Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

thơ & văn tiễn nhà văn Nguyễn Mộng Giác - nhiều tác giả


thường quán - đặng tiến - nguyễn hưng quốc - trần hữu dũng - nguyễn viện - mang viên long - lữ quỳnh - hồ ngạc ngữ - trần hoan trinh - luân hoán - thiên di phạm văn tòng - phan tấn hải - ban mai - hoàng xuân sơn - trần dzạ lữ - hà thúc hoan - nguyễn kim tiến - song thao - lê xuân tiến - thụy khuê


thường quán

kỷ niệm với anh Nguyễn Mộng Giác 

Tôi gởi bài thơ đầu tiên tới Văn Học độ đầu năm 1986, nhận được lá thư viết tay anh gởi qua Úc, gần như là ngay sau đó; lá thư tôi giữ rất lâu sao hôm qua khi tìm lại không thấy, nhưng bù lại, lại tìm được một lá thư cũng dài tương tự viết trên tấm thiệp xuân ghi Cali 24/1/1989. Nhìn lại giai đoạn này 1986 -1989 tôi đã may mắn có được anh như một nhà biên tập. Một người biên tập đúng nghĩa, hay còn đi xa hơn, đã trở thành người đọc lý tưởng mà người viết hình dung khi đẩy ngòi bút trên mặt giấy. Những tờ thư, những cuộc trao đổi điện thoại, giấy bút, những bạn văn anh nhắc nhở, giới thiệu, đã làm nên một không gian văn học riêng tôi, giữa chập chùng một khoảng cách không gian phải kể là bao la xa. Tôi gặp anh lần đầu cuối năm 1996, anh Hoàng Khởi Phong đưa tới nhà, được anh khen trẻ và lập tức hỏi chuyện tờ Tập Họp, tên của một tờ báo, một nhóm anh em rất thân đã tụ về vào năm 1986, ở hai thành phố thủ phủ, Sydney và Melbourne, đúng ngay thời điểm tôi bắt đầu bài vở với Văn Học. Câu chuyện vừa ấm anh đã điện thoại nối đường cho tôi được trò chuyện với anh Nguyễn Bá Trạc, Ngọn Cỏ Bồng là một cuốn sách tôi và vài bạn khác của Tập Họp như Cao Huy đã rất mến. Lần gặp thứ hai đầu năm 1997 anh và anh Thạch Hãn cho tôi đi ăn trưa ở giữa phố Tiểu Sài Gòn. Hai anh nhắc tới nhạc gia của tôi cùng là trong ngành giáo dục, hôm ấy ở anh tôi thấy lại những người thầy giáo của ngôi trường trung học một thành phố miền Trung đã cho tôi niềm say mê chữ nghĩa ngay ngày mới bước vào sân trường, những người có mặt bên trong tôi không phải chỉ là những kỷ niệm đẹp không thôi mà còn là những nến lửa sinh động ngầm cháy, thúc đẩy một bản thân tôi trên những ngả đường từ khi rời sân trường trung học. Nhớ anh Thạch Hãn và anh lúc ấy đang làm số đặc biệt về những ngòi bút trẻ trong hai lĩnh vực báo chí và văn học đang bắt đầu gây chú ý trên báo chí Mỹ, tôi thấy được qua câu chuyện ân cần sự đặc biệt lưu tâm của người Văn Học cho con đường dài, và dù là không nói ra, một tin tưởng, ánh lên một hãnh diện. Tôi gặp lại anh lần thứ ba vào khoảng tháng bảy năm 2008. Lần ấy trong căn nhà ấm cúng sách vở của anh chị, tôi gặp được anh Trúc Chi, anh Võ Thắng Tiết, người đã cùng anh chăm nom xuất bản tập Ngoài Giấc Ngủ cho nó ra đời, anh Cao Bá Minh, các bạn thân biết nhau đã lâu Phùng Nguyễn, Chân Phương, Bùi Vĩnh Phúc. Buổi ăn trưa đông vui ở một quán ăn thanh lịch gần nhà có một phong vị hội ngộ thân mật, gợi nhớ những trưa tháng Năm kỵ giỗ trong căn nhà của bố mẹ tôi ở một xóm Ga Đà Nẵng. Như tôi kể lại với bạn Hoàng Ngọc-Tuấn, khi quay trở lại Úc, lần gặp này anh vẫn nhắc tới tờ Tập Họp, hỏi ai đã làm kỹ thuật - tôi tin anh hay phần kỹ thuật là do một tay Hoàng Ngọc-Tuấn, dạo ấy. Sau này nhớ ra còn bạn Ngô Đức Vinh, người đã tận tụy nghiên cứu làm nên font chữ Việt đầu tiên trên đất Úc. Hôm qua, đúng là linh, mở số thư từ cũ, bên cạnh lá thư tháng 1 năm 89 của anh, tôi còn tìm ra những bài thơ gởi các bạn Tập Họp hồi năm 1986, trong đó có bài gởi Ngô Đức Vinh
Còn sẽ đá, những lóng tròn vo mắt kiếng
Nỗi thương tâm nhà Phật mái hiên nơi
Đứng một chốc. Nghe câu tán xướng
Bay qua vùng hạ trũng xương, người
Và cá, và cốt xương nhuyễn thể
nghĩa là phi lý mặn ngàn khơi
tôi điều chỉnh mấy câu thơ cũ, nghĩ tới anh, nhà biên tập một thời tôi tự mượn tạm (nghĩa là không thông báo), gọi là nhà biên tập của riêng (my editor), ít ra là trong giai đoạn 1986-1990, và thấy thời gian đi qua cũng là cảm động. Tôi biết anh yêu Nguyễn Du, đã từng trò chuyện với anh về tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du Quách Tấn dịch thực chu đáo. Tôi đã may mắn có dịp về Nha Trang lúc nhà thơ Quách Tấn còn sống, được bác ba của bạn Hồ Nhã Mai Tiết cùng đạp xe đạp tới thăm nhà thơ ở Chợ Đầm, Nha Trang, để khi quay ra trong câu chuyện điện thoại với anh được nhắc tới Nha Trang. “Nha Trang biển mở trời phong cách/ giọt nắng đằm đằm hạt muối xanh”. Số Văn Học tưởng niệm anh Phùng Quán về kịp nhanh nằm sát bên bình hương bàn thờ nhà thơ Phùng Quán, tháng 3 năm 1995, có chị Bôi Trâm rót rượu gọi “Anh ơi, có Hoàng về thăm, uốn chén rượu với anh đấy”, rồi chia sẻ chén rượu non bùi ngùi nhắc lại thời nào 1991, tôi còn đi khắp Hà Thành với chiếc lão mã của anh Quán. Số Văn Học trong căn nhà sau lưng trường Chu Văn An, sát cạnh Hồ Tây, ở chuyến đi 1995, tôi nhắc lại một lần điện đàm khác với anh ngay sau khi trở qua, có lẽ cũng là một sự chu toàn đẹp, mà tôi hình dung khiến anh đã cũng có một khoảnh khắc vui. Số báo những người viết trẻ ở Úc anh thúc hối nữa, nó cũng thành hình với tạm đầy đủ đông đảo bài vở - thực ra là chuyển giao từ một số Tập Họp không còn ra nổi. Một kỷ niệm vui khác.
Rilke nói đúng, con người ta sống ở đời là đi qua hai chặng, chặng hai là sự nhìn lại chặng đầu. Nhà thơ Bùi Giáng gọi sự này là “song trùng nhị bội”. Anh đã nhìn hai lần [hay ba, hay bốn?], để có những truyện ngắn, và hai cuốn tiểu thuyết đầy đặn, sự đọc lại những gì anh có chắc còn là ở tôi nhiều năm. Tôi thấy ở anh một chân tình hiếm có, một ngòi bút vừa có sự yêu quí chữ lời của thơ vừa có sự nhìn xuyên sâu vào lịch sử. Anh tận tụy không phải chỉ riêng cho một tờ báo, mà là chung cho cả đất trời văn học của chung. Lá thư trên thiếp đề Cali 24/1/89 anh viết: “Năm mới, chúc TQ vui, và sáng tác đều. Cái vui của viết lách là tìm được chính mình, và có được những người đồng điệu ở bốn phương trời”. Anh mất, vang động trong tôi những mắc giăng đồng điệu này. Hôm được các bạn ban biên tập damau xác chứng tin anh mất, tôi ngồi xuống hình dung, vẽ chân dung anh, và viết bài homage Nhà Văn, nhớ lại cũng nhiều: anh Nguyễn Mộng Giác, và anh Nguyễn Mộng Giác giữa mọi người, đông đảo, tốt lành.

13/8/2012


đặng tiến 

tiếc thương Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)

Từ trái qua phải: Ông bà nhà văn Võ Phiến, Đào Hiếu, Nguyễn Mộng Giác và Mỹ Tuyết tại Hoa Kỳ năm 2004

MÙA BIỂN ĐỘNG

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác vừa qua đời tại Mỹ, ngày 02-7-2012 sau một cơn bệnh dài, là tác giả hai bộ trường thiên tiểu thuyết Mùa biển động[1], tiểu thuyết thời sự, sáng tác tại Hoa Kỳ 1982-1989, gồm năm tập, 1800 trang, và bộ tiểu thuyết lịch sử Sông Côn Mùa Lũ, viết trong nước, 1978-1981, 4 tập, 2000 trang, là hai bộ tác phẩm đồ sộ nhất trong ngành tiểu thuyết Việt Nam, sau Cửa biển[2], của Nguyên Hồng xuất bản trong nước đã lâu.
Tác phẩm Mùa biển động đã được độc giả hải ngoại đón tiếp nồng nhiệt. Tập một, Những đợt sóng ngầm, in năm 1984, đã được tái bản nhiều lần, Bão nổi (1985) cũng vậy; tập ba mang tên toàn bộ Mùa biển động, 1986, đã tái bản. Bèo giạt in năm trước, 1988, thì năm sau tác giả cho in tập cuối, dài nhất, là Tha hương.
Tiểu thuyết Mùa biển động là một biến cố quan trọng trong nền văn chương Việt Nam ở hải ngoại, cần được chào đón xứng đáng, và cần được phân tích, thảo luận, phê phán cặn kẽ, bên ngoài cái vòng khen chê tùy hứng và lẩn thẩn, hay cuồng nộ theo những định kiến chính trị hay phe phái.
Bài này giới thiệu từng tập một, theo giá trị ở thời điểm xuất bản, và cuối cùng sẽ có phần tổng luận về năm tập. Để bạn đọc có thể đặt Mùa biển động vào thể loại văn học của nó, tôi có bài khác, về tiểu thuyết trường thiên nói chung – đăng kèm.
Nguyễn Mộng Giác sinh năm 1940 tại Bình Định, đã có tác phẩm in tại Sài Gòn trước 1975: Ba truyện dài, hai tập truyền ngắn và một tiểu luận. Vượt biển năm 1981, ông khởi viết Mùa biển động ngay từ trại tị nạn Kuku, và viết tiếp tại Hoa Kỳ. Nguyễn Mộng Giác có một sức viết, một ý chí lao động nghệ thuật đặc biệt: trong tám năm tha hương, phải làm nhiều nghề vất vả để sinh nhai, ông đã xuất bản năm truyện dài, hai tập truyện ngắn[3] và viết nhiều bài nghiên cứu văn học giá trị. Từ 1985, ông chủ trương tạp chí Văn học nghệ thuật, từ 1986 đổi tên là Văn học, hiện nay là tờ báo văn nghệ Việt Nam thuộc loại đứng đắn và hay nhất, so với nhiều tạp chí khác cả trong lẫn ngoài nước. Khi viết xong – nghĩa là rảnh nợ Mùa biển động – Nguyễn Mộng Giác có tâm sự: "Từ bảy năm nay, tôi vừa viết vừa lo đánh máy, vừa tự bỏ tiền in mấy bộ truyện dài này, trong khi vẫn phải dành thì giờ cho việc kiếm sống… Xin bạn đọc hiểu cho rằng đây là tim óc tôi, là mồ hôi của tôi, là máu của tôi"[4]. Một gương cần mẫn, một tình yêu văn nghệ, một cống hiến cho tiếng nói dân tộc, ở mức ấy, ở một người Việt lưu vong, đáng cho nhiều người suy nghĩ.
Nguyễn Mộng Giác là người di tản, độc giả của ông, trước hết là người di tản. Tác phẩm của ông phản ánh thế giới quan của người bỏ nước ra đi; ông không mấy cảm tình với chế độ cộng sản, điều đó dễ hiểu và không quan hệ gì với nghệ thuật.
Mùa biển động kể lại đời sống, vật chất và tinh thần, một thế hệ thanh niên đồng lứa tuổi với Nguyễn Mộng Giác, quay chung quanh mươi nhân vật nam và nữ, thuộc ba gia đình ở Huế. "Tôi muốn qua cuộc đời thăng trầm của ba gia đình, phản ánh giai đoạn có nhiều thăng trầm bể dâu nhất của người miền Nam, từ lúc chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ đến ngày tôi vượt biên" 4 – 1981.
Nhân vật chính của Nguyễn Mộng Giác toàn là những thanh niên trí thức thành thị, phần nhiều thuộc thành phần khá giả, bị cuốn vào những cơn bão của lịch sử, trong non hai mươi năm. Tác giả đưa vào tiểu thuyết những sự kiện có thật, nhân vật có khi trùng tên thật của nhiều người thật, nhưng khẳng định rằng Mùa biển động không phải là tiểu thuyết lịch sử mà chỉ là "biến chuyển tâm trạng của [một] thế hệ thanh niên trưởng thành trong chiến tranh […], cuối cùng trôi nổi theo một nhân vật chính đến chỗ tha phương"[5] (nhưng cuối cùng, các nhân vật chỉ "tha hương" mà không "tha phương").
Hai tập đầu, Những đợt sóng ngầm (1984) và Bão nổi (1985), gợi lại phong trào tranh đấu miền Trung khoảng 1964-67 với những biểu tình, xô xát, tuyệt thực, hội thảo, bàn thờ Phật xuống đường, xe tăng lựu đạn đàn áp… Không khí tiểu thuyết sôi nổi, biến cố dồn dập, các nhân vật thường xuyên dao động trong thời sự nóng bỏng, được tác giả phản ánh dồi dào, trung thực. Nhưng cái hay là tâm trạng của một lớp thanh niên: họ làm chính trị hàng ngày, hàng giờ, với lập trường, quan điểm, vì cơn bão lịch sử đã thổi tạt họ vào một đám cháy, chứ bản thân họ không phải là những con người chính trị. Và sự lựa chọn của họ, chỉ tự do trong chừng mực nào đó, trong những điều kiện xã hội nào đó mà thôi.
Khi hai tập đầu ra mắt, đã có một số người phản ứng mãnh liệt trên vài tờ báo chống cộng ở Bắc Mỹ. Đại khái họ chê trách Nguyễn Mộng Giác o bế những nhân vật thân cộng, sau này theo Mặt trận giải phóng, như Tường, bôi bác quân đội Sài Gòn qua nhân vật Lãng, và cả chế độ Sài Gòn nữa, và tác giả đã đánh bóng cho phong trào Phật giáo, v. v... Khi sự công kích trở thành thô bạo, đã có nhà văn lên tiếng bênh vực Nguyễn Mộng Giác, và ông cũng có lần trả lời, đại ý rằng bộ tiểu thuyết chưa xuất bản toàn bộ, vậy không thể đánh giá lập trường tác giả qua hai cuốn đầu tiên.
Thật ra thì Nguyễn Mộng Giác đã viết Những đợt sóng ngầm và Bão nổi với tất cả tấm lòng tha thiết với kỷ niệm, với tất cả những mất mát của bản thân; nếu ông có nâng niu sự cố này hay nhân vật kia, thì đó cũng là tình cảm thường tình của người mẹ với những đứa con – dù là con hư. Mà dù trong thâm tâm Nguyễn Mộng Giác có nuôi nấng chút tình cảm nào đó với phong trào tranh đấu miền Trung 1964-67, thì cũng chưa chắc gì ông đã tán thành quan điểm chính trị và phương pháp hành động của phong trào đó. Nguyễn Tuân, khi đề cao tài chém treo ngành của một đao phủ hay lòng yêu nghệ thuật của một cai ngục, không chắc gì đã ưa nghề đao phủ hay cai ngục. Thậm chí, viết văn, đôi khi chỉ là cách vân vê một vết thương trong đời mình.
Nhà văn Nhật Tiến yêu thích hai tác phẩm này là có lý do sâu sắc[6].
Nhưng dường như Nguyễn Mộng Giác cũng thấm đòn. Đến Mùa biển động, tập 3 (1986, không có tên riêng), ông đã thận trọng hơn, chừng mực hơn, "giữ võ" kỹ hơn. Động tác chỉ xảy ra mấy ngày Tết Mậu Thân 1968 tại Huế, với những trận đánh, những vụ "xử lý" chôn người mà mọi người đều biết; tác giả mô tả cảnh thảm sát ở một chương áp chót và giải thích hiện tượng đó ở chương cuối, như một tư liệu. Nhắc lại những tàn bạo của các đơn vị Mặt trận giải phóng tại Huế, Nguyễn Mộng Giác chỉ nêu lên một sự thật lịch sử, một trong nhiều sai lầm của phe giải phóng, nhưng thuộc loại tàn bạo nhất. Nhưng cũng là một cách chứng tỏ rằng ông không phải là người thân cộng, với những ai cần biết rõ điều đó để an tâm.
Về cuộc tổng công kích Mậu Thân 1968 tại Huế, ngày nay ta có nhiều tác phẩm tư liệu: từ Giải khăn sô cho Huế (1969), Tình ca cho Huế đổ nát (1967) của Nhã Ca, đến bút ký của một số nhân vật đã từng sống trong Mùa biển động như Hoàng Phủ Ngọc Tường (Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu, 1971), hay Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Quang Hà, Tô Nhuận Vỹ (Huế những ngày nổi dậy, 1979), hoặc của tướng Lê Chưởng, chính ủy mặt trận Huế thời đó (Đất nước vào xuân, 1979). Đây là những chứng từ có giá trị lịch sử và văn chương. Ngoài ra còn có những hồi ký mặt trận của các tướng Lê Tự Đồng, Trần Quý Hai. Có lẽ Nguyễn Mộng Giác chưa đọc, chỉ dựa vào hồi ký của tướng Lê Minh và cuốn The battle for the Tet 1968 của Keith William Nolan.
Tuy nhiên, Mùa biển động III là một cuốn sách hay, qua thuật kể chuyện trầm tĩnh, chừng mực và hấp dẫn. Tác giả khéo gạn lọc những chi tiết làm nổi bật tâm lý của người Huế trung bình lúc đó. Chúng ta lại có dịp so sánh để thấy đặc tính của ba thể loại văn chương: Hoàng Phủ Ngọc Tường viết bút ký, Lê Chưởng viết hồi ký, Nguyễn Mộng Giác viết tiểu thuyết. Họ khác nhau không phải chỉ ở "lập trường" hay vị trí quan sát, hay cách nhìn, mà còn ở hành văn, ở thể loại. Điểm cuối cùng này về mặt văn học, tôi rất thích thú.
Đến Bèo giạt, tập 4, dường như Mùa biển động đã đưa Nguyễn Mộng Giác đến Tiền Đường. Nợ tình đã trả xong trong hai cuốn đầu, ân oán cũng đã phân minh với cuốn 3, tác giả phát triển tài năng của mình thoải mái. Trước hết, ông đổi không gian: từ Huế, động tác chuyển vào Qui Nhơn, và phần nào Sài Gòn. Thời gian cũng im ắng hơn: kỷ niệm Mậu Thân đang kéo da non thành sẹo, người ta lo lắng cho hòa bình. Chuyện xảy ra từ 1968 đến Hiệp định Paris 1973: Ngữ, nhân vật chính, một hạ sĩ quan đã làm việc tại tòa tỉnh trưởng Thừa Thiên, được chuyển vào Sài Gòn, học thêm, thi tú tài, vào trường sĩ quan Thủ Đức, rồi được về làm việc tại tiểu khu Quy Nhơn. Không khí chính trị bớt căng thẳng: không còn những đấu tranh sôi nổi của hai tập đầu, cũng không còn sự ngột ngạt giữa hai lằn đạn như trong tập 3. Bèo giạt là sự chờ đợi, suốt thời gian hòa hội Paris. Cuộc tranh chấp chính trị, giới hạn trong phạm vi cá nhân, quyền bính và địa phương, không phản ánh được sự chuyển mình của miền Nam lúc đó; ngược lại, các nhân vật sống nhiều hơn đời sống riêng tư của mình: tình yêu, tình gia đình, tình bạn xen kẽ vào những chương trình thời sự. Lời kể chuyện nhẹ nhàng, linh hoạt, hấp dẫn hơn, "tiểu thuyết" hơn; các nhân vật thoát ly phần nào ra khỏi từ trường của thời đại, đã xê dịch, sinh hoạt, đối thoại tự nhiên hơn. Về phương diện kỹ thuật, Bèo giạt có những ưu điểm nhất định.
Những ưu điểm đó cần được trả giá: trước hết là sự chênh lệch so với ba tập trước. Từ một không khí nặng trĩu thời cuộc đè bẹp định mệnh, những nhân vật như Tường, Ngô, Nam, bước sang Bèo giạt người đọc như hụt hẫng khi nghe các ông trung tá, đại tá, giữa những canh mạt chược, đàm luận về cách làm tỉnh trưởng: tỉnh lớn phải thế này, tỉnh nhỏ phải thế kia. Trong khi đó, những năm 1970-73 miền Nam đang đi vào khúc quanh quyết định: hòa hội Paris, chính sách Việt Nam hóa chiến tranh, mặt trận Trị Thiên, mùa hè đỏ lửa, cuộc đấu tranh tại các đô thị chống tham nhũng, độc tài… Tác giả có viện lý do không viết tiểu thuyết lịch sử đi nữa, thì người đọc vẫn mong đợi nhiều âm vang hơn của thời sự, dù chỉ là thời sự của tỉnh Bình Định, một địa phương quan trọng, thời đó có nhiều sự cố.
Để vớt lại nhược điểm đó, tác giả đưa ra nhiều nhận định tổng quát về chính trị: về chế độ Ngô Đình Diệm (tr. 1076), về tác dụng vụ tấn công Mậu Thân (tr. 1080) – cả hai nhận định đều không mấy liên quan đến Bèo giạt, có liên quan là những ý kiến về chương trình bình định nông thôn (tr. 1068), tiếc rằng những trang viết này vừa dài dòng, vừa sơ lược và nằm ở ngoại vi tiểu thuyết.
Tóm lại, Bèo giạt dễ đọc hơn ba cuốn trước nhờ lối kể chuyện của tác giả. Nhưng cũng như toàn bộ Mùa biển động, tác phẩm mang nặng tâm tình của tác giả – một Nguyễn Mộng Giác bớt say đắm và trầm tĩnh hơn.
Mà kỷ niệm vẫn thiết tha, đằm thắm: tiếng cửa sắt mở hé ở tòa soạn Bách Khoa; tiếng đánh máy chữ lóc cóc giữa tiếng ì ầm của máy in, ở tòa soạn báo Văn, hai chữ "tình thân" ở cuối thư, vẫn còn gợi nhiều âm hưởng da diết đối với nhiều người, trong đó có Nguyễn Mộng Giác, có cả tôi: chúng tôi bắt đầu yêu, yêu cuộc sống, yêu văn chương qua những âm hưởng đó. Và nay, đọc lại Nguyễn Mộng Giác, sau bao nhiêu mùa biển động, bầu trời trong tôi bỗng ánh ỏi rất nhiều tiếng chim vườn cũ.

29 tháng giêng 1990

Tưởng niệm Nguyễn Mộng Giác:

VỀ THỂ LOẠI

Tiểu thuyết trường thiên

Trường thiên tiểu thuyết là thuật ngữ Nguyễn Mộng Giác đã dùng để gọi thể loại mà ông sử dụng khi viết Mùa biển động: một tiểu thuyết dài nhiều lần hơn mức trung bình, chia thành nhiều tập, đưa ra một tuyến nhiều nhân vật, sống trong một giai đoạn lịch sử dài, và những hoàn cảnh khác nhau.
Có thể nói Nguyễn mộng Giác là "chuyên gia" về thể loại này: ông còn là tác giả bộ tiểu thuyết lịch sử, lấy thời kỳ Tây Sơn làm bối cảnh, bộ truyện Sông Côn Mùa Lũ, bốn cuốn, dài khoảng 2000 trang, viết tại Sài Gòn từ tháng 3 đến tháng 8-1981, tu chính tại Hoa Kỳ 1990, và nhà An Tiêm của Thanh Tuệ xuất bản, cùng năm, tại Cachan-Paris và California. Sách được tái bản trong nước, tôi không nhớ xuất xứ, vì tôi có một bộ nhưng đã gửi tặng… tác giả! Sách, vì ấn hành trong nước, đã gây tai tiếng và phiền hà cho người viết tại Mỹ.
Như vậy, mấy chữ trường thiên tiểu thuyết đã mất nghĩa đầu tiên của nó: trước kia, nó chỉ là truyện dài, khác với trung thiên tiểu thuyết là truyện vừa, và đoản thiên tiểu thuyết là truyện ngắn. Từ ngày báo Phong Hóa, năm 1932, đưa ra từ truyện ngắn, thì dần dần người ta chỉ còn dùng hai chữ truyện dài, truyện ngắn. Cũng cần thêm rằng, hai chữ truyện ngắn mượn của người Anh, dịch từ short story, chớ người Pháp và người Trung Quốc, thầy ta lúc ấy, không có khái niệm truyện ngắn, hiểu theo quan niệm bây giờ.
Tiểu thuyết trường thiên không phải là một phát minh son trẻ. Đông Châu liệt quốc hay Tam quốc chí đã là truyện trường thiên hay, đọc lại không chán và không thấy dài. Người Pháp có truyền thống tiểu thuyết trường thiên từ Rabelais đến Balzac, Zola, Jules Romain, v.v...
Ở Việt Nam, người thí nghiệm tiểu thuyết trường thiên đầu tiên có lẽ là Nhất Linh, phần nào dưới ảnh hưởng của các tác gia Pháp nói trên, và một số tác phẩm bề thế khác của Tolstoi mà ông rất hâm mộ. Ông trình bày quan niệm và dự tính sáng tác qua lời giới thiệu bộ truyện Xóm Cầu Mới, khởi thảo từ 1940 viết dang dở và in năm 1973: "Xóm Cầu Mới là bộ trường giang tiểu thuyết gồm một loạt truyện dài, đặt dưới tên chung Xóm Cầu Mới. Mỗi truyện dài lại có tên riêng. Những truyện dài có liên can hoặc xa hoặc gần đến cái xóm Cầu Mới, mà các nhân vật chính hay phụ phần nhiều lấy ở số người tới ngụ cư trong xóm. Tuy có cái tên chung, và tuy các nhân vật có thể có mặt ở trong hết cả hay một số lớn các truyện, nhưng độc giả có thể đọc một truyện mà không cần đọc truyện khác cũng không bị thắc mắc hay ngơ ngác […]. Tôi mong viết độ hai chục cuốn nữa thành một bộ gần vạn trang mới đủ để tả đầy đủ sự phức tạp và muôn mặt của cuộc đời".
Đoạn trích dẫn dông dài, nhưng nói lên được những nét chính của thể loại tiểu thuyết trường thiên – thời đó gọi là trường giang – như các tác gia phương Tây đã quan niệm. Ý định Nhất Linh chỉ thực hiện được một phần mười: hai tập Xóm Cầu Mới chỉ ngoài 700 trang là đi trước; nhà Phượng Giang đã xuất bản mười năm sau khi Nhất Linh quá cố, ngày nay gia đình đã in lại, có phụ lục hồ sơ sáng tác, nxb Văn Mới, 2002, California,  Xóm Cầu Mới là một tác phẩm hay, hành văn giản dị, các nhân vật được mô tả tinh vi trong dáng điệu, lời nói, nếp suy nghĩ và rung cảm. Đời sống hàng ngày của những con người tầm thường trong một xã hội tầm thường, đó là nội dung nghệ thuật Nhất Linh mà ít người đạt tới.
Bộ Dòng sông Thanh Thủy gồm ba cuốn: Ba người bộ hành, Chi bộ hai người và Vọng quốc, tổng cộng hơn 600 trang, Nhất Linh viết rất nhanh, ba bốn tháng gì đó (1960-61). Tác phẩm kể lại hoạt động chính trị của một số cán bộ Việt Quốc và Việt Minh sang hoạt động tại Côn Minh khoảng 1944. Tuy có hình thức một tiểu thuyết trường thiên, nhưng Dòng sông Thanh Thủy chỉ là một truyện dài, vì chỉ mô tả số phận một vài nhân vật chính, chứ không gợi ra được một khung cảnh xã hội lớn lao. Điều đó nhắc lại rằng: tiểu thuyết trường thiên, hay chu kỳ, không phải do số trang, mà còn do cơ cấu nội tại. Những kẻ khốn nạn (Les missérables) của Victor Hugo hay Jean-Christophe của Romain Rolland, thậm chí Đi tìm thời gian đã mất (A la recherche du temps perdu) của Marcel Proust, tuy là dài, vẫn không phải là tiểu thuyết chu kỳ. Ở Việt Nam, hai tập Bão biển (1969) và Đất mặn của Chu Văn, Cù lao Tràm của Nguyễn Mạnh Tuấn (1985) là truyện dài, nhưng Vỡ bờ hai tập (1962 và 1970) của Nguyễn Đình Thi, tuy gọi là tiểu thuyết, lại mang vóc dáng một tác phẩm trường thiên, vì  tính cách sử thi đã làm sống lại cả xã hội miền Bắc trong năm năm chuyển mình, chuẩn bị cuộc Cách mạng tháng Tám. Vỡ bờ thuộc vào tác phẩm lớn lao, đã được tác giả ôm ấp và sáng tác trong hai mươi năm, từ 1948. Những tiểu thuyết riêng lẻ của Tô Hoài, từ Quê Người, 1941, Giăng Thề, 1944 đến Mười Năm 1957, lấy làng dệt Nghĩa Đô làm khung cảnh, cũng mang dáng dấp tiểu thuyết chu kỳ; trong ý tác giả, dường như Người ven thành, 1972, và Quê Nhà, 1981, cũng nằm trong chu kỳ này.
Ở miền Nam trước 1975, Khu rừng lau của Doãn Quốc Sĩ là một bộ trường thiên quan trọng vì ghi lại tâm trạng một lớp thanh niên theo kháng chiến chống Pháp rồi bỏ kháng chiến, di cư vào Nam. Những truyện của Võ Hồng gom lại, cũng có tính cách trường thiên tiểu thuyết về đời sống tại miền nam Trung bộ thời kháng chiến chống Pháp.
Tiểu thuyết trường thiên tiêu biểu của văn học Việt Nam là bộ Cửa biển của Nguyên Hồng, khoảng hai nghìn trang, chia ra làm bốn cuốn: Sóng gầm (1961), Cơn bão đã đến (1967), Thời kỳ đen tối (1973), Khi đứa con ra đời (1976), mô tả đời sống cay cực của lớp người nghèo tại thành phố cửa biển Hải Phòng trong mười năm 1936-1945, đã vùng lên làm cuộc Cách mạng tháng Tám.
Bộ sách viết trong mười lăm năm (1959-74), thời gian đó Nguyên Hồng không làm việc gì khác, và đi đâu cũng khệ nệ tập bản thảo, sợ… mất. Trong hồi ký Những nhân vật ấy đã sống với tôi (1978), ông đã kể lại kinh nghiệm sáng tác Cửa biển, sự thành hình những nhân vật nhô lên từ ký ức hay thực tại, quá trình tái sinh những sự kiện, những hình ảnh. Đây là một hồ sơ sáng tác quí hiếm, nếu không phải là duy nhất giúp ta tìm hiểu sự thai nghén và khai hoa một tác phẩm nghệ thuật. Nguyên Hồng đã thổ lộ nỗi vất vả và vật vã của kẻ "đã thai nghén và mang rất nặng, đẻ thì đau quá sức lẽ mình, vậy mà lại đẻ ra người giấy, nhân vật giấy": "Năm 1959, tôi bắt đầu viết tập đầu là tập Sóng gầm trong bộ Cửa biển […]. Sang năm 1960 thì được hơn 150 trang bản thảo, giấy là mặt sau của trang sổ khổ rộng, giấy màu hồng hồng, của một công sở hay nhà buôn gì đó hồi Pháp thuộc bỏ lại […]. Bốn, năm chương của tập đầu đã thành chữ với hơn 150 trang kia, chính mình đọc mà cũng chán ngấy. Chán vì nó nhạt hoét, giả khượt. Mà nó nhạt hoét, giả khượt vì sáo mòn, dễ dàng, nông choèn […]. Tôi bỏ hẳn tập bản thảo đầu với hơn 150 trang khổ rộng, giấy màu hồng hồng nọ. Tôi viết tập bản thảo hai, bản thảo ba. Nhà tôi chép lại, tôi lại sửa và đưa đăng báo mấy chương. Đánh máy, đăng báo rồi (Báo Văn nghệ 1961), tôi lại sửa. Đưa nhà xuất bản, đánh máy duyệt in, vẫn sửa. Thành trang đưa đọc để máy chạy trọn vẹn, cũng vẫn sửa… Vẫn sợ nhạt loãng, vẫn lo sự giả tạo, vẫn phải sao thật tỉnh táo với chính mình nếu có chút gì gian dối".
Ấy là Nguyên Hồng đã sáng tác trong hoàn cảnh ưu đãi của xã hội mà ông phục vụ, vì đã đăng ký đề cương sáng tác với Hội nhà văn, ký giao kèo sáng tác trong mười năm… Chứ thật ra Cửa biển đã được ấp ủ từ 1941. Từ khi khởi thảo tác phẩm, đến Khi đứa con ra đời (!), 1976, là 35 năm, thời gian dài hơn hai cuộc kháng chiến cộng lại. Và phần gian lao ắt cũng tương đương. Kết quả đáp ứng xứng đáng với công lao động ấy: Cửa biển của Nguyên Hồng là tác phẩm quan trọng hàng đầu trong ngành tiểu thuyết Việt Nam, ở tầm vóc của nó, và ở giá trị nhân đạo, xã hội, lịch sử và nghệ thuật nữa.
Gần đây hơn, Phan Tứ đã viết bộ tiểu thuyết trường thiên Người cùng quê, về xã hội tại địa phương vùng nam Trung bộ, chủ yếu là Quy Nhơn, đã xuất bản ba tập (1985, 1995, 1997) khoảng 1500 trang. Chúng tôi không biết những tập sau...
Tiểu thuyết trường thiên đòi hỏi sức lao động bền bỉ, và hoàn cảnh sáng tác thuận lợi, dù ở mức tương đối. Nhưng công trình có khi bạc bẽo: trong xã hội nhiều đột biến như Việt Nam từ mấy mươi năm nay, có khi tác phẩm viết xong rồi – hai mươi năm sau – thì không còn đáp ứng với sở thích người đọc, như trường hợp Xóm Cầu Mới của Nhất Linh. Khối độc giả mới, đa số là thanh niên, không còn thư thái để nhâm nhi những tinh vi, tế nhị của Nhất Linh, nhưng tác phẩm cũng gây một ảnh hưởng nào đó trong tiến trình tiểu thuyết, mà ta gặp lại trong tiêu đề Bèo giạt của Nguyễn Mộng Giác, là một trong những tên cũ của Xóm Cầu Mới.
Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi, Cửa biển của Nguyên Hồng cũng chịu số phận lao đao, vì những lý do khác. Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi là những người cộng sản trung kiên, đã đi theo cách mạng từ thời kỳ trứng nước, đã vào tù, ra khám, đã trưởng thành trong chiến đấu, đã quán triệt mọi lập trường, quan điểm, yêu cầu giai cấp. Thế mà khi tác phẩm in ra thì bị các nhà phê bình tuyên huấn hạch sách trăm thứ bà dằng, đến độ bố Thi cáu sườn, trả lời đại khái là: tôi là người buôn ngựa, các anh là kẻ lái trâu, nên đã chê ngựa tôi… không có sừng.
Những truyện của Tô Hoài, người đã theo cách mạng rất sớm, viết về những người thợ dệt làng Nghĩa Đô, quê ông, ở ngoại thành Hà Nội, thu vén lại cũng thành trường thiên tiểu thuyết: đó là hoài bão của ông khi ông viết truyện Mười năm (1957) mà ông đã thai nghén trong… mười năm. Khi sách xuất bản, bị đập tơi bời – vì sai lập trường cách mạng, không nêu lên được "con người mới". Tô Hoài chán, một thời gian, không viết nữa. Những người lãnh đạo Việt Nam phải chịu trách nhiệm về sự bế tắc của tiểu thuyết Việt Nam.
Tiểu thuyết xưa nay vẫn là niềm an ủi của quần hùng chiến bại, là tiếng kèn bi thảm của hiệp sĩ Roland từ đèo Roncevaux đáp lại lời kêu cứu thất thanh của Quan Công khi thất thủ Kinh Châu, là tâm sự của Từ Hải, chết rồi còn đứng giữa trận tiền để đợi chàng Julien Sorel rụng đầu bên máy chém. Tiểu thuyết, nơi hẹn hò của những Hạng Võ khi biệt Ngu Cơ. Ngược lại lịch sử là triều đình của những người chiến thắng, của Tần Thủy Hoàng, Lưu Bang, Câu Tiễn, Trần Thủ Độ, Đặng Trần Thường, tiểu thuyết là lối về của người chiến bại, những Kinh Kha, Ngũ Tử Tư hay Ngô Thời Nhậm. Trong đám tàn quân rã ngũ đó, có cả nhân vật Mùa biển động của Nguyễn Mộng Giác – và có lẽ có cả Nguyễn Mộng Giác. Tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa, ở một chân trời khác, thì lật ngược quy luật: các nhân vật chính và chính diện – con người mới – sau khi chiếm đoạt lịch sử thì chế ngự luôn cả nghệ thuật; họ làm anh hùng hai lần, chỉ với một mũi tên; họ xe duyên với Thúy Vân rồi ép duyên cả Thúy Kiều, họ có cái vẻ vang luộm thuộm lẫn cái hạnh phúc lúng túng của những người đàn ông hai vợ.
Ngày nay, mấy chữ tiểu thuyết trường thiên nghe nó xa xôi quá. Cứ gọi là bộ truyện Cửa biển, Mùa biển động, Sông Côn mùa lũ, nghe gần gũi hơn, và đúng hơn. Vì khái niệm tiểu thuyết, du nhập từ phương Tây, từ thời kỳ này sang thời đại khác, đã nhiều lần biến chất, và hiện nay là một văn loại đang tự hủy hay băng hoại trước nhưng thể loại khác và phương tiện truyền thông mới. Cái còn lại là cốt lõi, là phần "truyện", hiểu theo nghĩa nôm na: truyện Tam Quốc, truyện Thạch Sanh. Khi mọi người đều nói truyện Mùa Biển Động, thì Nguyễn Mộng Giác có quyền sung sướng.

Orleans, 05 tháng hai 1990, đọc lại và cập nhật 02-7- 2012, để tưởng niệm Nguyễn mộng Giác.

[1] Mùa biển động, năm tập đều do nhà Văn nghệ (California) xuất bản; tập cuối Tha hương, 1989, giá 21 đôla Mỹ. Địa chỉ: P. O. Box 2301, Westminster, CA 92683, USA.
[2] Cửa biển, gồm có Sóng ngầm (1961), Cơn bão đã đến (1967), Thời kỳ đen tối (1973), Khi đứa con ra đời (1976), đều do nhà Văn học xuất bản, Hà Nội. Riêng Sóng ngầm in lại trong Tuyển tập III Nguyên Hồng, nxb Văn học, Hà Nội, 1985.
[3] Ngựa nản chân bon, 1984, Xuôi dòng, 1987, nxb Văn nghệ, California.
[4] Nguyễn Mộng Giác, Tha hương, sách đã dẫn, tr. 1860 và 1853.
[5] Lời giới thiệu ở trang bìa.
[6] Nhật Tiến, tạp chí Văn học số 39, tháng 4-89, California, tr. 45. 




nguyễn hưng quốc 

nhớ Nguyễn Mộng Giác

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã qua đời ngày 2 tháng 7 tại Nam California, Mỹ. Nhận được hung tin, tôi không thấy bất ngờ lắm nhưng vẫn lặng người, bàng hoàng.
Không bất ngờ vì năm ngoái, cũng vào tháng 7, khi tôi và Hoàng Ngọc-Tuấn ghé Cali, đến thăm Nguyễn Mộng Giác, tôi đã thấy sức khoẻ của anh đã yếu lắm. Anh vẫn đi đứng nhưng dáng đi rất chậm, có vẻ gì như chênh vênh. Anh vẫn cười nói sôi nổi, nhất là khi bàn luận chuyện văn chương, nhưng sự chuyển động của đôi môi có vẻ gì như khó khăn và các cơ bắp trên mặt có vẻ gì như đờ cứng, không linh hoạt như trước. Sau mấy tiếng đồng hồ chuyện trò xôm rả, ra về, tôi cảm thấy buồn rầu và bất an, không biết mình có còn gặp được anh lần nữa hay không.
Càng không bất ngờ khi tuần trước, lúc tôi, Hoàng Ngọc-Tuấn và Võ Quốc Linh đang chuẩn bị đi Mỹ, tôi nhận được điện thoại của bạn tôi, anh Nguyễn Xuân Thu, kể về chuyến Mỹ du ngắn ngủi của anh, ở đó, anh có gặp Nguyễn Mộng Giác trong bệnh viện. Khi tôi hỏi về tình hình sức khoẻ của Nguyễn Mộng Giác, anh Thu khựng lại một lát rồi mới trả lời, giọng buồn buồn: “Chắc không còn lâu đâu!” Tôi muốn hỏi thêm chi tiết, nhưng anh Thu có vẻ không muốn kể. Anh chỉ nói: “Chuyến đi Mỹ lần này buồn quá. Mình chẳng muốn đi Mỹ nữa. Bạn bè người thì đã mất, người thì sắp mất. Đi về, lòng nặng nề dễ sợ.” Tôi, một mặt, mong Nguyễn Mộng Giác được bình phục; mặt khác, hy vọng, nếu bệnh tình anh biến chuyển xấu, cái xấu cuối cùng sẽ đến chầm chậm một chút để tôi có thể đến gặp anh lần cuối.
Không bất ngờ nhưng tôi vẫn bàng hoàng.
Cái chết của người thân nào cũng gây bàng hoàng. Trong những người cầm bút nổi tiếng trước năm 1975, hai người đầu tiên tôi thân là Mai Thảo và Nguyễn Mộng Giác. Thân hầu như ngay tức khắc khi tôi gửi bài cho Văn và Văn Học. Nhận được bài, bao giờ anh Giác cũng viết thư khen ngợi. Tôi xem họ như những tri âm thứ nhất của mỗi bài mình viết. Tháng 3, 1989, tôi mới gặp Nguyễn Mộng Giác trong một cuộc hội nghị văn học ở Chicago. Gặp nhau, có cảm tưởng như đã thân thiết từ bao giờ. Chuyện trò miên man không dứt. Sau đó, anh Giác rủ tôi về California chơi. Tôi ở nhà anh mấy ngày. Lại chuyện trò. Đêm nào cũng chuyện trò đến khuy lơ khuya lắc. Năm sau, anh Giác sang Pháp chơi. Anh ở nhà khác nhưng vẫn gặp tôi khá thường xuyên. Lại vẫn chuyện trò. Từ những buổi chuyện trò ấy, tôi nhận ra các cuộc đàm thoại của giới cầm bút ít nhiều tâm đắc với nhau có hai đặc điểm nổi bật: Một là, cuộc chuyện trò, dù là lần đầu tiên, cũng là một sự tiếp tục những cuộc chuyện trò dở dang đâu đó, từ trước. Không có những giây phút lúng túng gợi chuyện, hỏi han những chuyện tào lao trời ơi đất hỡi. Về vợ con. Về mưa nắng. Hai là, đề tài phổ biến nhất bao giờ cũng giống nhau: văn học. Không có gì khác. Không về tác giả thì cũng về tác phẩm. Không về vấn đề thì cũng về sự kiện. Không vui thì buồn. Nhưng chúng chỉ là một. Riêng với Nguyễn Mộng Giác, các cuộc chuyện trò về văn học bao giờ cũng để lại cho tôi thật nhiều ấn tượng tốt đẹp. Anh đã bắt đầu cầm bút trước năm 1975 nên biết khá nhiều chuyện về văn học miền Nam thời ấy. Sau năm 1975, ở lại Sài Gòn, anh cũng có dịp tiếp xúc với giới cầm bút mới từ Hà Nội vào nên cũng biết ít nhiều tình hình văn học miền Bắc. Ở Mỹ, anh cộng tác chặt chẽ với tờ Văn Học Nghệ Thuật của Võ Phiến, rồi sau đó, làm chủ bút tờ Văn Học, nên biết rất nhiều về tình hình văn học hải ngoại. Anh có trí nhớ tốt. Óc phân tích cũng tốt. Cách nói năng mạch lạc. Lại có chút dí dỏm và biết lắng nghe. Nên nói chuyện với anh rất thích.
Có điều, quan hệ của tôi với anh, sau này, không còn êm thắm như trước. Một mặt, tôi sang Úc, xa xôi quá. Mặt khác, anh cũng không còn làm tờ Văn Học, và sau đó, ít viết hẳn. Hơn nữa, quan niệm về văn học của tôi cũng đổi khác. Giữa chúng tôi, tuy vẫn quý trọng nhau, những điểm chung không còn nhiều. Có lần, sang California, bận bịu quá, tôi không đến thăm anh, sau đó, tôi nghe nhiều người kể là anh thường cằn nhằn trách móc. Chuyến đi California sau, hai anh Đỗ Quý Toàn và Phạm Phú Minh chở tôi và Hoàng Ngọc-Tuấn đến thăm anh, anh có vẻ mừng lắm. Suốt mấy tiếng đồng hồ, anh nói huyên thuyên, hết kể chuyện này đến chuyện khác. Vẫn sôi nổi. Và say sưa.
Tuy nhiên, tôi bàng hoàng còn vì một lý do khác: dường như cái chết của văn nghệ sĩ nào mình ít nhiều yêu thích cũng gây bàng hoàng. Có cảm giác như họ chết trẻ. Sáu mươi tuổi: trẻ. Bảy mươi tuổi: trẻ. Tám mươi tuổi, nếu còn viết: vẫn trẻ. Hễ còn cầm bút là còn gợi cảm giác trẻ. Văn chương, đặc biệt văn chương sáng tác, bao giờ cũng gợi ấn tượng trẻ trung và tươi mát. Với những người cầm bút có tài năng, dù họ đã ngưng sáng tác, ấn tượng trẻ trung và tươi mát ấy vẫn còn. Có lẽ nó được nuôi dưỡng từ và bởi tác phẩm của chính họ. Bởi vậy, dù Nguyễn Mộng Giác lâu nay không viết lách gì cả, tôi vẫn sống với tác phẩm của anh, vẫn nghĩ ngợi về những gì anh đã viết, vẫn có cả tưởng anh chưa hề già. Nhìn anh bước đi quặt quẹo trong nhà, vẫn tưởng anh chưa già. Nhìn hàm răng chiếc còn chiếc rụng của anh, vẫn tưởng anh chưa già. Cứ tưởng anh trẻ mãi như tác phẩm của anh. Nên khi nghe tin anh mất, vẫn lặng người. Và bàng hoàng.
Tôi đang ở trong nhà anh Trương Vũ ở Washington DC. Buổi tối, con cái anh tổ chức buổi văn nghệ bỏ túi trong nhà với Hoàng Ngọc-Tuấn. Tôi kiên nhẫn chờ buổi văn nghệ chấm dứt, lúc nửa khuya, mới báo tin Nguyễn Mộng Giác mất cho anh biết. Anh lặng người. Ngồi yên thật lâu. Vợ anh nhắc anh đi ngủ. Anh vẫn ngồi yên. Im lặng.
Chúng tôi mỗi người một ly rượu đỏ. Thỉnh thoảng nói chuyện này chuyện kia về Nguyễn Mộng Giác. Nhưng nhiều hơn, là im lặng.
Chỉ ngồi im lặng.
Đến lúc Trương Vũ mệt mỏi quá, chịu đựng không nổi nữa, đứng lên đi nằm, tôi vẫn ngồi yên.
Với ly rượu khác.
Màu rượu đỏ, dưới ánh đèn mờ, biến thành màu của bóng tối. Chỉ có chút ánh sáng lóe lên từ phần trên của chiếc ly thuỷ tinh. Cái phần không có rượu. Phần trống. Phần của hư không.
Thật hiu hắt.

[Bài đã đăng trên Blog Nguyễn Hưng Quốc]



trần hữu dũng 

gửi nén nhang tâm tưởng đếnh nhà văn Nguyễn Mộng Giác

Anh Huỳnh Như Phương nhắn tin lúc 20 giờ, ngày thứ Tư (4.07.2012) báo tin nhà văn Nguyễn Mộng Giác mất. Tôi nhắn lại:“Buồn thật! Những người tài năng biến đi gần hết...”
Sáng nay ngồi quán cà phê vỉa hè 58 Trần Quốc Thảo, Nguyễn Viện có nhắc đến việc anh Nguyễn Mộng Giác giới thiệu anh in tác phẩm ở NXB Văn Mới ở Mỹ.
Tôi nhớ sau năm 1975, nhà văn Nguyễn Mộng Giác lúc làm ở tổ hợp mì sợi ở Chợ Lớn, có in 2 truyện ngắn ở báo Văn Nghệthành phố, ký với bút danh Tố Chân. Giọng văn uyển chuyển, gợi mở, sâu lắng, bạn đọc nào tinh ý dễ nhận ra đó chính là nhà văn vì hơi văn khác hẳn lối viết lúc bấy giờ.
Khoảng năm 1996, tôi có gặp nhà văn Nguyễn Mộng Giác ở quán Trống Đồng ở đường Lê Quý Đôn. Tôi mang đi ly bia sang mời, anh than đang bị “bám đuôi”, tôi bảo ở Sài Gòn đó là “chuyện thường ngày ở huyện”. Sau này thấy anh quen dần, có lúc mời cả “cái đuôi” uống cà phê và hỏi thăm chuyện gia đình.


Lần khác, năm 2008, anh vừa nhận tiền ứng của hãng TFS - đài truyền hình HTV cho việc chuyển thể tác phẩm Sông Côn mùa lũ, đãi thân hữu ở quán 81 Trần Quốc Thảo. Anh bảo muốn gặp lại nhà văn T., tôi bật điện thoại di động cho anh trò chuyện. Giọng anh nhỏ nhẹ, buồn buồn khi kết thúc: “... T. không muốn ra vì sợ dính líu với nhà văn hải ngoại".
Nghe tin nhà văn Nguyễn Mộng Giác qua đời, nhiều bạn đọc cảm thấy hụt hẫng, bàng hoàng dù biết anh bệnh nặng vài năm trước. Tôi thấy cả khoảng trống mênh mông trước mắt khi nhớ lại những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Mộng Giác mà mình từng đọc và yêu thích...
Xin thắp một nén nhang tâm tưởng gửi đến nhà văn Nguyễn Mộng Giác!

Sài Gòn 6.02.2012



nguyễn viện

một ân tình riêng

Tôi thật sự không biết anh Nguyễn Mộng Giác nhiều, cũng đã không thật sự đọc anh ấy, mặc dù đã biết đến tên Nguyễn Mộng Giác từ khi còn tạp chí Bách Khoa.
Nhưng anh Giác lại đã dành cho tôi quá nhiều ân tình.
Nếu tôi nhớ không lầm, tôi chỉ gặp anh Giác 2 lần ở Việt Nam khi anh về nước chơi. Một lần ở quán Trống Đồng (chủ nhân Vũ Trọng Quang), tất nhiên nhậu. Một lần thực hiện cuộc phỏng vấn anh cho báo Thể Thao Văn Hóa.
Còn trong suốt thời gian tôi ở California năm 2006, có lẽ ngày nào tôi và anh Giác cũng gặp nhau cùng cà phê với nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, họa sĩ Hồ Thành Đức, nhà văn Đặng Thơ Thơ... Tôi cũng rất nhớ bữa cơm cuối cùng ở Cali, cùng với anh Giác còn có mặt nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, nhà thơ Lê An Thế và vài người bạn...
Anh Giác kể với tôi, có lần anh Nguyễn Khoa Kha, giám đốc NXB Văn Mới (Cali) khoe anh cuốn “Rồng và Rắn” của tôi do Tổ hợp xuất bản Miền Đông (Washington DC) ấn hành và nói anh đọc. Rồi anh Giác cho biết thêm, anh Nguyễn Khoa Kha cũng muốn in sách cho tôi. Thế là cuốn “Chữ dưới chân tường” đã được xuất bản. Sau này, anh Nguyễn Khoa Kha vẫn muốn in tiếp cho tôi, nhưng tôi thì lại không từ bỏ được “những ngôn ngữ nhạy cảm ngay cả với độc giả ở Mỹ”, nên thôi.


Anh Nguyễn Mộng Giác cũng đã dành cho tôi những lời giới thiệu rất trân trọng khi anh cho phổ biến tác phẩm “Cửa địa ngục” của tôi trên tạp chí Văn Học (2-3 kỳ gì đó, tôi không nhớ chính xác). Và anh cũng làm cho tôi một việc quan trọng khác (cùng với Dương Tường, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Hương, Phan Nhiên Hạo, Hoàng Ngọc - Tuấn...) là viết giới thiệu tôi với William Joiner Center để tôi có cơ hội đến Mỹ.
Khi bắt đầu bệnh, anh còn muốn làm thêm cho tôi một việc, là viết một bài về tôi. Anh nói anh thấy tôi ở hầu như tất cả những biến động gần đây. Nhưng anh đã không kịp làm điều đó.
Tôi viết lại những điều này, như một lời tri ân đối với anh, cũng như với tất cả những ai đã từng ít nhiều giúp đỡ tôi.
Với riêng anh Giác, tôi muốn nói thêm: Cái biến động thực sự, không phải là những sự kiện mang tính thời sự văn học hay xã hội, mà là cái làm cho bản thân ta thay đổi. Nhưng điều này có lẽ không ai ngoài chính bản thân chúng ta biết. Cái biến động đã làm nên những tác phẩm của nhà văn. Nhìn ở góc độ này, hẳn nhiên anh đã trải qua những biến động lớn lao và nó lưu dấu anh như một nhà văn thật sự, theo nghĩa mạnh nhất của nó: người tạo ra những biến động. Và cái chết có thể là biến động cuối cùng mà chúng ta sẽ mang niềm bí mật ấy đi mãi.

Saigon 7.7.2012



mang viên long

Nguyễn Mộng Giác, trong tình thân và nỗi thương tiếc

Năm 1962 – Nguyễn Mộng Giác tốt nghiệp trường ĐHSP Huế, được về dạy Văn tại trường nữ Trung học Đồng Khánh (1962 – 1963). Tại đây – anh đã gặp người bạn đời là chị Nguyễn Khoa Diệu Chi. Sau đó, năm 1964 - được chuyễn về làm Giám học trường Trung học Cường Đễ Qui nhơn, cũng là năm tôi kết thúc năm học cuối ở ngôi trường thân yêu này. Năm ấy – anh cũng vừa có người con gái đầu lòng là Nguyễn Thụy Dao Tiên.
Tôi ghi danh học Luật Saigon, và thi vào trường Quốc Gia sư phạm Qui nhơn – khóa 3. Ra trường, tôi về dạy tại Tuy Hòa (Phú Yên). Sau dó, Nguyễn Mộng Giác giữ chúc vụ Hiệu Trường Cường Đễ, mãi lo ổn định công việc, anh chưa tham gia viết cho các tạp chí văn học nghệ thuật ở Saigon nhiều. Anh thật sự đựợc giới cầm bút bấy giờ biết đến như một tài năng trẻ sung mãn ở tạp chí Bách Khoa sau nhiều truyện ngắn, truyện dài – và các bài biên khảo sau năm 69. Tôi quen anh Nguyễn Mộng Giác từ dạo ấy…
Năm 1971 – Nguyễn Mộng Giác được thăng chuyễn về làm Chánh sở học chánh Bình Định theo sự đổi mới của Bộ GD gom 3 cấp học (tiểu học – cấp 2 và cấp 3) về một tổ chức quản lý – điều hành là Sở Học Chánh. Một lần, từ Tuy Hòa về thăm quê – tôi đến Sở học chánh thăm anh. Tiếp tôi ngay tại văn phòng làm việc, lần gặp đầu – chúng tôi chỉ trao đổi thông tin về các bạn văn - những ngưởi bạn đang tản mát khắp các vùng chiến thuật. Về sinh hoạt văn học ở vài tỉnh thành – nhất là chủ trương của những tờ tạp chí ở Saigon. Anh bình dị trong cách ăn mặc (vẫn bộ đồ âu bình thường như lúc đi dạy và chiếc cà vạt mầu sẫm), từ tốn, kiệm lời – nhưng rất chân tình! Dịp nầy, anh cũng cho biết – nhờ có sự tin tường, động viên, tạo điều kiện của “người anh cả” đồng hương Bình Định là nhà văn Võ Phiến (lúc ấy đang công tác ở Bộ Thông Tin & cộng tác viên thường xuyên và đắc lực của tạp chí Bách Khoa) nên anh đã viết được nhiều hơn… Anh kể lại những lần gặp các anh Trần Hoài Thư, Lữ Quỳnh, Hoàng Ngọc Tuấn (…) café chuyện trò – rất thân tình và ấm cúng, khi đang phải sống quanh cái thị xã nhỏ bé nầy. Anh còn cho biết – đã đôi lần chở Hoàng Ngọc Tuấn đi chơi đây đó (HNT lúc ấy đang đào ngũ) – lên thăm nhà thơ Đặng Tấn Tới (là người bạn cùng phố, đồng môn từ thuở tiểu học của tôi tại thị trấn Bình Định) ở đường Lê Hồng Phong trong những ngày chủ nhật. Nhờ cái không khí bằng hữu gần gũi nầy – mà việc sáng tác có thêm sinh khí, nhiệt tình…
Giữa năm 1974 – anh Nguyễn Mộng Giác được thuyên chuyển về Saigon, làm chuyên viên ở Bộ Giáo dục. Những năm sau 72 – tôi cũng bị ảnh hưởng bởi lệnh tổng động viên, phải rời trường Trung học Nguyễn Huệ Tuy Hòa để nhập ngũ. Từ dạo ấy – chúng tôi không có dịp gặp nhau, nhưng vẫn theo dõi nhau qua các tạp chí văn học, thư từ…
Những năm tháng sau 75 – tất cả anh em chúng tôi như bị thất lạc, tản mát – và lênh đênh theo từng số phận. Sau năm 78 – tôi được trả về quê, “mất dạy”, sống bằng đủ thứ nghề tay chân lặt vặt - ở cùng khu phố với Đặng Tấn Tới – và được nghe nhiều thông tin về Nguyễn Mộng Giác ở Saigon: Anh đi bán sách cũ, làm công cho lò bánh mì, rồi tham gia chế biến sản xuất mì sợi (…). Trong 6 năm sống trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn giữa Saigon đầy biến động, anh Nguyễn Mộng Giác cho biết – đã luôn cố gắng, kiên nhẫn - viết từng chương cho cuốn truyện dài “Sông Côn Mùa Lũ” trong những lúc được thay ca, nghỉ trưa, hay trực gác đêm ở sơ sở sản xuất mì sợi. Nghe anh kể lại – tôi rất khâm phục nỗi đam mê và lòng kiên trì của anh. Là một người đồng thời cùng tham gia sinh hoạt văn học với  anh – nhưng sau 75 - tôi đã phải “gác bút” khá lâu vì hoàn cảnh quá khó khăn khi trở về quê với hai bàn tay trắng, với bao điều nhiễu nhương, phiền muộn (15 năm: 75 – 90).
Tin anh Nguyễn Mộng Giac “vượt biển” cùng người con trai duy nhất là Nguyễn Thụy Vũ (là em của Nguyễn Thụy Dao Tiên) vào cuối năm 1981 được anh em truyền tin cho nhau rất nhanh chóng. Mỗi ngày, mỗi tháng qua – tin anh em lần lượt ra đi như một nỗi chia xa đau xót! (…).
 Về sau – trong vài lần được về thăm Mẹ, thăm quê đầu tiên, Nguyễn Mộng Giác ít đi. Ở ngay Qui Nhơn gọi thăm anh em, mời anh em có dịp ghé nhà chơi! Tôi nhớ một lần anh gọi thăm tôi – anh cho biết vừa nhận được tiền nhuận bút của Binhdinh online đã đăng truyện “Sông Côn Mùa Lũ”, tôi cũng kể cho anh nghe vài thông tin rất vui về truyện dài nầy – trong đó, có lần nghe ông Phan Văn Khải (lúc ấy đang là thủ tướng chính phủ) – trong một lần nói chuyện tại Bình Định về công tác thủy lợi đã nhắc đến “Sông Côn Mùa Lũ”… Qua anh, tôi được biết vài thông tin về nhà văn Võ Phiến, Viên Linh, Mai Thảo, Duyên Anh (…).
Khoảng giữa năm 2005 vào lúc hơn 9 giờ sáng – Nguyễn Mộng Giác bất ngờ đến nhà tôi cùng với Đặng Tấn Tới. Thì ra, anh nhớ nhà của ĐTT nên đến thăm trước, sau đó – nhờ Tói đưa sang nhà tôi ở bên nầy chợ Bình Định. Hơn 30 năm được gặp lại anh – qua bao tang thương biến đổi, nhưng tôi vẫn nhận ra ở anh một con người bình dị, chân thành và gần gũi! Đang trò chuyện – anh vội đứng dậy, kéo áo ra ngoài quần, đưa cho tôi xem vết mổ dài từ giữa bụng: “Nhân dịp mình nghỉ hưu, công ty cho đi khám sức khỏe toàn diện, bác sĩ đã phát hiện có vết đen ở gan – nghi ung thư, Bệnh viện đã yêu cầu thân nhân ký vào đơn cam kết, nếu khi mố vết đen chưa ảnh hưởng gì đến gan - họ sẽ phẩu thuật - và bảo đảm lành bệnh hoàn toàn. Ngược lại – thì sẽ không thể can thiệp được, sẽ may lại, như cũ! Anh vui vẻ: “Rất may – là họ đã phát hiện sớm – và mình đã được giải phẩu an toàn!”. Nghe anh chia sẻ - tôi rất mừng! Rất tin tường là anh sẽ còn nhiều thời gian để cống hiến cho văn học ở hải ngoại, cũng như trong nước – như bao ước vọng mà anh đã có lần tâm sự bấy lâu. Anh ngồi lại chuyện trò với chúng tôi đến gàn 11 giờ trưa – tôi ngỏ ý mời anh ở lại dùng cơm tương rau – nhưng Nguyễn Mộng Giác đã cám ơn – xin về, bởi có hẹn với một người bạn ở Qui nhơn. Chúng tôi cùng đưa anh đến trạm xe buýt bên này cầu vào thị trấn – gần siêu thị sách An Nhơn. Ba chúng tôi ngồi ở chiếc quán cóc bên đường – uống chai Pepsi, tiếp tục nhắc nhở, động viên nhau, chuyện vãn cho đến khi chuyến xe buýt từ Đập Đá vào trạm. Anh Nguyễn Mộng Giác nhắc lại lời mời tôi cùng đi Qui nhơn chơi, nhưng tôi đã rất tiếc phải từ chối. Chỉ kịp gởi lời thăm hỏi quý anh em thân hữu còn ở bên kia…


Hai năm sau – 2007, biết tin sức khỏe của Mẹ đã suy giảm nhiều, Nguyễn Mộng Giác đã về lại Qui Nhơn. Lần nầy, anh ở lại khá lâu chăm sóc Mẹ, viếng thăm bà con, thăm nhiều bạn văn – học trò, nhiều anh em ở Tây Sơn (...). Anh trở lại Mỹ để tiếp tục công việc không lâu – thì ngày 04 tháng 12 (2007) Nguyễn Mộng Giác nhận được tin của người em trai là Nguyễn Văn Ngọc từ Qui nhơn cho biết Mẹ anh vừa mất! (...).
Nhà thơ Hoàng Lộc từ Menphis gọi về cho tôi vào khoảng 16 giờ ngày 03 tháng 7 năm 2012 báo tin anh Nguyễn Mộng Giác đã mất vào lúc 22 giờ 15…
Khoảng hai năm trước ngày anh mất – tôi nhận được nhiều thông tin về bệnh tình và sức khỏe của anh. Bệnh ngày càng trầm trọng, Sức khỏe suy yếu rất nhanh. Tôi nhớ ngay đến buổi sáng anh ghé thăm tôi (cùng với Đặng Tấn Tới năm 2005) – và vết mổ từ giữa ngực dài xuống bụng – nghĩ rằng, anh đã “được” các bác sĩ và người thân che dấu một sự thật về bệnh trạng của anh ngay từ lúc ấy chăng?
Trước ngày nhận được phone của Hoàng Lộc báo tin khoảng một tuần, Nguyễn Nam Sơn từ Australia “chát” với tôi (thật ra thì những lúc tôi mở mail – NNS tình cờ “đột nhập” vào – thăm hỏi vài câu, trao đôi ngắn gọn đôi điều – rồi “biến” ngay), đề nghị tôi viết một bài tạp bút về quê hương Bình Định để anh kịp làm số thư báo điện tử đặc biệt về BĐ trong đó anh cho biết, đã có bài của anh Nguyễn Mộng Giác. NNS còn cho tôi biết thêm: “sức khỏe của anh Giác không thể qua khỏi một tháng nữa!”.
Trang báo chưa xong. Một tháng chưa hết…
Anh Nguyễn Mộng Giác đã vĩnh viễn ra đi!
Số phận đời người ở cõi tạm đã kết thúc!
Nhưng, tôi tin – anh Nguyễn Mộng Giác vẫn còn để lại trong trái tim người thân, bằng hữu, học trò, bạn đọc mãi mãi một niềm thương tiếc & biết ơn!

Quê nhà, đêm 22 tháng 7 năm 2012
--------------------
* nguồn: luanhoan.net




lữ quỳnh

với bạn, một chân tình khó quên


     
     Trước hai ngày xuống tàu để vượt biên, vào khoảng tháng 11 năm 1981, Nguyễn Mộng Giác đã lặng lẽ ngồi chờ tôi đi làm về ở một quán cóc ngay dưới chân chiếc cầu gỗ xóm Chùa. Gọi là đi làm, chứ thực ra tôi được người ta thuê ngồi bán vỏ xe trên đường Trần Hưng Đạo, mà tiền lương không đủ để đong gạo cho gia đình. Lúc tôi đạp xe xuống giốc cầu, Giác ra đường gọi tôi lại. Hai anh em vào quán. Quán vắng, hiu hắt nắng cuối thu. Trước mặt là giòng kênh nước đen Nhiêu Lộc. Giác nói nhỏ vừa đủ tôi nghe:
    - Mình sắp đi rồi, đi với Gin. Mình muốn đem theo Hải. Quỳnh thấy thế nào?
    Tôi bàng hoàng, không ngờ anh lại có ý định khó khăn như thế. Giác nói tiếp:
    - Chủ tàu là bạn học của Nhung. Hãy đến nhà nói với cô ấy là anh Giác chịu đem hai cháu đi. Mình tin thế nào cô ta cũng bằng lòng. Gấp lắm rồi, nói Nhung gặp ngay tối nay.
     Rồi anh vội vã ra về. Tôi ngồi lặng nhìn theo anh dắt xe qua cầu, lòng ngổn ngang lo lắng. Chuyến đi đó của Giác, tôi không gửi theo con trai được. Chủ tàu từ chối vì con nít nhiều quá, mà mọi việc đã chuẩn bị xong cả rồi.
     Tuần lễ trước đó anh thường ghé chỗ tôi ở, cho xem bản thảo viết tay Sông Côn Mùa Lũ, bảo tôi đọc vài chương, nhưng tôi không thể nào tập trung đầu óc để đọc được. Anh đem tặng tôi tập truyện ngắn của Chekhov và cuốn Doctor Zhivago bìa bọc vải, anh nói để làm kỷ niệm. Thời gian này Hoàng Ngọc Tuấn và Nguyễn Chí Kham thường lui tới thăm anh ở nhà Thị Nghè.
     Mấy tuần sau Diệu Chi báo tin vui là Giác đã tới đảo. Tôi nhớ thời gian này chị phải đối phó, “đóng kịch” với công an phường về sự vắng mặt của anh thật khó khăn.
     Năm 2000 tôi đến Mỹ, xuống thành phố San Jose. Chỉ hơn tuần sau, Nguyễn Mộng Giác và Nguyễn Bá Trạc đến thăm. Giác từ Orange County lên, còn Trạc lúc này đang làm việc ở báo Viet Mercury. Hai bạn đưa tôi đi ăn, ghé thăm nhà vợ chồng Trạc, cô vợ người Phần Lan của anh rất dịu dàng. Trước khi chia tay, Giác và Trạc còn bàn với nhau kiếm cho tôi một việc làm. Sau này mỗi lần về Quận Cam, tôi đều gọi phone cho Giác ra đón. Lúc này anh đang làm tờ Văn Học. Một mình anh vừa đánh máy, vừa layout, vừa đem in và gửi báo qua bưu điện cho độc giả dài hạn. Công việc nhiều, nhưng qua anh, tôi thấy thật gọn nhẹ.
      Ở San Jose hơn một năm, tôi bị nghỉ việc nên về Việt Nam nghỉ ngơi. Trong thời gian này anh Giác chuẩn bị làm số Văn Học Tưởng Niệm Trịnh Công Sơn, nhắn tôi lấy giúp bài của các bạn trong nước. Gặp Bửu Ý đang có sẵn bài Đèn Thắp Thì Mờ, tôi vội lấy gửi qua cho anh. Số báo Văn Học này có thể nói là một tập hợp những bài viết rất giá trị. Nguyễn Mộng Giác vui lắm, có lần anh nói, có lẽ đây là tuyển tập nghiêm túc và trang nhã nhất nhận định về Trịnh Công Sơn. Số Văn Học đặc biệt này đã tuyệt bản từ nhiều năm trước. 
      Từ Việt Nam về lại Mỹ, không kiếm được việc làm ở San Jose, tôi lấy vé máy bay đi Houston, ở đó người cháu đã kiếm được việc làm, lo luôn cả chỗ ở cho tôi rồi.
      Trước khi đi, tôi quyết định xuống nam Cali thăm bạn bè. Lại phone Nguyễn Mộng Giác lái xe đón về nhà. Tôi báo với Giác là mình sẽ di chuyển qua Texas, anh không nói gì nhưng có vẻ tư lự. Đến lúc, vào một buổi sáng ngồi uống cà phê với Nguyễn Chí Kham, Tạ Chí Đại Trường, Hoàng Khởi Phong… Nguyễn Mộng Giác mới lên tiếng báo các anh về quyết định của tôi. Anh Giác khuyên tôi không nên rời Cali, các bạn cũng đưa ra nhiều lý do để tôi bỏ ý định, nào khí hậu bên đó không thích hợp cho sức khỏe, nào sinh hoạt văn học này nọ… vân vân và vân vân. Nhưng vấn đề chính vẫn là công việc? Thế rồi các bạn hứa sẽ tìm việc làm cho tôi ngay tại đây. Chỉ vài ngày sau anh Giác tìm ra một địa chỉ nhận giới thiệu việc làm cho các hãng, đó là Cambodian family, nơi anh Tôn Thất Ngự làm việc. Anh Ngự rất vui vẻ và nhiệt tình giúp đỡ đồng hương. Anh lái xe đưa chúng tôi đến nhiều nơi để hỏi việc. Cuối cùng, vợ chồng tôi được hãng Craftech tuyển dụng. Tôi làm ca ba từ 11 giờ đêm đến 7 giờ sáng; Nhung làm ca một từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Mỗi buổi sáng chúng tôi chỉ kịp vẫy tay chào nhau, rồi người vào ca, người về nhà ngủ. Một hai năm sau, anh Tôn Thất Ngự nghỉ hưu. Anh đã dành thời gian này để sáng tác. Với bút hiệu Ngự Thuyết, anh đã cho xuất bản nhiều tác phẩm giá tri. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau ở nhà Giác.
      Biến cố tháng 4-75 đã để lại nhiều vết xước trong tâm hồn thế hệ chúng tôi. Có quá nhiều gia đình mất mát, đổ vỡ, ly tán. Một lần Nguyễn Mộng Giác lái xe đưa tôi về từ nhà xuất bản Văn Mới, chúng tôi đã chia sẻ với nhau, ngẫm cho cùng thì tụi mình may mắn thật, đã có những người vợ vượt qua bao khó khăn gian khổ, trong thời gian vắng chồng vì tù tội, mà vẫn nuôi dạy con cái nên người. Sự hãnh diện này phài dành cho những người chồng may mắn.

Từ trái qua: nhà văn Nguyễn Mộng Giác, thơ Đặng Hiền, nhà thơ Nguyễn Tiến Đức, nhạc sĩ Cao Thanh Tùng, nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, nhà văn Lữ Quỳnh, nhà văn Song Thao (Cali 2006)


      Giữa năm 2003, Nguyễn Mộng Giác nghỉ việc sau rất nhiều năm chỉ làm cho một hãng. Nhờ thời gian rảnh rỗi này, anh đi khám sức khỏe tổng quát và sau nhiều lần xét nghiệm, bác sĩ phát hiện anh bị ung thư gan thời kỳ đầu. Gia đình lo nhưng cũng mừng vì biết bệnh sớm thì hy vọng chữa khỏi nhiều hơn. Tháng 8 năm đó, anh được giải phẫu lần đầu tiên ở bệnh viện City of Hope. Tôi vào thăm anh, lúc anh còn nửa tỉnh nửa mê vì thuốc. Những ngày này anh chị Châu Văn Thọ vào thăm anh thường xuyên. Ca mổ thành công. Sau khi xuất viện, Nguyễn Mộng Giác rất lạc quan, vài tháng mới tái khám môt lần, và lần nào cũng tạm ổn cả. Công việc của anh bây giờ là lo tờ Văn Học và đi chơi casino. Tại những sòng bài này chúng tôi đã đóng tiền điện nước không ít cho họ. Giác nói vào các casino mới thấy không ở đâu bình đẳng bằng ở đây. Tôi và Tạ Chí Đại Trường thỉnh thoảng tháp tùng anh với Diệu Chi. Tôi nghĩ không có cặp vợ chồng nào bình đẳng như của anh chị. Diệu Chi gọi anh bằng tên. Nhung với Chi là học trò của anh ở trường Đồng Khánh. Tôi hỏi anh lúc đi dạy, anh đã phê học bạ của hai cô này thế nào? Anh nói, mình phê chăm và ngoan, mà cho đến bây giờ mình vẫn thấy các cô chăm và ngoan thật. Chúng tôi cười vui với nhau. Tôi thích không khí ở casino nhiều hơn là ngồi kéo máy. Chọn một quầy rượu, gọi chai bia ngồi nhìn thiên hạ đi lại, đủ màu da, đủ quốc tịch. Đúng như anh Giác nói, không ở đâu bình đẳng và thân thiện như ở đây!
     Kể từ lần giải phẫu đầu tiên cho đến vài năm gần đây, Nguyễn Mộng Giác phải nhập viện nhiều lần nữa. Sức khỏe anh có lúc rất tồi tệ, tưởng như không qua khỏi, nhưng rồi anh gượng được. Tôi nhớ một lần họp mặt tân niên ở nhà anh, mồng 2 tết năm 2010, có anh chị Võ Phiến, các anh Trúc Chi, Tôn Thất Khoát, Tạ Chí Đại Trường và vài cặp vợ chồng khác nữa. Không khí bữa ăn im ắng. Anh Võ Phiến luôn với nụ cười hiền, bao dung, ít nói. Nguyễn Mộng Giác ngồi ở đầu bàn cũng ít nói, cầm đũa mà không ăn.Giữa bữa, Giác kêu mệt, một bạn dìu anh vào phòng nghỉ. Quanh bàn ăn nhìn nhau ái ngại. Trưa hôm đó nhiều máy ảnh được bấm liên tục. Có bạn nói nhỏ, không biết tết sang năm có còn đông đủ thế này không? Ai cũng lo cho Giác vì thấy anh yếu quá. Thế mà rồi anh lần lữa qua thêm hai cái tết nữa. Mệt, ngồi dậy không nổi nhưng có bạn đến thăm hoặc phone, bao giờ anh cũng nói chuyện như người khỏe, khoe cái gan của mình bác sĩ bảo tốt rồi và nói chuyện văn chương chữ nghĩa. Anh bệnh nhưng không nghĩ đến cái chết. Đôi khi còn dí dỏm với cuộc đời. Có lần anh đề nghị anh Trường chở chúng tôi ra Factory, quán cà phê mà anh em thường ngồi. Anh yếu ớt đưa tay chào lại bạn bè. Anh nhìn quanh rồi nói, cái quán này càng ngày càng vắng thêm nhiều khuôn mặt. Anh muốn nhắc đến những bạn bè văn nghệ từng ngồi đây mỗi ngày, đã vĩnh viễn ra đi.
     Sau gần mười năm ở nam Cali, chúng tôi về lại San Jose. Thời gian này tôi liên lạc với Nguyễn Mộng Giác qua điện thoại. Suốt thời gian sống gần nhau, chúng tôi đã trao đổi đủ thứ chuyện, từ chuyện gia đình, đến chuyện trong nước ngoài nước. Có lần tôi nói với anh, điều mà tôi không nói với ngay cả gia đình, về Sự Chết. Ở tuổi anh em mình chẳng cần phải húy kỵ gì nữa, là sau này khi chết đi xin được hỏa thiêu và rải tro xuống một sông, biển nào đó. Cát bụi trả về sông nước. Anh Giác cười, thì cuối cùng phải thế thôi. Tôi cũng cười, tôi không biết tro của mình sẽ rải xuống sông biển nào, còn anh đã có sông Côn ở quê nhà, không phải sông Côn mùa lũ, mà là một sông Côn ngày nắng đẹp. 
      Và rồi anh nằm xuống. Anh giã từ bạn bè vào một ngày đầu tuần, đầu tháng: 22 giờ 15, ngày 2-7-2012 tại WestminsterOrange County. Tôi không  tiễn đưa anh lần cuối cùng được. Mấy mạch máu não của tôi trở chứng phù lên và tôi bận làm cho nó xẹp lại.
      Nhung, cô học trò chăm và ngoan của anh, đã thay tôi tiễn anh, hai ngày ngồi với chị Diệu Chi và các cháu. Chị đã quá vất vả nhưng lúc nào cũng vui vẻ chăm sóc anh gần mười năm nay. Các con tôi ở Sài Gòn gửi điện thư chia buồn, không những  với cô giáo cũ Diệu Chi, mà còn với ba me về sự đi của bác Giác. 
      Trong nỗi buồn về sự thiếu vắng Nguyễn Mộng Giác từ đây, tôi lại thấy thấp thoáng nụ cười hiền, bình an của anh ở một cõi nào, không phải là nơi có bão rớt với những mùa biển động như ở trần gian. 

San Jose, 7-2012
Lữ Quỳnh



***** 
hồ ngạc ngữ 

kính tiễn nhà văn Nguyễn Mộng Giác



Đêm ở Thị Nghè nghe sóng sông Kôn

Tiếng trống trận vang lên từng trang viết

Như ngựa chiến trên đường dài mải miết

Chở đau thương trong dòng máu anh hùng

Đứng giữa biển bờ xa lạ mênh mông
Anh nhớ quê hương trong từng câu chữ
Nhớ con cá tràu sông Côn mùa lũ
Nước bạc xót xa trôi giạt lên bờ

Những con người cũng từ ấy bơ vơ
Những gương mặt hàng thần lơ láo
Chỉ còn anh, không vì vòng cơm áo
Vẫn nén đau thương trong nửa nụ cười

Như một sĩ phu sống giữa cuộc đời
Vắt kiệt lòng mình gửi lại mây trôi
Dòng hào khí Tây Sơn còn sót lại
Sẽ cháy bùng trong chiếc lá vàng rơi...

 -------------------------------

* nguồn cuongde.org 04.7.2012


trần hoan trinh
nỗi buồn bè bạn 
* nhớ bạn Nguyễn Mộng Giác

 Thằng bạn tri âm mới bỏ đi
 Bạn thơ bạn rượu cũng không về
 Bạn điên bạn tỉnh đều xa hết
 Ta thức hay chừng đang ngủ mê ?

 Thuở ấy dăm thằng thân thiết nhau
 Khi ông khi tớ khi mày tau
 Chiều tà tà phố nhìn thiên hạ
 Tối quán cóc ngồi luận trước sau

 Đứa đọc dăm câu thơ Nguyễn Bính
 Đứa khe khẽ hát Trịnh Công Sơn
 Đứa vo khói thuốc tìm thi hứng
 Đứa rót tràn ly mộng chập chờn

 Thời thế đổi thay người mỗi ngả
 Đứa về cố quận đứa tha hương
 Đứa qua bể Bắc tìm đất lạ
 Đứa lạc trời Tây nhớ cội nguồn
   
 Ta một mình giữa cuộc trăm năm
 Trong cô đơn lòng mơ ước thầm
 Mai rồi tất cả về sum họp
 Và bạn bè xưa lại quẩn quanh

 Nhưng một thằng đi, hai thằng đi
 Và ba thằng có xác tro về
 Còn ta cứ phơ phơ đầu bạc
 Nhớ cố tri rồi khóc cố tri !
 3 tháng 7 năm 2012

-----------------------------
 * nguồn: thuviensangtao

luân hoán
tràng kinh tiễn đưa
 * tiếc thương nguyễn mộng giác

trong thời gian anh bệnh
tôi đưa tiễn loanh quanh
những bạn còn khỏe mạnh
không dám đụng đến anh

thơ thẩn dù giỡn cợt
nhiều khi cũng không hay
chết giả nhưng buồn thật
lỡ như mà chẳng may

ai đau không lo sợ
dù cái chết bình thường
bởi bình thường nên sợ
bệnh càng nặng vì buồn

để anh bớt lo nghĩ
tôi ngại không gọi thăm
chỉ hỏi chừng bè bạn
và mừng anh bình tâm

hôm nay anh chính thức
rời xa hơi thở đời
nhưng anh đi không khuất
bởi còn đó chỗ ngồi

nhắc về đời cầm bút
không cần thiết ở đây
người Việt nào không biết
văn nghiệp anh cao dày

viết văn cùng làm báo
làm thầy và làm người
một đời anh tận tụy
chăm bón tình cho người

nhớ ngày anh tìm gặp
thăm tôi tại ngân hàng
nói chuyện mười lăm phút
thân tình mấy mươi năm

bây chừ anh ngừng thở
tôi không thể qua thăm
xin nhắm mắt vài phút
để thấy anh trong lòng

ngủ yên nghe anh Giác
hương sen tỏa bềnh bồng
hồn anh nằm trên đó
thanh thoát vào mênh mông

xin dâng anh lời chúc
bằng tràng kinh âm thầm
trong tim tôi nhói đập
anh mỉm cười phải không?

buồn anh mất non nửa
buồn tôi già nửa kia
anh hết dịp tiễn bạn
tôi chắc cũng sắp về…

thiên di phạm văn tòng

khóc thầy
Thầy ơi. Không còn lệ để khóc thầy ơi.
Nhớ ngày nào bão rớt qua đây
Tiếng chim vườn cũ vẫn đong đầy
Thầy ơi còn đó những băn khoăn

Từ bảy lăm có biết bao nỗi cách ngăn
Từ thầy làm cố vấn Bút Đoàn
Từ thầy Hoàng Ngọc Tuấn đi hoang
Từ thầy em vỏ vẽ làm báo chí

Em qua Sở Học Chánh xin thầy chữ ký
Cuốn sổ vàng đi quyên tiền cho tiếng nói
Ngôi trường Cường Để sáng soi
Những ngày hoa phượng đỏ nở trên cành

Trên đời em nở nhánh mong manh
Câu thơ ngây dại vẫn đong đầy
Thầy ơi làm sao em khóc được đây thầy...
Sao vội đi bỏ lại Bóng Thuyền Say?

Tin dữ đến- Giọt lệ ứa ngang mày
Sông Kôn mùa nước đang dâng đầy
Em bây giờ tiếng khóc gởi trong mây
Nuốt dòng lệ tóc sương pha nỗi nhớ

---------------------------
* nguồn: nthquinhon 4.7.12




phan tấn hải
từ biệt nhà văn Nguyễn Mộng Giác

tranh: phan tấn hải



 Họa sĩ Đinh Cường viết, “một ngày không có trăng”.
 Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn viết, “nghe lộc mới. thầm thì”.
 Nhà thơ/nhạc sĩ Phan Ni Tấn viết, “sẽ còn mãi nụ tình quê”.
 Tưởng Năng Tiến nhắc về kỷ niệm ngâm thơ Phùng Quán.
 Ban Mai gọi đó là “dám sống và viết theo suy nghĩ của riêng mình”.
 GS Nguyễn Văn Sâm gọi đó là “chiều tà, rửa tay gác kiếm”.
 Trong khi nhà thơ Anh Vỹ viết, “Không, ông không chết!”.

Đó là những dòng chữ thương tiếc nhà văn Nguyễn Mộng Giác, người vừa từ trần lúc 10:15pm đêm Thứ Hai 2/7/2012 tại tư gia ở Westminster, hưởng thọ 73 tuổi.
*
Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn từ Canada, trên mạng Sáng Tạo (sangtao.org) với bài thơ nhan đề “Bài ru. tâm. giác” đã có những dòng cuối như sau:
“… hoa bút cầm thư tịch
 sáng bên đời diệu chi
 đêm qua. cành mới chiết
 nghe lộc mới. thầm thì.”
*
Họa sĩ Đinh Cường từ Virginia, qua bài thơ dài nhan đề “Không định viết rồi cũng phải viết vài hàng khi Giác ra đi” cũng trên mạng Sáng Tạo, đã có những dòng, trích sau đây:
“… Giác ơi nhắm mắt rồi sao nhắm mắt đi vào
 hư vô đi vào trăng sao dù mùa biển động
 biển động rồi kia em đừng tìm kiếm nữa
 không còn con dã tràng nào đâu và hàng thùy dương reo
 như buổi chiều cuối cùng giã từ sơn khê biển nhớ
 như cơn bão vừa qua virginia khi giác thở hơi cuối cùng
 đêm trước ngày rằm một ngày không có trăng…”.
*
Nhà thơ/ nhạc sĩ Phan Ni Tấn từ Canada, qua bài tùy bút “Nhớ Nguyễn Mộng Giác” cũng trên mạng Sáng Tạo đã viết:
“… Dưới đây là bài tứ tuyệt tôi viết tặng anh như một nén nhang để tưởng nhớ anh, một người anh, một người bạn thân mến.
Mai này ngựa nãn chân bon
Thu tầm mắt lại ngược con đường về
Sẽ còn mãi nụ tình quê
Còn hương trên mái tóc thề Huế xưa”.
*
Nhà văn Tưởng Năng Tiến từ San Jose, trên trang blog riêng ở www.RFA.org/vietnamese có bài viết nhan đề “Phùng Cung Giữa Trăng Sao Và Mộ Chí”, ghi lại một kỷ niệm:
“… Những người không uống rượu thường (hơi) nghiêm nghị. Tôi ít khi giao du với họ. Ông Nguyễn Mộng Giác là một người như thế. Bởi thế, trong suốt thời gian ông ấy còn sống độc thân (tại chỗ) chúng tôi chỉ ngồi lâu được với nhau – đằm thắm và tương đắc – chỉ độ mươi lần.
Có lần, ông Giác có tâm sự chi buồn, và (chắc) buồn ghê lắm. Thoáng thấy tôi, đương sự mừng ra mặt, lật đật lôi đâu ra một chai rượu bự, và hào sảng rót ngay ra hai ly đầy ắp.
Sau vài lần cạn ly đầy (rồi đầy ly cạn) thì nhà văn của chúng ta (bỗng) biến thành một… nhà thơ. Ông cao giọng đọc thơ Phùng Quán:
Thơ ai như thơ ông
 Mỗi chữ đều như róc
 Từ xương thịt cuộc đời
 Từ bi thương phẫn uất…
Rồi trầm giọng bình thơ Khoa Hữu:
“Thơ không còn là món trang điểm đua tranh sức chói lọi nơi cung đình. Thơ không còn là món đưa cay trong những cuộc say túy lúy. Thơ không còn là cái áo giáp cho ngươì ta phùng xòe trước đám đông và che dấu những thân thể suy nhược. Thơ không còn là khẩu hiệu cho những cuộc biểu dương lực lượng… Thơ là chiếc nạng vững chắc cho người già, là chỗ dựa cho những người thất thế từ đó đứng lên làm lại cuộc đời…” (*)
Coi: mới hết có nửa chai mà thằng chả đã “xỉn” hết biết luôn! Thay vì nói rằng “tiền là chiếc nạng vững chắc cho người già, là chỗ dựa cho những người thất thế từ đó đứng lên làm lại cuộc đời…” thì ông Nguyễn Mộng Giác nói lộn thành “thơ”. Ở đâu mà ra cái thứ thơ văn bảnh bao và ngon lành (quá cỡ) như vậy, cha nội?”(hết trích)
*
Trong khi đó, trên Blog Nguyễn Xuân Hoàng ở đàì VOA (www.voatiengviet.com), nhà văn Ban Mai với bài viết “Tác giả Mùa Biển Động vừa qua đời” gửi ra từ Quy Nhơn, trích:
“… Năm 1986, Nguyễn Mộng Giác giữ địa vị chủ biên tạp chí Văn Học ở California suốt 19 năm. Ông là một trong số ít những nhà văn hàng đầu xây dựng nên nền văn học Việt Nam ở hải ngoại…
Tuy nhiên, sự nghiệp văn chương của Nguyễn Mộng Giác đến nay vẫn chưa được nhiều người biết đến ngoài tác phẩm “Sông Côn Mùa Lũ”, những sáng tác rất có giá trị khác của ông chưa được người đọc trong nước biết đến vì chưa xuất bản. Đó còn là một thách thức bỏ ngỏ cho giới nghiên cứu khi muốn tìm hiểu về ông về những giá trị mà các tác phẩm của ông phản ánh. Nếu như ở trong nước bộ tiểu thuyết “Sông Côn Mùa Lũ” của Nguyễn Mộng Giác được đánh giá cao thì ở hải ngoại bộ trường thiên “Mùa biển động” mới là tác phẩm để đời của ông.
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác suốt cuộc đời luôn ưu tư về thái độ sống của người trí thức. Trong mọi thời kỳ lịch sử và hoàn cảnh mà ông đã trãi qua, nhà văn luôn giữ phẩm giá của một trí thức có cái nhìn tỉnh táo, đúng mực, dám sống và viết theo suy nghĩ của riêng mình, đó là điều không dễ trong bối cảnh phân ly của cộng đồng Việt Nam”. (hết trích)
*
Giáo Sư/ nhà văn Nguyễn Văn Sâm phổ biến lại, bài viết từ năm ngoái nhan đề “Chiều tà, rửa tay gác kiếm: Nguyễn Mộng Giác” trong đó có những dòng thương tiếc:
“… Luật nhân sinh rồi cũng đến, đối với người nầy người nọ, chậm hay mau mà thôi. Tôi biết rõ lòng bạn mình. Chiều tà của đời bắt buộc phải rửa tay gác kiếm văn chương, nhưng lòng tha thiết với cái đẹp của văn nghê, với lẽ công bình của cuộc đời luôn luôn là niềm ám ảnh. Tốt thôi bạn ơi khi ta hướng về cái đẹp dầu bằng hành động hay chỉ bằng ý tưởng”. (hết trích)
*
Và nhà thơ Anh Vỹ trên mạng vanthoviet.com với bài thơ nhan đề “Nguyễn Mộng Giác Không Chết” đã ghi xuống những dòng chữ:
“… Ai bảo ông chết?
Không, ông không chết!
Chết là khi không ai nhắc tên mình!” (hết trích)
*
Và sau cùng, người viết bài này xin góp lời thương tiếc nhà văn Nguyễn Mộng Giác:
“Anh Giác ơi, Hải xin mời anh nghe kinh… sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức diệc phục như thị… gate gate paragate parasamgate bodhi svaha!”.

ban mai

tác gi "Mùa bin đng" đã qua đi 


“…Tôi phải xa lìa quê hương và phải tự mình chịu trách nhiệm đời mình, chịu trách nhiệm cái tự do của mình. Không còn ai bảo bọc tôi, không còn ai cấm đoán tôi. Thành công, tôi không biết khoe với ai. Thất bại, tôi không thể đổ thừa cho ai. Tôi trơ trọi, không mang trên người nhãn hiệu “nhân danh,” “đại diện,” “phát ngôn viên” để hưởng những ưu quyền (và ưu phiền) dành cho một đám đông, một cộng đồng xã hội.
  Với ai khác không biết, với tôi, tôi thích được là mình, và không thích làm đại diện của bất cứ ai, không khoái nhân danh bất cứ ai, không muốn nợ nần bất cứ ai".
 
(“Sống và viết tại hải ngoại” – Nguyễn Mộng Giác)

Nguyễn Mộng Giác sinh năm 1940 tại Bình Định, trong một gia đình gồm 7 anh chị em. Ông là người con thứ hai. Cha ông, một nhà giáo trong thời Pháp thuộc, thưở nhỏ ông cắp sách theo cha đi nhiều nơi vì thời gian đó nhà giáo luôn được thuyên chuyển công tác liên tục. Ông thừa hưởng nếp sống mô phạm từ cha mình.

Nguyễn Mộng Giác tốt nghiệp thủ khoa Trường Đại học sư phạm Huế năm 1963, sau đó được mời làm giáo sư tại trường Nữ trung học Đồng Khánh. Nơi này ông đã gặp và yêu Nguyễn Khoa Diệu Chi một người con gái Huế duyên dáng, nền nã, hết lòng vì chồng con. Chính tình yêu này là chổ dựa tinh thần giúp ông đứng vững trong những năm tháng nhiễu nhương của đời người.

Sau tháng 4 năm 1975, xã hội Miền Nam bị xáo trộn dữ dội. Trên phương diện dân sinh, phần lớn người miền Nam làm việc cho chính phủ Cộng Hòa đều bị tập trung cải tạo. Từ người lính chiến, đến anh nhà văn, từ chị công chức, đến anh nhà giáo… đều bị nghi ngờ, tình nghi “thành phần nợ máu”. Cuộc sống của nhiều gia đình đảo lộn. Vì sau khi đổi đời, họ bị thất nghiệp, nhiều người lâm vào cùng quẫn. Một số bị tịch thu nhà cửa, một số về quê sinh sống, một số phải đi “kinh tế mới” trên những vùng rừng hoang vu. Cảnh quan thành phố tiêu điều xơ xác. Trầm trọng hơn nữa: Sự xơ xác tinh thần của trí thức miền Nam không còn được tự do trình bày suy nghĩ, không còn được tự do hấp thu tri thức nhân loại. Năm 1979, khi Việt Nam tiến quân vào Campuchia chấm dứt chế độ diệt chủng Pol Pot và chiếm đóng xứ này, Trung Quốc liền tấn công biên giới phía Bắc để “dạy cho Việt Nam một bài học”. Những người Việt gốc Hoa từ bao đời sinh sống trên đất Việt đột nhiên lâm vào cảnh khó xử. Nhà nước đề phòng “nội ứng”, cho phép người Hoa nộp tiền, đóng thuyền, tự do ra khỏi nước. Phong trào vượt biên bán chính thức của Hoa kiều bộc phát ồ ạt, cùng lúc với cao trào vượt biên của người dân miền Nam. Họ lũ lượt ra đi, không hẳn vì kinh tế, mà rất nhiều người vì khao khát tự do muốn thoát khỏi những áp đặt ràng buộc vô lý, mà kẻ chiến bại phải gánh chịu hậu quả sau cuộc chiến. Hy vọng tìm lấy cho mình, cho gia đình và con cái mình một tương lai tươi sáng, được đối xử bình đẳng, đầy đủ cơm áo và thụ hưởng tự do tinh thần trên những xứ sở bình yên trở thành giấc mơ lớn của trí thức, văn sĩ và cả dân lao động.

Trong bối cảnh lịch sử đó, cuộc đời của nhà văn Nguyễn Mộng Giác cũng không thoát khỏi những biến động chung của đất nước, trên cái nền lịch sử đã phân ly, vừa sang trang. Từng giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Nam Trung học Cường Để Quy Nhơn, rồi Chánh sự vụ Sở Học chánh Bình Định, và sau cùng là chuyên viên nghiên cứu của Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa. Sau 30-4-1975, Nguyễn Mộng Giác bỗng nhiên thất nghiệp. Nhà văn đi bán sách cũ, đi làm công nhân cho một tổ hợp gia công mì sợi. Bị bắt đi tù 3 lần. Từ trí thức bị tước quyền phát biểu, từ nhà văn bị tước quyền xuất bản, đến nhà giáo bị tước quyền dạy học, Nguyễn Mộng Giác rớt xuống đáy tuyệt vọng. Như rất nhiều người dân miền Nam khác, như hầu hết các nhà văn miền Nam thời kỳ này, Nguyễn Mộng Giác quyết định tìm tự do.

Ngày 29-11-1981, Nguyễn Mộng Giác vượt biên, sau năm ngày sáu đêm trôi lênh đênh trên mặt biển mênh mông, giữa sống và chết, chiếc thuyền mong manh của ông may mắn được tàu giàn khoan của Công ty liên hiệp Tây Đức – Nam Dương vớt lên đưa vào đảo KuKu, Indonesia. Hơn hai tháng ở lại đảo KuKu, một nơi biệt lập với thế giới bên ngoài, không có gì làm ngoài việc chờ tàu đến đón chuyển về trại chính, Nguyễn Mộng Giác trở lại với công việc cầm bút.

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác khởi viết từ thời sinh viên nhưng tính thận trọng ông không gửi đăng. Đến năm 1971 lần đầu tiên ông gửi bài trên Tạp chí Ý Thức, từ đây những tác phẩm của ông lần lượt ra đời.

1.Những tác phẩm đã xuất bản:
- Nỗi Băn Khoăn Của Kim Dung (tiểu luận, NXB Văn Mới, Sài Gòn, 1972),
- Bão Rớt (tập truyện ngắn, NXB Trí Ðăng, Sài Gòn, 1973),
- Tiếng Chim Vườn Cũ (NXB Trí Ðăng, 1973),
- Qua Cầu Gió Bay (truyện dài, NXB Văn Mới, Sài Gòn 1974),
- Ðường Một Chiều (truyện dài, NXB Nam Giao, Sài Gòn 1974).
Đoạt giải thưởng Văn Bút Quốc Tế Pen Club 1974.
- Ngựa Nãn Chân Bon (tập truyện ngắn, NXB Người Việt, 1983),
- Xuôi Dòng (tập truyện ngắn, NXB Văn Nghệ 1987),
- Mùa Biển Ðộng (trường thiên tiểu thuyết gồm 5 tập, NXB Văn Nghệ 1984-1989),
- Sông Côn Mùa Lũ (trường thiên tiểu thuyết, NXB An Tiêm, Hoa Kỳ 1991 và NXB Văn Học - Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Hà Nội 1998).
- Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học, nhà xuất bản Văn Học và nhà sách Văn Lang (Sài Gòn) tái bản lần thứ nhì năm 2003.
- Nhà xuất bản Văn Học và Nhà sách Thanh Nghĩa tái bản lần thứ ba năm 2007.
- Nghĩ về văn học hải ngoại (tiểu luận, nxb Văn Mới, Hoa Kỳ 2003)
-Bạn văn, một thuở… (tạp luận, nxb Văn Mới, Hoa Kỳ 2005).

2. Tác phẩm chưa xuất bản:
- Tình và Đạo trong thơ Hàn Mặc Tử (tiểu luận)
- Vào đời (truyện dài), đã đăng một phần trên tạp chí Bách Khoa (Sài Gòn, 1973-1974)
- Đêm hoang (truyện dài), đã đăng trên tuần báo Đồng Nai (Hoa Kỳ).
- Mây bay về đâu (truyện dài).

Và nhiều bài phê bình, tiểu luận đăng trên tạp chí Văn Học California, Hoa Kỳ.

Năm 1986, Nguyễn Mộng Giác giữ địa vị chủ biên tạp chí Văn Học ở California suốt 19 năm. Ông là một trong số ít những nhà văn hàng đầu xây dựng nên nền văn học Việt Nam ở hải ngoại.

Năm 2000, bộ tiểu thuyết “Sông Côn Mùa Lũ” của Nguyễn Mộng Giác viết về ba anh em nhà Tây Sơn Nguyễn Huệ xuất bản tại Việt Nam, và ngay lập tức có tiếng vang trong giới nghiên cứu văn học nghệ thuật. Có lẽ, đây là tác phẩm hải ngoại đầu tiên được tái bản nhiều lần trong nước, được Đài Truyền hình Tp. Hồ Chí Minh mua bản quyền để đóng phim. Và đây cũng là tác phẩm hải ngoại đầu tiên được Đài Tiếng nói Việt Nam chọn trích đọc hàng đêm trên sóng phát thanh trong chuyên mục “Đọc truyện đêm khuya”. Bộ tiểu thuyết “Sông Côn mùa Lũ” cũng đã được nghiên cứu trong các trường đại học, là đề tài nghiên cứu trong các luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ...

Tuy nhiên, sự nghiệp văn chương của Nguyễn Mộng Giác đến nay vẫn chưa được nhiều người biết đến ngoài tác phẩm “Sông Côn Mùa Lũ”, những sáng tác rất có giá trị khác của ông chưa được người đọc trong nước biết đến vì chưa xuất bản. Đó còn là một thách thức bỏ ngỏ cho giới nghiên cứu khi muốn tìm hiểu về ông về những giá trị mà các tác phẩm của ông phản ánh. Nếu như ở trong nước bộ tiểu thuyết “Sông Côn Mùa Lũ” của Nguyễn Mộng Giác được đánh giá cao thì ở hải ngoại bộ trường thiên “Mùa biển động” mới là tác phẩm để đời của ông.

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác suốt cuộc đời luôn ưu tư về thái độ sống của người trí thức. Trong mọi thời kỳ lịch sử và hoàn cảnh mà ông đã trãi qua, nhà văn luôn giữ phẩm giá của một trí thức có cái nhìn tỉnh táo, đúng mực, dám sống và viết theo suy nghĩ của riêng mình, đó là điều không dễ trong bối cảnh phân ly của cộng đồng Việt Nam.

Sau một thời gian dài bạo bệnh, ngày 2/7/2012 nhà văn Nguyễn Mộng Giác qua đời vào lúc 22h15 ở California, Hoa Kỳ trong vòng tay yêu thương của gia đình. (Tức 12h ngày 3/7/2012 giờ Việt Nam).

Với tôi, ông như một người thầy, người cha mà tôi kính trọng. Từ lần gặp đầu tiên ông đã cho tôi cảm giác ấm áp đó, và cho đến bây giờ 7 năm đã trôi qua. Từ xa, nghe tin dữ tôi rất đau lòng, tiếc thương một nhà văn lớn của dân tộc, một người con ưu tú của Bình Định. Bài viết này như một nén nhang kính viếng hương linh ông, cầu mong linh hồn ông siêu thoát về miền cực lạc.

Quy Nhơn, ngày 3/7/2012
---------------------------
* nguồn: vanchuongviet.org 4.6.12


hoàng xuân sơn 


một chữ "thàng"

Hồi còn bên nhà, lúc bắt đầu khởi nghiệp (chướng) viết lách lai rai vào khoảng thập niên 63/64 - giai đoạn hiển lộng của những cây bút miền trung trên các diễn đàn Văn, Văn Học v. v... - tôi chưa thấy tên tuổi Nguyễn Mộng Giác hiện diện trên các mặt báo.  Đùng một cái, anh xuất quân ồ ạt như thác lũ, bắn những phát trọng pháo đầu tiên vào trường văn chương chữ nghĩa. Thật thế, Nguyễn Mộng Giác (NMG) xuất hiện trên văn đàn, khởi từ Bách Khoa, như một hiện tượng. Chẳng phải là nhờ bàn tay phù phép, lăng xê của một ai, anh đến với văn chương bằng tài năng đích thực của mình (mặc dù NMG là một trong những đồng hương mật thiết với nhà văn uy tín, gốc Bình Định: Võ Phiến thời bấy giờ). Những gì NMG viết ra đã gặt được lòng tin cậy của bạn đọc cũng như văn giới. Trước tác của NMG, hầu hết, nặng ký. Anh viết nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn, truyện dài, tiểu luận, nhận định văn học v. v... Mỗi một dòng chữ viết ra được dẫn dắt bởi một ngòi bút cẩn trọng, chín chắn, luôn luôn tạo một ấn tượng hay đặt để một điều gì đó cần suy gẫm nơi bạn đọc.  Chẳng phải là những sáng tác hời hợt, đọc lướt qua, thỏa mãn một nhu cầu giải trí nào đó. Nói điều khiêm nhượng như thi gia tiền bối Nguyễn Du từng thố lộ, những trước tác dù mua vui cũng được một vài trống canh của NMG cũng đã đoạt được một vài giải thưởng văn học nghệ thuật quan trọng (hình như là Bóng Thuyền Say hay Đường Một Chiều, nếu không nhầm trong trí nhớ tồi tệ của tôi). Trong anh còn tiềm tàng một nguồn lửa sáng tạo âm ỉ đốt, và rất mãnh liệt khi cần bùng cháy. Chẳng thế mà những bộ trường thiên Mùa Biển Động, Sông Côn Mùa Lũ viết trong hoàn cảnh khó khăn cũng đã rỉ rả góp mặt với đời tạo được nhiều tiếng vang đáng kể. 
Tôi không quen biết NMG từ trước. Họa chăng chỉ có người bạn lâu năm của tôi, nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn (HNT), (đã giã biệt chúng ta năm hai ngàn lẻ năm vừa qua) là có mối dây liên lạc mật thiết và tình thân đậm đà với NMG. Nói trộm vía HNT (và cả NMG, giờ đây) tôi cũng lấy làm lạ là hai người hai cá tính khác biệt mà có thể gần gũi nhau được: NMG mực thước, thâm trầm trong lúc HNT có phần luông tuồng, buông thả trong giao tiếp. NMG đã dung chứa HNT một khoảng thời gian khá dài ở Bình Định (?) - theo lời HNT kể - khi bạn ta bị sa cơ (Tuấn đi lính thứ dữ, chịu trận không nổi, tự cho phép mình giải ngũ). Theo tôi, NMG có lòng lân tài, hết mình thương bạn lúc thất thế, có thể chịu đựng được cái nết bất thường nơi bạn. Cái khó là còn chị Diệu Chi, phu nhân nhà văn NMG nữa chi?! Một chữ thàng Bình Định rõ nét! Một điểm son cho tình bằng hữu qua thời nhiễu nhương. Có người nghĩ tếu, cho rằng chẳng qua NMG/HNT thân nhau là vì cùng ở một lò Võ Phiến/Bách Khoa Lê Ngộ Châu mà ra. Thật ra chẳng có lò bệ gì ráo. Võ Phiến & Bách Khoa chẳng qua đúng lúc, kịp thời giới thiệu được tài năng của NMG/HNT ra trước công chúng. Có lẽ qua HNT, NMG có biết chút đỉnh về tôi. Cho nên khi cộng tác với tờ Văn Học (VH) ở hải ngoại sau này, tôi không bị bỡ ngỡ, và có cảm tưởng như đã thân thiết từ lâu. Cũng là một cái tài khéo xử của một trong những vị chủ báo văn nghệ lâu năm. NMG còn là người chung thủy, hết lòng với văn học (viết thường và viết hoa), và giỏi lèo lái nữa. Kể từ khi kế nhiệm tờ Văn Học Nghệ Thuật và sau đó cải đổi thành Văn Học (khoảng 1986/87) từ tay Võ Phiến/Lê Tất Điều, đứng mũi chịu sào là NMG. Lèo lái con thuyền Văn Học qua phong ba cũng NMG. Ai cũng biết làm báo văn nghệ tại hải ngoại thì chỉ có từ chết tới bị thương. Vậy mà anh gồng mình chịu được cũng tài. Có những lúc đuối sức  phải tạm trao y bát cho Hoàng Khởi Phong, Khánh Trường, cho Trịnh Y Thư, Cao Xuân Huy. Nhưng rồi thuyền chưa tới bến anh cũng đành chèo chống trở lại.  Đó là cái tình, cái lòng của NMG; bao hàm cả sự hi sinh trong đó nữa. Vác ngà voi mà không bị cơm nhà trách cứ thì thật là nhất anh! Tròm trèm hai mươi năm đâu có ít ỏi gì!Tôi cũng biết ơn anh NMG và VH đã vui vẻ tiếp thu bài vở HXS từ những bước đầu hội ngộ. Hầu như sáng tác nào gởi cho VH cũng được chiếu cố. Nhờ đó mà tôi có được chút phấn kích để nuôi lửa (tịch mịch?), cộng tác với VH qua nhiều “triều đại”và còn thơ thẩn nhì nhằng cho tới giờ này.Tôi định cư tại xứ tuyết Gia Nã Đại từ cuối năm 198.  Mãi tới năm 93, lần đầu tiên tôi mới có dịp ghé thăm miền Cali nắng ấm. Lẽ dĩ nhiên là có liên lạc với ông chủ báo và ghé thăm tòa soạn VH. Tôi đã được anh chị Giác/Chi niềm nỡ tiếp đón. Và được hưởng một buổi dạ tiệc hội ngộ đông vui có đàn ca thơ phú với các bạn văn nghệ cũ mới tại tư gia hai vị này. Nhớ có Nguyễn Xuân Hoàng/Trương Gia Vy, anh chị Mai Kim Ngọc, vợ chồng Nghiêu Đề (hỡi ơi đây là lần cuối gặp bạn!),Quỳnh Giao/Nguyễn Xuân Nghĩa, Phan Nhật Nam, Nguyễn Chí Kham... và nhiều bạn khác nữa.  Hôm sau còn được chị Diệu Chi cho ăn bữa cơm gia đình có mắm cà, dưa món và trách cá nục kho đúng điệu Huế mền, ngon hết sẩy và không thể nào quên được.NMG là người ít nói, trầm ngâm, từ tốn đúng vẻ con nhà mô phạm. Tôi có thể ăn nhậu bốc phét, suồng sã một tí với các bạn Cao Xuân Huy, Trịnh Y Thư, Khánh Trường... Nhưng với anh Giác, vẫn còn một cái kẽ nhỏ giữ đâu đó. Tuy nhiên không đến nỗi hời hợt quá, xã giao qua quít. Trong chừng mực nào đó, chúng tôi có thể ngồi lại bên nhau đàm đạo chuyện trên trời dưới đất, văn chương chữ nghĩa, kể cả chuyện đời thường.Khoảng cuối năm 2004, tuổi đời và tình trạng sức khỏe không cho phép NMG tiếp tục công tác văn học nữa.  Anh chính thức giã từ vũ khí, trả lại ngà voi, về ăn cơm nhà đuổi gà cho vợ. Và tờ VH cũng được trao tay, không biết lần thứ mấy, cho Cao Xuân Huy với sự trợ giúp của Trịnh Y Thư (cũng vẫn hai chàng khinh binh tuyến đầu dễ thương này). Phần tôi, bệnh trạng không kém, cũng bớt hăng hái văn nghệ văn gừng, liên lạc mật thiết với các bạn văn như thuở ban đầu. Tuy nhiên, cứ mỗi lần cầm tờ VH trên tay, tôi lại nhớ đến anh; Nguyễn Mộng Giác của một thời. Một Nhà Văn đúng nghĩa với chức năng.  
Con người thàng hậu ấy!
[Cuối tháng tám hai nghìn lẻ sáu]
 (*) Bài viết này vốn đã được đăng trên Văn Học 233 - tháng 9&10/2006 - số đặc biệt về Nguyễn Mộng Giác.  Nay nghe hung tin anh đã vĩnh viễn từ giã cõi đời, xin được viết lại với tất cả niềm thương tưởng, như một lời chia tay và đưa tiễn bạn văn Nguyễn Mộng Giác về chốn non ngàn. 
 bài ru. tâm. giấc


thiệt ra đương nằm mộng 
biết rằng mình đương mộng
thức chơi cùng cô ma
rù yêu về cô đọng

bảy mươi khoanh một nét 
rồi lọt thỏm vô trong
một chữ thàng thơ thới
với chữ nhân ngộ cùng

cuộc đời đi ba vạn 
rồi về chơi một dù
ừ. thì chơi sát ván
chẳng thẹn cùng miên du

hoa bút cầm thư tịch 
sáng bên đời diệu chi
đêm qua. cành mới chiết
nghe lộc mới. thầm thì

[tháng bảy năm hai ngàn mười hai]
--------------------------
 * nguồn: vcv.org 04.07.2012

trần dzạ lữ

một người anh

Tin nhắn của Mỹ: Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác đã qua đời lúc 12 giờ trưa (giờ VN) ngày 3.7.2012.Tôi sửng sốt. Anh ra đi thật rồi sao?

Anh bỏ chị Chi và mấy cháu thật rồi sao? Tôi cố gắng để không muốn điều ấy. Nhưng đó là sự thật. Người thắt lòng trước nỗi mất mát lớn lao này là chị Chi và các cháu. Sau nữa là bạn bè thân quen của anh - trong đó có tôi. Lúc này, những năm tháng không thể nào quên như một cuộn phim quay chậm lại trong tôi.

Tôi và anh Nguyễn Mộng Giác đã biết và đọc của nhau trên các tạp chí văn chương ở Sài Gòn từ năm 1971 nhưng mãi đến năm 1973 tôi mới thật sự quen anh.

Năm 1973 tôi vào trường bộ binh Thủ Đức và anh Nguyễn Mộng Giác từ Quy Nhơn vào Sài Gòn làm chuyên viên nghiên cứu bên Sở Giáo Dục. Vậy là chúng tôi có cơ hội và thường gặp nhau ở chỗ anh Lê Ngộ Châu, tạp chí Bách Khoa –tòa soạn nằm trên đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu). Sau đó, căn nhà của anh ở bên chân cầu Thị Nghè là nơi gặp gỡ, hội tụ của anh em văn nghệ. Hoàng Ngọc Tuấn và tôi gần như thường trực bởi anh Giác rất thương hai chúng tôi. Một người (Tuấn) luôn mồ côi… tình yêu. Một người chuyên… lận đận!

Chị Nguyễn Khoa Diệu Chi (vợ anh Giác) là một người đàn bà Huế, rất Huế (rất mực đảm đang, chung thủy) và đặc biệt là độc giả đầu tiên của anh khi xong mỗi một trước tác.

Sau năm 1975, anh NMG cũng như tôi và một số bạn bè văn nghệ khác nào những cánh chim tan tác trong gió bão. Như thuyền nan nhỏ nhoi trước biển mênh mông sóng dữ. Đời chúng tôi bắt đầu vô định…

Anh Giác đi cải tạo mấy năm sau đó về mở cơ sở sản xuất mì sợi. Tôi hóa thành kẻ “bá nghệ” nhưng chẳng có nghề nào chắc chắn. Dù trăm cay đắng nhưng mỗi lần gặp nhau tôi và anh Giác vẫn khôn nguôi niềm đam mê: viết và viết. Nơi căn nhà có giàn hoa giấy trước sân ấy bên Thi Nghè đêm đêm anh vẫn cần mẫn như con ong cái kiến để thai nghén tác phẩm.

Tôi làm thơ thì dễ, bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào có “phút linh” là có tác phẩm. Riêng Hoàng Ngọc Tuấn không còn viết truyện kiểu Hình Như Là Tình Yêu mà bạn đã chuyển sang viết tiểu phẩm, dịch và viết về Thể Thao, Bóng Đá để sống lây lất qua ngày.

Năm 1982 anh Giác vượt biển và định cư ở Hoa Kỳ. Đọc tác phẩm MÙA BIỂN ĐỘNG mới thấy ngòi bút tài hoa của anh khắc họa chân dung những người liều lĩnh đánh đu với số phận. Chết và Sống tưởng như đùa. Từ khi anh đi tôi cứ tưởng khó mà gặp lại nhau.

Thế rồi năm 1995 anh lại về thăm Quê Nhà. Việc đầu tiên là anh ra Quy Nhơn. Sau đó vào Sài Gòn thăm bạn bè. Thật bất ngờ và cảm động khi ngồi trong một quán cà phê ở Thị Nghè anh nói “Mình ra đi vậy cũng không khá đâu. Nhưng nay về thăm, mình biếu cậu 100 USD, để làm gì Lữ biết không? - Cố gắng in tập thơ đầu tay đi”.

Nhờ “phát pháo đầu tiên” ấy mà bạn bè tôi góp thêm. Vậy là tập thơ Hát Dạo Bên Trời của tôi ra mắt bạn đọc cùng năm đó.

Từ đó về sau này nghe anh có về thăm quê hương đôi lần nữa. Tiếc là tôi không gặp nhưng lúc nào cũng nhớ anh. Một người thầy.

Một nhà văn chân chính và tài hoa. Một tấm lòng luôn mở rộng khi biết yêu thương người như chính mình. Trong đời tôi gặp 2 người vừa là bạn vừa là anh mà tôi gọi là Bồ Tát. Đó là Đỗ Toàn (họa sĩ) và  Nguyễn Mộng Giác (nhà văn), hai người này y chang nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ai có lỗi lầm chi cũng noái: “Thôi kệ”.

Bạn bè, anh em cứ lần lượt ra đi. Đời sống cứ thưa dần… Nay thêm anh ra đi, làm sao tôi không tiếc nhớ? Một nén hương lòng xin gửi theo anh với lời cầu mong anh an nhiên nơi cõi vĩnh hằng. Anh Giác ơi!...
Sài Gòn 7. 2012
-------------------
* nguồn vcv.org 


hà thúc hoan

kính nhớ bạn hiền nhà văn Nguyễn Mộng Giác
(1940-2012)

Anh Giác thân quý,

Buổi học đầu tiên của lớp Việt Hán năm thứ nhất ĐHSP Huế niên khóa 1960 – 1961 chỉ có tám sinh viên. Ngồi ở hàng ghế đầu gần hai người bạn cũ đã quen biết trong lớp Dự bị Văn khoa năm học trước, tôi xoay người nhìn năm người bạn mới ở dãy ghế phía sau và bắt gặp nụ cười thân thiện, cởi mở của Anh. Ba năm học chung ở Đại học Sư phạm và Văn khoa Huế, cũng như những lần họp mặt trước và sau năm 1975, dù thời thế và cuộc đời đã có nhiều đổi thay, nụ cười hiền lành ấy vẫn nở trên môi Anh. Sáng ngày 2 tháng 7 năm 2012 vừa qua, tại phố Westminster, quận Cam, bang California nước Mỹ, nụ cười khả ái ấy đã tắt…

 Anh Giác thân yêu,

Anh sinh ngày 4 tháng 1 năm 1940, chỉ trước tôi 12 ngày, nhưng trong học tập và công việc, Anh đã đi trước tôi một đoạn đường dài. Từ năm thứ nhất đến năm thứ ba ĐHSP, và cả trong kỳ thi tốt nghiệp, Anh luôn luôn đứng đầu lớp, còn tôi thì mãi hoài theo sau ở vị trí thứ hai. Kết thúc học trình ba năm, trong khi tôi mới viết xong bản nháp luận văn tốt nghiệp thì Anh đã hoàn thành mỹ mãn luận văn ấy với đề tài Tình và đạo trong thơ Hàn Mặc Tử. Làm đặc san tốt nghiệp Gìn vàng giữ ngọc, tôi góp một bài báo ngắn thì Anh sáng tác hai bài viết dài, rồi âm thầm và công tâm hoàn tất nhiệm vụ của chủ nhiệm, chủ bút kiêm thư ký tòa soạn để báo ra mắt độc giả đúng thời hạn. Từ ngày ra trường cho đến khi nghỉ dạy, hơn 40 năm, tôi chỉ hoạt động trong lãnh vực giáo dục với nhiệm vụ của một thầy giáo đứng lớp. Anh thì trái lại, chỉ trong hơn 10 năm, đã kinh qua nhiều chức vụ như giáo sư Trường Đồng Khánh (Huế), hiệu trưởng Trường Cường Để (Qui Nhơn), chánh Sở giáo dục Bình Định, chuyên viên nghiên cứu của Bộ giáo dục (Sài Gòn).

Nhưng đặc sắc nhất, đáng khâm phục nhất là sự nghiệp văn chương của Anh. Ở quốc nội, từ năm 1971, Anh đã gởi bài đăng báo Bách khoa. Đến tháng 4 năm 1975, Anh đã có năm tác phẩm được xuất bản. Tại hải ngoại, từ năm 1981, Anh hoàn thành tám tác phẩm dài, đó là chưa kể hơn 40 bài báo Anh chấp bút trong tám năm làm chủ bút tạp chí Văn học ở bang California nước Mỹ. Trong mấy ngày gần đây, trên các trang mạng, nhiều tác giả đã nói đến tài năng của nhà văn Nguyễn Mộng Giác thể hiện qua hai tác phẩm lớn là Sông Côn mùa lũ  và Mùa biển động. Gặp nhau ở Sài Gòn sau ngày đất nước thống nhất, tôi được Anh cho xem mấy tập bản thảo dày cộm Sông Côn mùa lũ thực hiện bằng chữ viết tay đều đặn, trên những trang giấy có kẻ hàng dành cho học sinh làm bài trong phòng thi. Anh viết trường thiên tiểu thuyết lịch sử này suốt năm năm, bắt đầu từ năm 1977, trong khi hàng ngày phải lao động giản đơn để sống qua ngày tại tổ hợp mỳ sợi Dân Sinh ở Phú Lâm. Tác phẩm này viết về người anh hùng áo vải đất Tây Sơn quê Anh, gồm bốn tập (sau gom thành hai), dày 2000 trang, được các nhà xuất bản trong và ngoài nước tái bản nhiều lần, và đã được hãng phim TFS (Đài truyền hình TP.HCM) mua bản quyền để thực hiện thành phim truyền hình nhiều tập. Bắt đầu từ năm 1981, suốt tám năm tha hương làm việc vất vả để kiếm sống ở nước ngoài, Anh chắt chiu thì giờ để viết và hoàn thành bốn tập Mùa biển động dày 1800 trang. Viết một bài báo ngắn, tôi phải mất nhiều thời gian và chịu nhiều lao tâm tổn trí. Phải có bút lực khác thường và văn tài đặc biệt Anh mới xây đựng được sự nghiệp văn chương đồ sộ như vậy.

Anh Giác thân mến,

Ra trường năm 1963, được ưu tiên chọn nhiệm sở theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp, Anh chọn Trường Đồng Khánh (Huế), tôi chọn Trường Cường Để (Qui Nhơn), với lời hẹn sau hai năm sẽ làm đơn xin hoán đổi để trở về làm việc trên quê nhà của mình. Ở Huế và Qui Nhơn, qua những giờ Việt văn, chúng ta đã nhiều lần bình giảng thơ Khóc bạn của Nguyễn Khuyến:

“Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua".

Người đời thường mua rượu uống giải sầu khi bạn thân đã mất. Nguyễn Khuyến thì trái lại, dù có tiền, dù có rượu ngon, vẫn không mua rượu uống khi hay tin bạn hiền là Dương Khuê đã qua đời. Lý do là vì không có bạn hiền thì rượu nồng đã hóa nhạt. Phải có bạn tâm giao để đối ẩm thì người ta mới có thể thưởng thức trọn vẹn hương vị của rượu nồng:

“Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,
Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân”.

Tình bạn vì thế, là vị nồng của rượu, là vị ngọt của đời. Tình bạn làm cho cuộc đời quán trọ trở thành quê nhà yêu dấu. Thật là hạnh phúc cho những ai sống trong cõi người ta nhiều bon chen, giả dối, tráo trở này mà có được một tình bạn cao đẹp mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc như thế!

Anh Giác kính yêu,

Mãi cho đến hôm nay tôi mới biết Anh đã quy y Phật để có pháp danh là Thiền Ngộ. Ngày trước Anh đã vượt qua đoạn đường dài để đi từ Mộng đến Giác thì nay giữa Giác và Ngộ có chi khác biệt, xa xôi, cách trở. Và khi đã Ngộ đạo Thiền thì tiền tài, danh vọng trở thành bèo bọt, phù du, thời hạn trăm năm của đời người chỉ còn là một chớp mắt của thiên thu bất tuyệt: “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô”. Nhận biết đời người chung cuộc “không vẫn hoàn không” thì người trí mới có quyết tâm tìm đường giải thoát để vượt qua hoàn cảnh giới hạn của thân phận con người. Tôi nghĩ Anh đã có cách vượt thoát ấy. Đó là hàng ngàn trang sách đầy tâm huyết mà Anh đã để lại cho đời: “Văn chương chi sự thốn tâm thiên cổ”. Đó là nụ cười biểu hiện tình bạn thân thiết, trong sáng mà Anh đã trao tặng cho người mỗi lần gặp mặt. Cho nên, đối vói Anh, không cần phải vận dụng đến triết lý duyên khởi tôi cũng có thể khẳng định rằng cái chết không phải là sự kết thúc. Và nụ cười đã tắt trên môi Anh còn nở mãi trong thế giới tâm hồn của nhiều thân nhân và bằng hữu xa gần của Anh. Với suy nghĩ ấy, xin được kết thúc bài văn khóc bạn này bằng lời ca của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Người chết nối linh thiêng vào đời. Và nụ cười nối trên môi”.

Cung kính bái biệt nhà giáo, nhà văn, người bạn hiền Nguyễn Mộng Giác!
Chùa Già Lam, ngày 8 tháng 7 năm 2012

nguyễn kim tiến

thư cho thầy


Thầy ạ,

Mấy tháng nay em có may mắn biết về bệnh tình của thầy. Lẽ thường tình của đời sống là sinh lão bệnh tử, vậy mà em học hoài, đọc hoài có thuộc bài đầu. Nên chi khi nghe tin thầy ra đi, lòng em xốn xang lắm. Có một điều gì đấy làm em suy nghĩ. Dù em không học thầy ngày nào, nhưng tên tuổi thầy đã đứng ở một đỉnh cao trong lòng người đọc. Và em là độc giả thường xuyên ở trang web của thầy, và em luôn hãnh diện là có thầy, một nhà văn Bình Định lỗi lạc trong văn đàn Việt Nam. Lòng ngưỡng mộ một nhà văn luôn là niềm hạnh phúc trong em và đặc biệt thầy là con dân của vùng đất Tây Sơn, vùng đất đã làm nên lịch sử!

Bây giờ thầy đã nằm yên. Bây giờ em mới thấy là đời sống quá mong manh, như những sợi tơ trời. Lóng lánh đấy rồi cũng mù mờ trong cõi đời nhau. Ôi cái chết! Cái chết là gì mà làm chúng ta trăm nghìn giọt lệ khi phải chia ly!

Nhưng nói đến cái chết, tự nó, có lẽ cái chết không làm mình sợ, phải thế không thầy? Em nghĩ có lẽ nỗi sợ hãi là sự kéo dài của những đớn đau thể xác và niềm tuyệt vọng chờ đợi ngày ra đi. Nghĩ thế bởi những tháng ngày qua em cũng đã rơi vào khoảng lặng điếng người. Và chỉ có ai đã từng như thế mới hiểu niềm tuyệt vọng nó quấn lấy chúng ta nghẹt thở như thế nào mà thôi, phải thế không thầy?

Trong đời sống văn chương, người ta hay nói nếu nói đến thi sĩ Hàn Mặc Tử phải nhắc đến bài Đây Thôn Vĩ Dạ, nếu nói đến nhà thơ Quãng Dũng phải nói đến bài Đôi mắt người Sơn Tây và bài Tây Tiến. Còn với thầy của chúng ta, khi nói đến thầy, đến nhà văn Nguyễn Mộng Giác, em luôn nhớ đến Sông Côn Mùa Lũ, Mùa Biển Động và Ngựa Nản Chân Bon!

Thật lòng là dù em đã lớn lên ở Qui Nhơn, Bình Định nhưng những địa dự của tỉnh thành, em thật là mù mịt. Mãi đến khi em đọc Sông Côn Mùa Lũ em mới biết là trong lòng quê hương Bình Định đã có một giòng sông với cái tên "Côn" hiện diện. Giòng sông có lúc êm đềm có lúc cuồng nộ và chính sắc thái này đã khuấy động tâm hồn một người con lúc nào cũng yêu mến nơi sinh ra để những dòng chữ đầy tâm tình và nhiệt huyết chấp nối thành một trường thiên tiểu thuyết. Đó là Sông Côn Mùa Lũ. Và trường thiên tiểu thuyết này đã là một biểu tượng làm nên nhà văn Nguyễn Mộng Giác mà độc giả ngưỡng mộ mến thương, một thầy giáo mà học trò và đồng nghiệp luôn yêu thương và kính trọng.

Em không dám phân tích hay phê bình những tác phẩm của thầy vì em không có khả năng nhìn thấy một bao trùm rộng lớn, hay một chiều sâu vô cùng tận ở những tác phẩm của thầy, nhưng ở một góc nào đó của tâm hồn em, em nghĩ là em đọc được thầy, đọc được những trăn trở, những tình cảm nồng nàn thầy đã dành cho quê nhà, những yêu thương, hờn giận, những... những... Em tin là thầy đã sống hết sức mình, sống trọn vẹn, sống bằng tất cả hồn mình, sống bằng tim, óc, phổi của mình. Yêu thương giận hờn hay ghét bỏ... thầy đã sống đến muốn đứt sợi dây đời căng thẳng trong một thế hệ với nhiều bất trắc.

Vậy thì, thầy ơi!

Hãy ra đi một cách thanh thản và nhẹ nhàng thầy nhé. Nền đất là nhà và cát bụi là những hạt mầm rồi sẽ hồi sinh khi gặp nắng gió mưa nguồn.

Em xin vĩnh biệt thầy.
4 tháng 7 năm 2012
--------------
* nguồn: nthquinhon

song thao

tiễn Nguyễn Mộng Giác

1.
Ngày 19 tháng 7 năm 2003, lần đầu tiên tôi ra mắt sách tại một nơi ngoài thành phố Montreal, thành phố tôi định cư. Tôi rất ngại việc ra mắt sách nên trước đó cũng chỉ ra mắt có hai lần tại Montreal, cả hai lần đều cặp với người khác, lần đầu với nhà thơ Lưu Nguyễn, lần thứ hai với nhà thơ Du Tử Lê.

Lần ra mắt sách tại Nhật Báo Người Việt là lần đầu tiên, và cho tới nay là lần duy nhất, tôi ra mắt sách một mình. Ông bạn Phạm Phú Minh là người cầm trịch cho vụ này. Theo chương trình thì trong số các diễn giả không thấy có tên nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Nhưng vào phút cuối, anh Giác muốn lên nói. Anh ứng khầu trong bài nói "Giữa Người Viết". Đây là một bài nói rất chí tình giữa những người cầm bút với nhau mà anh, tuy ít tuổi hơn tôi, nhưng lại đi trước tôi rất xa trên văn đàn.

Tôi nhắc lại vụ ra mắt sách này chỉ vì anh Giác. Đúng hơn, vì cái tình anh dành cho tôi. Bữa đó chị Diệu Chi cũng có tới dự. Cả hai anh chị đều không nói chi tới chuyện bác sĩ vừa phát giác ra căn bệnh ung thư gan của anh. Ngay ngày hôm sau, anh chị đã về Việt Nam để anh gặp mẹ già lần cuối. Không ai trong thính phòng Lê Đình Điểu của nhật báo NgườiViệt biết biến cố của đời anh Giác vào bữa đó. Anh vẫn nói với giọng dí dỏm cố hữu, vẫn điềm tĩnh như mọi lần anh lên bục thuyết trình. Chị Diệu Chi vẫn cười nói ở bên dưới. Mãi sau này, khi chuyện bệnh tật của anh được mọi người biết, tôi có điện thoại qua hỏi thăm, có nhắc tới buổi đó, chị chỉ nói là anh chị đã muốn giữ riêng chuyện này cho hai người, chuyện không vui nên cũng chẳng muốn làm buồn bạn bè.

Chuyện không vui này đã đưa anh Giác qua một đoạn đời khác.

2.
Tôi nghĩ rằng chuyện dính vào căn bệnh nan y này sẽ đè nặng lên cuộc sống của anh. Cuộc sống sẽ ảm đạm hơn, buồn phiền hơn nhiều, nhưng hình như không phải vậy. Những lần lui tới quận Cam sau đó, khi tới thăm anh, tôi vẫn chỉ thấy một Nguyễn Mộng Giác chẳng có chi khác trước. Anh vẫn chuyện trò vui vẻ, vẫn thăm hỏi chuyện viết lách, vẫn nói tới những dự tính cho tương lai, vẫn tiếc là chưa thực hiện được chuyện này chuyện kia. Anh vẫn sống với chữ nghĩa, mắt vẫn sáng lên khi nhận được một cuốn truyện tôi mang tới tặng anh, vẫn hăng say nói khi đề cập tới chuyện văn chương.

Thân xác anh có bị bệnh tật tô điểm một cách vụng về hơn nhưng con người anh vẫn vậy. Bệnh tật không ghi được một bàn thắng nào nơi con người sống chết với văn chương này. Trước khi tới thăm anh, tưởng sẽ gặp một tình huống ảm đạm, nhưng chỉ qua vài câu chuyện, nụ cười hiền hòa chân chất của anh đã khơi nguồn cho những tiếng cười câu nói thoải mái. Bệnh bị bỏ lại phía sau, như một thứ không cần biết tới. Dĩ nhiên bệnh là một thứ lì lợm, nó vẫn cứ lầm lì đục khoét thân thể anh, nó gây hết chuyện này tới chuyện khác, mỗi lần gặp anh là một lần thấy sức khỏe anh sa sút, nhưng có hề chi, anh vẫn ngồi trên chiếc ghế dài ngoài phòng khách, vẫn đầy đặn với các bạn văn, nhất là những người tới từ xa như tôi, thỉnh thoàng mới có dịp gặp anh.

3.
Tháng 12 năm ngoái, 2011, tôi lại tới quận Cam. Người đầu tiên tôi có ý định tới thăm là anh. Không có xe, tôi phải nhờ các bạn. Bữa đó Thành Tôn chở tôi tới thăm anh. Trước khi tới, điện thoại cho chị Diệu Chi, chị cho biết anh vừa ở bệnh viện về, còn mệt lắm nên chắc không thể gặp được. Tôi giật mình. Tính tôi vốn lạc quan, vẫn cứ tưởng kỳ này sẽ lại gặp anh, vẫn những tiếng cười, vẫn những câu chuyện của những lâu ngày gặp gỡ. Vậy mà anh đã thấm đòn của bệnh. Tôi ngồi thừ người trên xe của Thành Tôn. Thôi vậy! Để khi khác. Khi nào? Tôi hy vọng vẫn còn cơ hội. Vài ngày sau, vẫn chưa thăm được anh, ra cà phê Factory, thấy thiếu Nhật Ngân. Anh bạn nhạc sĩ này cũng vừa vào bệnh viện. Cũng cái anh ung thư dễ ghét đó. Thành Tôn, Đạm Thạch liên lạc với chị Nhật Ngân hỏi số phòng ở bệnh viện. Chị cũng cho biết là anh Nhật Ngân vừa làm chémo còn yếu chưa tiện gặp bạn bè. Anh chàng ung này lộng hành dữ! Về lại Montreal được ít ngày thì nhận được tin anh Nhật Ngân đã xuôi tay đầu hàng. Nay tới anh Nguyễn Mộng Giác.

4.
Hôm qua, tới một cuộc gặp gỡ bè bạn ở Montreal, nghe loáng thoáng thấy vài người nói về hai tập trường thiên "Sông Côn Mùa Lũ" và "Mùa Biển Động", gia tài quý giá nhất của anh Giác. Họ bàn tán với nhau những gì, tôi không có ý nghe và cũng không có ý tham gia. Tôi bỗng nhớ tới anh Giác, định bụng về nhà sẽ điện thoại với chị Diệu Chi hỏi thăm anh. Ít ngày trước, nhân sắp xếp lại tủ sách trong nhà, tôi bỏ bộ báo Văn Học lên kệ, ngồi giở vài cuốn, bỗng thấy nhớ anh Giác. Ít phút sau, chuông điện thoại reo, chị Diệu Chi bên kia đầu dây. Biết được anh hồi này đã yếu. Biết được anh đã vào nursing home. Biết được gia đình đã sẵn sàng cho tình huống xấu nhất. Qua giọng nói, qua tiếng cười vẫn bám víu suốt cuộc đời làm vợ của chị, tôi đã cảm được sự bình tĩnh và can đảm của chị.

Như một trùng hợp, nói quá một chút, như có sự thần giao cách cảm nào đó, khi tôi xếp lại bộ Văn Học, nhớ tới anh Giác, liền nhận được điện thoại của chị Diệu Chi. Ngày hôm qua, nghe bạn bè nhắc tới những công trình thuộc loại nặng kí của anh Giác, buổi tối, đã lên giường đi ngủ, Luân Hoán điện thoại qua. Anh Giác đã rời nursing home về nhà vào buổi trưa bên Cali. Chắc không còn bao lâu nữa.

5.
Điện thư ngày 28 tháng 11 năm 1998 của anh Giác gửi: "Trong những sách tôi viết, tôi bằng lòng nhất bộ truyện "Sông Côn Mùa Lũ". Hồi đó khổ quá, hàng đêm viết "Sông Côn Mùa Lũ" như viết di chúc, tất cả tâm thành và tâm sự dồn vào trang giấy. Có lẽ nhờ thế mà sau 20 năm, "Sông Côn Mùa Lũ" vẫn còn làm cảm động được anh chị".

Trong một lần tới chơi, anh Giác đã cho tôi coi bản thảo tập...di chúc này. Anh viết trên giấy hồi xưa được phát cho các thí sinh làm bài thi, chữ viết rõ ràng, thẳng tắp, hầu như không có một vết tẩy xóa hay sửa chữa. Khác xa với những bản thảo mà tôi đã được coi, của người xưa cũng như người nay. Khác xa với những trang dập xóa, móc lên móc xuống, viết đi viết lại tèm lem của tôi. Khi viết di chúc, quả có khác!

6.
Hôm nay, ngày 3 tháng 7, buổi sáng có chuyện phải ra khỏi nhà. Đúng ngọ trở về. Đọc tin nhắn của Thành Tôn trong điện thoại. Anh Giác đã ra đi vào lúc 10 giờ 15 phút tối qua, ngày 2 tháng 7. Bốc điện thoại gọi cho chị Diệu Chi. Gọi làm chi không biết nhưng dù sao cũng phải gọi. Bên đầu dây bên kia chỉ có tiếng tít tít rối rít. Không ai bắt máy. Mở computer thấy e-mail của Phạm Phú Minh: Giác đã ra đi. Hình như anh Minh cũng có ghi giờ mất của anh Giác. Nhưng giờ nào cũng vậy thôi. Bởi vì anh Giác đã sửa soạn từ rất lâu rồi. Tính từ tháng 7 năm 2003 tới tháng 7 năm 2012, tròm trèm 9 năm!

7.
Chắc sẽ phải đọc lại Sông Côn Mùa Lũ. Chữ ký của Giác vẫn còn nằm trong trang đầu của bản di chúc.
3/7/2012

lê xuân tiến


nhớ nhà văn Nguyễn Mộng Giác


Trưa nay - ngày 4-7 - tôi sững sờ khi được Võ Chân Cữu gọi điện báo tin nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã qua đời tại California, Hoa Kỳ hưởng thọ bảy mươi hai tuổi. Mặc dầu biết người qua tuổi 70 là đã sống thọ nhưng đối với nhà văn đến tuổi này, nghiệp văn phía trước vẫn còn dài. Những người yêu mến Nguyễn Mộng Giác vẫn chờ đợi những tác phẩm lớn của anh vì với tư duy văn học thâm trầm và sự siêng năng của người cầm bút, người ta vẫn tin tưởng Nguyễn Mộng Giác sẽ tiếp cận với đỉnh cao của riêng anh

Nguyễn Mộng Giác chưa dạy tôi ngày nào nhưng khi tôi học lớp 12 trường Cường Để là năm đầu tiên thầy Giác về làm hiệu trưởng trường này. Những năm học đại học ở Sài Gòn, mỗi lần nghỉ hè về Qui Nhơn tôi thường đến thăm Nguyễn Mộng Giác với tư cách là lớp văn nghệ đàn em. Ngày ấy tôi rất cảm kích với lối đối xử rất chan hòa và chân tình, mặt dù tôi thua Nguyễn Mộng Giác đến 10 tuổi. Lúc ấy tôi gặp nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn đang lưu trú dài hạn tại đây. Điều ấy nói lên vòng tay mở rộng của Nguyễn Mộng Giác đối với anh em văn nghệ

Tôi càng xúc động hơn khi nghe Hồ Ngạc Ngữ (lúc đó đang học lớp 12 trường kỹ thuật Qui Nhơn) kể chuyện về thầy Giác. Lúc đó thầy đang dạy Việt Văn trường này. Thầy ra đề văn bình luận về câu nói "Người thanh niên không có lý tưởng như bầu trời không có ánh sao ". HNN lúc đó đang say mê Krisnamurti đã viết một bài bình luận bác bỏ lập luận này, nhổ nước miếng trên khái niệm lý tưởng. Không ngờ, bài văn được chấm đểm cao nhất. Nhưng khi phát bài, thầy Giác đến bên HNN nói nhỏ "Đi thi tú tài mà viết kiểu này sẽ rớt "

Tôi có điều ngạc nhiên về Nguyễn Mộng Giác, vừa làm chánh sự vụ Sở Học Chánh vừa đi dạy học không biết thời gian đâu, anh cho ra đời từ tác phẩm này đến tác phẩm khác, tác phẩm nào cùng dày cộm. Sau đó tôi mới biết ban đêm đều đặn bắt đầu từ 10 giờ, anh miệt mài làm việc đến 12 giờ mới đi ngủ. Nguyễn Mộng Giác đã học tập theo tấm gương của Nguyễn Hiến Lê, làm việc siêng năng,đúng giờ như một công chức

Nguyễn Mộng Giác là người rất yêu quê hương Bình Định, học ĐHSP Huế ông đậu thủ khoa bằng một luận văn về Hàn Mặc Tử, trong thời gian viết văn ông đã tái hiện lại thời Tây Sơn bằng trường thiên tiểu thuyết 4 tập "Sông Côn Mùa Lũ ". Tác phẩm này đã đươc xuất bản trong nước khi ông đã vượt biên sang Mỹ. Rõ ràng những người Bình Định đi đâu cũng nhớ về cội nguồn.Tôi cũng đã học tập ông khi cho ra tập truyện lịch sử về thời Tây Sơn "Người Đi Tìm Hồn " (Nxb Văn Nghệ xuất bản năm 2010 )

Nhớ và tiếc nuối một tài năng của đất Bình Định, xin thắp một nén nhang cho Nguyễn Mộng Giác
Đêm 4-7 tại TPHCM

thụy khuê




Nguyễn Mộng Giác & người Bình Định


Võ Phiến có hai bài tùy bút viết về người Bình Định.

Bài thứ nhất tựa đề Anh Bình Định và bài thứ hai Người Bình Định.

Bài thứ nhất (không ghi ngày) viết về sự “hấp dẫn” của “người anh” Bình Định với “người em” Phú Yên, qua câu ca dao:

“Anh về Bình Định chi lâu,

Chiều chiều em đứng hàng dâu ngó chừng”.



Và ông tuyên bố chắc nịch: “Gái Phú Yên không tỏ ra đa tình với một ai khác, chỉ đa tình với trai Bình Định mà thôi”.



Ông Võ Phiến là người Bình Định trăm phần trăm và ông đã quả quyết như vậy, thì phải tin thôi, cãi sao được?

Ông giải thích bằng lịch sử, theo lối nói nhũn của ông thì “đó là những suy đoán vu vơ”. Theo “những suy đoán vu vơ” ấy, thì dân tộc ta có hai đợt Nam tiến: Đợt thứ nhất, gồm toàn bọn Bắc vô như Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Tấn (gốc Thanh Hóa), Lê Đại Cương, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ (gốc Nghệ An), v.v…, đợt này kéo dài đến thế kỷ XVI.

Đợt hai, từ khi Nguyễn Hoàng lấy được Phú Yên, biên giới Nam Bắc đã phân chia rõ rệt, bọn Bắc không thể tự tiện kéo vào được nữa, mà chính dân Bình Định kéo xuống phía Nam. Vì vậy mới có sự “khăng khít” giữa người “anh Bình Định” với người “em Phú Yên”, kết quả những “anh em” này sinh con đẻ cái, thành “thế hệ thứ nhì”, thoát thai câu ca dao:

“Anh về Bình Định thăm cha,

Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em”.



Vậy là thêm một từng lớp “anh em” đợt nhì, có duyên nợ tiền kiếp! Lập luận của ông Võ Phiến giúp ta hiểu đôi chút về những “succès” của các “người anh” văn nghệ Bình Định đối với các người em văn nghệ phái nữ nói chung và các “người em” Phú Yên nói riêng.
Bài thứ hai tựa đề “Người Bình Định” (viết tháng 10/1973), mở đầu ông giới thiệu ngay Nguyễn Mộng Giác, một người cùng quê với ông. Ông Võ Phiến giới thiệu như vậy là đã có chủ đích: Ông coi Nguyễn Mộng Giác như một người Bình Định “tiêu biểu”. Sự tiêu biểu này ông không nói ra, nhưng đọc hết bài sẽ thấy. Nên nhớ năm 1973, Nguyễn Mộng Giác mới viết, chưa nổi tiếng. Đến 1974, Nguyễn Mộng Giác mới nổi tiếng vì được giải thưởng của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam với truyện dài Đường một chiều.

Như thường lệ, ông Võ thường nói vòng vo tam quốc trước khi đưa ra những nhận xét tinh tế, lạ và đúng, chưa ai nghĩ ra bao giờ, như:
- “Kể từ Bình Định vào Nam, một giọng nói khác, một loạt tiếng nói khác”. Ý ông muốn nói: bọn răng, rứa, mô, tê, chừ… rủ nhau vào Nam, đến chân đèo Bình Đê thì bị chặn đứng cả, chẳng tên nào đi lọt.
- Vẫn theo lập luận “vu vơ” của ông: Dân Quảng Nam, Quảng Ngãi (đúng ra là Quảng Nam thôi) lúc nào cũng hăm hăm chỉ chực “nổi lên”, “vùng dậy”, còn dân Bình Định êm rơ, chẳng tha thiết gì đến chuyện phản kháng phản khiếc. Và ông gọi đức tính ấy là “thàn hậu”1. Lần đầu tiên tôi học được chữ thàn hậu, tiếng này ngoài Bắc không có, trong Nam cũng không.


Tiếp đó, để giải nghiã hai chữ thàn hậu bằng thơ, ông trích hai câu thơ Quách Tấn:
Sầu mong theo lệ khôn rơi lệ
Nhớ gửi vào thơ, nghĩ tội thơ

Rồi ông phê rằng: “Nghĩ tội thơ!”, cái nhân ái đến rụt rè ấy, ở địa phương gọi nó là đức tính “thàn hậu”. Con người thàn hậu vốn dè dặt, kín đáo, âm thầm trong sự sầu đau thương nhớ; chính con người ấy mới càng “tội” đa!”2

Cuối cùng ông trở về với Nguyễn Mộng Giác: “Ở Nguyễn Mộng Giác cũng vậy. Ngay từ những thiên truyện ngắn đầu tiên, anh đã có cái phong độ chín chắn, mực thước, có cái kín đáo, âm thầm, anh đã lim lỉm vào những suy nghĩ lo lắng.”3

Nhận xét về Nguyễn Mộng Giác, ngay từ 1973, trên những bước đầu, quả chỉ Võ Phiến mới tinh tường như vậy.
Bài thư ba, có liên quan đến Bình Định và Nguyễn Mộng Giác là bài Tựa cho tập truyện ngắn Ngựa nản chân bon, ông viết tháng 11, 1983, tại Hoa Kỳ. Bài này không thấy ông in lại.
Tuy là tựa sách, nhưng Võ Phiến lại nói rất kỹ về người Bình Định. Ông triển khai những ý đã có trong bài Người Bình Định, lần này ông viết kỹ hơn, về tính tình, về giọng nói Bình Định… Đặc biệt ông trở lại và dừng khá lâu ở hai tiếng thàng hậu4:
“Cái cười của Quách tiên sinh5 có vẻ trẻ thơ chỉ vì trông nó lành quá sức lành. Trông cái cười ấy, người ta thấy rõ trước mặt mình một kẻ hoàn toàn vô hại, không có chút mưu chút mẹo nào hết trơn. Một kẻ thàng.

Thàng là chữ Nguyễn Mộng Giác đã dùng trong một bài viết về tôi trên một số Văn đặc biệt6 (….) Thàng là chữ riêng của người Bình Định, và cũng là chữ riêng để mô tả người Bình Định. Thàng cũng nói là thàng hậu; thàng hậu nghiã gần như hiền hậu, nhưng còn đi xa hơn hiền hậu nữa kia, vì nó có khả năng mô tả, hiền hậu thì không. Hiền hậu, thực thà là một đức tính, một nết hay; thàng hậu còn là một vẻ người hiển hiện ra bên ngoài, trông rõ mồn một. Người thàng, thàng từ tiếng cười giọng nói, nét mặt, thàng đi. Mà người thàng thì trời ơi, trong trí nhớ của tôi, tôi mường tượng mọi người Bình Định đều thàng hết: anh Ba, chị Bốn, ông Bảy, bà Năm, cô Tư, cậu Tám v.v… Hết thảy, không ai là không thàng. Muôn người như cùng một vẻ, một giọng.”7

Bất cứ kẻ nào không phải dân Bình Định, chưa bao giờ nghe nói đến chữ thàng, mà đọc được đoạn này của Võ Phiến, thì hết chối là tôi không biết thàng là gì. Cái sức mạnh trong lối nói “vu vơ” của Võ Phiến là như thế. Cái thàng trong ông là như thế. Cũng thì là thàng  thàng của Võ Phiến, chỉ mới “vu vơ” nhưng nó bám, nó buộc, nó riết người ta vào chữ nghiã Bình Định của ông.
Vẫn trong bài Tựa này, còn một câu ngắn, độc giả dễ bỏ qua, nhưng nếu ai chú ý, sẽ thấy nó lạ lắm, phải là Võ Phiến mới đủ cao cường để biến các thứ trịnh trọng thành “vu vơ” như thế, ông viết:
“Cũng trong một bài báo Văn nọ, Nguyễn Mộng Giác nói đến những con người trông thì “thàng” nhưng kỳ thực lại “dữ”8.

Tôi không được đọc bài báo Văn “nọ” của Nguyễn Mộng Giác, nhưng câu mà ông Võ trích thật đáng kể ở nhiều mặt.
Nếu chữ dữ của họ Nguyễn được hiểu là không lành, thì nó phản ảnh tính chất phản kháng ngầm trong con người Bình Định, kể cả… Võ Phiến và Nguyễn Mộng Giác nữa. Ông Nguyễn viết và ông Võ thấy, cả hai đều tinh tường, ông Võ bâng quơ nhắc lại lời ông Nguyễn, nhưng làm lơ như ông Nguyễn nói… người khác.
Còn nếu chữ dữ được hiểu là ác, thì nó cũng lại phản ảnh tính chất của một số người… Bình Định, lịch sử biết nhưng ông Võ không nhắc đến thôi.
Ví dụ, ông Võ Phiến nhìn thấy ở Quách tiên sinh cái cười “lành quá sức lành“, ông vô tư nhận xét tiên sinh là một kẻ “hoàn toàn vô hại, không có chút mưu mẹo gì hết trơn”.
Nhớ lại hồi tiên sinh kiện Trần Thanh Mại ở Huế năm 1942, vì chuyện dám viết cuốn Hàn Mặc Tử trước tiên sinh, dám quảng bá thơ Hàn Mặc Tử trước khi tiên sinh kịp in thơ Hàn, thì quả tiên sinh chẳng có thàng chút nào.
Mà đi trước tiên sinh còn một vị tiền bối nữa, bề thế hơn nhiều, đó là Quang Trung Nguyễn Huệ. Ông này không ai biết mặt ngang mũi dọc ra sao, cũng chẳng biết ông cười, ông đi, ông đứng có thàng không, người ta chỉ biết, mỗi lần ông ra Bắc là có một kẻ bị xé xác; lần đầu Nguyễn Hữu Chỉnh, lần sau Vũ Văn Nhậm, cách nhau có mấy năm, mà hai tay ấy đâu có phải vừa. Vậy nếu ông Huệ có thàng thì cũng là thàng theo kiểu “trông thì thàng nhưng kỳ thực là dữ”. Cái dữ này là dữ thật, chứ không phải chỉ là không lành thôi đâu.
Ai muốn tìm đọc Sông Côn mùa lũ để xem vốc vác ông Huệ thế nào, thì lại thấy ông Huệ có bề giống ông Giác, nghiã là ôn tồn, hiền lành, nhân hậu, đứng trước phụ nữ còn rụt rè nữa, hóa ra ông Giác chỉ tả cái thàng của ông Huệ.
Tóm lại, ông Võ Phiến khi nói người Bình Định đều thàng cả, là ý ông muốn nói đến những người thân thương của ông, đó là những nhân vật trong tiểu thuyết của ông, những anh Bốn thôi, ông Năm tản… Và khi ông tả nụ cười của Quách tiên sinh, người ta lại thấy hiện ra nụ cười của… chính ông: ông Võ Phiến có nụ cười rất thàng. Ông Võ Phiến mới đích thực là Người thàng, thàng từ tiếng cười giọng nói, nét mặt, thàng đi”, để nói theo giọng Vũ Bằng ca tụng món ăn Hà Nội, mà ông Vũ lại dật tạm cái giọng này của Thạch Lam.
Tháng 7/1989, Nguyễn Mộng Giác đến Paris để ra mắt tập trường thiên Mùa Biển Động. Lần đầu tiên độc giả Paris thấy Nguyễn Mộng Giác bằng xương bằng thịt. Lúc đó tập Mùa Biển Động đã gây sóng gió bên Cali, người yêu cũng nhiều mà người ghét cũng lắm.
Dáng dong dỏng cao trên trung bình đối với người Việt, da mặt có những vết rỗ nhỏ, chắc hồi còn bé bị lên sởi, biến chứng. Cười tươi, rất thàng. Nhưng ở con người Bình Định này, điểm gây chú ý là đôi mắt.
Đôi mắt Nguyễn Mộng Giác, thường trú dưới cặp kính cận và bị cái cười chụp lên hai mí, lấp đi, làm nhỏ lại. Phải đợi đến lúc ông không cười, không nói, chăm chú nhìn đối tượng, thì mới thấy ở đó như có gì xuất thần, nó đen nhánh, lòng đen chiếm hơn 80%, nó “nói” tất cả, mặc dù ông không hề mở miệng. Có vài diễn viên thượng thặng - ví dụ như ở Pháp chỉ Simome Signoret - là có khả năng diễn xuất bằng mắt. Nhưng Nguyễn Mộng Giác không hề diễn xuất gì cả, ông cũng không đóng một vai trò nào. Ông sống bằng mắt và ông viết bằng mắt, đơn thuần là thế.
Tôi nhận thấy điều này ngay từ phút đầu giáp mặt đến phút cuối, vĩnh biệt, chiều ngày 4/6/2012, trước khi về Pháp. Ba lần thăm, lần nào cũng thế: nằm trên giường bệnh, Giác đã trút bỏ hết cả ngoại hình, từ thịt da đến xương cốt, tất cả đều đã rã, đã rời, tất cả đã bỏ Giác, đã theo nhau về chín suối trước khi Giác đi. Các tế bào còn đó, nhưng chúng đã chết từ lâu, chúng hiện hữu mà cũng như không. Riêng đôi mắt còn sống, nó nhất quyết ở lại với Giác như con kỳ mã trung thành với chủ, như Tôn Thất Đạm, Tôn Thất Thiệp bảo vệ vua Hàm Nghi. Cặp kính cận cũng đã biến mất, nó không còn che lấp cái nhìn của Giác nữa. Đôi mắt tự do tung hoành trong không gian chật hẹp của căn phòng bệnh viện. Tất cả đều bị tẩy uế, trùng bị giết sạch, người vào thăm phải đeo mặt nạ, đi găng, khoác áo choàng, trừ hai con mắt. Họ và Giác cân bằng, hai bên đồng đẳng, chỉ có mắt đối mắt. Lúc đó mới thấy rõ ánh sáng kỳ dị trong đôi mắt đen như đêm hạ tuần của Giác và tôi bỗng hiểu.
Chính đôi mắt ấy đã “viết” các truyện ngắn và các bộ trường thiên. Giác “sinh hoạt” bằng đôi mắt, đôi mắt sai khiến và đôi mắt dò hỏi. Đôi mắt lưỡng lự, đôi mắt tiến thoái theo đúng thế trận bày trước mắt. Người ta hay nhắc đến việc Giác tranh luận sôi nổi, tôi cho rằng những tranh luận chỉ để lấp đầy chỗ trống, chúng không có bề thế gì, so với phán quyết im lặng của đôi mắt. Giác “biết hết” nhân tình thế thái qua đôi mắt “thàng” mà “dữ” của anh. Đừng có giấu Giác, vô ích. Giác biết hết. Nhưng chẳng nói ra thôi.
Đôi mắt ấy đã thấu suốt tâm linh những người phụ nữ mà anh gặp và mô tả trong tiểu thuyết, từ tuổi dậy thì đến hồi đứng bóng. Không mấy nhà văn sành tâm lý phụ nữ như anh, ngoài Mai Thảo. Cái màu đen trong lòng mắt anh, lạ lắm, nó đen như mun và trong vắt như pha lê đến độ không nhìn thấy con ngươi, vì thế không ai “tìm” thấy mình trong đó, khiến Giác có đủ phù phép để “áp đảo” đối tượng, đi vào gan ruột kẻ đối diện khiến y không phản ứng kịp thời, nghiã là y không kịp giấu những gì y muốn giấu trước đôi mắt của Giác.
Cái tên cũng tiền định: Đã mộng còn giác. Giác có lẽ là tình cờ, cha mẹ đặt cho con, bởi lúc lọt lòng đã biết mắt nó thế nào. Mà đặt tên con bao giờ cũng là một ước nguyện. Mong con thông minh thì đặt tên minh, tên mẫn. Mong con trong trắng, thì đặt tên trinh, tên tuyết.
Có những trường hợp nguyện ước bị dội lại, như người tên Lành mà ác.
Có những trường hợp nguyện ước được thực hiện, trong đó có Giác. Cả mộng cũng vậy.
Bởi nếu không biết mộng thì làm sao có thể trở thành nhà văn? Cho nên cái tên tiền định do cha mẹ đặt đã báo trước số phận một nhà văn: một người biết mộng từ lúc sinh ra sẽ trở thành nhà văn Mộng Giác.
Con mắt là yếu tố quan trọng nhất trong sáng tác, khiến những người hoàn toàn khác nhau như Cao Bá Quát, Apollinaire, Merleau-Ponty, Bích Khê… đều đặt trọng tâm trên con mắt. Không biết mắt Cao Bá Quát như thế nào, nhưng ta biết mắt Bích Khê. Dù chỉ còn lại một tấm hình duy nhất của Bích Khê, tấm hình chỗ nào cũng in, rõ nhất là hai con mắt, như thủy tinh thể xuất ra từ cuộc đời ngắn ngủi của Khê, gọi ta về với vô cùng. Mắt Nguyễn Mộng Giác không “ăn ảnh” như mắt Bích Khê, có nghĩa là vào ảnh, nó bị sai đi, nó dị đi, nó bị đôi kính cận che đi một nửa, không được như bên ngoài. Chỉ khi sắp ra đi, anh không còn đeo kính, anh đem theo cả đôi mắt mun pha lê. Nhưng sản phẩm của đôi mắt để lại, là sự nghiệp văn chương anh, sẽ mãi mãi còn. Giác đi mà rất ở.
Một sự nghiệp dựng trên truyện ngắn và 2 bộ trường thiên: Sông Côn mùa lũ Mùa biển động. Anh rất tâm đắc với bộ Sông Côn mùa lũ, mà anh thầm cho là bộ sách của đời anh. Có lần tôi nói với anh: Mùa biển động mới là tác phẩm của đời anh, Sông Côn mùa lũ, cũng hay, nhưng chưa phải. Anh có ý giận. Từ đó chúng tôi không bao giờ trở lại đề tài này nữa.
Hôm nay anh đi rồi, nói lại chuyện cũ, không phải vì anh đã mất, không thể trả lời được nữa, tôi lợi dụng nói bừa.
Câu chuyện văn học này, tôi không nói với anh, vì anh nghĩ thế nào về tác phẩm của anh là quyền của anh, đại để như cụ Nguyễn Du có cho Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh là tác phẩm chính, hay hơn Kiều, thì chúng tôi cũng mặc kệ cụ. Bởi cụ chẳng có quyền gì trên tác phẩm của mình, điều cụ nghĩ về tác phẩm của mình chỉ đúng với cụ mà thôi, Paul Valéry đã có lần nhận ra như vậy.
Tại sao thế? Jean Paul Sartre giải thích rõ hơn: Bởi vì nhà văn không thể đọc được tác phẩm của mình như một độc giả. Lý do: hắn đã biết rõ từng câu từng chữ của hắn trước khi viết, nên khi đọc lại, hắn mất hẳn tính khách quan, là yếu tố hàng đầu, cần thiết cho một độc giả đích thực. Sở dĩ những người sống trong chế độ toàn trị, không thể “đọc” được sách theo nghĩa thông thường, vì họ bị bủa vây bởi những thành kiến do tuyên truyền nhồi sọ, áp đảo lên họ từ gia đình đến học đường. Tóm lại, muốn “đọc”, cũng phải có tự do. Sartre đặt tự do của người viết và người đọc lên cùng một cán cân.
Tác giả, ở một xã hội tự do, có thể viết được, nhưng hắn vẫn không “đọc” được tác phẩm của hắn, vì những gì hắn viết, hắn đã biết trước rồi, cái “gu” của hắn, đã định rồi, tương tự như người sống trong chế độ toàn trị bị nhồi sọ. Vì vậy, biết bao nhiêu người cứ tưởng mình là nhà thơ nhà văn, nhưng sự thực, họ chẳng là nhà gì cả, mà có ai dám nói với họ sự thực đâu.
Cái thành kiến của nhà văn đối với tác phẩm của mình, giống như lời một nhân vật trong Đôi bạn của Nhất Linh: “Vì tôi đã quyết định thế rồi”.
Bộ Sông Côn mùa lũ, viết dưới chế độ cộng sản, với chủ đích dùng thời Tây Sơn để nói chuyện ngày nay, theo lời Nguyễn Mộng Giác kể lại với Phạm Phú Minh9.
Bộ sách này, đối với người đọc không chuyên, là một bộ sách hay.
Nhưng về mặt nghệ thuật tiểu thuyết, nó phạm một số quy luật:
Nói chuyện với anh Minh, anh cho biết, khi dự định viết Sông Côn mùa lũ, anh chưa biết dùng ngôn ngữ thời nào, và khi thấy Nguyễn Du viết Kiều bằng ngôn ngữ “thời nay”, anh bèn viết theo Nguyễn Du10.
Thực ra thì Nguyễn Du (1766-1820) không thể dùng ngôn ngữ “thời nay” hiểu theo nghĩa thời của chúng ta, việc ấy đã đành. Nguyễn Du “dịch” (tức là theo sát) tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân, mà Thanh Tâm Tài Nhân là người sống rất gần triều đại Minh Thế Tông (hiệu Gia Tĩnh = 1507-1567), thời truyện Kiều xảy ra.
Đọc Kiều, chúng ta thấy ngôn ngữ Nguyễn Du, nhưng đồng thời chúng ta thấy cả một thời đại xưa. Vì tất cả những câu thơ như: “Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi”,Hài văn lần bước dặm xanh”. “Vẫn nghe thơm nức hương lân”. “Sinh rằng: giải cấu là duyên”. “Hai thân còn dở tiệc hoa chưa về”… tự chúng đã tạo cái không khí “thời trước”, nhưng ta chưa biết chắc là thời nào, nhờ có Thanh Tâm Tài Nhân, ta biết rằng, đó là thời không xa với Minh Gia Tĩnh.
Nhưng thỉnh thoảng lại có vài câu rất “hiện đại” như “Vân rằng: Chị cũng nực cười, khéo dư nước mắt khóc người đời xưa”. Chắc Nguyễn Mộng Giác dựa vào lối xưng hô này mà anh đoán là Nguyễn Du dùng ngôn ngữ “thời nay” chăng? Không phải.
Vẫn trong hướng theo sát tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân, mà tiếng Tàu chỉ có “ngộ, nị” (tôi, cô), nên Nguyễn Du “dịch” là “chị, em” trong tiếng Việt.
Điều đó chứng tỏ: Ở thời Nguyễn Du, anh chị em trong nhà xưng hô với nhau là chị, em.
Nhưng ta lại còn biết Nguyễn Du là người cực kỳ thận trọng, khi dùng những tiếng chị, em trong Kiều, ông không thể lấy cách xưng hô của thời ông, để chỉ một thời cách ông hai trăm năm. Vậy chắc chắn là Nguyễn Du đã tham khảo và biết rằng ở thế kỷ XVI, tại nước ta, anh em ruột trong nhà đã xưng hô với nhau là chị, em rồi!
Về ngôn ngữ thời đại Tây Sơn, Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Thì Chí, phản ảnh rất rõ. Về phong tục, y phục, lối sống, văn hóa của dân tộc ta trong suốt thời đại nhà Lê, trải mấy trăm năm, Phan Huy Chú ghi rất rõ trong Lịch Triều Hiến Chương. Vậy mà khi làm phim về Quang Trung, một đạo diễn bảo không biết thời ấy họ ăn mặc thế nào!
Những vấn đề để xây dựng một không khí cổ, ngoài y phục, cử chỉ, lời nói (trong chỗ thân tình, người xưa có thể nói giống chúng ta) nhưng ngôn ngữ xã hội luôn luôn được trang phục bằng những lớp lang khác của đạo đức, của tôn giáo, của thói quen, của những công thức, chỉ xuất hiện trong thời kỳ lịch sử ấy…
Mở rộng hơn nữa, chúng ta đi tới phần kiến trúc tiểu thuyết. Cái gì xác định một tác phẩm là tiểu thuyết?
Kiến trúc không gian  thời gian là điều quan trọng nhất trong tiểu thuyết. Bahktine gọi đó là Thời-không-gian (Chronotope): Nhà văn phải cấu tạo được Thời gian và Không gian trong tiểu thuyết của mình.
Sông Côn mùa lũ chưa tạo được thời không gian cuối thế kỷ XVIII, ở Việt Nam, dưới thời Tây Sơn. Vì các nhân vật trong truyện sinh hoạt nói cười, cử chỉ, bông đùa, tâm sự, hệt như trong xã hội ngày nay. Nguyễn Huệ nói chuyện với An không khác Ngữ nói chuyện với Diễm trong Mùa Biển Động. Do đó tác dụng xã hội học trong Sông Côn mùa lũ, gần như không có. Mà xã hội là nền tảng đầu tiên và cuối cùng của tiểu thuyết.
Vậy, rút cục tiểu thuyết là gì? Một trong những định nghiã sâu xa và bao trùm nhất, đến từ Bakhtine:
“Tiểu thuyết là sự đa dạng xã hội của ngôn ngữ, đôi khi của những thứ tiếng và những giọng cá nhân. Sự đa dạng này được thực hiện một cách văn chương. Những định đề thiết yếu của tiểu thuyết đòi hỏi ngôn ngữ dân tộc (langue nationale) phải được kết tầng thành những thổ ngữ (dialecte) xã hội khác nhau, thành những kiểu nói riêng của một nhóm người, thành những tiếng lóng, tiếng nhà nghề (jargon), thành ngôn ngữ của những kiểu cách, những lối nói, ngôn ngữ của một thế hệ, của một lớp tuổi tác, của các trường phái, của những kẻ cầm quyền, của những câu lạc bộ hay những mốt thời thượng, thành ngôn ngữ xã hội của “ngày này” (thậm chí của “giờ này”), thành ngôn ngữ của chính trị (mỗi ngày chính trị có một định thức riêng để chỉ định một vấn đề chính xác bằng từ vựng và bằng cách nhấn mạnh)11; mỗi loại ngôn ngữ trên đây phải được kết tầng bên trong tiểu thuyết, bất cứ lúc nào, khi câu truyện hiện hữu.”12
Đoạn viết trên đây của Bakhtine, có thể coi là một trong những định nghiã đầy đủ nhất về tiểu thuyết. Nó giải thích một số hiện tượng: có những tác giả, dù tài ba đến đâu, cũng không thể viết tiểu thuyết mà chỉ viết được truyện ngắn. Bởi vì họ không có cái nhìn quán xuyến toàn thể xã hội, họ không đi vào được nhiều nhóm xã hội khác nhau, họ không tìm được các mối liên lạc giữa các nhóm xã hội khác nhau, như trường hợp Nguyễn Tuân hay Nguyễn Huy Thiệp.
Trở về trường hợp Nguyễn Mộng Giác, trong Mùa Biển Động, ông đã nhìn rõ lớp người trung lưu, có học, trong xã hội miền Nam mà người ta thường gọi là “tiểu tư sản thành thị”, đặc biệt ở Huế. Nhưng ông hoàn toàn xa lạ với lớp người Bình Định, quê hương ông, nhất là người dân quê. Trong khi Võ Phiến sở hữu từ thể xác đến linh hồn người dân quê Bình Định. Tiểu thuyết và truyện ngắn của Võ Phiến nằm trong thời không gian Bình Định của những người dân quê, thô mạc. Tiểu thuyết và truyện ngắn của Nguyễn Mộng Giác, nằm trong thời không gian Huế và Sài Gòn, thập niên 60-75.
Tập Sông Côn mùa lũ, đối với những độc giả không sành, vẫn là một cuốn tiểu thuyết hay, lôi cuốn, bởi Nguyễn Mộng Giác là một nhà tâm lý tiểu thuyết, ông đã dựng nên những thăng trầm của hai gia đình: giáo Hiến và họ Nguyễn với ba người con tên Nhạc, Lữ và Huệ.
Nhưng ông chưa dựng được xã hội Việt Nam dưới thời Tây Sơn, chưa dựng được chân dung lịch sử của Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, trong xã hội Việt Nam thời Tây Sơn, với những con người thời ấy, với những cử chỉ, hành động, ngôn từ, của những lớp người xã hội thời ấy… Vì vậy khó có thể nói đến một thời không gian trong tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ.
Về Mùa biển động, tôi đã viết khá kỹ, ở đây chỉ xin thêm đôi dòng.
Với đôi mắt tinh tường, cái nhìn thàng hậu (nhân bản) Nguyễn Mộng Giác đã xây dựng lại cuộc đời của nhiều gia đình, nhiều nhân vật trong thế hệ những người đã sống hoặc lớn lên ở trong Nam, thời kỳ chia đôi đất nước. Ông là một tiểu thuyết gia truyền thống, không đi tìm cái mới lạ, ông thể hiện tiểu thuyết như những người đi trước đã làm, như thời Hồ Biểu Chánh, như thời Tự Lực văn đoàn, bằng ngôn ngữ của thời ông… Là nhân chứng có con mắt bao quát và sâu xa, ông nhìn và viết lại xã hội miền Nam trước 1975, thuật lại biến cố Phật Giáo những năm 60, biến cố Mậu Thân thập niên 70, biến cố 30 tháng tư 1975, thuật lại cuộc di tản, thuật lại cuộc đời tha hương trên đất Mỹ… Chúng tôi đọc ông và thấy thấm thía, đau xót, đôi khi thấy những mảng đời mình. Ông đã thành công. Một thành công lớn, không phải tiểu thuyết gia nào cũng đạt được.
Viết những dòng này, không để tiễn Nguyễn Mộng Giác, bởi đối với nhà văn, ra đi là bước vào văn học sử, không có gì phải tiếc, không có gì phải tiễn. Ông đi, nhưng tác phẩm của ông ở lại. Khi nào chúng tôi còn đọc ông, khi nào đời sau còn đọc ông, ông còn hiện hữu.
Cũng không để “phê bình” ông, mà để chứng minh một điều: Nguyễn Mộng Giác là nhà văn của thực tại, của nhận xét tinh vi những gì xảy ra trước mắt. Ông không phải là nhà văn của quá khứ, những gì trong quá khứ, qua tay ông, cũng trở thành thực tại. Ông là nhà tâm lý tiểu thuyết của hôm nay. Khi thực tại không còn gì thúc đẩy ông nữa, ông ngừng viết.

Thụy Khuê
(Les Issambres ngày 12/7/2012)



ngu yên

Nguyễn Mộng Giác, thức từ giấc mơ



Thứ Hai ngày 9 tháng 7 năm 2012
  
A short night
wakes me from a dream
that seemed so long
Tôi thật sự muốn viết đôi dòng tưởng nhớ anh Nguyễn Mộng Giác nhưng ngày qua bốn ngày, vẫn không viết được gì. Nhớ rất nhiều chuyện. Nghĩ rất nhiều chuyện. Âm ỉ âm u.
Chợt mở sách. Một cuốn sách khá xưa tìm thấy. Trong tiệm sách Half Price Books ở Little Rock, Arkansas, lúc đó, anh Giác và tôi lựa mua vài cuốn sách on sale. Khi chia tay, anh bỏ quên lại. Hoặc anh đã đọc xong sau vài ngày thăm viếng chúng tôi ở một thành phố nhỏ vắng. Cuốn sách: Japanese Death Poems của Yoel Hoffmann. Tôi mở ra, đọc đúng dòng thơ cuả Yayu, viết trước khi qua đời.
Đêm ngắn
gọi tôi thức giấc mơ
hình như quá dài
Có lẽ tôi bắt đầu từ đây.
Không hiểu tôi nợ anh Giác hay anh Giác nợ tôi. Tôi nợ anh Giác đã mở cánh cửa văn chương cho tôi bước vào và anh Giác nợ tôi những rối rắm của văn chương mà tôi phải mang cho đến hết như giấc mơ hình như quá dài.
Tôi không phải là người trời sinh thích văn chương. Tôi thích sáng tạo. Sáng tạo làm cho tôi sung sướng. bất cứ là việc gì, dù tầm thường đến đâu, nếu để sáng tạo vào, tự dưng sẽ thú vị. sáng tạo trong văn chương nghệ thuật tạo ra cái hay cái đẹp nhưng xa vời như trăng ở trên cao. Trăng đẹp hay ánh trăng đẹp? Trăng của của người, trăng của tôi, khác nhau vô cùng. Trong khi sáng tạo trong khoa học thì như con voi. Cho dù mù vẫn rờ được. Cho dù nói sai vẫn là cái chổi, cái ống, cái quạt....Thử hỏi những người mù làm sao luận ánh trăng?
Vậy mà anh Giác đã đưa tôi vào chốn mơ hồ này, từ số 3 của tờ Văn Học Nghệ Thuật do anh và nhà văn Lê Tất Điều chủ trương từ Quân Cam California, thập niên 80. Từ đó tôi mãi ngụp lăn cho đến nay. Trong gần mười năm gần đây, tôi đã dụng công hầu hết khả năng sáng tạo vào việc sáng chế robots cho thị trường tiền tệ quốc tế. Nhưng vẫn không quên được cái nghiệp văn thơ sau những giờ căng thẳng của áp lực khoa học, tài chánh và người theo học. Dạy văn chương mà dở, học viên vẫn trở thành nhà văn nhà thơ. Dạy giao dịch tiền tệ mà sai, học viên sạt nghiệp. Nghệ thuật đã giúp tôi giải tỏa những áp lực của trách nhiệm và những thất bại của robots. Để vẫn tiếp tục có sung sướng khi sáng tạo các phương trình điện tử. Ở đây, tôi phải thật lòng cảm ơn anh Giác.
Chúng tôi ít có dịp gặp nhau. Chỉ liên lạc bằng điện thoại vào cuối tuần. Thỉnh thoảng về Cali, bù khú với các anh Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Bá Trạc, Vũ Huy Quang, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Quốc Bảo, Khánh Trường, Nguyễn Mạnh Trinh, Bùi Vĩnh Phúc, Khế Iêm, Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Công Thiện, Mai Thảo ..... còn nhiều nhưng vượt qua trí nhớ. Tôi sang Cali thường ngủ lại nhà của anh Giác, lúc đó có luôn cả thấy Từ Mẫn, (bây giờ là anh Võ Thắng Tiết) và hai đứa con của anh.
Là một đêm trong cuối thập niên 80, tôi cùng Nguyễn Bá Trạc, Nguyễn Mộng Giác, Phạm Công Thiện, hình như có Nguyễn Xuân Hoàng... cùng nhau đến uống bia trong nhà đậu xe của anh Vũ Huy Quang. Trước là uống, sau là cãi. Về mục này thì anh Quang và Trạc là số một. Quá nửa đêm, trời về sáng, chúng tôi bắt đầu đóng tuồng, hát hò...Hội Nghị Diên Hồng. Anh Quang làm vua. Anh Trạc làm tướng. Tôi , anh Phạm Công Thiện và một anh nào nữa làm bô lão. Chúng tôi diễn tuồng này rất hào hứng. Quyết chiến, quyết chiến, mấy anh văn thơ la lên và lòng rất thoải mái.....Anh Nguyễn Mộng Giác như thường lệ, im im, cười cười, làm khán giả xem chúng tôi. Đêm đó vui. Nhớ hoài. Sáng hôm sau, đói meo. Xanh mướt vì mất ngủ và mất sức. Phải len lén đi về vì bà cụ của anh Vũ Huy Quang phải ra sân xối nước xối xả. Khai quá.
Anh Giác đến thăm vợ chồng chúng tôi và Little Rock trong những ngày cuối thu, năm chín mấy. lá vàng không còn nhiều. Trời xám đục suốt ngày. Thành phố nhỏ, không biết đi đâu. Anh em nằm nhà, uống trà, đấu hót. Anh Giác là người hiền hậu, trung thực, người Bình Định gọi là thàng. Anh có thể hoạt bát, tranh luận qua nhân vật. Có thể hung hăng qua vai những người gian ác nhưng bên ngoài anh là người ít nói, tư duy và thâm trầm. Tôi không thích thàng nên hay tranh cãi với anh. Lúc đó đời sống của đám di dân Việt ở Hoa Kỳ rất là tâm lý mặc cảm, cơm áo tranh đua, mưu kế phức tạp......thường là đối với người đồng hương. Tôi hỏi, nên chọn thái độ tử tế đối với hạng người này để chịu thiệt thòi hay chọn thái độ khôn ngoan ra tay trước. Anh Giác trả lời không suy nghĩ gì: Tử tế. Tôi không được như vậy. Tôi chỉ có thể tử tế với người tử tế. Tinh thần thiện ác của ông Friedrich Nietzche thể hiện qua Hồng Thất Công, tàn sát một kẻ ác là cứu nhiều người khác. Nhường nhịn một kẻ ác là thiệt hại cho nhiều người lương thiện. Tôi nghĩ như vậy. Với tinh thần đó, anh Giác đã sống những ngày tháng chật vật với những người lợi dụng anh nhiều phương diện, kể cả phương diện văn chương. Cùng một lúc, anh lại có những anh em chia đắng xẻ bùi trong những tháng ngày cô đơn cho đến khi vợ anh, chị Chi sang Mỹ. Từ lúc đó, tôi cũng ít làm phiền anh. Để anh có thời giờ cho một gia đình nối lại hạnh phúc muộn.


Ngọc Phụng, Ngu Yên, Nguyễn Mộng Giác, 1984

Mặc dù anh là người viết tiểu thuyết luận đề nhưng anh chia sẻ với tôi về những nhân vật trong các truyện của anh. Anh nói, nếu mình không yêu thương nhân vật nào thì đừng dựng nhân vật đó. Yêu thương ở đây có nghĩa tôn trọng và tử tế với nhân vật được dựng ra. Đôi lúc vì tôn trọng nhân vật anh lại đi ra xa chủ đề mà anh muốn xúc tác. Nói thật lòng, tôi không cho anh Giác là một chủ bút xuất sắc cho dù sự đời đã đưa đẩy anh làm chủ bút tờ Văn Học Nghệ Thuật rồi sang tờ Văn Học. Anh rất được những người nghiêm túc tin tưởng và kính trọng. Tuy nhiên vì bản tính "thầy giáo" của anh và quan niệm văn chương có truyền thống của anh đã khiến cho nhiều sáng tác góc cạnh, bùng nổ của một số giới trẻ đã không lọt vào sân chơi Văn Học. Văn Học là một nội và hình nối dài của Bách Khoa. Nhiều đêm tôi ngồi coi anh đánh máy, sữa lỗi chính tả. Lúc đó người viết tay và đánh máy chữ, chưa có computer. Anh làm việc rất mực chăm chỉ, cần cù. Hút thuốc liên miên và ăn cơm ngụi chan nước mắm ớt.
Có một điều nơi anh Giác, tôi rất muốn học mà không học được, đó là sụ tôn trọng dư luân. Những nghệ sĩ đồng hương huynh trưởng nổi danh của tôi ở hải ngoại, có nhà văn Võ Phiến và nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Người Bình Định, thật sự rất coi trọng mặc mũi. Ngày xưa dân xứ nẫu ít học nên xem việc khoa bảng là thanh danh. Mặc cảm không đủ văn hóa như các xứ khác, đã khiến cho người Bình Định rất quan tâm về lễ nghĩa, bề mặt bên ngoài và rất sợ dư luận. Tranh cải thì nhiều mà làm thì sợ hậu quả cho dù biết hậu quả đó tốt.
Phải nói nhà văn Võ Phiến là người rất e dè đối với dư luận nhưng ông có biệt tài là "lách" rất giỏi. Cứ đọc văn của ông là biết tài tránh né của ông đến mức Lăng Ba Vi Bộ. Ông không sợ dư luận nhưng xa lánh những phiền toái đó. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác rất tôn trọng dư luận nhưng ông cũng không hề sợ dư luận. Khi cần thiết để đương đầu với những dư luận chính trị cực đoan, những đầu óc ẩn núp bình phong và những tâm tình bị giựt dây, anh Giác cũng không run tay. Những bài viết trả lời của anh sâu sắc và thú vị tuy thiếu sự phản công mà giới hạn đúng tôn chỉ "đỡ đòn". Tôi là người bất cần dư luận từ gia đình, đời sống đến văn chương. Lòng sợ hãi sẽ thui chột sáng tạo. Trí sợ sai sẽ ngập ngừng sáng tác. Nếu chỉ vì sợ chi tiết nhỏ sai mà không dám viết một ý nghĩ lớn thì cầm viết để lựa sạn hay sao? Tất cả những tác phẩm triết học to lớn đều có nhiều sai lầm sau khi thời gian chứng minh nhưng những tác phẩm đó vẫn để đời. Có tác phẩm nào, tác giả danh tiếng nào mà không có sai lầm trong tác phẩm của họ? Kể cả kinh thánh? kinh Phật? kinh Koran? Tuy nhiên, bất cần dư luận không phải là thái độ bên ngoài mà là một trạng thái tâm lý. Những ngày còn trẻ tôi đã mắc phải lỗi lầm bày tỏ sự bất cần. Bây giờ nghĩ lại, mới hiểu, tôn trọng dư luận không có nghĩa là sợ. Lắng nghe dư luận không có nghĩa là bị ảnh hưởng. Cám ơn anh Giác.
Để cám ơn anh một cách tích cực, anh đã từng nói với tôi, lòng tử tế không chỉ nói cám ơn. Tôi sẽ "dịch" lại cuốn sách Japanese Death Poems. Những bài thơ cuối cùng của các nhà thơ, thiền sư, vương tôn .....viết trước khi qua đời. Người ta chết thường để lại di chúc hoặc lời trăn trối. Người Nhật trước khi vĩnh viển ra đi để lại bài thơ, vài câu thơ.
Nhà thơ Uko, nằm liệt trên giường bệnh lâu ngày. Rồi một hôm, chuẩn bị ra đi, ông viết:
The voice of the nightingale
makes me forget
my years
Tiếng hót Sơn ca
làm tôi quên
đời tôi
Những lời của Ngu Yên hôm nay cũng mong sẽ làm cho anh quên đi năm tháng gian trần để thức dậy sau một giấc mơ dài.

7.7.2012




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét