Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

chân dung hay chân tướng nhà văn [kỳ 58-59] - nhật tuấn



KỲ 58

Nghe nói Nguyễn Đình Thi đã viết "Xung kích" ở đây     


Tuy nhiên, tác phẩm xuất sắc nhất trong thời kỳ chống Pháp, làm NĐT có thể rung đùi yên trí “hoàn thành chỉ tiêu sáng tác” trên “mặt trận cầm bút” theo đúng yêu cầu của “bác Hồ”: “mỗi nhà văn cũng là một chiến sĩ” lại là một “tiểu thuyết” đã được đưa vào sách giáo khoa cho không biết bao nhiêu thế hệ con em chúng ta ngồi trên ghế nhà trường phải phân tích và bình luận nhằm bồi bổ chủ nghĩa anh hùng cách mạng của cả nhân vật trong truyện lẫn người viết ra nó.
Đó là “tiểu thuyết” “ Xung kích” – một trong những tác phẩm đưa NĐT lên bục nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, viết vào năm 1951 sau khi đã được “quán triệt” sâu sắc “đề cương văn học Diên An” của Mao, tức những quy phạm ngặt nghèo của chủ nghĩa hiện thực XHCN phục vụ công nông binh đã hằn sâu trong quả tim và cả khối óc của nhà văn.
Gọi là “tiểu thuyết” nhưng cũng chỉ vỏn vẹn hơn 100 trang in, trong đó chương mở đầu “tường thuật” dân công, bộ đội hành quân tới cái cầu qua suối nhỏ bị sập giữa trời rét cắt thịt. Không lẽ nằm chờ công binh tới bắc cầu như chị em dân công; bộ đội nảy sáng kiến “chuổng cời” lội suối, nước dâng ngang ngực, nhờ vậy đến được điểm tập kết đúng thời hạn. Chuyện có vậy thôi mà ông nhà văn “cà kê” mất gần chục trang. 
Rồi trước lúc vào trận, bộ đội tập trung nghe thư “bác Hồ”, ông nhà văn cũng bê nguyên si thư Bác:
“Chiến dịch này là lần đầu tiên đánh đồng bằng mà địch có chuẩn bị. Chính vì lẽ đó mà ta quyết phải thắng... Nào đơn vị nào hứa với Bác và Chính phủ sẽ lập nhiều công nhất nào? Chính phủ, đoàn thể và Bác đang chuẩn bị sẵn sàng thưởng cho những chiến sĩ, cán bộ và đơn vị lập công to nhất…”.
Tất nhiên tiếng “xin hứa, xin hứa” phải vang  như sấm. Chỉ có điều sao trong  thư, “bác” không viết “Đảng, Chính phủ, và Bác” mà lại viết: “Chính phủ, đoàn thể và Bác”? Đó là vì lúc này Đảng rút vào “bí mật”, tuyên bố giải tán, thành lập “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác” nên khi nói tới lãnh đạo, phải đưa “chính phủ lên trước” rồi mới đến “đoàn thể” chứ chữ “đảng” chưa được công khai nhắc tới như bây giờ.
Sau phần động viên "trong nước”, tới phần “quốc tế”:
Tiếng anh trung đoàn trưởng vang lên:
“Tôi báo tin để các đồng chí biết. Bên Triều Tiên, các bạn chúng ta vừa mở cuộc tấn công mới, làm cho quân Mỹ lao đao. Chúng ta hứa với Bác thi đua với chiến sĩ Triều Tiên, đánh thật mạnh để hưởng ứng với các bạn chúng ta. Chúng ta hứa với Bác hôm nay không thắng không về…”.
Cứ như vậy, người đọc ngỡ ông nhà văn viết “báo cáo chiến dịch” chứ chẳng phải tiểu thuyết. Tuy thế, trong “Xung kích” NĐT cũng “sáng tác” ra nhiều nhân vật “anh hùng thời đại” để gắn nhãn “tiểu thuyết” cho nó.
Trước tiên là chú bé giao liên đại đội tên Lũy, khi máy bay Pháp tới ném bom, “chú đứng bên cạnh bến nước, nhìn về mé có tiếng bom, hai tay đút túi quần:
“Ăn thua mẹ gì. Chỉ chết mấy con ngan là cùng. Rời thằng Mỹ ra thì ông bóp mũi…”.
Ghê gớm chưa, chú bé Việt Nam của NĐT xem ra thấm nhuần chính trị tới mức lúc nói chơi cũng vạch rõ được “âm mưu can thiệp Mỹ”.
Giống như nhân vật chú nhóc Gavroche của văn hào Pháp Victor Hugo trong Les miséables, “bóng loắt choắt của chú bé liên lạc vẫn thoăn thoắt chạy đi giữa những tràng đạn lửa ngoằn ngoèo… Lũy đã chạy qua hết sân đồn, bỗng đứng lại. Một thằng quan hai đang giơ tay từ một cái ngách nhỏ chui ra. Luỹ thét “ra nhanh”. Thằng quan hai bỗng hạ tay xuống, sau lưng nó, một tràng tiểu liên bắn ra. Bóng chú liên lạc lăn xuống đống gạch vụn… giữa trán nó, một lỗ thủng sâu hoắm rỉ máu…”. 
Người “tây học” như NĐT chắc đã đọc “Les misérables” và chú bé giao liên Lũy hẳn đã được gợi ra từ chú nhóc Gavroche.
Một trong những nhân vật trung tâm cuốn tiểu thuyết là đại đội trưởng Kha. Anh này chắc không xuất thân “bần cố nông” vì trong người có chút máu tạch-tạch-sè (tiểu tư sản) nên trước khi ra trận còn muốn… diện đồ mới:
“Anh mở ba lô, tìm bộ quần áo mới, vải thơm sạch, thay vào bộ nâu vẫn còn mặc trên người… Kha nghĩ: “Có chết mình cũng chết cho đẹp…”.
Mải mê khắc hoạ “nhân vật” cho có “cá tính” độc đáo, ông nhà văn quên bẵng  “cái chết đẹp” hiểu theo lập trường cách mạng chỉ mang ý nghĩa “hy sinh cho Chính phủ, cho đoàn thể và cho bác Hồ” chứ không phải quần áo đẹp, hình như sợ cấp trên quở, ông vội vàng “sửa sai”:
“Cầm cái áo lên, anh bỗng nhìn thấy cái huy hiệu Thanh niên dân chủ quốc tế…”.
Và anh đại đội trưởng vừa sa đà chút xíu vào “cá nhân chủ nghĩa” vội vàng củng cố ngay lập trường cách mạng:
“Kha tháo huy hiệu xem kỹ: một quả địa cầu và mặt ba người thanh niên trắng đen vàng. Chiều hôm nay ở đây sẽ lại có những người thanh niên Việt Nam chết cho thực hiện cái cảnh hòa bình thân ái ghi trên tấm huy hiệu này…”.
Tuy nhiên phải đợi tới giai đoạn 2 của chiến dịch, vào một trận tấn công cứ điểm Pháp trên đồi, Kha mới chứng nghiệm dự cảm về cái chết của mình. Trong trận đó, anh dẫn đầu đại đội tràn lên đánh địch.
“Một tiếng xoẹt, Kha nằm nấp xuống hố đạn. Đất xới lên lấp chân Kha. Qua rồi, Kha nhảy lên miệng hố. Kha hét: “Xung pho… ong…”. Kha bỗng choáng óc như bị một nhát búa. Đất lạo xạo đầy mồm. Tiếng trung liên tắc tắc. Kha thấy mình nằm úp mặt xuống đất…”.
Bị trúng đạn rồi, Kha vẫn:
Tay nắm chặt súng lục, Kha cố đứng dậy đưa tay trái sang tìm vết thương. Sờ đến bả vai, thấy những ngón tay dính nháp nong nóng. “À đây, máu chảy nhiều”… Luồng đạn qua mặt mát lạnh, Kha như ra khỏi sương mù. “Không thể lui xuống lúc này được. Phải lên ngay cho kịp anh em. Kha cắn răng chạy lên…”.
Thế rồi Kha lại nhận thêm một viên đạn vào cánh tay, anh vẫn “quên hết hai vết thương ở vai và ở tay chỉ còn một ý nghĩ”. Chạy thẳng lên đồi giết hết, giết hết…”.
Rồi anh lại bị một quả đạn cháy “khắp bên trái người cháy bỏng, anh khụy xuống, ngáp ngáp cố thở. Kha vẫn không chịu ngất đi, tự bảo “cố lên, cố lên…”.
Chỉ đến khi anh bị tiếp một quả đạn cháy thứ hai “cả người Kha xèo xèo, Kha giãy giụa hai ba cái trong đám lửa…”, anh mới chịu gục ngã.
Tuy nhiên, ông nhà văn vẫn chưa cho phép nhân vật được chết. Người anh hùng không thể chết câm lặng vậy được, cái chết đó phải được nhấn mạnh góp phần đắc lực cho công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Kha được khiêng về trạm quân y chờ chính trị viên tới thăm.
“Trong đám sương mù liên miên, trí khôn đã lạc lõng của Kha bỗng nghe thấy xa tít có tiếng gọi. “Kha ơi, Sản đây - Sản đây…”. (Sản là chính trị viên) “Kha cuống quýt… mấp máy cặp môi phồng rộp, tưởng mình đang kêu to mừng rỡ. Hai lòng trắng mắt động đậy. Bàn tay Kha giơ lên quờ quờ: “Ồ đồng chí Sản, sao bây giờ anh mới tới? Ồ Sản… Thế nào? Tối hôm ấy thế nào?”. Sản nói to: “Ta tiêu diêu diệt được toàn bộ quân địch ở dãy đồi. Tiêu diệt toàn bộ quân đội…”.
Vậy là phút giây thiêng, anh đại đội trưởng Kha vẫn chờ tin thắng trận, giống y chang anh đại đội trưởng trong truyện ngắn “Anh hùng cứ điểm”, Nguyễn Đình Thi lại cũng viết: “Trước khi hy sinh, Còm còn thều thào hỏi: “Vào đến đâu rồi?”.
Hơn hẳn anh đại đội trưởng Còm, sau khi nghe tin chiến thắng, “Kha cười: “Tao lo quá mày ạ. Mày mà đổ thì cả chi bộ và đại đội lao đao…”. Rồi Kha căn dặn người ở lại: “Đồng chí Na phải đề nghị huân chương chiến sĩ hạng nhất mới xứng đáng. Nhấc lên làm trung đội phó…”. Vậy là tới lúc chết, người anh hùng vẫn chưa được nghỉ ngơi, vẫn lo công việc tới hơi thở cuối cùng. Cho tới khi chính trị viên ghé tai hỏi:
“Anh có điều gì dặn lại không?”.
Kha vội lắm, Anh còn ít thời gian lắm:
“Chào Đảng, các đồng chí… chi bộ…”.
Vậy là làm xong nhiệm vụ đảng viên trước khi chết rồi, Kha mới dặn dò riêng tư:
“Sản nhớ cho Lý cái bật lửa… Hết”.
Chẳng hiểu sao, cứ trước lúc chết, các nhân vật anh hùng của Nguyễn Đình Thi cứ phải tặng ai một kỷ vật gì đó, anh Còm thì gửi lại cho chú giao liên chiếc đồng hồ đeo tay, anh Kha cũng gửi cái hộp quẹt cho cô bạn cũ gặp lại trên đường hành quân. Có lẽ ông nhà văn muốn có thêm chút ít “chất người” cho nhân vật, nếu không cứ dặn dò, cứ hô khẩu hiệu trước khi chết thì “khô khan, người máy” quá chăng? Có điều ngay cả những chi tiết “tình người” đó cũng khó xúc động lòng người vì sự khiên cưỡng và lặp lại.


KỲ 59

Hai nhà văn Tô Hoài và Nguyễn Đình Thi
                                    
                                      (tiếp theo)

Ở đại đội, “thủ trưởng quân sự” tức đại đội trưởng vẫn dưới quyền “thủ trưởng chính trị” tức chính trị viên kiêm bí thư chi bộ. Đánh đấm ra sao, tư tưởng thế nào, tuốt tuột thuộc quyền “quản lý” và quyết định của anh chính trị viên. Bởi thế nhân vật quan trọng nhất trong “Xung kích” của Nguyễn Đình Thi lại là anh chính trị viên tên Sản (chắc gợi từ “Cộng Sản”).
Sản “nắm” cán bộ chiến sĩ, “nắm” chủ trương chiến dịch, chiến thuật, “nắm” lương thảo, vũ khí, “nắm” địa phương nơi đóng quân… Để thực hiện  chế độ ‘toàn trị’ của Đảng trong quân đội, Sản phải nắm đủ thứ trên đời. Chính vì vậy trong lưng Sản lúc nào cũng kè kè cuốn sổ ghi chép và họp hành liên miên:
“Mới mờ sáng, tới vị trí trú quân, Sản đã triệu tập các chi ủy viên tới hội ý…”.
Hiền, một anh đại đội phó tố cáo:
“Tôi xin nhắc đồng chí bí thư vấn đề tiểu đội trưởng Tá… Càng về gần dưới này, tinh thần càng xuống. Anh ta có lúc nhắc tới chuyện giải ngũ…”.
Sản cúi ghi trên sổ tay “Chú ý công tác cậu Tá…”.
Người bị tố cáo phải vào sổ đã đành, ngay cả người đứng ra tố cáo cũng không thoát:
“Sản nghĩ: “Đồng chí Hiền cũng cần được theo dõi và giúp đỡ hơn nữa. Còn hay dễ làm khó bỏ…”.
Có người nhắc:
“Đồng chí bí thư chưa bàn vấn đề tiền ăn…”.
Sản bỏ bút nhìn lên:
“Tôi ghi cả đây. Giải quyết sau. Bây giờ tôi nhắc các đồng chí mấy điểm… Phải chuẩn bị ngay tinh thần cho bộ đội. Mọi việc phải gấp gáp lên. Còn vấn đề bí mật… nhiều cậu phất phơ ngoài chỗ trú quân, diện quần áo Mỹ giữa ban ngày, mua bán lung tung… Ngay cán bộ cũng coi thường bí mật. Đồng chí Hiền sao không nguỵ trang? Đồng chí muốn bộ đội ăn bom dây à? Các đồng chí phải về họp tổ mà chấn chỉnh ngay đi…”.
Cứ vậy, cái gì Sản cũng phải ghi, phải để mắt tới và phải huấn thị quần chúng mới tròn nhiệm vụ chính trị viên.
“Sản ngồi với cuốn sổ tay đặt giữa đầu gối. Hai vai anh cúi ép xuống lồng ngực. Những con số, những dòng chữ đầy mãi trang giấy…”.
Một chị cán bộ mới gặp thoáng trên đường cũng đã phải nhận xét về chính trị viên Sản:
“Ông này chắc bộ đội khó giấu được ông ấy cái gì?”.
Giấu sao được, giấu là chết. Ngoài chuyện ghi chép tỉ mỉ, dọc đường hành quân, Sản còn phải tranh thủ giáo dục tinh thần cách mạng thường trực cho bộ đội:
“Anh chính trị viên giơ cái ống tay áo cụt chỉ những đồi cỏ lau rậm rạp dưới ánh trăng, nói với mấy anh cán bộ trung đội:
“Vùng này là chỗ “căng” ngày xưa Pháp đem đày các đồng chí mình đây…”.
Khi ra trận, Sản phải lo sao cho bộ đội người nào cũng “có thư Bác cài trên mũ”, phải dặn dò đủ thứ:
“Các đồng chí xông lên đồn còn là dễ, mà làm thế nào đủ điều kiện xông lên đồn mới là khó. Phải chú ý từ cái quai dép dây giày, túi cơm, cái giẻ lau, cái hộp mỡ, từ cái nan tre làm thang…”.
Phải nêu cao tinh thần “quyết đánh” cho bộ đội, dù có thiếu đạn dược vẫn cứ đánh:
“Phải làm cho tất cả anh em trong đại đội có tinh thần như chúng ta (đảng viên). Là vì sẽ gay go, mệt, đói, vội, có thể thiếu cả vũ khí. Không biết chừng không kịp có bộc phá. Không có, vẫn phải đánh được. Không kịp nghiên cứu kỹ sa bàn, cũng phải đánh được…”.
Vậy là cứ có ý chí là đánh được tuốt, người lính cứ thế mà xông lên bất chấp mạng sống của mình. Sau cùng, Sản còn phải thể hiện rõ vai trò gương mẫu bằng thề thốt:
“Đảng đã dậy chúng ta: người đảng viên bao giờ lời nói cũng đi đôi với việc làm. Tôi xin hứa với chi bộ, nếu tôi không tròn nhiệm vụ trong trận này, tôi sẽ không đem cái mặt nhọ mà về trước đoàn thể…”.
“Thủ trưởng chính trị” bao giờ cũng to hơn “thủ trưởng quân sự”. Khi lâm trận, anh đại đội trưởng muốn ra cái lệnh gì cũng phải nhất nhất thông qua chính trị viên:
“Đánh thế nào? Kha (đại đội trưởng) nhìn bức tường dựng đứng. Ít ra là tám chín thước cao. Cho là ba tầng nhà. Phải chập thang, chồng người mà lên. Rồi từ lô cốt đã chiếm đánh tỏa ra. Kha quay lại Sản: “Bây giờ cho hai trung đội chiếm trên mái?”. “Sản gật”.
Sản gật rồi Kha mới được phép thực hiện. Vậy là ngay cả trong chiến đấu, mọi mệnh lệnh phải được đại diện Đảng thông qua rồi mới được phát ra. Chính trị viên quyền lớn, trách nhiệm cao như thế nên ắt phải là con người… đặc biệt. Bởi thế đại đội trưởng Kha đã nhận xét về chính trị viên Sản:
“Ai được như nó? Có lẽ nó chưa biết tuổi trẻ là gì? Lúc sáng, ở trung đoàn về nhìn thấy Sản ngủ, mặt hóp lại, mắt nhắm im. Kha giật mình. Nó mở hai mắt đờ ra nhìn Kha mấy giây như nhận không ra rồi mới chớp chớp mấy cái…”.

Hóa ra ngay trong giấc ngủ, anh chính trị viên cũng vẫn phải làm công tác “nắm tình hình”.
Trong lịch sử loài người, xuất hiện sớm nhất là thày tu và cô điếm rồi sau mới đến các loại phù thủy, nhà hiền triết, thợ thủ công, nông dân… Tuy nhiên phải đợi đến khi chủ nghĩa cộng sản xuất hiện, dùng bạo lực cướp chính quyền, nhân vật “chính ủy” mới ra đời trước hết ở Liên xô, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên rồi Việt Nam. Đó thực sự là hạt nhân của các đảng cộng sản nắm súng đạn, nắm quần chúng huy động nhân tài vật lực vào bạo lực cách mạng cướp quyền dân.
Mang vai trò và phẩm chất đặc biệt như vậy, “chính ủy” về lý thuyết phải xuất thân công nhân thì mới “có ý thức tổ chức, có tinh thần kỷ luật”. Nắm vững yêu cầu đó, Nguyễn Đinh Thi đã không chọn nông dân hoặc tiểu tư sản mà chọn công nhân mỏ làm thành phần xuất thân cho chính trị viên. Sản đúng y chang đường lối giai cấp trong xây dựng quân đội của Đảng. Bởi thế cái tâm niệm “người vô sản vùng lên tranh đấu chỉ mất có gông xiềng mà được cả thế giới” đã ăn vào cả trong giấc mơ của anh chính trị viên:
“Ngày nào được đánh về vùng mỏ, gặp chúng nó (bạn bè công nhân cũ) thì sướng đến thế nào. Tương lai kháng chiến thành công rồi, chắc đoàn thể lại cho Sản về một nhà máy, nhà máy bấy giờ sẽ là của ta, Sản chỉ ao ước có thế…”.
Hóa ra “người nô lệ vùng lên tranh đấu” “chỉ ao ước có thế” mai kia giành thắng lợi, chẳng cần tới cả thế giới, chỉ mong có trong tay một nhà máy làm chủ thỏa nỗi khổ nhục làm công nhân ngày xưa. “Người anh hùng” dù cho được vẽ vời cao đẹp đến mấy, vẫn thò ra cái đuôi hám chức quyền.
Chính trị viên đại đội đã như một “thượng đế toàn năng”, vậy còn lính tráng thì sao?
Cho dù bộ đội đã được tổ chức thành trung đội, tiểu đội nhưng để việc “quản lý” thêm chặt chẽ, Đảng đã thiết lập “tổ 3 người” theo chế độ “tam tam chế” của bác Mao để “quản lý” và “dò xét” lẫn nhau.
Trong “Xung kích”, tổ tam tam tiêu biểu là Thông, Cốc và Mẫn – 3 anh lính cấp chót bét trong đại đội thường xuyên “để ý” và “bắt bẻ” nhau.
“Thông quay lại Mẫn:
“Cậu công tử lắm. Bớt ngắm vuốt đi. Soi gương luôn trông sốt ruột lắm. Mà có được thấy đàn bà con gái đếch đâu mà diện. Ban đêm thì đi như gió. Ngày lại rúc vào bụi rậm. Cái áo Mỹ ấy cũng đừng vác ra ban ngày nữa. Dân làng người ta trông thấy còn đếch đâu là bí mật…”.
Rồi “Thông bảo Cốc:
“Thằng Mẫn phải để ý thế nào mới được. Có lẽ cậu phải gần nó, nói chuyện luôn, giác ngộ cho nó…”.
Trong sinh hoạt ngày thường, “tổ tam tam” tăng cường “giám sát” nhau:
“Thông vừa mài dao vừa liếc mắt nhìn Mẫn. Biết ngay là cậu ta đang muốn nhớ nhà. Hé ra một câu là cu cậu cắn ngay. Chưa về quê được cậu ơi. Còn là đánh…”.
Trong tổ tam tam, còn gọi là “tổ keo sơn”. Thông là người “vững lập trường nhất”. Ngay cả cái “tàu điện của Tây” anh cũng dè bỉu
“ ước mẹ gì, nó lại cho vài cái đầu tàu điện thải ở cái xó nào bên Tây chứ gì?”.
Và anh mơ ước:
“Sau này Hà Nội thể nào chả có tàu điện. Mình làm ngầm dưới đất theo lối Liên xô kia chứ? Đánh Tây đánh tiếc xong chỉ xin đoàn thể cho về Hà Nội lái tàu điện ngầm là sướng nhất…”.
Ước mơ về thiên đường cộng sản ghê gớm chưa? Chỉ có điều vĩnh viễn cái tàu điện ngầm “theo kiểu Liên xô” ấy sẽ chẳng còn có cơ hội xây dựng ở Hà Nội.
Nhân vật thứ hai trong tổ tam tam là Cốc, “bồ côi từ nhỏ, lớn lên là đứa trẻ ăn mày ăn xin đầu làng cuối chợ… Những ngày cách mạng tháng Tám, Cốc sướng nhất, Cốc được vào thanh niên… tập tự vệ rồi đi bộ đội…”. Còn lại là Mẫn, em út trong tổ 3 người thường bị “uốn nắn” cũng lại xuất thân từ một làng quê bên bờ sông Thao.
Vậy là từ sĩ quan tới lính tráng trong “Xung kích” của Nguyễn Đinh Thi đều là những nông dân, công nhân nghèo khổ bị phong kiến và đế quốc bóc lột tới tận xương tủy. Thế còn những học sinh, sinh viên, công chức, những trí thức thành thị đã tham gia bộ đội đã đóng góp rất lớn ngay từ những ngày đầu đánh Pháp đâu cả rồi?
Chắc chắn không phải ông Nguyễn Đinh Thi vô tình quên họ mà ông  tâm niệm “quân đội ta” phải là “nông dân mặc áo lính” –  muốn văn vẻ ra sao, ông không được quên nguyên tắc đó khi viết tiểu thuyết đề tài bộ đội như “Xung kích” cho dù ông đã cướp công của bao nhiêu sinh viên, học sinh, con em các gia đình khá giả ở Hà Nội đã vì lòng yêu nước chống ngoại xâm mà đổ máu trên các chiến trường.

(còn nữa)

------------------------
* nguồn: blog nhattuan


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét