KỲ 49
(tiếp theo)
Chắc chắn phải sinh ra, lớn lên, bú mớm
“sữa” của chủ nghĩa Mác-Lênin mới có nhận xét “gan ruột” như Nguyễn Khải khi
ông hạ bút:
“Tính hài hước là cái thứ mà người cộng
sản ghét nhất vì nó có thể biến mọi chuyện thiêng liêng thành trò cười”.
Bởi vậy mọi chuyện tiếu lâm, chuyện cười
trước khi Đảng ra đời thì được coi là “vốn quý dân tộc” còn ra đời sau khi “đời ta có Đảng” thì bị cấm đoán,
rượt đuổi có khi tù tội như nhà thơ Tuân Nguyễn với hai câu thơ:
“Tiến lên ta quyết tiến lên
Tiến lên ta gọi cấp trên bằng… thằng”.
Để nói rõ hơn việc “biến mọi chuyện
thiêng liêng thành trò cười”, ông giải thích:
... “Học thuyết xã hội đã phải đội lốt tôn
giáo để tồn tại thì mọi thứ thuộc về nó đều là thiêng liêng. Lãnh tụ thành thần
thánh, lời nói bài viết của họ thành kinh bổn, cuộc sống cá nhân và xã hội của
họ đầy ắp những chuyện phi thường. Hình ảnh của Lenin và Stalin, của Mao Trạch
Đông và Kim Nhật Thành và lời nói của các vị ấy bao trùm lên toàn bộ cuộc sống
tinh thần của các quốc gia họ cầm quyền, làm gì, nói gì, nghĩ gì đều không
thoát ra khỏi cái bóng che ấy..”.
Vậy một cách không trực tiếp, Nguyễn
Khải nói chủ nghĩa cộng sản chẳng qua cũng là một thứ tôn giáo vì những lãnh tụ
của nó đều đã thành “thần thánh” như Lênin, Staline, Mao Trạch Đông,
Kim Nhật Thành… tất nhiên ông không dám nói tới Hồ Chí Minh. Và một
khi “chủ nghĩa cộng sản” đã trở thành tôn giáo thì tội ác của nó ghê gớm
hơn tôn giáo nhiều:
“Vì tôn giáo là niềm tin, là thói quen, là
tập quán, là vâng phục, là ở thế giới này chỉ có một chân lý, ngờ vực nó, đặt
quá nhiều câu hỏi về nó chỉ là kẻ phản đồ, phải bị trục xuất khỏi cộng đồng,
phải bị cách ly, bị ngồi tù để tránh mọi sự truyền nhiễm có thể”.
Tức là dưới cái bóng của lãnh tụ, con
người đã bị tan biến thành những giun dế thấp nhỏ và run sợ:
“Bài hát về lãnh tụ trang nghiêm như
thánh ca, người hát có dáng điệu sùng bái như tín đồ. Cái thế giới cá nhân của
các công dân đã bị đốt cháy, đã thành tro bụi và tan biến trong hương khói của
đền đài…”.
Trong cái đám quần chúng giun dế ấy, tội
nghiệp nhất là những người trí thức, họ biết trốn vào đâu trong
cái biển mê cuồng và tăm tối đó:
“Trong không khí ngùn ngụt lửa cháy cùng
với tiếng sóng hoan hô khi gần khi xa không lúc nào dứt, vậy những người làm
việc bằng trí tuệ sẽ tìm đâu ra một khoảng trời yên tĩnh và tự do để suy nghĩ
về những công trình một đời của riêng mình…”.
Ngay cả khi vạch trần thân phận trí thức
dưới chế độ cộng sản, nhà văn Nguyễn Khải vẫn còn len lét sợ không dám gọi trực
tiếp tên “trí thức” mà phải nhái thành “những người làm việc bằng trí tuệ” đủ
biết nỗi sợ trong ông vẫn còn dai dẳng biết chừng nào. Cái yêu cầu phải “nghĩ
trong những điều Đảng nghĩ” đối với ông thật nực cười khi ông dám huỵch toẹt
Đảng còn lâu mới hiểu nổi trí thức:
“Người cộng sản sẽ không bao giờ hiểu được
cách làm việc cá nhân, đơn độc, xa rời quần chúng, xa rời các phong trào cách
mạng có tính địa phương của các nhà trí thức thấm đẫm “tư tưởng tư sản” ấy. Phải
cải tạo họ bằng các chuyến đi thực tế, bằng các lớp học chính trị ngắn hoặc dài
ngày, và bằng cả những lần được gặp gỡ thân mật với lãnh tụ để có thêm lòng tin
vào những lý do phải tự phủ định, để khẳng định sự nghiệp vĩ đại của quần chúng”
Chính vì không hiểu nổi hoặc cố tình không
hiểu, Đảng đã đề ra những yêu cầu thật quái gở đối với trí thức:
“Phải bỏ hẳn những tư tưởng triết học
và thế giới quan phù hợp với cách nghĩ, cách nhìn, cách đánh giá của riêng
mình, đã được chứng minh qua những trải nghiệm của bản thân để nhập vào dòng tư
tưởng chính thống, cái triết học chính thống, cách nhìn nhận và đánh giá chính
thống, xét cho cùng chả liên quan bao nhiêu tới cái tâm sự đang ấp ủ, tới những
điều cần phải viết, và trên hết, máu thịt hơn hết là những phát hiện độc đáo
của riêng mình trong lịch sử, trong văn hóa, trong nhân sinh”.
Vậy tất cả những gì “khác biệt” với tư
tưởng của Đảng đều phải bị triệt bỏ. Toàn bộ xã hội chỉ duy nhất được phép có một dòng “tư tưởng chính thống,
cái triết học chính thống, cách nhìn nhận và đánh giá chính thống” mà hồi
đương chức ông Bộ trưởng VHTT Lê Doãn Hợp gọi nó là “lề đường bên phải”. Vậy
nhưng nếu chiều theo Đảng thì trí thức - ông nhà văn đâu còn là mình? Nhà
văn Nguyễn Khải không dám “chống lại” mà chỉ dám “than vãn”:
“Mất những cái đó thì còn sống tiếp làm
gì, còn viết tiếp làm gì nên một số đã phải đổi nghề, bỏ nghề sáng tạo sang
nghề cạo giấy, làm một anh công chức hiền lành, mẫu mực, vừa có quyền vừa có
lợi. Cái danh cái lợi cũng có sức quyến rũ người ta lắm, qua nhiều năm tháng nó
đã trở thành ý nghĩa quan trọng nhất để sống, sống với vợ con, với bạn bè, với
xóm làng, với xã hội”.
Đó là một lời than “nhói lòng” một lời
cảnh báo cho an nguy dân tộc khi kẻ sĩ tự chối bỏ vai trò của mình nhưng lại là
một “tiếng đàn gẩy tai trâu” bên những ông quan văn hóa văn nghệ của Đảng vừa
dốt nát lại vừa vô cảm.
Tuy nhiên không phải văn nghệ sĩ nào cũng
đổi nghề thành “cán bộ cạo giấy”, còn những người không chịu buông bút vì không
thể kiếm sống bằng nghề khác đành cam chịu uốn ngòi bút theo yêu cầu của Đảng
và lắm khi cũng bị đòn vọt trong những vụ án văn chương vì dám “buông thả
mình theo cảm xúc tự nhiên” mà đi trệch khỏi lề đường bên phải nên bị trừng
phạt khiến tài năng bị thui chột:
“Còn một số nhỏ vì không làm nghề gì khác
ngoài cái nghề văn chương nên đã đầu quân về các nhà xuất bản, tuần báo, tạp
chí tiếp tục làm nghề nhưng phải viết trong khuôn phép đã quy định, cũng có đôi
lúc đã tự buông thả theo những cảm xúc tự nhiên hoặc bất chợt bị mê hoặc bởi
những hình tượng nghệ thuật quá đẹp đã trở thành những nạn nhân oan uổng của
nhiều vụ án văn tự, nghĩ lại mà tiếc cho nhiều người, mộng mơ nhiều thì tài
năng cũng nhiều đều bị thui chột ngay từ những năm còn trẻ”.
Vậy là mấy chục năm qua, mấy chục triệu
con người Việt Nam phải sống theo một dòng tư tưởng,
đi theo một lề đường bên phải, tuân theo một cách đánh giá và nhìn nhận và theo nhà văn
Nguyễn Khải đó là “một tai họa khôn lường”:
“Trong suốt ba chục năm chiến tranh, mỗi
người Việt Nam đã quên hẳn những nhu cầu vật chất và tinh thần của riêng mình
để được cùng sống như mọi người, cùng cảm nghĩ như mọi người, sống cùng sống
chết cùng chết. Học thuyết Mác và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản được tôn
vinh đến tuyệt đối. Vì số phận cá nhân gắn liền với tập thể với dân tộc, trùng
hợp khít khao với các mục tiêu chính trị của đảng cầm quyền và những tham vọng
của người lãnh đạo. Nhưng cả mấy thế hệ cùng tham gia chiến tranh, sống trong
một môi trường xã hội, chính trị của một đất nước đang có chiến tranh cũng là
một tai họa khôn lường”.
Cái tai họa khôn lường đó đã tác hại tới toàn thể dân tộc
ra sao. Ta hãy coi nhà văn Nguyễn Khải phân tích về sự xóa bỏ “cá nhân” trong
thời kỳ chiến tranh:
“Trong chiến tranh tập thể gạt phắt cá thể
sang một bên, có thể giẫm đạp lên nó cũng chả mất mát gì, vì chiến tranh đòi
hỏi sự nhất trí, cần sự ra lệnh đúng lúc của một cái đầu chứ không có
thời gian bàn luận, sai đúng có sự tham gia của nhiều cái đầu. Vả lại nếu người
lãnh đạo tính toán sai lập tức sẽ bị đối phương trừng phạt ngay, không sớm tỉnh
ngộ thì cả sự nghiệp có thể bị đổ vỡ”.
Nhưng khi chiến tranh kết thúc rồi cái “cá
nhân” vẫn bị xóa nhòa trong đám đông “quần chúng nhân dân” – tất nhiên là “quần
chúng cách mạng” của Đảng:
”Đến thời hòa bình thì chỉ còn dân chúng
đối mặt với chính quyền, quyền lợi khác nhau, nguyện vọng khác nhau, có trăm
ngàn thứ khác nhau trong một cộng đồng: dân tộc, tôn giáo, văn hóa, điều kiện
sống… trong một thời gian dài tạm quên đi, tạm gác lại để lo việc lớn, lúc này
nhất loạt trỗi dậy, đòi hỏi và mỗi cá nhân đều thấy cái mình đòi là quan trọng
nhất, bức thiết nhất. Độc lập có rồi, tự do có rồi, vậy cái hạnh phúc của mỗi chúng
tôi nhà nước định quên sao?
Nhưng để đòi hỏi cái quyền sống cho cá
nhân đó, toàn xã hội đã bị bịt miệng:
“Nhưng người dân phải tìm ra cơ hội nào để
nói, đến chỗ nào để nói, dùng phương tiện gì để nói. Nói với tổ chức, với các
đoàn thể mình là một hội viên, không ai nghe cả. Nói trên báo chí không báo nào
dám đăng. Viết kế sách, thỉnh nguyện gửi lên các cấp có thẩm quyền thì chả bao
giờ nhận được trả lời. Vậy phải làm gì nhỉ? Làm loạn không dám, biểu tình đúng
pháp luật cũng chưa có tiền lệ. Người đứng đắn bộc lộ sự không bằng lòng của
mình tại các cuộc họp lập tức bị những kẻ cơ hội trấn áp tức thì, bị cơ quan an
ninh ghi vào sổ đen, thăng chức nên lương từ nay không thể, chỉ còn đợi ngày về
hưu thôi”.
Vậy thì lương tri của dân tộc sẽ được cất
lên từ diễn đàn nào?
(còn tiếp)
-------------------------------
* nguồn blog nhat tuan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét