Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

tản mạn về thơ nguyễn đăng trình - hoàng giao

Anh Trình có bao nhiêu bài thơ? Có tập thơ nào xuất bản không? Tôi chỉ biết các bài trong các số Thời Văn từ 1 đến 9. Gồm 7 bài tất cả. 7 bài thơ này nói chung tôi thích, với một lối viết riêng, Nguyễn Đăng Trình sáng tác có chiều sâu tư tưởng, đôi khi bụi bụi, phớt đời, khôi hài, dí dỏm, trào lộng. Trình rất biết cách tự trào bằng cách dùng những ngôn từ bình dân dễ hiểu mà vẫn gây cười một cách rất có duyên. Tự cười mình, cười ngay vào nỗi đau, nỗi cô đơn của mình và vì biết cười như vậy nên cái sự “đau đời” của anh đã trở thành sức mạnh đáng khâm phục:
 
“Mùa Đông sùi sụt dỗi người
Đã đi còn dắt nụ cười theo luôn”

 
Bài thơ Mùa Đông phố dã quỳ in trong Thời Văn số 3 như một lời tự tình của tác giả với mùa đông. Vâng, chỉ một mình tác giả với mùa Đông. Cái từ “dắt nụ cười” rất đắt giá, hay hay làm người đọc phải phì cười.
 
Dốc xưa giờ độc mình tôi
Sớm chiều với lũng... với đồi... trắng... mưa...”

 
Cái từ “độc mình tôi” như một lời độc tấu… tả cái sự tình đơn độc, phiêu diêu. Hai câu thơ này như bức tranh sống động minh họa hình ảnh tác giả đang một mình thả bộ bước thấp bước cao cùng trời mây sông núi, cùng nỗi khát khao dào dạt, cháy lòng về tình người, tình yêu… và lẽ sống…
Và đây nữa, cái cách tả “tình đau” không giống ai, mà sao rộn ràng lay động muôn trái tim:   
“Liêu xiêu gùi một gùi đau
Tôi dìu tôi quãng tình nào xanh rêu”
 
Đúng là lạ kỳ thật. “Tôi dìu tôi”? Tự mình dìu mình trong bước đi "liêu xiêu” thì chỉ có Nguyễn Đăng Trình mới có… Nguyễn Đăng Trình có một giọng điệu tự trào khá thú vị. Cười với chính cả nỗi cô đơn, nỗi đau của riêng mình mà vẫn mang nặng nỗi ưu ái, ưu tư trung hậu với đời. Cái ưu tư và niềm đau của Trình thật đáng yêu trong cái hóm hỉnh. Do vậy đau mà vẫn lớn mạnh  khác thường, phải nói là đáng nể…
Ở bài thơ Rất lâu mới gặp lại mình in trong Thời Văn số 6 diễn tả mối tình đầu thầm lặng cũng rất đáng nể:
“Yêu thầm lặng đâu dám cho ai biết
Nuốt vào trong nỗi nhớ nuôi mình”
 
Cái từ đắt giá khác đời là ở chỗ ấy: “nuốt vào trong nỗi nhớ” để  “nuôi mình”. Anh lấy nỗi nhớ nuôi nỗi nhớ, lấy nỗi nhớ thầm nuôi trái tim để trái tim yêu luôn hòa vào khát vọng sống... Cái tình lặng đơn phương mà dào dạt hy vọng, niềm tin… Giọng thơ mang vẻ khôi hài triết lý, lãng mạn: 
“Vẫn nghe đời bức hức nhịp tim non
Rất vụng về tôi lén phớt nụ hôn”
 
Thơ này thật đáo để, láu cá, chứ “vụng về” cái nỗi gì! Cái từ “lén phớt” sao mà nôn nao đến thế… làm cho “em” vốn kiêu sa cũng phải động lòng:   
“Em cười cười nhè nhẹ… ẩy tôi ra!…” 
Kể như cái tình thầm lặng đã được đáp đền cho “chàng” rồi đấy! Cái từ “cười cười”, “nhè nhẹ”, “ẩy” chính là cái duyên của người con gái trao tặng chàng trai đó…
Tác giả còn có một cái lối tả tình rất đặc biệt bài Bắn em về phía nghìn trùng - Thời văn số 6
“Đã say đâu mà muốn ngã”
Hoặc:
Tôi buộc làm tên xạ thủ
Nát lòng khi phải giương cung
Mím môi thi hành phận sự
Bắn em về phía nghìn trùng”
 
Các từ “buộc”, “nát lòng “, “mím môi”, “bắn em”, thật lạ lùng… Thật là một tính cách lạ của một con người đang mang nỗi đau về một cuộc tình…
Ấy thế mà: em ra đi bỏ lại ta một mình, tác giả vẫn cảm nhận được:   
“Cuộc tình em gửi lại
Đủ một đời ta say
(bài Đủ một đời ta say - Thời Văn số 6) 
Nguyễn Đăng Trình viết hay, viết say, xúc động và viết lạ… Có cái gì đó sâu sắc… kín đáo, có sức thu phục, đầy tâm sự. Có cái gì đó thu hút sự khám phá... Vừa có tính hài hước vừa nhân ái và chứa chan tình cảm, vừa bất cần… ngộ nghĩnh.   
“Nhiều khi chán tính vô chùa
Trù chừ sực nhớ mình chưa… chửi mình”

Hoặc:
“Trái tim đâu đã dập bầm
Sao không mở cửa xông trầm ướp sen
Lại vung vãi mớ nhân duyên
Yêu tùm lum vẫn còn nguyên cuộc tình”
(bài Tạ lỗi cùng trái tim - Thời Văn 6) 
Vẫn cái giọng tự trào, tự cười mình thẳng cánh cò bay chẳng hề úp mở: “yêu tùm lum”, “chưa… chửi mình”. Thật lạ chưa? Sự trào lộng ở thơ Nguyễn Đăng Trình chính vì vậy mà có sức công phá lòng người khá mạnh. Bởi đằng sau sự gây cười là một niềm đau, niềm say chân thật, một lòng nhân hậu, bao dung, một nghị lực sống mãnh liệt. Tôi yêu thơ Trình vì lẽ đó.
Cái tình ở Trình bao giờ cũng sâu, cũng say, cũng rất tình:   
“Ta lơ đễnh để mùa thu đi mất
Đổi lấy em bằng đám lá vàng
Nỗi nhớ tưởng vài hôm rồi hết
Ai ngờ lâu lắc vẫn chưa tan…”
(bài Bốn câu cho cổ tích –Thời văn số 8)
Mùa Thu là mùa của gió heo may, mùa của nỗi nhớ, mùa tình, mùa hẹn ước...
Mà Trình lỡ để mùa Thu trôi đi mất, lỡ để tuột mất một cuộc tình. Để cho mùa Thu chỉ còn lại một nỗi nhớ… không nguôi… cho kẻ đa tình…
Bài thơ hay nữa trong các bài thơ của anh Trình mà tôi biết là bài (BA ƠI! - Thời Văn số 9). Bài thơ viết về người cha ở xứ người (nước Mỹ). Đây:   
“Xứ người không phút nào sang
Dành từng xu một giúp đàn con xa
Dù còn xương bọc chút da
Vẫn chưa nguôi nỗi đứa nhà đứa xe
Những mong quê kiểng ngày về
Ngờ đâu ngã bệnh sống lê đời chiều”
 
Tôi đã cảm động trước những dòng tâm sự bằng thơ trên đây của anh Trình. Bởi đó là giọt nước mắt của người con với nỗi đau nhân tình thế thái của bậc sinh thành… Giọt nước mắt trăn trở, khắc khoải, yêu thương, sâu nặng, nghĩa tình…   
“Thơ con dẫu khóc nhiều bài
Chỉ là giọt nước rơi ngoài bể dâu…”


[Đã một năm trôi qua... Nay lại được đọc thơ của anh Trình trên Việt Văn Mới. Cảm xúc của tôi về thơ anh lại trỗi dậy nồng nàn... Những bài thơ anh viết về sau này có một ấn tượng khác và hay một kiểu khác...].
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét