Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

nguyễn đăng trình * thơ

ngang qua trường cũ và...














thi xong lũ lượt lên đường
nhói lòng đau phút bỏ trường mà đi
thằng đen đúa mặt lầm lì 
đứa ngầu ngầu bộ rằn ri bụi đời

tiếng yêu còn mím trên môi
[mắc chi thốt mãi mà lời chằng nên?]
kontum quảng trị liền liền
bài thơ chợt nhớ chợt quên cũ sì

dưỡng quân về phố đôi khi
gặp nhau chẳng nói năng gì rồi... xa
người ta vẫn cứ người ta
ngắc nga... ngắc ngứ... thế là... mất luôn!...



hỏi quảng
* gửi bạn bè 11C Trần Quốc Tuấn 1972










chùm phượng đỏ đến bây giờ còn đỏ
ngày chia tay khi vừa đỗ tú tài
em ngồi khóc mà ta rơi nước mắt
lòng chợt mềm bên hiên nắng dần phai

tiếng ve khản đến bây giờ còn khản
lời tiễn đưa sùi sụt giọt từ ly
em cúi mặt dáng hiền như cọng liễu
ta lịm người dợm mãi bước không đi

vầng trăng ngượng đến bây giờ còn ngượng
đêm trao nhau lính quính nụ hôn đầu
em cố giữ chân người không thể giữ
nước sông Trà mùa hạn bất ngờ sâu

ly kem buốt đến bây giờ còn buốt
cái mùa thi khâm liệm cái mùa yêu
em ở lại buồn vui năm đệ nhất
ta tung bờm xích thố ngược truông đèo

thành phố rực đến bây giờ còn rực
những mùa hè hoa gạo hối hoa vông
em thui thủi đi về trên lối nhớ
địu cuộc tình chưa hết bỏng sau lưng…


Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

kẻ dụ hoặc - nguyễn đạt * truyện ngắn


Gặp lại Đăng, bạn thân thiết của tôi, học cùng lớp ngồi cùng bàn mấy năm liền. Năm cuối bậc trung học chúng tôi mới chia tay; tôi theo gia đình dời Sài Gòn chuyển tới một thành phố khác, và học tiếp ở đó. Ngồi cùng bàn học với chúng tôi cũng mấy năm liền là Hoàng Thanh, anh chàng đã ra vẻ một nhà thơ một nhà văn đích thực từ thuở còn là học trò. Chúng tôi từng đọc những bài thơ bài văn mà Hoàng Thanh lấy bút danh là gì đấy tôi quên rồi, trên bích báo của lớp, báo xuân của trường. Hồi ấy tôi chơi thân với Đăng, cùng Đăng tham gia những vụ đánh lộn của băng nhóm Chu Bá Sương. Thật ra băng nhóm chỉ có ba người: Đăng-tôi-và xếp sòng là Chu Bá Sương. Sau khi Lâm-thợ-điện bị đàn em là Hùng-mặt-mụn lụi dao găm vào giữa ngực, vì y phẫn uất đàn anh cướp tình yêu của y, thì tay anh chị số một của trường Trung học Chu Văn An là Chu Bá Sương chứ không ai khác. Hoàng Thanh với chúng tôi thì cũng thân mà không thân. Thật chán ngán, tôi nghĩ về anh chàng nhà thơ nhà văn sớm phát tiết này mà buồn nôn. Tôi không thể gọi anh chàng bằng một danh xưng nào của văn nghệ sĩ. Tôi chỉ thấy anh chàng giống một con sâu lầy nhầy ẩm ướt; không hiểu sao Đăng lại gọi Hoàng Thanh là Kẻ-dụ-hoặc. “Kẻ dụ hoặc cũng rất giống, và giá trị ngang bằng một con sâu lầy nhầy ẩm ướt, bạn Nguyễn ạ. Tất nhiên hắn là con sâu đực, giữa vô số những con sâu cái…,” Đăng chỉ nói vậy.

Bây giờ gặp lại Đăng, tôi mới biết chàng võ sĩ quyền Anh chưa từng thượng đài một lần nào. “Khi võ sĩ quyền Anh Lương-Kế-Chính tức Leng-kê-cheng bảo rằng cấu trúc xương sọ tôi không thích hợp với thi đấu quyền Anh, tôi từ biệt lò võ của ông", Đăng nói. “Còn tập luyện làm gì, quyền Anh không phải thứ võ để tự vệ. Chẳng lẽ tự nhiên tôi tấn công ai đấy?...", Đăng nói tiếp. Tôi hỏi thăm Hóa, cô gái xinh đẹp, học dưới chúng tôi và Hoàng Thanh một cấp lớp, tất nhiên ở trường nữ trung học Trưng Vương, trường nữ danh tiếng ngang trường Chu Văn An. Chúng tôi quen Hóa trước Hoàng Thanh. Anh chàng lân la tới làm quen họa sĩ Nghiêu Đề; chả là anh chàng cố-đấm-ăn-xôi tối đa với văn nghệ, muốn học đòi vẽ tranh để trở thành họa sĩ nữa. Không hiểu anh chàng có học hỏi được gì về hội họa; ấy tuy nhiên từ đó anh chàng cứ bám lấy Hóa, em gái họa sĩ Nghiêu Đề.
        
Đăng cho tôi biết, một lần tới thăm Hóa tại nhà, thấy trên bàn học bài thơ tỏ tình của Hoàng Thanh. Đăng hỏi Hóa bài thơ này hay không, Hóa có xúc động không… Một hồi lâu, Hóa trả lời: “Vần điệu bài thơ cũng nghiêm chỉnh". “Quá nghiêm chỉnh là đằng khác, nhưng bài thơ thì quá dở, sáo rỗng mà thôi…", Đăng nói, “Anh làm thơ phải hay hơn Hoàng Thanh một nghìn lẻ một lần". Trên gương mặt xinh đẹp của Hóa, có cả ngạc nhiên và giễu cợt khi Hóa nói tắp lự: “Anh Đăng làm thơ? Không thể giả định như vậy được! Anh mơ trở thành võ sĩ quyền Anh mà?”. Đăng cho nàng biết, anh đã hoàn toàn từ giã quyền Anh. Hóa lại bảo: “Từ quyền Anh sang viết văn như Jack London, Hemingway, thì em còn hiểu được; nhưng ngoặt sang làm thơ thì thiệt lạ lùng đó".

Một tuần lễ sau Hóa cầm xem mãi bài thơ của Đăng mà không nói năng. Hóa nghĩ ngợi gì đó, vẻ mặt đắm chìm. “Anh có thể làm thơ được chứ?”. Hóa im lặng thêm một hồi, rồi nói: “Thấy lạ lạ… nhưng tại sao lại Dấu vết trắng?”. Bài thơ của Đăng có câu Nàng để lại đời tôi dấu vết trắng. “Thật khó để giải thích thơ… Có thể là…",
 Đăng đã giải thích một hơi dài, và, nếu Hóa chờ đợi lời giải thích rành mạch cụ thể, anh chỉ đưa ra câu giải đáp mơ hồ, trừu tượng. Nhưng Hóa không nhắc lại thêm một lần ý nghĩ quyền Anh chuyển sang thơ là việc thiệt-lạ-lùng, nên Đăng tiếp tục làm thơ tặng Hóa. Ấy tuy nhiên, cảm giác về mối quan hệ có lẽ đã trầm trọng giữa Hóa và Hoàng Thanh, Đăng không thấy hưng phấn. Giữa những dòng thơ Đăng viết cho Hóa, mối quan hệ ấy cứ hiện lên, hiện lên. Anh ấy làm thơ có thể không đặc sắc, nhưng tính cách, con người anh ấy khó quên được Ôi, con người đó anh ấy biểu, đời anh ấy chẳng còn ý nghĩa gì từ năm hai mươi tuổi. Anh ấy xem như anh ấy đã chết ở tuổi hai mươi… Đăng phẫn nộ trước sự bịp bợm, gian lận của Hoàng Thanh. Anh chàng từ lúc được sinh ra đã là một thứ đẻ-bọc-điều; từ đời ông cha cụ kỵ của anh chàng, những kẻ bản mệnh được sao trời an cho chỗ ăn-trên-ngồi-trốc, đè đầu đè cổ thiên hạ; thế thì anh chàng đào bới ở đâu ra nỗi niềm bi thảm để gắn vào mình làm tấm huy chương văn nghệ, để thấy đời mình chẳng còn ý nghĩa gì từ năm hai mươi tuổi, cái tuổi anh chàng đang còn đặt bàn tọa mỗi ngày, trên chiếc ghế yên ấm nhà trường đại học?

Đăng nhớ vài lần ngẫu nhiên đọc những gì anh chàng cóp nhặt lượm mót đâu đó, để viết ra trên tờ báo, thì đúng là giọng điệu của một tên văn nghệ trá hình. Anh chàng càng viết càng nhăng nhít vớ vẩn, với bút danh cũng tào lao như tác giả của nó, lài nương lài rẫy gì đấy. Ấy tuy nhiên cô gái xinh đẹp và không thiếu trí tuệ, Hóa, xem ra cũng bao phen cảm kích rúng động trái tim, bồi hồi với văn chương nghệ thuật của Lài-Nương-Hoàng-Thanh. Bồi hồi với những tác phẩm của kẻ dụ hoặc, Đăng từng nói với tôi như vậy, từ lâu rồi.

Một buổi sáng không có gì đặc biệt, Đăng nói, nhận được tin Hóa đính hôn với Hoàng Thanh. Sau đó ít lâu Đăng cũng lập gia đình. Chuyện Đăng lập gia đình thật sự giống chuyện bất thường, thật sự giống chuyện đột ngột; một người trong họ quen biết chị ấy, giới thiệu chị ấy với anh. Tôi đã gặp chị, chẳng có gì đặc biệt để nói, chị làm nghề thêu thùa, có lẽ có tay nghề cao. Đăng nói với tôi, anh muốn bạch hóa những rắc rối của trái tim. Ban ngày anh làm công việc của mình, chị làm bữa ăn khi rời những đường kim mũi chỉ trên vải trên lụa. Buổi tối anh thường uống trà với nhà sư trụ trì ngôi chùa cổ, giữa vườn cây rộng mênh mông.

Lễ cưới của Hóa, anh và chị có tới dự. Đăng nhìn thấy cái vẻ chưa bao giờ khác vậy của Hoàng Thanh. Khuôn mặt anh chàng là khối thịt dày căng vẻ thỏa mãn, vẻ dương-dương-tự-đắc. Chả là anh chàng ra cái điều ta đây con nhà dòng dõi ăn-trên-ngồi-trốc. Còn Hóa, nàng luồn cánh tay vào cánh tay chú rể, kéo giữ nài nỉ anh ta điều gì đấy, giữa những ly rượu cay nồng, hân hoan tràn dâng của đông đảo bạn bè khách khứa.

Vào lúc chị bận rộn với khách đặt hàng thêu, anh biết Hóa không hạnh phúc. Lúc ấy chị đang làm việc tại nhà một thân chủ có lắp đặt máy thêu hiện đại, ở vùng Tân Định. Chị đi làm từ năm giờ chiều, anh đưa đi và đón về lúc chín giờ tối. Anh ngừng xe ở đầu hẻm số mười đường Mã lộ, chị xuống; và cũng ở chỗ ấy anh chờ, hoặc chị đã đứng đợi anh đi xe tới đón về. Cũng có những tối chị ở lại vì hàng quá nhiều, sáng hôm sau chị tự về bằng xe xích lô.

Những buổi tối ấy Đăng cũng không về nhà. Anh tới ngôi chùa cổ, uống trà, chuyện trò thâu đêm với thầy trụ trì. Thầy lại nói công án Thiền: Tâm bất an ư? Nào, đưa cái tâm ấy ra đây, ta an cho… Anh có giấc ngủ chập chờn lúc đêm đã khuya, tiếng chim ăn trái trong vườn cây; anh nhớ tới Hóa, thảng thốt. Sớm tinh mơ, lối đi cỏ ướt sương, anh nổ máy xe trong vườn chùa tịch mịch, đi thẳng tới nhà Hóa.

Hiện ra nhợt nhạt, có thể Hóa đã trằn trọc với giấc ngủ; anh xuất hiện bất ngờ, hỏi Hóa, tình trạng bây giờ ra sao? “Em vẫn bình thường… Sao anh lại hỏi vậy?”. “Em không bình thường nữa đâu. Anh đã gặp Dung, Khoa Dung đó… Dung nói lúc này em sống với Hoàng Thanh không được hạnh phúc". Một thoáng cười có vị mỉa mai, Hóa nói: “Hạnh phúc… ôi, có thiệt là anh thích nói tới chuyện ấy không?”.

Có thể anh sẽ rất bất bình về câu nói ấy, nếu người trước mặt không phải là Hóa: nhợt nhạt, và cả vẻ hoảng hốt còn đọng trên gương mặt. Giọng anh dịu dàng: “Em phải tin anh, dù liên hệ giữa anh và em chẳng thấy được nét gì hiện lên để nói… Nhưng anh không bao giờ quên em". “À… dấu vết trắng đấy mà. Anh vẫn nói năng như làm thơ". “Em đừng đùa nữa. Anh thật lòng muốn biết". Im lặng, đôi môi mím chặt bỗng mở ra; Hóa khóc, tiếng khóc nghẹn trong cổ. Đăng chịu đựng giây phút ấy, rồi nghe Hóa nói, nhỏ giọng: “Đã từ lâu anh Thanh không cư xử bình thường với em. Em chẳng biết tại sao như vậy… Anh ấy đi suốt ngày. Em vẫn hỏi han, săn sóc, dịu dàng với anh ấy… Em biết anh Thanh yếu đuối, chẳng được mạnh mẽ như anh… Nhưng… nhưng bây giờ anh ấy lại đi cả đêm, không bận tâm gì tới nỗi lo lắng của em nữa". “Tại sao như vậy được? Em cho rằng Hoàng Thanh đi đâu suốt đêm?”. “Có người quen nói với em, biết anh Thanh thuê nhà; một phụ nữ vẫn lui tới đấy. Cô ấy biểu, người phụ nữ này hình như có chồng, vẫn chở xe tới đầu ngõ hẻm”.

Đăng buột miệng, sau giây phút anh giống một gã khờ: “Ngõ hẻm nào?”. “Ngõ hẻm… đường Mã Lộ, ở phía ngang hông chợ Tân Định đó mà”.

Tôi không nghĩ trạng thái tinh thần của Đăng có thể còn bình thường vững vàng được; dù cũng như Hóa, tôi tin anh là người mạnh mẽ. Tôi cũng tin, những người mạnh mẽ có thể đã chết hàng nghìn lần trong im lặng. Nhưng nếu ai tin có Thượng đế, và ngài được biết đến bằng ngọn roi của ngài, thì tôi đã thấy ngọn roi ấy được vung lên vào những lúc ngài nhầm lẫn. Dù sao Đăng trước mắt tôi, sau nhiều năm xa cách, vẫn cho tôi thấy lại một chàng võ sĩ quyền Anh có đôi mắt nhiều lúc đượm buồn, có thể buồn hơn một điệu nhạc Blues buồn./.
   
Tặng một người lẽ ra có thế giá lại trở thành ba xu.

-----------------------
* nguồn: vanchuongviet,org


có phải cuộc đời là… vậy vậy! – nguyễn đông nhật


Từ bài thơ đầu tiên in báo vào năm 1957 đến nay, đã 51 năm Trần Huiền Ân (T.H.Â) gắn bó cùng chữ nghĩa. Với nhiều thơ và truyện ngắn đã in báo, với hai tập thơ, hai tập truyện ngắn và 11 tác phẩm biên khảo (trong đó, 10 năm liền được giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam), sẽ phải “gọi tên” ông là gì? Trong một số bài viết, ông được gọi là nhà Phú Yên học, không biết có phải do căn cứ vào số lượng đầu sách của ông trong lĩnh vực này? (Nhân thể, xin được nói “lạc đề” về cái chữ “học” này). Cách gọi mang tính chất… cổ vũ như thế (về mặt tình cảm thì có thể tạm chấp nhận) dường như đã dẫn đến sự… lạm phát: Quảng Nam học, Huế học, Hà Nội học, Kontum học… trong khi về mặt học thuật, có lẽ… “chưa nên” chấp nhận (?). T.H. chỉ nhận mình là một nhà giáo viết văn. Thiết nghĩ, đây là nét đáng quý trong phẩm chất của ông: sự khiêm tốn đúng mực do đã đi qua bao nhiêu trải nghiệm để “thấm tận” những giá trị hư ảo và những giá trị thực của cuộc đời,

*  
Trong “Lời nói đầu” của tập sách Đất trời Phú Yên, T.H. cho rằng, ông không viết địa chí theo qui phạm thông thường mà “chỉ ghi lại những gì mình tìm hiểu được... Chuyện gì biết nhiều thì nói nhiều, biết ít thì nói ít”. Nhận xét về tác phẩm biên khảo này, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, đã nhắc lại lời của cố GS Trần Quốc Vượng vào năm 1996 khi đánh giá công trình: “Trong nghề nghiên cứu của chúng ta, để viết được một, phải biết mười hay hơn thế nữa... Công trình này phải là kết quả của nhiều năm tháng điền dã, đọc tư liệu cổ kim đông tây, của một tư duy tổng hợp liên ngành và chắc chắn không thể thiếu một tình yêu sâu đậm đối với quê hương ruột thịt”. Nhận xét này cũng là kết luận của Hội đồng khoa học khi xét trao giải nhì cho công trình này.

Dù không nhận mình là nhà biên khảo chuyên nghiệp về Phú Yên, nhưng các đoàn làm phim tư liệu và những ai muốn tìm hiểu về địa phương này đều đến gặp ông để nhờ tham vấn và hướng dẫn tiếp cận thực tế. Tất nhiên có nhiều “lai do” đưa T.H. đến với lĩnh vực này, có phần bởi tình cờ, một phần có duyên cớ, nhưng sâu xa, điều này phải xuất phát từ tình yêu, để rồi lại trở thành một phương cách tìm ra lẽ sống cho mình: “Sưu tầm, nghiên cứu là để tìm hiểu xem người xưa sống thế nào, suy nghĩ thế nào”.

Với sáu công trình biên khảo đã xuất bản và 19 tác phẩm nghiên cứu đã hoàn chỉnh (chưa in) về đất và người Phú Yên, hẳn nhiên, T.H. đã xây được nền móng vững chắc cho những người đi sau ông trong lĩnh vực này. Chợt nhớ câu thơ của Đỗ Phủ mô tả công tích của một người có công với bản quán mình: “Vô nhân lập bi kiệt / Duy hữu ấp nhân tri” (Không có ai lập bia để thờ ông ấy / Nhưng người trong làng xóm đều biết cả). Thiết nghĩ, cái từ “ấp nhân” ấy, với trường hợp T.H.Â, không chỉ giới hạn trong tỉnh Phú Yên, mà đã được mở rộng hơn nhiều, trong mối quan hệ giũa những đặc điểm của một địa phương đối với cả nước, trong lĩnh vực địa chí học.

Nhưng trước khi đến với công việc nghiên cứu, T.H. viết song song cả thơ và truyện. Từ truyện ngắn đầu tiên có nhan đề Dáng dấp in trên báo Văn Nghệ Tiền Phong, mãi đến 40 năm sau, ông mới in thành tập đầu tiên (Tiếng hát nhân ngư  - 1997). Ở tập truyện này, “có những truyện thích mà phải bỏ ra, thay vào những truyện không được như ý”. Trong mảng truyện viết trước năm 1975, ở nhiều truyện, sự kiện và tình tiết lấy bối cảnh là đất và người của huyện miền núi Sơn Hòa thân thương của tác giả. Ở một số truyện ngắn khác có tính chất phê phán thực trạng xã hội miền Nam, (cũng được viết trong giai đoạn này), cách miêu tả hiện thực dưới nhiều góc nhìn khác nhau nhằm tạo nên sự đa dạng được nhà văn chọn làm “chỗ dựa” đã được phát triển hơn nữa trên những trang viết trong khoảng 30 năm trở lại đây. Phải chăng, vì vậy mà nhà thơ Thanh Quế đã cho rằng, ông thích văn xuôi hơn là thơ của T.H.Â. Còn nhà văn tiêu biểu của Phú Yên là Võ Hồng thì nhận xét về văn xuôi của T.H. là “bình dị, viết không hoa hòe tô điểm nên người đọc tin đây là chuyện thật. Kỹ thuật quan sát, ghi nhận, nghệ thuật chọn chữ đặt câu có thể làm mẫu cho học sinh”. Đọc hai tập truyện của ông gửi tặng, tôi nghĩ, ông đã khắc họa đậm nét đôi phần lịch sử, huyền sử, phong tục một thời của tỉnh Phú Yên bằng tình - yêu - điềm - đạm của một nhà thơ.

*  
Nhưng tôi vẫn cho rằng, sự nghiệp của ông chính là ở Thơ. Hơn 40 năm từ khi nghe bài thơ “Thuyền giấy” của ông, được đọc trên đài phát thanh Sài Gòn (cũ), vẫn không thể quên nét trong trẻo này: “Bàn tay bé em thả con thuyền giấy / Xếp vụng về góc giấy chực xòe ra / Không có gió nên thuyền trôi rất nhẹ / Em dõi theo và hát khẽ: dô ta”... Bốn mươi năm, những câu thơ như thế không mờ mà lại càng thêm nét đằm thắm, pha một chút bùi ngùi. Bởi vì, thế giới thơ của T.H. là một thế giới đã mất - đang mất, đối với tất cả chúng ta. Những hình ảnh, những con người của Phú Yên trong thơ ông cũng là những gì của một nông thôn Việt đang dần dần lùi xa trong ký ức. Cái vốn hiểu biết về văn hóa nông thôn, tâm hồn mơ - mộng - cổ - điển và ít nhiều nỗi thất vọng của con người trong một đời sống ngày càng hiện đại đã tạo nên cái “hợp chất” để làm thành giọng thơ riêng. “Em nhớ... chiều chiều vây quanh giếng Trạm / bàn tay tròn cô gái vuốt dây gàu / chuỗi khúc khích bỗng nhiên dừng - cả đám / ngơ ngác nhìn - vườn rớt chiếc mo cau”. Cái thế giới có nhiều tiếng động của quá khứ ấy, giờ đây, còn chăng chỉ là những “giọng Mường xa lạ” giữa xô bồ của mênh mông phố người. Thanh âm trong thơ T.H. là những tiếng vọng của cuộc đời đã được chưng cất qua tâm thức thi sĩ để trở thành một thực thể song trùng: Đời đục - Thơ trong. Như thế, Thơ đã vượt khỏi phạm trù nghệ thuật để trở thành mục tiêu lý tưởng của con người. Lý tưởng ấy chỉ có thể được nhận biết sau khi đã “chạm mặt” với hư vô. Để làm gì, nếu không là để trở lại với phận làm người trong niềm - đau - vinh - dự: “Tiếng vượn hú sầu thấu động tầng mây / Ba tiếng vừa nghe đủ sa nước mắt”. Ấy là chỗ “vậy vậy” của cuộc đời: “Và mỗi buổi chiều, chân guốc gỗ / Tay cắp sau lưng dạo chợ tàn / Ơ, cuối cuộc đời là vậy vậy / Dãy lều trống vắng nắng dần tan”. Nhưng, đó cũng chính là niềm vui thầm lặng trong nỗi cô đơn muôn đời của thi sĩ. Chính vì hạnh phúc này mà con người đã sống và không ngừng vượt qua chính mình. Cho nên, sẽ không có gì lạ khi hầu hết những nghệ sĩ chân chính, về cuối đời, đều nhận ra rằng, cuộc sống, ở đâu và vào thời nào cũng không khác nhau. Nguyễn Du thì “mua vui cũng được một vài trống canh"; Bùi Giáng thì nói “vui thôi mà”; T.H. thì “sống như là để giỡn chơi”...  Nhưng tất cả đều có chung một tình yêu: “Cuộc đời ơi hỡi thương nhau lắm”. Đấy là hạnh phúc, đồng thời là sự bất hạnh của thi sĩ, hạng người luôn luôn bất hòa với đời sống trong một mối liên hệ gần - gụi - chia - xa...


 Trần Huiền Ân

Tên khai sinh, dùng trong một số tác phẩm biên khảo: Trần Sĩ Huệ
Sinh ngày: 15.7.1937
Quê quán: làng Vân Hòa, tổng Sơn Xuân, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên.

Sách đã xuất bản:

Thơ: Thuyền giấy (Bách Khoa - 1967), Năm năm dòng sông thơ (1973), Lời trên lá (NXB Trẻ - 1997), Rừng cao (NXB Thanh Niên - 2007).
Truyện: Một nửa chân trời (NXB Trẻ - 1997), Mùa hè quê ngoại (NXB Trẻ - 2002), Huyền thoại mở đất (NXB Trẻ - 2003), Ngọn cờ quân thứ ( NXB Trẻ - 2006).
Tập truyện ngắn: Tiếng hát nhân ngư ( NXB Văn Nghệ Tp.HCM - 1997),Khói của ngày xưa ( Hội Văn học NT Phú Yên - 2002).
Biên khảo: Phú Yên, dọc đường ca dao (Sở Văn hóa TT Phú Yên - 1995),Văn hóa vật chất nông thôn Phú Yên (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - 2001), Phú Yên, miền đất ước vọng ( NXB Trẻ - 2004), Phú Yên, thời khẩn hoang, lập làng (NXB Nông Nghiệp - 2007), Phú Yên, văn hóa theo dòng sông nước (Hội VHNT Phú Yên - 2007) và một số tác phẩm viết chung, in chung
Bản thảo hoàn chỉnh, chưa xuất bản: 21 tập sách biên khảo, một tập tạp bút, hai tập truyện ngắn.

-----------------------
* nguồn: vanchuongviet.org

Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

thơ ngày rời phố núi - nguyễn đăng trình













ngoảnh lần nữa ngó ngàn thông cổ tích
ngó thiên thần thiêm thiếp giấc hương nhu
em khép mắt vờ như không hay biết
rèm mi gầy lấp lánh giọt hoang vu

bài thơ lính hiền hiền em giấu giữ
khẽ ngâm nga đôi lúc tự nhiên buồn
trang giấy trắng chưa ngả màu năm tháng
sao nửa chừng vô cớ dửng dưng buông

ấm ức mãi lờ mờ ta cảm nhận
hòn đá lăn rêu chẳng bám bao giờ
đời lính thú bọt bèo cơn gió núi
đạp trái mìn xác chưa lửng ba lô

những tên phố tên phường… thân thiết thế
mấy ai ngờ phút chốc lạ lùng nhau
những bờ thác bờ hồ… thơm thảo vậy
cũng vô tình lia nhát mắt dao cau

chào phố núi bụi mù mòn áo trận
chào búp tình vừa nụ đã tàn bông
chào niềm vui chào nỗi buồn sương khói
về miền xuôi ta chảy nốt đời sông…

những cơn mưa đỏ rục linh hồn – nguyễn tấn cứ











Hắn đã trở lại cùng với những cơn mưa và nữa đêm tháng bảy
Hắn đã trở lại cùng với những kỉ niệm đang đến ngày sủng ướt
Hắn đã trở lại với nước mắt dàn dụa ùng ục trong những cơn say
Hắn trở lại cùng với những con đường của những con đường chết
Hắn đã trở lại với nỗi buồn muốn khóc và những cơn giận dữ
Hắn trở lại cùng với gã lưu linh lạc địa đang trở về nơi chốn cũ
Hắn trở lại với quán xưa ngay ngã ba đường Tự do và quên mất
Một cái tên đã xa với căn nhà cây đàn và mái tóc đen kình ngạc
Không còn ai không còn ai trong những ngày rời xa em rực rỡ
Ôi linh hồn của anh trên môi em chín rục ướt đỏ thắm linh hồn

Hắn đã trở lại cùng với những cơn mưa đang luồn sâu trong bão
Hắn áp thấp trên đại dương cùng với những đụn mây buồn thảm
Hắn giăng giăng trên những mái nhà hàng cây cao cao
tháp chuông nhà thờ cột đèn ngã bóng
Hắn tích tụ những cơn lốc xoáy với rất nhiều âm mưu tạo phản
Hắn muốn cả thành phố nầy cần phải bị bốc lên cao và xóa sạch
Chỉ còn lại những con đường hư không chỉ còn lại
những. . .
Con đường

Hắn trở lại rất lâu rồi
với những cơn mưa nữa đêm
xối lên đầu hung bạo
Hắn trở lại lầm lũi như một bóng ma lướt trên đầu thập ác
Hắn bóp nát cơn đau của mình trong tiếng rên bên thềm địa ngục
Có gì mới không
hỡi những tháng ngày rong rêu mỏi mệt
Bẫy dưới chân đau tuyệt vọng ngập hồn người

Lại phiêu linh thôi trên những con đường những cơn mưa mù mịt
Anh trượt mãi những cú té dài nằm dài
không một cơ may nào
gượng dậy
Anh trở về với một mình anh thôi
cùng với mùa màng hoang vu ngây dại
Rực rỡ trên môi em đỏ thắm một linh hồn.

-------------------------
* nguồn: vanchuongviet.org

tự bạch 1 – nguyễn miên thảo



năm anh ba mươi tuổi

ngỡ mình đi đúng đường
giờ sắp tuổi lai hi
mới biết mình lạc lối

mười hai năm làm quan
lòng luôn sao bức bối
mười tám năm làm dân
mới biết mình có tội

mười tám năm làm thinh
mười tám năm không nói
em tặng một ngày xuân
cuộc đời anh tươi rói

chỉ cần nụ cười em
cuộc đời anh đã khác
chỉ cần được yêu em
anh không con đi lạc
.


---------------------
* nguồn blog nguyenmienthao


nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên & vụ kiện bản quyền đình đám – minh khánh

* Người ta gọi Nguyễn Tất Nhiên với rất nhiều cái tên “nhà thơ thất tình”, “nhà thơ điên”... nhưng không ai có thể phủ nhận được tài thơ đặc biệt có một không hai này.
Nguyễn Tất Nhiên là một tài thơ của Sài Gòn trước năm 1975. Tài thơ ấy, sớm nổi tiếng và Nguyễn Tất Nhiên cũng sớm ra đi. Một sự ra đi định mệnh, nhưng những vần thơ lạ còn ở lại reo lên cùng những nốt nhạc đắm say lòng người. Tự nhận mình là kẻ ngông cuồng, phá phách, vô đạo, ác quỷ sa-tăng nhưng thực tế “gã bán thơ” này rất hiền và trong tình yêu luôn chịu thua cuộc để đa mang một mình... nỗi buồn thiên thu.

Nguyễn Tất Nhiên (thứ 2 từ trái sang) và một số bạn hữu là ca sĩ, nhạc sĩ tại tư gia

gã lang thang bán thơ
Nguyễn Tất Nhiên là một tài thơ đã làm bùng nổ Sài Gòn những năm trước đây, người thơ hồn nhiên và có nhiều “máu điên” được xếp ngang Bùi Giáng, Nguyễn Ngu Ý. Họ giống nhau đều trở thành ‘thượng khách” của Bệnh viện tâm thần Biên Hòa. Tất Nhiên, “gã bán thơ” này cũng điên lắm chứ, hắn làm thơ, tự in thơ rồi đem thơ đi bán khắp Sài thành. Sau này, khi định cư ở Mỹ, Nguyễn Tất Nhiên vẫn cứ lang thang khắp nẻo đường miền đất lạ bán thơ.
Nơi đất khách quê người, tại bang California của nước Mỹ xa xôi, Nguyễn Tất Nhiên bị chứng trầm cảm nặng. Một ngày tháng 8/1992, Nguyễn Tất Nhiên đã tự ra đi trên chiếc xe hơi cũ, đậu dưới bóng cây, trong vườn một ngôi chùa, khi tuổi đời vừa tròn 40.
Xin mãi gọi tài thơ là anh, bởi đời anh lúc nào cũng đi sớm hơn, trẻ hơn kẻ khác. Chỉ biết, trong dòng tiếc thương, một người yêu thơ anh đã viết: “Đời không ruồng bỏ anh, cũng chẳng người tình nào ruồng bỏ anh (không ai có thể ruồng bỏ một người đáng yêu như thế! Mà cũng chẳng ai có thể ruồng bỏ được một gã yêu tha thiết, yêu miệt mài, yêu thủy chung suốt đời như thế!). Chỉ có anh, tự ý đi thật sớm, rời bỏ cuộc đời, để lại một cõi thơ bát ngát. Không cần phải tội nghiệp cho anh, và đừng tưởng anh khổ đau cùng tận! Anh là kẻ hạnh phúc vô cùng tận với tình yêu bất diệt và tấm lòng bao dung hiếm có. Và thơ anh, đã hóa thân khắp nơi khắp chốn: là ngọn cỏ mềm, là gió mơn man, là dòng sông êm, là bàn ghế lặng thinh, là đất trời mênh mang vô hạn... Nơi đó, có đủ hương vị của tình yêu cũng như những hỉ, nộ, ái, ố... bình thường của một con người, dù là con người thi sĩ, hay văn sĩ. Nhưng tất cả đều được dung chứa trong một cõi lòng thật rộng”.
Để tìm hiểu về con người và thơ Nguyễn Tất Nhiên, tôi đã cố công tìm kiếm và bất ngờ gặp đoạn viết của một học giả, cảm nhận tinh tế về thơ anh: “Thơ Nguyễn Tất Nhiên đi nhanh hơn bước chân còn ngại ngùng bỡ ngỡ của thế hệ trẻ thời ấy trước sự tràn ngập của văn hóa phương Tây, qua hình ảnh người lính viễn chinh Mỹ và qua phong trào hiện sinh mô phỏng trễ tràng trên đất nước đói nghèo, chiến tranh. Anh mạnh dạn nói được tiếng nói của tình yêu tuổi trẻ với sân trường, kỳ thi, mất mát, hoài vọng, tuyệt vọng... Chẳng phải sớm gì trong thể loại thơ, mà sớm trong phong cách biểu hiện. Anh dùng thứ ngôn ngữ của thời đại, rất hiện thực, không đẽo gọt; vậy mà thứ ngôn ngữ ấy bỗng nhiên mới, lạ và được đón nhận nồng nhiệt”.
đồng cảm... tình ca hồn nhiên
Hầu hết những người yêu nhạc, đắm say với dòng nhạc xưa đều đã hơn một lần nghe nhạc phẩm “Thà như giọt mưa” của nhạc sỹ Phạm Duy phổ thơ từ “Khúc tình buồn” của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên.
Nhớ lại lúc bắt gặp ý thơ lạ của Nguyễn Tất Nhiên để khuông nhạc của Phạm Duy reo lên bản tình ca mới, không bi lụy, phá bức tường mộng mị, ông chia sẻ: “Ngày ấy tôi hết chạy trốn vào đạo ca thì lại nhào ra với chiến ca, hết hạ mình xuống với vỉa hè ca, tục ca thì lại vươn lên với nữ ca, bé ca, bình ca... Tôi thèm thuồng được soạn tình ca, nhưng phải là tình ca không rầu rĩ cơ...”.
Thời ấy, nói như Phạm Duy, tất cả văn nghệ sỹ đều thu mình lại, rầu rĩ... Tài hoa như Trịnh Công Sơn thì ru con người ta vào cõi hư vô, mộng mị. “Thế rồi tôi gặp Nguyễn Tất Nhiên. Trong bầu không khí thơ ở miền Nam hơi nặng nề vào lúc đó, đầy rẫy những bài thơ chủ đề về chiến tranh, hòa bình... thì thơ của chàng thư sinh mới 17 tuổi này là thơ phi chính trị. Thơ rất hồn nhiên, rất ngộ nghĩnh. Tôi nghĩ nếu đem phổ nhạc thì sẽ rất hợp với giọng hát trẻ trung Duy Quang (con trai nhạc sỹ - PV) trong ban nhạc gia đình là ban THE DREAMERS mà tôi đang cần ''lăng xê'', nhạc sỹ Phạm Duy cho biết.
Cũng theo nhạc sỹ của những bản tình ca này, sau khi ông phổ bài “Thà như giọt mưa” được công chúng đón nhận quá trời, tác giả thơ Nguyễn Tất Nhiên còn cung cấp cho ông thêm nhiều bài thơ khác nữa. Ông đã biến thơ thành những ca khúc trẻ trung của thời đại như Cô Bắc kỳ nho nhỏ, Em hiền như ma soeur, Anh vái trời, hay Anh nam kỳ dễ thương, Hãy yêu chàng, Hai mươi năm tình lận đận... Và cho đến bây giờ, nhiều người vẫn hát vẫn yêu những ca từ ấy.

* Vụ đòi chia bản quyền của Nguyễn Tất Nhiên đã trở thành câu chuyện ồn ào của văn đàn Sài Gòn năm 1970. Có người nói, Nguyễn Tất Nhiên đã “đòi” nhạc sỹ Phạm Duy trả 1 triệu đồng.
Những người thời xa vắng ấy, kể lại Nguyễn Tất Nhiên còn nổi tiếng hơn khi kiện đòi tiền bản quyền những bài thơ nhạc sỹ Phạm Duy phổ nhạc. Khi ấy, 5 bài hát phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên được ký hợp đồng độc quyền với một hãng băng đĩa có tiếng. Tất nhiên thời ấy, những bài thơ của cậu thanh niên chưa đến 20 tuổi mà được Phạm Duy phổ nhạc phải lấy làm hãnh diện. Đằng này cậu ta lại kiện... đòi tiền nhạc sỹ quả là “ngông cuồng”. Có người nói, chẳng phải ham tiền đâu, thật ra cái tính của Nhiên là thế.

Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên
Sau này, khi gửi các bài thơ trên tập san Hợp Lưu, anh cũng có thói quen đòi chủ bút Khánh Trường phải trả tiền nhuận bút. Bởi vì tờ báo nghèo, những người cộng tác có bài đăng là vui rồi, có ai nghĩ đến nhuận bút đâu. Vậy nhưng, chủ bút Khánh Trường lại trả nhuận bút cho Nguyễn Tất Nhiên vì thương bạn. Và Nguyễn Tất Nhiên là người duy nhất được trả nhuận bút ở tờ báo ấy.
Vụ đòi chia bản quyền của Nguyễn Tất Nhiên đã trở thành câu chuyện ồn ào của văn đàn Sài Gòn năm 1970. Có người nói, Nguyễn Tất Nhiên đã “đòi” nhạc sỹ Phạm Duy trả 1 triệu đồng. Mãi sau này, người vợ của thi nhân quá cố bà Nguyễn Thị Minh Thủy mới hé lộ chút ít: Anh không phải túng thiếu hay ham tiền đến nỗi phải thưa kiện. Điều bận tâm duy nhất của anh lúc đó vẫn là những vần thơ mình rút ruột làm ra, nếu được dùng ở đâu đó cũng phải ghi kèm tên tác giả. Nguyễn Tất Nhiên và nhất là cha mẹ anh rất bực bội khi thấy những bản nhạc được in bán dưới hình thức từng bài lẻ có đề tên người sáng tác là Phạm Duy mà không nhắc tới tên tác giả thơ.
Ngay cả lúc bài “Thà như giọt mưa” được bán bản quyền cho hãng đĩa Việt Nam để soạn thành ca khúc tân cổ giao duyên (do các nghệ sĩ Chí Tâm và Lệ Thủy trình bày) cũng vậy. Tên tuổi thi sĩ hoàn toàn bị gạt ra ngoài... hư vô. Với tính tình nóng nảy, anh chạy đi cầu cứu với giới báo chí. Đúng lúc thiên hạ đang bất mãn giùm cho thi sĩ Linh Phương có thơ được phổ nhạc nhưng không được nêu tên. Vì vậy, một số tờ báo đã đứng về phía những nhà thơ, phát động phong trào đặt lại vấn đề tác quyền cho người làm thơ .
Theo lời kể của cha mẹ Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Duy cũng tìm lên nhà anh ở Biên Hòa và gặp họ. Nhưng gặp theo kiểu ghé qua nhà cho biết chứ không hề đề cập đến vấn đề. Chờ đợi mãi một lời nói chính thức nhưng không được đáp ứng, cuối cùng họ mới giao cho một luật sư (là người bà con) đứng ra can thiệp. Vụ kiện sau đó đã được điều đình để tránh phải lôi nhau ra tòa, nhằm cứu vãn thanh thế cho nhạc sĩ này. Bên nguyên đã bãi nại và nhận một số tiền bồi thường do những cơ sở thương mại đứng ra chi trả.
Thời gian hơn 40 năm trôi đi, nhiều điều người ta đã quên, nhạc sỹ Phạm Duy 93 tuổi -  người trong cuộc vẫn còn nhớ rõ. Ông cũng khẳng định: “Phạm Duy chưa bao giờ đến nhà Nguyễn Tất Nhiên. Tôi đến đấy làm gì kia chứ”? Nói về vụ kiện bản quyền đình đám, nhạc sỹ của những bản tình ca nói: “Vụ kiện này, hắn (Nguyễn Tất Nhiên - PV) hơi điên khùng đấy, hắn ở nhà thương điên ra mà. Tôi đâu có chịu trách nhiệm về vấn đề bản quyền. Ngày ấy, Nguyễn Tất Nhiên có bao giờ nói thẳng với tôi đâu mà chỉ qua những người khác. Vì thế tôi đã nói thẳng: Tôi chỉ phổ nhạc thôi, còn nhà xuất bản trả tiền hắn chứ. Tôi không mất một xu nào cho hắn. Còn các nhà xuất bản có trả hắn không thì tôi không biết”.
Nghĩ lại chuyện bản quyền ồn ào khi xưa, nhạc sỹ Phạm Duy bây giờ chỉ thấy... buồn cười. Ông khẳng định: “Tôi còn giữ được những bản thảo, những bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên “xin” tôi phổ nhạc”.
Theo thời gian, vụ kiện bản quyền đình đám cũng dần lãng quên. Có lẽ chẳng ai còn giận ai nữa khi một người đã đi về nơi rất xa, tận bên kia thế giới và chỉ có khúc giao cảm thơ - nhạc ở lại với đời.

--------------------
* nguồn: google

bài diễn văn khác thường


Thế nhưng thật lạ, bài phát biểu của David McCullough Jr, dài khoảng 12 phút, lại gây chấn động trên dư luận báo chí và trên các diễn đàn mạng ở Mỹ, kể cả các báo giấy và báo mạng nổi tiếng.

Bài diễn văn mà tôi sẽ đề cập không phải là diễn văn của một nhà lãnh đạo lớn, hay của nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, cũng không phải của một nhà văn hóa, khoa học, giáo dục có uy tín... mà là một bài phát biểu của một giáo viên tại một trường trung học phổ thông của nước Mỹ. Đó là thầy giáo David McCullough Jr dạy môn tiếng Anh, phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp trung học của các học sinh trường công lập Wellesley, một trường nổi tiếng thuộc bang Massachusetts (Mỹ).

Trước các em học sinh chuẩn bị vào trường đại học hoặc các trường đào tạo ngành nghề đa dạng, trong một buổi lễ tốt nghiệp đánh dấu khởi đầu chặng đường trưởng thành, thầy giáo David McCullough Jr rất kiệm lời khen trò, khen trường, không vẽ vời tương lai, mà trái lại, kéo các em về nhận thức về cuộc đời thực, khả năng thực, và đã phát biểu một câu chấn động: "You are not special, you are not exceptional" (Các em không phải là đặc biệt, các em không phải là xuất chúng). Thế nhưng thật lạ, bài phát biểu của David McCullough Jr, dài khoảng 12 phút, lại gây chấn động trên dư luận báo chí và trên các diễn đàn mạng ở Mỹ, kể cả các báo giấy và báo mạng nổi tiếng.

Không có gì đặc biệt, vậy không lẽ học sinh của trường tiếng tăm như thế chỉ là bình thường? Không lẽ thành tích vẻ vang của trường là chẳng có gì đáng kể? Special (đặc biệt) theo thầy là gì?

Thầy cho rằng, thành tích của các em chủ yếu là do được nhà trường và cha mẹ chăm sóc quá mức: "Các em đã được nâng niu, nuông chiều, bảo hộ, bao bọc kỹ lưỡng. Vâng, người lớn đã ôm, hôn các em, cho ăn, lau miệng, lau mông, uốn nắn, huấn luyện, dạy kèm, lắng nghe các em, khuyên bảo, khuyến khích, an ủi và nâng các em lên. Các em được động viên, tán tỉnh, dỗ dành và nài nỉ. Các em được ăn mừng, được xem như cục cưng. Và chắc chắn, thầy cô giáo phải có mặt trong các sân chơi của các em, trong những buổi hòa nhạc, và những hội chợ khoa học của học sinh. Bây giờ, các em chinh phục trường trung học... và, hiển nhiên, ở đây tất cả chúng tôi đã góp mặt để chung vui vì các em, vì tự hào với cộng đồng tốt đẹp này."

"Nhưng các em đừng giữ lấy ý tưởng các em là đặc biệt, bởi vì các em không là như thế."

Thầy giáo diễn giả khuyên các em đừng biến mình thành nhân vật trung tâm, vì, ngay cả "hành tinh của chúng ta không phải là tâm của thái dương hệ, thái dương hệ không phải là tâm của dải thiên hà, và dải thiên hà không là tâm của vũ trụ; vì thế các em không thể là tâm của cái gì hết [cử tọa vỗ tay]

Ngay cả tỉ phú bậc nhất Donald Trump cũng thế thôi."

Thường thường người nào có đặc biệt là có danh hiệu. Nhưng danh hiệu không phải luôn luôn đi với thành công thực sự. "Các em thấy đấy, nếu mọi người đều đặc biệt, thì không ai là đặc biệt. Nếu mọi người đều có danh hiệu, danh hiệu trở nên vô nghĩa. Người Mỹ chúng ta, thật tệ hại, trở nên thích phong tước hơn là sự thành đạt chân thực. Chúng ta xem danh hiệu như là đích - và vui vẻ thỏa hiệp hạ tiêu chuẩn, hay bỏ qua thực tế, khi chúng ta mong đó là cách nhanh nhất, và chỉ có cách đó, để kiếm chác cái gì hòng bẩy chúng ta lên địa vị tốt trong xã hội".

Danh hiệu chẳng là gì khi so sánh với niềm vui gặt hái thành quả. Thầy Cullough ví von: "Leo lên đỉnh núi không phải là cắm lá cờ của các em, mà là ôm ấp thử thách, vui hưởng khí trời và thỏa thích ngắm cảnh. Leo lên núi để các em thấy được thế giới, chứ không phải để thế giới thấy các em".

Ông không quên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc: "Hãy đọc... đọc mọi lúc... đọc như là vấn đề có tính nguyên tắc, như là vấn đề của tính tự trọng. Đọc như là nguyên liệu nuôi dưỡng đời sống".

Phần cuối của bài diễn văn là những lời khuyên của một nhà giáo đối với học trò của mình, đó là những ý tưởng cao đẹp và gần gũi mà bất cứ ai làm nghề đi dạy chắc là tâm đắc với vị đồng nghiệp bên trời Mỹ xa xôi: "Trước khi các em tung bay bốn phương trời, tôi mong mỏi các em làm những gì mình thích và đã tin ở tính quan trọng của nó. Không nên buồn phiền với công việc mà bạn tin tưởng. Hãy chống lại sự dễ dãi, sự hào nhoáng của chủ nghĩa vật chất, sự vô cảm làm tê liệt tinh thần của tính tự mãn. Hãy xứng đáng với những lợi thế của mình".

"Phát triển và bảo vệ sự nhạy bén đạo đức và chứng tỏ nghị lực áp dụng nó. Hãy mơ ước lớn. Làm việc hăng. Suy nghĩ cho chính mình. Yêu những gì mình yêu, yêu những người mình yêu, một cách hết mình. Và làm như thế, không chần chờ, hãy tranh thủ từng giây phút... Đừng chờ đợi cảm hứng hay say mê tìm đến các em. Hãy đứng dậy, đi ra ngoài, khám phá, tự mình tìm cảm hứng, và chộp lấy với hai tay".

Thầy giáo David McCullough Jr

"Cuộc sống trọn vẹn, cuộc sống đặc biệt, cuộc sống thích đáng, là một thành tựu, không phải là cái gì sẽ rơi vào trong tay các em như kiểu các em là con người dễ thương hay được mẹ đặt hàng từ nhà cung cấp. Các em cần ghi nhận rằng cha mình cực nhọc để đảm bảo quyền sống chính đáng của các em, tự do và theo đuổi hạnh phúc - "theo đuổi" là một động từ hành động, là từ bỏ thì giờ để nằm xem những thứ con vẹt vớ vẩn trên YouTube".

Kết thúc bài diễn văn, ông trải lòng vì lý tưởng cao đẹp của cuộc sống: "Quyết tâm hành xử tự do và ý nghĩ sáng tạo, độc lập không chỉ vì được thỏa mãn từ những phẩm chất đó, mà bởi vì lợi ích cho người khác, phần còn lại của 6,8 tỉ dân - và những ai theo đuổi những phẩm chất đó. Rồi các em sẽ khám phá sự thật lớn lao và kỳ lạ của kinh nghiệm sống, đó là lòng vị tha là cái gì tốt nhất mà các em làm vì các em. Nỗi niềm hân hoan về cuộc sống chỉ đến với nhận thức rằng các em không là đặc biệt".

* * *
Đây quả thật là bài diễn văn khác thường vì lời lẽ không theo dạng thức của một bài diễn văn ghi nhận thành tích và khích lệ học sinh khi các em vừa tốt nghiệp trung học và khởi đầu chặng đường học tập mới, một dạng thức phổ biến ở mọi nơi.

Ngoài thông điệp: "Các em không là đặc biệt" đã gây chấn động trong dư luận, nhưng đồng thời được phần lớn những bình luận trên mạng tán đồng, thì những lời khuyên thiết tha học sinh làm việc, sáng tạo, dám ước mơ và thực hiện ước mơ, vui vì thành công thực sự chứ không nhằm mục đích đạt danh hiệu, sống vì lợi ích của mọi người, tôi cảm nhận toàn bộ những ý tưởng của người thầy giáo của một trường trung học bên Mỹ thật đẹp và loáng thoáng gì đó của vô ngã vị tha.

Trong thế giới phẳng ngày nay, mọi quan tâm đến cuộc sống đều trở thành đại đồng, huống hồ là những vấn đề về giáo dục và xã hội. Ông thầy Cullough không xa lạ với thầy cô giáo Việt Nam, những học sinh tốt nghiệp trường trung học nổi tiếng Wellesley bên Mỹ vẫn gần gũi với học sinh trường chuyên ở các đô thị lớn của nước ta, và những săn sóc tỉ mỉ chu đáo của những vị cha mẹ dành cho những cậu ấm cô chiêu với ước vọng con mình sau này có chỗ đứng đàng hoàng trong xã hội, thì cũng giống như sự đầu tư tốn kém như thuê thầy, chạy trường, cho con phương tiện đầy đủ của một bộ phận cha mẹ có điều kiện; nhưng nếu thông điệp "Các em không là đặc biệt" phát đi ở Việt Nam thì không gây chấn động như ở Mỹ, vì ... đúng là không có gì đặc biệt!

Thế nhưng, sự đặc biệt ở chỗ khác, mà may mắn thay, xã hội ta vẫn còn phổ biến: Ấy là có những học sinh xuất thân từ con nhà nghèo, biết thân phận mình đặc biệt khó, nên ra sức khắc phục hoàn cảnh, và đã học hành đến nơi đến chốn, trong đó có những em đi học xa, tự kiếm sống hoặc bố mẹ theo con, bỏ quê vào thành phố kiếm tiền nuôi mình ăn học đỗ đạt. Có lẽ thành phần này thấy "thấm thía" bài diễn văn của thầy Cullough, và cũng tâm đắc với bà mẹ Liz Gumbiner với những dòng tâm huyết nêu trên.

Tất nhiên, con cái thành đạt nhờ gốc cha mẹ giàu, thì gia đình và xã hội được nhờ, và không ai nghĩ chỉ có con nhà nghèo thành đạt thì mới giàu ý chí và hoài bão phụng sự cho đời.

Còn chuyện người lớn đuổi theo danh hiệu, mà thầy Cullough cảnh báo học trò mình, thì xem ra quen thuộc với xã hội ta, vì bệnh thành tích phổ biến quá, ở mọi ngành mọi nơi, và các thầy cô giáo và học sinh cũng đã chịu nhiều đau khổ vì bệnh này. Tuy thế xem chừng bệnh này lâu ngày thành quen, ai cũng phải chung sống với nó. Có như thế mới có xấp xỉ 100% tốt nghiệp trung học, lớp nào cũng phần lớn là học sinh giỏi và khá, mới có hiện tượng thầy cô giáo quá ngần ngại khi cho trò dưới điểm trung bình dầu trò không làm bài được chút gì, và bằng cấp đại học thì chẳng có gì khó khăn miễn sao vào được đại học, công lập hay tư thục.

Trong tình hình như vậy, nhiều tiếng nói cũng như hành động từ lương tâm, từ đạo đức trong sáng, từ nghề nhà giáo thanh cao cần phải được thể hiện, sao cho ánh sáng của chính trực soi vào miền tăm tối của hư ảo, giả dối. Những người chính trực vẫn không đơn độc, và vẫn có rất nhiều người giữ được nhân cách để sống và làm việc một cách đàng hoàng. Và nói cho cùng, ai ai cũng phải tự giáo dục và được giáo dục trong một đất nước lấy chính trực làm ngọn cờ.

Cao Huy Hóa

-----------------------
* nguồn: vietnamnet


Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

thơ hà duy phương



ẩn khúc EVA

* tặng EVA Café – Kontum














EVA!
Em từ đâu?
Mắt nâu chìm sâu
Chiều miên di gió hát
Miết ngón tay vào gương mặt tượng gỗ
Hoang chạm nét buồn Bana
Mặt hồ tóc tách tiếng thời gian
EVA ngồi rửa chân bên vách nắng

Mơ trăng về đốt lửa man khai
Nung hồng trái cấm

vừa kịp

vừa kịp bình minh lõa lồ thân phận
rũ chết trần truồng
khi mùa vàng thả trôi về biển đỏ
trên dòng sông trăng tôi đã tắm máu mình
con đỉa biển rúc sâu vào thân xác
lòng đại dương ngác ngơ sự ẩn náu cuối cùng
tình yêu tôi thong thênh rìa gió
vừa kịp dìm hoàng hôn

thư gửi Ba

Con mùa gió chướng thổi rát đời ba
Những lần trượt ngã tim ba bầm rách
Con lớn trong nông nỗi
Bất lực ngọt ngào
Bất lực đòn roi
Từ đó lòng ba hóa đá
Ba mươi tuổi con tìm lại mình trong những chuyến đi xa
Phong phanh nỗi buồn nơi thành phố lạ
Con viết tên ba trên bờ cát
Đêm nằm nhớ ba nghe biển nhớ mặt trời
Sự chọn lựa nào cũng dễ khiến chông chênh
Cần lắm thăng bằng cho lần quyết định cuối
Con ngủ ôm mặt trời lặn ngược
Nằm rất thăng bằng trong biển nhớ chông chênh
Ba ơi,
Mặt trời của con hay mặt trời của biển?

-----------------------
* nguồn: thuviensangtao

buffet kiểu gì đây?


tại sao biển Đà Nẵng bị gọi là… “China Beach”?


Cái tên China Beach (bờ biển Trung Quốc) xuất hiện từ một phim truyền hình của Mỹ. Trong bộ phim, cụm từ “China Beach” ám chỉ bãi biển Mỹ Khê thuộc địa phận Đà Nẵng. Từ đó đến nay, trên nhiều website du lịch, “China Beach” đã xuất hiện như một điểm đến tại Việt Nam.


Bộ phim truyền hình China Beach được phát sóng trên kênh truyền hình ABC của Mỹ từ năm 1988 đến năm 1991. Bộ phim là câu chuyện về một bệnh viện di tản trong chiến tranh Việt Nam. Tiêu đề của bộ phim “China Beach” ám chỉ đến bãi biển Mỹ Khê của thành phố Đà Nẵng, Việt Nam.

Được biết, trong thời kỳ chiến tranh, bãi biển Mỹ Khê từng được xây dựng như một khu nghỉ dưỡng của quân đội Mỹ.  Người Mỹ khi đến đây đã đặt tên cho bãi biển Mỹ Khê là China Beach. Cũng từ nguồn tài liệu này, người Mỹ đã sản xuất bộ phim China Beach. Phim được quay tại Mỹ, nhưng các nhà làm phim đã dựng một bãi biển giống hệt bãi biển Mỹ Khê tại trường quay để thực hiện cho quá trình tái dựng bối cảnh.

Từ sự nổi tiếng của bộ phim, cái tên China Beach đã được dùng rộng rãi. Trên nhiều website du lịch của cả Việt Nam và thế giới, cái tên “China Beach” xuất hiện như một điểm đến tại Việt Nam.


 Biển Đà Nẵng được gọi bằng cái tên "China Beach" trên các website về Du lịch
tại Việt Nam trong thời gian dài.

Trên những website du lịch của Việt Nam như vietnamanztravel.com, vietcharmtour.vn, vietnamleadertravel.com.vn … từng xuất hiện những bài viết giới thiệu, quảng bá về “tour” du lịch “China Beach” với những tựa đề “Da Nang- The China Beach”, “Information Da Nang- The China Beach”… Trên những website này, cụm từ The China Beach đã được sử dụng từ lâu. Đây là cách để các website du lịch Việt Nam giới thiệu với khách quốc tế về bờ biển Mỹ Khê, Đà Nẵng. “China Beach” đã được dùng một cách thông dụng và gần như là cách gọi thay thế cho biển Mỹ Khê.
Ngay sau khi có thông tin, Bộ Thông tin Truyền thông sẽ “đóng cửa” những website du lịch dùng tên “China Beach” để nói đến biển Đà Nẵng, hầu hết những website du lịch Việt Nam đã nhanh chóng xóa khỏi trang của mình những thư mục giới thiệu về Đà Nẵng - China Beach. Gõ dòng chữ “China Beach” trên công cụ tìm kiếm của những website du lịch Việt Nam hiện tại đã không thấy còn bất kỳ thông tin nào.


Trên trang Asiaroom.com, vẫn có bài giới thiệu về China Beach Vietnam.

Tuy nhiên, trên những website du lịch của nước ngoài, họ vẫn dùng cụm từ China Beach. Trên trang Asiaroom.com (đăng ký tại Anh) vẫn để “tour” China Beach Viet Nam- khi giới thiệu về địa điểm biển Mỹ Khê- Đà Nẵng.

H.H
-----------------
* nguồn: dantri