KỲ 5
Ba
Gã tái mặt nhìn chiếc ví há cái miệng rỗng còn sót lại
mấy tờ bạc lẻ. Số tiền định tiêu cả tháng đã bốc hơi chỉ sau một đêm “tâm tình”
với người đẹp có tên là Tình tại ngôi
nhà trong hẻm gã xích lô đưa gã tới. Phải mất một phút gã mới nhận thấy hết
cái thảm trạng gã đang lâm vào: gạo hết, mắm mỡ hết, bao thuốc cuối cùng xẹp
lép và ít ra cả tháng nữa mới mong nhận được tiền tạm ứng của nhà xuất bản nếu
như gã dịch xong cuốn tiểu thuyết dày
cộp vẫn đang nằm trên bàn kia.
Không thể cứ nằm suy tưởng với cái bụng rỗng gã đành khóa buồng rời “tháp ngà” xuống phố đánh đi một
bức khẩn cho nhà xuất bản:
”Mười ngày nữa dịch xong. Xin gửi gấp tiền tạm ứng”
Trước khi đưa cho cô nhân viên có bộ mặt ướp lạnh, gã
đọc lại lần nữa. Không, viết thế chưa đủ độ cần kíp, dù tốn thêm vài trăm cước
phí cũng đành viết thêm ba chữ: "để đong gạo”. Gã bước thật nhanh khỏi cái nhìn
tò mò cô bưu điện, thả bộ qua vỉa hè san sát quán nhậu cho mũi tranh thủ hưởng
miễn phí mùi xào xáo từ những chiếc chảo đang đặt trên bếp lửa xanh lét.
Dãy phố nhậu qua rồi, giờ đến mùi khói
xe lam, xe máy
thốc vào mũi làm buồn nôn. Gã ghé đám đông xúm xít trên sân ga xe lửa
.Trời ơi, xác một người đàn ông nằm co quắp bên chiếc ba lô con cóc. Cái nhà
ông này quanh quẩn ở đây cả tuần nay. Đói quá mà lại “sĩ" không thèm
ăn xin, cứ
ngồi thu lu hết đầu ga lại cuối ga. Gã thấy gai người, quay ngoắt,
không dám nhìn cảnh tượng có vẻ
như đang gần gũi gã.
Tiếng còi xe cứu thương rúc inh ỏi làm rãn ra lối đi
qua đám đông. Một thằng bé đuổi theo níu
tay gã:
- Vé số chiều xổ đây. Mua một cặp đi chú Hai. Độc đắc
hai chục triệu tha hồ tậu nhà lầu, bao vợ nhỏ…”.
Gã thò tay vào túi, ngập ngừng. Biết đâu, phải biết
đâu, chả cần độc đắc, cứ giải ba, tư cũng đổi đời rồi. Xưa nay gã chúa ghét trò
“đánh bạc với Nhà nước”, có khi trong túi có cả xấp bạc lớn gã cũng chưa bao
giờ chịu mua lấy một tấm vé số. Phúc lớn thì họa cũng không nhỏ, tiền từ trên
trời rơi vào túi thì cũng đến lượt tai
ách đổ xuống đầu. Mèo nhỏ bắt chuột con, cứ kiếm đồng nào xào đồng ấy là yên
tâm. Thế nhưng vào lúc này “triết lý” ấy xem ra chẳng
hợp với gã. Cứ cầu trúng số cái đã, mai kia gặp họa hay không biết đâu mà lường. Vả lại tháng này đã mắc phải nạn dính dáng cửa quyền bị cảnh sát gọi lên
sở rồi, biết đâu bù lại trúng xổ số. Gã lý sự vậy và quyết định rút trong túi
ra tờ giấy bạc đổi lấy tấm vé số có in hình cô gái “thần tài” đứng ngoẹo đầu
mỉm cười. Một phần ngàn tia hy vọng le lói ở trong lòng làm dịu hẳn đói.
"Hai mươi triệu…", gã thì thầm như sợ ai nghe thấy.
Không, chỉ cần nửa số đó, gã sẽ mua nhà chỗ khác thoát đôi mắt xoi mói ti tiện
của lão gác dan, sẽ đi du lịch thật xa, khuất mặt lão cảnh sát, tung hê cái
công việc dịch dọt vừa khổ ải vừa phải chiều chuộng mấy thằng cha Nhà xuất bản
dốt nát, toàn bộ thời gian sẽ là của gã, tha hồ đọc sách và làm thơ.
Tưởng đã nắm trong tay uy lực ghê gớm của đồng tiền, gã ưỡn ngực, ngẩng
đầu, nhìn thẳng vào mặt lão gác dan lúc về nhà. Leo lên phòng rồi, cơn đói mới
nhắc quên không mua bắp ngô. Không sao cả, đến chiều thể nào cũng phải xuống
phố xem kết quả xổ số, lúc đó biết đâu không phải bắp ngô mà hẳn một bữa đại
tiệc nhà hàng. Thế rồi có cái gì chợt đâm nhói trong đầu khi leo lên giường
nhắm mắt ngủ cho quên cơn đói. Xác chết người đàn ông trên sân ga? Ông ta là ai
nhỉ? Một người hẳn đã cầm súng từ chiến trường rồi phiêu dạt từ một gia đình
tan tác vì lũ lụt, vì nhà máy đóng cửa hoặc vì hợp tác xã nông nghiệp thối ruỗng
bởi nạn cường hào? Hình ảnh chiếc ba lô con cóc của người chết cứ lăn lóc mãi
trong óc gã làm tan biến cả cái đói lẫn cơn buồn ngủ. Gã ngồi phắt dậy và chợt
thấy cái ảo tưởng trúng số mới đê tiện và thảm hại biết chừng nào.
”Tiên sư chúng
nó”, gã vọt miệng chửi và cơn giận bùng lên làm gã hùng hổ đi lại trong căn
phòng lúc này đã trở nên chật chội như
cái chuồng cọp. Than ôi chẳng có gì đáng giá để gã có thể đập phá cho xứng với cơn cuồng nộ đang hoành hành,
cuối cùng lại chỉ có cái mặt giường chường ra cho thân xác gã quật mạnh xuống.
Có tiếng gió đập mạnh ngoài cửa sổ, tiếng sấm rền và một trận mưa dường như đã
tới đúng lúc làm tắt cái đầu bốc lửa và
làm mát bầu không khí oi ngộp lèn chặt căn phòng.
Gã ngủ thiếp
cho tới khi tiếng radio đọc kết quả xổ số văng vẳng phòng bên. Mọi ngày chuyện đó chẳng là gì,
nhưng hôm nay, nhớ tới tấm vé số đang nằm túi ngực, gã ngồi bật dậy. Thà còn
một phần ngàn tia hy vọng còn hơn là chẳng có gì, gã mặc vội quần áo, không
thiết rửa mặt, nhưng trước khi ra khỏi phòng, gã không bỏ được việc mấy hôm nay
đã trở thành thói quen: mở một cánh cửa
sổ, ghé mắt nhìn sang bên kia. Hôm nay gã không gặp may, thay cho người đàn bà
ngồi co chân trên ghế ngoài là người chồng mặc quần đùi, áo may ô đang nhai nhồm
nhoàm. Hành động lén lút, vô văn hóa của gã đã lộ rồi chăng? Bởi thế anh chồng
nổi máu ghen tống cô vợ ngồi vào ghế trong?
Óc rối bời, gã xuống thang, qua lão gác dan bị gọi
giật lại:
- Này, đóng tiền đi chớ?
Gã ngớ người:
- Tiền gì?
Lão gác dan cười ngoác mồm:
- Lại còn tiền gì? Tiền nghĩa vụ lao động, tiền góp
quỹ dân phòng, tiền tặng phẩm người đi nghĩa vụ quân sự, tiền đổ rác… Tất
cả mười ngàn đồng, nộp đi!
- Mười ngàn đồng?
Gã kêu lên như có tiếng sét bên tai.
- Không muốn nộp
thì chịu khó đi cuốc đất mười ngày vậy nhá?
Cố nuốt giận vì
cái giọng eo éo đầy giễu cợt, gã nói như mếu:
- Bác nói giúp mấy
ông ủy ban cho tôi khất đến đầu tháng lương.
- Anh là trí thức
phải gương mẫu nộp trước cho dân người ta theo chớ…
Gã bước nhanh
khỏi cái giọng hách dịch của lão, mẹ kiếp, không tiền nhục thế đấy, đến một lão
gác dan cũng “lên lớp" được mình với giọng “thủ trưởng”. Ôi giá như ta trúng
độc đắc… 677.835, gã nhẩm lại sáu con số
đã thuộc lòng từ lúc nhét tấm vé vào túi áo. Dọc phố, từng quãng lại có dựng
tấm bảng ghi kết quả xổ số mới ghi được qua đài phát thanh. Những con số viết
phấn trắng đập vào quả tim đang nảy thon thót. Nỗi thất vọng bị nén đầy ngực
được thoát ra bằng tiếng thở dài khi những con số cuối cùng trên bảng lọt vào
đôi mắt tròn xoe của gã.
Không trúng một cái giải nào cả, gã nở nụ cười vu vơ
rồi lê bước qua các phố cố tìm gánh ngô luộc. Quái thật, mọi ngày không nghĩ
tới thì nhan nhản, tối nay cần lại biến hết không thấy gánh nào. Dạ dày gã rên
lên sốt ruột, tội nghiệp, suốt từ sáng nó chỉ co bóp vào chính nó. Khi phố xá
đã thưa thớt, gã đành tắc lưỡi mua gói xôi ngô, món ăn xem ra có vẻ sa sỉ so với túi tiền. Không thể đợi
về nhà, gã rẽ vào công viên, chọn ghế đá vắng vẻ thưởng thức ngay cái
hạnh phúc lớn nhất trong ngày là được
nghiền ngẫm vị béo ngậy của những hạt ngô bung nhuyễn dưới kẽ răng. Thế rồi
cái sung sướng tuyệt đỉnh ấy đột ngột bị
cắt ngang khi một cô gái cứ như ở dưới đất chui lên ngồi ghế sát bên gã.
- Anh có “đi ngồi" không anh?
Gã giấu biến gói xôi sau lưng:
- Tôi chẳng đang
ngồi đây là gì?
Cô gái đặt túi
“đồ nghề” lên lòng, nhe hàm răng thưa, cười cợt:
- Anh mới ở quê ra
hả?
Rồi bất ngờ cô thò tay quẫy lộn trong lòng gã:
- "Đi ngồi" là
thế này này, còn gọi là “xào khô” hay “xúc lọ”. Cứ ngồi yên em làm cho, sướng lắm mà rẻ lắm, năm chục thôi…
Gã bật dậy, bước hấp tấp bỏ lại sau tiếng cười hắc
hắc. Sống sượng, sống sượng đến thế là cùng, gã lầm bầm trong lúc đưa miếng xôi
cuối cùng lên miệng. Cử động đó làm gã thêm cay đắng, cũng vì miếng ăn cả thôi nếu cô ta không muốn
chết như người đàn ông trên sân ga.
Chắc rồi mình cũng thế, cũng phải bán cái gì đó đút
miệng, khi món hàng chất xám không còn ai mua nữa. Nhưng mình có cái gì để bán? Những cuốn sách trên giá, chồng báo cũ (luôn cả cuốn sổ thơ) bán cân, bộ bàn
ghế và cái giường mọt… Còn gì nữa?
Lương tâm và nhân phẩm chăng? Nhưng liệu có người mua không? Chính vì những
suy nghĩ lẩn thẩn vậy, gã về đến khu tập thể đã quá khuya, cổng sắt đã đóng im
ỉm và lão gác dan hẳn đã trèo lên giường bà vợ khô đét.
KỲ 6
Nguy rồi, không khéo phải ngủ hè như đám hành khất đang nằm cả
dẫy kia.
- Bác ơi, bác ơi… mở cửa
giúp tôi…
Giọng vật nài, khẩn thiết của gã luồn qua khe cổng, tan loãng
vào bóng đêm. Không, nhất định lão gác dan có nghe thấy, già như lão rất tỉnh
ngủ.
- Bác ơi, bác ơi… mở cửa giúp tôi...
Gã cứ gọi, gọi mãi, mỗi lúc tuyệt vọng cho tới khi ai đó đập
tay vào vai làm gã giật nảy. Một gã đàn ông râu tóc bù xù , tay cắp đôi nạng
nhe ra hàm răng cải mả:
- Gọi làm đéo gì, vô ích, lão già ấy giả điếc rồi, ra kia nằm
với tớ!
Ừ thì nằm vỉa hè đã sao, người ta nằm cả năm cả đời được, mình
có một đêm. Trớ trêu, gã đàn ông dẫn gã tới chiếc chiếu trải sẵn dưới mái hiên
ngôi nhà có đôi vợ chồng đối diện cửa sổ phòng gã. Nằm ngửa ra, gối đầu lên hai
tay chắp sau gáy, nhìn lên cả một mảng trời toàn sao, gã bỗng nhớ lại tưởng
tượng mấy hôm trước trong lốt ông Giám đốc, thủ trưởng người đàn bà giờ này
đang nằm cao hơn gã ba tầng lầu.
Quả thực tưởng tượng và hiện thực cách xa nhau làm sao. Không
phải là ông Giám đốc thơm phức trong bộ đồ comlê cắt khéo ôm trong tay người
đàn bà rực lửa mà là quần áo xốc xếch, bụng đói meo nằm cạnh gã hành khất hôi hám và bẩn thỉu.
Gã bật cười sằng sặc làm người đàn ông ngồi nhỏm dậy ngơ ngác:
- Cười gì thế? Cười tớ hả?
- Không… tôi cười tôi thôi.
- Cậu thì có cái đéo gì mà cười. À… cám
cảnh ngủ vỉa hè phải không? Lần đầu chưa quen, ngủ nhiều mới khoái, như
tớ chẳng hạn, giờ nhét trong buồng kín, giường chiếu đàng hoàng lại khó chịu,
có khi không ngủ được.
- Nhà cửa vợ con anh đâu?
- Đéo nói chuyện đó. Hẵng cứ biết trên đời trơ thần cụ có tớ. Ấy thế mà sướng hơn vua. Này, nhìn coi…
Gã rút trong bọc ra gói thuốc 555, bóc mời gã và khoe ngày nào
gã cũng hút ít nhất một gói, sáng nào cũng điểm tâm phở tái, cà phê sữa, nổi
hứng có thể ngồi xích lô đi thăm… “chị em
ta".
- Anh làm nghề gì lắm
tiền thế?
Gã tròn mắt kinh ngạc:
- Vậy ra đằng ấy chưa biết hả? Nghề ăn mày chớ còn nghề gì?
- Ăn mày cũng là một nghề?
Vả lại… nom anh khỏe mạnh thế
này.
Vẻ mặt ngẩn ra của gã làm tên ăn mày bật cười. Thoắt cái gã
đứng dậy, cặp đôi nạng vào nách, co một chân lên, mặt méo xệch, một bên má giật
giật giống y hệt kẻ tật nguyền chính hiệu. Gã reo lên:
- Giỏi, giỏi thật. Anh đóng
kịch thế kia thì đến tôi cũng phải móc tiền ra cho.
Gã ăn mày quăng cặp đồ nghề vào góc tường, vỗ đét vào người gã
hể hả:
- Ăn thua gì, ngón nghề mới giở ra sơ sơ cậu thưởng thức tí thôi, còn nhiều “bí mật nhà nghề” không tưởng tượng nổi đâu.
Gã gật đầu, chịu thua:
- Hóa ra ăn mày đúng là một nghề thật, có khi lại là cả một
nghệ thuật ấy chứ…
Gã hành khất hứng trí móc trong bọc ra chai rượu và gói thịt
nguội:
- Mua trong tiệm đàng
hoàng đấy nhá, không phải thức ăn thừa đâu. Thôi đừng khách khí, tớ nghe bụng
cậu réo ùng ục từ nãy. Cậu làm cái nghề
gì mặt mũi hom hem, hốc hác thế kia?
- Tôi dịch sách thuê cho Nhà xuất bản.
- Mỗi tháng kiếm được bao nhiêu?
Con số gã đưa ra làm gã hành khất vỗ bụng cười:
- Vứt bố cái nghề chữ nghĩa ấy đi. Đi ăn mày với tớ, ba ngày
kiếm được bằng cả tháng lương cậu.
Hơi rượu làm gã bốc lên
kể lể. Cậu đừng tưởng thiên hạ móc tiền
thí cho tớ là do tình thương đồng loại đâu nhá, tớ đã ngẫm ra ở đời đéo ai
thương ai, tiên sư chúng nó, mười đứa cho mình thì hết chín đứa là vì chính nó thôi. Hai anh chị
đang nỉ non tâm sự trên ghế đá buộc phải “bố thí" để được yên thân sờ soạng nhau, một gia đình
ông lớn ngồi nhà hàng cũng buộc phải xùy tiền đuổi gã đi để các tiểu thư và phu
nhân ăn uống ngon miệng khỏi lợm giọng vì cái nhớp nhúa, bẩn thỉu của gã, còn
các bà lên chùa “lì xì” thì lại nhằm
gây cái đức để trời phật ban phúc… Ấy
đấy, dù có phải lừa lọc bằng cái hình dạng phế nhân này, tớ cũng đéo “ăn xin"
thằng nào, tớ chỉ… tống tiền, tống tiền một cách… lương thiện vì các nạn nhân
của tớ không có ai phải táng gia bại sản, bán vợ đợ con, còn lương thiện gấp
ngàn lần những đứa bóp hầu bóp cổ dân nghèo. Thôi đéo nói đâu xa, cứ lấy cậu
làm ví dụ, một cuốn sách cậu dịch in ra bán được bao nhiêu? Phần chúng nó
quẳng cho cậu liệu có bằng cái móng tay thằng chủ nhà in, chủ xuất bản không?
Tớ cũng đã từng bị chúng nó bóc lột như thế, suốt ngày còng lưng cạo giấy, cuối
tháng nó thí cho đồng lương còm chỉ đủ đút miệng, tiền bạc chạy hết vào túi mấy
thằng Giám đốc, Trưởng phòng ăn hại, và nói cho cùng đến Nhà nước cũng chẳng
được lãi đồng cắc nào. Địt mẹ Nhà nước…
Gã hành khất say lắm rồi, nhưng vẫn đủ tỉnh táo nhận ra gã đang
moi gan móc ruột, lộ hé ra cái phần đời tư của gã, bởi vậy gã im bặt, rót chén
nữa, ấn vào tay gã:
- Uống đi, uống đi chứ, sao cứ ngồi giỏng tai ra nghe thế?
Quả thực cái “bài ca ăn
mày' làm gã ngẩn ngơ, bàng hoàng như
đứng trước một ca mổ phanh phui hết tim,
phổi lòng gan con người, lộ hé cho gã thấy mọi chiều cạnh của đời sống mà trong cái tháp ngà căn phòng tầng ba gã
chẳng bao giờ tưởng tượng nổi.
Thế rồi trong lúc tâm tưởng đặc sệt nỗi buồn vô cớ, tiếng còi
xe máy thúc vào tai làm gã mở choàng mắt. Gã hành khất đang nằm gác một chân
lên người gã cũng ngồi nhỏm dậy, đập gã:
- Nhìn kìa, thơm chưa?
Được ngủ với con mẹ này mất một chỉ một đêm tớ cũng chịu.
Chao ôi, chưa bao giờ gã được ở gần cô vợ anh hàng xóm đến như
thế, Mùi xà bông trầm thoảng tới làm gã
giương mũi hít lấy hít để. Chiếc váy ngắn màu cà phê ôm sát khổ người mỡ
màng.mái tóc dài xõa xuống, lấp ló đôi bờ vai trắng nuột, người đàn bà uyển
chuyển trên đôi giày cao dựng xe, đi tới bấm chuông ngay trên đầu gã. Gã thấy
như tắc cả thở khi đôi chân trần nõn nà tiến đến, gần đến nỗi chỉ cần dang tay gã có thể ôm gọn lấy nó.
Không đầy hai phút sau, cánh cửa mở ra để anh chồng dắt xe máy
vào nhà, theo sau là cô vợ nhún nhảy trên đôi giày cao bỏ lại sau mùi trầm làm
gã mê mẩn.
Gã hành khất cười phá:
- Thèm rỏ rãi ra rồi
phải không? Này, nom thế mà chỉ được cái mẽ ngoài, trong thì khắm như cứt.
Nghe gã xúc phạm “người đẹp", gã bực tức:
- Ông biết quái gì mà
nói xấu người ta.
Gã hành khất trợn mắt:
- Sao không biết? Tối nào tớ chẳng nằm ở đây không biết sao
được. Thỉnh thoảng cứ tầm mười giờ lại có một thằng cha đầu hói đánh xe con đưa
chị ta về tận cửa. Xuống xe còn uốn éo: “Thủ trưởng về nhé,chúc thủ trưởng ngủ
ngon…?".
Gã cãi:
- Có thể người ta đi công tác muộn, cơ quan phải đưa xe về.
- Xì, có công tác ở…
trên giường. Không thế sao có tiền ăn diện như bà hoàng vậy? Lương chị ta khéo chỉ đủ son phấn.
Gã thở dài ngao ngán:
- Liệu anh chồng có biết không?
- Có hoạ mù mới không biết. Biết mà bấm bụng lờ thôi. Có khi
còn xúi vợ ngủ với thủ trưởng kiếm chút bổng ấy chứ.
- Khiếp, ông nói ghê quá, cứ đúng như ông nói thì đời toàn cứt cả.
- Chứ lại không ư? Trí thức, trí ngủ, suốt ngày
cắm đầu vào sách như cậu còn biết cái chó gì.
Gã xoay người, quay lưng lại khỏi nghe những lời làm gã buồn
nôn. Chưa bao giờ gã gặp một người thù ghét, khinh bỉ người đời như cái gã ăn
mày này, chắc gã đã phải chịu nhiều cay đắng lắm mới ra cái nông nỗi thế, và
chẳng hiểu sao lại tử tế với mình vậy?
(còn tiếp)
-------------------------
* nguồn: blog nhattuan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét