Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

một thuở yêu đàn còn vương kỷ niệm - trương tất thọ


[Kính tặng Thầy Vương Quốc Tấn, các bạn Văn Công Mỹ, Lê Đức Vinh, Kim Chi, Kim Loan]

Năm 1964 sau khi tốt nghiệp Tú Tài, tôi rời trường Cường Để thân yêu vào Saigon học Đại học. Vấn đề “đầu tiên” cần nghĩ đến với một SV miền Trung xa gia đình đó là “tiền đâu” mà học dược. Và thế là tôi chọn một “nghề” không đụng hàng để kiếm sống…

“CÀ RI DÊ”- BÀI HÁT KHÔNG GIỐNG AI…

Thời ấy cũng như bây giờ, SV thường chọn nghề dạy kèm để có thêm thu nhập. Thế nhưng năm 1964-1965, các ban nhạc trẻ ở Saigon (dạo ấy gọi là ban kích động nhạc) mọc như nấm sau mưa và tạo nên những tên tuổi như Elvis Phương, Đức Huy, Tuấn Ngọc, Thanh Tuấn… được ái mộ của giới trẻ. Thấy vậy, tôi cùng 4 bạn trẻ nữa lập nên ban “Les Ouragans”(Những cơn bão tố). Thời ấy organ chưa thịnh hành nên một ban nhạc thường chỉ gồm guitare solo, 
guitar rythme, guitar bass và trống cùng một ca sĩ a ma tơ nữa.



Ban nhạc trẻ Les Ouragans

Chúng tôi thường tập ở Tân Định chỗ nay là Trung tâm y tế Q. 1, nơi bài ca không giống ai có tên “cà ri dê” ra đời. Chúng tôi thường hòa ca bài Aline, (tên Việt: “gọi tên người yêu”) là bài tình ca nổi tiếng của Pháp thời ấy. Cả 5 đứa đều nghịch, đều cùng 19 tuổi nên khi cả ban hòa ca vào đoạn điệp khúc “Et j’ai crié, cri…é…Aline…” thì chúng tôi do thèm ăn cà ri dê nên vừa chế vừa hát rống luôn “Ê ca ri dê…ca rí dế…ê…Aline…” rồi khoái chí cười. Trong bài này tôi vừa chơi guitare solo vừa hát chính nên khi trình diễn trên sân khâu, sau phần nhạc mở đầu, tôi vào “J’avais dessiné, sur le sable…” rồi đến chỗ hòa ca “Et…” thì than ôi! đúng lúc đó chúng nó khúc khích cười vì sắp hát ca ri dê. Thấy nguy cơ bể dĩa như chơi, tôi vội vặn volume lớn lên át tiếng cười và đi luôn arpège (đệm rải từng tiếng) kèm vuốt bass và chuyển từ hợp âm G qua Bm-C-D rồi trở lại G để tôi “chuyển hệ” vào hát luôn “Adieu jolie candy, c’est à Orly…” và hát đến kết thúc bài “Adieu jolie Candy”. Khán giả không biết tưởng chúng tôi hát liên khúc slow rock “Aline” và “Adieu jolie Candy” nên vỗ tay rần rần. Nhờ vậy ban “Les Ouragans” không bị bể dĩa và nhận được tiền “show”, chúng tôi lại đi ăn cà ri dê tiếp.

KỶ NIỆM KHÔNG QUÊN VỚI CÁC NHẠC SĨ LỪNG DANH

Đến năm 1967, phong trào nhạc trẻ xuống, các ban tan hợp, hơp tan, show không có mà tiền ăn học không thể thiếu được, để cải thiện việc học tôi xin vào đàn đài truền hình. Nếu đạo diễn NVĐ là bậc hưu trí lão làng của đài HTV hiện nay thì tôi cũng thuộc loại lão làng như vậy vì tôi đàn từ khi phim trường còn đặt tạm ở 15 Thi Sách cho đến khi qua phim trường A mới xây ở 11bis Hồng Thập Tự (tức HTV bây giờ).

Lần đầu tiên đi đàn, “em” mắt ướt nhạt nhòa. Vì sao?

Lần đầu tiên vào đàn ban nhạc có nhiều sư tổ trong làng nhạc như Lam Phương, Nguyễn Hiền, Đăng Hà, Đăng Tiến, Phạm Mạnh Cương, Thông Đạt v…v… tôi bị khớp, run lẩy bẩy. Một chương trình nhạc thường dài 45’, ca sĩ hát 1 lần rưởi có nhạc giữa. Thời ấy không có chuyện hát nhép, thâu playback nên thâu hình cả ca sĩ lẫn ban nhạc. Vì vậy ban nhạc ăn mặc chỉnh tề complet, cà vạt. Lỗi kỹ thuật lúc thâu thì vô số kể nên chương trình phát 45’ mà thâu 5 giờ hoàn thành là mừng lắm rồi.
Trong lần đầu tiên đi đàn ấy tôi ngồi cạnh một bậc trưởng thượng dạy violon. Chương trình lại có một cô ca sĩ trẻ xinh đẹp tên PT hát bài “Đêm đô thị” theo điệu Twist. Nàng đẹp, nàng mặc chiếc jupe cao, chân nàng không những trắng lại còn dài nữa. Và nàng đứng trên bục cao sát ban nhạc mà trình diễn. Thế mới ngất ngư con tàu đi. Mỗi nhạc sĩ trước mặt đều có giá nhạc sắp sẵn 9 bài sẽ lần lượt thâu, và nhìn vào hòa âm mà đàn. Nàng hát sôi động, nàng nhảy twist hấp dẫn trước mặt tôi nên tôi cứ thế từ thấp nhìn lên. Thử tưởng tượng một sinh viên hiền lành mới 22 tuổi, được khuyến mãi tầm nhìn như thế thì… ngu sao không nhìn. Giữa lúc đang thâu ấy tôi lại… hắt xì hơi. Tiếng đạo diễn vang lên “Stop!”. Nhạc trưởng la “Thế Thanh” (nghệ danh đi đàn của tôi) sao vậy?”. Tôi không biết nói sao vì nói không được mà không nói cũng không được.
Lý do: Tôi mãi lo nhìn nàng không nhìn vào bản hòa âm nên không thấy cái archet (cái vĩ) của thầy vĩ cầm ngồi bên cứa ngang mũi gây nhột nên hắt xì. Mà thầy tôi ổng cũng mắc… nhìn như tôi nên không thấy cái archet sắp cà vào lỗ mũi của tôi để tránh. Thành ra nếu tôi nói lý do hắt xì hơi đâm ra thầy tôi có lỗi mà không trả lời thì tôi lại có lỗi nên bèn làm thinh luôn! Hóa cho nên muốn kiếm tiền học phải cay cay đôi mắt là vậy.

Các thầy đúng là: Thầy!

   Đi đàn kiếm tiền năm 1967

Có đi đàn chuyên nghiệp mới thấy phục các thầy. Trước hết là không tập trước, đến lúc thâu là nhạc trưởng đưa ra 9 bài theo thứ tự để trên giá nhạc. Đến bài có phần tôi solo là tôi đứng lên đàn hết đoạn solo để thầy clarinette đứng lên thổi tiếp… Điều đó quá khó đối với dân a ma tơ như tôi nhưng chưa hết, còn khoảng chuyển chủ âm (transposer) cho vừa âm vực của ca sĩ nữa. Nhìn vào bài thấy La thứ là khỏe rồi ai ngờ ca sĩ đòi lên 1 tông rưỡi thế là phải lên đô thứ mà đàn. Biết mình kém nên một mặt xin nhạc trưởng cho tôi tập trước trong bối cảnh thi mà rớt là bị bắt lính, một mặt kính nể các thầy để khỏi bị la và chê dở... Vì thế tôi tốn nhiều thời gian cho việc kiếm tiến và lo học, nên không có thì giờ để… yêu. Nhân đây tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn với các thầy Lam Phương, Nguyễn Hiền, Thông Đạt (tác giả bài Ai về sông Tương tức GS Ngô Văn Giản dạy trường Nhạc Huế). Khi đàn bài “Qua miền Hà Tiên” của Y Vân (“Ngày nào qua Hà Tiên miền đồng quê dịu êm,  nhớ khi trăng soi đất thần tiên…”) điệu valse lente thấy tôi đệm quá dở, chờ lúc thâu hư, Thầy Hiền đã gọi: “Thế Thanh mang bản nhạc đến đây”. Thế là ông ghi ngay các “gam” chuyển tiếp cho bay bướm nên lúc thâu lại tôi thấy mình đàn hay và có hồn hơn hẵn.
Một lần khác ông nhạc sĩ đàn bass phải qua chơi đàn Hawienne nên anh nhạc trưởng bảo tôi qua đàn contrebass. Tôi thì nhỏ con mà cái đàn thì lớn tôi loay hoay chả ra làm sao cả. Biết tôi yếu nhạc lại sợ bị la, Thầy Lam Phương (đô con như võ sĩ quyền anh, chồng chị Túy Hồng hát cùng ban) dịu dàng bảo tôi: “Thế Thanh cứ làm bộ bình tỉnh đàn đi, tôi sẽ vặn volume bass đàn giùm cho cậu thay cho contrebass”. Thành ra khi phát hình bạn xem đài thấy cậu sinh viên bé tí ôm cái đàn contrebass to đùng đàn nhưng lại là tiếng đàn bass của Thầy Lam Phương.

Suýt có người yêu là ca… sởi!

Nghệ sĩ ai ăn nói cũng líu lo nhưng riêng tôi thì thật hiền. Trường Dược nổi tiếng là trung tâm tàn phá sắc đẹp nên nếu không lo học là rớt ngay. Khi lên năm thứ ba, giữa lúc chờ thâu bài kế tiếp, tôi tranh thủ ngồi ra một góc ôn bài. Tôi còn nhớ đó là bài “Rhumatisme articulaire aigu” (Phong thấp khớp xương cấp tính). Bỗng có tiếng con gái dịu dàng vang lên sau lưng tôi: “Anh Thanh còn đi học sao” quay lại thì ra PT. một giọng ca mới nổi và đang lên. Khi biết tôi đang là SV năm thứ ba đại học dược khoa, nàng có vẻ khâm phục và khen: “Hèn gì em thấy anh hiền nhất ở đây!”. Và nàng… khai bệnh sỏi thận với tôi. Sau đó tôi đưa nàng đến BV Bình Dân nơi tôi có người em bà con là một trong hai sếp tiết niệu lừng danh ở đó (sau GS Ngô Gia Hy) để chữa trị. Trong ban của tôi còn có cả ca sĩ Kim Loan nữa nhưng PT được SVHS thích hơn (sau Thanh Lan, Hoàng Oanh). Từ đó tình cảm chúng tôi cũng có tiến tới… chút chút nhưng khi nàng nổi tiếng rồi thì đành đứng xa xa mà nhìn thôi.
Ảnh Thế Thanh chụp Thanh Lan đang thâu hình tại phim trường A mới xây xong

Cuối năm thứ ba tôi thi rớt khóa 1, chỉ lo ôn bài để thi khóa 2. Thương nhất là anh nhạc trưởng, đến kỳ thâu hình anh lại đến tận nhà xin phép tôi đi đàn. Gặp lúc mẹ tôi đang buồn chuyện tôi hỏng thi nên mẹ tôi ngọt ngào xin phép nhạc trưởng cho tôi được… nghỉ đàn vì “nó mà rớt nữa là bị đi lính đó, hỏng cả tương lai”. Anh đành cười buồn mà cho tôi nghỉ đàn. Cũng may chó ngáp phải ruồi, kỳ 2 tôi đậu.  Sau đó tiếp tục đi đàn với ban nhạc của thầy Ngô Văn Giản tức Thông Đạt cho đến khi tốt nghiệp Đại học cùng thời với 3 SV họat động văn nghệ chuyên nghiệp khác là Trung Chỉnh (Y khoa), Hoàng Oanh, Thanh Lan (Văn khoa).
Một góc phim trường với ca sĩ và ban nhạc (Ảnh Thế Thanh TTT)

Thấm thoát cũng đã gần nửa thế kỷ trôi qua, nhìn lại đời mình không những “xanh rêu” mà dường như vẫn còn tươi để chờ đợi một bóng hồng nào đó tìm đến cho tuổi thất thập thêm còn… xuân mà cất lên tiếng ca “One day when we were young, one wonderful morning in May. You told me: “you love me” when we were young one day… (Khúc hát thanh xuân “One day”. Johan Strauss).
 ------------------------
* nguồn: xunau.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét