Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

đoạn trường - nguyễn trí










Bảy Mẫu lừng danh Long Mỹ với nghiệp cờ bạc. Bảy mẫu đất, bò hơn hai mươi con. Tất cả đội nón ra đi bởi thâu đêm suốt sáng ở tùm lum sòng. Không môn chơi nào ở lãnh vực nầy Bảy không sành. Đủ sành để thua.
 Ba đứa con, Bảy giao cho vợ. Bà xã chỉ có bổn phận chăm. Vậy thôi. Mọi thứ bà không cần biết tới. Đất của tui, bò của tui, tui không để bà thiếu thốn là được rồi, còn tui làm cái gì, bà chớ có thắc mắc. Ý nầy chẳng qua con ma cờ bạc nó xúi. Ghiền rồi, lậm quá rồi. Mà sao kỳ vậy kìa? Hai chục con bò không còn một con. Bảy mẫu không còn một tấc. Cái lô thổ bà Bảy không làm dữ và giấu sổ đỏ, e là ba đứa con đã ra sân đình mà ở. Thua vậy sao không dừng lại? Ma mà. Ma đề, ma túy, ma cờ bạc, ma tình yêu. Một trong bốn con nầy ám vô ai người đó chết liền… Thần cỡ công an với ba cái lao động công ích cũng bó tay chịu phép. Hối hận đó, ăn năn đó, kiểm điểm đó, hứa đó… vừa cho về đã tọt vô sòng. Phải gỡ chớ, thua là phải gỡ. Gỡ riết cái ghẻ phải chảy máu… Có câu cờ gian bạc lận. Bọn cái nhử cho ăn đã đời, nửa đêm nó lấy lại, tới sáng là đi sổ đỏ. Lâu lâu lại cho cầm về nhà ra cái vẻ ta đây ăn bạc, mời bạn bè làm vài khung, vài két vui chơi. Hôm sau sạch bách thêm một câu đe: “Đù kịnh… Không giao sổ là ông nội mày dưới đất tao cũng lôi lên à…”. Không phải mấy tay huyện đề đã tuyên bố rằng: "Chỉ có cái mả mày xây là tao cho, chớ cái gì mày đang có là tao cho mượn”.
Bảy Mẫu phang bạt tai vô mặt vợ, gầm gừ như con chó cùng đường đòi sổ đỏ. Ba đứa con mười hai, mười, tám khóc như ri. Bảy gầm lên:
 - Tao biểu mày đưa là phải đưa, đất của tao…
 Đúng là ma ám. Đưa rồi đem cúng cho bọn cờ gian bạc lận, mẹ con ở vào đâu? Có điên mới đưa. Dứt khoát không là không, đánh chết cũng không. Lầm lì. Vợ Bảy trơ như đá.
 - Tao hỏi mày đưa không?
 - Tôi không đưa. Anh là người cha, người chồng vô trách nhiệm. Anh chỉ biết cái thân mình. Tôi là con nô lệ, đâu phải vợ. Thua nhiều rồi, còn lại lô thổ nầy tôi giữ cho mấy đứa nhỏ. Anh thua nữa, con cái ở vào đâu?
 Vợ Bảy nói tỉnh khô. Tỉnh là phải, quen quá rồi, đòn phép cũng nhiều rồi, cái gì mà không trơ ra, nhất là con người.
 Điên lên, Bảy thẳng một cái tát chí mạng. Người mẹ yếu đuối không chịu được té đập đầu vào cây cột gỗ căm xe. Cột vuông. Cạnh của nó làm vỡ đầu, máu ròng ròng chảy. Trong khi ba đứa con bu lại má ơi má hỡi thì Bảy Mẫu hầm hầm bỏ ra quán.
 Vợ Bảy chết trên đường đưa đến bệnh viện. Rõ, Bảy giết vợ, nhưng có ai biết đâu? Thằng con lớn nói má trượt chân té, hai đứa em ừ theo. Vậy là xong. Vụ nầy bể ra Bảy tù chắc. Cha tù con ở với ai?
 Sau đám, mắt Bảy đọng mù sương. Thấy Bảy không đến sòng, mấy thằng ăn bạc mò đến quán cà phê chỗ vẫn thường tụ tập sau tan sòng. Ba Đẻn vỗ bàn:
 - Ê, Bảy Mẫu. Tính sao mày? Đừng có nói với tao tan sòng là xong tiền nha.
 Bảy liều mạng:
 - Rồi tụi mày làm gì tao? Tao thách đó, tụi bây chơi gian lận. Lần nầy tao xù.
 Trời đất! Gan dữ a? Thằng nầy uống ít nhất ba chai thuốc liều. Xứ nầy ai chẳng biết đàn anh Ba Đẻn… Để thị uy Ba Đẻn lột áo đưa cái lưng con rồng và chữ hận to đùng, bộ ngực đầu lâu xương chéo. Quán cà phê thất sắc hồn kinh. Bảy Mẫu cũng rút trong túi ra lưỡi dao Thái Lan cán vàng, nhọn lễu và bén như dao cạo. Thực hiện đúng câu Tiên hạ thủ vi cường, Bảy xỉa một nhát vào mặt Ba Đẻn, má phải cái mặt thịt lãnh trọn, máu bật ra xối xả… Đáng cái tội dễ ngươi…
 - Thằng nào nữa, cứ vô – Bảy Mẫu đứng dậy – Tao đang muốn ở tù.
 Ba Đẻn ôm mặt chận dòng máu chảy. Chạy. Đàn em chạy theo. Cả cái quán hả dạ. Cha chả. Xưa nay chẳng ai dám đụng đến Ba Đẻn, nay gặp vụ nầy thiệt khoái quá… Nhưng mà Bảy Mẫu chết chắc. Tụi nó báo công an là tiêu, cái tội đâm người có mang theo hung khí. Dám thưa không? Thưa là thòi ra hai chữ tại sao, sẽ có câu trả lời tại em thua bài. Thua ở đâu? Dạ ở… Là chết cả đám.

***
 Sáng ấy, quán cháo lòng đối diện quán cà phê, chả có ma nào dám vô. Bốn năm thằng cô hồn sống, trong đó có Ba Đẻn với cái mặt nghe đâu khâu bốn mũi, một miếng băng bằng nửa bàn tay đính trên mặt. Bị thương vậy mà cháo lòng, tiết canh, rượu đế đại ca tợp hớp nào ra hớp đó, mỗi hớp một ly xoay chừng. Cả bọn lạnh như đám ma tháng tám âm lịch… Cha! Cả bọn nầy là tiếng thở dài của Long Mỹ. Tuy chưa tiền án, nhưng tiền sự đầy một cần xé. Ném đá giấu tay, phóng hỏa đốt nhà, ai đó mặt sưng như cái chĩnh là nghi bọn Ba Đẻn liền. Biết là vậy, nhưng quả tang đâu? Còn cờ bạc? Lũ quỷ nầy tinh thông bẩy mươi hai phép địa sát, đố ai tìm ra đồng bạc giữa sòng. Bài chơi giải trí cho vui, có ai cấm không?
 Bên quán cà phê, ai cũng nghĩ đời Bảy Mẫu úa màu. Chớ sao. Đùa với cọp còn có cơ may sống, với sói thì vong mạng. Ba Đẻn không ngô khoai vụ nầy, còn gì danh tiếng bao nhiêu năm gây dựng? Giang hồ cười thúi cả đầu, nói chi mũi. Thứ thiệt bị một thằng sặc ruộng vuốt râu mà bó tay thì gác kiếm là vừa… Bữa nay dám nó chơi công khai lắm à. Không sợ sao ta? Đúng rồi, bị bắt cũng phải dằn mặt thằng nầy, trước hả giận, sau lấy lại cái uy. Giang hồ không tù, không ấp đâu phải dzô hàng… Lo mà trốn đi Bảy Mẫu ơi.
 Nhưng Bảy Mẫu không trốn. Bảy đến kìa. Trên vai là một con rựa loại một, bản bằng bốn ngón tay, mũi bằng. Loại rựa dùng để hạ cây, phát rừng ở Đông Nam Bộ. A! Cầm theo vũ khí phòng thân đây chớ gì. Dám chém không? Một mình dám chém năm thằng cô hồn không? Cha, khó trả lời dữ a. Để xem việc gì sẽ xẩy ra? Bọn Ba Đẻn nhìn Bảy Mẫu. Chắc chắn là hoang mang, xưa nay chỉ nghe thiên hạ dạ thưa, nay gặp kẻ thí mạng cùi, đã chơi bằng dao, nay còn thêm rựa. Mới rợi nên khó xử lý.
 Đằng trước quán cà phê có một gốc bạch đàn, chủ quán cưa bằng đặt lên đó một bình nhựa để bán xăng lẻ. Bảy Mẫu không vào quán, anh ta nhìn bọn cô hồn. Đặt ngón trỏ của bàn tay trái lên gốc cây, tay phải vung rựa lên và… Phập… Ngón tay bay vù, rớt xuống đất, máu xịt có vòi. Mặc kệ máu, Bảy lừ đừ đi qua quán cháo. Bọn Ba Đẻn bật dậy, mắt thằng nào cũng lộ sợ hãi và đầy ngạc nhiên:
 - Ê, Ba Đẻn – Bảy Mẫu nói – Tao biết bữa nay mày sẽ kiếm tao. Nhưng tao cho mày rõ. Bắt đầu từ hôm nay, nhà tao bị đốt là mày phải chịu trách nhiệm, cả bọn mày phải chịu trách nhiệm, rõ chưa? Con tao bị đứt một sợi tóc thì tụi mày có xuống địa ngục a tì tao cũng lôi lên.
 Nói xong Bảy đi về quán cà phê, Chủ quán mặt xanh lè, luống cuống, may bà vợ chạy lại tủ thuốc lấy bịch bông gòn, Ai đó cột đai chỉ huyết cho Bảy… Bất ngờ, thật bất ngờ. Bọn Ba Đẻn lủi thủi rời quán. Cha mẹ ơi, cái thân nó mà nó còn chặt, còn mình, nó sợ chi?
 Bảy Mẫu buồn? Hận? Hối hận? Tất nhiên, chỉ vì đam mê mà ba đứa con mồ côi mẹ vì chính mình, không tỉnh lại đâu phải người. Sáng nay Bảy manh động là vì sợ. Sợ trả thù? Sợ bầy con sẽ bị ném đá giấu tay? Có, nhưng ít thôi. Bảy sợ một cái khác mênh mông và to lớn hơn. Ăn sáng xong Bảy bảo:
 - Thôi ba đứa đi học, để nhà đó ba lo cho.
 Thằng Hải, con Thủy mang cặp đi, nhưng thằng Sơn – con lớn – không trả lời. Nó nhìn cha, rồi mang sách vở ra nổi lửa đốt sạch. Vừa đốt vừa lườm lườm nhìn Bảy. Đôi mắt của nó làm Bảy sợ, rõ nó hận cha. Và buồn rầu Bảy vác rựa lưng tưng đi, sẵn trớn dằn luôn Ba Đẻn để xua đi cái trống hoác trong lòng. Kể cũng vui, một nhát chặt tan một tập đoàn mà chính quyền bó tay, có mất tí máu cũng chẳng nhằm nhò gì. Kha kha kha cười cái coi. Chủ quán nghĩ thầm, thằng nầy điên thiệt rồi.
 Và thời gian qua, qua đi. Nó làm nhạt mờ tất cả. Vết thương nào rồi cũng lành. Ngón tay lành nhưng cụt. Lòng lành, nhưng mất. Từ một con ma bài Bảy hóa chân tu. Bảy xuống ruộng vác lúa thuê, đắp bờ mướn. Bốn mươi lăm tuổi của một thằng đàn ông, đầy phong độ của một nông dân. Đủ thứ máu trong người Bảy cuồn cuộn chảy. Trong đó có máu tình. Ồ, Bảy còn trẻ lắm.
 Và dưới ruộng Bảy gặp Tư Nhà.

***
 Tư Nhà trọn bốn mươi xuân. Gọn gàng và nhanh nhẹn. Dân nhổ mạ cấy thuê, không nhanh đâu có được. Bốn mươi nhưng lủi thủi.
 Sao vậy? Chồng con đâu? Trước có, nhưng chia tay lâu rồi. Sao chia tay? Thì đó, xưa có câu ba năm thì mít đóng đài, cây chanh có trái thì cây xoài phải ra hoa. Đằng nầy ở với phu quân từ hai đến ba mươi, một chục mùa xuân qua hạ tới, Tư Nhà chả hoa nhụy gì ráo. Thôi thì buông nhau để mạnh ai nấy tìm hậu duệ lo cái cơm ăn, nước rót lúc về già… Tư Nhà về anh ruột Ba Cửa. Ba Cửa vỗ hai tay đánh bốp:
 - Sao cô dại vậy? Ở với nó một chục năm giờ ra được cây vàng. Đã chia thì cái gì cũng phải hai chớ.
 Tư Nhà thở dài:
 - Thôi kệ. Ảnh cũng khổ lắm anh Ba.
 Đùng đùng giận. Ba Cửa phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu bằng… xe đạp tới em rể. Đến, lửa tự động tắt khi thấy cảnh hai ông bà già, mắt mờ chân chậm. Thằng em rể không có nhà, hỏi cả chục câu cặp già lãng tai mới nói nó đưa vợ nó đi đẻ. Thì ra thằng em đã tự bước từ hồi nào rồi. Đành chịu.
 - Thì thôi – Ba Cửa nói – Đất đai phần cô còn đây. Cô không ở với vợ chồng anh được, cháu cô đông, nhà chật, anh chị lại nghèo. Đưa cây vàng đây tao cất cho cái cấp bốn, thiếu tao bù. Mày cầm vàng trong tay lỡ gặp thằng khác, lạt lòng, nó ăn là sạch nhách.
 Vậy là Tư Nhà có cái chui ra, chui vô. Hai phòng một gác lửng kể cũng khang trang. Bà chị dâu cho cái xe đạp có cái đỡ chân đi làm. Cóc ca, cóc cách hết cấy đến gặt. Nông nhàn Tư Nhà đi cắt cỏ bán cho những nông trang nuôi bò. Một mình lấy công việc làm niềm vui nên nhiều nhiều tiền, nhưng chợ đời đâu có bán thứ gì để lấp nổi cô đơn. Một anh cũng muốn trăm năm nhưng cái không con cũng phải chia tay. Buồn quá Tư đến chùa lạy Phật quy y, rồi xin xuống tóc. Ni sư trụ trì chùa rằng:
 - Mắt con còn nợ trần, ta không dám xuống. Thôi cứ sống như đang sống. Việc gì đến nó tự đến.
 Việc đến? Ấy là từ Liên Trì, Tư đến Long Mỹ gặt thuê. Bảy Mẫu đập lúa. Trung niên, da rám nắng vạm vỡ, cười bằng đuôi con mắt và cái miệng Bảy nói lời hoa mỹ. Tư Nhà bỗng nghe lòng phơi phới. Tuy nhiên nghe kể sự tích cũng kinh kinh… Giờ tu rồi đó, chớ trước là dân bán trời không văn tự.
 Ma đưa lối quỷ đưa đường. Tư Nhà theo Bảy Mẫu đoạn trường không ta? Không biết. Nhưng nhào vô lãnh ba cục nợ là hơi đoàn đoạn à. Ba Cửa mắng vô mặt em gái:
 - Mày có bị mát dây hông? Đang tự do tự tại lại nhào vô lãnh nợ. Có nghe câu tò vò mà nuôi nhện không?
 Vợ Ba Cửa xen vào:
 - Ông thiệt buồn cười. Ông yêu ai, lấy ai, có ai dám cãi không? Tình cảm người ta là trời định. Ông hay dữ ha?
 Ba Cửa nín. Không phải sợ vợ đâu nha, chẳng qua bả nói đúng. Mà đúng thì cô muốn làm gì đó thì làm. Về ở với Bảy Mẫu thì phải biết chiều ba đứa nhỏ, đừng để mang tiếng mẹ ghẻ con chồng. Còn cái nhà nầy tính sao? Thôi đưa chìa khóa đây, ai cần chị Ba cô cho mướn kiếm thêm mấy đồng…
 Vậy. Dân miền Đông mà, tính nhanh như sao xẹt. Tư Nhà về Bảy Mẫu chẳng rước chẳng đưa. Thôi mà, rổ rá cạp lại câu nệ chi ba cái tiểu tiết, quan trọng tình ăn ở cùng nhau. Khơi khơi không đẻ giờ có ba đứa con kêu bằng má hai như ai. Vậy là có nhờ há? Không dám đâu, ở đó mà nhờ. Hai đứa Hải, Thủy đến trường là một gánh kiền khôn. Áo quần, sách vở, học phí, học thêm… Trong hầu bao Tư móc ra, cả tiền cho thuê cái nhà ở Liên Trì. Trước, sáng nào Bảy cũng giặt đồ cho con, nay phần đó thuộc về Tư. Trước khi giặt Tư phải vo gạo nấu cơm. Phơi phóng xong là dậy cả nhà ăn sáng để kẻ đến trường, người đến chỗ làm. Cực vậy mà ngồi sau lưng chồng đến nơi làm việc, đời vẫn cứ phơi phới là phơi phới ơi.
 Hai đứa Hải Thủy quý má hai lắm. Gần hai năm chịu cảnh mồ côi, chúng đã thấm nỗi đau. Nay có kẻ tự nguyện làm hết phần của mẹ, còn bôn ba theo cha kiếm đồng tiền, không quý sao đang? Duy có thằng Sơn lầm lì ít nói, Tư chả biết tâm tình nó làm sao. Sơn gọi cha bằng ông xưng tui. Gọi má hai nhưng vẫn tui. Bảy không nói gì nên Tư không ý kiến. Mình có đẻ, có nuôi đâu mà dám nói. Kệ đi. Nói ra ưng lên nó xướng “Bà đâu phải má tui” là chết cha.
 Đời đâu phải mơ. Sông đâu mãi hiền hòa. Thời hiện đại chủ ruộng sạ lúa, máy suốt chạy ì ì. Cấy lúa nhổ mạ người ta không ngó. Đập lúa hả? Xin về thời nguyên thủy đi em. Bảy Mẫu dẫn vợ đi phụ hồ. Một tay ngoài Hà Tĩnh truyền cho cách cầm bay thả dọi. Bảy lên thợ. Có vậy hai đứa nhỏ mới leo qua được cái cầu cấp hai lên cấp ba… Chao! Cả cái xã Long Mỹ ai cũng ganh – Bà mẹ nó – con người ta ở với mẹ ghẻ mà ngon lành chưa kìa, học kỳ nào cũng xuất sắc, còn con mình… Tổ cha bây, đi mà xách dép cho anh em thằng Hải con Thủy… Hết ganh thiên hạ lại cười nhạo: “Mẹ Tư Nhà ngu tầm khủng à, ăn nhín nhịn thèm làm thân tò vò nuôi nhện, nuôi sâu, ba bữa ngồi tỉ ti khóc cho xem”.
 Cha chả. Thằng Hải vào đại học. Chao ôi là nhiêu khê, đủ thứ kèm theo. Hai vợ chồng thiếu cái hụt hơi. May thằng Sơn cũng có tí trách nhiệm, đóng góp để gọi là lo cho em. Nhưng khi con Thủy vào cao đẳng thì Sơn tập tành để ria mép, miệng phì phèo thuốc lá thơm có cả mùi hèm. Thanh niên mà, ai cũng vậy. Gần một chục năm Sơn ít nhiều là anh tốt, có vậy nó nói một em nghe một, hai nghe hai. Không một giỗ mẹ nào nó không bắt hai em ở nhà. Rõ, nó thương và quý mẹ lắm lắm… Giờ có tự cho mình tiêu hoang một tí cũng chẳng sao, càng không sao nữa khi Hải và Thủy cũng tự lo cho việc học, bằng cách dạy kèm cặp đâu đó ở phố thị.
 Hải xong năm ba. Thủy xong năm một. Trong một bữa ăn đủ mặt gia đình. Sơn nói:
 - Ba à, tui tính cất nhà ra ở riêng.
 Cả nhà tròn mắt.
 - Tui lấy vợ – Sơn nói tiếp.
 Thủy reo lên thích thú:
 - Cha… Anh hai lấy vợ, em có chị dâu nha.
 Bảy Mẫu:
 - Gia đình con đó ở đâu? Nói để ba và má Hai chuẩn bị.
 - Khỏi. Nó ở “goài goãi”. Cha mẹ chết hết rồi, ở với anh và chị dâu không nổi nên vô đây bán quán. Hai đứa tui thương nhau. Nhà mình đông lại hẹp, tui phải ở riêng.
 Bảy trầm ngâm. Hai đứa em buông chén. Còn Tư Nhà? Má Hai đâu có ý kiến gì, chung nhà cả chục năm, nhưng má Hai và Sơn chỉ tường nhau cái vỏ, tâm tư chả biết đâu mà lần. Thôi, im lặng là vàng ròng.
 - Thì đất đó – Bảy Mẫu nói – Phần của mày một phần ba. Còn lại hai đứa Hải Thủy là hết chín trăm. Một trăm còn lại là tao với má hai. Tao chia vậy luôn để khỏi tranh cạnh về sau. Mày muốn cất đâu đó thì cất.
 Sơn đi. Hai đứa sinh viên cũng lên đường. Hai cái đầu lốm đốm bạc cùng nhau bàn tính. Gì đi nữa, cũng phải lo cho nó cái cấp bốn… Đừng tưởng cấp bốn là đùa chơi. Bốn, mười lăm vị chi sáu chục mét vuông. Bạn Bảy Mẫu xắn tay áo, nay tao xây cho mày mai mốt bữa kia con tao lấy vợ mày xây lại. Giờ chỉ lo bữa nhậu là xong. Ê Bảy Mẫu, số mày phúc lớn bằng núi Tu Di mới gặp Tư Nhà. Bầy con mày rõ cái đẻ bọc điều.
 Tư Nhà vừa phụ hồ vừa lo cái ăn cho anh em thợ vừa bâng khuâng. Sắp có con dâu… Cảm giác nghe là lạ. Mà con đó ở đâu ta? Mặt mũi ra sao? Bán quán. Mà quán gì mới được? Cái thằng nói lấy vợ như người ta nói chơi, phải chi nó dẫn con nhỏ ghé qua nhà thì hay quá… Nhà lợp xong:
 - Bảy Mẫu nè – Bạn thợ bàn – Mày ráng đâu đó thêm vài bao xi, hai khối cát, tô bên trong cho nó lịch… Đâu có tốn tiền công mà mày lo.
 Ráng? Ráng đâu bây giờ? Tư Nhà cắp nón, đạp xe về Ba Cửa:
 - Mượn nhiêu? – Ba Cửa e hèm – Chừng nào trả? Thằng Sơn lấy vợ hả? Con nào? Trời đất “goãi” nào cũng không biết sao? Bán quán hả? A… dám cái quán Hoài Thương Hoài lắm à. Hôm nọ tao được thằng chủ dẫn vô quán đó rồi… gặp thằng Sơn trong đó luôn.
 Là sao? Tư Nhà ngơ ngác, Thì cô cứ vô thử quán đó rồi biết.
 Tư Nhà đạp xe về. Đường về đi ngang Hoài Thương Hoài, quán lá, tùm lum võng. Trưa nắng cháy ghé uống ly cà phê đá rồi về coi thử ra sao. Quán vắng. Một mụ, tuy sổ sể nhưng lông mày kẻ, mắt bén như dao. Túm tụm trên chiếu là sáu con đều ran mắt xanh môi đỏ đang xòe tứ sắc. Bốn con đánh, hai coi chơi.
 - Kiếm ai dzậy bà nội? Sổ sể hỏi.
 Trời đất! – Tư Nhà ngạc nhiên – Hỏi kỳ không? Quán xá khách vô hỏi thiệt kỳ. Cho ly cà phê đá, bà chủ. Khát nước quá.
 Cà phê bưng ra đánh cộp trên bàn, quay ngoắt người trở lại võng, chả tiếp… Xong ly cà phê, ngồi thêm một lát thấy chả động dạng, Tư dợm chân định về thì một chiếc đờrim trờ tới. Trên xe là hai anh tầm sáu mươi có lẻ. Tó xe mới đá xuống, hai trong sáu mặt hoa đon đả, chạy ra lôi tay kéo chân, thân tình như đã quen nhau tự kiếp nào… Khách được dìu vào tận bàn, chân gác lên đùi, tay xé khăn lạnh lau mặt cho anh… Còn hôn nữa. Mẹ ơi, Tư Nhà trố mắt, con nhỏ mười tám hai mươi hun người đáng tuổi cha chú mình. Cái nầy người ta bảo bán vốn tự có chớ quán xá gì. Mô Phật, mong là thằng Sơn không có quen cái loại nầy.
 Tư về nhà. Cái gì cũng phải thông qua khâu chờ đợi. Tuy lòng có mỏi, nhưng ngày thằng Sơn đưa vợ về ra mắt gia đình cũng phải đến. Hai đứa Hải, Thủy, cả Bảy Mẫu đều thú vị những nụ cười. Riêng Tư Nhà “Bồ Tát, Ma Ha Tát” trong tâm mong đừng là một trong sáu.
 Nhưng kìa. Không những là một trong sáu. Mà con nhỏ có tên Mây Hồng nầy lại là một trong hai…
***
 Tư Nhà muốn nói với chồng lắm, nhưng nói gì? Nói làm sao? Khéo lại mất lòng người mình chưa hiểu được. Không nói thì ậm à ậm ực. May quá vấn đề được Bảy Mẫu đặt ra. Té ra chồng cũng rành:
 - Sơn à – Bảy Mẫu nói – Con Mây Hồng bán quán ôm hả? Mày nghĩ sao mà quen với nó vậy?
 - Chuyện của tui – Sơn gằn giọng – Mặc kệ tui. Bán quán ôm không phải là người à? Tui thương ai tui có quyền lấy người đó… Nó có làm đĩ tui cũng lấy, miễn không giết người thì thôi.
 Sơn nhấn mạnh hai chữ “giết người”, Tư Nhà rõ mặt chồng tái mét, môi run run:
 - Mày…
 - Ông lấy bà Tư ai cấm ông? Bộ ông nghe bả hả? Con Mây Hồng nói hôm nọ bả có ghé qua quán. Rồi sao? Bà Tư cũng đâu có tốt lành gì, hai ba đời chồng rồi nối chấp với ông. Nói thiệt với ông, chuyện má tui chết tui không bao giờ quên đâu. Ông đừng có xen vào chuyện tui. Còn bà nữa – Sơn quắc mắt nhìn Tư Nhà – Bà méc với ổng hả? Bà nghĩ bà là ai? Là gì trong cái nhà nầy?
 Bảy Mẫu đứng phắt dậy. Hai tay ôm lấy ngực… Cái nầy gọi là giận dữ đây chớ gì. Tuổi cao, huyết áp cao, trưa nắng lại có tí men vào người. Tư Nhà đã nhiều lần cẳn nhẳn cằn nhằn rằng bác sĩ bảo ngưng lại, bớt lại. Cái gì Bảy cũng bớt được, nhưng rượu thì không. Còn nói, cái gì cũng bỏ hết rồi, có tí rượu bỏ nữa thì chết cho xong… Bảy ôm ngực lảo đảo, bước một bước và ngã ngang, chiều cao mét bảy, nặng tầm bảy mươi ký, đầu Bảy đập vào… cạnh của cây cột gỗ căm xe – cột vuông – cái chỗ hơn chục năm trước lấy mạng bà Bảy.
 Lần nầy là Bảy Mẫu.

***
 Tôi với Sơn là bạn, bạn thân. Hai bên gia đình cũng chỗ thân tình. Tôi có tí tình với Thủy. Cái thứ tình đơn phương, tuy thầm lặng nhưng cháy bỏng. Ba cái tình không dám nói nó làm khổ con người lắm lắm. Nhưng nói làm sao? Tôi không qua nổi lớp năm, gia đình nghèo túng phải dừng cuộc chơi chữ nghĩa, kiếm cơm với nghề cắt cỏ bỏ cho mấy nông trang nuôi bò. Một thằng lớp năm yêu một cô sinh viên nó giống như ông bà nói đĩa đòi đeo chân hạc. Đau cái, chưa mặc áo dài Thủy đã làm chết hồn tôi. Lên cấp ba, áo trắng tha thướt tôi càng đau tợn. Thủy rớt đại học, tôi mừng lắm, nếu nàng nghỉ học, tôi có cửa để hoài mong, ai ngờ cô vào cao đẳng… Lớp bảy, mẹ mất Sơn phải bỏ học theo tôi. Thân lắm nên mẹ Sơn vì sao mất tôi tỏ tường. Ngày ông Bảy qua đời, tôi đến phụ đám mà ớn lạnh khi nhìn cây cột lấy mạng cả hai ông bà chủ. Cha tôi cũng ớn:
 - Mẹ – Ông nói – Cái nhà đó có huông rồi, gặp tao, tao bán quách. Mà bây giờ có bán, người biết họ cũng không dám mua.
 Ông Bảy mất, cô gái có tên Mây Hồng cũng có một vành khăn sô. Sau lễ thất nhật, Hải, Thủy trở lại trường. Sơn và Mây Hồng có nhà riêng. Thú thật, tôi và Sơn lớn lên cùng nhau, hết cắt cỏ, đến phụ hồ rồi thợ. Đi đâu cũng có nhau cả mấy cái đèn mờ thời mở cửa, nơi quyến rũ bậc nhất bọn mới lớn. Tôi, nói thật nhé, không xạo đâu, cũng có tới, nhưng chả dám ôm ai vì quanh tôi đâu cũng có hình bóng Thủy. Sơn khác, nó đến và rồi không hiểu sao đắm Mây Hồng. Cô gái nầy với tôi không lạ, đã có lần cô ngả ngớn với tôi. May mà tôi không động dạng gì, nếu có, bây giờ chả biết ăn nói làm sao. Tôi không, nhưng những đứa khác chả từ, thấy Sơn lấy Mây Hồng cả bọn vỗ bụng cười. Đứa nào cũng “hả, trời ơi, trời đất ơi, thiệt vậy không?”
 Một tháng sau đám Sơn thoại mời tôi đến nhà chơi. Từ khi Sơn vợ chồng với Mây Hồng tôi không mặn tình lắm, nhưng nghe Sơn nói có cả Hải và Thủy nên tôi đến. Rõ cái si tình, nó luôn làm người ta mê đi, không tự biết thân mình.
 Nhà đủ mặt với bữa cơm thân mật, sau đôi ly. Sơn nhập cuộc:
 - Lô thổ nầy người ta ngã giá tao một tỉ. Cơ hội nầy có một. Đất đang sốt, không biết xuống lúc nào. Tao quyết định bán, hai đứa bây mỗi đứa ba trăm, còn phần tao bốn trăm vì hai đứa bây còn có cái vốn trí thức, tao dốt, hai đứa nghĩ sao?
 - Anh chia gì kỳ vậy? – Hải nói – Trước khi cất nhà cho anh, ba đã nói…
 - Đó là ổng nói. Miếng đất nầy nếu má không dùng tính mạng giữ lại thì giờ nó vô sòng xóc đĩa rồi. Tao đã quyết là phải vậy, Không bàn nữa.
 - Nếu không có phần của má hai, em không thuận ký bán đâu.
 Thủy nhỏ nhẻ (tôi yêu cái nhỏ nhẻ nầy lắm, chết được tôi cũng chết):
 - Anh Hải nói đúng rồi anh hai. Má Hai lo…
 - Lo cái gì? Tao không ân oán gì với bả hết, Oán ân là hai đứa bây, không phải tao. Muốn trả ân nghĩa gì bây cứ lấy phần bây mà trả nghĩa, tao không biết. Tao chia vậy là sòng phẳng, bây chả nợ nần gì tao… Tao cần vốn làm ăn.
 - Thôi – Má Hai xen vào – Đừng tính phần của má trong căn nhà nầy. Má cũng có nhà, mấy con yên tâm đi.
 - Rồi, vậy đi.
 Nói xong Sơn đứng dậy. Tôi cũng bước.
 Hải vói theo, giọng có vẻ giận:
 - Tôi không ký bán đâu.
 - Em cũng vậy – Thủy nói.
 Tôi theo Sơn ra bờ suối Cả, nơi mà mỗi khi buồn chúng tôi vẫn đến để tâm sự. Nằm gối đầu lên tay, tôi nói:
 - Mày xử sự vậy là không phải đâu. Không có dì Tư, dễ gì em mày được như hôm nay.  Tao nói thật, còn sống chưa chắc má mày đã làm được như dì Tư đã làm. Mày có ăn miếng cơm bả nấu không? Bả có khi nào giặt áo quần cho mày chưa? Đừng nói với tao là chưa nghe. Mày có ăn miếng cháo, uống liều thuốc bả đưa khi mày bịnh hoạn không? Chắc không đâu há? Em mày sẽ nghĩ gì khi mày xử như vậy? Thôi tao về…

***
 Nửa đêm ba thức tôi:
 - Tuấn, dậy đi. Thằng Sơn kiếm mày.
 Tôi cực ngạc nhiên khi đồng hồ điểm một giờ sáng:
 - Mày đi đâu giờ nầy vậy? Có gì không?
 Yên lặng rất lâu. Và mọi chuyện lần lượt thòi ra. Kết luận Mây Hồng đã ôm sạch tiền bạc của Sơn một đi không trở lại.
 - Thật đáng buồn – Tôi nói.
 - Mẹ nó – Sơn chửi thề – Con khốn kiếp. Giờ tao không biết ở đâu.
 - Hải và Thủy bây giờ ở đâu?
 - Hai đứa mua lô thổ của Hai Nho ở ấp xóm Gốc, giờ đang ở đó.
 - Còn dì Tư? Bả sao rồi? Mày…
 - Tao cũng có giao một trăm cho hai đứa Hải Thủy biểu tụi nó đưa cho má Hai. Tao cũng hơi quê, khi nghe mày nói tao vô cảm. May mà đưa, nếu không giờ này tao chết cũng không hết cái nhục.
 Tôi châm bình trà, yên lặng nghe Sơn thở dài. Chả biết nên sao với nó… Ba tôi bảo:
 - Con với thằng Tuấn, sáng mai đến Liên Trì thăm bà Tư, hỏi thăm sức khỏe bả, gì bả cũng má bây hơn chục năm nay.
 Sơn ảo não:
 - Con còn mặt mũi nào nhìn má Hai nữa chú. Con tệ quá.
 - Nghĩ được như vậy là tốt rồi. Người còn của còn, mày đừng buồn. Không có gì quan trọng đâu, người già nhớ nhiều về kỷ niệm lắm, họ không chấp đâu. Tin tao đi.
 Tôi đưa Sơn đi. Bây giờ nó thật sự không còn gì. Cả cái xe cũng bị tình mang theo mất dạng. Thật ngậm ngùi. Càng ngậm ngùi hơn khi nhìn mái tóc muối nhiều hơn tiêu của bà Tư. Mắt đăm chiêu đầy xa vắng. Bà hỏi:
   - Con khỏe không Sơn?
   - Dạ – Sơn trả lời – Con khỏe lắm, má Hai.
 Tôi đưa mắt nhìn căn nhà. Trời ơi. Nhà cất từ thuở nào, thời gian làm mái tôn thủng lỗ chỗ. Mấy cây đòn tay bằng gỗ, mọt rơi trắng xóa. Sơn hỏi:
   - Sao má không sửa lại nhà hả má? Dzầy rồi mưa làm sao ở?
 Tiếng ông Ba Cửa oang oang làm hai chúng tôi giật mình:
   - Mày hỏi tao nghe thiệt buồn cười. Tiền đâu mà sửa? Má hai mày lấy chồng nuôi con chồng hơn chục năm, chồng chết chia được cái nón rách, lấy gì mà sửa chữa?
 Tôi và Sơn trố mắt. Ngay tức khắc tôi hiểu, nhưng Sơn không, nó nói:
   - Ủa, thằng Hải, con Thủy không đưa tiền cho má sao? Con có đưa cho má một trăm triệu mà?
 Tôi không chận được lời Sơn nói. Chao ôi là đau đớn, tôi thấy rõ vẻ ngơ ngác trong mắt bà Tư. Chắc bà hy vọng lắm niềm thương yêu của hai đứa con chồng mà bà rất nhiều tâm huyết mong chúng nên người. Giờ đây cái đứa bà không hiểu mấy, đã ít nhiều nặng nề với bà, lại thế nầy đây. Bà có cần không một trăm triệu ấy? Cần chứ, nhà mục nát, ông anh bà chị mỉa mai. Số tiền ấy ít nhiều cũng tạm cho bà khi già xế bóng. Vậy mà… trời ơi.
 Ngay lập tức Thủy trong lòng tôi mất sạch.
---------------------------------------------
* nguồn: Báo Văn Nghệ số 19 ngày 12/5/2012


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét