Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

lão nguyễn hiếu thẩm thơ vừa tinh… vừa quái, đúng sai chờ quý vị bổ sung thêm


lời người thẩm:

Không hẳn Hội nhà văn Việt Nam có hai vị Chánh, phó Chủ tịch là nhà thơ mà cái chính tiếng Việt ta dễ tạo ra những câu nói vần. Người bắt vần, nói vần đựơc thì dễ tưởng mình là nhà thơ. Cộng thêm với sự chuyển đổi nền kinh tế nước ta sang nền kinh tế thị trường gắn chặt với thực trạng bỏ tiền ra in thoải mái các ấn phẩm đựơc gọi là thơ đã vô tình trở thành sự lạm phát được định danh là thơ. Tình trạng này phải chăng đã tạo nên động lực khiến Hội nhà văn Việt nam lấy ngày rằm nguyên tiêu hàng năm thành ngày thơ Việt Nam và có ngưòi đã nhìn vào sự phát triển nóng về thơ hùng hồn, đại ngôn rằng “nước ta là một cường quốc thơ”. Sự ngoa ngôn đó có tác động trở lại cho việc hàng năm có hàng nghìn tập văn vần đựơc gọi là thơ ra đời bằng tiền túi các tác giả. Kẻ mọn này được tặng, được nhân tặng, được xem tuy không đủ nhưng cũng có tới hàng trăm trong số ấn phẩm đó. Lại là kẻ tôn trọng mọi thứ quà tặng dù là mọn nhất, nên ngày dưới mặt trời, đêm chong đèn đọc gần hết thứ quà tặng cao quí này. Cộng thêm vào trí nhớ còn ít nhiều về thơ của một cựu sinh viên khoa văn nên tôi liều viết lời điểm bình qua sự thẩm những dấu ấn thơ của mọi loại thi nhân đã tạo cho kẻ này.
Cũng xin nói để các thi nhân rơi vào tầm thẩm lẩn thẩn của tôi là tôi không căn cứ trên một tiêu chí nào, cũng chẳng câu nệ tên tuổi chư vị để xếp hạng mà sự thẩm của tôi chỉ dựa trên các văn bản có trên tay, trong đầu và hơn hết là sự cảm nhận của cá nhân. Lại là dân sáng tác nên tôi viết những dòng thẩm theo cảm xúc của mình. Đúng sai xin đựơc những ai trót đọc những dòng này thể tất…

Thơ Chế Lan Viên: Một tài năng vượt trội về thơ. Có khả năng viết rất hay, chân thành và có lúc cố chân thành về những điều “phải nói thế”. Vì sự viết đó cuối đời thường ân hận một cách chân thành và tài năng bằng một nhân cách lớn. Nhưng muốn nói gì thì nói ông vẫn là một thiên tài thơ mà tôi kính trọng từ thủa mới biết đọc thơ đến khi về già.

Thơ Hoàng Trung Thông: Ông có bài thơ mà cả hai bên đối địch nhau đều phổ nhạc. Một câu thơ giản dị giống như khẩu hiệu đựơc phổ biến. Bài thơ đó, câu thơ đó đã nằm lòng nhiều thế hệ người đọc.

Thơ Phạm Tiến Duật: Cuộc chiến đã chọn, và biến ông thành người phát ngôn cho những người một bên tham gia cuộc chiến đó. Cộng thêm cánh bay của âm nhạc nên ông là một trong những nhà thơ có nhiều bài thơ, câu thơ đựơc nhớ.

Thơ Hữu Thỉnh: Ông cũng nên cảm ơn âm nhạc đã làm hai bài thơ ông được ghi vào trí nhớ người đọc. Thế thôi.

Thơ Phan Thị Thanh Nhàn: Sự may mắn về một bài thơ của chị phù hợp với tâm trạng một thời của lứa tuổi đang yêu nhau chưa có Intenet, mỹ phẩm Hàn quốc, văn hóa mạng nói riêng và văn hóa chưa cao. Trường hợp này giống như bài “Núi đôi” của  Vũ Cao, “Màu tím hoa xim” của Hữu Loan. Một loại thơ tự sự như hồi ức. Thơ bình dân cao cấp. Có thể kể thêm “Quê hương” của Giang Nam. Loại thơ này không có âm nhạc cũng khó có tiếng vang (chỉ lạ là sao “Núi đôi”sao chưa được các nhạc sĩ để mắt tới)… Bài thơ tài hoa nhất của chị là “Đám cưới ngày mùa” chứ không phải “Hương thầm”.

Thơ Nguyễn đức Mậu: Nghiêm chỉnh, gọn gàng, quan phương, nhạt nhòa thiếu cá tính như nhìn phía sau lưng những người lính xếp hàng trong đội ngũ. May trong gia tài thơ ông có bài đựơc phổ nhạc.

Thơ Lê Thành Nghị: Giống thơ Nguyễn Đức Mậu nhưng khô hơn vì chất lý luận nửa vời trong câu chữ và trong tư duy thơ.

Thơ Hồng Thanh Quang: Mềm, mịn, tình, nữ tính, ít nhiều có hơi thơ trữ tình Nga. Hình như thơ ông nhằm vào đối tượng phụ nữ. Hỏi 10 người thì có đến 8 độc giả nữ biết thơ HTQ. Thế là quí rồi. Tôi là ngưởi đọc đàn ông dốt hay quên nên không thuộc câu thơ nào của ông.

Thơ Nguyễn Hoa: Nói dài như kí viết xuống dòng, nên chọn cách nói ngắn. Đáng tiếc sự nói ngắn của ông cũng không có sự chưng cất đặc biệt nên không ghim đựơc vào trí nhớ người đọc.

Thơ Nguyễn Đình Chính: Một nội lực thơ lớn do zen. Viết có duyên và hấp dẫn. Hình như thơ và nói tục vênh nhau tạo nên thơ ông trở thành thứ thực phẩm trí tuệ lổn nhổn khó tiêu.

Thơ Phạm Công Trứ: Nghĩ gì cũng kĩ càng và luôn sợ thiếu thành trường hơi. Đọc thơ ông ngửi thấy mùi bùn, mùi mạ vùng chiêm trũng nhưng cũng chỉ thoảng qua.

Thơ Trần đăng Khoa: Tài năng vượt trội khi làm thơ ở thời trẻ con. Cả đời chỉ ăn và được thừa hưởng vào thành tựu trẻ con. Thế là mỹ mãn rồi.

Thơ Nguyễn Trọng Tạo: Ông này viết nhạc hay hơn làm thơ. Hai ca khúc được nhiều người biết có ca từ là thơ người khác. Ca khúc trọn gói của ông lại không hay. Thơ mình chưa làm mình rung động thì người khác động, rung sao được. Kể cả lúc thơ ông chuyển sang ngữ khác một cách thời thượng.

Thơ Trúc Thông: Làm duyên hơi lộ. Một hai bài hay lại rất có duyên. Ít ra tôi còn nhớ đến “bờ sông vẫn gió …” của ông thì phải.

Thơ Vi Thùy Linh: Như nhạc trẻ. Nói như nhạc sĩ Văn Dung là để ý đến trang phục, nhảy nhót nhiều hơn là giọng ca.

Thơ Trịnh Công Sơn: Hầu hết ca từ trong nhạc phẩm của ông là những bài, câu thơ tuyệt kĩ. Trong cái vỏ mang mang khó định bởi yếu tố thiền, tâm là kiểu mẫu của thơ hiện đại trong cách tạo từ, đặt câu. Khó cắt nghĩa nhưng in dấu không thể phải mờ trong người thưởng thức. Nhờ đôi cánh âm nhạc mà sự tưởng như vô lý trong thơ ông hấp dẫn và thành ám ảnh.

Thơ Lê Chức: Ông không thuộc hàng thơ chuyên nghiệp nhưng thừa hưởng tố chất của cha -nhà thơ Lê Đại Thanh- tố chất nghệ sĩ của gia đình nên ông rất có nội lực thơ. Thơ ông là sự thể hiện đài từ có tay nghề trên nền ngôn ngữ và suy gẫm về lẽ sống.

Thơ Lê Huy Quang : Hoạ sĩ làm thơ. Ngoài sự coi trọng hình thức thể hiện thì thơ ông đã chạm đến sự đổi mới khi đi tìm thi pháp hiện đại.

Thơ Mai Văn Phấn: Một ông nhà đoan thạo tiếng nước ngoài nên ít hiểu thấu tiếng và cách nghĩ của mẹ đẻ. Ông lại sáng tác trên sự hiểu biết khá thành thạo đó. Tiếc những thứ gọi là thơ của ông là sự đi không đúng hướng trong lối viết cố không giống ai (không phải cách tân) nên tạo ra những bài xếp chữ cố ép vào thể loại thơ. Đọc kĩ thấy đó là những bài thơ như dịch, như nhại lại cách nghĩ của Tây diễn đạt tiếng Việt một cách ngô nghê.

Thơ NQ Thiều : Đàn anh của MVP. May chất quê còn sót lại trong anh chàng sành tiếng Tây này ở đầu đề truyện ngắn “Mùa hoa cải bên sông”. Chất liệu và cách nghĩ cố ra điều quê được nhốt trong những bài thơ phá cách loằng ngoằng câu chữ khiến như đang nhìn thấy một cô đầm da đen da thịt mưng mẩy, căng ních trong áo tứ thân, chồng chềnh nón quai thao trên mớ tóc xoăn bụt ốc. Vừa buồn cười vừa thấy sượng khi thấy con gái ăn mặc kiểu này.

Thơ Trần Ninh Hồ: Cũng như truyện ngắn, thơ ông giống như cách sống ngoài đời của ông. Từng trải, biến báo, khôn ngoan, biết giả vui khi buồn, biết giả buồn khi vui. Ai đọc cũng đựơc, ai tán cũng xong. Bình bình ở giữa bình dân và đặc sản.

Thơ Mai Phương: Thật đến tận cùng. Câu chữ trong thơ ông chỉ có một nghĩa. Ngay cả khi ông làm thơ về tình yêu vẫn thấy tác giả là một người hơn nửa thế kỉ chịu ảnh hưởng không cưỡng đựơc ý tứ trong những bài xã luận báo Nhân Dân. Đàn anh Mai Phương một nhà thơ quan phương.

Thơ Trần Trương: Một thứ thơ chỉ dừng ở mức những bài bích báo hay vì biết niêm luật, cú pháp viết thơ và đôi ba suy nghĩ ít nhiều có chất thơ. Cuối đời viết nhiều thơ thể hiện rõ chất công dân nhưng cũng chỉ đủ đăng tải trên báo mạng như một kiểu bích báo thời điện tử.

Thơ Trần Anh Thái: Chỉ thấy thơ Trần Anh Thái hay và “giá trị” khi nghe nhà thơ này nói về thơ mình.

Thơ Đồng Đức Bốn: Ở những bài lục bát tuyệt đỉnh của mình. Thơ Đồng Đức Bốn đủ sức hát cho hồn dân tộc trong thời buổi hỗn tạp này. Cũng lạ tâm hồn thơ của ông tôi cảm thấy biết khá rõ khác những gì quá ít ỏi khi tôi biết về ông ngoài đời.

Thơ Hoàng Trần Cương: Lực lưỡng và chủ động trong thi pháp của riêng mình. Có lúc rất đắt như một ca sĩ phút thăng hoa, có lúc vừa phô vừa chênh như một người mới vào nghề lần đầu tiên biểu diễn trong đại nhạc hội. Biết vậy thôi, nhưng IQ phải ngang Lê Quí Đôn mới nhớ nổi một câu thơ HTC.
  
Thơ Hà Đình Cẩn: Ngưòi thạo viết kí, viết báo và kịch có tâm hồn thơ. Khổ, thơ ông lại bị tất cả mọi thể loại văn xuôi lấn át ngay cả khi ông “thơ” nhất.

Thơ Lê Quang Trang: Học văn nhưng cả ngoài đời lẫn trong văn chưa bao giờ biểu hiện nổi một chút “văn” nào. Chả nhẽ học văn lại không làm thơ và viết phê bình. Nhàng nhàng mọi sự lại dễ chịu. Thơ ông chưa thành lửa đã có tro tàn.

Thơ Bằng Việt: Bếp ta đun bằng củi chặt từ thông Nga. Tỏa ra mùi thơm đểnh đoảng không đủ ấm cho kẻ Việt khát thơ. Tuy vậy thơ ông cũng được gắn một cái tên trong hộ khẩu thơ. Do sống lâu, do khôn ngoan, do chức sắc? Giá có nhạc sĩ nào phổ một bài thơ ông làm nên một ca khúc hay thì may ra thơ ông mới có ngưòi nhớ.

Thơ Vũ Quần Phương: Bác sĩ làm thơ tay ngang. Bài nhớ có một số câu hay nhưng cũng phải nhờ Nhạc sĩ Huy Thục người ta mới nhớ. Thế cũng đủ làm nên một giáo sư thơ. Vị giáo sư này mỗi bận lên tiếng về thơ thì chỉ thấy ông tán nhiều hơn bình. Ông không nói theo mà ông nói bằng cách của ông những gì người ta đã nói. Chưa thấy ông phát hiện cho riêng ông cái gì.

Thơ Bế Kiến Quốc: Khôn, lành, đôn hậu có gốc là dân tổng hợp văn. Trong thơ ông có đủ mọi yếu tố này.

Thơ Đỗ Sơn Cao: Một thi sĩ đích thực, hiếm hoi. Có thể liều mạng về thơ nên cũng để lại những câu thơ đầy chạt chất dân dã chết người.

Thơ Đỗ Hoàng: Thơ minh hoạ rất thật tố chất của người. Vì thế ông có những câu thơ thật đến độ làm giật mình những kẻ muốn phủ hoa lên cuộc chiến đầy khăn tang, chết chóc và đến nay còn quá nhiều kẻ dị dạng bởi sự dã man của cuộc chiến.

Thơ Trần Gia Thái: Cả một đời làm báo, nhưng ông là trường hợp hiếm hoi thơ không bị ảnh hưởng phong cách báo, nhất là khi viết về kí ức xưa. Mãi hoài vọng quá riêng nên hơi thiếu bài, câu đủ độ cào xước sự cảm người đọc.

Thơ Trần Quang Quí: Sau những va đập của đời, ông đằm hơn. Thơ ông cũng đằm theo, vì thế mọi sự vẫn không vựơt nổi “cổng làng”. Gần đây muốn thoát ra bằng những bài thơ xuống dòng nhiều cả trong hình thức và suy nghĩ nhưng cũng chỉ thế thôi.

Thơ Vũ Ân Thi: Khởi thủy đi theo trường phái thơ Triết. Môn đệ của Chế Lan Viên. Nhưng cuộc chiến đã làm thơ ông cuộc sống hơn, bình dị hơn. Nhưng lại bình dị quá nên thơ ông không để lại dấu ấn như những vần thơ nổi loạn ông từng diễn thời mới làm thơ trong lớp văn Trường ĐHTH.

Thơ Đỗ Chu: Thấy thơ đang đông người làm, ông cũng làm khi xem ra hương cỏ mật đã nhạt vì nắng gió, thời gian. Thơ Đỗ Chu là thu gọn, chắt ra từ những bút kí, truyện ngắn làm nên danh ông nhưng chưa đủ sức làm nên tên người viết thơ.

Thơ Nguyễn Khoa Điềm: Chia làm ba giai đoạn. Hồi ở rừng làm thơ thật. Hồi làm quan thơ khụng khượng. Trở lại nhà thơ suông thì rặt thơ ân hận một cách kiêu ngạo ngầm.  

Thơ Nguyễn Hiếu: Chế Lan Viên ghi năm 1970 bên lề bản thảo bài thơ “cho đến bao giờ anh cởi lá ngụy trang”: “Anh là một ngưòi làm thơ có một số ý độc đáo, sáng tạo nhưng tâm trạng anh có cái gì rối rắm… Phải giữ thật trong sáng…”. Còn từ bấy đến nay thấy: Mọi thứ có trên trái đất đều rơi vào thơ gã. Từ kẹo cao su, đến nhân loại, chiến tranh và tình yêu. Mọi thể thơ, lục bát cho chí thơ văn xuôi gã đều dùng… hay dở, cao thấp ai trót đọc thơ gã thì biết. Miễn bàn.

Lời tạm kết: 
      Xin các vị cứ coi đây là phần 1 của bài thẩm thơ. Hi vọng đựơc gặp lại các vị trong một dịp gần nhất khi trong tay tôi có thêm những thi phẩm để đọc.

Nguyễn Hiếu 
ĐT: 0913535270

-----------------------------
* nguồn: trannhuong.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét