Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

chân dung hay chân tướng nhà văn [kỳ 43-44] - nhật tuấn

KỲ 43

 


                                 
                                     (tiếp theo)

Ông chánh trương chẳng những không bênh vực, bảo vệ lại còn tố cáo Cha:
Cái ông ấy (tức Cha Thư) đến là dại. Lại còn không biết nó (thị Thảo) là ai mà dính vào…Lần đầu nó xin gặp Cha còn nài tôi cùng ngồi. Mấy lần sau chả thấy ông ấy lý gì tới mình nữa. Không biết đâm mù con mắt xác thịt thì có ngày hỏng…”.
Chủ tịch Mặt trận nhân đó riễu Cha:
“Da thịt nó như thế, môi mắt nó như thế, thánh năng ngồi gần còn có khi cháy huống hồ là Cha…”. 
Cứ như thế kẻ tung người hứng, một bên là đại diện nhà thờ, một bên là đại diện chính quyền ra sức bôi bác Cha. Tất nhiên việc mấy cô hội hát quyên góp may áo cho Cha như vậy là tan, “thị Thảo phải hoàn lại đôi hoa cho mẹ con bà Tộ. Các nhà góp tiền mua áo lễ cũng lần lượt kéo tới đòi tiền về…”. Mọi lời đàm tiếu tất nhiên chĩa cả vào Cha xứ làm “Cha Thư khi được hay mọi chuyện liền đóng cửa buồng ở lì trong đó cả tuần lấy cớ cảm cúm”. Từ đó, mỗi lần làm việc với chánh trương, Cha xứ gọi thêm người trong ban hành giáo dự "khỏi mặt đối mặt với ông già nham hiểm quỷ quái…”.
Cái “sự khó” dường như luôn luôn đuổi theo Cha Thư. Cơn ông chưa qua cơn bà đã tới. Một hôm Cha Thư nhận được thông tư của Tòa Giám mục chỉ thị các xứ đạo tổ chức “bách chu niên đức Cha Phước dâng địa phận Tây đàng ngoài trong tay Đức Mẹ”. Cha Thư tìm tới Cha già quản hạt bàn việc tổ chức không ngờ ông này… bàn lùi:
Đức Cha Phước là tên gọi Việt Nam, còn tên chính của ngài là Puginier… năm ấy, đức Cha lại nhận lời ông Ngạc Nhi* đi làm thông ngôn trong cuộc đàm phán giữa người Pháp với các quan giữ thành…”.
Hóa ra Cha già quản hạt lại là “người yêu nước”, ông kết tội cha làm "thông ngôn” cho Pháp chiếm thành Hà Nội. Bởi vậy thật bất ngờ, Cha già thở ra giọng “địch vận” lôi kéo Cha trẻ về “tình yêu  nước”:
“Mình là người có đạo thì phải nghĩ theo cách nghĩ của hội thánh. Nhưng mình còn là người Việt Nam nữa nên khó…”.
Nghe vậy, lẽ ra Cha trẻ phải phản ứng, bảo vệ đức tin, không ngờ chỉ “cúi đầu, thầm nghĩ đau đớn: "Vâng, đúng thế, đúng là thế. Người có đạo là người có tội, tội truyền kiếp, tội của tổ tiên…”.
Thái độ khiếp nhược của Cha trẻ làm Cha già dấn tới:
Đạo của Chúa đến cùng một lúc với giặc giã kéo đến. Các Cố đứng trong đám giặc mà truyền đạo. Người theo đạo thì không thể nghĩ đến nước. Đã nghĩ đến nước thì rất khó theo được đạo…”.
Nói năng sặc mùi “khinh chúa yêu nước” vậy, ai dám tin là lời lẽ linh mục già quản hạt. Choáng váng vì những lời lẽ “báng bổ” phát ra từ miệng Cha quản hạt, ông Cha trẻ phải thốt lên:
Lạy Chúa, vậy chúng con phải làm gì? Bất tuân Tòa giám cũng có tội như bất tuân chính quyền…”.
Cha già quản hạt không những không động viên Cha trẻ giữ lấy đức tin mà còn cả gan “chửi xéo” đức Thánh Cha:
Đức Thánh Cha ở chỗ cao xa, Ngài không thể biết hết được những khổ đau của người dân ở xứ này. Ngài chưa thể biết hết lịch sử truyền giáo ở xứ này…”.
Những lễ nghi của nhà thờ thường được quy định chi tiết và thực hiện tôn nghiêm. Ấy thế mà ông nhà văn cũng biến chuyện đó thành… trò hề. Nguyên Cha tổng quản địa phận gửi giấy về các xứ nhắc lại lễ nghi chầu phép lành quy định: "ra đền thờ bái một lần, lên trải khăn thánh, mở cửa nhà chầu bái lần nữa…”. Cha trẻ hỏi Cha già đã đọc giấy quy định chưa, Cha lắc đầu bảo chưa rồi lên giọng khinh khỉnh, coi như chuyện tào lao: "Bái bốn lần hả? Ừ thì là bốn lần. Chắc là mọi khi cũng bái đủ cả bốn lần…”.
Thái độ vừa báng bổ vừa coi thường phép tắc nhà Chúa của Cha già làm Cha trẻ phải coi ông ta là “Một ông già đã quá tuổi làm lễ, đã rất hay quên, đã chẳng còn hiểu mình nói gì và sẽ nói những gì…”. Tuy nhiên Cha trẻ nhận ngay ra nhận xét thế là sai “Nhưng… hình như không phải là thế, hoàn toàn không phải là như thế…”.
Không phải thế thì hẳn là một lão già quỷ quyệt, nham hiểm khoác áo linh mục phá nhà thờ. Dưới ngòi bút Nguyễn Khải, hai linh mục -  cha già và cha trẻ hiện ra như hai địch thủ luôn rình rập triệt nhau chứ chẳng phải cùng “con cái Chúa” hoặc cùng  đấng chăn chiên. Sự thực có thế không?
Quả đắng tiếp theo cha trẻ phải nhận là ông trùm đạo An Thuận nhân việc Tòa Giám mục cấp sắc cho lập xứ đạo riêng đã tổ chức quyên góp chè chén linh đình và đổ hết trách nhiệm cho cha trẻ. Rất may được ông chánh trương mật báo, ông cha trẻ đã kịp thời ngăn được việc đầy tai tiếng đó và than trời: "Ai cũng xấu cả thì tôi biết san sẻ công việc với ai?… Cái miệng lưỡi con người ta gian ngoan thật…”.
Tuy nhiên bản lĩnh linh mục của cha trẻ thực sự bị thử thách là trong việc thay mặt nhà thờ làm chứng cho một cặp vợ chồng trẻ. Anh chồng là bộ đội ở mãi “vùng ngoại vi Sài Gòn. Bị thương rồi mới chuyển ra đây…”, chị vợ cũng là cán bộ. Anh bộ đội được nghỉ phép 15 ngày để lấy vợ, khi tới xin cha làm chứng thì đã qua mất 5 ngày, bởi vậy anh rất muốn cha viết giấy “làm chứng" ngay để hôm sau tổ chức lễ cưới tại nhà thờ. Tuy nhiên, theo luật của hội thánh, cha vẫn phải hỏi:
“Hai người đã chịu phép rửa tội tại xứ họ nào?”.
“Gia đình con vốn ở Lạc Hải, mới về xã được có mươi năm…”.
Cha Thư hắng giọng:
“Vậy chị phải xin với cha chánh xứ ở bên đó tờ chứng đã làm phép rửa tội…Phải đã chịu đủ các phép bí tích từ khi lọt lòng tới tuổi lớn không mới có thể cho chịu phép cưới. Luật lệ của Hội Thánh đã định thế…”.
Vậy vẫn còn chưa xong, sau khi đã có hai cái giấy chứng đó rồi thì còn phải dự… khảo kinh nữa. Lúc này “anh bộ đội” mới lên tiếng:
Xin thú thật với cha, cả hai chúng tôi đều đi công tác đã lâu, kinh bổn chắc là không còn thuộc…”.
Cha xứ điềm nhiên:
“Nên học lại, vốn đã thuộc thì học lại cũng mau chứ?”.
“Chúng tôi chỉ còn ít ngày phép. Một trăm thứ việc dồn lại trong mấy ngày, xin cha thông cảm cho…”.
Cha xứ vẫn quyết liệt:
Nếu không theo đúng những luật Hội Thánh đã buộc, dẫu làm phép cũng không thành…”.
“Anh bộ đội đưa cặp mắt nhọn nhìn soi mói ông cha đạo từ đầu tới chân như nhìn một giống người xa lạ, trong giọng nói đã có sự thách đố ngấm ngầm. Anh lên giọng: “Chúng tôi đi chiến đấu không dám kể công với những người ở hậu phương, nhưng ở nơi sống chết mới biết bỏ qua những chuyện vặt vãnh…”.
Cha xứ cũng giương mắt nhìn lại:
“Đối với người có đạo thì hàng ngày xin ơn Chúa, tỏ lòng tin cậy, mến Chúa là việc hệ trọng nhất…”.
Hai người nhìn nhau gằm ghè…
Thật không ở đâu, ngày giữa nhà thờ, lại có thứ con chiên hỗn hào với cha xứ đến vậy . Hơn nữa, anh bộ đội lên giọng riễu cợt:
“Giả thử chúng tôi đều trúng tuyển qua kỳ khảo thi của cha thì điều kiện tiếp theo có phải là bỏ quân ngũ không?”.
Vậy là anh con chiên mặc áo bộ đội đã không ngần ngại úp lên đầu cha xứ một cái nón cối tổ bố: ép tín đồ đào ngũ, bỏ bộ đội. Và sau cùng, “anh ta vẫn không rời mắt nhìn ông thầy tu, vành môi trên hơi nhếch lên, cái nhếch môi mới kiêu hãnh làm sao:
“Chúng tôi vẫn tự hỏi: Sự có mặt của các cha có cho thêm chúng tôi được cái gì không? Một câu hỏi đứng đắn đấy. Cha còn trẻ, tôi tin rằng cha có đủ thời gian trả lời…”.
Đúng là khiêu khích, phá hoại “chính sách tín ngưỡng của Đảng, Chính phủ”, vậy mà ông nhà văn lại hạ bút khen: "cái nhếch môi mới kiêu hãnh làm sao…”.
Tuy nhiên, mải mê bôi bác, trách móc nhà  thờ, ông nhà văn quên béng một điều là bất kỳ "cuộc chơi” nào cũng có luật của nó. Nếu bài xích nhà thờ dữ dội vậy, thì anh bộ đội với chị cán bộ cứ ra Ủy ban mà tổ chức đám cưới theo đời sống mới, hà cớ gì phải vào nhà thờ khẩn khoản cha cố “linh động giải quyết” và khi không được thì lập tức giở mặt buông lời riễu cợt mang đầy tính đe dọa, khi muốn nên vợ nên chồng trước mặt đức Chúa Giêsu.

                      

KỲ 44

 


                                 
                                              

Sau cha già, cha trẻ, Nguyễn Khải cho cha thứ ba "ra sân khấu”. Đó là cha Hòe người “đi làm phúc, đi thăm kẻ liệt” bằng xe máy. Một lần chẳng may cha đâm phải một bà lão, cha phải chở bà vào bệnh viện, phải trả “mười đồng năm hào” tiền thuốc tiền ăn, lại biếu cụ năm chục để cụ bồi dưỡng, ấy thế mà con gái cụ vẫn mò đến tận nhà xứ - mà theo lời cha - cái con quỷ cái ấy nó vừa khóc lóc vòi tiền, lại vừa hăm dọa xa xôi, rút lại cha đành phải đưa thêm cho nó năm chục nữa. Vị chi là một trăm mười đồng năm hào. Ấy là chưa kể tiền xăng đi đi về về thăm nom bà lão suốt mười ngày điều trị…”.
Diễn tả vậy, giống thằng chạy mánh đâm phải bà cụ rồi xuýt xoa tính toán chi li số tiền phải móc ra đền, chứ chẳng phải một cha xứ gây tai nạn sau đó săn sóc họ với tình thương bao dong. 
Một hôm cha Hòe tới thăm cha Thư, dùng cơm trưa xong, khách quý hớp một ngụm nước to, súc nhổ ầm ầm, lấy tăm gãy giòn giã cả hai hàm răng vừa to vừa khỏe rồi lại tiếp tục nói ào ào…”.
Đúng một anh lái trâu chứ không hề là một linh mục chăm sóc phần hồn con chiên. Tuy nhiên đọc tiếp, người ta lại thấy cái ông linh mục Hòe này ngoài hình hài lái trâu, bên trong lại đúng là một ông cha cố “quốc doanh” được cài vào giáo hội khủng bố tinh thần  linh mục.
Cơm nước xong, cha Hòe dọa cha Thư:
“Chắc là cha biết chuyện ủy ban xã Lạc Hồng mời cụ Vịnh (linh mục) lên chất vấn chứ?”.
Rồi cha Hòe kể tội:
“Thật không ai dại như cụ Vịnh. Người ta vừa bế mạc hội nghị Thiên Chúa Giáo chiều thứ bảy, sáng chúa nhật là ngày lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, cụ dám lên Tòa giảng nói xưng xưng: "Chúa Thánh thần lấy hình lưỡi lửa hiện xuống, cho nên người bổn đạo phải chú ý sửa lưỡi, phải nói ngay nói thật kẻo lỗi giới răn thứ tám…”. Nói thế bằng tuyên chiến công khai với mặt trận còn gì…”.
Và cha rủa cha Vịnh:
“Mà ông ta đâu đã trọn, cũng gian dối, cũng mưu mẹo còn hơn kẻ khác…”.
Nghe cha Thư nói cha không làm gì cha đâu có sợ, cha Hòe lại doạ:
Cha không làm gì nhưng kẻ khác làm người ta vẫn cứ lôi cha vào. Một thằng áo chùng làm láo thì cả bọn áo chùng phải mang tội mang vạ. Biết để còn kịp ngăn nhau chứ…”.
Rồi cha giở trò “tâm lý chiến:
“… chỉ những tội trọng mà cụ Vịnh đã chủ mưu, đã nhúng tay trong thời kỳ sửa sai cải cách ruộng đất cũng đủ để chính phủ họ xử bắn rồi, không phải chỉ bắn một lần mà phải bắn đủ mười lần. Mấy năm nay con đi hầu cụ Vĩnh tại xứ Nhất này, nên con biết…”.
Khủng bố tinh thần cha Thư chán chê, cha Hòe mới lộ ý đồ bêu xấu, báng bổ Chúa:
Con được cử ra coi sóc xứ đạo trước cha vài năm, con xin thưa với cha một sự thật đau đớn. Nơi nào phần đời thịnh thì giáo hữu còn làm được việc này việc khác, yên ấm nhiều bề. Nơi nào phần đạo thịnh thì cờ bạc  rượu chè, kiện cáo, đôi khi còn đánh chém nhau ngay cả trong nhà xứ. Mắt con nhìn thấy, tự con là người trong cuộc, bảo rằng không nên tin thì chỉ còn cách đâm thủng cả hai tai, chọc mù hai mắt…”.
Sau khi mượn mồm giáo dân, chánh trương, trùm họ với cả cán bộ Đảng và Nhà nước bôi bác đạo chưa thỏa, Nguyễn Khải chui cả vào mồm linh mục chửi cho bõ tức.
Cứ theo đúng lời cha Hòe thì giải tán nhà thờ, bỏ mọi việc đạo xã hội sẽ “yên ấm” nhiều bề, còn không sẽ biến hết thành ma quỷ, xúm vào đâm chém nhau. Vốn là linh mục mới ra trường, đức tin còn nặng, cha Thư không sao lọt tai những lời phản Chúa, ông “cười nhợt nhạt”:
“Nếu tôi hiểu được lời cha nói thì cha đang làm lại giáo lý?”.
Đây thật là một lời kết tội nặng nề với một đấng “chăn chiên”, nhưng với cha Hòe, chẳng là cái gì, cha vẫn thở ra cái “triết lý sống” vô thần sặc mùi chính trị thực dụng:
“nếu con làm theo ý muốn của đức Giám mục thì thân con phải ngồi tù, xứ đạo sẽ khô héo. Con làm theo cách hiểu của con thì việc đời sẽ vui vẻ mà sự đạo cũng trọn lành”.
Cái cách của cha là cam chịu trở thành cái đuôi cho chính quyền tha hồ vẫy ngược vẫy xuôi, nhà thờ và giáo hội chỉ còn là một tổ chức quần chúng của Đảng, “kính Chúa và yêu nước tức là yêu chủ nghĩa xã hội…” – chính là cái cách Đảng đưa tôn giáo theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội...
Vài ngày sau, trên đường “kiệu mình Thánh” ở các xã, cha Hòe lại ghé vào thăm cha Thư. Lần này cha Thư còn kinh ngạc hơn nữa vì cha Hòe không mặc áo nhà tu mà vận sơ mi ngắn tay màu vàng nhạt, quần mầu sẫm, đi giày da nâu, đầu trần, lại cả kính râm nữa. Với bộ quần áo ấy nom cha trẻ đẹp hẳn, mà tự nhiên, thoải mái hết sức…”.
Đúng là một gã làng chơi chứ chẳng ai ngờ đó lại là cha xứ. Đã vậy ông còn chọc tức người đồng đạo:
“Con mang cái vỏ của thế gian nom có nghịch mắt quá không?”.
Cha Thư kêu lên:
“Đi kiệu Mình Thánh mà mặc xống áo này?”.
Rồi cha giảng giải:
“Tôi đi kiệu Mình Thánh phải đi từ sớm mai, túi Mình Thánh đeo trước ngực, áo phép phủ ngoài, dọc đường chỉ nghĩ tới những sự khốn khó Chúa phải chịu, ai hỏi không nói, ai gọi không thưa, mà còn hãi chưa được sùng kính…”.
Cha Hòe không những phớt lờ cả luật lệ nhà thờ mà còn trâng tráo, báng bổ:
“Con thì khác. Đã hỏi là con phải thưa, phải chào. Còn nghiêm mặt đi thẳng họ lại nghĩ mình hờn giận việc gì, bực tức gì sinh hiểu nhầm nhau rồi khổ…”.
Thế rồi ông cha Hòe chở cha Thư đi tham dự “tuần chầu lượt thay địa phận”. Lúc xe máy chạy qua chợ, các cô bỡn cợt, “hét lanh lảnh”:
“Anh ơi… anh cho em đi cùng với…”.
Cha Hòe ngồi nhún nhảy, miệng trả lời, đầu vẫn không ngoảnh lại:
“lần sau, lần sau tôi sẽ cho ngồi cùng…”.
Cái cảnh “cha và con” chim chuột, bỡn cợt nhau giữa ban ngày ban mặt ngay giữa chợ liệu có thể có ở một xứ công giáo toàn tòng như Bùi Chu - Phát Diệm? Thời bấy giờ, cả nước đang đói, nông dân vắt mình trên đồng ruộng hợp tác mỗi công tính ra cũng chỉ được vài lạng thóc, ngày hai bữa ngô sắn, rau muối là chính, vậy mà ông nhà văn tả bữa ăn của các cha xứ thật không thua gì mấy ông ủy viên Bộ chính trị:
Thịt gà rán, miến xáo lòng, lại thêm bát riêu cá thật cay, ăn với rau ghém…”. Hai cha lại còn có cả rượu thuốc đưa cay. Cha xứ sống “sướng” như vậy, ai chẳng muốn đi tu.
Sau bữa cơm có một cặp trai gái đến xin làm phép cưới. Khác với cái lần “anh bộ đội và chị cán bộ” bị cha Thư từ chối vì không thuộc kinh; lần này cha Hòe khôn hơn, gà cho hai con chiên:
“Thế nào, không thuộc được một câu nào hả? Chỉ cần thuộc một câu là tôi làm tờ chứng cho ngay. Vậy kinh Tạ ơn Đức bà có thuộc không? “Kính mừng Maria đầy ơn phúc. Đức Chúa Lời  ở cùng bà…”.
Vậy là xong, “thủ tục” lễ cưới tại nhà thờ được giản hóa tới mức độ hài hước làm cha Thư thắc mắc:
“Họ làm những công việc thiêng liêng ấy một cách trần tục vậy sao?”.
Khi còn lại hai cha với nhau, cha Hòe mới “truy vấn” cha Thư, dồn cha vào cái bẫy kết tội cha “lẹo tẹo” với con chiên:
“Con lạy cha, cha đừng diễn trò cả với con nữa. Cô ấy đã thú nhận với cả con rồi cha đã lợi dụng lòng sùng kính thiêng liêng của những cô gái thơ ngây để mưu lợi lộc cho riêng mình…”.
Cha Thư choáng váng trước đòn vu cáo trắng trợn. Cha như người bị bóng đè, muốn kêu cứu thật to nhưng tiếng kêu không lọt qua được kẽ răng, muốn vùng chạy ra ngoài nhưng chân tay đã bị trói chặt. Còn cái mặt quỷ thì cứ sát gần lại mãi, đã nhìn rõ cả vè mắt của nó, chóp mũi của nó, chân răng của nó. Và cả cái giọng nói của quỷ, nhẽo nhợt, tanh tưởi, cứ bò bám lần lần lên khắp da thịt…”.
Người đọc cảm giác hai linh mục giống y hai cán bộ. Họ cũng moi móc, sát phạt, nhìn nhau như quỷ dữ chẳng khác gì trong “đấu tố”. Cái lối trắng trợn lột trần nhau không phải của các nhà tu hành mà chính là của cán bộ Đảng:
Cha phàn nàn kêu ca rằng diềm ren áo lễ của cha rách, rằng giây thắt lưng của cha ngắn, rằng vải may áo chùng thâm vừa thô vừa dày. Cha đã kêu than thì bọn họ phải góp sức mà lo liệu…Đến khi việc vỡ lở, chính quyền can thiệp, lập tức cha nhắm mắt, sõng tay, coi như kẻ đứng ngoài. “Nào tôi được biết gì đâu. Họ đã lợi dụng danh nghĩa tôi để làm bậy đấy chứ!”.
Cha Hòe chẳng những không còn “đức tin nơi đức chúa Giê xu” mà đối với đức cha bề trên cũng đầy tức tối:
Quay mặt về Tòa giám thì đấng bề trên chỉ một mực hò hét chống cộng, bất hợp tác với chính quyền. Ấy là ngài xui bề tôi làm, còn chính ngài lại nhỏn nhẻn, nhũn nhẽo như kẻ biết vâng phục nhất. Rủi khi mình bị tóm gáy, còng tay thì ngài mới sửng sốt kêu lên: “ơ, cái thằng ngu thế, Chúa nào bảo nó chống lại người cầm quyền. Nó có ngồi rục xương trong tù cũng là phải…”.
Cha bề trên đã vậy, đến các linh mục chăn chiên ở bên dưới cũng ma lanh không kém:
“Nhưng, thưa cha kính mến, chúng con cũng khôn lắm, chúng con đã liếc mắt, cười duyên với nhà cầm quyền từ lâu rồi. Hẳn là họ phải tin chúng con hơn, dẫu sao chúng con cũng được lớn khôn dưới chế độ mới. Còn cha quản hạt, người coi sóc giáo lý và tu đức của chúng ta? Ông ấy mặc kệ, ai muốn làm gì thì làm miễn là đừng có lôi ông ta vào cùng một rọ…”.
Cứ thế, nhà văn tưởng tượng ra những “con ngựa thành Troie”, những cha cố phản Chúa “đi đêm với cộng sản”. Phải chăng đây là khía cạnh “triết luận" giữa “công giáo” và “chủ nghĩa xã hội" mà phê bình gia Vương Trí Nhàn đã tâng bốc ngay khi tác phẩm  Nguyễn Khải mới xuất bản?

 (còn tiếp)
------------------------- 
* nguồn: blog nhattuan





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét