Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

chân dung hay chân tướng nhà văn [kỳ 50] - nhật tuấn

KỲ 50

 

 

Một khi các cơ quan truyền thông đều nằm trong tay Đảng, một khi 700 tờ báo trong cả nước chỉ có một ông Tổng biên tập – đó lại là một ông “cảnh sát văn nghệ” đầu óc vừa hũ nút, vừa ngạo mạn lúc nào cũng lăm lăm cái còi thổi bắt cả 85 triệu con người đi vào một “lề đường” quy định là… ”lề bên phải”, vậy thì tiếng nói của sự bất bình, tiếng nói của sự phản kháng trước mọi cái ác, cái bất lương, cái ngu dốt của Nhà nước này sẽ được cất lên từ "cái lề".

May thay dân tộc Việt Nam còn có truyền thống sáng tác… chuyện tiếu lâm. Nếu như ngày xưa “chuyện tiếu lâm” là vũ khí đánh vào cái thối nát, hủ lậu của chế độ quan lại phong kiến thì bây giờ nó nhằm vào các tầng lớp cán bộ từ sơ cấp đến trung cao cấp, và cao hơn nữa chuyện tiếu lâm ngày nay không chỉ nhằm vào các “thói hư tật xấu”, nó đã được dân chúng “nâng cấp lên” thành một thứ tiếu lâm… chính trị:
“Nhưng dân chúng vẫn có cách xả nỗi bất bình của họ bằng cách sáng tạo ra nhiều chuyện tiếu lâm chính trị. Trong cả nước không đâu có nhiều chuyện tiếu lâm bằng Hà Nội vì nó là thủ đô hành chính, mọi chuyện cung đình vừa thật vừa giả tràn gập các quán cà phê mỗi ngày. Không ra được báo viết thì làm báo mồm vậy, lời nói bay đi lấy đâu làm bằng, tưởng như vô hại mà hại vô kể. Vì nó sẽ thành dư luận, không ai bắt giam được dư luận, giết được dư luận, cái dư luận hỗn tạp, vô sở cứ mở rộng mãi ra, bao trùm mọi việc mọi người trở thành mặt bằng mới để đặt ra các tiêu chuẩn sống cho một thời”.
              Tiêu biểu cho cái loại “tiếu lâm chính trị” này là truyện ba đồng chí  “Ba Đồng Chinh" đi máy bay. Truyện rằng trong một chuyến bay chuyên cơ, đồng chí Ba (tức Ba Duẩn - Lê Duẩn), đồng chí Đồng (Phạm Văn Đồng), đồng chí Chinh (tức Trường Chinh) bàn nhau làm sao cho dân sướng? Đồng chí Ba nói giờ tôi có một bao tải tiền vứt xuống hẳn dân sẽ sướng lắm. Ba đồng chí còn đang bàn nhau nên vứt xuống cái gì thì anh lái máy bay quay xuống xin thưa rằng:
”Báo cáo, bây giờ tốt nhất là vứt cả ba đồng chí xuống thì là dân sướng nhất đấy ạ…”.
Chính sống trong một xã hội mọi kỷ cương phép nước đều trong tay cán bộ Đảng, ngay cả hiến pháp cũng như pháp luật đều do Đảng nắm giữ, cá nhân không được phép tham dự, bàn thảo gì dẫu là đóng góp cho lợi ích xã hội nếu không nằm trong sự kiểm soát của Đảng thì cũng là… ”thế lực phản động”... Bởi vậy đã nảy sinh ra bệnh “thờ ơ”, mặc - kệ - nó phá hủy ý thức công dân, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng:
“Cái tiêu chuẩn mới có tên gọi là "mặc kệ nó". Nó là người khác, là nhà nước, là bất cứ ai, bất cứ việc gì không có quan hệ trực tiếp tới các lợi ích cá nhân mình. Cái cá thể sau một thời gian dài nhập vào cái tập thể đã tự tách ra khỏi nó để tìm lại mình. Nhưng cách tìm lại ấy thường thuộc về phía tiêu cực của con người, lấy lợi ích bản thân làm mục tiêu nên không tạo ra được sự thăng hoa, sự tự do chân chính, là môi trường cho mọi sáng tạo độc đáo, vừa thấm đẫm tính cá nhân vừa thấm đẫm tính thời đại ở yếu tố tiền phong của nó”.
Cái con người “mặc kệ nó” đó chính là dòng dõi chân truyền của “con người mới xã hội chủ nghĩa”, bởi lẽ chỉ có trong một xã hội không có “tính công dân” như xã hội xã hội chủ nghĩa mới sản sinh ra thứ người “mặc kệ nó” như vậy.
Mặc dầu ở Việt Nam còn chưa biết bao giờ mới có tự do nhưng quan sát sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa và sự hồi sinh sau đó, Nguyễn Khải phân biệt hai loại tự do: tự do trong các nước đã từ lâu có chế độ dân chủ và tự do tại các nước mới thoát khỏi chế độ cộng sản:
“Ở đây tôi muốn nói thêm, tự do được nuôi dưỡng tự nhiên trong môi trường dân chủ là tự do của cống hiến, còn tự do vừa thoát ách chuyên chế thường có tính phá hoại, trả thù, để bù lại những năm tháng bị tước đoạt. Cứ so sánh về tự do của một xã hội dân chủ nhiều trăm năm như Hoa Kỳ và tự do vừa giành được của nước Nga Xô Viết là đủ rõ. Vì nó không được chuẩn bị, không được giáo dục, mọi bản năng của con người được xổng ra nhất loạt sẽ gây hỗn loạn cho cộng đồng, nhiều hơn là xây dựng. Dân chủ và tự do phải có thời gian để làm quen, để học cách sử dụng và bảo vệ, phân được ranh giới giữa cá nhân và cộng đồng thành pháp luật, thành tập quán mới có thể đơm hoa kết trái được”.
Phải chăng cái thứ “tự do” có “tính phá hoại, trả thù, bù lại những năm tháng bị tước đoạt” phần nào đang hoành hành trong cái đám con ông cháu cha dùng tiền tham nhũng của bố ra sức ăn chơi đập phá, mặc sức hưởng thụ, bất chấp đạo lý xã hội.
Nguyễn Khải phê phán cách nhìn nhận xã hội tư bản theo hệ tư tưởng “chính thống của Đảng”:
“Ở xã hội tư bản mà chúng ta vốn có thành kiến là rất xấu xa lại thường hay cho những tiếng kêu cứu, bảo vệ những giá trị truyền thống của cá nhân, vì đồng tiền đang làm mất phẩm giá của con người, phá vỡ nền tảng đạo đức, làm rối loạn các mối quan hệ xã hội. Con người được sống no đủ, trong tiện nghi mà vẫn đối địch với nó, muốn thoát ly khỏi nó vì không được thỏa mãn những nhu cầu về tinh thần. Ta hay lấy những chuyện đó để làm chứng một cách hả hê cho sự tha hóa của con người sống dưới chế độ tư bản”.
Thực ra “Những cái giá trị cá nhân chỉ được nhìn nhận, được tôn vinh ở những xã hội tương đối tự do, các mối quan hệ giữa người với người tương đối tốt đẹp” và xã hội đó không ở đâu khác chính là xã hội tư bản.
Thế còn xã hội cộng sản thì sao?
Đáng sợ nhất là con người lúc nào cũng bị rình rập, bị sẵn sàng kiểm điểm  phê bình, giáo dục chính trị tư tưởng:
Vậy các công dân của chế độ xã hội chủ nghĩa thì sao?”.
Cuộc sống tập thể đã nhấn chìm cuộc sống cá nhân, cuộc sống trong chiến tranh đã xóa nhòa mọi thói quen của cuộc sống thời bình. Lúc nào cũng có kẻ thù rình rập đâu đó để tìm cớ lật đổ chế độ bằng vũ trang, hay bằng diễn biến hòa bình. Lúc nào cũng được đồng chí trong chi bộ, bàn bè cơ quan giám sát mọi tư tưởng và hành vi để ngăn chặn mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân của mỗi thành viên”.
 Cái điều kinh khủng nhất là Đảng luôn luôn gieo giắc sự nghi kỵ  trong toàn dân để rồi người với người luôn luôn phải dè chừng, đối phó nhau cho dù phương châm cao nhất về quan hệ xã hội lúc nào cũng đề cao “người với người là bạn" (!):
“Lúc nào cũng phải đề phòng, phải đề cao cảnh giác cách mạng, không tin cậy bất cứ ai, kể cả bạn bè”.
Ngẫm nghĩ thân phận mình, thân phận của những đồng nghiệp cầm bút, Nguyễn Khải phải kêu lên:
“Chỉ có một điều lạ, là trong hoàn cảnh sống không có một tí tự do nào cho cá nhân mà chúng tôi vẫn sống được, lại còn viết  văn làm thơ được!”.
Ông nhà văn quên béng một điều: đúng là “không có tý tự do nào mà chúng tôi vẫn viết văn làm thơ được” nhưng mà là thứ văn thơ xu thời, thứ văn thơ phục vụ chính trị, thứ văn thơ dối trá kích động con người thực hiện những mục tiêu đầy tham vọng coi rẻ tính mạng con người của Đảng, thứ văn chương “minh hoạ” mà  nhà văn Nguyễn Minh Châu đã “đọc lời ai điếu cho nó”.
Mặc dầu bộ máy tuyên truyền của Đảng ra sức bôi xấu “80 năm thuộc địa của Pháp” nhưng Nguyễn Khải lại nhìn nhận đó mới chính là giai đoạn chói sáng của văn học nghệ thuật:
“Suốt 80 năm sống dưới ách đô hộ của Pháp, chúng ta vẫn đặt được những viên gạch đầu tiên cho nền văn xuôi Việt Nam. Những truyện ngắn, tiểu thuyết, phóng sự, tùy bút của thời ấy được in trên các tuần báo hoặc xuất bản thành sách nay đọc lại vẫn thích thú, vẫn làm ta cảm động. Nhiều truyện được đọc từ tuổi niên thiếu vẫn ám ảnh ta tới tận lúc tuổi già, và một loạt các nhà thơ, nhà phê bình văn học của cái thời gọi là thuộc địa đã trở thành những tên tuổi lớn tồn tại mãi mãi trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc. Làm thân nô lệ mà vẫn trỗi lên thành những tài năng lớn là sao? Không chỉ trong văn chương mà còn cả trong mỹ thuật, trong kịch nghệ. Không chỉ trong văn nghệ mà trong cả khoa học, giáo dục, trong kinh doanh theo kiểu tư bản và trong nhiều nghề truyền thống. Tất cả đều được bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ, được phát sáng, được bộc lộ mạnh mẽ các tài năng cá nhân và họ đã trở thành người khai sáng, người mở đường, thành tổ nghề, không chỉ có tài lớn mà còn có đức lớn, là những nhân cách kiểu mẫu cho con cháu, cho giống nòi, đều là chuyện có thật cả, không thể bóp méo hoặc bác bỏ".
Và ông nhà văn phải đau đớn thốt lên câu hỏi không chỉ dành riêng cho Đảng mà cho cả giới văn nghệ sĩ:
"Làm thân nô lệ (thời pháp thuộc) mà vẫn trỗi lên thành những tài năng lớn là sao?".
Và đến khi chuyển sang "đời ta có Đảng" thì các "tài năng lớn" đều bị thui chột.  Vậy là sao?

(còn tiếp)
-------------------------------
* nguồn: blog nhattuan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét