Khi Nguyễn
Khải viết «đã từng có những quốc gia từng nghĩ từng viết rất tự hào, rất kiêu
hãnh rằng dân tộc họ đã sải bước trước nhân loại cả trăm năm, sắp chạm tay vào
cánh cửa thiên đàng rồi!" thì tức là
ông nhắm tới Liên xô và các nước trong phe xã hội chủ nghĩa mà máu «thỏ đế»
vẫn còn cho tới nhắm mắt xuôi tay nên không dám nói toạc ra.
Liên xô và
phe XHCN xưa nay vẫn là mẫu mực trương lên trước mũi dân tộc như một tương lai
xán lạn. Đảng dẫn dắt toàn dân đạt tới, là thành trì vững chãi làm chỗ dựa cho lý thuyết xây dựng chủ nghĩa xã
hội.
Than ôi,
như sét đánh giữa trời quang, can qua nổi lên chỉ ngày trước ngày sau cả Liên
xô lẫn thành trì phe xã hội chủ nghĩa sụp đổ tan tành. Biến cố huy hoàng và vĩ
đại từ độ ấy mà mãi nhắm mắt, Nguyễn Khải mới dám nhìn nhận nó:
«Trong
những năm 90 của thế kỷ 20 nhiều vị lão thành cách mạng Việt Nam lấy làm kinh
ngạc và đau đớn trước sự tiêu vong quá nhanh của một siêu cường mà chân móng
của nó đã ăn sâu trong mảnh đất Nga non một thế kỷ".
Và lần đầu
tiên ông nhà văn dám đặt bút lý giải sự sụp đổ có tính cách biểu tượng của chủ
nghĩa cộng sản đó:
«Thật ra tòa lâu đài kiểu mẫu của tương lai ấy
không hề có chân móng. Nó được xây trên cát".
Hóa ra vậy, hóa ra lâu nay «Liên xô thành trì vĩ đại» lại là công trình xây trên cát.
Đó là sai lầm chết người của hệ thống. Liên xô đã vậy, còn giấc mơ cộng sản của
Việt nam được xây trên cái gì? Ông nhà
văn tuy có gan lý giải nhưng chưa dám đi
sâu vào cốt lõi:
«Mọi thay đổi lớn đều dựa vào phong trào quần
chúng được hình thành, được vận động chỉ bằng có tuyên truyền chứ không từ
nguồn lực tự thân. Tất cả đều phải ép buộc, đều phải dàn dựng, và phải có các
diễn viên chuyên nghiệp trình diễn theo một kịch bản độc nhất. Có hai nhà văn
lớn của Châu Âu đều được mời xem màn diễn về một xã hội lý tưởng do người cộng
sản lãnh đạo. Ông Romain Rolland thì khen không hết lời, còn ông André Gide thì
chê từ đầu đến cuối. Vì một ông chỉ nhìn có cái mặt tiền, cái tổng thể, đến đâu
cũng thấy dân chúng ca hát, nhảy múa và vẫy cờ, vẫy hoa. Còn một ông lại chỉ
quan sát cái sân sau của chế độ và thân phận của nhiều cá nhân ông có dịp tiếp
xúc. Đám đông thường cho ta cái cảm giác sai vì họ không thể giữ được tính độc
lập trong tình cảm và phán xét. Còn cá nhân thì cái thân phận riêng tư của họ
bao giờ cũng thuộc về nhân loại hôm nay và mai sau".
Ông cho
rằng sai lầm của mấy ông lãnh tụ cộng sản là chỉ biết tuyên truyền, tuyên
truyền chứ không phải nguồn lực tự thân. Thực ra, sức mạnh của chế độ cộng sản
không chỉ là tuyên truyền, sức mạnh của nó nằm trong nền «chuyên chính vô sản». Nếu không có kìm kẹp, không có đàn áp, không có tù đầy, bắn giết thì «sự
tuyên truyền» cũng chẳng có tác dụng gì nhiều. Chính cái nền chuyên chính đó
đã tước đi của người công dân những quyền sống cơ bản:
«Một xã
hội mà công dân không được quyền sống thật, nói thật, nhà văn cũng không được
quyền bộc bạch tâm sự riêng tư của mình trên trang giấy là một xã hội không có
chân móng".
Khi Liên
bang xô viết tan vỡ, người ta mới thấy sự liên kết giữa các nước trong khối
liên bang là một cuộc hôn phối áp đặt chứ chẳng phải dựa trên «tình hữu nghị
giữa các dân tộc» và lúc này sự tranh chấp mới nổ ra:
«Các quốc
gia cùng sống với nhau trong một liên bang, gọi nhau là anh em là đồng chí,
nhìn ngoài thấy họ sống cũng yên ấm vui vẻ. Vậy mà khi họ chia tay nhau cũng
dửng dưng. Và ngay lập tức họ nhận ra nhiều mối lợi trên đất nước mình đã bị
người anh em ruột thịt chia sẻ trong một cuộc đổi chác không công bằng. Thế là
bắt đầu những cuộc tranh chấp các đường biên giới, đã có lúc phải dùng đến xe
tăng, đại bác để nói chuyện".
Rồi quan hệ
giữa các nước ngày xưa trong liên bang với «phe đế quốc» xem ra lại mặn mà
hơn với «các đồng chí trong liên bang cũ»:
«Khi Mỹ và NATO muốn đặt căn cứ quân sự trên
đất nước họ, nhân danh chống khủng bố họ gật đầu liền đâu biết Mỹ là đối thủ
của nước Nga anh em. Yêu Mỹ là tất nhiên vì Mỹ sẽ rót tiền vào những cái két
rỗng của họ. Ghét Nga cũng là lẽ đương nhiên vì xưa kia anh bắt nạt tôi, lấn át
tôi, xem tôi như chư hầu, như thuộc địa, bây giờ chính là lúc tôi có quyền trả
thù".
Tuy nhiên
ông nhà văn Nguyễn Khải lại tỏ ra rất ngây thơ và nông cạn khi nghĩ rằng các
nước SNG trong Liên bang Xô viết cũ mặc
dầu đã «chia tay hoàng hôn» nhưng vẫn còn «tình đồng chí":
«Lúc giận nhau thì nghĩ nông cạn thế, còn bình
tĩnh lại thì giữa các nước cộng hòa trong liên bang Xô Viết (cũ) vẫn có sự ràng
buộc tự nhiên và máu thịt trong lịch sử vì họ đã là người một nhà non một thế
kỷ, đã cùng nhau sống chết chống hiểm họa phát xít để bảo vệ sự tồn tại của
Liên bang cũng như của các nước cộng hòa. Lại đã cùng nhau sinh con đẻ cái, đã
pha trộn ngôn ngữ, văn hóa và kỷ niệm. Bây giờ mỗi quốc gia vừa được trở lại là
chính mình, vừa có phần đóng góp thêm của các nền văn hóa lân cận, bạn bè, giàu
có hơn trước, văn minh hơn trước. Rồi họ cũng sẽ sống với nhau như một cồng
đồng của khu vực, nhưng lần này là tự nguyện, là do họ tự chọn một hình thức
liên minh bình đẳng, dân chủ và hoàn toàn tự do. Bất cứ một thiết chế xã hội nào
nhắm tới dân chủ và tự do, xây một xã hội mở, một liên minh mở sẽ có may mắn
tồn tại được lâu dài với sự đồng thuận của mọi người và sự hài lòng của mỗi cá
nhân».
Nếu như ông
Nguyễn Khải sống đến tận bây giờ để chứng khiến hai người anh em cũ là Nga và Gruzia
mang xe tăng đại bác choảng nhau do tranh chấp vùng Nam Ossettia thì hẳn ông
không còn có nhận định như trên nữa.
Nguyễn Khải
cho rằng chỉ cần sống tới 90 tuổi thì sẽ «rất minh mẫn trong cách đối nhân xử
thế, vẫn giữ được tính cách riêng mà
không làm mất lòng một ai, từ con cháu trong nhà đến các mối quan hệ ngoài xã
hội» sẽ «biết mọi bí mật của then máy tạo hóa» để «sẵn sàng tiếp nhận mọi
sự khác lạ như bây giờ, kể cả sự phủ định chính mình…».
Thực ra
chẳng chờ tới năm 90 tuổi, ngay từ năm 70 Nguyễn Khải đã nhận ra bao «sự khác
lạ» về chủ nghĩa cộng sản, về lý tưởng của chiếc thẻ Đảng mà ông vẫn cất giữ
để mà «phủ định chính mình».
Một điều «khác lạ» mà Nguyễn Khải nhận ra là «quan hệ giữa quần chúng và lãnh tụ».
Trước hết ông «hiểu ra mọi sự rút gọn ở
đời đều trái tự nhiên, đều dẫn đến thất bại» để đi đến kết luận mà vào thời Lê
Duẩn, Lê Đức Thọ ắt hẳn ông đã bị bỏ tù:
«Mọi phong trào thi đua chả có ích lợi gì
trong những việc cần nhiều chăm sóc nhẫn nại, bền bỉ, bắt đầu từ các cá nhân
chứ không phải từ các đám đông với những khẩu hiệu, cờ quạt, kèn trống, diễn
văn và đáp từ, vỗ tay và tặng hoa. Đám đông không thể đứng mãi dưới nắng để
nghe lãnh tụ diễn thuyết. Họ luôn mong đợi được giải tán để về nhà. Con người ở
nhà vẫn cũ kỹ nhưng là người thật chứ không phải là sự nhập đồng chốc lát khi
đứng trong đám đông. Tôi thật lòng yêu mến, ngưỡng mộ Fidel, một nhà yêu nước
kiên cường, một nhân vật đã thuộc về lịch sử của Cuba. Ông là một trí thức lớn, bạn
tâm giao của Marquez, nghe nói trong túi lúc nào cũng có một cuốn tiểu thuyết
đang đọc dở. Bởi vậy tôi mới lấy làm lạ khi ông buộc dân chúng phải đứng hàng
nửa ngày dưới nắng để nghe ông cao đàm khoát luận về đủ mọi vấn đề. Lúc cách
mạng mới thành công nói dài thế vì người dân còn đang háo hức với cuộc sống mới
và các ngôn từ cách mạng cũng rất mới. Như một cặp tình nhân đang yêu nhau,
đang cần nhau, nói với nhau đủ thứ chuyện vớ vẩn nhưng chả ai thấy thời gian là
dài. Còn đã thành vợ thành chồng thì chỉ cần nói ít thôi, chỉ nói những việc cần
làm thôi, chứ cần gì những thuyết lý dông dài. Mao Trạch Đông cũng thế, ông là
một nhà chính trị thông kim bác cổ, quanh nơi ông làm việc và cả nơi ông nghỉ
ngơi sách đang đọc xếp từng chồng, nhưng xem ra cũng chả hiểu đồng bào ông bao
nhiêu".
Dám nói
lãnh tụ là chẳng hiểu gì dân chúng thì quả liều mạng.
(còn tiếp)
------------------------
* nguồn: blog nhat tuan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét