Từ bài thơ đầu tiên in báo vào năm 1957 đến nay,
đã 51 năm Trần Huiền Ân (T.H.Â) gắn bó cùng chữ nghĩa. Với nhiều thơ và truyện
ngắn đã in báo, với hai tập thơ, hai tập truyện ngắn và 11 tác phẩm biên khảo
(trong đó, 10 năm liền được giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam), sẽ
phải “gọi tên” ông là gì? Trong một số bài viết, ông được gọi là nhà Phú Yên
học, không biết có phải do căn cứ vào số lượng đầu sách của ông trong lĩnh vực
này? (Nhân thể, xin được nói “lạc đề” về cái chữ “học” này). Cách gọi mang tính
chất… cổ vũ như thế (về mặt tình cảm thì có thể tạm chấp nhận) dường như đã dẫn
đến sự… lạm phát: Quảng Nam
học, Huế học, Hà Nội học, Kontum học… trong khi về mặt học thuật, có lẽ… “chưa
nên” chấp nhận (?). T.H. chỉ nhận mình là một nhà giáo viết văn. Thiết nghĩ,
đây là nét đáng quý trong phẩm chất của ông: sự khiêm tốn đúng mực do đã đi qua
bao nhiêu trải nghiệm để “thấm tận” những giá trị hư ảo và những giá trị thực
của cuộc đời,
*
Trong “Lời nói đầu” của tập sách Đất
trời Phú Yên, T.H.Â
cho rằng, ông không viết địa chí theo qui phạm thông thường mà “chỉ ghi lại những gì mình tìm hiểu được... Chuyện
gì biết nhiều thì nói nhiều, biết ít thì nói ít”. Nhận xét về tác
phẩm biên khảo này, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt
Nam, đã nhắc lại lời của cố GS Trần Quốc Vượng vào năm 1996 khi đánh giá công
trình: “Trong nghề nghiên cứu của chúng ta,
để viết được một, phải biết mười hay hơn thế nữa... Công trình này phải là
kết quả của nhiều năm tháng điền dã, đọc tư liệu cổ kim đông tây, của một tư
duy tổng hợp liên ngành và chắc chắn không thể thiếu một tình yêu sâu đậm đối
với quê hương ruột thịt”. Nhận xét này cũng là kết luận của Hội
đồng khoa học khi xét trao giải nhì cho công trình này.
Dù không nhận mình là nhà biên khảo chuyên
nghiệp về Phú Yên, nhưng các đoàn làm phim tư liệu và những ai muốn tìm hiểu về
địa phương này đều đến gặp ông để nhờ tham vấn và hướng dẫn tiếp cận thực tế.
Tất nhiên có nhiều “lai do” đưa T.H. đến với lĩnh vực này, có phần bởi tình cờ,
một phần có duyên cớ, nhưng sâu xa, điều này phải xuất phát từ tình yêu, để rồi
lại trở thành một phương cách tìm ra lẽ sống cho mình: “Sưu tầm, nghiên cứu là để tìm hiểu xem người xưa sống
thế nào, suy nghĩ thế nào”.
Với sáu công trình biên khảo đã xuất bản và 19
tác phẩm nghiên cứu đã hoàn chỉnh (chưa in) về đất và người Phú Yên, hẳn nhiên,
T.H. đã xây được nền móng vững chắc cho những người đi sau ông trong lĩnh vực
này. Chợt nhớ câu thơ của Đỗ Phủ mô tả công tích của một người có công với bản
quán mình: “Vô nhân lập bi kiệt / Duy hữu
ấp nhân tri” (Không có ai lập bia để thờ ông ấy / Nhưng người trong
làng xóm đều biết cả). Thiết nghĩ, cái từ “ấp nhân” ấy, với trường hợp T.H.Â,
không chỉ giới hạn trong tỉnh Phú Yên, mà đã được mở rộng hơn nhiều, trong mối
quan hệ giũa những đặc điểm của một địa phương đối với cả nước, trong lĩnh vực
địa chí học.
*
Nhưng trước khi đến với công việc nghiên cứu,
T.H. viết song song cả thơ và truyện. Từ truyện ngắn đầu tiên có nhan đề Dáng
dấp in trên báo Văn
Nghệ Tiền Phong, mãi đến 40 năm sau, ông mới in thành tập đầu tiên (Tiếng hát nhân ngư - 1997). Ở tập truyện này, “có những truyện thích mà phải bỏ ra, thay vào những
truyện không được như ý”. Trong mảng truyện viết trước năm 1975, ở
nhiều truyện, sự kiện và tình tiết lấy bối cảnh là đất và người của huyện miền
núi Sơn Hòa thân thương của tác giả. Ở một số truyện ngắn khác có tính chất phê
phán thực trạng xã hội miền Nam, (cũng được viết trong giai đoạn này), cách
miêu tả hiện thực dưới nhiều góc nhìn khác nhau nhằm tạo nên sự đa dạng được
nhà văn chọn làm “chỗ dựa” đã được phát triển hơn nữa trên những trang viết trong
khoảng 30 năm trở lại đây. Phải chăng, vì vậy mà nhà thơ Thanh Quế đã cho rằng,
ông thích văn xuôi hơn là thơ của T.H.Â. Còn nhà văn tiêu biểu của Phú Yên là
Võ Hồng thì nhận xét về văn xuôi của T.H. là “bình dị, viết không hoa hòe tô điểm nên người đọc tin đây là chuyện
thật. Kỹ thuật quan sát, ghi nhận, nghệ thuật chọn chữ đặt câu có thể làm mẫu
cho học sinh”. Đọc hai tập truyện của ông gửi tặng, tôi nghĩ, ông
đã khắc họa đậm nét đôi phần lịch sử, huyền sử, phong tục một thời của tỉnh Phú
Yên bằng tình - yêu - điềm - đạm của một nhà thơ.
*
Nhưng tôi vẫn cho rằng, sự nghiệp của ông chính
là ở Thơ. Hơn 40 năm từ khi nghe bài thơ “Thuyền giấy” của ông, được đọc trên
đài phát thanh Sài Gòn (cũ), vẫn không thể quên nét trong trẻo này: “Bàn tay bé em thả con thuyền giấy / Xếp vụng về góc
giấy chực xòe ra / Không có gió nên thuyền trôi rất nhẹ / Em dõi theo và hát
khẽ: dô ta”... Bốn mươi năm, những câu thơ như thế không mờ mà
lại càng thêm nét đằm thắm, pha một chút bùi ngùi. Bởi vì, thế giới thơ của T.H.Â
là một thế giới đã mất - đang mất, đối với tất cả chúng ta. Những hình ảnh,
những con người của Phú Yên trong thơ ông cũng là những gì của một nông thôn
Việt đang dần dần lùi xa trong ký ức. Cái vốn hiểu biết về văn hóa nông thôn,
tâm hồn mơ - mộng - cổ - điển và ít nhiều nỗi thất vọng của con người trong một
đời sống ngày càng hiện đại đã tạo nên cái “hợp chất” để làm thành giọng thơ
riêng. “Em nhớ... chiều chiều vây quanh
giếng Trạm / bàn tay tròn cô gái vuốt dây gàu / chuỗi khúc khích bỗng nhiên dừng
- cả đám / ngơ ngác nhìn - vườn rớt chiếc mo cau”. Cái thế giới có
nhiều tiếng động của quá khứ ấy, giờ đây, còn chăng chỉ là những “giọng Mường xa lạ” giữa xô bồ của mênh
mông phố người. Thanh âm trong thơ T.H. là những tiếng vọng của cuộc đời đã được
chưng cất qua tâm thức thi sĩ để trở thành một thực thể song trùng: Đời đục -
Thơ trong. Như thế, Thơ đã vượt khỏi phạm trù nghệ thuật để trở thành mục tiêu
lý tưởng của con người. Lý tưởng ấy chỉ có thể được nhận biết sau khi đã “chạm
mặt” với hư vô. Để làm gì, nếu không là để trở lại với phận làm người trong
niềm - đau - vinh - dự: “Tiếng vượn hú sầu
thấu động tầng mây / Ba tiếng vừa nghe đủ sa nước mắt”. Ấy là chỗ
“vậy vậy” của cuộc đời: “Và mỗi buổi chiều,
chân guốc gỗ / Tay cắp sau lưng dạo chợ tàn /
Ơ, cuối cuộc đời là vậy vậy / Dãy lều trống vắng nắng dần tan”.
Nhưng, đó cũng chính là niềm vui thầm lặng trong nỗi cô đơn muôn đời của thi
sĩ. Chính vì hạnh phúc này mà con người đã sống và không ngừng vượt qua chính
mình. Cho nên, sẽ không có gì lạ khi hầu hết những nghệ sĩ chân chính, về cuối
đời, đều nhận ra rằng, cuộc sống, ở đâu và vào thời nào cũng không khác nhau.
Nguyễn Du thì “mua vui cũng được một vài
trống canh"; Bùi Giáng
thì nói “vui thôi mà”; T.H.Â
thì “sống như là để giỡn chơi”... Nhưng tất cả đều có chung một tình yêu: “Cuộc
đời ơi hỡi thương nhau lắm”. Đấy là hạnh phúc, đồng thời là sự bất
hạnh của thi sĩ, hạng người luôn luôn bất hòa với đời sống trong một mối liên
hệ gần - gụi - chia - xa...
Trần Huiền Ân
Tên khai sinh, dùng trong một số tác phẩm biên
khảo: Trần Sĩ Huệ
Sinh ngày: 15.7.1937
Quê quán: làng Vân Hòa, tổng Sơn Xuân, huyện Sơn
Hòa, tỉnh Phú Yên.
Sách đã xuất bản:
Thơ: Thuyền giấy (Bách Khoa - 1967), Năm
năm dòng sông thơ (1973), Lời
trên lá (NXB Trẻ -
1997), Rừng cao (NXB Thanh Niên - 2007).
Truyện: Một nửa chân trời (NXB Trẻ - 1997), Mùa
hè quê ngoại (NXB
Trẻ - 2002), Huyền thoại mở đất (NXB Trẻ - 2003), Ngọn
cờ quân thứ ( NXB Trẻ
- 2006).
Tập truyện ngắn: Tiếng
hát nhân ngư ( NXB
Văn Nghệ Tp.HCM - 1997),Khói của ngày xưa ( Hội Văn học NT Phú Yên - 2002).
Biên khảo: Phú Yên, dọc đường ca dao (Sở Văn hóa TT Phú Yên - 1995),Văn hóa vật chất nông thôn Phú Yên (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam -
2001), Phú Yên, miền đất ước vọng ( NXB Trẻ - 2004), Phú
Yên, thời khẩn hoang, lập làng (NXB
Nông Nghiệp - 2007), Phú Yên, văn hóa theo dòng sông nước (Hội VHNT Phú Yên - 2007) và một số
tác phẩm viết chung, in chung
Bản thảo hoàn chỉnh, chưa xuất bản: 21 tập sách
biên khảo, một tập tạp bút, hai tập truyện ngắn.
-----------------------
* nguồn: vanchuongviet.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét