Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

hãy để đám mây mù tự nó tan đi - nguyễn đăng trình











Saigon mùa này nóng khủng khiếp! Nắng cũng nóng mưa cũng nóng! Ngoài trời cũng nóng trong nhà cũng nóng!
Đã thế cả tuần nay thêm cái nóng của Văn Giang, Vụ Bản… từ miền Bắc tràn vào!
Và trên các web, blog mấy ngày gần đây lại bùng lên cái nóng của mấy vụ đạo văn đạo thơ nữa!
Đã nóng càng thêm nóng!
Nhà thơ Vũ Từ Trang mới la oai oải: “gần như hơn 150 trang, trong tổng số 172 trang của cuốn “Hỏi đáp về Nghề truyền thống Việt Nam” của Hồ Châu, đã trích và chép nguyên văn từ cuốn “Nghề cổ đất Việt” 604 trang của tôi. Tệ hại hơn, là chép nguyên văn từ dấu chấm, dấu phảy. Tôi không thể trích ra để so sánh, vì nó quá nhiều, hầu như toàn bộ cuốn sách đó. Có một số trang, tác giả Hồ Châu cắt xén, đổi dòng, đổi đoạn để cho khác chút ít với cuốn sách của tôi. Xin thưa, cuốn khảo cứu “Nghề cổ đất Việt” (2007) của tôi được tái bản bổ sung từ những cuốn khảo cứu mà tôi đã xuất bản trước đó, như  cuốn “Nghề đẹp tỉnh Bắc”(1981), cuốn “Nghề cổ nước Việt” (2001, tái bản 2002)”. [lethieunhon.com].
Nhưng nổi cộm hơn là trường hợp bài thơ Lặng lẽ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng vừa bị tác giả Đặng Khánh Cường cho là đã lấy ý, tứ và thi từ của bài thơ Một ý nghĩ trong tập thơ Mưa Rừng và đồng đội của nhà thơ Phạm Khánh [NXB Quân đội nhân dân tháng 10/2006] với bằng chứng khá thuyết phục [là bản in Một ý nghĩ và bản thảo chép tay Lặng Lẽ], đồng thời tác giả Đặng Khánh Cường không quên nhắc lại scandal bài thơ Hoài khúc tháng ba của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng mà theo ông là “dịch” từ bài thơ Khúc hát tháng ba của nhà thơ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh và một số bài thơ của một số tác giả khác cách đây không lâu.
Tôi đồ rằng tác giả Đặng Khánh Cường khi đưa ra ánh sáng nghi án văn nghệ này không nhằm hẳn vào nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng mà muốn gióng thêm hồi chuông cảnh báo trước vấn nạn vừa làm ô uế môi trường văn nghệ vừa xem thường độc giả đang có chiều hướng phi mã hiện nay mới là chủ đích [?].
Và đã chẳng có gì to chuyện nếu nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng ngỏ lời xin lỗi các tác giả nói trên và các bạn đọc yêu thơ thay vì vội vàng viết lá thư gửi BBT tuần báo Văn Nghệ với nội dung thanh minh này nọ, nhờ nhà thơ Phạm Đương xin bác Trần Nhương gỡ bài đồng thời có sự thỏa thuận du di “bỏ chín làm mười” [phát xuất từ lòng thương cảm] của một số nhà văn nhà thơ đàn anh và bằng hữu.
Suy cho cùng phản ứng nhất thời [nhưng có suy nghĩ và biết tự kiềm chế rất đáng khen] của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng [xem blog nguyentrongtao] không mấy đáng trách vì cậu ấy đang ngất ngây trên đỉnh vinh quang với cơ man giải thưởng từ địa phương lên đến trung ương, đang được nhiều bạn đọc đủ mọi lứa tuổi từ Nam chí Bắc ngưỡng mộ và yêu mến với những lời tán dương, những bài ngợi ca… có cánh. Đố thần tượng nào bỗng dưng rơi tuột xuống đám đông mà không giẫy nẫy? Tâm lý bị thất sủng ai mà chả bị choáng?!
Đánh tới cùng hay giơ cao gõ khẽ?
Cách hành xử nào xem ra cũng phát xuất từ thiện chí và lòng thương quí nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng cả bởi như mọi người đều biết trường hợp của Hưng rất chi là đặc biệt.
Vấn đề bản quyền và danh tiếng không có chỗ ở đây và nếu có thì không còn mấy đáng kể.
Sòng phẳng hay không sòng phẳng, rốt ráo hay không rốt ráo… vì thế cũng chẳng còn bao nhiêu ý nghĩa.
Càng không nên nhắc đi nhắc lại lòng thương hại, lòng trắc ẩn thêm nữa.
Hãy ứng xử với Hưng như một con người bình thường có lẽ thích hợp và nhân văn hơn.
Tôi có cảm giác độc giả yêu thơ khắp nơi không ai muốn đẩy Hưng xuống hố thẳm. Bênh vực hay trách móc đều có lý nhưng có vẻ như phần lớn chỉ là tát yêu và suýt soa tiếc rẻ hơn là “truy cùng sát tận”.
Giả dụ nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng bê nguyên xi một bài thơ của tác giả nào đó gỡ đi cái bút hiệu và gắn cái bút danh của mình vào thì vấn đế sẽ khác.
Hoàn toàn không giống với cách tác giả Hồ Châu “ẳm” liền một lúc 150 trang trong số 172 trang [đã nói ở trên]. Đừng nhốt 2 “phạm nhân” này vào 1 cũi.
Còn nhớ trong truyện ngắn The beggar của văn hào William Saroyan có một câu rất đáng suy gẫm, đại khái: “Mọi người đang sống trên thế gian này đều là một trong những tên ăn mày hoặc loại này hoặc loại khác”. Mạn phép được biến tấu chút xíu: “Mọi người sống trên cuộc đời này đều là những kẻ ăn cắp hoặc kiểu này hoặc kiểu kia”. Xin mở ngoặc ăn cắp ở đây được hiểu ngắn gọn theo nghĩa rộng là mô phỏng nghĩa hẹp là bắt chước.
Có lẽ không ai trong chúng ta có thể đoan chắc rằng trước giờ mình chưa từng ăn cắp một cái gì đó.
Nông dân ăn cắp nước của trời. Ngư phủ ăn cắp cá của biển. Nho sĩ ăn cắp chữ của thánh hiền. Tu sĩ ăn cắp kinh kệ của Phật. Tướng lãnh ăn cắp binh thư của tiền nhân. Chính trị gia ăn cắp kế sách của thiên hạ v. v… và v. v… Thế thì nhà văn, nhà thơ, nhà thư pháp, họa sĩ, điêu khắc gia, nhạc sĩ, ca sĩ … sao không thể ăn cắp [mô phỏng hoặc bắt chước] ý tưởng, chủ đề, thủ pháp, phong cách… thậm chí tác phẩm của ai đó? Sáng tạo [nếu có thể nói như vậy] suy cho cùng cũng chỉ là mô phỏng & bắt chước những cái đã có để làm ra những cái chưa có mà thôi. Nghệ thuật hay phi nghệ thuật hoàn toàn tùy thuộc vào bàn tay [thủ thuật] và khối óc [tư duy] của mỗi người.
Học chính là mô phỏng & bắt chước. Bắt chước & mô phỏng chính là học vậy!
Kinh nghiệm bản thân bảo tôi nói thế!
Không phải hễ ăn cắp là xấu cả đâu. Chàng Lía ở Truông Mây xưa kia trộm cắp của người giàu giúp đỡ cho kẻ nghèo là một điển hình vẫn dễ chấp nhận hơn ngàn lần những nhà làm từ thiện bằng tiền tham nhũng, mua gian, bán lận, bắt chẹt, lừa đảo, chiếm hữu, xà xẻo…
Dĩ nhiên không ai khuyến khích hành – vi - lía trong một xã hội văn minh và ổn định thật sự.
Có nhiều kiểu ăn cắp nhưng tựu trung được thời gian định dạng: ăn cắp lương thiện & ăn cắp bất hảo. Sự chọn lựa nói lên nhân cách và đạo đức của từng cá thể.
Tướng lãnh ăn cắp chiến thuật chiến lược để giữ gìn bờ cõi, bảo vệ nền hòa bình cho đất nước mình là ăn cắp lương thiện, ngược lại đi xâm lăng nước khác là ăn cắp bất hảo.
Chính khách ăn cắp sách lược, kế hoạch, kinh nghiệm… để làm cho nhân dân no cơm ấm áo là ăn cắp lương thiện, ngược lại chỉ để làm giàu riêng cho gia đình dòng họ mình là ăn cắp bất hảo…
[…]
Văn nghệ sĩ mô phỏng & bắt chước từ ngữ, ý, tứ, phong cách, thể điệu, bút pháp… của nhau để làm phong phú, đa dạng cho nền nghệ thuật là ăn cắp lương thiện, bằng ngược lại chỉ để mưu cầu danh lợi cá nhân hoặc lạm dụng sự nổi tiếng đó để đi lừa [tiền, tình…], đi hại [bôi nhọ, vu khống…] người khác là ăn cắp bất hảo.
Nguyễn Ngọc Hưng theo tôi biết là chưa làm điều gì quá đáng hay xâm hại tới bất kỳ ai ngoài việc nuôi sống bản thân tật nguyền và tự huyễn triền miên để vượt qua số phận đồng thời góp một phần nhỏ làm đẹp làng văn cũng như làm đẹp cuộc đời. Hành vi vô thức đối lập với hành vi ý thức cũng chẳng khác gì hành vi ngộ sát đối lập với hành vi cố sát.
Tưởng cũng xin nói thêm Nguyễn Ngọc Hưng trong một chừng mực nào đó đã tạo cảm hứng và truyền nghị lực cho rất nhiều mảnh đời bất hạnh đây đó quanh ta.
Nguyễn Ngọc Hưng ăn cắp [nếu bị cho như vậy] là ăn cắp lương thiện.
Không gì buộc tôi phải “bào chữa” cho nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng cả. Lương tâm đã buộc tôi lên tiếng.
“H đã sống nhờ tình thương của tất cả mọi người và nhờ vịn vào mấy câu thơ. Những người như anh [Văn Công Hùng], Tạ Duy Anh, Thanh Thảo, Mai bá Ấn và nhiều anh chị em nữa đã động viên, giúp đỡ H chẳng khác gì bà đỡ cho những đứa con thơ ra đời”.
Lời này của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng nếu các vị có tên [và chưa có tên] phản đối thì không nói làm gì, còn nếu các vị thừa nhận thì tôi cho rằng lỗi của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng nhẹ hều so với lỗi của các vị.
"Chẳng khác gì bà đỡ cho những đứa con thơ ra đời" cho thấy trách nhiệm của các vị lớn lao và thiên chức biết nhường nào?!
Hoặc các vị đã biết mà vì thương tình du di, bỏ qua, xí xóa... Hoặc các vị chưa hề đọc qua những tác phẩm của các tác giả mà Nguyễn Ngọc Hưng đã “quá yêu” [ít có khả năng này]… Hoặc các vị có đọc nhưng không hơi đâu mà nhớ [vì nhiều lý do nào đó] v. v. & v.v... Tôi nghĩ cho dù vì bất cứ cái hoặc nào thì các vị đều đã vô tình hành xử kiểu “mang con bỏ chợ” đối với nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng & những đứa con tinh thần của cậu ấy.
Công bằng hơn mà nói các vị vì đã quá thương đứa em văn nghệ “quá hoàn cảnh” đâm ra hại cậu ấy mà không hay. Động cơ tốt chưa hẳn lúc nào cũng đem lại kết quả tốt!
Ở đây không thể không nói đến vai trò và trách nhiệm của BBT các nhà xuất bản, BBT các tạp chí văn nghệ, thành viên các Hội đồng xét thẩm giải thưởng… từng tiếp cận thơ Nguyễn Ngọc Hưng. Các vị không thể biện minh cho cách quản lý xuề xòa cho xong việc của mình được nữa rồi!
Sau lời xin lỗi bạn yêu thơ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng, nên chăng sẽ là một đôi lời tương tự như thế của các vị?.
Nếu có thể được tôi cũng xin các tác giả “được” Nguyễn Ngọc Hưng đặc biệt “yêu mến” đến nỗi “ngấm” lúc nào không hay hãy rộng lòng thề tất.
Và tôi cũng không quên bày tỏ lòng quí trọng sự dũng cảm của tác giả Đặng Khánh Cường cũng như sự thẳng thắn của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã rất kịp thời để nhân câu chuyện không vui vẻ gì này của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng nhằm răn đe điểm mặt những kẻ “móc túi văn chương” còn ẩn khuất đâu đó trong làng văn nghệ hiện nay và cả sau này.
Xin mọi người hãy để đám mây mù cá biệt không đáng có này tự nó tan đi... Mong lắm thay!

 *********
*Tôi không có thói quen comment về cái vấn nạn xưa như trái đất này trên các mặt báo văn nghệ lâu nay. Nhưng trước trường hợp khá đau lòng và tế nhị này tôi đành phá lệ "lải nhải" đôi dòng. Hy vọng các vị không buồn lòng. Xin hiểu cho rằng trước giờ tôi không hề cố ý mạo phạm bất kỳ đồng nghiệp văn nghệ sĩ nào. Đa tạ.
*Thân Chúc nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng sớm quên đi những gì không đáng nhớ. Và tôi tin bằng vào học vấn, tài năng, tố chất văn chương sẵn có, một nỗ lực phi thường… cộng với trải nghiệm nghiệt ngã lần này, Hưng sẽ gặt hái nhiều tác phẩm thành công hơn nữa. OK?
SG mùa nắng nóng tháng 5/2012
NĐT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét