Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

chân dung hay chân tướng nhà văn [kỳ 64 - 65] - nhật tuấn

KỲ 64



Trong đám người đổ tới Nhà hát lớn xem nữ sinh biểu diễn toàn là các “quan tây” với “các quan ta, áo gấm dài, khăn xếp, các quan bà tuy cao tuổi nhưng đều đánh phấn trắng lốp. Tất nhiên toàn là bọn hút máu mủ dân như “gia đình Nghị Khanh, mụ nghị, mụ  tuần Vi, cậu tú Tường, cậu Cử Phát, đủ bộ…” và vợ chồng huyện Môn, được Nguyễn Đình Thi dụng công mô tả nhất. Đưa vợ đi coi hát ở Nhà hát lớn mà quan huyện trẻ, tây học này cứ hậm hực:
Giả thử Phượng chiều lão ta một lần đi nữa cũng có mất mát gì… Sao en ngu thế. Nói thế nào cũng không nghe. En ăn cơm của chồng thì cũng phải giúp chồng chứ. Ông huyện Môn cười nhạt. Chẳng qua là vô ơn bạc nghĩa,đồ bạc… bạc…”.
Quả thực cái thuật ngữ “bôi đen xã hội” mới xuất hiện thời Nhân văn Giai phẩm và những năm về sau đã được Nguyễn Đình Thi sử dụng không phải như công cụ phản kháng của các nhà văn với thực tại đang diễn ra mà chính là để hạ thấp xã hội Việt Nam thời “phong kiến - đế quốc” một cách “xuất sắc”.
Thế rồi buổi biểu diễn của nữ sinh Hà Nội tại Nhà hát lớn cũng bắt đầu: “Có hai đoàn thiếu nữ Pháp và Nam, các cô gái Pháp mặc váy trắng như bông tuyết, các cô gái nam cũng áo dài trắng, quần trắng. Tất cả đám bông hoa biết nói ấy đã cất tiếng lanh lảnh hát bài Macxâye…”.
Cái thứ nhãn quan nhìn đâu thấy… ”chính trị” khổ vậy. Nó làm cho nhà văn chẳng còn nhận ra vẻ hồn nhiên, tươi trẻ, giọng ca thánh thót của các cô gái Hà Nội, mà chỉ nhăm nhăm bôi bác “đám các quan ông, quan bà, các nhà trưởng giả ngồi xem chỉ nghe thấy tính tinh nhí nha nhi nhô, không hiểu gì, nhưng thấy hai cô đánh đàn mặc đẹp thế và uốn các ngón tay trắng muốt cứ cong lên cong xuống như múa trên cái đàn đắt tiền thì hẳn là đàn phải hay lắm…”.
Rồi tới màn múa:
Các cô mặc váy ngắn cũn cỡn và mỏng tanh, nom thấy thân hình lồ lộ, dón đầu ngón chân chạy đi chạy lại, ngửa người ra uốn éo…”. Thì đúng là một cái nhìn khắt khe, đe nẹt của một anh cán bộ văn hóa cấp xã chứ không còn là của một nhà văn lớn với tâm hồn rộng mở đón nhận mọi màu sắc trần gian…
Thế còn hình tượng “tiểu thư Hà Nội” - những “dáng kiều thơm”, những “đôi mắt huyền”, “những thiếu nữ buồn không nói”… đã được Nguyễn Đình Thi khắc họa như thế nào?
Trong cả cuốn tiểu thuyết, khi viết về loại nhân vật loại này, ngòi bút của nhà văn dường như được “giải tỏa” khỏi sự lên gân cốt, sự bốc phét trong những trang viết về những nhà cách mạng và quần chúng cách mạng để khoan khoái, thích thú đi sâu vào cái xã hội “xanh xanh đỏ đỏ” tiểu tư sản mà ông phải lên án, cải tạo nó nhưng trong bụng lại ngầm thích thú nó.
Phượng đến trước tấm gương lớn. Ngực còn thở mạnh. Phượng đứng ngắm nghía cái cái dáng người trong gương. Nàng giơ cánh tay tròn lẳn lên và nghiêng người nhìn những đường cong, rồi bỗng lột cái áo nịt, xem lại ngực của mình. Đôi vú tròn và rắn chắc như của một cô gái mười tám, đôi mươi, người Phượng vẫn trẻ nguyên như hồi chưa chồng, không ai có thể bảo cái tấm thân trong gương kia hai mươi sáu tuổi…”.
Ông nhà văn có vẻ thích thú cái giấc ngủ nướng của người đàn bà đẹp đến độ mô tả nó thật tỉ mỉ:
Đã trưa lắm rồi thì phải. Qua cửa sổ, ánh sáng như nhức nhối vì không được ùa vào. Phượng cố nằm thêm mấy phút nữa, chăn và gối êm vuốt ve vào da thịt người đàn bà trẻ thoáng rạo rực và tự cười mình. Mình hư lắm, Phượng tự bảo…”.
Trong đời tình ái của Phượng ít ra là có 3 người đàn ông.
Người trước hết là chồng của Phượng, huyện Môn, lấy nhau vì… chàng giàu.
Người thứ hai là “người yêu đầu đời”, hoạ sĩ Tư, chia tay nhau vì… chàng nghèo, cả đời không chịu vẽ tranh đàn bà đẹp để bán “Người mẫu của Tư là những em bé ở góc phố, là một người đàn bà bán chuối… bà mẹ bác thợ giặt…”, ao ước “vẽ được những bức tranh lớn về đời sống trên sông Hồng Hà” (hẳn nhà văn được gợi ý bởi hoạ sĩ Nga Reepin trong tranh lớn “Người kéo thuyền trên sông Vonga) sau này chắc chắn sẽ thoát ly làm cách mạng.
Người thứ ba là hoạ sĩ Thanh Tùng – hoạ sĩ của tầng lớp trưởng giả, “hầu hết  là vẽ những người đàn bà, những thiếu nữ, e lệ, mơ màng, mắt một mí dài và nhỏ kiểu “phương đông” đang xõa tóc ngồi đọc sách chữ nho hoặc đan áo bên một khung cửa sổ tròn hoặc bên một lọ hoa…”. Tất nhiên tranh của Thanh Tùng  bán chạy ào ào, chàng trở nên giàu có, sống sang trọng và chính cái đó đã hút Phượng nhào tới với chàng như con thiêu thân, chỉ trong khoảnh khắc đã ngã vào tay chàng hoạ sĩ trưởng giả cắm sừng lên đầu chồng.
Tiểu thư Hà Nội dưới cái nhìn “thiên kiến giai cấp” của Nguyễn Đình Thi trở nên hết sức tầm thường, hám của, dâm đãng, thiếu ý thức làm vợ. Đó là cái nhìn hẹp hòi của một anh chàng nghèo hèn, sống trốn lánh bất hợp pháp vì hoạt động cách mạng, đứng ngoài vỉa hè mà nhìn vào các gia đình gia giáo nên không tránh khỏi tức tối, ghen ghét. Sự thực, những tà áo trắng nữ sinh Hà Nội sống hồn nhiên, trong trắng và tử tế hơn nhiều những gì Nguyễn Đình Thi dụng công viết ra.
Như thế liệu ông có đáng là đứa con yêu của người Hà Nội như nhiều người tâng bốc?
Nữ sinh thì như thế, còn các thày cũng được ông nhà văn mô tả chẳng ra cái hồn gì. Trong trường có nhiều học sinh nhặt được truyền đơn của cộng sản và giấu trong người. Viên đốc học người Pháp bắt các thày đi khám:
Mấy ông giáo, mặt như chàm đổ đi làm việc của những tên mật thám. Phần đông họ khám qua quýt cho xong chuyện, nhưng cũng có một hai người bắt học trò cởi áo rũ túi cho lão đốc Tây nhìn thấy sự mẫn cán của những tên đầy tớ trung thành…”.
Các thày An Nam đã “hèn” đến thế, tất nhiên các viên chức Pháp phải hung hăng tàn bạo.
Viên giám thị xấn xổ chạy xuống và lồng tới chỗ đám đông. Thấy một cậu học trò tay còn cầm tời giấy, y quát bằng tiếng Pháp: “Cái gì đây? Mày cầm cái gì đây? – Một cái tát mạnh làm cậu bé chúi đi. “Tao sẽ đuổi mày ra khỏi trường nghe không?”… Viên giám thị vẫn mặt đỏ gay, giẫm chân và hoa tay theo đám học trò: “Lũ ăn cắp. Tao sẽ đuổi hết chúng mày ra khỏi đây. Voay-u…”.
“Bỗng có tiếng tát đôp đốp. Trong lúc mọi nguời chú ý cả vào cuộc khám thì viên đốc Tây đã ra đứng đằng sau các hàng xem xét và bắt được một học sinh năm thứ ba đang móc túi vứt đi một tờ truyền đơn. Y kéo tai đứa nhỏ lôi đi sênh sệch…”.
Hiệu trưởng và giám thị kiểu này chắc không phải ở các trường Albert Sarraut, Puginier, Sainte Marie… tại Hà Nội thời đó mà chắc là ở… Nam Vang nơi ông nhà văn đã sinh ra và lớn lên chăng?


KỲ 65

Trong giới nghệ sĩ Hà Nội, Nguyễn Đình Thi đưa ra hai nhân vật khá độc đáo. Một chàng nhạc sĩ tên Toàn không rõ vì sao mang tâm trạng:
“Tôi sống trên đất nước tôi mà vẫn là người không có Tổ Quốc. Cho đến nỗi trong âm nhạc, tôi cũng không có quê hương…”.
“Lưu đày và  quê nhà”  là đề tài lớn cả chục năm sau nhà văn Pháp Albert Camus mới đề cập tới, nhưng “lưu vong ngay trên Tổ quốc mình” lại được ông nhà văn cài vào lời lẽ nhạc sĩ Toàn mà không dẫn dắt từ cảnh ngộ nào đưa tới khiến nhân vật cứ như “nhảy dù“ vào truyện để phát ngôn cho tác giả về nghệ thuật Việt Nam:
“Hàng ngày tôi đánh những bản đàn rất hay, nhưng không có bản đàn nào mang tâm hồn của quê hương tôi. Tôi muốn viết ra những bản nhạc Việt Nam, nhưng từ ý muốn đến sự thực còn cách xa nhau xa quá. Và trong việc làm này, tôi còn quá lẻ loi, người xung quanh, bạn bè tôi không khuyến khích mà lại dèm pha tôi nữa. Bao giờ có được một nền nhạc mới của dân tộc tôi…”.
Một nền nhạc mới” của dân tộc theo ông Nguyễn Đình Thi chắc phải chờ đến sau cách mạng tháng Tám mà thực ra ngay từ 1937 Nguyễn Văn Tuyên đã có “Kiếp hoa” rất Việt Nam, rồi sau đó Nguyễn Văn Thương, Đặng Thế Phhong, Nguyễn Xuât Khoát… đã sáng tác những ca khúc mới rất dân tộc, đã nhanh chóng đi vào và ở lại trong tâm hồn người Việt, có tuổi thọ và miền đất sống không một bài ca cách mạng nào sau này sánh nổi. Tới đây phải mở ngoặc giá như đảng cộng sản cướp được chính quyền từ năm 1930 thì chắc chắn chúng ta không có nhạc tiền chiến, không có "Con thuyền không bến", "Giọt mưa thu", "Đêm đông"... May thay, mãi tới 1945 cách mạng mới thành công và mãi năm 1950 văn nghệ Diên An mới nhập khẩu được vào VN để biến văn học nghệ thuật thành một thứ sản phẩm của... công, nông, binh.
Chàng nhạc sĩ tên Toàn gặp nhà báo già người Pháp viết báo Tương lai Bắc kỳ, đám người làm trong tiệm rượu thường gọi là “Tây quăng”. Ông Tây này gặp được nhạc sĩ  Toàn, chẳng hiểu sao lên cơn “chửi nước Pháp” tàn cơn giá lạnh:
"Tất cả tụi chúng nó (Tây quăng khoát tay chỉ những cái ghế không có người ngồi trong tiệm rượu), lúc ấy, chúng nó ở đâu, hà, tôi hỏi anh, bấy giờ chúng nó ở đâu?... Anh tưởng tôi không thể ăn cắp, buôn culi cao su hay là xin cắm đất làm chủ đồn điền như chúng nó à? Ai da da… Tong, nước Pháp tong rồi, chúng tôi ở đây cũng tong. Chúng tôi là một nước già rồi, xuống dốc rồi, chúng tôi sướng quá, giàu quá cho nên không thể đánh nhau được…”.
Cái lối nhìn nước Pháp “tong" rồi, “xuống dốc“ rồi… chính là nằm trong “giả thuyết mác xít” về sự giãy chết của chủ nghĩa tư bản. Chỉ tiếc Nguyễn Đình Thi không còn sống tới bây giờ để chứng kiến nước Pháp đã "xuống dốc” tới đâu?
Nhạc sĩ Toàn còn một cô bạn nhạc sĩ người Nga Nina lưu lạc từ Nga sang Pháp rồi sang Việt Nam. Cùng cảnh nghèo, cùng kéo đàn trong một tiệm rượu, Toàn và Nina từ tình  bạn dần dà dẫn tới tình yêu. Tìm được một nửa đích thực của mình, lẽ ra hai người có thể tạo dựng hạnh phúc chung một sự nghiệp, chung một mái nhà, tiếc thay cái “nhân sinh quan cách mạng” của ông nhà văn không để yên cho người ta sống, cho người ta hưởng hạnh phúc lứa đôi, ông “thổi” vào lòng cô Nina “ngọn lửa của lòng yêu nước” cháy đùng đùng đến độ cô từ bỏ tình yêu, liều mạng “tìm về Tổ Quốc":
“Không biết tôi có thể được sống mà về thấy lại mảnh đất thiêng liêng của tôi không?“.
Và hạnh phúc của tình yêu chẳng hiểu sao lại chịu thua cái mong ước “cứ nghĩ là một ngày tôi sẽ lại đưọc đặt chân lên đất Nga, được cúi xuông hôn mảnh đất quê hương thế là tôi lại thấy như cái cây khô đang sống lại khi mùa xuân đến…”.
Lòng yêu nước tác giả gán cho cô gái Nga ghê gớm chưa? Chẳng hiểu sao cái nhà cô Nina này đang yêu và được yêu mà lại như cái cây khô và phải nhờ tới lòng yêu nước mới sống lại. Nhưng liệu cô có biết rằng đất nước Nga lúc đó đang rên xiết dưới chế độ độc tài Staline đã giết chết biết bao nhiêu là văn nghệ sĩ như cô không? Điều này ông nhà văn biết rõ; có điều ông phải dấu không cho nhân vật của ông biết để sự tìm về Tổ quốc của cô được hợp lý, nếu không, người ta cười ông bốc phét…
Qua những gì mà ông NĐT mô tả giới “thượng lưu trí thức Hà Nội”, người ta có thể thấy những người này khó mà “giác ngộ tư tưởng” đi theo cách mạng. Bởi thế, ông cán bộ cộng sản Khắc chỉ có thể rọi ánh sáng của Đảng vào đám dân lao động vốn dĩ chỉ thiết cốt với miếng cơm manh áo hàng ngày.
“Họ từ các làng mạc, các xóm chài chung quanh ven sông, các ngõ phố khu Gia Lạc viên, Hạ Đoan, Máy Tơ, ở một góc ngoại thành lam lũ của Hải Phòng, đêm nay từng nhóm nhỏ, nhóm nọ không biết nhóm kia, nhưng theo một đường dây chỉ có họ biết, cùng kéo nhau ra đây để họp “mét tinh”.
Xưa nay sách động quần chúng xuống đường làm cách mạng nhất trong lúc thoái trào, mật thám tăng cường khủng bố, người cán bộ tuyên truyền thường khoét sâu vào những thiệt thòi, bất công gắn trực tiếp với đời sống hàng ngày dễ thấy – ở đây là chuyên tăng ca, tăng kíp, lương thấp, quỵt lươngđể  khơi gợi lòng bất mãn, căm tức mà vùng lên.
Ông cán bộ Khắc không làm được thế, chắc ông chưa đi sâu đi sát vào đời sống công nhân, ông chỉ nói chuyện ngoài xã hội:
Khắc nói về sưu cao thuế nặng… Ngoài ra, tụi Tây cho bọn tay sai đeo cái mặt nạ “Pháp Việt bác ái hội” bày ra các chợ phiên, chụp ảnh, đá bóng, lạc quyên ở khắp mọi nơi để làm tiền nhân dân ta…” .
Rồi ông lại tố cáo tội ác của Pháp với người cách mạng:
“Tụi đế quốc Pháp lùng bắt những chiến sĩ cách mạng, chúng nó cấm hết sách báo bênh vực quyền lợi cho nhân dân, chúng nó bắt giải tán các hội ái hữu lao động để giật lại từng quyền tự do nhỏ nhất mà chúng phải nhả ra khi trước…”.
Tuyên truyền vận động kiểu này là “đánh chưa trúng vào tâm tư nguyện vọng quần chúng”, bởi lẽ những chuyện “chợ phiên, đá banh, lùng bắt chiến sĩ cách mạng, cấm sách báo…” đâu phải là chuyện thiết cốt sinh tử của những người lao động đang ngồi nghe ông cán bộ diễn thuyết.
Sau cùng, chưa biết những người nghe đã “thấm nhuần” tới đâu, ông cán bộ Khắc đã vội vàng hô hào:
“Không tranh đấu thì chết. Tranh đấu thì may ra mới sống được. Nếu chúng ta đoàn kết, tổ chức nhau lại thì tranh đấu được. Chúng ta cùng cảnh ngộ, người này tranh đấu thì người kia ủng hộ, xưởng này tranh đấu thì xưởng khác ủng hộ, làng này tranh đấu thì làng khác ủng hộ…”.
Ấy thế, cứ hô hào “tranh đấu”, ”đoàn kết” chung chung vậy thì rồi quần chúng biết xoay xở ra sao? “Đấu tranh với ai? Đòi cái gì? Đoàn kết thế nào?…” – toàn những câu hỏi bức thiết chưa được trả lời mà đã kêu gọi theo kiểu “vô sản thế giới liên hiệp lại”.
“Đừng có để cho tụi đế quốc Pháp nó phỉnh phờ, lừa dối, nhồi sọ mình mãi. Đừng có giúp đỡ cho nó một người lính nào, một đồng xu nào. Rồi đây, khi nào thời cơ đến, thì nhân dân ta sẽ vùng lên, quật đổ chúng nó xuống, giải phóng cho đất nước mình giành lại chính quyền về tay mình không làm nô lệ nữa… Ngày ấy rồi sẽ đến…”.
Không hiểu trong thực tế những người cộng sản vận động quần chúng ra sao, nhưng cái kiểu hô hào “chính trị suông“ như Khắc thật khó có người nghe theo ông: ”Anh chị em cố đi tìm Đảng, chỗ nào nghe có Đảng thì tìm đến…”. Trong thực tế, khi đảng hứa hẹn nhiều quyền lợi người ta mới tìm tới, còn mới trứng nước, đầy những hiểm nguy thế này thì “đảng phải tìm tới dân“ chứ.
Với “cán bộ” trong “cơ quan” như chị Gái (thường được nói tắt là xê quy), Khắc thường xuyên dậy chị “học đọc, học viết, 4 phép tính” và huấn luyện chính trị:
“Và cứ những tối chị đi giao thông về cơ quan, thì anh lại giảng chính trị cho chị. Học ra vườn tối, có khi ra một cái gò giữa đồng, Khắc ngồi trong tối nói lầm rầm cho chị nghe. Anh nói về chủ nghĩa cộng sản, về Mác Lênin, về chủ nghĩa duy vật, thặng dư giá trị về những nguyên tắc tư tưởng và tổ chức của Đảng…”.

(còn tiếp)

-------------------
* nguồn: blog nhattuan


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét