Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

cung tiến & phạm đình chương cùng phổ lệ đá xanh


Những Câu Chuyện Bên Lề được viết dưới đây kể lại chuyện về một bài Thơ (Lệ Đá Xanh) của Thanh Tâm Tuyền, được 2 nhạc sĩ tài danh Cung Tiến  Phạm Đình Chương cùng phổ thành (nhạc) Lệ Đá Xanh và Nửa Hồn Thương Đau, một trùng hợp không chủ đích cùng thời điểm vào một đêm mưa tầm tả ở Sài Gòn.


Trong giây phút xuất thần, người Nghệ sĩ đã nắm bắt được những sợi tơ từ Trời, như Nguyễn Du với "màu quan san":
"Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san...".
hay Trương Kế trong Phong Kiều Dạ Bạc, nơi Hàn San tự ở ngoại thành Cô Tô, với "đối sầu miên" và "dạ bán chung thanh đáo khách thuyền", tức cảnh chợt sinh tình, mà nên những kiệt tác.

1. Lê Tấn Lộc kể:

Đêm ấy mưa tối trời, mưa dầm dề, mưa thúi đất, mưa ngập đường sá, mưa xối xả trên thành phố Sài Gòn khi vũ trường đã tàn cuộc vui cho quên ngày tháng nghiệt ngã, khi hoa đăng đã tắt với giọng hát “vượt không gian và thời gian” cùng lúc với Đêm Màu Hồng vụt tối đen, ẩn hiện dật dờ qua hằng hà sấm chớp lập lòe cuồng nộ…


Hai người đàn ông choàng vai nhau khệnh khạng đi dưới cơn mưa tầm tã, ướt đẫm, vừa bước đi vừa chuyền tay nhau kề miệng tu chai Courvoisier. Người gầy guộc, cao nghệu có vẻ còn đi đứng vững vàng, cố lôi anh bạn thấp bé của mình đã quá “xiêu vẹo” băng qua quãng đường lầy lội, hướng về chiếc Ford Cortina. Tôi ngồi sau tay lái… chờ đã khá lâu. Nửa giờ trước đó, nhìn hai bạn tôi quá chén lạc hoan, tôi lặng lẽ rời bàn rượu khi bài ca cuối chuẩn bị kết thúc đêm vũ trường vừa bắt đầu, ra lấy xe đến đón họ cho an toàn: chúng tôi hẹn đến nhà anh bạn nhạc sĩ tiếp tục cuộc vui. Trên đường đi, hai bạn tôi vẫn tiếp tục tu rượu không ngưng nghỉ. Bỗng nhiên, anh bạn thấp bé bá cổ anh bạn cao nghệu líu lưỡi thì thầm:

"Mưa cuối mùa mùa mưa cuối cuối mùa mưa mưa cưới mùa mùa cưới mưa
nói làm sao đây hỡi chương khi giọt rượu đã ngủ gục trên môi khi ánh sáng không còn là ánh sáng khi tiếng ca không còn là tiếng ca đêm đêm nhìn mặt micro nhổ ra từng mảng phổi
khi đó người con gái lui vào bóng tối ném nụ cười cùng mồ hôi xuống sàn gỗ “tu gagneras ton pain à la sueur de ton front” tiếng vỗ tay đì đẹt đừng ngó nữa nghe chương chúng ta chỉ còn lại chiếc lưỡi tê cứng này với cơn mươi cưới mùa xin lỗi mua cuối mười cươi múa mùa mưa muối cười xin lỗi xin lỗi

mưa cuối mùa mưa cưới mùa
đêm đó băng qua hẻm khuya dầm mưa về

gian nhà tối anh chợt nghĩ nếu tình yêu
không có trong cuộc đời này thì khốn nạn
biết mấy

đêm đêm anh chỉ còn là con hình nộm nổi trôi từ căn nhà đến bục hát từ bục hát đến căn nhà anh thảng thốt mỗi cột đèn mỗi bức vách mỗi cánh cửa mỗi ổ khóa là tiếng nguyền rủa không nguôi

vào một buổi trưa nắng nứt rạn anh nằm một mình thoáng nghe nụ cười suối mát chảy ngoài ngõ anh chợt nhớ bàn tay bàn tay nào bối rối đôi mắt nào thơm ngoan những hồi hộp bé con những lời không dám nói hơi thở không dám gần bấn loạn không dám đưa
anh biết rằng tuổi trẻ mình tự bao giờ đã hết
Chương ơi thôi đã hết...".

Bài thơ Mưa cuối mùa, do Kiệt Tấn cảm hứng ứng khẩu tặng Phạm Đình Chương -danh ca Hoài Bắc trong Ban Hợp Ca Thăng Long trước đây- ra đời như thế đấy. Bài thơ sau đó xuất hiện trên tập thơ đầu tay của Kiệt Tấn, Điệp khúc Tình Yêu và Trái Phá do Sáng Tạo (với sự trợ giúp tận tình của nhà văn Doãn Quốc Sĩ) xuất bản tại Sài Gòn, năm 1966. Và mới đây, mùa hè năm 2008, nhà văn Trần Hoài Thư (trong Thư Ấn Quán Hoa Kỳ) đã bỏ nhiều công sức đánh máy lại, giúp tái bản...

Anh bạn nhạc sĩ, dù đã chếnh choáng hơi men vẫn cố gắng tiếp tôi dìu đỡ hai ông bạn đã say khướt vào an tọa nơi phòng khách. Gia chủ ngồi vào dương cầm dạo vài khúc nhạc tạo không khí “văn nghệ”. Hai chàng “ẩm sĩ” gục đầu vào nhau ngủ… ngồi! Chỉ mình tôi còn khả năng trò chuyện với anh chàng nhạc sĩ. Bạn tôi cho biết vừa phổ nhạc xong bài thơ Lệ đá xanh của Thanh Tâm Tuyền, cũng là chỗ quen biết với nhau cả. Riêng tôi, dù cùng khóa 14 SVSQTB/Thủ Đức, tôi ít có dịp gặp Thanh Tâm Tuyền, mà có gặp cũng ít khi trò chuyện. Vả lại lần đầu chạm mặt với anh cũng không được vui vẻ lắm. Lần đó, tôi hơi to tiếng với anh vì một lời nói có vẻ “kẻ cả” của anh trong tiệc rượu mừng tập thơ Điệp Khúc Tình Yêu và Trái Phá đã được trình làng, tại nhà Kiệt Tấn, đường Bạch Đằng (Gia Định), qui tụ vài văn, thân hữu, trong số có Cung Tiến -người đang ngồi dạo dương cầm trước mặt tôi đây. Vài hôm sau, TTT tâm sự với Cung Tiến (mà trước đó tôi chưa biết cũng là cây viết mang bút hiệu Thạch Chương, trong nhóm Sáng Tạo) rằng anh rất tiếc đã lỡ lời trong lúc “rượu vào lời ra”, làm buổi họp mặt thân mật hôm ấy mất vui. Mãi sau nầy, có dịp trao đổi vài câu chuyện tôi mới bắt đầu có cảm tình và quí trọng nhà thơ lúc nào đôi mắt cũng ươn ướt. Và càng mến mộ anh hơn vì, cũng như tôi, anh chọn đơn vị tác chiến khi ra trường để thực sự đối mặt với cuộc chiến, chia sẻ khổ nhọc, hiểm nguy cùng binh sĩ trên trận tuyến hơn là ấm a ấm ớ như đám trí thức “dỏm” tự cho “đứng trên mọi lập trường”, ầm ĩ lên giọng phê phán, chỉ trích những người trong cuộc đang đổ máu trên chiến trường, để rồi phách lối hiu hiu tự đắc coi mình như người ngoài cuộc!


Cung Tiến dạo nhạc đưa giọng, khe khẽ hát: “Tôi biết những người khóc lẻ loi...”. Rồi ngưng hát, vừa tiếp tục đàn bản nhạc anh đã phổ thơ, vừa đọc tiếp bài thơ Lệ đá xanh của Thanh Tâm Tuyền:

"Tôi biết những người khóc lẻ loi
không nguôi một phút
những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình
em biết không
lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi

đôi khi anh muốn tin
ngoài đời chỉ còn trời sao là đáng kể
mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em
đến ngày cuối
đôi khi anh muốn tin
ngoài đời thơm phức những trái cây của thượng đế
mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em
nguồn sữa mật khởi đầu

đôi khi anh muốn tin
ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em
vòng ân ái
đôi khi anh muốn tin
ôi những người khóc lẻ loi một mình
đau đớn lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi...".

Hai ẩm sĩ choàng tỉnh, chăm chú lắng nghe… Cung Tiến rời dương cầm, rót rượu mời bạn.
Ly rượu trên tay, Phạm Đình Chương thong thả bước tới ngồi vào piano dạo nhạc mở đầu… cất tiếng hát buồn bã:

"Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa…
Cho tôi về đường cũ nên thơ…
Cho tôi gặp người xưa ước mơ…
(…)
Giọng hát trở nên vô cùng tha thiết, đến đoạn điệp khúc:

"Đôi khi anh muốn tin
Đôi khi anh muốn tin
Ôi những người
Ôi những người
Khóc lẻ loi một mình
Khóc… lẻ loi… một… mình……….".

Phạm Đình Chương ngồi bất động trước dương cầm. Chúng tôi bồi hồi xúc động… Sáng tác Nửa hồn hương đau của PĐC chào đời như thế đấy, muộn màng về sáng, sau một đêm mưa ồ ạt, dai dẳng…
Mưa mãi mưa hoài mưa chẳng dứt
Đêm dài đằng đẵng đêm bao la…
Đột nhiên, Cung Tiến, đứng phắt lên phá tan sự im lặng trầm ngâm của anh em, chỉ tay về hướng PĐC gắt gỏng:
- Toa biết cái “đếch” gì về mélodie…!
Kiệt Tấn và tôi đứng tim! PĐC không phản ứng, nâng ly chào bóng mình in trên tường, chậm rãi uống nốt những giọt rượu còn lại, lặng lẽ rời chiếc dương cầm…
Bỗng nhiên Cung Tiến bước nhanh tới choàng ôm Phạm Đình Chương:
- Moa xin lỗi toa, Chương! Moa nói bậy hết sức. Mọi người cũng như toa đều biết moa rất quí toa và ngưỡng mộ tài năng sáng tác nhạc của PĐC mà!
Chúng tôi cũng như PĐC, tuy không nói ra, nhưng ngầm hiểu CT “lỡ lời” (lỡ lời “kẻ cả” như TTT tại nhà KT chăng?).
Có điều Kiệt Tấn và tôi rất rõ mà không muốn nói ra là… Có lẽ chỉ vì PĐC đã phổ một đoạn thơ TTT! Một trùng hợp không chủ đích: Cung Tiến và Phạm Đình Chương phổ thơ Thanh Tâm Tuyền cùng thời điểm một đêm mưa trên đường phố Sàigòn ngập nước!


Tuy nhiên, chúng tôi cũng lấy làm ngạc nhiên thấy CT “hạ mình” xin lỗi PĐC (chuyện hầu như chưa bao giờ xảy ra với CT!). Cũng như không mấy khi TTT “hạ mình” ngỏ ý “tiếc” đã lỡ lời… với KT trước đây!
- Các toa ngồi yên đấy nhá, Cung Tiến vỗ vai Phạm Đình Chương nói. Moa lên lầu lấy chai Johnny Walker, Black Label, 15 Years Old…
Chưa đầy 5 phút đã thấy CT khệ nệ cặp nách chai quý tửu từ trên cầu thang tuôn nhanh xuống. Không may, chàng vấp chân ngã nhào, lăn đùng trên sàn gạch, tay vẫn ghì chặt chai rượu quí, “lấy thân che của”! Chàng loạng choạng nhổm dậy, sờ tay vào hàm răng rướm máu, tay trái lấy ra một mảnh răng, tay phải giơ cao chai quí tửu, cười xòa:
- May mà không bể chai Johnny Walker! Chà! Mẻ chiếc răng cửa thế này còn làm sao thổi kèn haut-bois được nữa đây!

***
Những năm về sau, từ Tết Mậu Thân trở đi, gần như tôi ít có cơ hội gặp lại PĐC vì không lần nào nữa tôi trở lại Đêm Màu Hồng, từ dạo ngài phó-tông-tông-phi-công-râu- kẽm-nặng-mùi-biểu-diễn-đồ-bay-khăn-tím-choàng-cổ được lũ khỉ đột cận vệ (gorille) bao kín giữ an ninh cho chàng leo lên bục trình diễn độc chiếm micro thao thao “sướng” hát! Tiếc thay, ngày PĐC từ giã cõi đời tại Cali, năm 1991, tôi không đến được để tiễn đưa anh về cõi an nghĩ đời đời…

Với CT, tôi chỉ tình cờ chạm mặt một lần tại Pointe-des-Blagueurs (nhà hàng Ngân Đình), năm 1973, khi KT và tôi ngồi đối ẩm nói chuyện trời trăng mây nước cho qua ngày tháng. Chúng tôi nhận thấy CT thay đổi hơi nhiều, từ ngày chàng ta “làm lớn” ở Bộ Kế Hoạch. Bạn tôi hầu như không còn chút hoài niệm nào về thời điểm rất nguy khổn cho chàng sau khi chàng “ra trường” Bộ Binh Thủ Đức trước khi mãn khóa, khiến tôi đã phải “liều mình” giải cứu chàng ra khỏi Trung Tâm 3 Tuyển mộ Nhập ngũ, nơi chàng nằm chờ ngày bị tống đi Quân khu II! Ra hải ngọai, tôi cũng chẳng có dịp gặp lại chàng, ngoại trừ vài lần nói điện thoại viễn liên. Dẫu sao bạn tôi vẫn còn nhớ đến tôi, gửi cho tôi ít tiền khi tôi vừa đặt chân lên Xứ Tuyết. Lần liên lạc gần nhất, năm 1991, là lúc tôi cộng tác với một nguyệt san ở Toronto, chàng trả lời thư tôi: “… khám phá những hàng chữ ấy, tình cảm luôn luôn đậm đà, thắm thiết của Lộc philosophe, Lộc sentimental và Lộc transparent…”. Sau đó chỉ còn KT thỉnh thoảng liên lạc và sang Minesota chơi với chàng.

Với TTT, dù có một thời gian phục vụ cùng ngành trong quân đội tại Sài Gòn, chúng tôi không có duyên gặp nhau trong công việc. Mãi đến cuối tháng 3 năm 1975, lúc tình hình quân sự và chính trị miền Nam vô cùng rối rắm, tôi mới gặp lại anh trong văn phòng trường tư thục Phục Hưng, nơi anh và tôi cùng cộng tác… Lúc bấy giờ thủ đô nhốn nháo với các tin đồn về một vài thành phố lớn ở miền Trung thất thủ hoặc bỏ ngõ. Tôi bán tín bán nghi, nhưng thấy TTT nhìn trần nhà nhả khói thuốc, rồi buồn bã cúi đầu, tôi biết ngay Đà Nẵng đã thực sự mất! Rồi… “di tản”, rồi “cải tạo”, rồi “vượt biên”, v. v… Bặt tăm nhau luôn từ đó.
Cho đến khi tôi được Kiệt Tấn báo Cung Tiến và nhóm thân hữu cầm bút đã đứng ra bảo lãnh cho TTT sang tiểu bang Minesota, năm 1991, nơi mà sau đó hai nhà thơ Cung Trầm Tưởng và Tô Thùy Yên cũng được nhóm Cung Tiến bảo trợ đến định cư. Liên lạc được với TTT, quả thật tôi rất đỗi vui mừng: ít ra, cũng như tôi và một số hiếm hoi chiến hữu bị đày đọa chí cốt trong các trại tập trung do Bắc Bộ Phủ chủ xướng, TTT vẫn sống còn…
TTT gửi tặng tôi tập thơ lục bát anh đã sáng tác trong tù, kèm những giòng chữ rất thân thương mà đến nay tôi vẫn còn trân quí: «…Quả là bất ngờ. Cảm ơn tấm lòng vẫn nhớ đến nhau… Năm 82 về đến Sài Gòn, được biết anh đã vượt thoát những mừng cho anh. Sang đến bên này hỏi thăm Cung Tiến, nghe anh sau chuyến vượt biển đã trở thành “nhà tu hành” lại cũng mừng cho anh (…), biết anh mặc dầu long đong lận đận nơi Xứ Tuyết mà hồn vẫn còn “thơ thẩn” thong dong ngoài cuộc mưu sinh, lại cũng mừng cho anh nữa...».

Tôi là người nhận được hung tin trễ nhất Thanh Tâm Tuyền trở về với cát bụi. Có lẽ tôi không nằm trong danh sách những cây bút đã “thành danh” chói rạng cần được ưu tiên thông tin… Đọc tin trên internet, tôi vội vã báo tin cho KT. Hình như sau đó Nguyễn Xuân Hoàng có làm một số VĂN đặc biệt về TTT. Tôi tự thấy không có kỷ niệm nào đáng kể về “tình văn” với TTT nên không viết bài gửi cho NXH, dù Hoàng là chỗ rất thân thiết với KT và tôi. Và tôi cũng không thể đến kịp lúc để nhìn lần cuối đôi mắt ươn ướt ân tình của nhà thơ một thời khai phá cõi thơ tự do, trước khi chúng vĩnh viễn khép kín từ biệt thân bằng quyến thuộc, rong chơi cõi vĩnh hằng…

"Chương ơi thôi đã hết
ôi những người khóc lẻ loi một mình
đau đớn lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi…".

(Lê Tấn Lộc, Thôn trang Rêu-Phong, Xứ Tuyết, vào Xuân…)

2. Nguyễn Việt kể:

Thanh Tâm Tuyền (1936-2006) vừa là một nhà thơ cũng là một nhà văn nổi tiếng ở miền Nam trước 30/4/75. Ông tên thật Dzư Văn Tâm, sinh ngày 13/3/1936 tại Vinh, Nghệ An và mất ngày 22/3/2006 tại Minnesota, Hoa Kỳ do bệnh ung thư phổi. Hưởng thọ 70 năm cộng với 10 ngày tròn trĩnh.

Theo tiểu sử thì nhà thơ nhà văn Thanh Tâm Tuyền vào Nam khi còn rất trẻ. Vào đất Sài Gòn năm 1954 ông đã chủ trương nguyệt san Lửa Việt. Sau đó, cùng nhà văn Mai Thảo (1927–1998) thành lập tạp chí Sáng Tạo năm 1957, lúc đó gồm Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Nguyên Sa, Vũ Khắc Khoan, Tô Thùy Yên, Doãn Quốc Sỹ, Quách Thoại, Lý Hoàng Phong, Lữ Hồ, Trần Thanh Hiệp, Thanh Nam... cùng các họa sĩ Thái Tuấn, Ngọc Dũng, Tạ Tỵ, Duy Thanh. Năm 1960, tạp chí Sáng Tạo ra bộ mới, có thêm Cung Trầm Tưởng, Thạch Chương, Dương Nghiễm Mậu...

Tuy tạp chí Sáng Tạo chỉ xuất bản không định kỳ có mấy chục số, nhưng đã đưa đến những đổi thay cho sinh hoạt văn học ở miền Nam thời đó. Trong đó thể loại thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền đã để lại cho lớp văn nghệ trẻ nhiều ảnh hưởng sâu sắc. Năm 1962, Thanh Tâm Tuyền nhập ngũ, nên nhóm Sáng Tạo từ từ tan rã mỗi người đi tìm một báo, một tờ tạp chí riêng để cộng tác kiếm sống. Đến đầu thập niên 1970 đã tụ hợp lại trên tờ tuần san văn nghệ Nghệ Thuật của Mai Thảo, hay nhóm bán nguyệt san Văn.

Theo Bùi Bảo Trúc viết về Thanh Tâm Tuyền có những đoạn:

- "Thanh Tâm Tuyền bị hiểu lầm suốt đời và không được đối xử xứng đáng trong khi ông còn sống. Nguyễn Ngọc Bích trong cuốn A Thousand Years Of Vietnamese Poetry (tạm dịch "1000 năm thi ca Việt Nam") không chọn một bài thơ nào của Thanh Tâm Tuyền để dịch và giới thiệu. Võ Phiến trong "Văn Học Miền Nam / Thơ", chỉ cho Thanh Tâm Tuyền 1/3 trang và chọn của ông chỉ một bài thơ trong khi ngay cạnh đó, Tô Thùy Yên được dành cho hơn ba chục trang, mặc dù trong cuốn Văn Học Miền Nam Tổng Quan, Võ Phiến có nhắc đến tên Thanh Tâm Tuyền đến 21 lần.

"Con đường ông đi, không đúng như tên tập thơ của ông, tập "Tôi Không Còn Cô Độc" được xuất bản năm 1955, đã có nhiều người đi theo bằng những bài thơ không vần, loại thơ ông đi những bước đầu tiên khai phá, nhưng ông vẫn là người cô độc cho đến lúc chết".

Cho nên khi Nguyễn Hưng Quốc viết về Thanh Tâm Tuyền, cố giải thích cho rằng người đọc phải động não khôi phục lại mối quan hệ kín đáo giữa các câu thơ (và cả những chữ trong bài thơ) bằng nhưng liên từ và giới từ mà Thanh Tâm Tuyền cố tình bỏ đi, thì mới hiểu hết ý thơ. Thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền có âm nhạc, nhưng không có vần. Cũng có thể nói là có vần nhưng vần bị giấu đi:

... Em gối đầu sương xuống
Chuyện trò bằng bóng mình
Tôi đẹp như hình tôi
Như cuộc đời, như mọi người...

Còn Bùi Vĩnh Phúc viết: "hai tập thơ "Tôi Không Còn Cô Độc" và "Liên, Đêm, Mặt Trời Tìm Thấy" của Thanh Tâm Tuyền, đã bày ra cho độc giả thấy ông rất kiêu căng, ngạo mạn, lạnh lùng, cô độc, lãng mạn, thiết tha và mệt mỏi". Có lẽ vì thế mà Thanh Tâm Tuyền bị nhiều nhà văn đi trước hiểu lầm ông suốt đời và không được đối xử xứng đáng chăng khi có những tập sách biên khảo được xuất bản thường không có tên ông, hoặc có thì thật ngắn gọn vô cùng?!

Từ khi sang Mỹ, Thanh Tâm Tuyền không làm thơ nữa. Ông thực hành đúng như một câu ông đã từng nói vào năm 1975: "tôi là người làm thơ Việt Nam, tôi ở với xứ sở của tôi". Nên khi ông không còn ở lại với xứ sở, ông không làm thơ nữa. Một số thơ của Thanh Tâm Tuyền đã được hai nhạc sĩ Phạm Đình Chương và Cung Tiến phổ thành những nhạc phẩm rất nổi tiếng, như Bài ngợi ca tình yêu, Dạ tâm khúc, Đêm màu hồng, Lệ đá xanh, Nửa hồn thương đau.

Trong đó nguyên tác bài thơ "Lệ đá xanh" được Cung Tiến giữ nguyên tựa thơ khi phổ nhạc, còn Phạm Đình Chương lấy tựa cho nhạc phẩm của mình với tên gọi "Nửa hồn thương đau". Còn một nhạc sĩ khác là Phạm Quang Tuấn cũng phổ nhạc bài thơ này nhưng không ai biết đến.

Tác phẩm của Thanh Tâm Tuyền gồm có: Tôi Không Còn Cô Độc (thơ, 1955), Liên, Đêm, Mặt Trời Tìm Thấy (thơ, 1964), Khuôn Mặt (truyện, 1964), Bếp Lửa (truyện, 1957), Dọc Đường (truyện, 1966), Ba Chị Em (truyện, 1967), Cát Lầy (truyện, 1967), Mù Khơi (truyện, 1970), Tiếng Động (truyện, 1970), Tạp Ghi (1970), Thơ Ở Đâu Xa (thơ, 1990 Hoa Kỳ), Một Chủ Nhật Khác (truyện, Hoa Kỳ).

Sau đây thơ và nhạc Lệ Đá Xanh của Thanh Tâm Tuyền, qua hai nhạc phẩm "Nửa hồn thương đau" và "Lệ đá xanh":

Nguyên tác bài thơ: LỆ ĐÁ XANH

Tôi biết những người khóc lẻ loi
không nguôi một phút
những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình
em biết không
lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi
đôi khi anh muốn tin
ngoài trời chỉ còn trời sao là đáng kể
mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em
đến ngày cuối
đôi khi anh muốn tin
ngoài đời thơm phức những trái cây của thượng đế
mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em
nguồn sữa mật khởi đầu
đôi khi anh muốn tin
ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em
vòng ân ái
đôi khi anh muốn tin
ôi những người khóc lẻ loi một mình
đau đớn lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi

(Bài thơ này đã được Phạm Đình Chương, Cung Tiến và Phạm Quang Tuấn, phổ thành ca khúc). 

Đó là chuyện kể về 2 bản Nhạc nổi tiếng: Người Đi Qua Đời Tôi , và Lệ Đá Xanh của 2 Nhạc sĩ tài hoa Phạm Đình Chương và Cung Tiến, phổ từ thơ Thanh Tâm Tuyền.

Phạm Đình Chương và Thanh Tâm Tuyền nay đã ra đi vĩnh viển, chỉ còn Nhạc sĩ Cung Tiến!…

-----------------
[sưu tầm]




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét