Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

chân dung hay chân tướng nhà văn [kỳ 7-8-9-10] - nhật tuấn

KỲ 7
         
KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHÀ THƠ               
                                                    THANH TỊNH
                     (12.12.1911 - 12.12. 2011)


 Trong văn học Việt Nam có hiện tượng rất lạ, ngay các nhà phê bình cũng ít để ý: có đoạn văn xuôi tồn tại trong ký ức người đọc dai dẳng và bền vững chẳng kém gì một bài thơ “lưu danh thiên cổ”.

“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.
Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.
Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”.

Thử hỏi những người độ tuổi “quốc văn giáo khoa thư”, có ai vào những sáng cuối thu khai trường không bồi hồi nhớ lại đoạn văn trong “Tôi đi học” của nhà thơ Thanh Tịnh, thấm đẫm chất nhân văn như đá tạc vào thời gian.
Không hiểu sao, cứ mỗi lần nhớ đến đoạn văn Thanh Tịnh, tôi cũng nhớ tới một đoạn văn thuộc lòng từ thủa học trò của nhà văn Pháp Anatole France trong cuốn “Le livre de mon ami”:
La rentrée des classes
“Je vais vous dire ce que me rappellent, tous les ans, le ciel agité de l’automne, les premiers dîners à la lampe et les feuilles qui jaunissent dans les arbres qui frissonnent ; je vais vous dire ce que je vois quand je traverse le Luxembourg dans les premiers jours d’octobre, alors qu’il est un peu triste et plus beau que jamais ; car c’est le temps où les feuilles tombent une à une sur les blanches épaules des statues. Ce que je vois alors dans ce jardin, c’est un petit bonhomme qui, les mains dans les poches et sa gibecière au dos, s’en va au collège en sautillant comme un moineau. Ma pensée seule le voit ; car ce petit bonhomme est une ombre ; c’est l’ombre du moi que j’étais il y a vingt-cinq ans”.
 Ngày khai trường
Tôi sắp nói với bạn những gì gợi tôi nhớ lại, hàng năm, trời thu xao động, những bữa ăn chiều đầu tiên dưới ánh đèn, và những chiếc lá vàng đi trong những hàng cây run rẩy; tôi sắp nói với bạn những gì tôi trông thấy khi đi qua vườn hoa Luxembourg vào những ngày đầu tháng Mười, hơi buồn một chút nhưng đẹp hơn bao giờ hết vì đó là thời gian từng chiếc lá rơi trên vai trắng của những pho tượng. Tôi cũng nhìn thấy trong vườn một chú bé hai tay đút túi, cặp sách quàng vai tung tẩy tới trường như một con chim nhỏ. Tôi chỉ thấy trong tâm tưởng, bởi chú bé ấy chỉ là một cái bóng, cái bóng của chính tôi hai mươi lăm năm trước…”.  
Và câu này mới thật xúc động:
“C’est le même ciel et la même terre; les choses ont leur âme d’autre fois, leur âme qui m’egaye et m’attriste, et me trouble, lui seul ‘n’est plus…”:
“Vẫn trời ấy, vẫn  đất ấy, vẫn những thứ mang linh hồn ngày xưa, linh  hồn làm tôi vui, buồn và bối rối, chỉ riêng chú bé ấy là không còn nữa…”.

Hai nhà văn ở hai phương trời, cùng đục đẽo vào lòng người những dòng văn bất hủ về một thời trong sáng nhất của đời người: "thời cắp sách đến trường".
Đầu xuân năm 1947, ông về công tác ở một vùng gần chùa Trầm, Hà Đông. Tại đây ông được nghe bà con kể câu chuyện một anh du kích xã lập mẹo đến gần tên lính Pháp gác kho súng đạn, rồi bất thần xông vào vật hắn xuống đất. Hai người cứ thế ôm ghì nhau. Anh du kích thứ hai chạy vội đến, tay súng lăm lăm nhưng không dám nổ súng sợ bắn phải bạn. Anh du kích đang vật nhau với địch liền thét to: “Bắn! Bắn cả hai!”. Thế là đoàng! đoàng! - tên giặc ăn đạn, nhưng anh du kích cũng bị thương nặng. Câu chuyện giản dị ấy đã làm nhà thơ xúc động, muốn kể lại cho nhiều người nghe. Ông mày mò sáng tác thành một chuyện kể bằng văn vần và gọi là độc tấu. Năm  1954, ông phụ trách đoàn xẩm, gồm 23 anh chị em, phần lớn là mắt kém, đi về Bùi Chu - Phát Diệm, lấy lời ca tiếng hát phục vụ công tác chống cưỡng ép di cư. Còn nhớ năm 1958, nhà thơ Thanh Tịnh ghé trường Phổ thông công nghiệp Hà Nội, nơi tôi đang học lớp 9 diễn bài tấu của ông làm cả trường cười ngả nghiêng, tôi còn nhớ một câu hài hước: "nghe tiếng cười… sụt sịt”. Nhưng “đứa con tinh thần” này đã bị một số người không mấy thiện cảm để mắt tới. Đoàn Phú Tứ, một trong những người phụ trách ngành sân khấu đã phê phán: “Không thể ngờ một nhà thơ trữ tình như Thanh Tịnh lại đi làm trò hề, trò xẩm!”. Vài năm sau Thanh Tịnh chuyển sang viết ca dao. Nhiều người cho rằng hai câu: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". không phải của bác Hồ như xưa nay sách báo vẫn nói mà chính là của nhà thơ Thanh Tịnh.
Mới đây, không hiểu sao vào lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thanh Tịnh (12.12.1911 - 12.12. 2011) nhiều người viết về ông, kể cả những bậc tiến sĩ văn học, kể cả ông Chủ tịch Hội nhà văn Hữu Thỉnh đọc diễn văn khai mạc cũng không ai nhắc tới đoạn văn bất hủ “Tôi đi học” của ông.  Họ chỉ nhắc tới hơn chục năm kháng chiến, làm người lính từ địa phương đến chủ lực, khi ở Việt Bắc, khi vào Khu Bốn. Ông là một sáng lập viên  Hội Nhà văn Việt Nam, đã là Ủy viên Ban chấp hành (khóa I, II), Ủy viên Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Đại tá quân đội trước khi nghỉ hưu.
Ngay trong thơ “chân dung”, Xuân Sách cũng không điểm “Tôi đi học” vốn là tác phẩm nhớ đời của Thanh Tịnh, ông chỉ cảm thương nhà văn tâm huyết nhưng cuối đời cô đơn, nghèo nàn và nhận ra đã "lạc đường":
Bao năm ngậm ngải tìm trầm
Giã từ quê mẹ xa dòng Hương giang
Bạc đầu mới biết lạc đường
Tay không nay lại vẫn hoàn tay không
Mộng làm giọt nước ôm sông
Ôm sông chẳng được, tơ lòng gió bay.


KỲ 8
           
             Nhà văn NGUYỄN HUY THIỆP


Một thời trong giới nghệ sĩ, người ta coi Văn Cao là cụ tiên chỉ trong làng nhạc. Vậy trong làng văn, cụ tiên chỉ ấy là ai vậy? Tất nhiên không phải ông Hữu Thỉnh tuy đã được Đảng chọn làm Chủ tịch Hội nhà văn suốt đời và thực ra cái ghế đó so với phẩm trật triều đình thì cũng chỉ ngang chức Bật Mã Ôn mà Ngọc Hoàng Thượng Đế ban cho Tôn Ngộ Không? 
Vậy thì cụ tiên chỉ trong làng văn một thời là ai?
Là ai thì chắc mọi người đều biết - đó là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, người gây “động đất” làng văn vào thời Đảng tuyên bố cởi trói cho nhà văn. 
Thời đó, Nguyễn Huy Thiệp là một “hiện tượng đặc biệt”.
Trước hết, xưa nay, một nhà văn trở thành nổi tiếng thường do giới phê bình “cung đình” tôn vinh theo gợi ý của Ban tuyên huấn vì nó đáp ứng một nhu cầu chính trị nào đó đang diễn ra kiểu như “Sống như anh” của Trần Đình Vân, “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi”, Hòn đất” của Anh Đức… Những nhà văn “trật khỏi đường rầy” khỏi chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, không những khó được nêu danh trên báo, mà còn bị đập tơi bời, bị “cấm bút”.
 Nguyễn Huy Thiệp chẳng những được các nhà phê bình “quốc doanh” tung hô hết lời, gọi ông là “cây bút vàng” (Vương Trí Nhàn) mà ngay cả các nhà nghiên cứu văn học hải ngoại cũng đưa ông  lên  cao chót vót, gọi ông là “nhà thạch học” (Thụy Khuê).
Hầu hết các nhà phê bình "có số má” đều góp phần vào cơn bão ngôn từ ca ngợi Nguyễn Huy Thiệp: Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn, Phạm Xuân Nguyên, Hoàng Ngọc Hiến, Đỗ Đức Hiểu, … các nhà văn Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh… và cả bạn đọc cũng hân hoan chào đón những sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Danh tiếng của ông lan ra cả nước ngoài khiến ông được nhận giải thưởng văn chương Nonino tại Ý và  huy chương Chevalier des arts et des lettres của Pháp .
Tuy nhiên, “lộc” văn chương Nguyễn Huy Thiệp được hưởng dường như đã vượt quá cái phần giá trị thực của ông.
Vì sao vậy?
Trước hết ông không thuộc các nhà văn Việt Nam lớn lên từ nền văn hóa Pháp, ông chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc thì đúng hơn.
Trong truyện “Giọt máu”, đoạn tên Phạm Ngọc Chiểu muốn chiếm đoạt ni cô Huệ Liên chùa Thiên Trù bèn nhờ tên “ma cô” Hàn Soạn, bày mưu:
 "Việc này có năm bước. Em quen hòa thượng trụ trì ở chùa Thiên Trù là nơi ni cô Huệ Liên ở đó. Ðến đấy, quan bác giả đò đau bụng rồi bảo bà chị cứ đi vào chùa Trong trước, quan bác đưa biếu hòa thượng một lạng vàng, nếu hòa thượng không nhận thì thôi, coi như hỏng việc. Nếu hòa thượng nhận, thế là được một bước. Ðêm đó hòa thượng cho quan bác nghỉ ngơi trong trai phòng, quan bác đưa cho em một lạng vàng để em lo gác bên ngoài, hòa thượng mời cơm chay, có ni cô hầu rượu. Quan bác ép ni cô uống một cốc rượu có pha thuốc mê, nếu ni cô không uống thì thôi, coi như hỏng việc. Nếu ni cô uống, thế là được hai bước. Dọn mâm xong, ni cô say thuốc, hòa thượng quay đi, quan bác bế ni cô lên giường, thế là được ba bước. Quan bác cởi y phục nhà chùa của ni cô ra, muốn làm gì thì làm, thế là bốn bước. Sáng hôm sau, ni cô tỉnh lại, hòa thượng với em vào, chửi mắng quan bác với ni cô làm nhục cửa thiền, bắt quan bác phải ký văn tự nhận ni cô về, quan bác nộp vào hòm công đức một lạng vàng xá tội, thế là năm bước".
Thử so đoạn văn của Nguyễn Huy Thiệp với đoạn văn của Thi Nại Am trong Thủy Hử chương Tây Môn Khánh nhờ Vương bà dụ dỗ Kim Liên, vợ Võ Đại Lang:
“Đến lúc mua được thức nhắm về, tôi lại nhờ nàng xếp đồ khâu lại, để cùng ngồi uống rượu cho vui, thế mà nàng không chịu ngồi là việc hư hỏng. Nếu nàng bằng lòng ngồi cho, thì việc ấy có tới tám phần bợm rồi đó. Uống dăm ba chén rượu, tôi giả vờ là hết rượu, bảo cậu phải mua thêm. Bấy giờ cậu sẽ nhờ tôi đi mua hộ, đoạn rồi tôi đi khép cửa, để mặc hai người ở đó, thế mà nàng hoảng hốt đòi về là hỏng việc. Bằng nàng cứ ngồi yên không nói chi, là việc có chín phần bợm rồi đó. Đến đó chỉ còn thiếu có một phần nữa là xong… trước hết phải giơ tay áo lên bàn, giả cách đánh rơi chiếc đũa, rồi lại vội vàng cúi xuống nhặt, và rờ tay vào chân nàng mà nắm một cái, nếu nàng gắt giận cự mắng, thì tôi sẽ chạy vào cứu, song như thế cũng là hỏng việc, không còn làm thế nào được nữa! Nhược bằng nàng lẳng lặng không nói gì, thì bấy giờ có đủ mười phần bợm rồi đó”.
Tất nhiên, không ai kết luận Nguyễn Huy Thiệp “cóp văn” của Thi Nại Am, nhưng “mượn thủ pháp diễn nghĩa” trong văn chương Tàu là khá rõ. Mà văn chương Trung Quốc phần lớn xoay quanh “thủ đoạn sống”, “mẹo làm người”, “người ăn thịt người ”… đó cũng là những đề tài và những câu triết lý sặc mùi “tàu” thường thấy trong văn chương Thiệp... 
Trở lại câu hỏi vì sao văn chương Thiệp lại “semer à tout vent”, gieo được vào các ngọn gió – nôm na là “Đảng khen, dân thích và cả hải ngoại cũng… OK”?
Trước hết NHT không đi vào vết xe của các nhà văn bị “cấm bút”, bị “thu hồi sách”, bị đập tơi bời trên báo chí. Tác phẩm NHT dẫu có mổ xẻ cái xấu của con người thì cũng không phải là con người xã hội chủ nghĩa, mà con người chung chung, không đòi hỏi dân chủ, không tố cáo chế độ, không “phản biện” trật tự xã hội xã hội chủ nghĩa… Tóm lại văn chương Thiệp không phạm những chuyện “nhạy cảm”. Vậy yên tâm nhé, các nhà phê bình “quốc doanh” cứ thả sức ca ngợi mà không bị tuyên huấn thổi còi. Tất nhiên ở đâu đó, NHT cũng có đôi lời “phàn nàn”, “động chạm”. Trong bài viết cho Hội nghị lý luận phê bình văn học tháng 11/1989, ông nói trắng phớ:
Chúng ta cần phải tỉnh táo nhận ra rằng tình trạng hiện nay của dân tộc ta là thê thảm. Tôi không muốn nói đến tình trạng thiếu thốn vật chất mà muốn nói đến thế giới tinh thần của họ. Những ràng buộc nặng nề của các tư tưởng lạc hậu cũ kỹ khiến cho hàng triệu số phận con người đau khổ. Họ mê man trong các công sở và trong các tổ quỷ gia đình, trong các lũy tre xanh và các khu tập thể đông hộ”.
‘Trên văn đàn, số nghiệp dư và tỉnh lẻ thời nào cũng có và đông như kiến (!). Thói to mồm, tính chất bảo hoàng hơn cả nhà vua và đủ kiểu văn hay khác có thể giết phăng, giết tươi những người có ý định tử tế muốn làm việc này. Việc tranh đấu với những con ngợm văn chương (chữ của người Pháp dùng để chỉ đám quần cộc trong văn học) là bất khả".
Trong “Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn”, Nguyễn Huy Thiệp gọi Hội nhà văn là “đám giặc già” và gây nên một làn sóng la ó và phản đối. Tuy nhiên tất cả những ý kiến kiểu đó chỉ là trên bài phát biểu, chứ không bộc lộ thành cảm hứng, thành chủ đề trong sáng tác. Và cũng chỉ ít lâu sau, Nguyễn Huy Thiếp lại viết theo kiểu “bé ngoan” để chuộc lỗi:
Tôi cứ nghĩ rằng thời của tiểu thuyết sẽ là thời của dân chủ, thời của những tư tưởng tự do, thời của sự ổn định chính trị và kinh tế: đấy cũng là thời mà chúng ta đang sống bây giờ".
Dẫu sao, Nguyễn Huy Thiệp vẫn xuất sắc trong một số truyện ngắn khiến một thời ông đáng mặt là “tiên chỉ trong làng văn”. Nhưng lộc trời chỉ có vậy, sang lĩnh vực tiểu thuyết, cái phần chính yếu làm nên cốt cách một nhà văn lớn thì ông lại không có. Tuổi hai mươi yêu dấu,  Tiểu long nữ, Gạ tình lấy điểm… tiếc thay lại là những truyện dài tồi, bộc lộ một lỗ hổng chết người trong văn chương Nguyễn Huy Thiệp: câu chữ dễ dãi, sơ sài và nhất là… không có tư tưởng. Và như lời kịch tác gia Shakekspeares: "lời mà không có tư tưởng sao bay được lên thiên đàng?”. Mai sau, trải qua sàng lọc sinh tử của thời gian, văn chương Nguyễn Huy Thiệp liệu bay cao tới đâu?
Khi được nhà báo hỏi nhắn nhủ gì cho lớp trẻ, Nguyễn Huy Thiệp trả lời:
"Trước hết các bạn phải nổi tiếng”.
Đó là khác biệt rất lớn của Nguyễn Huy Thiệp với những nhà văn lớp trước, khác nào Thiệp xúi các nhà văn trẻ chăm chăm vào PR hơn là khổ luyện văn chương chữ nghĩa. Thế còn  “trách nhiệm thời đại”, “lương tâm thời đại”, “lương tri dân tộc”… xưa nay xã hội thường trông cậy các nhà văn? Không dám động chạm tới “cường quyền”, Nguyễn Huy Thiệp khôn ngoan né xa những “nhạy cảm” chết người đó.
 Xuân Sách hiểu khá rõ Nguyễn Huy Thiệp, bởi vậy đã hạ bút:
Không có vua thì làm sao có tướng
Nên về hưu vẫn phải chết tại chiến trường
Kiếm sắc chém bao nhiêu đầu giặc
Để vàng tôi trong lửa chịu đau thương”.

             
KỲ 9
                           
                                      Nhà văn Đỗ Chu                                   

Mở đầu thập kỷ 1960, thập kỷ của “sóng Duyên Hải, gió Đại Phong, trống Bắc Lý, cờ Ba Nhất”, thập kỷ “hồ hởi”, "phấn khởi”, sắn tay xây dựng chủ nghĩa xã hội trên toàn miền Bắc, ông trùm thơ cách mạng Tố Hữu khoái trá hạ bút:
Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng
Ta đứng đây, mắt nhìn bốn hướng
Đời trẻ lại. Tất cả đều cách mạng!
Rũ sạch cô đơn, riêng lẻ, bần cùng”

Thi sĩ Chế Lan Viên cũng cao giọng hùa theo:

Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm!
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ,
Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn…

“Lạc quan cách mạng” đến thế là hết cỡ. Các văn sĩ tất nhiên không chịu kém cũng múa bút, căng ngực, hít hơi thổi cho những con chữ bay bổng chín tầng mây.
Trong dàn kèn đồng khí thế “nuốt Ngưu đẩu” đó, bỗng xuất hiện một tiếng sáo véo von góp vào dàn tụng ca. Đó là nhà văn Đỗ Chu, xuất hiện năm 1962 với những  truyện ngắn “Ao làng”, “Thung lũng cò”, “Hương cỏ mật”, “Mùa cá bột”… khác lối viết của các bậc đàn anh Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu… bằng sự tươi tắn, mới lạ trong những chi tiết gần gũi đời sống như “mùi bùn”, “mùi đất”, "mùi cỏ” quê anh và lập tức được báo chí tôn vinh là một tiếng nói tươi tắn, mới lạ kể lại những ước ao, khát vọng, cách sống của thế hệ mình!
Thử đọc lại trích đoạn “Hương cỏ mật” mở đầu sự nghiệp Đỗ Chu:

“Sau làng em có trái núi Voi, núi Voi đối với tụi nhỏ chúng em như người bạn lớn tuổi hiền từ. Voi cho chúng em bao nhiêu thứ: những cụm cỏ mật khô thơm ngào ngạt, những viên đá cuội trắng nõn, tối tối mang đập vào nhau, lửa tóe ra, một thứ lửa có mùi thơm như mùi mật ong cháy. “Vòi Voi” là một bãi cỏ tươi tốt quanh năm, đất ở đây mềm như đất ruộng màu, ngày xưa có chỗ chân trâu ngập móng. Chúng em thường lên đó chăn trâu. Trong các bạn cùng xóm, em thân nhất với Phương. Chính cái Phương đã bảo em cách làm cho cỏ mật còn xanh hết mùi hắc. Chỉ cần buộc túm những cụm cỏ xanh ấy lại, đem phơi nắng rồi hong gió, cỏ héo vàng đi, tỏa hương thơm dìu dịu (...)".
“Hương cỏ mật” được tôn vinh là áng văn chương đẹp, mê hoặc người đọc nhiều thế hệ. Tuy nhiên, các 8x, 9x ngày nay mà viết lách dễ dãi thế thì khó lòng lọt được vào mắt bạn đọc, nói gì tới chuyện trở thành mẫu mực văn chương. Mới đây nhà thơ Trần Mạnh Hảo viết trên Dân Luận ngày 8-9-2011:
Đỗ Chu mê “Bông hồng vàng”, “Lẵng quả thông” của Pautopxki (do Vũ Thư Hiên dịch đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước). Giọng văn đầy chất thơ, lãng mạn và tươi mát như suối nguồn, như ánh trăng của nhà văn Nga này mê hoặc Đỗ Chu và các nhà văn trẻ thời đó. Đỗ Chu đã viết các truyện đầu tay như “Phù sa”, “Hương cỏ mật”, “Thung lũng cò”… khá hấp dẫn như một ông Pautopxki con con… Nay cái thời ấy xa rồi, thưở ban đầu ấy xa rồi, lối viết lãng mạn kiểu Pautopxki qua rồi, nhường hiện thực dữ dội cho những cây bút dữ dội…”.
Mặc dầu vậy tác phẩm của Đỗ Chu vẫn xuất hiện và vẫn được ca ngợi , khen thưởng đều đều. Năm 1963 giải thưởng cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ quân đội, 2001 giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, 2002 giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 2004 giải thưởng ASEAN, 2011được đề cử giải thưởng Hồ Chí Minh. Chẳng những “cha thiên hạ" về giải thưởng, Đỗ Chu còn là một thứ… "già làng" ở Hội nhà văn.
Nguyên ở Hội nhà văn có một nơi gọi là “vạn đại dung thân” cho các cán bộ viết văn (từ của Nguyễn Khải) – đó chính là… "Tổ sáng tác”. Một nhà văn khi được chọn về đây thì coi như được Đảng nuôi cả đời, bao cấp cả đời, kể cả bao cấp tư tưởng, khỏi lo bon chen, đấu đá, khỏi lo giành giật tem phiếu, con cá lá rau như người ngoài đời. Từ rất sớm Đỗ Chu được chọn về “tổ sáng tác”, 35 năm liền cho tới khi hưu như một nhà báo đã viết: "Thế là ông về Hội Nhà văn, không làm gì khác, ngoài ăn rồi cứ ngồi viết văn.
Và thế rồi đã 35 năm qua người ta quen có một Đỗ Chu ở Hội, quen đến mức thật khó hình dung ở cơ quan Hội lại không có Đỗ Chu ra ra vào vào, không nắm một chức vụ cụ thể, nhưng thật quan trọng. Quan trọng đến mức, có người đã nói, không có Đỗ Chu thì cơ quan Hội Nhà văn sẽ giông giống một Bộ, một Tổng cục nào đó”.
Tuy không giữ chức vụ gì nhưng quan chức trong các cơ quan cấp 1, cấp 2 cũng đều nể sợ “già làng”, có chân giò, xỏ lợn, mâm xôi gì chia chác bất kỳ lớn nhỏ cũng không được quên. Thời mồ ma nhà văn Trần Hoài Dương, có lần anh kể với tôi: "Danh sách BCH Hội nhà văn khóa 6 lẽ ra không có tên nhà thơ Y Phương. Thế rồi Ban trù bị đại hội đang họp thì Đỗ Chu ở đâu bổ tới lớn tiếng: "Các anh đã nghe ý kiến đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vừa gọi tới chưa? Đồng chí hỏi Ban chấp hành Hội nhà văn khóa này có đại biểu dân tộc không?”. Mọi người xanh mặt, Hữu Thỉnh lập tức bổ sung ngay Y Phương vào Ban chấp hành”.
 Chuyện thực hư chẳng biết sao nhưng qua đó thấy cái uy “già làng” của Đỗ Chu đối với quan chức Hội Nhà văn là có thực.
Được Đảng nuôi suốt đời, trách gì Đỗ Chu chẳng hết lòng với Đảng, có lần ông nửa đùa nửa thật với bạn bè:
Tớ là một nhà văn nên tớ rất thích câu thơ Việt Phương: “Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi”. Cuộc đời thì rộng lớn lắm. Cuộc đời thì trong đó có đảng. Nên tớ yêu đảng như yêu vợ... Tớ coi đảng là vợ. Đảng bẩn thì tớ mua xà phòng cho đảng tắm. Mua nước hoa cho đảng thơm. Đảng nói thì không được cãi. Đảng bảo ăn là ăn. Đảng bảo uống là uống. Đảng bảo nằm là nằm. Đảng bảo lên giường là lên giường. Đảng bảo ra đường là ra đường. Đừng có mà léng phéng... Cho nên tớ cũng không thể rời Hội Nhà Văn được. Tớ thề sẽ sống mãi với Hội Nhà Văn để tận tâm tận lực viết văn ca ngợi vợ. “Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi”. Việt Phương vẫn làm thơ chung chung quá. Cứ như tớ, tớ sẽ viết thế này: “Đảng thương yêu ấy vợ của ta ơi”.
Tuy nhiên chứng kiến các đàn anh như Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải… trước khi nhắm mắt cũng có đôi lời “phản tỉnh”, Đỗ Chu khi về hưu cũng có “tâm sự” với Văn Chinh:
“Không biết nên phải hiểu từ lúc nào mà chúng ta đã bước từ chủ nghĩa dân tộc vào CNXH, rồi từ lúc nào từ Dân chủ Cộng hòa thành XHCN? Vì đâu mà có rất nhiều khái niệm hết sức hệ trọng bỗng nhiên bị đánh tráo. Bên dưới lòng yêu nước liệu còn có những gì đang nhân danh nó và đang được nó ngụy trang?
Nhìn lại, không biết tại làm sao khi chúng ta học những cái tồi tệ của thiên hạ thì dễ thế, mà đến khi cần học những cái tốt đẹp thì khó quá. Rồi lại không biết bởi đâu mà khi người ta không ra gì, khi người ta mù mịt đảo điên thì người ta sẵn sàng kết anh em với mình, còn tới khi người ta tỉnh táo ra một chút là y như rằng người ta có ý khinh rẻ mình thì phải…”.
Tất nhiên lời tâm sự của Đỗ Chu cũng chỉ là xa xôi, bóng gió, nhưng liệu có phải sau khi về hưu ông đã bắt đầu nghĩ… khác như “thời thượng” hiện nay.
Nhà thơ Xuân Sách dường như cũng không mấy “ngưỡng mộ” Đỗ Chu nên làm thơ chân dung có ý mỉa mai:
 Đám cháy ở sau lưng
 Đám cháy ở trước mặt
 Than ôi mày chạy đâu
 Dưới vòm trời quen thuộc
 Đốt bao nhiêu cỏ mật
 Không bay mùi thơm tho
 Càng hun càng đỏ mắt
 Quay về thung lũng cò

KỲ 10



NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG SÁNG

Khoảng năm 1982 nhà thơ Dương Tường vào TP Hồ Chí Minh trọ khách sạn Bông Sen đường Đồng Khởi, sang trọng bậc nhất Sài Gòn. Trước khi ra Hà Nội, ông đã kịp giới thiệu tôi làm quen cô tiếp tân .Từ đó sáng nào tôi cũng trốn cơ quan, lẻn tới khách sạn, đứng sát bên  cô để "phụ việc " sau quầy. Cô là người Sài Gòn cũ, xinh đẹp, tiếng Anh làu làu, thỉnh thoảng lại dúi cho tôi bia Sài Gòn, thuốc lá Du Lịch đầu lọc lúc đó là của hiếm.
Một sáng trò chuyện đang tíu tít, bất chợt từ ngoài cửa bước vào một khách nam và một khách nữ. Nhận ra hai người, tôi vội ngồi thụp xuống chân cô tiếp tân, im thít. Lát sau, cô vỗ vỗ lên đầu tôi:
“Khách lên phòng rồi… anh đứng dậy đi!”.
Tôi cứ nấn ná chờ “máy bay địch đã bay xa” mới đứng lên làm cô tiếp tân phì cười:
“Sếp anh sao anh sợ vậy?”.
“Sếp đâu? Nhưng anh không muốn ổng nhìn thấy bất lợi cho em…”.
Cô gái lắc đầu:
“Hổng sao, ông Nguyễn Quang Sáng đó… nghe nói ổng là nhà văn cách mạng…”.
Tôi phì cười:
“Nhà văn cách mạng thì sao?”.
“Kính nhi viễn chi thôi…”.
Tôi ưỡn ngực:
“Anh cũng nhà văn cách mạng nè, sao em không kính nhi viễn chi?”.
Cô gái bĩu môi:
“Anh mà cách mạng gì? Du đãng thì có…”.
Tôi rối rít khen em gái có con mắt tinh đời nhận ra "anh hùng" giữa trần ai. Rồi cô kể chuyện giám đốc khách sạn là ông Tám Muộn, thân với nhà văn Nguyễn Quang Sáng và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lắm nên đặc cách cho mỗi người một phòng miễn phí thường xuyên. Tôi xuýt xoa:
“Mấy cha sướng thiệt… tha hồ trốn vợ dẫn bồ bịch tới…”.
Cô gái lắc quày quạy:
“Chuyện đó em hổng biết đâu nha. Đó là chuyện riêng của mấy ổng”.
Người Sài Gòn xưa là vậy, không tò mò chuyện người khác nên cũng không hỏi chị phụ nữ kia là ai? Nhưng tôi biết, đó là nữ văn sĩ quân đội nổi tiếng hồi đó. Đừng ai "suy diễn bậy bạ" nha. Chắc hai nhà văn lớn đưa nhau lên phòng riêng để bàn luận văn chương thôi. Tuy vậy có làm thêm chuyện gì khác thì với nhà văn cũng chẳng là gì, văn chương mới là quan trọng. Mà với Nguyễn Quang Sáng thì văn chương thuộc loại chiếu nhất làng văn Nam bộ kháng chiến rồi.
 Năm 1946, Nam Bộ chống  Pháp ác liệt. 14 tuổi, Nguyễn Quang Sáng đã vào bộ đội, làm liên lạc. Năm 16 tuổi học bổ túc văn hóa trường trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố. Năm 18 tuổi làm cán bộ nghiên cứu tôn giáo tại Bộ Tư lệnh phân khu miền Tây. Năm 1955 tập kết ra Bắc, làm ở phòng văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1966, trở lại chiến trường miền Nam, làm cán bộ sáng tác Hội Văn nghệ Giải phóng, năm 1972, trở ra Hà Nội, làm tại Hội Nhà văn. Năm 1975 trở lại TP HCM, giữ chức Tổng thư ký Hội Nhà văn thành phố khóa l, khóa 2 và khóa 3, ông còn  là ủy viên ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 2, khóa 3 và là Phó tổng thư ký Hội Nhà văn khóa 4.
Suốt đời quan chức vậy đủ thấy văn chương Nguyễn Quang Sáng luôn sáng ngời tinh thần cách mạng, bám sát chủ trương đường lối của Đảng, dứt khoát không chịu ảnh hưởng của những biến động trong giới cầm bút như phong trào Nhân văn - Giai phẩm, sự kiện xét lại… Chỉ có điều, cả đời bận rộn làm cách mạng vậy, không hiểu ông nhà văn sau khi học bổ túc văn hóa trung học còn thời gian đâu học hành quy củ? Nhưng mà chuyện đó chẳng là gì? Văn nghệ quần chúng, phục vụ công nông binh cần gì văn hóa cao?
Nguyễn Quang Sáng viết khá nhiều: Từ những truyện vừa, tiểu thuyết như Đất lửa, Nhật ký người ở lại (1962), Cái áo thằng hình rơm, Mùa gió chướng (1975), Dòng sông thơ ấu (1985)… từ những truyện ngắn Con chim vàng (1957), Chiếc lược ngà (1968), Bông cẩm thạch (1969), Người con đi xa (1977), Bàn thờ tổ của một cô đào (1985), 25 truyện ngắn (1985) đến những kịch bản phim… tất cả đều mang tính sử thi, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng và vạch trần những mặt tàn ác, xấu xa của kẻ địch.
Cùng với nhà văn Anh Đức, hai ông đã trở thành một “cặp đôi hoàn hảo”, không tì vết, luôn đứng vững trên lập trường chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, làm rạng danh cho văn học cách mạng Nam Bộ.
Thành tích Nguyễn Quang Sáng lớn vậy nên ông cũng được Đảng và Nhà nước tưởng thưởng đích đáng như:.
Ông Năm Hạng - giải thưởng cuộc thi truyện ngắn báo Thống Nhất (1959).
Tư Quắn - giải thưởng cuộc thi truyện ngắn  (1959) Tạp chí Văn Nghệ Quân đội.
Dòng sông thơ ấu - giải thưởng Hội đồng văn học thiếu nhi Hội Nhà văn (1985).
Con mèo của Fujita - tập truyện ngắn, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1994.
Cánh đồng hoang (kịch bản phim) Huy chương vàng liên hoan phim toàn quốc (1980), Huy chương vàng liên hoan phim ở Moskva (1981).
Mùa gió chướng (kịch bản phim) Huy chương bạc liên hoan phim toàn quốc (Hà Nội 1980).
Đặc biệt Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II năm 2000.
Sự nghiệp văn chương Nguyễn Quang Sáng như vậy cũng đã hiển hách. Tuy nhiên, nhà thơ Xuân Sách còn muốn ông sáng tác sao đó cao hơn nữa chứ không chỉ dừng ở “thằng nộm hình rơm”, bởi vậy đã làm thơ chân dung Nguyễn Quang Sáng:

Ông Năm Hạng trở về đất lửa
Với chiếc lược ngà vượt Trường sơn
Bỗng mùa gió chướng vừa nổi dậy
Ông biến thành thằng nộm hình rơm”.

Chẳng biết nhà thơ Xuân Sách còn muốn điều gì ở nhà văn Nguyễn Quang Sáng nữa đây?

(còn tiếp)
---------------------
* nguồn: blog nhattuan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét