đức mà Mạc
Ngôn để hé cho mình trong câu chuyện thứ nhất lộ ra nét khôn lỏi ấy.
Ai muốn hiểu thế nào thì hiểu, ông chỉ là một người kể
chuyện thôi mà. Và nhiều chuyện tuyệt vời đã diễn ra sau khi ông được trao
giải, khiến ông thêm vững tin vào sự tồn tại của sự thật và công lí, Mạc Ngôn
kết thúc diễn từ Nobel của mình như thế. Một blogger Trung Quốc bình luận:
Người nói ra sự thật trần trụi thì vào tù. Người gói sự thật vào những câu
chuyện hư cấu thì được trao giải.
Ngày này năm sau, một nhà văn khác sẽ đứng ở chỗ ông đang
đứng. Nhưng cuộc đời ông đã chọn là ở Trung Quốc. Phần còn lại của nó dài hơn
mấy chục phút vinh quang ở Stockholm,
cái vinh quang mà ông phải dùng rất nhiều lời để biện bạch.
[1]
Tôi cứ tưởng đài
tưởng niệm của Orhan Pamuk dành cho chiếc va-li của cha mình là đỉnh cao
của sự nhàm chán mà Stockholm
có thể chịu đựng. Nhưng tôi đã nhầm.
[2]
Viết đến đây, tôi bất giác nhớ đến tuyên bố của Tập
Cận Bình ở Mexico vài năm trước: “Có một số người ngoại quốc bụng thì béo,
rỗi hơi không biết nên làm gì ngoài chỉ trích chúng tôi. Thứ nhất, Trung Quốc
không xuất khẩu cách mạng; thứ hai, không xuất khẩu nghèo đói; và thứ ba, không
làm chuyện lùm xùm gì với các vị. Thế còn có gì mà nói nữa nào?”
[3]
Chuyện này có thể coi là phiên bản khác của giai thoại mà Mạc Ngôn ưa kể về
thái độ của Beethoven và Goethe trước vua Phổ. Hồi trẻ ông ngưỡng mộ sự cương
trực của Beethoven, sau này ông thấy chính sự năng nhẫn của Goethe mới là dũng
cảm.
---------------------
* nguồn: internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét