Tôi
có một người cha già, lại tàn tật, cụt một chân. Khi tôi sinh ra đời bố tôi
cũng đã gần 50 tuổi. Trong một thời gian dài, bố tôi đóng vai trò của một người
mẹ, tuy di chuyển khó khăn, nhưng ông lo lắng cho tôi không còn thiếu một thứ
gì. Bạn bè thường gọi là “Ông nội trợ” và khen là đàn ông mà bố tôi có đầy đủ
các đức tính của người phụ nữ Á đông “công, dung, ngôn, hạnh”, nuôi con khéo
léo không ai bằng.
Hồi
còn bé, tôi không hiểu được, vì sao không phải mẹ tôi, mà bố tôi luôn luôn ở
nhà chăm sóc cho tôi. Từ từ tôi mới nhận ra, trong đám bạn bè, tôi là người duy
nhất luôn luôn có người bố bên cạnh. Thiếu tình mẹ, tuy nhiên, tôi cũng cảm
thấy an ủi, mình là người rất may mắn, còn hơn nhiều đứa trẻ thiếu cả tình
thương của cha lẫn mẹ.
Sau
này tìm hiểu thì tôi biết, bố tôi là một lính VNCH, bị thương trên chiến
trường, được mẹ tôi bảo lãnh theo diện đoàn tụ, bà lo cho ông hưởng tiền trợ
cấp tàn phế. Lúc tôi được hơn 3 tuổi, bố tôi và mẹ tôi ly dị, bà đã lập gia
đình với một người đàn ông khác, nhường tôi lại cho bố tôi nuôi. Trong ký ức
trẻ thơ, tôi có hình dung được hình ảnh của mẹ tôi một vài lần, khi bà đến
thăm, nhưng rất xa lạ, vì luôn luôn bà đi với một người đàn ông nhìn tôi với
ánh mắt lạnh lùng.
Tôi
có tí mặc cảm về địa vị bố tôi ngoài xã hội, so với bố của những đứa trẻ khác,
tuy nhiên việc chăm sóc tôi thì hoàn hảo, ông chăm lo cho tôi từ việc lớn đến
việc nhỏ, không phải đụng tay vào bất cứ thứ gì. Trong suốt thời gian tôi học
tiểu học, ông còn thuyết phục ông tài xế xe bus đón tôi đi học ngay tại cửa
nhà, thay vì ở trạm xe , cách xa nhà tôi 4 dãy phố. Khi tôi bước vào nhà, lúc
nào bố tôi cũng chuẩn bị sẵn thức ăn trưa, nào cá kho, thịt kho, rau xào và có
cả canh nữa. Lâu lâu cũng có thức ăn Mỹ, sandwich, hamburger, bơ đậu phộng, và
còn thay đổi theo mùa. Giáng Sinh bánh có viền xanh hình cây thông, Valentine
có hình trái tim v.v...
Khi
tôi lớn hơn một chút, vào năm đầu tiên trung học, tôi lại thích sống độc lập,
tôi muốn thoát ra những cử chỉ yêu thương dành cho con nít của bố, vì sợ chúng
bạn trêu chọc. Nhưng chẳng bao giờ bố buông tha tôi cả, một đôi khi tôi rất bực
mình.
Cấp
trung học, tôi không thể về nhà ăn cơm được nữa, phải bắt đầu tập tự lo cho mình.
Nhưng bố tôi lại thức dậy sớm hơn thường lệ để chuẩn bị bữa ăn trưa cho tôi.
Ông cẩn thận ghi cả tên tôi bên ngoài túi giấy đựng đồ ăn. Lật dưới đít bao giấy,
luôn luôn có một vài hình vẽ nhỏ, khi thì căn nhà, khi thì dòng suối, ngọn
núi, chim cá và hình trái tim với dòng chữ “I Love You Tammy!” Nào hết đâu, bên
trong những chiếc khăn giấy cũng có những dòng chữ triều mến “Bố thương con nhiều”.
Ông luôn viết, hay có những câu nói bông đùa như thế để nhắc nhở là ông yêu
thương tôi nhiều, và muốn làm cho tôi vui.
Tôi
thường lén ăn trưa một mình để không ai thấy được cái túi giấy và khăn ăn.
Nhưng cũng chẳng giấu được lâu. Một hôm, một đứa bạn tình cờ thấy khăn ăn của
tôi, nó chộp lấy la lên và chuyền đi khắp căn phòng cho mọi người xem. Mặt tôi
nóng bừng, bối rối, mắc cỡ muốn chui đầu xuống đất.
Bữa
hôm đó tôi về, đã làm mặt giận với bố tôi và “cấm” ông ấy không được viết, vẽ
“bậy bạ” trên khăn giấy nữa, để bạn bè không coi tôi như đứa con nít lúc nào
cũng cần người lớn chăm sóc. Lần đầu tiên tôi thấy bố tôi buồn, lặng lẽ vào
phòng đóng cửa
Ngày
hôm sau, tôi vô cùng ngạc nhiên vì tất cả bạn bè bu chung quanh tôi, chờ để
được xem chiếc khăn ăn, nhưng lần này thì trống trơn, không có dòng chữ hay
hình vẽ gì cả. Nhìn mặt bọn chúng thất vọng, hụt hẫng, tôi mới hiểu ra, tất cả
chúng nó đều mong ước có một ai đó biểu lộ tình thương yêu ngọt ngào giống vậy
đối với chúng. Lúc đó lòng tôi len lén cảm thấy vui vui, dâng lên niềm tự hào
về bố. Tôi vội về làm lành với bố, và những dòng chữ, những hình vẽ yêu thương
lại tiếp tục.
Những
năm còn lại trong trường trung học, tôi vẫn đều đều có những chiếc khăn đặc
biệt ấy. Và từ đó, tôi giữ lại, chứa trong một cái hộp riêng, giấu kín
Chưa
hết, khi vào đại học, tôi phải rời xa bố, tôi nghĩ thông điệp xưa kia của bố sẽ
phải chấm dứt. Nhưng tôi và bạn bè rất vui sướng vì những cử chỉ biểu lộ tình
cảm của bố tôi vẫn tiếp tục qua hình thức khác.
Ở
cấp đại học, dĩ nhiên không còn thấy bố tôi đứng chờ khi tan học, vì thế, tôi
hay gọi điện thoại cho ông, chi phí điện thoại khá cao, nhưng không sao, tôi
chỉ muốn nghe được giọng nói của ông mà thôi.
Suốt
năm học đầu tiên, chúng tôi quen lối nói chuyện như thế và sau đó kéo dài một
năm. Thường thì sau khi tôi nói lời tạm biệt, câu cuối cùng không bao giờ thiếu.
“Này
Tammy”
Tôi
thường trả lời “Dạ, gì thế bố?”
“Bố
thương con nhiều.”
“Con
cũng thế. I Love You!”
Hình
như bố tôi nhận ra chi phí mắc mỏ cho những cuộc điện đàm, từ đó, tôi bắt đầu
nhận thư mỗi thứ sáu. Ban thường trực phát thư của trường đều biết ai là người
thường gửi lá thư này, mặc dù địa chỉ hồi âm luôn luôn ghi là KBC 1678. (Sau
này tôi khám phá ra, KBC viết tắc là Khu Bưu Chính, địa chỉ trong quân đội ngày
trước nơi bố tôi phục vụ. Còn số 1678 dễ quá, là số nhà tôi hiện tại.)
Nhiều
lúc bên ngoài bì thư, địa chỉ được viết bằng bút chì và tiếp theo đó là những
lá thư có hình con mèo và con chó của gia đình tôi, có vẽ những hình tháp nhiều
từng, hình cây cầu nhiều nhịp in trên sóng nước. Hè năm đó, bố tôi và tôi du
lịch về Việt Nam, lúc đó tôi mới biết là Chùa Một Cột, Chùa Thiên Mụ, Cầu Tràng
Tiền v.v...
Sau
chuyến du lịch ấy, tôi tìm hiểu về Việt nam nhiều hơn, nhất là cuộc chiến tranh
trước 75, tôi bắt đầu thấy thương bố nhiều, ông là người lính bại trận, nhưng
quân lực ấy đã chiến đấu dũng cảm cho tự do, cho hạnh phúc của người dân miền
Nam trong suốt 20 năm. Nếu không bị đồng minh bán đứng, cuộc chiến chưa chắc ai
thắng ai.
Thư
đến và được phát mỗi ngày sau buổi ăn trưa. Tôi thường đi nhận thư và mang theo
mỗi khi đi uống cà phê. Tôi nhận thấy chẳng cần phải giấu giếm làm gì nữa, bởi
bạn cùng phòng tôi là những đứa bạn hồi còn trung học, chúng nó biết rất rõ về
những chiếc bao giấy, khăn ăn. Và rồi trở thành như một tập tục, tôi đọc thư,
còn bì thư và hình vẽ thì được chuyển khắp bạn bè, thư từ bố tôi thành niềm vui
của cả phòng.
Trong
năm cuối cùng đại học, bố tôi bị căn bịnh ung thư hành hạ. Mỗi khi tôi không
nhận được thư vào ngày thứ sáu, tôi biết ông ốm nặng, không thể viết được. Ông
thường thức dậy lúc 4 giờ sáng để có thể ngồi trong nhà yên tĩnh nắn nót viết
những lá thư. Nếu không kịp cho đợt phát thư vào thứ sáu, thì chỉ sau đó, một hai
ngày, thế nào rồi thư cũng đến. Bạn bè tôi bình bầu ông là “Người cha thương
con nhất trên thế giới này!”
Ngày
lễ cha, Father's Day, chúng nó gởi một tấm thiệp phong tặng ông danh hiệu đó và
tất cả đều ký tên trên tấm thiệp. Tôi tin rằng ông đã dạy cho tất cả chúng tôi
về tình phụ tử, bạn bè tôi bắt đầu nhận những tấm khăn ăn giống như tôi từ gia
đình chúng nó, với những lời để lại ấn tượng mà sẽ thôi thúc họ hãy biểu hiện
tình thương của họ với con cái sau này.
Suốt
thời gian đại học, những lá thư và những cú điện thoại như một chu kỳ đều đặn.
Ngày
ra trường, tôi quyết định chọn công việc làm gần nhà, để được ở cạnh bố tôi, vì
căn bệnh bố càng ngày càng nặng. Thời gian được ở gần bố không còn bao nhiêu
lâu nữa.
Đó
là những giây phút khó khăn, đau khổ nhất cuộc đời tôi phải trải qua.
Tôi
ở bên cạnh bố tôi một vài ngày trong bệnh viện trước khi ông mất. Vài giờ trước
khi hấp hối, ông nắm tay tôi bảo “Bố nhờ con một điều, con về nhà lấy cho bố
cái hộp gỗ mà bố để trên đầu tủ, đây là hộp chứa đựng những kỷ niệm đời lính mà
bố yêu thương nhất. Bố muốn nhìn nó lại một lần.”
Tôi
lái xe về nhà, và cũng tìm ra ngay chiếc hộp phủ đầy bụi thời gian. Có gì bên
trong? Tôi tò mò mở nắp hộp. Mắt tôi bắt đầu cay cay nhòa lệ, khi nhìn thấy
những tấm hình của bố tôi còn trẻ, trong những bộ quân phục thật oai phong. Có
những tấm cầm súng đằng sau chiến trường còn bốc mùi lửa khói. Lật ra đàng sau,
những ngày tháng cũ, 68, 70, 71, 72... với những địa danh xa lạ: An Lộc, Bình
Long, Đồng Xoài, Khe Sanh... Dưới đáy hộp là căn cước quân nhân, giấy giải ngũ
và những tấm huy chương, bộ lon gắn trên cổ áo khi ông mặc những bộ quân phục.
Bây
giờ thì tôi mới hiểu hết, không còn mặc cảm hình ảnh có ông bố tàn tật chỉ biết
lo việc “nội trợ”, ngược lại là đàng khác, Bố tôi đã một thời là một người lính
chiến oai hùng, đổ máu hy sinh một phần thân thể mình cho một cuộc chiến đầy
chính nghĩa, bảo vệ quê hương.
Rõ
ràng bố tôi chăm sóc tôi, vui vẻ làm những việc của người phụ nữ bao nhiêu năm
nay, chỉ vì tình thương con mà thôi. Ông thật là người cha tuyệt vời
Tôi
ôm cái hộp, chạy gấp lại bệnh viện, định nói lời xin lỗi với người cha thân yêu
của mình, nhưng đã trễ! Người y tá trực cho biết, bố tôi vừa trút hơi thở cuối
cùng. Rồi người y tá trao cho tôi chiếc khăn giấy nhà thương, với dòng chữ
cuối cùng run rẩy của một người cha dành cho con “Tammy, ba thương con nhiều!
Vĩnh biệt!”
Nước
mắt tôi trào ra như suối, cầm tấm khăn giấy trong tay áp vào ngực, tấm khăn
giấy cuối cùng, mà cả cuộc đời mãi mãi không còn nhận được nữa.
Lúc
liệm xác, tôi bỏ theo khăn giấy đã đổi màu vàng khè, nhưng tình tôi dành cho
người bố càng ngày càng thấm thiết, bất diệt, muôn đời không thay đổi.
Happy
Father's Day
Mừng
Ngày Hiền Phụ
Hải
Lê theo Angie Kucer
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét