KỲ 19
Gã lắc quày quạy:
“Làm gì ra chuyện đó. Một
trung tá quân đội nhân dân, lực lượng chuyên chính của đảng, dũng mãnh,
kiêu hùng sao quỳ xuống xin lỗi vợ”.
Lão gác dan trợn mắt:
“Không quỳ xuống, nó điên lên
làm tóc loe ra mất lon, mất chức. Chẳng thế mà ngày xưa lính Trường Sơn riễu
thủ trưởng: “lồ… đớp mất sao… lồ… cào mất vạch” đó thôi. Đàn bà mà nổi
máu ghen lên hả… Nhét cứt vào mồm mình cũng phải chịu…” .
Lão dừng phắt chợt nhớ
bà vợ quắt queo đã cho lão nếm không ít kinh nghiệm đắng cay về ba cái vụ đó.
Gã bỗng thấy lo cho nàng
Emily ngoài đời, chỉ một ca axít thôi trong tay con mẹ nặc nô được thuê
với giá không tới một chỉ vàng, thế là đời nàng đi đứt” .
Gã run giọng:
“Trung tá phu nhân có đe dọa
trả thù cô… hàng xóm không?”.
Lão gác dan bật cười:
“Trung tá phu nhân là cái đéo
gì?”.
“Là vợ ông trung tá đó…” .
Lão nhìn vào mắt gã:
“Lo cho cô nàng hả? Cậu ru rú
trong phòng nên không biết, cả hai con mẹ trốn chúa, lộn chồng này đêu ghê gớm
cả, bên này lồ… sành, bên kia ghe đá, bà trung tá chỉ đóng cửa dạy chồng thôi,
chả dám động tới gót chân cô kia đâu” .
Thảo nào sáng nay khi
ông trung tá bay hồn bạt vía nàng Emily ngoài đời vẫn cứ đứng cười ha hả ngoài
ban công, gã nhớ lại và thở dài:
“Chắc ông trung tá cạch đến
già, buông cô kia ra thôi” .
“Sức mấy, mèo quen vụng mỡ
rồi, dứt ra bây giờ tiếc đứt ruột, một cây vàng lót tay nàng chứ ít, dễ nó cho
ăn không đấy hả. À, cháy nhà mới ra mặt chuột, sáng nay hai vợ chồng cãi nhau
mới hở ra vụ mất trộm đêm ở nhà ông trung tá dạo cuối năm ấy hóa ra là…”.
Chợt như nhớ ra điều gì làm
lão hoảng sợ im bặt. Gã ngạc nhiên:
“Vụ mất trộm nào? Nhà
ông trung tá đêm cuối năm hả?” .
“Không, không, làm gì có
chuyện đó, tôi nói là… nói chuyện khác kia…” .
Lão cuống quýt cố che
giấu cái điều lão vừa hở ra làm gã càng hỏi vặn:
“Vậy bác nói vụ trộm nào?” .
“À… vụ trộm xe đạp của bà nhà
tôi ấy mà, hóa ra không mất”.
Gã ngớ người:
“Không mất hả? Sao bác cứ
khăng khăng đổ cho bạn tôi lấy…” .
“Cậu cứ bình tĩnh tôi kể cậu
nghe. Quả thực bữa đó tôi có nghi cho bạn cậu. Hôm sau hắn dắt một cô gái
tới, nói lên chơi phòng cậu, tôi mới nghĩ: quái, nếu đúng hắn trộm thực, đời
nào dám khơi khơi dẫn xác tới chơi thế. Tôi bán tín, bán nghi chưa dám
hỏi, chẳng ngờ hắn ta giới thiệu cô bạn biết bói bài giỏi lắm, tôi mới nhờ cô
ta bói cho một quẻ. Cha mẹ ơi, tư thuả cha sinh mẹ đẻ tới giờ tôi mới chứng
kiến một việc lạ lùng đến thế. Mình là người duy vật biện chứng phải không, ai
lại tin những điều nhảm nhí mê tín dị đoan. Ấy thế mà mới trải bài trên giường,
cô ta đã nói một câu làm tôi bổ ngửa: “Bác mới mất trộm? Đúng không? “Đúng, đúng”.
Bác mất vật bằng sắt, chân cao su, chạy nhanh được, chạy chậm cũng được,
đúng không?”. “Đúng, đúng”. Nói thực với cậu, lúc đó tôi choáng cả người, cô
ta tả vậy thì đúng chiếc xe đạp còn cãi vào đâu. Cô ta xem bài, ngẫm nghĩ có vẻ
căng thẳng rồi nghiêm giọng: “Vậy thì bác không mất đâu!”. Tôi mới nằn nì: “Cô
xem kỹ lại, tôi mất mấy hôm nay rồi mà”. Cô ta lẳng lặng cất bài, chẳng nói gì
nữa, chỉ đọc hai câu thơ:
“Của đi rồi của lại
về
Cửa quan chớ cậy, bạn bè
chớ nghi…”.
Vậy đó… tôi nói cậu
không tin mặc cậu, nhưng thề có quỷ thần hai vai chứng giám, tôi nói sai tôi
chết bất đắc kỳ tử, ngay sáng hôm sau, tôi đang ngồi ghi sổ trực bỗng mụ vợ tôi
lù lù trong nhà đi ra, tay dắt… chiếc xe đạp ấy. Tôi mới hoảng lên, cấu thử vào
đùi mình coi tỉnh hay mơ, biết là đang tỉnh đấy nhưng miệng cứ lắp bắp mãi:
“Cái xe đạp… cái xe đạp…”. Mụ vợ tôi gắt: Ông này hay nhỉ, không là chiếc xe
đạp thì là cái gì?”. “Bà thấy… bà thấy nó ở đâu?”. “Ơ hay ông lên cơn hâm hả?
Vẫn nằm trong buồng kho ấy chứ đâu. Mấy hôm nay tôi mới đi đến nó đây”. Tôi sờ
vào chiếc xe, bụng tin thực rồi, miệng vẫn cứ lắp bắp: “Tôi tưởng… tôi tưởng
mất xe rồi chứ? Mụ vợ tôi quát tướng: “Cái nhà ông này độc miệng. Mất hồi nào,
vẫn trong kho chứ đâu. Thôi xê ra tôi đi chợ, sáng ra đã ỡm ờ…”. Ấy đấy,
tôi hỏi cậu thế là thế nào? Người ta có số thật ư? Mà sao cái con bé ấy
còn ít tuổi mà coi bói tài đến thế…” .
Câu chuyện dài dòng của
lão không gây ngạc nhiên, chỉ làm gã thêm rầu rĩ. Đương nhiên con người có số
hẳn rồi, có lẽ ai ai cũng tin thế, nhưng chấp nhận số phận lại là chuyện khác,
bao đau đớn, buồn phiền đều ở đó mà ra cả. Giả thử người mắc SIDA, biết chắc
chết trong một tháng, trong một năm, liệu có ung dung, tự tại sống nốt
quãng đời còn lại không? Gã cứ chìm đắm mãi vào câu hỏi, loay hoay không trả
lời được làm lão gác dan cứ tưởng gã hoài nghi chuyện của lão, và như vậy gã
cũng chẳng coi số má là cái quái gì. Lão quyết định phải “khai sáng” gã dở
điên dở tỉnh này:
“Anh không tin hả? Anh nên
nhớ tôi đây này, cả cuộc đời là cộng sản duy vật, vô thần, chưa bao giờ chịu
chắp tay lạy kể cả vái trời phật, ấy thế mà bây giờ được “nhãn mục sở thị” tôi
cũng phải tin rằng đất có thổ công sông có Hà Bá đấy. Hôm qua mụ vợ tôi cứ há
cả mồm ra nghe tôi sai đi mua trang thờ với tượng ông phỗng cúng thổ địa”.
Gã chợt nhớ tới lời dặn
của Tố Oanh:
“Mua cái đó ở đâu hả bác?” .
“Ngoài chợ chứ đâu, từ nay
chẳng cứ gì rằm, mồng một, cứ trước khi lên giường, đêm nào tôi cũng đèn nhang,
khấn vái. Cậu nghe tôi, lập trang thờ góc kia kìa. Tôi cứ nghĩ đi nghĩ lại, rút
cuộc con người ta cũng cần có một ông trời để thờ phụng chứ, phải không?” .
“Ngày xưa thì có đấy, nhưng
rồi cách mạng giết chết ông ta rồi”.
“Láo toét, ai giết được ông
trời?” .
Gã chỉ vào mặt lão gác
dan cười ha hả:
“Chính bác, chính bác đã giết
ông ta…” .
Lão gác dan bật ngửa,
tru tréo:
“Tôi ấy ư? Tôi mà giết
chết được ông trời đấy ư? Cậu điên rồi, cậu vu cáo, gắp lửa bỏ tay người.
Tôi sẽ đưa cậu ra cuộc họp, à không trời phật sẽ trừng phạt cậu…”.
Lão càng la hét, gã
càng cười to khiến lão càng tưởng gã điên thật, lão giật lùi ra khỏi phòng, đóng
sập hai cánh cửa.
KỲ 20
Căn buồng thoắt trở nên im lìm đến độ gã có thể nghe tiếng đập
con tim trong lồng ngực. Gã bỗng nảy ra thích thú lắng nghe cái vật nhẫn
nại nhất trong cơ thể, đó là nơi bắt đầu và cũng là nơi kết thúc sự sống
của gã.
Giữa hai thời điểmđó, con tim nhỏ bé đã phải đập bao nhiêu triệu
cái? Đó là một phép tính số học giản đơn nếu như biết chắc được giờ sinh và giờ
chết. Ý nghĩ đó đưa gã ngược xa, xa mãi khi gã còn là một con tinh trùng
nhỏ bé chiến thắng cả triệu đồng loại để được duy nhất tồn tại trong trứng mẹ.
Ghê gớm thật, chẳng ngờ trong đời gã đã một lần may mắn trúng
độc đắc trong cả triệu vé số. Nhưng do đâu chàng có được cái cơ may “duy ngã
độc tôn” trong bộ máy huyền vi kia? Phải chăng đã có sự sắp xếp của bàn
tay… Thượng đế?
“Khi đi sâu vào cơ chế của xã hội loài ong, người ta buộc phải
nghĩ tới sự có mặt của Ngài…”. loáng thoáng một câu trong cuốn sách nào đó chạy qua đầu và
rồi gã lại nhủ:
“Mọi luận lý đều xóa bỏ Ngài trong ta…”.
Gã quyết định không nghĩ tới bất cứ cái gì. Thế nhưng diệt trừ ý
thức là một cuộc vật lộn không mấy dễ dàng khi trong đêm tịch mịch gã ngồi xếp
chân bàn tròn trên sàn, hai tay khoanh trước ngực, nhẫn nại xóa bỏ bất cứ thứ
gì hiện ra trong đầu.
Gã cứ ngồi như thế trong bóng đêm loãng dần cho tới lúc tưởng đã
“diệt trừ được ý nghĩ” rồi lại thất vọng nhận ra gã chẳng tiến được bao nhiêu
và tệ hại hơn, lúc này đầu gã lại đầy ắp những liên tưởng như một đàn cung
quăng trong vại nước sau mưa.
“Ngón tay, tóc, mắt, đáy cốc, kim đồng hồ, đêm, bão biển, hải
tặc, nốt ruồi…” gã cứ lầm bầm như người lần tràng hạt trong ánh sáng
mờ đang rụt rè trườn qua khe cửa sổ…
*
* *
Gương mặt lão gác dan như phình to khi ấn vào tay gã “thư
mời” do một ông trên sở cảnh sát nhờ chuyển.
“Bí mật đấy nhé, tuyệt đối không được lộ cho người thứ ba, ngoài
tôi với cậu ra. Đồng chí ấy dặn thế…” .
Giọng thì thào, khoái trá, cố làm ra quan trọng của lão cứ
đánh lùng bùng bên tai gã.
“Bác nói hết chưa?” .
Gã gắt lên và không chờ lão trả lời, xăm xăm bước ra phố. Thế là
rõ nhé, cái điều bấy lâu nay tưởng đã lẩn tránh được hóa ra hão cả, nó
vẫn ở đâu đó để rồi thình lình trong buổi sáng đẹp trời như hôm nay, nó chồi
ra, vồ chụp lấy mình. Mình biết mà, lão cảnh sát không bao giờ buông tha mình
đâu, đã biết vậy mà vẫn ảo tưởng là sao? Rồi cả đến thần linh cũng đã mách bảo
qua miệng Tố Oanh “phạm vào
nơi chốn tội tình, tù lao” thế mà rồi vẫn ngờ ngợ để đến tận hôm nay trắng
mắt ra chưa?
“Ngày… giờ… đến… gặp ông… để làm việc…”, gã vừa đi vừa nhẩm đọc dòng chữ
tới thuộc lòng, rồi chợt nhớ điều gì đó, gã dừng sững, mắt sáng lên, mỉm
cười. Rõ thần hồn nát thần tính rồi nhé, trong giấy đã ghi rõ “để làm việc”, để
làm việc kia mà, có bắt bớ, tù tội gì đâu?
Gã vui vẻ đốt điếu thuốc, thong thả gõ gót vỉa hè để rồi chẳng
bao lâu ý nghĩ khác lại đâm nhói trong đầu. Phải rồi đấy chỉ là cách nói khéo
thôi, chứ ai lại ghi toẹt ra “để bắt giam” đánh động cho mình tẩu thoát?
Gã vứt toẹt mẩu thuốc đang làm đắng miệng, ngơ ngác nhìn quanh
và rồi thấy chẳng có ma nào để ý tới, gã tự cười mình và thầm nhủ: “thôi, không
nghĩ tới chuyện này nữa, cứ coi như không có nó, ít nhất tới giờ hẹn gặp ông
cảnh sát vào sáng mai”.
Thế rồi trong quán nước sau đó chừng một giờ, ngồi trước
tách cà phê thơm phức, gã lại nảy ra ý nghĩ: “Hay ta trốn đi?”. Phải đấy,
ngay sáng mai, mình sẽ lẻn thật sớm, nhưng đừng sớm quá lão gác dan sinh nghi,
mình sẽ nhảy xe buýt ngay đầu phố ra bến xe, sau đó mình sẽ đàng hoàng xếp hàng
lấy vé như mọi người khách.
Gã nhắp ngụm cà phê, thở ra hơi thuốc thơm, ngả người trên
ghế mây, khoan khoái nghĩ tiếp:
“Được đấy, rất có thể được, nghe nói bây giờ đi bất cứ đâu, nội
trong nước đều không cần giấy thông hành, tới quầy vé chỉ đưa tiền và thẻ căn
cước ra là OK…, xong rồi: “Cho tôi một vé đi…”.
Gã ngẩn ra, ừ nhỉ, mình sẽ lấy vé đi đâu cơ chứ? Về miền
quê xin chân cuốc thuê? Hay tới bãi tắm thành phố biển làm chân coi xe đạp?
Không được không được, ở đâu rồi cũng có cảnh sát, cũng có hộ khẩu, cũng có
chứng minh nhân dân , nhất là khi mình bỏ trốn, nhất định lão ta sẽ gửi lệnh
truy nã đi khắp nơi, không được, không được đâu…
Gã thì thầm và một giọt nước mắt bỗng rơi trúng giữa tách cà phê
làm gã phì cười. Không, mình sẽ không ra khỏi thành phố, tốt nhất trốn đến ở
nhờ cô gái có tên Tình, nàng sẽ che giấu và nuôi nấng, săn sóc mình như nàng
vẫn ao ước.
Quả thực sau đêm cuồng nhiệt nọ, dứt khỏi vòng tay nàng là việc
khó vô cùng khi nàng cứ khăng khăng đòi gã ở lại, chung sống với nàng như đôi
vợ chồng. Sau cùng, gã phải thề sẽ quay lại trong một ngày không xa và cấm nàng
không được đi theo tới nhà gã, nàng mới chịu dừng xe tại một con phố và đứng
nhìn theo cho tới khi gã đi khuất. Lúc đó gã tự nghĩ sao lại có thể sắt đá đến
thế, dứt khoát không ở lại với nàng thêm ngày nữa, mặc dầu chẳng có gì cấm
đoán, ràng buộc gã cả. Không phải gã ghê tởm cái nghề nhơ bẩn của nàng, cũng
không phải gã không có tình yêu với nàng. Không, trong quan hệ thân xác với phụ
nữ, tình yêu không phải là điều kiện bắt buộc, vào cái lúc ấy, gã thành thực
yêu say đắm bất kỳ người con gái nào đang mê mẩn trong vòng tay gã. Quả thực
lúc rẽ sang phố khác, ngoái lại vẫn thấy nàng đứng dắt xe, đăm đăm nhìn theo,
gã thấy nhói lên thương nàng. Lại những tối đứng đường, những đêm miễn cưỡng,
giả vờ rên rỉ dưới thân xác những gã đàn ông xa lạ… Cuộc sống ngoài vòng luật
pháp ấy chẳng chóng thì chầy sẽ dẫn nàng tới trại phục hồi nhân phẩm hoặc thân
tàn ma dại vì sự giày vò cho đáng đồng tiền của những gã đàn ông mua vui trên
thân thể đang còn tuyệt mỹ của nàng.
Tuy nhiên gã chẳng thể có một phép mầu nào giúp được nàng thoát
khỏi kiếp sống ô uế đó nếu như gã không chịu hy sinh chính gã bằng gắn bó với
nàng. Than ôi, điều đó ngoài khả năng của gã, mặc dầu chưa hình dung cuộc sống
vợ chồng với nàng sau này ra sao, nhưng gã biết gã không thể.
Thế nhưng bây giờ, trong hoàn cảnh muốn trốn tránh, ẩn náu, liệu
gã có thể tìm tới nàng để cả hai cùng dựa dẫm nhau, cùng tìm một lối thoát
chụng được không, cũng không được, gã thở dài và chẳng hiểu sao lại khẳng
định vậy mặc dầu trong đầu gã cứ đinh ninh thế. Vậy thì biết trốn vào đâu bây
giờ ? Và tại sao cứ khăng khăng phải đi trốn cơ chứ? Mình cứ đến gặp lão
cảnh sát đã sao? Lại hỏi vặn vẹo như lần trước và cùng lắm bắt giam lại chứ gì?
Gã rùng mình đưa mắt nhìn quanh, buổi chiều về đang làm đông nghẹt
dòng xe cộ và người trên phố, tiếng rao hàng, tiếng cười và la hét, tiếng còi
tàu hỏa chạy ngang đường chắn… rồi đây cái cảnh sống tự do ngoài đời
thường kia phải chăng gã chỉ được cảm nhận nó qua những hàng song sắt?
(còn tiếp)
--------------------
* nguồn: blog nhattuan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét