Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

y ban gửi thư ngỏ phản đối cuộc chơi kiểu lợi ích nhóm ở Hội Nhà văn VN




Mùa giải 2011 ban chung khảo là tất cả các ủy viên BCH. Các ủy viên BCH nào có sách dự giải sẽ không tham gia bỏ phiếu. Bỏ phiếu lần 1 các cuốn sách của các ủy viên BCH không quá bán. Ông chủ tich Hội chỉ đạo bỏ phiếu lần 2. Vỗ tay hoan hô, 3 ủy viên đoạt giải. Cái cách này thì ông chủ tịch quá thạo, vô cùng thạo, nó y chang việc ông chỉ đạo bỏ phiếu thử trong cuộc bỏ phiếu  Giải thưởng Hồ Chí Minh và Nhà nước, kết quả không như thật thì lại thử tiếp, đến khi thật thì thôi. Năm nay thành viên BGK rút xuống còn có 9 người. Và ông chủ tịch lại tung chiêu mới. Thay vì bỏ phiếu cùng với bỏ phiếu hội viên mới nhưng ông đã lùi lại, vì búa rìu dư luận đang mạnh. Để khi dư luận tạm lắng mới bỏ phiếu. Hoan hô, vỗ tay, Đúng, Trúng, Đủ rồi nhé. Tiền của Hội không nhiều, chỉ đủ đáp ứng những cách lách của ông chủ tịch. Xin bái phục ông. Dư luận đối với ông chỉ như muỗi đốt gỗ...


THƯ NGỎ CỦA Y BAN GỬI BAN CHẤP HÀNH HỘI NHÀ VĂN VN

Kính gửi ông chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam và 14 vị ủy viên BCH

Kính thưa các quí vị. Tên tôi là Y Ban, hội viên Hội nhà văn VN. Tôi viết thư này để bày tỏ với các quí vị một việc như sau: Ơn giời và nhờ sự mưa móc của các vị mà tôi được ngồi ở cái ghế ủy viên hội đồng văn xuôi. Đã trải qua hai mùa xét giải và kết nạp hội viên tôi đã nhận ra rằng, việc tôi ngồi ở hội đồng không thể đem lại lợi ích nào cho các nhà văn, cho người viết. Tôi chỉ đang bị biến thành một con rối trong tay những kẻ vụ lợi, bè phái và dối trá. Khi bức thư này đến tay các quí vị cũng có nghĩa rằng tôi chính thức chối bỏ cái ghế ủy viên hội đồng văn xuôi.

Tôi là một nhà văn. Tôi viết ra những tác phẩm. Tôi phải trung thực với chính bản thân mình, với từng còn chữ của mình. Tôi biết khi lá thư này đến tay các vị thì sẽ dấy lên một cơn sóng dư luận. Các vị sẽ tha hồ phán xét tôi. Xin vui lòng, các vị cứ làm theo lương tâm. Tôi đã trải qua những cơn sóng như vậy. Tôi có bản lĩnh để chịu đựng. Tôi chỉ cần nói lên một sự thật. Nhiều người đã chọn cách im lặng. Đó là cách khôn ngoan. Tôi chọn con đường dại. Thực ra tôi đã chọn con đường dại này khi tôi bước vào văn chương. Nhưng có một cách nghĩ khác. Nếu chúng ta đều chọn sự im lặng, chúng ta có như bầy cừu kia, lặng lẽ ăn cỏ, lặng lẽ để người ta cắt lông và lặng lẽ để người ta lùa vào lò mổ? Tôi là một con cừu hay đi chệch hướng.
Tôi đã trải qua hai mùa giải thưởng. Mùa giải năm 2011 những tác phẩm tôi thích, tôi bỏ phiếu thì không đoạt giải. Mùa giải năm 2012 tôi có tác phẩm dự thi. Ngày bỏ phiếu tôi cũng được triệu tập đến. Có 5 thành viên hội đồng có mặt. Nhà văn  Bão Vũ có bản nhận xét và bỏ phiếu qua email. Nhà văn Thái Bá Lợi xin bỏ sau. Nhà Văn Trần Văn Tuấn bỏ phiếu qua điện thoại. Chị Tuyên nghe điện thoại nói lại, anh Tuấn bảo anh ấy bỏ tất cho mọi người vì..chưa kịp đọc. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường cầm điện thoại nói với nhà văn Trần Văn Tuấn: Không bỏ thế được đâu. Ông đọc ai rồi thì bỏ. Nhà văn Trần Văn Tuấn bỏ một phiếu duy nhất cho Thành phố đi vắng. 5 nhà văn còn lại được mời vào phòng kín hợp với phó chủ tịch Nguyễn Quang Thiều. Tôi lại được chỉ định là thư ký. Bỗng nhiên chị Tuyên đưa một tờ giấy ra đọc, qui chế..tôi có tác phẩm dự thi thì không được bỏ phiếu. Tôi đứng dậy ra về. Có nhà văn ái ngại hộ tôi bảo, thôi cứ ngồi nghe cũng được. 
Thú thật là tôi cũng muốn ngồi nghe xem mọi người nhận xét về mình thế nào nhưng lại nghĩ thế là làm khó mọi người. Mấy năm trước khi chưa ngồi ở hội đồng tôi có cuốn Hành trình tờ tiền giả cũng được hội đồng đưa vào bỏ phiếu. Có một ủy viên rất khen cuốn đó, thế nhưng khi bỏ phiểu thì nó chỉ được một số không tròn trịa. Kết quả cuối cùng có 4 cuốn lọt vào chung khảo: Thành phố đi vắng 6/7 phiếu. Một thế kỉ bị mất 6/7 phiếu. Trò chơi hủy diệt cảm xúc 5/7 phiếu và  Sông núi nước Nam được đề nghị bằng khen.
Mùa giải 2011 ban chung khảo là tất cả các ủy viên BCH. Các ủy viên BCH nào có sách dự giải sẽ không tham gia bỏ phiếu. Bỏ phiếu lần 1 các cuốn sách của các ủy viên BCH không quá bán. Ông chủ tich Hội chỉ đạo bỏ phiếu lần 2. Vỗ tay hoan hô, 3 ủy viên đoạt giải. Cái cách này thì ông chủ tịch quá thạo, vô cùng thạo, nó y chang việc ông chỉ đạo bỏ phiếu thử trong cuộc bỏ phiếu  Giải thưởng Hồ Chí Minh và Nhà nước, kết quả không như thật thì lại thử tiếp, đến khi thật thì thôi. Năm nay thành viên BGK rút xuống còn có 9 người. Và ông chủ tịch lại tung chiêu mới. Thay vì bỏ phiếu cùng với bỏ phiếu hội viên mới nhưng ông đã lùi lại, vì búa rìu dư luận đang mạnh. Để khi dư luận tạm lắng mới bỏ phiếu. Hoan hô, vỗ tay, Đúng, Trúng, Đủ rồi nhé. Tiền của Hội không nhiều, chỉ đủ đáp ứng những cách lách của ông chủ tịch. Xin bái phục ông. Dư luận đối với ông chỉ như muỗi đốt gỗ.

Trò chơi hủy diệt cảm xúc được 4 phiếu giải thưởng, 3 phiếu bằng khen và 2 phiếu trắng. Đây chính là mấu chốt của vấn để. Nếu tôi sáng suốt, nếu tôi không đi trên con đường dại thì ngay từ đầu tôi phải từ chối BGK này. Họ không đủ Tâm, đủ Tầm để bỏ phiếu cho tác phẩm. Họ chỉ đủ Tâm, đủ Tầm để bỏ phiếu cho tên tác giả. Hai phiếu trắng ở đây nói lên điều gì?  Làm giám khảo mà không dám đối mặt với chỉ một cái tên trên một tờ giấy? Vậy tại sao họ vẫn thích ngồi ở ghế BGK? Tiền ư? Không nhiều đâu. Mùa giải 2011 hội đồng văn xuôi đọc hơn 200 cuốn, tiền thù lao là 12 triệu đồng, trừ 1.2 triệu tiền thuế. Năm nay chưa nhận. Mùa kết nạp năm 2011 danh sách hội đồng văn xuôi đưa lên BCH, kiểm lại thấy thiếu một người, hội đồng phải bỏ thêm. Mùa kết nạp năm nay hội đồng thơ cũng phải làm điều tương tự. Vậy họ vì cái gì? Vì oai. Họ có quyền mưa móc và phán xét. Có thể tôi nhầm. Có thể được nhiều thứ nữa, không chỉ là oai. Vì họ đã phải đùng đến mọi thủ đoạn mánh lới, thậm chí tận diệt.

Tôi từ chối không nhận bằng khen. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi không thừa nhận BGK này. Tại sao tôi lại phải chấp nhận một BGK không đủ Tâm đủ Tầm đủ Tài? Với một lý lẽ thông thường: Dám làm dám chịu các vị cũng không dám? Mà lại thích mưa móc ban ơn.

Lợi ích nhóm. Cụm từ tưởng rất xa lạ trong văn chương. Nhưng không ngờ nó lại gần gũi đến vậy. Và tôi đã nhìn thấy nó đang trói buộc các vị. Một câu cửa miệng của các vị, nghe rất buồn cười, tôi có muốn làm đâu, anh ấy cứ bắt tôi làm. Giời ạ, thế hệ chúng tôi đang còn sung sức đây để chúng tôi làm cho. Anh ấy ơi để chúng tôi làm cho. Chờ đấy, cái thế hệ gạch nối chúng mày. Cứ viết đi, cứ phấn đấu đi, cứ tâm huyết đi, cứ đổi mới đi…Trong các báo cáo thành tích chúng anh khen chúng mày lên tận mây xanh nhưng thực tế bọn chúng anh đè cho không ngóc đầu lên được đâu. Đừng có ti toe..Không, tôi không ti toe. Tôi chối từ.
Khi tôi chọn con đường dại này tôi cũng đã chọn một hội nghề nghiệp để tựa lưng. Tôi đã vun xới cho những hi vọng của mình. Tôi cũng vun xới cho hội nghề nghiệp tôi đã chọn. Bằng những tác phẩm của mình tôi cũng đã làm rạng danh cho hội nghề nghiệp. Bằng chứng ư? Trong những bản báo cáo thành tích của hội cái tên Y Ban thường được xướng lên. Nhưng cuộc vui thì ngắn, nỗi buồn thì dài. Hai tác phẩm của tôi là I Am Đàn bà (2007) và Này hỏi thật thấy gì chưa đấy( 2011) bị thu hồi, truyện ngắn I Am Đàn bà bị rút giải, hội nghề nghiệp phủi tay đứng ngoài cuộc. Lúc tôi cũng thương thân mà khóc. Sau nghĩ lại sự phủi tay đứng ngoài cuộc đó lại là một sự may mắn cho tôi. Trong quá khứ đã chẳng có những đòn của đồng nghiệp mà chết hắn một đời người, một đời văn đó sao?

Khi tôi viết thư ngỏ này, tôi bỗng nhớ đến câu chuyện trong lúc trà dư tửu hậu, một vị trong BCH kể rằng, ông chủ tịch có lần đã nói đại ý, để xem thế hệ trẻ họ đối xử với nhau thế nào? Tôi giật mình đến thột. Trẻ đấy, mà thực ra có trẻ nữa đâu, đều trên dưới 50 cả rồi, thọi nhau đi, để chúng anh vỗ tay. Lại một lần nữa tôi xin bái phục ông chủ tịch. Ông thánh thật. May tôi đứng gần, nhìn rõ. Tôi vẫy cờ trắng. Tôi xin đầu hàng. Tôi xin bày tỏ sự nể phục ông một lần nữa. Thế hệ ông, ông đã lo cho tròn. Mỗi người được một góc bánh. Để lo được sự tròn trịa đó ông cũng đã nếm chịu sự khốn nạn. Mà sao ông tài chịu đựng.

Tôi vẫn có niềm tin và hi vọng, rằng một ngày kia hội nghề nghiệp sẽ thực sự nơi tựa lưng cho những người cầm bút. Chắc phải chờ cho đến khi miếng bánh đã được chia hết. Nhưng để có sự tin tưởng đó thì hiện tại tôi phải nên tránh xa cái sự Dối Trá lộng lẫy huy hoàng trơn lì bóng nhẫy trường kỳ lưu cữu này.

Cuối cùng tôi xin chúc các Vị sức khỏe an khang, bách niên giai lão, sống lâu trăm tuổi để tiếp tục dẫn dắt nền văn học Việt Nam.

Hà Nội ngày 18.1.2013.
Y BAN

---------------
* nguồn: lethieunhon



nữ văn sĩ "chê" bằng khen: ban giám khảo hãy phản biện lại tôi đi!




Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam còn lâu mới có giá trị (về mặt vật chất) như giải “Bài hát yêu thích” đang phát sóng trên truyền hình. Nhưng không vì “hẻo tiền” mà xuôi chèo mát mái.
Ngày 18/1, nữ nhà văn Y Ban đã tung ra “Thư ngỏ” gửi một số hộp thư của người trong giới, bày tỏ bức xúc về sự “thiếu tâm, thiếu tầm” của những người cầm cân nảy mực ở một hội danh giá.

Vì sao trong thư ngỏ chị lại viết, Ban Giám khảo không có tâm, không có tầm? Đặt câu hỏi ngược lại, thế hệ như chị, trẻ trung hơn, nếu hoán đổi vị trí, chị có dám tin mình sẽ có tâm, có tầm không?

Cái tâm, cái tầm (cũng thật khó nói), nhất là văn chương, mỗi người mỗi ý, mà nhà văn, không phải ai sinh ra cũng có “khiếu” làm giám khảo. Cho nên cái tâm, cái tầm với tôi là dám đương đầu, dám thách thức.
Bây giờ tôi muốn ban giám khảo (gồm 9 người) phản biện lại tôi đi, họ hãy nói lại với tôi (mà không phải với tôi nữa, tôi khép lại rồi) họ nói lại với tất cả bạn đọc, tất cả những người đang theo dõi việc này là chúng tôi đủ tâm, đủ tầm, đủ tài.
Họ phải phản bác lại, phải phân tích từng tác phẩm hay ở đâu, dở ở đâu. Ngồi ghế giám khảo có nhà lí luận phê bình Phan Trọng Thưởng, Lê Quang Trang, rồi các nhà văn nhà thơ, toàn gạo cội cả đó chứ.
Họ phải lí giải vì sao tác phẩm cô này tôi chỉ cho thế thôi, vì sao tôi để phiếu trắng. Mọi người phải phân tích được, cái tâm, cái tầm, cái minh bạch là ở chỗ đó.
Quan trọng là dám đương đầu, xin mời các vị hãy lên tiếng đi, hãy phản biện là Y Ban sai đi. Tôi chỉ mong tôi sai. Rất mong tôi sai.

Vì sao chị lại chọn hình thức thư ngỏ?

Tôi không muốn để ảnh hưởng tới ai nhưng tôi đã chọn thư ngỏ, tôi chọn những mạng để tôi đưa lên, nghĩa là tôi muốn để mọi người biết vấn đề này. Nó không phải chuyện nội bộ của Hội nhà văn nữa, không phải cá nhân tôi, mà là của mọi người.
Tôi nghĩ không phải vào Hội để oai, để sang, để chia nhau miếng bánh. Có người hàng chục năm, hai chục năm không viết gì mà vẫn sống trong vinh quang, trong sự tung hô, tung hô đi tung hô lại.
Trong khi đó những người khác vẫn miệt mài viết, tìm tòi, đổi mới thì lại bị thờ ơ. Đó là thực trạng ở Hội.
Về sự cố này, điện thoại cho Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông cười bình tĩnh. Vị Chủ tịch cho biết, đã đọc thư ngỏ của Y Ban nhưng ông đang ở quê nên chưa tiện trả lời.

Vậy theo chị dựa vào đâu để định giá sự đổi mới ở một cây bút? Vì văn chương như chị nói, thật khó cân đong đo đếm?

Bằng nhiều nguồn. Cả một đội ngũ lí luận phê bình, rồi dư luận bạn đọc, rồi chính những người làm báo chí nữa. Chúng ta nhìn sang nước Mỹ xem, có hẳn tờ New York Times, tác phẩm nào lọt vào đây là tác phẩm danh giá.
Nhưng thêm điều nữa tôi nói để bạn biết, các nhà lí luận của ta không kém đâu, cũng được đào tạo đàng hoàng bài bản, cũng sắc sảo vô cùng nhưng vấn đề là người ta không đọc, không cập nhật, không chịu được xu hướng mới. Người ta cho phép mình như thế.

Chị định nói họ già, họ chậm tiến?

Không, tôi không nói họ già.

Nhưng người không tiếp nhận cái mới ắt là người già?

(Cười) Đó là ý bạn. Tôi không dám bảo họ già, họ trẻ trung vô cùng. Bởi vì đến 70 tuổi, họ vẫn cứ ngồi ghế nọ, ghế kia.

Đã là hội nghề nghiệp kể chi tuổi tác?

Đúng rồi. Nhưng họ phải tự biết mình.

Chị viết: “Khi bức thư này tới tay các quý vị cũng có nghĩa rằng tôi chính thức chối bỏ cái ghế uỷ viên hội đồng văn xuôi”. “Cái ghế này” mang lại cho chị những gì từ khi ngồi vào?

Tôi nói rồi, nó chả mang lại gì cả. Tôi đã nói hết trong thư ngỏ rồi, bạn cứ trích ra.

Chị mô tả hoạt động của Hội đồng văn xuôi khá “hồn nhiên”, thậm chí có người trong Hội đồng chẳng đọc mấy. Chị nghĩ gì về quy trình chấm giải văn chương bấy lâu nay?

Chả có quy trình gì hết. Người ta muốn làm thế nào thì làm. Nay họ làm thế này, mai họ làm thế khác. Quy trình trong tay một ông đứng đầu.

Phiếu trắng cũng là một ý kiến nhưng vì sao chị phản đối? Hay chị cho rằng người bỏ phiếu trắng chưa đọc tác phẩm của chị?

Tôi phản ứng cái này vì họ không dám đối diện với lương tâm của họ. Tại sao không sổ toẹt rằng, không hay, không ra gì.
ban chung khảo chưa phải nơi quyết định cuối cùng

Được biết, Quy trình xét giải thưởng hàng năm của BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII như sau: Các Hội đồng chuyên môn (Văn xuôi, Thơ, Lý luận phê bình, Văn học dịch), rà soát và đọc những tác phẩm đúng quy định xét giải do nhiều nguồn giới thiệu lên. Những tác phẩm nào Hội đồng đồng ý đề nghị xét giải và xét Bằng khen được gửi lên Ban chung khảo (thường được gọi là Ban giám khảo). Ban chung khảo có thể là tất cả các Ủy viên BCH, cũng có thể là một số ủy viên BCH do BCH cử ra. Được biết, xét giải năm 2012, Ban chung khảo có 9 ủy viên BCH (trong tổng số 15 ủy viên BCH).


Các Hội đồng chuyên môn (tương tự hội đồng sơ khảo) chỉ tham mưu cho BCH những tác phẩm mà họ thấy xứng đáng để trình lên Ban chung khảo. Kết quả Ban này đưa ra vẫn chưa phải là cuối cùng. Theo điều lệ Hội, việc xét giải thưởng, trao giải thưởng và tặng bằng khen hàng năm cho các tác phẩm xứng đáng là quyền hạn của BCH. Như vậy, kết quả giải thưởng văn chương 2012 sẽ được chính thức quyết định trong thời gian tới.

Chị nói, không chấp nhận Ban giám khảo này. Tại sao điều đó không diễn ra sớm hơn, đến bây giờ khi không ẵm giải lớn, chị mới không chấp nhận?

Câu đó nên hỏi người khác. Nếu tôi không dấn thân như thế, không trải nghiệm như thế thì làm sao tôi biết thâm cung bí sử?

Chỉ trích họ ham chiếm ghế nhưng trong thư ngỏ chị lại “chúc các vị sức khoẻ, an khang, bách niên giai lão”?

Họ cố thủ như thế thì mình chúc họ như vậy. Họ không bao giờ chịu nhả ra đâu. Đại hội nhà văn nào cũng có những câu vè rất hay (cười). Đấy. Nhưng họ vẫn thích vô cùng quyền lực, họ vẫn ngồi.
 Tha hồ phán xét tôi đi. Tôi tự nhận tôi đi trên con đường dại và tôi ham hố. Vì ham hố nên tôi vẫn còn đi dự giải, tôi vẫn còn hy vọng những điều tốt đẹp.

Thế nghĩa là, nếu Y Ban đoạt giải chắc chắn không có thư ngỏ?

Đúng, chuẩn luôn. Đúng quá. Bởi vì Y Ban mà đoạt giải thì quá đỗi bình thường.
“Văn minh, vợ người”, thật chẳng sai chút nào!
Người viết nào chẳng tự tin. Nếu mọi người công tâm với Y Ban sẽ thấy cuốn sách nào của Y Ban cũng đổi mới. Chúng ta tranh luận trên cuốn này (Trò chơi huỷ diệt cảm xúc - chính là cuốn xét giải năm nay - PV) tôi tự tin để nói điều ấy. Hẳn một lối viết khác. Mỗi chương của tôi gần như một truyện ngắn sống độc lâp được. Câu chữ của tôi có nhịp điệu nói lên toàn bộ thời chúng ta đang sống. Văn chương của tôi có sự gắn kết, văn của tôi có lửa. Mọi người đã đọc cuốn sách của tôi, mọi người sẽ không bỏ ra được. Một điều nữa khiến tôi tự tin là dư luận bạn đọc. Tôi tôn trọng bạn đọc.

Chị có hối tiếc vì đã vào Hội không?

Không. Tôi không hề hối tiếc. Tôi tự hào là tôi đã chọn Hội Nhà văn Việt Nam, cho đến bây giờ tôi vẫn tôn trọng nó. Tôi tự hào tôi là người tử tế, ăn cây nào rào cây ấy. Tôi chọn con đường dại của tôi. Nếu tôi ra khỏi Hội tôi vẫn là Y Ban. Ở trong Hội tôi vẫn là Y Ban. Tôi có thêm một giải thưởng nữa, vẫn là Y Ban. Tôi có bớt đi một giải thưởng, vẫn là Y Ban.

Chị có lo cơn sóng chị tạo ra không nhấn chìm ai, lại nhấn chìm chính chị?

Ôi không. Không nhấn chìm được tôi đâu. Bởi vì tôi là nhà văn, mọi điều tôi trải qua, sẽ vào tác phẩm của tôi. Tôi nói cho bạn nghe búa rìu dư luận của "I am đàn bà" ghê lắm mà tôi vẫn chịu được.

---------------------------
Theo Lê Anh Hoài - Hồng Diệu
Tiền Phong

***


Về sự cố này, điện thoại cho Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông cười bình tĩnh. Vị Chủ tịch cho biết, đã đọc thư ngỏ của Y Ban nhưng ông đang ở quê nên chưa tiện trả lời.
  


ban chung khảo chưa phải nơi quyết định cuối cùng

Được biết, Quy trình xét giải thưởng hàng năm của BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII như sau: Các Hội đồng chuyên môn (Văn xuôi, Thơ, Lý luận phê bình, Văn học dịch), rà soát và đọc những tác phẩm đúng quy định xét giải do nhiều nguồn giới thiệu lên. Những tác phẩm nào Hội đồng đồng ý đề nghị xét giải và xét Bằng khen được gửi lên Ban chung khảo (thường được gọi là Ban giám khảo). Ban chung khảo có thể là tất cả các Ủy viên BCH, cũng có thể là một số ủy viên BCH do BCH cử ra. Được biết, xét giải năm 2012, Ban chung khảo có 9 ủy viên BCH (trong tổng số 15 ủy viên BCH).

Các Hội đồng chuyên môn (tương tự hội đồng sơ khảo) chỉ tham mưu cho BCH những tác phẩm mà họ thấy xứng đáng để trình lên Ban chung khảo. Kết quả Ban này đưa ra vẫn chưa phải là cuối cùng. Theo điều lệ Hội, việc xét giải thưởng, trao giải thưởng và tặng bằng khen hàng năm cho các tác phẩm xứng đáng là quyền hạn của BCH. Như vậy, kết quả giải thưởng văn chương 2012 sẽ được chính thức quyết định trong thời gian tới.



thêm một nhà văn từ chối tặng thưởng


Chiều tối hôm qua (19/1), thêm một bức thư ngỏ của một nhà văn được “chấm” hạng Bằng khen được tung lên mạng. Đó là nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam. Khác với nhà văn Y Ban, nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam kiệm lời hơn, ông viết:


Thư ngỏ gửi Hội Nhà Văn VN


Tôi Phạm Ngọc Cảnh Nam, người vừa được HNV VN công bố tặng bằng khen năm 2012 cho cuốn tiểu thuyết “Thế Kỷ Bị Mất” của tôi.

Tôi xin giành quyền được từ chối bằng khen nầy của HNV .

Lý do đơn giản, mà ai cũng thấy là giải thưởng đã không được xét đúng theo tiêu chí văn chương. Và, cũng là để cho sự trung thực còn có chỗ trú ngụ trong ngôi đền thiêng liêng của nó là Văn Học.

Phạm Ngọc Cảnh Nam”.



Theo tôi được biết, tiểu thuyết “Thế Kỷ Bị Mất” của nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam được hội đồng văn xuôi đánh giá rất cao, với 6/7 phiếu (Một người không bỏ phiếu vì chưa đọc) cuốn tiểu thuyết được xếp đầu bảng giải văn xuôi năm nay. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường đã phải thốt lên: “Lâu lắm rồi mới đọc được cuốn sách hay như thế này”. Thế nhưng lên BCH, cuốn sách đã bị đánh tuột khỏi giải chính thức, chỉ được cái bằng khen.

Thực ra các nhà văn nước ta đều có con mắt xanh, bảo họ ngu là không đúng. Nhưng khi bình xét giải thưởng họ không dám dùng con mắt xanh trời cho.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét