Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

nền giáo dục đẩy học sinh tới chỗ phải vong thân - nguyễn thị từ huy


- Tự đáy lòng, tôi cảm thấy biết ơn người bạn nhỏ can đảm đã dám cầm camera ghi lại sự thật phũ phàng về một nền giáo dục đang đẩy học sinh tới chỗ phải vong thân.
Quay cóp, nói một cách ngắn gọn, là: không lao động, không bỏ thời gian học tập, không suy nghĩ, không hiểu bài, không có kiến thức mà vẫn có được kết quả, thậmchí kết quả thi tốt, nhờ việc chép bài trái phép.



 
 
 Hình ảnh tiêu cực ở Hội đồng thi Trường THPT DL Đồi Ngô

Về thực chất đó không khác gì hành động ăn cắp. Quay cóp là khởi đầu, đạo văn là bước tiếp theo và cuối cùng là tham nhũng.

Ba mốc đó đánh dấu các chặng đường tha hóa của những người không lao động mà lại hưởng thành quả một cách trái phép. Tham nhũng là gì nếu không phải là việc nhận số tiền không phải do lao động của mình làm ra?

Một xã hội vận hành trên nền tảng tham nhũng, cộng với bệnh thành tích, sẽ làm nẩy sinh, rồi khuyến khích và bao che hiện tượng quay cóp trong giáo dục. Và những học sinh quen quay cóp sẽ chấp nhận và thích ứng rất nhanh với sự tham nhũng.

Đấy là một chu trình có lô-gic nội tại, hiện tượng này vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của hiện tượng kia. Một vòng luẩn quẩn.

Các bạn học sinh cần hiểu điều này: Quay cóp bài vở là một hình thức phủ nhận chính mình. Ở một cấp độ khác, trả bài thi theo lối học thuộc lòng cũng là một hình thức tự phủ nhận bản thân mình. Vì khi làm như vậy, bạn không còn là bạn nữa, bạn tự đồng nhất mình với giáo viên, bạn hoàn toàn lệ thuộc vào giáo viên, bạn tự phó thác mình cho cái tài liệu bạn chép mà không hiểu.

Khi làm như thế bạn đã bị vong thân (tự đánh mất mình). Bạn tự chối bỏ bản thân bạn, bạn tự chối bỏ giá trị của bạn. Và nếu bạn bắt đầu cuộc đời mình bằng cách chấp nhận vong thân như vậy thì cái nguy cơ bạn chấp nhận làm một công cụ để cho người khác điều khiển là rất lớn.

Đỉnh điểm của sự nguy hiểm là sẽ đến ngày bạn không còn ý thức được về sự vong thân nữa, không còn ý thức được về các nguy hiểm do sự vong thân gây ra. Nếu bạn không quý trọng giá trị riêng của bạn, thì bạn cũng sẽ không quý trọng giá trị riêng của người khác.

Nếu bạn không tự nhìn bạn như là một giá trị, thì bạn cũng sẽ không nhìn người khác như một giá trị. Sâu xa, đấy là nguồn cơn của sự vô cảm và độc ác. Bạn có thể đi tới chỗ đồng nhất giá trị con người bạn với những thứ ở bên ngoài bạn, như là tiền bạc, ô tô, nhà cửa…

Bạn sẽ để những thứ đó điều khiển bạn, và để những kẻ mang lại những thứ đó cho bạn điều khiển bạn. Bạn quên mất hoặc không hiểu rằng bạn, trong tư cách là con người, bạn cao hơn những thứ đó nhiều, bạn có giá trị hơn những thứ đó rất nhiều; hoặc là những thứ đó chỉ có giá trị khi bạn truyền cho chúng giá trị của bạn, khi bạn biến chúng thành các giá trị tinh thần.

Và một khi sự vong thân không còn có ý nghĩa gì đối với bạn, thì việc mất mát các giá trị tinh thần khác cũng rất có thể sẽ không còn ý nghĩa gì, thậm chí cả sự vong bản hay vong quốc.

Nếu người lớn không sợ thì chính bạn phải biết sợ điều đó. Nếu thầy cô không dạy cho bạn biết rằng bạn là một giá trị và bạn cần phải xây dựng và bảo vệ giá trị của mình, thì chính bạn phải tìm cách tự học để hiểu điều này. Đừng để thầy cô tước mất giá trị riêng của bạn, và đừng tự mình phủ nhận giá trị của mình.

Tự đáy lòng, tôi cảm thấy biết ơn người bạn nhỏ can đảm đã dám cầm camera ghi lại sự thật phũ phàng về một nền giáo dục đang đẩy học sinh tới chỗ phải vong thân.

Dù sao chúng ta chưa mất hết hy vọng vì vẫn còn những học sinh như bạn ấy, và vẫn còn những người thầy như thầy giáo của bạn ấy.

-----------------------------
* nguồn: vietnamnet 19.6.12


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét