Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

cái đêm hôm ấy... đêm gì? - phùng gia lộc










Cuối năm 1983, tôi được ở nhà chờ quyết định về nghỉ chế độ. Chiều chủ nhật, thằng Học con tôi rủ rỉ nói:
- Con bắt được bác Quang ăn bánh cuốn ở hàng anh Minh. Bác đi thồ sắn ở chợ Phúc Địa về. Bác cho mấy bó nhưng con không lấy. Bác dặn con về đừng nói với bố mẹ là đã gặp bác. Nói, hôm nào sang bác đánh chết.
- Hừ! Lại thế nữa...
Tôi buột miệng bảo với con thế, rồi thừ ra. Bạn bè anh em cùng một phòng với nhau mà đi qua không vào. Có điều gì nhỉ?
Sáng thứ hai tôi sang cơ quan ứng mấy cân gạo và định bụng sẽ gặp, trút sấm sét lên đầu anh ấy. Nghe tôi trách, Lê Trung Quang, trưởng phòng tổ chức Ủy ban huyện Thọ Xuân, cười hà hà làm lành thật đôn hậu, dễ yêu:
- Giá có một mình thì tôi vào. Đằng này những bốn binh, khao được, anh cũng liệt. Vả lại, bốn cái xe nặng è, sợ tối.
Là trưởng phòng tổ chức ủy ban huyện, anh cũng để gia đình vợ con đói thiếu. Ra anh còn kém cỏi hơn cả tôi, một kẻ chân chim trần trụi, một tay sắp trở thành "phó thường dân". "Nhà mình cũng bí. Nộp sản đi rồi, lúa đã cạn. Khó mà ăn thấu tết được". Quang lắc đầu bảo thế.
Anh gạn tôi:
- Ông ở đây với tôi đêm nay cho vui. Tôi buồn quá.
Tôi chỉ vào mấy cân gạo đã bó buộc sau xe, bảo anh Quang:
- Phải mang "hàng chiến lược" này về chứ.
Nếu nghe lời Lê Quang Trung nằm lại với anh một đêm, thì tôi đã không thể nào hình dung nổi ở Phú Yên xã tôi Cái đêm hôm ấy là đêm gì...
Có cái "các" quá giang của Lê Trung Quang cho mượn, tôi không phải mất ba đồng tiền đò. Qua sông Chu gió vù vù bên tai, tôi phải kéo vành mũ len, trùm thấp cho đỡ run. Tôi về đến nhà, trời đã sẩm tối, con mực xông ra í a í ẳng vờn chân lên hông. Vợ tôi bế thằng Văn ngủ khì trong lòng, ngồi bên bếp than vỏ cao su um khói. Bên cạnh, thằng cu Thức bốn tuổi đang liến láu. Còn Học - thằng con nhớn đang học bài ở nhà trên.
Thấy tôi về thằng Thức reo lên:
- A bố! Bố về là bố về! Có chi không bố?
- Có cái rét cóng đây này!
Tôi nói rồi dắt xe vào nhà, mở túi gạo, vác xuống bếp khoe:
- Ứng được năm cân gạo.
Bà cụ thân sinh ra tôi mệt đã lâu, thấy tôi về, cũng gượng chống gậy xuống bếp sưởi. Cụ bảo:
- Mẹ Học đi nấu cơm cho bố va ăn!
Tôi hỏi:
- Nhà ăn rồi hả mẹ?
Cái thằng Thức đến là hở miệng, cấm có giấu nó được tí gì. Nó nói:
- Chỉ nấu cơm cho bà với em thôi! Mẹ với anh Học, với con ăn cháo rau má rồi. Bữa nay mẹ luộc rõ nhiều rau cải.
Tôi thấy cay sè trong mắt.
- Thế thì nấu thêm vào. Hết thì tao đi bới đất, nhặt cỏ, van ông vái bà. Làm con người mà miếng cơm chín vào bụng vẫn không đủ thì sống thế nào?
Vợ tôi định cãi câu gì đó, nhưng lại thôi, vội trao thằng Văn cho bà rồi lại mở túi gạo đi vo. Bà cụ nói:
- Rau cải ế nhăn! Đói, chả mấy người mua. Hôm nay mẹ va không đong được gạo. May lấy được đấy, không thì mai gác con lên...
Ngoài cửa gió ào ào, tiếng chó sủa ổng oảng ở đầu ngõ. Có tiếng ai hỏi mua rau cải nhà tôi. Cô Hoa vợ chú Được. Hoa cũng người họ Phùng, gọi tôi bằng bác. Chồng cô ấy là đội trưởng đội sản xuất cũ, nay vừa được rút lên làm trưởng ban định mức, rồi phó chủ nhiệm. Cô vào bếp vừa nói, vừa run:
- Sao năm nay rét sớm thế này? Bác bán cho cháu mấy bó rau cải xào.
Vợ tôi bắc nồi cơm lên bếp, mấy bà cháu phải dồn chỗ cho hai người đàn bà tê cóng này ngồi cạnh bếp hơ tay, ngó chẳng khác những viên đạn bị nén trong cái băng lò xo tròn. Tuy gần bằng tuổi vợ tôi, nhưng là hàng cháu họ, nên Hoa vẫn bác bác, cháu cháu ngon ơ.
- Bác có ngan, gà gì để cho cháu vài cân. Giá mấy cũng được, cháu không quản.
- Còn có vài ba con, phải để hôm sau bà...
Tôi lừ mắt chặn lại câu nói hớ, khiến vợ tôi im bặt. Chả là vì mẹ đẻ ra tôi yếu lắm rồi. Cụ đã bảy mươi lăm tuổi, lại phù nề mặt mũi vàng ủng như quả thị rụng. Ai cũng bảo khó qua cái đầu mùa Đông này. Vì vậy gia đình tôi đã lo chuẩn bị ngầm, phòng sau khi cụ về cõi. Cái gì vợ tôi cũng bảo dành để hôm sau bà... thành quen miệng. Cau cũng phơi kỹ bỏ be để hôm sau, thậm chí bọt bẹt được đồng rau nào cũng dồn mua ván đóng sẵn áo quan để hôm sau... Ấy nhưng nói đến cái chết, cụ lại giận và làm nau: Bay trông tao chết à? Tao phải sống để nhìn con cháu được đến lúc sung sướng chứ. Khổ mãi rồi.
Tôi hỏi Hoa để lấp láp câu hớ rồi cho bà cụ khỏi giận:
- Mua đồ nhậu làm gì tối thế này?
- À... mua cho mấy thằng về đội ta thu sản, khuya các hắn đớp. Đội và quản trị thuê khoán cháu nấu.
Vì có chồng ở ban quản trị, cô ấy cũng là loại biết nhiều chuyện "bí mật nội bộ". Hoa thì thò cho vợ tôi biết đêm nay là đêm "đồng khởi" thu sản, tổng vét cả xã. Họ sẽ đổi chéo, công an và dân quân đội này về đội kia, vét bằng hết. Vì đội 12 này là nặng gánh nhất, nên họ sẽ điều về đây những tay cứng cựa. Hoa khuyên:
- Bác có thiếu sản, thì liệu mà xoay đi
- Thế thì tao đét bán rau cho mi nữa.
Vợ tôi toan từ chối, nhưng Hoa nài mãi và có tôi nói vào nên chị chàng mới chịu nghe. Hoa cầm đèn ra vườn soi cho vợ tôi hái. Cô ấy cầm rau, rồi còn đi các nhà bên cạnh hỏi mua gà. Cơm cạn, tôi vần cạnh bếp. Vì không phải ghế độn khoai độn sắn gì nên chín rất mau. Thấy chỉ nấu mình cơm tôi, lòng tôi lại buồn nổi gai. Vợ tôi bế thằng út vào lót cho nó ngủ trong buồng, rồi lấy cho tôi cái bát, đôi đũa. Cuộc chào mời đùn đẩy, nhường nhịn nhau rõ bực.
Tôi lùa hai bát cơm với nước dưa chua, rồi bỏ đấy. Bà cụ nài, rồi tôi dỗ thằng Thức cũng lắc đầu không dám ăn chỗ cơm còn lại. Hắn sợ mẹ. Nhà này, mẹ chúng nó có quyền uy tối thượng. Biết vậy, nhưng tôi cũng sắp trở thành kẻ sống nhờ...
Ngồi ở bếp, tôi hỏi vợ:
- Nhà mình còn thiếu của hợp tác xã bao nhiêu thóc nữa em?
Cô ấy không trả lời tôi mà nói rất vô lễ:
- Có biết thế này, đái tòe tòe vào, chứ tội gì lôi về. Cha đời! Bữa trước thì tuyên bố vớt được nấy ăn nấy, người ta mới hụp lặn xuống nước lụt mà khở (gở) từng bông lúa. Nay lại giở trò giảm tỷ lệ!
Tôi vỗ về:
- Thôi! Lụt thì lụt cả làng, em ạ! Em nói xem, so với tổng sản phải nộp, nhà ta thiếu bao nhiêu?
- Một tạ mười hai cân, em đã trình bày với anh Nhà đội trưởng rồi. Thực tế mò được hạt nào đã ăn hết hạt nấy. Mấy lâu nay bán được đồng rau nào mua ăn, không bán được thì nhịn. Đã nói khất rồi. Không cho khất, thì nhà đấy có dỡ được, đến mà dỡ.
- Phải mềm mỏng, em ạ! Khéo bán khéo mua thua người khéo nói! Gia đình mình, con cái mình còn ăn đời ở kiếp nơi đây.
Vợ tôi rền rĩ như sắp khóc:
- Chả nhẽ kiếm liều thuốc chuột, cho vào nồi cháo, ăn hết cả nhà cho sướng cái đời...
Ngồi sưởi ở bếp rất lâu, vỏ cao su cháy tàn, đã vạc hai ba đống than, mà chẳng ai muốn nói với ai câu nào nữa. Bà cụ ngồi lâu, mỏi và chán chuyện bỏ đi nằm. Thằng Học làm toán xong, lấy cho bà nồi than, rồi cũng rúc xuống bếp. Hắn đi bốc rơm lót ổ ngay cạnh bếp, lấy ván chắn rồi trải chiếu, ôm chăn ra nằm.
- Ngủ đây mà ấm, bố ạ!
Trong giường thằng Út Văn khóc í óe. Hắn lại đái lạnh đít rồi. Mẹ nó vào quả không sai. Nó được ôm ra bếp sưởi, nằm gọn trong lòng mẹ. Gần một tuổi mà nó còn bắt nhá cơm bón và bú thì hơn con bê non. Lại nhai tòm tọp thế đó! Tôi đùa với con để nó cười sằng sặc cho dịu cơn lo buồn.
Gần mười hai giờ khuya, cả nhà đi nằm. Tôi ngủ với hai thằng oắt trong ổ rơm dưới bếp.
Có điều gì đó bồn chồn và nơm nớp...
Bỗng tiếng kẻng gõ giục giã liên hồi. Kẻng khắp xã: từ đội 1 đến đội 15, như một sự bùng nổ dây chuyền. Tiếng loa phóng thanh mở hết cỡ đọc bản tin, kế hoạch huy động lương thực của tỉnh và chỉ thị của tỉnh ủy về công tác lương thực.
Hoàng Văn Nhân, đội trưởng đội 12, đọc trên loa danh sách những nhà thiếu thóc chưa giao nộp cho hợp tác xã. Đèn đóm soi rừng rực ở các ngã đường. Chó sủa ơi là chó sủa. Cũng cái loa phóng thanh ấy, có tiếng ông chủ tịch xã gọi cán bộ về đội 12 hội ý.
Ông trưởng công an xã Nguyễn Đình Định gào rát cổ trên loa, giọng giật giội gọi lực lượng dân quân, công an tăng cường về chi viện cho đội 12, tạo đà cho đội hoàn thành chỉ tiêu huy động. Tôi rùng mình nghĩ đội tôi là đội trọng điểm, nên cán bộ xã, hợp tác xã, vón cục cả về đây. Họ sẽ gõ cho ra chục tấn thóc còn tồn sổ.
Gần một giờ sáng, công an, dân quân đã ập đến các nhà nợ thóc. Tiếng chó sủa vang, tiếng lợn kêu èng ẹch như bị chọc tiết ở các nhà gần quanh, làm thằng Út Văn khóc thét lên, ôm riết lấy mẹ. Thằng Thức cũng im thin thít, nằm co trong lòng tôi không dám cựa. Bên nhà ông Ái, láng giềng cách vườn nhà tôi một hàng rào, công an và dân quân đang lùng sục. Tiếng ông bà Ái kêu xin và tiếng quát lác, tôi nghe rõ mồn một.
- Cứ bắt lấy cái xe đạp! Phích, xô, bắt ráo!
Ở cổng nhà tôi đã có bước chân rình rịch, con chó mực đang có chửa bị quất, kêu ử ử.
Cạch cạch cạch.
- Chị cò Lộc, mở cửa ra!
Tiếng thằng bé trong buồng khóc thét. Thằng Thức đang ôm tôi, nghe em khóc cũng òa khóc toáng lên. Thằng Học mười hai tuổi đã học lớp tám rồi, mà cũng níu lưng tôi run bắn. Nghe tiếng quát lần thứ hai, từ nhà bếp, tôi chạy lên. Một luồng đèn pin soi giữa mặt làm tôi lóa mắt, phải lấy tay che.
- Có chuyện gì đấy, các bạn trẻ ơi?
- Thu thóc, thu thóc chứ còn gì, ông đừng hỏi vờ.
Vợ tôi đã mở toang cửa, tay ôm thằng bé ngất lịm. Một anh, hai anh... bốn anh bạn trẻ ùa vào nhà. Anh đi đầu cao to, tóc cắt tăng gô, mặc áo bông thùng thình, soi đèn pin rồi đánh diêm châm cái đèn hoa kỳ ở bàn thờ. Có lẽ Tâm "hộ pháp" là người này. Phải, tôi đã thấy anh ta đứng chân hộ vệ giữa, trong một cuộc đá bóng với xã khác. Tay anh cầm cái choòng sắt cỡ ngón tay cái. Vợ tôi mời họ ngồi ghế. Bà cụ đang ốm ở giường bên cũng cố ngóc dậy, run rẩy chào.
Theo danh sách đội báo, chị còn thiếu hơn tạ thóc. Yêu cầu chị đem nộp ngay!
Bà cụ tôi đáp thay con dâu:
- Các bác các anh ơi! Có còn cái gì mà nộp. Các anh và các bác không thấy đàn con hắn đói xanh đói trong đi à? Các bác không thấy tôi cũng phát phù phát nề, vàng cây úa lá đây à?
- Chúng tôi không hỏi mụ nghe chưa?
Cả bốn người cùng soi đèn pin khắp nhà trong, nhà ngoài, dưới bếp, bên chái. Hai người tuông soi cả trong vườn rau. Vợ tôi mếu máo:
- Làm gì có lúa để ngoài ấy. Các anh xéo nát cả rau.
Tôi chạy ra trụ sở đội, định tìm cán bộ trình bày. Chủ tịch Phê, bạn dạy học với tôi ngày trước, đi bộ đội về giải nghệ, vào cấp ủy, đang đứng đấy. Thấy thế tôi mừng quýnh. Lại thấy cả Phùng Gia Miện anh họ tôi, làm bí thư đảng ủy cũng có mặt, tôi càng yên trí. Nhưng thấy tôi họ quay đi lảng tránh.
Anh Miện bảo nhỏ tôi:
- Chú về động viên gia đình thanh toán bằng đủ, nhà mình là cán bộ. Không có thóc thì nộp bằng tiền. Lãnh đạo đã nhất trí cho nộp cả bằng tiền rồi đó.
Tôi đang định nói: "Đã không có thóc thì làm cóc gì có tiền", nhưng anh họ tôi đã dịu giọng:
- Ở đội trên, hắn bắt cả anh Thiện, anh ruột tôi, mà tôi cũng phải điếc đi... "Mất mùa màng, lợi ích thứ ba của người lao động phải hy sinh cho lợi ích của nhà nước". Đồng chí bí thư tỉnh ủy đã chỉ thị thế, chú biết rồi đó.
Lúc ấy ở trụ sở, công an, dân quân đã khuân về nào xe đạp, bàn ghế, tủ, chum vại, thùng tôn, lợn gà... để ngổn ngang ra tận ngõ. Tên chủ nhà thiếu thóc đề chữ bằng phấn trắng vào các đồ vật: Ông Ất, ông Do Khả, ông Hưng, ông Hồng, ông Khính (mẹ đẻ cô Hoa, mẹ vợ chú Được phó chủ nhiệm)... Mấy con bò bị bắt cột gần đó sợ đèn, sợ đám đông cứ lồng lên, chực bút mũi. Chúng xoay vòng quanh, ngửa lên mặt kêu "hấp bồ", "hấp bồ"...
Tôi loạng choạng đi về nhà, thấy người ta đang còn soi đèn tìm rất kỹ. Tôi nói:
- Các người anh em soi tìm gì cho mất công. Nhà tôi xin khất đến mai, tìm cái bán chác, nộp tiền bằng đủ.
Anh đầu tốp nháy nháy mắt ra hiệu.
- Đêm nay là đêm nay! Mai chúng tôi mất thưởng ai chịu cho?
- Bắt cái xe đạp ni, bay!
Hai ba anh chạy lại. Tôi từ tốn ngăn họ:
- Các đàn anh ơi! Tôi không làm ruộng sản mà. Đây là xe đạp nhà nước cấp cho tôi để tôi đi công tác. Các vị bắt cái này không được đâu.
- Nếu chúng tôi cứ bắt thì sao?
Tôi loáng nghĩ được một mẹo. Rút cái "thẻ hội viên Hội văn nghệ tỉnh" ra, tôi nói:
- Tôi phản đối! Tôi là "nhà báo"! Tôi sẽ kiện lên tận ông Đồng.
Nước cờ của tôi không ngờ lại có hiệu quả. Họ im lặng. Hẳn họ đã biết tên tôi dưới những bài đăng nào chăng.
Chợt vị "hộ pháp" nhìn chằm chằm vào cỗ quan tài để dưới gầm bàn thờ, rồi đi lại, vừa gõ vừa hỏi:
- Cái gì trong này, chị Lộc?
Im lặng...
- Cái gì trong này, chị nói mau?
Vợ tôi ấp úng. Tôi muốn tắc thở.
- Có cái gì đâu...
Mấy vị hăm hở lại, đạp lật nghiêng một cái. Nắp văn thiên bung ra, lúa chảy rào rào. Cả toán reo lên như một hiệp đào vàng trúng vỉa:
- A! Lúa! A lúa! Lúa! Anh em ơi. Ghê thật! Thế mà giả nghèo giả khổ.
Mẹ tôi chống gậy vái dài:
- Van các anh! Cắn rơm cắn cỏ tôi lạy các anh! Lúa của tôi. Đó là tạ lúa hai đứa con gái hắn mua góp lại cho, để hôm sau tôi chết, bà con thương mà chạy đến để ăn lưng cơm sốt.
Thực ra là của hai bà chị trong đó mỗi người có mười cân thôi. Ba mươi chín cân tiêu chuẩn hai tháng vừa qua tôi lấy về, còn lại là hơn bốn mươi cân, vợ tôi đong để dành "hôm sau" cho bà.
Bà cụ nói như rên rẩm:
- Đã bảo xay phứa đi cho con nó ăn không nghe. Cứ bóp mồm bóp miệng, để dành làm chi. Sống chả thấy đâu nữa là!
Một tay râu tóc lồm xồm hỏi:
- Chị có gánh đi hay không thì bảo?
Một tay khác tôi hơi quen mặt, đến trước vợ tôi lạy lia lịa:
- Thôi em xin bà chị. Em đi làm ở đây thế này, nhưng lại có bọn khác đến chỗ em làm ác y hệt. Nhà em cũng thiếu mà. Chị không gánh, để cánh này bê cả hòm ra, chị phải chịu hai chục công là ít, chưa nói phạt tiền.
Họ xúm vào khiêng bàn thờ ra, để lôi hòm lúa. Bất đồ hai thằng Học và Thức từ bếp tuôn lên, ôm lấy tay chân chư vị, van rối rít.
- Cháu van các chú! Các chú đừng lấy lúa này đi. Lâu nay các cháu phải nhịn để dành bữa sau cúng cỗ bà, làm ma bà!
- Buông ra đi! Ô hay, đồ con nít!
Bà cụ loạng choạng đi lại, giơ gậy cản:
- Các ông không thương trẻ, thì các ông thương lấy thân già, để lấy phúc đức cho con cháu.
Vì họ đá vấp gậy, lại yếu như con căng cắc lột, bà cụ ngã chỏng queo như chiếc ghế đổ.
- Ối Đảng ôi là Đảng ôi! Chính phủ ôi... Trông xuống mà coi...
Tôi xốc mẹ lên giường, bịt mồm cụ lại:
- Mẹ! Mẹ không được la như thế! Đây không phải Đảng! Đảng ta không làm thế. Đảng không chủ trương thế này!
Tôi nói vậy và ngoặp hai hàm răng vào cổ tay mình để kìm giữ cái gì cứ chực tung ra. Hai vợ chồng xúc hết lúa ra thúng bì. Dặn thằng Học trông em, ngó bà, tôi cùng vợ hì hục gánh thóc ra trụ sở nộp...
Đoạn cuối này tôi dành cho anh Quang.
Lê Trung Quang ơi! Anh có thể giấu cái bi kịch của gia đình anh, nhưng tôi không còn có thể che giấu nỗi đau của nhân dân bất hạnh. Dù sự tiết lộ này có làm mất cái chức huyện ủy viên của anh, thì tôi cũng thấy cứ phải nói ra.
Chuyện thật của nhà anh đây: lúa vay ăn còn nợ bảy tạ, con Lâm, thằng Sơn phải đi mò hến từng bữa, chị ấy nấu bánh đúc đi các làng đổi lúa. Anh mà nói ra, người ta cho là anh bêu riếu. Việc thật ở nhà tôi đêm 26 tháng 11 năm 1983, người ngoài cuộc hẳn cho là mình bịa. Cho đến nay, mỗi khi nghĩ đến, tôi cứ thảng thốt hỏi mình: "Cái đêm hôm ấy... đêm gì?".

PHÙNG GIA LỘC - Cuối năm 1987
---------------------------------
* Theo Báo Văn Nghệ
* nguồn: tuoitre online 21.125.05
* ảnh minh họa

tết ở nhà ông chủ tịch huyện - nhật tuấn


                                    

  




“Chào anh Hai ạ… í chết mẹ, tết nhất tới nơi rồi anh Hai còn lặn lội cơ sở nào mà quần áo, mặt mày lấm lem vậy cà?”
Ông Chủ tịch huyện Hai Đô vừa nhảy xuống từ chiếc xe Ford mới cáu cạnh, bụi đất đỏ bám đầy nhận ra Lề Phải đứng chờ trước cổng tư gia, trợn mắt:
“Lại tưởng thằng dân oan nào đứng chờ đưa đơn khiếu nại chớ? Hóa ra thằng Lề Phải, vào đi, vào đi, hên cho mày, tao vừa bắn được con heo rừng... vào đi…”.
Chiếc cổng sắt nặng nề, cao nghệu trên uốn hai con rồng chầu được động cơ điện kéo ra hai bên làm Lề Phải trố cả mắt:
“Í trời ơi, cổng nhà anh Hai còn hiện đại hơn cả dinh Độc Lập…”.
“Chuyện nhỏ… sao lâu không thấy mặt mày cứ tưởng ăn đạn hoa cải của dân oan bị cưỡng chế giải tỏa rồi...”.
“Í chết... em là nhà báo đâu có thù oán gì với dân oan đâu?”.
Ông Hai Đô cười hềnh hệch:
“Nhà báo nói láo ăn tiền... cứ lớn miệng bênh mấy thằng cướp đất sẽ có ngày dân oan nó vả vào miệng...”.
Ông Hai Đô nói xong chẳng cần nghe Lề Phải trả lời móc ngay “a lô cầm tay” quát vào đó một tràng tưởng vỡ tan con dế Nokia nhỏ xíu. Chị Hai chạy ra – một người đàn bà ngót nghét 1 tạ, thoạt nhìn cứ tưởng má mì trong quán karaoke Sài Gòn, hóa ra là phu nhân Chủ tịch huyện:
“Thằng Tám Minh bên công an mới đem cho chai  “Uýt” ông khỏi kêu tụi nó mang tới…”.
Ông Hai Đô tháo cái đồng hồ Rolex đưa cho vợ cất, thấy Lề Phải cứ nhìn đăm đăm, ông cười lớn:
“Mày chưa thấy bao giờ phải không? Mười lăm ngàn đô la đấy, tao mua trong lúc quá cảnh ở sân bay gì bên Thuỵ Sĩ đó…”.
Vào tới phòng khách, chị Hai đang mở cải lương trên chiếc màn hình LCD 100 inches theo anh Hai nó trị giá… 30 ngàn USD:
“Tao móc tiền túi ra mua hết, đ… thèm nhận biếu của thằng nào hết…”.
Lề Phải nổi máu tò mò:
“Tiền đâu ra mà lắm vậy? Lương Chủ tịch huyện thì có bao nhiêu?”.
“Lương bổng là cái… đ… gì, không đủ tiền đổ xăng cho chị Hai mày đi chợ?”.
Nhìn vẻ mặt ngẩn ra như ngỗng ỉa của Lề Phải, ông Chủ tịch huyện phá ra cười:
“Mày yên trí đi, tao đthèm tham ô, tham nhũng của Nhà nước lấy một cắc... Em út trong huyện cho cây thuốc, chai rượu thì được, còn mang phong bì tới là tao… đuổi…”.
“Thế còn các nhà đầu tư nước ngoài, vào được địa bàn huyện của anh Hai chắc cũng phải lót tay không nhiều thì ít chớ?”.
Anh Hai Đô trợn mắt:
“Ngu gì tao ăn của ba thằng đó. Cứ mở toang cho nó vào thoải mái, không sách nhiễu gì hết, thậm chí còn dắt tay nó vào kìa, cứ nộp đơn sau ba ngày là có giấy phép. Đợi cho nó ăn cho thiệt mập ra, tới lúc đó mình mới tính chuyện làm thịt nó…”.
“Nó ăn gì mà mau mập vậy anh Hai?”.
“Ăn sức lao động dân ta chứ ăn gì nữa. Mày coi trên thế gian này có nơi nào lao động kỹ thuật lương có 3 USD/ngày không? Rồi thì nó quỵt tiền bảo hiểm, trốn thuế bằng hai hệ thống sổ sách, chuyển ngân lậu thoải mái ra nước ngoài…”.
Lề Phải la lên:
“Í trời ơi… ông là nhà cầm quyền, ông có biết chuyện đó không?”.
“Biết chớ sao không? Biết hết nhưng thà bói rẻ còn hơn ngồi ngáp, không cho nó vào thì thất nghiệp cả làng chính quyền nào lo được?”.
Rồi ông Chủ tịch huyện cười hà hà:
“Mày đã đi thăm vườn trái Lái Thiêu chưa? Tụi nó dùng thuyền đưa khách vào vườn với giá rất rẻ, vé đi ra đi vô có 4 ngàn thôi, chưa đủ tiền xăng nhớt. Nhưng bù lại khi vào tới vườn rồi tụi nó mới “chém”. Một ghế bố hai người ngồi 150 ngàn, một đĩa dưa hấu 50 ngàn, sầu riêng 300 ngàn… lúc thanh toán tiền nhiều anh chị muốn té xỉu… Đó, tụi nó học “mánh” của Nhà nước đó, các nhà đầu tư, xin mời vào thoải mái, tiền thuê đất, phí thủ tục… rẻ rề, làm ăn được vài năm lời bộn bạc rồi mới biết nhau, tao bóp cho lòi… đô-la ra tưởng dễ ăn được người Việt Nam hả?”.
Lề Phải cười cười:
“Quan niệm như ông thì nước ta có mà đến mùa quýt cũng chẳng hóa Rồng...”.
”Rồng là cái con củ gì? Tao chỉ cần rắn thôi. Rắn hổ mang, rắn hổ hành... cứ bằm ra xào sả ớt là lên mây rồi. Mà chuyện quốc kế dân sinh cứ mặc mẹ mấy   cha ngoài Hà Nội lo, còn ở đây ngân sách cứ nhằm vào mấy cụm công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là sống ung dung rồi…”.
Mâm nhậu được dọn ra ở thủy đình – đó là một cái hồ nhân tạo ở giữa vườn, có nhà thủy tạ, có cầu gỗ bắc qua mặt hồ. Ông Chủ tịch huyện quả là người có đầu óc biết tận hưởng những niềm vui trần thế. Vườn nhà ông rộng hơn một héc ta, đào suối cho nước chảy vòng quanh, tạo cả thác nước rơi trắng xóa ngay sát nhà thủy tạ để khách ngồi nhậu có thể hít thở những giọt nước nhỏ li ti mát lạnh do máy tạo sương làm ra, rồi bên tai còn nghe tiếng nước réo khiến cho khách tưởng lạc bước vào bồng lai tiên cảnh. Ông Chủ tịch huyện giới thiệu:
"Tao phải thuê một thằng kiến trúc sư ngoài Hà Nội vào thiết kế với giá 15 ngàn USD đó. Giá cắt cổ thiệt nhưng mà tiền nào của đó. Mày coi nó bố trí cái vườn này có thua gì Suối Tiên không?”.
Món heo rừng nướng và xào đã được bưng lên, ông Chủ tịch huyện khui chai rượu Whisky, cụng ly cái rốp:
“Yên trí, cứ nhậu tới bến đi, bữa nay tao kêu  mày tới chẳng phải nhờ cậy việc báo chí gì đâu. Mẹ kiếp, báo chí bây giờ tao cũng đ… sợ. Ở cái tỉnh này báo chí địa phương thì bên văn hóa tư tưởng nó bịt hết rồi, còn thằng báo trung ương nào vào đây là cho ăn đạn hết. Đó cái vụ thằng Viện phó Viện kiểm sát tỉnh chơi gái vị thành niên mấy năm trước đó. Một vài tờ báo trung ương tưởng bở nhảy vô tính đôn lên thành chuyện lớn. Vậy mà nó “chạy” ngoài Hà Nội bịt đi cái một. Còn báo tỉnh thì khỏi nói, anh Tám bên văn hóa tư tưởng chỉ ho một cái là tụi nó vãi đái…”.
Lề Phải nghe ông Chủ tịch chửi bới báo chí đầy cả tai mà phát ngượng:
“Vậy anh Hai nhắn tôi tới để có việc gì?”.
“Tết nhất tao gọi mày tới để nhậu chơi thôi đâu có việc gì đâu? À mà nghe tụi nó nói mày giỏi tử vi tướng số lắm?”.
“Dạ... cũng tạm tạm...”.
“Tạm tạm cũng được rồi, tao đâu có tin ba cái chuyện đó, mình là người duy vật mà, có điều chị Hai mày tin dữ lắm, bả cứ đòi vời cho được thằng Lề Phải  tới coi cho sấp nhỏ của bả đặng sang năm có hướng đào tạo cho mỗi đứa...”.
Nói rồi ông Chủ tịch huyện quát vào máy intercom gọi:
“Thằng Ruật đâu, ra ngoài này coi...”.
Ruật là cậu cả, năm nay chừng 17 tuổi, mặt đầy mụn, mắt ti hí, cặp môi mỏng dính thâm sì, mới nhìn qua đã thấy ghê cả người, Lề Phải nhìn ngó chán chê rồi khoát tay cho cậu lui. Ông Chủ tịch nóng ruột:
“Sao? Thằng này tương lai tiền đồ sao? Ngày xưa hồi thôi nôi, má nó để đủ thứ mà nó chộp ngay cây viết có ghê không? Nội nó bảo vậy thằng này tương lai sẽ theo nghề bàn giấy...”.
Lề Phải lắc đầu:
“Anh Hai có muốn nghe tôi nói thiệt không?”.
Ông Chủ tịch trợn mắt:
“Nghe nói thiệt chớ, nói ba láp ba xàm tao mời mày làm gì?”.
“Vậy tôi nói thiệt nha, thằng này sau này chỉ cho đi làm nghề... công an là hợp nhất...”.
Ông Chủ tịch huyện đập bàn cái rầm:
“Í trời ơi, mày nói trúng phóc, tao cũng muốn cho nó đi công an sau này nó còn nối nghiệp cha nó...”.
“Vậy ngày xưa anh Hai cũng là công an?”.
“Thì hồi mới giải phóng  tao là công an xóm chứ đâu?".
“Í trời ơi! Vậy bây giờ đã là Chủ tịch huyện?”.
Ông Hai Đô trợn mắt:
“Vậy là tao thiệt thòi đó. Lẽ ra giờ phải là Giám đốc công an tỉnh rồi. Nhưng tao thích ở lại huyện hơn, đầu gà hơn đuôi trâu mà…”.
Em thằng Ruật là Ron – con trai thứ hai của ông chủ tịch. Nó đang ngồi trước máy vi tính “chit, chat” hay làm gì đó thì bị mẹ lôi tới bàn nhậu để coi tướng. Nom nó lờ đờ như người mộng du, chắc nó chưa ra khỏi thế giới ảo của cơn bão game online. Quả nhiên khi ông Chủ tịch bảo nó chào chú đi lập tức nó nhoài người đâm cả cánh tay về phía trước miệng quát tướng:
“Gươm rồng đây… ta quyết giết ngươi…”.
Thì ra nó đang cầm trong tay vũ khí ảo của game mua được ở trên NET với giá một triệu đồng. Ông Chủ tịch cười khà khà:
“Thằng này nó mê chơi “ghêm” đến quên cả đi học. Nhưng thày giáo bảo không lo, chỉ số thông minh của nó cao lắm nên mới mê chơi “ghêm” vậy…”.
Lề Phải bấm bụng cười thầm, không hiểu thày nào mà “nịnh” khéo vậy, trí thông minh của thằng bé này chưa thấy đâu chỉ biết cứ thả cho nó chơi game suốt ngày vậy chẳng bao lâu nữa nó lên cơn thần kinh. Chàng Lề Phải chưa kịp coi tướng cho thằng Ron  nó nên theo cái nghề gì, bà vợ ông Chủ tịch đã chạy vào hớt hải:
“Nguy rồi, nguy rồi ông ơi! Xe chở đất nhà mình do thằng Phi lái vừa cán chết một con nhỏ mới tan học kìa…”.
Ông Chủ tịch huyện cau mặt:
“Lại gây tai nạn nữa à? Mới tháng trước thằng Tâm đã tông xe lên vỉa hè đè chết một bà bầu rồi giờ lại đến cái thằng Phi này, ĐM... làm ăn vậy bằng giết tao…”.
Rồi ông móc điện thoại di động quát như bắn súng:
“Tám Minh đó hả? ĐM... lái xe tao nó lại mới cán chết một con nhỏ vừa đi học về… Sao? Xác vẫn kẹt dưới gầm xe à? Mày bảo tụi nó đưa ngay xe cẩu tới nhấc xe lên mà lấy xác con nhỏ ra cho lẹ.  Nhớ bảo thằng Bảy bên cảnh sát giao thông làm biên bản sao cho êm nghen. Có thằng nhà báo nào mon men tới mày cứ đuổi thẳng cổ cho tao…".
Nói xong ông quay sang Lề Phải thở dài đánh sượt:
“ĐM... làm ăn bây giờ khó vậy đó. Đoàn xe này đứng tên chị Hai, chuyên chở đất, cát, đá bán cho tụi xây dựng…”.
Lề Phải kêu lên:
“Thảo nào người ta bảo đoàn xe của chị Hai là hung thần xa lộ. Tài xế ỉ i cảnh sát giao thông không dám đụng tới nên cứ chạy bạt mạng…”.
Ông Chủ tịch huyện cau mày:
“Thì phải chạy lẹ để còn tăng chuyến chớ…”.
Hóa ra trong tay anh Hai có cả trăm mẫu cao su, có hai xưởng mủ, có đoàn xe vận chuyển, có tàu móc cát dưới sông, có xe cạp đất; hàng ngày trừ các khoản, anh Hai đút túi không dưới 500 triệu. Ấy là chưa kể tiền xuất cao su sống đi các nước chảy vào túi anh Hai không biết bao nhiêu mà kể. Thảo nào anh Hai không thèm nhận phong bì, không thèm ăn phết phẩy các dự án. Bởi vậy anh Hai mới cao giọng:
“Tao thách thằng thanh tra nào làm gì được tao đó…”.
Lề Phải rụt rè:
“Nhưng màcả trăm héc ta cao su cũng là của Nhà nước sang tay anh Hai chứ còn gì nữa?”.
Ông Chủ tịch trợn mắt:
“Hồi đó Đảng chủ trương giao đất giao rừng cho người trồng rừng, ai cũng được giao hết. Chỉ có điều nhận xong không tiền mua cây giống, phân bón phải bỏ hoang, bán rẻ đi, tao bỏ tiền ra mua hết. Được cái anh em họ … thương, thằng giao thông cho làm đường nhựa tới tận rẫy của tao, thằng nông trường thì cho công nhân tới làm cỏ, bón phân, ngày cạo được mủ lại huy động công nhân sang làm giúp. Họ thương anh Hai mà. Có tiền bán mủ tao lại dùng để mua đất. Đất hồi đó rẻ rề chứ chẳng đắt như bây giờ đâu. Vài triệu là có thể mua được một héc ta cao su rồi. Thế là có tiền tao mua tất. Cứ mua tới đâu thì “anh em” nó lại giúp mình làm đường nhựa tới đó. Bây giờ thì tao khỏi cần nữa, dư sức bỏ tiền thuê nhân công rồi”.
“Vậy anh Hai có sang tên cho chị Hai hoặc là hai thằng Ruật và Ròn không?”.
Ông Chủ tịch cười nhạt:
“Có phải tham ô của Nhà nước đâu mà phải tẩu tán tài sản. Tiền của tao làm ra bằng mồ hôi nước mắt mình chứ có tham ô, tham nhũng gì đâu mà lo. Phải công khai tài sản hả? Tao đéo sợ. Tài sản của tao nếu phải kê khai, tao giải trình được  hết, chẳng có chuyện gì phải lo…”.
Nói rồi ông gọi vợ :
“Bà nó đâu rồi, chuẩn bị tiền đến tối mang tới đưa cho bố mẹ con nhỏ, coi như đền bù cho nó…”.
Lề Phải tò mò:
“Bao nhiêu vậy anh?”.
“Năm trăm ngàn thôi chứ mấy?”.
Lề Phải giật mình:
“Một mạng người có 500 ngàn tức có 25 đô la Mỹ thôi sao?”.
Ông Chủ tịch trợn mắt:
“Vậy còn đòi bao nhiêu? Tháng trước cán chết con mẹ bầu tức hai mạng người mà tao cũng chỉ đưa cho thằng chồng nó 1 triệu  thôi  kìa".
Nói rồi ông dốc ngược ly rượu vào cổ họng khà lên một cái thật khoan khoái:
“Kỳ này đại hội Đảng bộ huyện tao lại trúng thường vụ là cái chắc… Nào... Mừng Đảng, mừng Xuân... cụng ly cái nữa ... dzô... dzô...”.

chắp tay dòng đời [kỳ 10] - võ chân cửu











những xứ đấu bò

Miền Tây Nam bộ là vùng đất mới đã phổ biến đầu tiên chữ quốc ngữ bằng báo chí, tân văn… Lịch sử luôn kỳ vọng nó sản sinh những nhà sáng tác tầm cỡ…
Diễn tiến lịch sử, các sáng tác từ miền đất mới vẫn khó tạo được dấu ấn để đi sâu vào lòng mọi người như các tác phẩm truyền thống kết tinh từ “ngàn năm văn vật”. Kể từ lúc manh nha (với Tao đàn Chiêu Anh Các ra đời năm 1736, thời Mạc Thiên Tích nối nghiệp cha làm Tổng trấn Hà Tiên), đến những nỗ lực của các nhà trí thức cổ vũ sử dụng chữ quốc ngữ như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của…, và các thế hệ nối tiếp, văn chương và thơ ca Nam bộ vẫn bị chê là… nôm na, bình dân. Ở đây chưa có nhiều áng văn đẹp nằm sâu trong lòng người. Nguyễn Đình Chiểu qua truyện thơ Lục Vân Tiên dù có những nỗ lực nhằm hài hòa cách hành văn “bác học” với lối nói “bình dân”, thì vẫn có những kết cấu từ ngữ rất thô kệch, què quặt, như câu “Vợ Tiên là Trực chị dâu, Chị dâu em bậu có đâu lỗi nghì”. Do vậy gần đây, khi có nhà phê bình văn học hải ngoại nỗ lực chứng minh rằng bài thơ Nôm “Con cóc trong hang…” là một kiểu thơ “hiện đại”, người ta không khỏi cho rằng đó là sự cố tình giễu cợt. Thời kỳ 1954-1975, nhiều tác giả Nam bộ như Lê Xuyên, Dương Trữ La, Dương Hà… đã chiếm lĩnh trên các tủ sách tiểu thuyết (cho thuê), hoặc truyện dài nhiều kỳ (feuilleton) trên trang trong các tờ nhật báo. Nhưng người đọc vẫn chưa thể xóa được ấn tượng Văn học Miền Nam thiên về lối “diễn tình”, chỉ phục vụ… giải trí.
Vấn đề này xin để lịch sử tiếp tục soi xét. Riêng trong cõi thơ, thì miền châu thổ giàu phù sa này đã sản sinh ra nhiều tác giả mở đường trong nền Văn Học Miền Nam (VHMN) 1954-1975.
Từ năm 1965, khi những cây bút mới ở Miền Trung như tôi bắt đầu đăng những sáng tác mang tính thơ ngây trên các trang văn nghệ ở các nhật báo Sài Gòn thì ở Miền Tây đã có những Văn Đoàn, Bút Đoàn khá mạnh. Tại Sóc Trăng, bấy giờ là tỉnh Ba Xuyên, từ năm 1962 nhóm học sinh Trung học với những Trần Phù Thế, Mây Viễn Xứ (sau ký Lâm Hảo Dũng), Lưu Vân… đã lập ra nhóm Cung Thương Miền Nam. Họ có tuổi sắp vào đời nên ngôn ngữ ngày càng sát với chiến cuộc xã hội. Sau 1965, khi Tạp chí Văn ra đời, các cây bút Miền Tây này liền có bài đăng. Lúc này, những cây bút nào xuất hiện trên Văn coi như được công nhận là “tác giả”!

qua sông
 
Qua sông nước lớn trăm bề
Hồn như trải rộng lối về thênh thang
Nhớ đâu tình đã phai vàng
Cành chiêm bao bỗng treo ngang phận người

(Về lại đồng bằng)
 
Những câu lục bát trên đây của Lưu Vân như diễn tả hết đặc điểm của vùng đất. Chàng trai miền châu thổ không xa rời với khí hậu tinh thần chung của cả Miền Nam lúc chiến tranh bùng phát. Đến khi lên sống với Sài Gòn, qua bài thơ làm ngày 1-1-1968, ông đã kịp nhận ra:

khi nào ta đi xa rồi ta sẽ nhớ Sài Gòn
với đàn bò thành phố với trịnh công sơn
với nhạc du ca hát buồn thế nào,
giữa đám đông ồn ào, đàn bò xa lạ
cái gọi là chúng ta-trong đó-những con bò ngu đần-những con bò bơ vơ
cái gọi là chúng ta-là tập thể - có người già, người trẻ
là cổ thụ, dòng sông, là đồng lúa không người, là núi cao, là chỗ cúi đầu.
như lửa bốc ngầm-một sự cháy âm ỉ.
…….
khi nào ta đi xa rồi, biết còn nhớ Sài Gòn
với ngày đám đông-đêm giới nghiêm
vì ta là người-thật không phải người
vì ta là bò - là bò hay người
sao tiếng người thảm thương
như sự phản bội
như đàn bò - như Sài Gòn - như đấu trường.

ta sắp đi xa rồi, một con bò sắp đi xa rồi

sao buồn không muốn bước
sao đường không lối đi
ngày thênh thang
buồn ơi-buồn-buồn ơi
cái khoảng cách nào đã réo gọi hồn người
người đâu cần nghe -bò đâu cần nghe- bò ngu đần
người và bò -bò và người- đó những điều thương.
(Sàigòn, xứ đấu bò)
 
Bài thơ in trên Tập san Văn vào thời điểm chiến sự Mậu Thân diễn ra trên các đường phố của Sài Gòn cũng như các thành phố cho thấy tâm trạng chán ngán của tuổi trẻ trước cuộc chiến nồi da xáo thịt. Tác giả cũng như bao lớp người trẻ không hiểu “bởi đâu, những đàn bò không có ý nghĩa cao siêu/ bởi đâu, những đàn bò húc nhau…”. Trước cuộc chiến tranh vô nghĩa, nhiều người cầm bút trẻ các nơi đã lựa chọn sự phản kháng qua trang giấy. Những “văn thơ phản kháng” ngày càng xuất hiện rộng rãi khắp nơi trên các báo chí công khai cũng như bí mật.

miền “nhân sinh”
 
Nha Trang, thành phố tuyệt đẹp bên bờ biển Miền Trung lúc này cũng trở thành một căn cứ quân sự lớn. Cảng Cam Ranh được quân đội Mỹ lập thêm sân bay phản lực. Căn cứ Dục Mỹ thành nơi đào tạo binh chủng biệt kích. Sau 1972, trường hạ sĩ quan Đồng Đế được nâng cấp để có thể mở các khóa đào tạo sĩ quan cấp tấp.
Xóm Chụt là xứ thong dong
Cởi áo giăng mùng, nằm đợi ghe lên

Xóm chài nhỏ ở phía nam thành phố với câu ca dao diễn tả cảnh thanh bình khi những chuyến ghe bầu cập bến không còn nữa. Nơi đây nằm cạnh sân bay Nha Trang, đã thành trường đào tạo sĩ quan hải quân với vòng kẽm gai bao quanh. Nhà anh Nguyễn Văn Tản, một người yêu văn nghệ ở Chụt vẫn rộng cửa đón tôi mỗi lần ghé đến Nha Trang. Anh Tản có cha vợ là Viện trưởng Viện Hải Dương học được mọi người nể trọng. Nhóm sáng tác mang tên Nhân Sinh tập hợp các cây bút trẻ như Nguyễn Sa Mạc, Nguyễn Âu Hồng, Trần Vạn Giã, Thế Vũ… biết có tôi về, vẫn thường kéo xuống nhà anh Tản bàn chuyện văn chương, đi ngoạn cảnh mà không sợ bị dòm ngó.
Thành phố Nha Trang có nhà sách Huy Hoàng khá lớn nằm trên đường phố chính Độc Lập (sau 1975, nhà sách này bị quốc hữu hóa, nhiều trí thức vốn là người của “cách mạng” từng được anh cưu mang tại đây có can thiệp nhưng không được). Chủ hiệu sách, ông Nguyễn Huy Hoàng là một Phật tử có lòng bao dung, sẵn sàng dung chứa những người làm văn nghệ đang thất cơ lỡ vận khắp mọi miền về tá túc. Từ năm 1971, ông cất thêm mấy nhà bằng gác gỗ sau lưng nhà sách làm nhà nuôi trẻ bụi đời. Nguyễn Sa Mạc sau khi đào ngũ về trở thành nhân viên nhà sách. Sau đó, Vũ Hữu Định, Nguyễn Miên Thảo, Phạm Tấn Hầu… trên đường xuôi ngược, trốn quân dịch, không tờ giấy lận lưng. Tấp vào đây, ai cũng được anh biến thành nhân viên nhà trẻ bụi đời. Tôi có giấy hoãn dịch, được anh dành cho một ghế xếp tại văn phòng trên gác để ở lại bàn chuyện văn chương. Nhà nuôi dạy trẻ bụi đời của anh Huy Hoàng trở thành nơi phổ biến kinh nghiệm qua mặt các trạm kiểm soát để những “trốn lính mà vẫn đi giang hồ”. Kinh nghiệm của Vũ Hữu Định: tìm hiểu trước tên tuổi người chỉ huy từng trạm. Lính chưa kịp kiểm tra thì Định đã nêu tên người chỉ huy ra, hỏi: “Hôm nay đại úy… có nhà không, nhắn là thi sĩ… gửi lời thăm”. Thế là anh đi trót lọt suốt từ Đà Nẵng tới Sài Gòn!
Làm nhân viên nhà sách, có số tiền dành dụm được từ lương nên cuối năm 1971, Nguyễn Sa Mạc (NSM - nay là Nguyễn Hoàng Thu) đứng ra chủ trương Tạp chí văn nghệ và nhà xuất bản Nhân Sinh. Anh vốn là thông dịch viên, từng theo các đoàn hành quân hỗn hợp tại Gia Nghĩa, Bảo Lộc trốn về. Số ra mắt, bìa Tạp chí được in typo thẳng thóm, cuối trang ghi rõ chủ đề: “Nam Việt Nam và Mặt trận văn hóa của Thực dân mới”! Phần ruột gần 100 trang được quay ronéo theo cách “tự cào”(thủ công).
Văn nghệ Miền Nam lúc này, bên cạnh các tạp chí chính thống như Văn, Bách Khoa, Vấn Đề, Khởi Hành, Thời Tập, đã xuất hiện nhiều ấn phẩm của các “phong trào” đấu tranh thuộc các tổ chức tôn giáo, đảng phái. Nếu hám danh, người viết dễ bị lợi dụng làm bung xung cho phái này, phe nọ. Tất cả đều núp dưới chủ trương chống chiến tranh, chống độc tài. Chỉ qua vài đoạn văn, người đọc có thể nhận ra thâm ý của tác giả và nhóm chủ trương. Nhóm Nhân Sinh là của những người trẻ thật lòng. Họ miêu tả cảnh khổ của người trốn lính, của lao công đào binh… Cuộc chiến khốc liệt đã biến họ trở thành những “Tên Phiêu Bạt” (NSM), phải mang “Những Vòng Hoa Ngụy Tín” (Thế Vũ)…
“Nhân Sinh” số ra mắt được đăng quảng cáo đàng hoàng trên Tạp chí Bách Khoa. Tuổi trẻ thường háo thắng, nên NSM liều mình đem chưng ra luôn tại các nhà sách. Anh dặn người bán sách: “An ninh có hỏi thì nói của ai đó đem đến gửi bán, nhân viên không rõ”. Nhưng các anh đã quá ngây thơ. Đội kiểm tra đặc biệt đã nhận ra dòng chữ cuối bìa: Nam Việt Nam và Mặt trận văn hóa của Thực dân mới”. Báo bị tịch thu, người chủ trương phải trốn biệt. NSM phiêu bạt ra tận Đà Nẵng rồi vô Sài Gòn làm nghề thầy cò (sửa mo-rát) cho các nhà in để tiếp tục tìm cách in ronéo các tập thơ, truyện thuộc NXB Nhân Sinh… Cuối cùng, năm 1973 anh cũng bị bắt trở lại vì tội “đào ngũ”!
NSM kể: thời gian ở Sài Gòn anh chơi khá thân với nhiều nhà thơ là sĩ quan quân đội VNCH. Họ có xe Jeep, có thể chở anh đi chơi an toàn, không bị xét giấy tờ. Một bữa, anh cùng Yên Bằng, một nhà thơ thân thiết của các nhóm Cung Thương Miền Nam, Hồn Trẻ Hai Mươi hồi còn ở quê Miền Tây. Có hôm cả hai ngà ngà vào một quán bar trên đường Tự Do. Một lính Mỹ đen sàm sỡ với các chiêu đãi viên. Yên Bằng trong quân phục lính trận đã nổi máu yên hùng, rút súng bắn thị uy. Cả hai điềm nhiên lái xe đi! Từ đó anh hiểu thêm cái “chất” của các bạn văn nghệ Miền Tây!
Nha Trang vừa là căn cứ quân sự, vừa là hậu cứ lớn của Vùng II chiến thuật. các sĩ quan, hạ sĩ quan đào ngũ, trí thức trốn lính bị bắt có quê vùng Nam Trung bộ đều được đưa về giam tại quân lao Nha Trang trước khi ra Tòa án quân sự. Cả Nguyễn Đức Sơn lẫn Hồ Ngạc Ngữ năm 1973 bị bắt ở Bảo Lộc đưa xuống nhà giam quân lao Nha Trang đều tuyệt vọng vì không có nguồn thăm nuôi. Nhưng cả hai đều lần lượt bất ngờ khi bị một quản giáo kêu lên phòng trình diện. Các anh sau đó được xếp vào một khu riêng, được cho ăn uống đầy đủ, cả ngày chỉ bị sai làm việc vặt… Té ra viên sĩ quan quản giáo bí mật ấy chính là nhà thơ tác giả bài “Sài Gòn - Xứ đấu bò”. Thi sĩ Lưu Vân đã tìm cách “cứu” các bạn văn thi sĩ trong khả năng của mình. Để tất cả không chỉ là những con bò! Những trường hợp đặc biệt thì cậy nhờ “Đại úy quân pháp”, Luật sư, Kịch tác gia Dương Kiền giúp.
Cuộc chiến tranh phi nghĩa cũng phải đi qua. Mọi người hy vọng “bò sẽ là bò, người sẽ là người”. Các cây bút của nhóm Nhân Sinh chống chủ nghĩa Thực dân mới vì lòng yêu nước bộc phát chứ không để mưu cầu chức tước. Một trong những cây bút chủ biên của nhóm là thi sĩ Trần Vạn Giã ngậm ngùi từ giã thành phố thân yêu để về vùng kinh tế mới Đất Sét:
 
nha Trang

Tạm biệt Nha Trang năm ba mươi tuổi

Năm vầng trăng lịm tắt giữa đêm sâu
Ngôi sao lạ mọc trên đời thương nhớ
Và một mình anh ngồi hát Thánh ca

Bài Thánh ca trong mưa, trên lá

Trôi nổi đời người chảy suốt những mùa đông

Anh biết Nha Trang lòng như thuở ấy

Nhưng lỡ rồi không biết tại ai
Nên kỷ niệm gọi đời anh mãi mãi
Tình nhớ này đành đếm những đầy vơi

Đêm Nôel đêm một đời đã đến

Lời thơ ơi có ấm tiếng chuông rơi
Nha Trang - Nha Trang xa dịu vợi
Chắc cát lặng thầm trên biển ngàn khơi

  [còn tiếp] 
-----------------------------
* nguồn: blog nguyenmienthao

 

lỗi chính tả khó chấp nhận - xuân tuyết

tin nóng: lỗi chính tả khó chấp nhận được trong sách dạy tiếng Việt cho các em nhỏ! 

Chiều 29/5, giám đốc NXB Đà Nẵng ông Trương Công Báo xác nhận: Đơn vị đã tiếp nhận thông tin về các lỗi sai chính tả trong cuốn “Vở luyện tập Tiếng Việt” và đang tiến hành kiểm tra, xác minh các nguyên nhân gây lỗi sai chính tả không đáng có trên.

Trước mắt, NXB ra quyết định thu hồi toàn bộ số tập vở trên và liên hệ với biên tập viên, tác giả cuốn sách để tìm hiểu. Theo số liệu lưu chiểu cho thấy, tập vở được in với số lượng 2.000 cuốn. Tập vở dày khoảng 30 trang, do bà Đặng Thị Lanh làm tác giả, được NXB Đà Nẵng cấp giấy phép và in tại Công ty in Tổng hợp Cầu Giấy (Hà Nội). Chịu trách nhiệm xuất bản ghi trong tập vở là Giám đốc Trương Công Báo và Tổng biên tập Hoàng Văn Cung” (NXB Đà Nẵng).

Trước đó, tháng 2/2012, sau khi được biên tập viên Nguyễn Kim Nhị (NXB Đà Nẵng) thẩm định, cuốn sách được trình Ban Biên tập, lãnh đạo NXB Đà Nẵng để cấp giấy phép. Ông Báo cho hay: Do sách có nội dung ngắn gọn, số lượng trang không nhiều nên chỉ có 1 biên tập viên xử lý. Quy trình thẩm định dạng sách này chỉ mất một thời gian ngắn, thường vài tuần, có thể vài ngày. Đây là một trong những lỗi đáng tiếc và không đáng có.

Đáng chú ý, như các lỗi viết sai “cây nêu” thành “cây lêu”, giỗ thành “dỗ” trong các câu, cụm từ “có dỗ”, “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày dỗ Tổ mùng mười tháng ba”…
Theo ông Báo: Các khâu lỗi có thể từ bản thảo, khâu thẩm định, kiểm tra của biên tập viên hoặc lỗi do in ấn. Hiện biên tập viên Nhị đã nghỉ hưu (từ tháng 3/2012) và đang ra Huế có việc riêng nên đơn vị chưa gặp để tìm hiểu nguyên nhân.
Sách đã in sai thì không thể đính chính nên cần phải sớm thu hồi. Đặc biệt là sách dành cho trẻ em nếu không chấn chỉnh có thể gây tác dụng không tốt. Trường hợp xác định rõ sai phạm ở khâu nào sẽ kiểm tra, xử lý đến đó – ông Báo nói thêm.
Cũng theo ông Báo: NXB Đà Nẵng cấp giấy phép và thu xuất bản phí, còn lại lựa chọn điểm in, phát hành có thể do tác giả tự lựa chọn, liên kết.
Được biết, biên tập viên Nguyễn Kim Nhị công tác từ khi thành lập NXB Đà Nẵng và là một trong những biên tập viên kỳ cựu, nhiều kinh nghiệm. Tác giả Đặng Thị Lanh từng giảng dạy ở ĐH Sư phạm Hà Nội, sau đó sang công tác tại Bộ GD-ĐT, trước khi nghỉ hưu giữ chức Vụ phó Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT).

Xuân Tuyết
----------------------------------
* nguồn: kienthuc.net.vn 30.5.2012 


tác giả vở luyện tập Tiếng Việt 1 sai chính tả lên tiếng

- Bà Đặng Thị Lanh khẳng định: “Bản thảo tôi viết bằng tay không mắc những lỗi đó. Có thể sai sót nằm ở quá trình in ấn. Tôi có lỗi là không yêu cầu được đọc lại bản chỉnh sửa cuối cùng”.

 Một lỗi trong cuốn "Vở luyện tập Tiếng Việt 1" của Nhà xuất bản Đà Nẵng: "giỗ tổ" được viết thành "dỗ tổ".

nhiều sai sót 

 Vừa qua, cuốn “Vở luyện tập Tiếng Việt 1” (NXB Đà Nẵng) sai nhiều lỗi chính tả khiến phụ huynh có con đang học lớp 1 hết sức lo lắng.

 Những lỗi ghép phụ âm đầu "d" và "gi" và "n" biến thành "l" cụ thể như trong câu thơ "Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày dỗ tổ mùng mười tháng ba" (đúng phải là “giỗ”). Phần luyện viết sách ghi là "có dỗ” (đúng phải là “giỗ”) hay "cây nêu" được ghi thành "cây lêu".

 Theo số liệu lưu chiểu, cuốn vở luyện tập Tiếng Việt 1 được in 2.000 cuốn, dày khoảng 30 trang do bà Đặng Thị Lanh là tác giả. Cuốn vở này được NXB Đà Nẵng cấp giấy phép và in tại Công ty in Tổng hợp Cầu Giấy (Hà Nội).

 Trả lời báo chí, ông Trương Công Báo, Giám đốc NXB Đà Nẵng, thừa nhận có việc sai lỗi chính tả trong cuốn “Vở luyện tập Tiếng Việt 1” và hiện nhà xuất bản đang kiểm tra lại việc xuất bản cuốn sách, bắt đầu từ xác minh lại biên tập viên. Ông Báo cũng cho biết: “Trước mắt sẽ cho thu hồi và hủy những cuốn đã xuất bản chưa phát hành”.

 “Tôi không thể mắc lỗi đơn giản như vậy!”

 Là giáo viên dạy chính tả với gần 40 năm công tác trong ngành giáo dục nên khi những sai sót ở cuốn “Vở luyện tập Tiếng Việt 1” (NXB Đà Nẵng) được phát hiện khiến tác giả - bà Đặng Thị Lanh “thực sự rất buồn”.

 Chiều 30/5, trao đổi với VietNamNet, tác giả (hiện đang ở Hà Nội) khẳng định: “Bản bông tôi viết bằng tay gửi NXB không có những lỗi như vậy. Tôi không thể mắc lỗi đơn giản như thế”.

 Thừa nhận rằng mình có sai sót khi tin tưởng không xem lại bản thảo cuối cùng của cuốn tập và sau khi sách in cũng chưa kịp xem lại, bà Lanh chia sẻ: “Từ sự việc, tôi cũng mong muốn việc giám sát quy trình in ấn của các nhà xuất bản phải được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt việc làm giữa tác giả với nhà xuất bản”.

 “Việc sai sót như vậy không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của tôi mà lớn hơn khiến phụ huynh và học sinh mất niềm tin vào sự chính xác của sách. Tôi đang chờ trả lời chính thức từ phía NXB Đà Nẵng” – lời của người giáo viên già.

 Văn Chung
----------------------------
* nguồn: vietnamnet 31.5.12