Trong các tác giả ca ngợi thơ Nguyễn Quang Thiều vượt qua sự
HAY - DỞ để đạt tới mức thơ vũ trụ, thơ thiên hà, các ông Nguyễn Quyến, Đặng
Thân, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đăng Điệp… đồng thời đã sáng tạo ra một hình thức bình
thơ mới ở Việt Nam: đó là lối bình thơ tấu hài, bình thơ cốt gây vui nhộn, cốt
chọc thiên hạ cười sái quai hàm há chẳng phải là một đóng góp cho một văn đàn
đang ngủ gà ngủ vịt thức dậy cười ré ru?
Đầu tiên, chúng tôi xin giời thiệu một thiên tài chọc cười
vui nhộn gấp tỉ lần anh chị Xuân Hinh, Minh Vượng là nhà văn trẻ Đặng Thân, núp
trong bài bình thơ Nguyễn Quang Thiều có tên: “NGƯỜI BUÔNG LƯỚI DỆT ÁNH SÁNG TỪ
HỐ THẲM” trên website http://tienve.org. http://tienve.org
Cần phải đọc câu kết thúc của Đặng Thân mới hiểu được phần
đầu rất “hậu hiện đại” của bài viết rất khôi hài này.Đoạn kết đó như sau:
http://tienve.org
“Khi Thánh Phê Rô còn đang mải mê quăng lưới đánh cá ngài đã
được gặp Đức Ki Tô. Đức Chúa đã bảo ngài thôi hãy theo ta rồi ta dạy cho cách
đánh lưới người. Sau này Thánh Phê Rô đã được trao chìa khóa “Golden
Gate ” của Nước Trời. Giờ đây người đánh lưới bằng ngôn từ ấy đang
gác cửa “tháp ngà” một đại tộc thơ, không biết người đã gặp Đức Ki Tô? Thi sỹ
đích thực – đó cũng ắt một Sứ Đồ”.
Hóa ra, Đặng Thân dùng Kinh Thánh để giải mã hiện tượng thơ
siêu bí ẩn Nguyễn Quang Thiều. Ông Đặng ví ông Thiều giống như thánh Phê Rô, đã
được Thượng Đế ban cho cái lưới thần để đánh mẻ lưới người Việt Nam
vào cái lưới thiêng là rọ thơ to hơn vũ trụ của ông Thiều. Ông Thân có ngầm ý
bảo Nguyễn Quang Thiều đã thay Nguyễn Du “gác cửa tháp ngà của đại tộc thơ”.
Thánh Phê Rô cầm chìa khóa vào Thiên Đường còn Nguyễn Quang Thiều cầm chìa khóa
vào đại tộc thơ Việt. Nghĩa là, lạy Chúa tôi, nếu chúng con không qua cửa thơ
Nguyễn Quang Thiều, dứt khoát không thể vào được toàn bộ nền thơ nước Việt.
Việc ông Đặng Thân vừa nhảy ra văn đàn chân ướt chân ráo đã lao lên sân khấu
tấu hài rằng Nguyễn Quang Thiều vĩ đại bằng mấy Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… vì
không thông qua ông trùm thơ Nguyễn Quang Thiều không thể vào được nước thơ
Việt đó sao? Xin kính chào thánh Phê Rô Nguyễn Quang Thiều giữ chìa khóa vào
nước thiên đường thi ca Việt Nam .
Đặng Thân viết như thế này không phải là vui nhộn lắm hay sao?
Đầu bài viết này, Đặng Thân sắm đúng vai tuồng trên sân khấu:
bước ra khệnh khạng trên đôi hia kỳ ảo một bước tới giời, đoạn hống hách xưng
như ta đây… Nhân vật xưng NHƯ TA ĐÂY ĐẶNG THÂN lấy mình để luận công án “lưới
học”… Rằng Thân tôi được mời đi thuyết trình một vấn đề bá cháy thiên hạ, trước
một đám đông ngang kiến, tôi chơi một chiếc áo lưới rất xiếc khiến người ta
nhìn tôi không thiện cảm, thậm chí có người còn chửi tôi dị hợm… Nhưng khi tôi
xuất chiêu thuyết trình, mới vài đường tuyệt chiêu hùng biện kinh người, khiến
đám đông ngây ngất mà vỗ tay tán thưởng tí ngất. Từ đó thiên hạ quên ngay cái
áo lưới của phường tuồng trước đó mà chỉ chú ý đến nhà đại hùng biện Đặng Thân.
Qua màn NHƯ TA ĐÂY, Đặng Thân muốn áp dụng cho siêu thi sĩ
Quang Thiều; rằng phải nhìn qua chiếc lưới dệt bằng ánh sáng từ hố thẳm mới
nhận biết được sự quá lớn của thơ Thiều; như đứa bé trong truyện Andexsen nhìn
qua TẤM ÁO BÀO CỦA HOÀNG ĐẾ dệt bằng ánh sáng mà muôn dân đang hò reo ca ngợi
là tuyệt trần… he he he he. Thơ ông giời Quang Thiều dệt bằng ánh sáng của
Andexsen chứ không phải của hố thẳm. Chỉ cần một chú bé nói thật chỉ vào hoàng
đế thi ca Quang Thiều nói nhỏ: tức cười chưa, hoàng đế thi ca cởi truồng chứ có
ai lại mặc bộ quần áo thi ca dệt bằng ánh sáng bao giờ…
Xin xem tiếp vở tuồng chọc cười của nhà hùng biện Đặng Thân
với những lời lẽ đao to búa lớn, với lối phúng dụ, phóng đại hết cỡ, sến (cải
lương hết cỡ), bốc phét tới mức ghê người, vô lối, vô bằng cứ, vô phép, hoàn
toàn thoát li văn bản, bốc Nguyễn Quang Thiều lên như một vị thánh sống, hoặc
hóa phép thần thông quảng đại kinh hơn Tôn Ngộ Không, như sau:
“Trong mắt tôi, thơ Nguyễn Quang Thiều như một tấm lưới vô
biên, không phải được dệt bằng sợi gai, sợi cước PA hay nylon sợi xe như người
ta thường gặp; nó được dệt bằng ánh sáng, thứ ánh sáng của “hố thẳm”. Và anh đã
tung chài khai mở:
[T]rong thế giới trong suốt, hay trong cõi hư vô làm ta có
thể chết vì khiếp sợ lại hiện lên một phong cảnh đầy đủ nhất. Phong cảnh ấy,
đối với tôi, nó là một cõi. Cái cõi ta vừa làm đầy nó vừa không chiếm lấy dù
chỉ là một điểm nhỏ nhất, mà chỉ có trí tưởng tượng kỳ diệu mới có thể lờ mờ
nhận ra [2]”.
Chắc Đặng Thân có con mắt thứ ba… rồi có con mắt thứ một tỷ
kiểu như mắt chiếu yêu của Bạch Cốt tinh mới nhìn thấy đại xu hào (đại thi hào)
Nguyễn Quang Thiều từ mấy tỉ năm trước đã vút lên một vầng sáng siêu tinh gồm
nửa tỉ mặt trời từ hố thẳm hư vô thông qua vụ nổ Big Bang mà sáng tạo ra càn
khôn vũ trụ thi ca tân con cóc hôm nay. Xin kính chào những hố thẳm văn chương,
những vầng sáng văn học thi ca được dệt bằng triệu triệu mặt trời tinh tú: Nguyễn
Quang Thiều - Đặng Thân… Các ngài còn kinh hơn cả Thượng Đế hóa phép khôn cùng…
Xin xem những lời thần chú rất ư tù mù của ông Thiều vừa
phát ra từ hố thẳm Big Bang do Đặng Thân dẫn; rằng cõi thơ Thiều còn bí ẩn hơn
cả cõi Thượng Đế”: chỉ có trí tưởng tượng kỳ diệu mới có thể lờ mờ nhận ra”.
Rằng thơ của người giời Nguyễn Quang Thiều chỉ có những người giời khác như
Đặng Thân, Hoàng Ngọc Tuấn, Hữu Thỉnh, Nguyễn Quyến, Nguyễn Đăng Điệp, Đỗ Quyên…
mới có thể lờ mờ nhận ra.
Thế thì xin thưa các người giời trên, xin thương lấy những
người trần chúng con cùng mà mỗi khi chúng con đọc thơ ông giời Nguyễn Quang
Thiều, xin các ông giời tấu hài phê bình theo chúng con vào giường ngủ hay
toilet để chỉ cho chúng con cách đọc thi thiên của giời tân con cóc… Amen.
Nhà hùng biện tù mù học, lưới học, hố thẳm học, ánh sáng học
Đặng Thân tiếp tục thọc lét người đọc bằng sự bốc phép mà quỷ Sa tăng cũng phải
gọi bằng cụ để bốc ông giời Thiều lên ba vạn chín nghìn thế giới thi ca tân con
cóc như sau:
“Hạng thiện trí thức đều yêu văn chương và tư tưởng. Nếu có
ai như đó hỏi hãy nêu hai nhà thơ Việt cần đọc nhất trong 100 năm qua chắc rằng
tôi, sau vài hồi cân nhắc cỡ trăm cái tên, sẽ bảo nên đọc Hàn Mặc Tử “vỗ cánh
bay chín từng trời cao ngất”, và Nguyễn Quang Thiều. Tử thì ném tư tưởng vào
vạc dầu cho thơ bốc hơi; Thiều thì lập kỷ lục Guinness thổi thơ ra thành thiên
hình những bong bóng tư tưởng muôn sắc, ví dụ 1 là câu trên. Với người phàm, cả
hai đều tôn thờ đường lối có định hướng “loạn thần kinh”, vì kẻ trước (đã chết
trong tủi hủi) thì đẻ ra trường thơ loạn, còn người sau (đang sống vinh) thì
làm loạn trường thơ. Cả hai đều đến từ và đi về “hố thẳm” (của những vô thức,
giấc mơ, tâm tưởng, ẩn ức, bi ám...), để đẩy ngôn ngữ con người thành tiếng kêu
trên đỉnh núi, khả dĩ làm “lạnh cả thái hư”.
Chao ôi là ngôn từ của những người cõi khác (cõi âm). Đặng
Thân phán như ma phán, như quỷ thần giảng sấm, như tiếng hú lạnh cả thái hư của
Không Lộ thiền sư trong bài thơ “Ngôn
hoài”: “Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư” của cõi hố thẳm, vực sâu, mộ địa,
thái hư, vô thức, giấc mơ, bị ám, ẩn ức, quỷ ám, ma hành… vô thiên lũng ma quỷ
và các thiên thần chim chích đi săn đầu các nhà tư tưởng khai hỏa bằng đại bác
thi ca tân con cóc… Viết như thế này, ngành tấu hài Việt Nam có khi phải đệ đơn
kiện Đặng Thân đã núp bóng phê bình thi ca mà cướp cơm chim của họ; khi đưa sự
tấu hài lên cõi thiên lôi mà nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân dù đã lên vũ trụ còn
phải gập đầu liên tù tì như con bổ củi vái ông trăm vạn mớ…
Thi hào Hàn Mạc Tử giờ này đang ngự dưới chân Mẹ Maria trên
thiên đường của người Ki tô giáo, chắc phải thót tim khi nghe Đặng Thân bôi nhọ
ông là loạn thần kinh, tố cáo ông phạm tội kiêu ngạo, phạm tội ngông cuồng,
phạm tội du côn như sau: “Tử thì ném tư tưởng của mình vào vạc dầu cho thơ bốc
hơi”.
Xin ông Đặng Thân hãy thương lấy linh hồn Hàn thi nhân vốn
yếu đuối “run như run thần tử thầy long nhan” mà viết lời đính chính, như ông
đính chính việc mình lầm thánh Phê Rô ra thánh Phao Lồ, rằng “Đặng Thân con ở
cõi mê có nói bậy về Hàn Mặc Tử, xin Chúa tha cho Hàn mà không ném nhà thơ đàn
em của ông Thiều này xuống vạc dầu địa ngục vì hành vi ngông cuồng, kiêu ngạo
mà con đã vu vạ cho nhà thơ tỉnh táo vô cùng trong niềm tin Thiên Chúa ba ngôi”.
Cũng xin ông Đặng Thân đính chính lại về việc ông cho ông
giời thơ là Nguyễn Quang Thiều vừa đạt được kỷ lục Guinness về thiên tài thổi
bong bóng, dù là bong bóng tư tưởng đi chăng nữa; vì nếu bài viết của người cõi
trên này được hai nhà lý thuyết hậu hiện đại là các ông Hoàng Ngọc Tuấn và ông
Nguyễn Hưng Quốc dịch ra Anh ngữ, thì nhất định nhà vô địch thế giới về thổi bong
bóng là Sam Sam Bubbleman (còn có tên khác là Sam Health, kỷ lục Guinness thổi
một quả bóng khổng lồ lên trời chứa 56 quả bóng con con bên trong) có thể sẽ
kiện ông giời thơ Quang Thiều và ông Đặng Thân ra tòa bắt bồi thường nhiều
triệu đô la; vì hốt nhiên lừa dối thế giới cướp kỷ lục thổi bong bóng của họ có
phải nguy không? Chúng tôi xin can ông Đặng Thân đừng có mà đùa với luật pháp
quốc tế; như ông đang đùa dai với dân tộc Việt Nam về chuyện Thánh Phê Rô thơ
Quang Thiều đang trùm tấm áo choàng hoàng đế bằng ánh sáng thi ca lên đầu
Nguyễn Trãi, Nguyễn Du vậy…
Nói ba láp ba xàm vung xích chó mãi về ông hố thẳm thơ, ông
ánh sáng thơ, ông thổi bong bóng thơ,
ông canh giữ nền thơ Việt, ông đánh lưới thơ, ông Tôn Ngộ Không thơ, ông thiên
lôi thơ Quang Thiều, cuối cùng ông thầy bói mù xem voi Đặng Thân đã phải trưng
ra cái tuyệt chiêu thơ rất cụ thể bằng mấy câu bùa chú rất tân con cóc, nôm na
mách qué, nhưng sáo rỗng, đao to búa lớn dễ dãi nhạt nhẽo của người cõi trên
thơ như sau:
“Chàng trai trẻ mãi Nguyễn Quang Thiều mang trong mình sức
mạnh của cả dòng sông Đáy xưa bên chốn quê nhà mà tung lưới. Bản thân những vẩy
cá bám trên người đã lấp lánh như những huân chương [3]. Nào hãy cùng anh về
với cội rễ ngày xưa, khi chàng trai bỗng thấy:
Ngẩng mặt một vầng mây
đỏ
Nổ vang tiếng sấm lưng
trời
Cúi đầu một miền cỏ
trắng
Nở xòe tám hướng bốn
phương.
mà ghi lại trong bài “Lễ tạ”.
Điềm trời rạng rỡ! Xuất bước trường chinh là hành lễ; “lễ”
là gốc con người anh. Cái gốc hiếu kính “ngẩng mặt” đó ngay lập tức đem đến
danh vọng, tiếng tăm vang dội của một danh sỹ phương Nam “cộng sản nòi” (“mây
đỏ” / tượng quẻ Ly), để rồi khiến hầu khắp phương Tây (“cỏ trắng” / tượng quẻ
Đoài) phải “cúi đầu” quý phục, rồi sau đó là “tám hướng bốn phương” phải “nhiệt
liệt chào mừng”. Quả là một hổ tướng bất hư truyền! Nhớ câu “mỹ nhân tự cổ như
danh tướng” của người xưa mà, vận vào cho anh rằng: “danh tướng bạch đầu hứa mỹ
nhân”.
Chao ôi là những lời bình kinh hãi: ông Thiều giời con thơ
vốn nòi cộng sản, NGẨNG MẶT lên một phát là danh vọng nổ vang trời như sấm,
khiến cả thế giới phương tây CÚI ĐẦU bái phục thơ ông. Dựa vào mấy câu đao to
búa lớn dễ dãi như thế mà bốc nhau lên thành Thái thượng lão quân thơ Quang
Thiều như thế, quả là người bốc thơm này đã mất dây thần kinh xấu hổ, than ôi!
Xin chép lại hai câu nền tảng trong bốn câu thần chú trên
của ông giời thơ Quang Thiều do ông thầy bói mù sờ voi thơ Đặng Thân vừa trích
xem ông đại xu hào kia ĂN CẮP CỦA NHÀ THƠ NÀO:
“NGẨNG MẶT một vầng mây đỏ
….
CÚI ĐẦU một miền cỏ trắng”.
Ý thơ này ông Thiều thó từ hai câu thơ của Lý Bạch, trong
bài thơ nổi tiếng nhất của vị thánh thi đời Đường “Tĩnh dạ tứ”: “Cử đầu vọng
minh nguyệt/ Đê đầu tư cố hương”; Tương Như dịch rất hay như sau: “NGẨNG ĐẦU
nhìn trăng sáng/ CÚI ĐẦU nhớ cố hương”…
Có thể ông Thiều còn thó bao nhiêu ý thơ của các nhá thơ Mỹ
La tinh và các nhà thơ Mỹ khác, ai người kiểm chứng vạch sâu tìm lá đây?
Hãy nghe nhà tấu hài Đặng Thân chọc cười rất vô duyên khi
bói ra từ mấy chữ tầm thường, dễ dãi được gọi là thơ của ông Thiều, rồi bốc lên
vô cớ, hoàn toàn phi văn bản, một sự tán phét không hề biết ngượng, như sau:
“Trong tiếng kèn “xung phong” của bài “Lễ tạ” cũng có những
điềm thật day dứt, đó là khổ thơ đầu:
Con đường
Con đường
Con đường
Dắt ta về hồ nước cũ
Và khổ cuối:
Ra đi từ hồ nước cũ
Con đường
Con đường
Con đường
Chà chà... cái “hồ nước cũ”! Bài thơ này ắt hẳn đến với nhà
thơ từ trong vô thức, vì chàng trai trẻ chưa hề đi mà sao đã mở đầu với việc
“đi về” rồi sau đó mới nhớ về cái lúc “ra đi”. Có thể nói, Nguyễn Quang Thiều
làm thơ như bị “giời xui”.
Chà chà cái... “hồ nước cũ”!!
Đó ắt chăng nạn thủ cựu? Đó phải niềm dục tống cựu nghinh
tân, cho anh dấn thân trong sự nghiệp cách tân, đổi mới? Đó cũng là truyền
thống sâu bền, nơi phát sinh mọi ngả đường hướng tới, có những con đường “đi”
thì vòng vèo mà “về” thì thẳng tắp? Vẫn là vần luật đấy mà phá cách đấy; vẫn
đời đấy mà điềm đấy; như cửa ngõ huyệt đạo cho mọi sinh tử thăng giáng hư thực
vào ra...
Đó chăng là chính nơi anh sợ hãi: thâm hiểm, hôi thối, cố
hương, bần cố, tù đọng, dập tắt, trì trụ... mà không thể nào dứt bỏ; nhưng cũng
chính là nơi anh xuất phát; và, anh đã vượt qua sợ hãi: ngọn lửa nơi anh đã
dũng cảm đương đầu đốt hồ nước ấy mà không hề kinh nó sẽ dập tắt mình, đun sôi
nó lên cho nó được thăng hoa?
Đó ắt là “hố thẳm”... Vì thế, là nơi anh đã ra đi, đã từ bỏ,
đã dứt níu... để rồi lại hiển hiện trở về sau khi đã “uống rượu cùng người dưới
ba tấc đất” và “hầu chuyện cùng đấng trên bảy tầng trời” [10]. Cõi tâm linh u
minh đầy niềm riêng ấy làm sao có ai vào được. Thi nhân ém mình trong hố thẳm,
tối tăm, tối tăm lắm, tối tăm không chịu nổi... và trong cõi uyên mặc của huyền
tẫn dần dần hiện ra những sợi tơ, những sợi tơ từ lung mung bỗng hóa lung linh
trong cảm thức kỳ bí, bủa lưới hồn, khiến hồn thi đầy hưng phấn trong thiên la
địa võng ánh sáng ngũ sắc rồi bùng nổ như chùm chùm pháo hoa. Hố thẳm đã ban
cho tấm lưới vô song, nay vào tay người được hưởng phúc”.
Qủa tình, đọc những lời tán dương phi văn bản mấy chữ dông
dài kia của Quang Thiều, người đọc hẳn đều ngượng chín mặt như khi xem một cuốn
phim dở vô cùng tận.
Chúng tôi xin mượn cách bình thơ phi văn bản rất tấu hài của
ông Đặng Thân để bình bài thơ dưới đây của thi sĩ Huyền Kiêu, so với mấy chữ
phi thơ trên của ông Thiều do Đặng Thân trích còn hay chán:
Vịnh thành Huế
Ơ hay thành Huế vẫn
đang còn
Trải mấy nắng mưa
chẳng xói mòn
Bò bún Đông Ba chan
nóng hổi
Phải nhiều tương ớt
mới thơm ngon...
Huyền Kiêu
Bài thơ tuyệt vời này bắt đầu từ cảm giác vũ trụ: Ơ HAY… Con
người từ loài khỉ bước ra chợt kêu Ơ hay. Khi Thượng đế nặn ra con người từ đất
ngạc nhiên quá cũng kêu ơ hay… Ơ hay chính là ngôn ngữ của hố thẳm, của hư vô,
của cõi ta bà… Ơ hay, do đó đã đưa bài thơ của Huyền Kiêu lên tầm thế giới mà
Nguyễn Quang Thiều còn một tỉ năm cũng chưa đạt tới. Bài thơ này còn lớn hơn
nữa khi tác giả dùng một đảo ngữ làm kinh thiên động địa, làm thay đổi toàn bộ
cấu trúc AND của ngôn ngữ Việt: BÒ BÚN… Kẻ tài mọn thì chỉ biết dùng từ sáo mòn
RẤT ĐÁNG CHÊ LÀ BÚN BÒ, bậc thiên tài mới phát hiện ra cách đảo ngữ làm càn
khôn còn nức nở: BÒ BÚN. Ôi hạng Lý, Đỗ cũng tủi trước thiên tài Huyền Kiêu -
người của hội chứng HỐ THẲM… Chỉ có Hố thẳm mới sinh ra tiếng sét BÒ BÚN mà
thôi. Ô hô hô hô… bậc giời thơ còn cho chúng ta một bất ngờ mà vô biên cũng sững
sờ kinh ngạc? Sao thơ ca từ xưa đến giờ ngu đến mức chưa ai phát hiện ra TƯƠNG
ỚT ư? Ha ha ha ta ta khoái chí vỗ đùi đánh đét, lại vỗ nhầm vào núi Thái sơn mà
ca rằng: tương ớt tương ớt, Kinh Thi đã quên mày, Khuất Nguyên đã quên mày, bọn
Lý Đỗ cũng quên mày, mày làm Thánh Thán và Đặng Thân đều khoái chí mà ca rằng
tương ớt tương ớt linh hồn của hố thẳm, chính mày đã dệt nên ánh sáng của vua
thơ Quang Thiều he he he he…
Nhân hứng chí lối bình thơ tấu hài của Đặng Thân bình thơ
Quang Thiều, Trần Mạnh Hảo xin mượn bút pháp Đặng Thân bình tiếp bài thơ NÚI
VOI của thi sĩ Bút Tre:
NÚI VOI
Núi voi trông thật
giống con voi
Đủ cả đầu đuôi đủ cả
vòi
Voi cũng như người
hăng sản xuất
Đầu thì trồng sắn đít
trồng khoai
Ha ha ha một bài thơ vượt qua mọi ngưỡng thi ca, vượt qua
hậu hiện đại đến mấy thế kỷ. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, từ ĐÍT được
tôn vinh lên chín tầng trời. Đít đây không chỉ là đít con người - nơi để ngồi
và để ném bom ngã quỷ. Đít đây là đít triết học, đít minh triết, đít tôn giáo,
đít thiền, đít Tôn Ngộ Không có nhúm lông thần linh 72 cái, nhổ một lông đít
lên, thổi cái phù một phát là xuất hiện một phép thần thông quảng đại; chẳng
hạn nhổ một lông đít, thổi phù gọi cho ra một triệu bài thơ hậu hiện đại kiểu
nào cũng có một lô một lốc thi ca tuyệt đỉnh… Đít đây là một phạm trù đít, một
nguyên tắc đít, một motif đít, một thi pháp đít… Tóm lại, thi sĩ Bút Tre bằng
bài thơ này đã trở thành nhà đít học số một thế giới. Đít ấy chính là lối vào
hố thẳm của ánh sáng dệt nên thi ca tuyệt đỉnh NÚI VOI…
Cứ đà phê bình tấu hài theo phương pháp Đặng Thân có thể
viết cuốn sách nghìn trang bình bài thơ này: một cách bình thơ ngoài văn bản,
bình thơ tùy tiện và nhảm nhí vượt qua mọi sự nhảm nhí trên đời…
Đại Ngu Quốc ngày 13-7-2012
---------------------
* nguồn: internet
---------------------
* nguồn: internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét