Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

chắp tay dòng đời (kỳ 2) - võ chân cửu



Tu…thơ

Những đọt lá trạng nguyên đã bắt đầu nhuốm đỏ; hoa dã quỳ ven giậu vàng rơn…Từ phút giây hiện hữu, các thi sĩ vẫn muốn soi tìm đến ngọn nguồn của tạo vật. Rồi diễn tả nó bằng âm điệu, ngôn ngữ của riêng mình...
Nếu có ai hỏi những giây khắc hiện tại đang làm gì? Có thể họ sẽ chọn câu trả lời cho xong chuyện: “đang đi…tu”.

Giữa thời đại khủng hoảng các giá trị tinh thần, phía đầu dây bên kia có khi lại vang lên câu: Hay quá, vậy cho tôi theo với!

Hóa ra từ thuở sơ khai, “tu” đã là một nhu cầu thiết thực của mỗi con người từ khi họ bắt đầu ra khỏi bụng mẹ và dần dần giã biệt năm tháng ấu thơ thiên đường. Tu, rõ ràng là một nhu cầu có thực, để mỗi người tìm về với bản thể, hạnh phúc của riêng mình. Như vậy, ai đó nếu muốn theo, liệu có theo nổi không!

Thật đáng tiếc khi người đời và sách vở vẫn chỉ hiểu “tu” như khái niệm gắn liền với tôn giáo. Các từ điển tiếng Việt vẫn cho rằng: tu là tách mình ra khỏi đời sống thường ngày theo giới luật của một tôn giáo! Do vậy với nhiều người, theo quan niệm tôn sung vật chất, khái niệm “tu” thường đi kèm với mất mát. Nó bắt đầu bằng chữ “t” nên là hậu quả của chuỗi trần tục: tình, tiền, tội, tu, tù, tự tử… Người đi tu coi như từ bỏ những “sung sướng” trên cõi đời! Thống kê thế giới cho thấy: 2/3 con người sống ở đời đều theo một tôn giáo nào đó. Học thuyết Marxism khi phổ biến cũng đã trở thành một thứ tôn giáo, ngày càng trở nên mù quáng. Kể cả nhiều nhà phê bình văn học thuộc loại hàng đầu ở Việt Nam hôm nay, khi tranh biện cũng liền cất cao khẳng định: chúng ta là những người duy vật biện chứng!

Chối từ giáo điều

Giai đoạn 1968-1975, các thi sĩ Miền Nam vẫn là những người muốn chứng tỏ trước tiên rằng mình không phải là người của các giáo điều! Bằng cách nào?

Tu, trước tiên là phải từ bỏ nhục dục xác thịt. Năm 1973 thi sĩ Nguyễn Đức Sơn từ núi rừng Bảo Lộc, đang cạo đầu, mặc áo nhà sư xuống tìm tôi, khoe bản thảo tập “Tịnh Khẩu” sắp giao thầy Thanh Tuệ, NXB An Tiêm in. Trong đó có một bài thơ chỉ hai câu, nhưng là một sự phá cách trong kỹ thuật thơ, cũng là nhát dao đâm vào cõi thần quyền:

Thầy tu

Đ…

Những năm tháng này, sức mạnh xã hội được chợ đời và báo giới tổng kết thưộc về 4 nhóm người: nhất đĩ, nhì sư, tam cha, tứ tướng ! Trước đó 2 năm, S, một nhà thơ xứ Huế, quen tôi ở Quy Nhơn, lúc này mới “dấn thân” vào Sài Gòn làm thư ký tòa soạn cho một tạp chí văn nghệ chuyên hô hào đấu tranh. S cố tình đem tôi ra mỉa mai: Bây giờ ngày càng xuất hiện nhiều bút danh như… thầy tu!

Lúc này, tôi đã bắt đầu đăng thơ thường xuyên trên các tạp chí. Tôi lại nhà in trên đường Phan Thanh Giản, nơi tạp chí mượn địa chỉ làm tòa soạn, cả hai đi uống cà phê, anh ta cười hề hề: tôi đâu nói cậu! Về sau tôi mới biết lúc đó y đã vào đảng. Nên chẳng ngạc nhiên khi Trần Tuấn Kiệt, mặc dù lúc này vẫn mê mẩn: Hỡi người con gái bến Tân Quy/ Nàng hát ta nghe tiếng hát gì… nhưng lúc cao hứng vẫn tuyên bố: sẽ đứng ra lập một “Đạo” mới!

Làm “thầy” là điều tôi chưa bao giờ nghĩ tới (đến hôm nay tôi vẫn chưa hề được làm lễ quy y hay rửa tội). Nhưng “tu” vẫn là một nhịp thở khá gần gũi. Bạn tôi có khá nhiều nhà tu, và những lúc tôi cạn túi, các “thầy” vẫn tới nhà, móc tiền ra đưa tôi đi mua đồ ăn mặn.

Một người bạn, anh Hồ Ngạc Ngữ, trong những ngày trốn lính cũng nhiều lần tìm cách độ than dưới những mái chùa. Nhưng Ngữ cũng đã xuất thần làm ra bài thơ “Tâm Ảnh” chỉ có 3 câu, nhưng rất sâu lắng:

Vì sao người đi tu

Bỏ vầng trăng biền biệt

Chết dưới đáy sông thu!

Tôi từng hỏi Ngữ sao lựa chữ “người” mà không phải là “nàng”? Ngữ nói: “chỉ như vậy là người đọc sẽ cảm được!”. Thì ra với cõi đạo cũng như cõi đời, nhà thơ luôn nhận ra cái đẹp gắn với niềm thánh thiện: Như với Nguyễn Tất Nhiên: Em hiền như Ma Seour…

Không dễ

Người ta có thể lý giải: khi thời cuộc phô nhiều cảnh khốn nạn, con người mất niềm tin, thì họ lại đi tìm sự cứu rỗi ở những niềm linh thiêng. Với nhà thơ thì không hẳn hoàn toàn như thế. Trước tiên họ muốn tìm sự yên bình. Mà cái đẹp thì luôn là vĩnh cửu. Do vậy sau những giờ lây lất, đánh vật với dòng đời, bù khú với bạn bè xong, họ vẫn có xu hướng tìm tới một chốn thiên nhiên yên bình của riêng mình. Họ ít dựa vào một đấng tối cao cứu rỗi. Những năm này, ra Đà Nẵng, tôi vẫn thường hẹn với Vũ Hữu Định ở nhà Đoàn Huy Giao ở vùng biển Sơn Trà phía bên kia cầu sông Hàn, cạnh các Tổ Đình của các tu sĩ Phật giáo ở chùa Hưng Quang đường Minh Mạng mà tôi quen hồi ở Sài Gòn. Căn nhà khuất trong những rừng dương và cồn cát. Định vẫn hay tá túc ở đây. Vợ Giao qua đời đã mấy năm, lúc này anh sống một mình, nuôi con. Chúng tôi uống rượu xong, nằm mỗi người một góc nhà, nghe tiếng song vỗ rì rào ngoài bãi. Chính từ lúc này, Vũ Hữu Định đã biểu lộ suy nghĩ của mình qua những câu thơ về đạo và đời, mà sau này anh đã đưa vào trong “Bài thơ năm 41 tuổi (1981)”, tiên tri tổng kết cuộc đời mình:

…“Thần thánh trăm ông,

Chẳng phục ông nào.

Ông nào cũng tốt,

Ông nào cũng tào lao”.



Có người phân tích vùng đất Nam Trung bộ (từ đèo Hải Vân trở vào) là nơi trực tiếp va chạm giữa các nền văn minh Trung Hoa, Ấn Độ và các nước Nam Đảo (hệ văn minh Phù Nam), lại từng xảy ra các trận chiến ác liệt giữa các bộ tộc, vương triều; núi cao sát biển bày cảnh thiên nhiên kỳ bí và hùng vĩ. Nên con người ngoài xu hướng hiếu học để chiến thắng thiên nhiên và thiên tai, còn nẩy sinh xu thế đạo học nhằm giải quyết sự xung đột giữa con người và nghịch cảnh xã hội. Tính tình họ, vì vậy trở nên cực đoan, tin vào điều gì thì cho rằng đó là chắc nịch, tìm cách đi tới tận cùng khám phá. Từ đó nên trong thơ, có người sa vào tìm sự kỳ bí của âm thanh, có khi quên hẳn ngữ nghĩa. Ngôn ngữ diễn đạt thành vần điệu có khi trở thành một loại bùa chú tôn giáo. Ở Quảng Nam, Đà Nẵng lúc này, xu thế đó biểu lộ rất rõ trong những bài thơ “chơi âm thanh”. Như của Phạm Phú Hải trong âm hưởng Thiền ám ảnh với âm “A,AA,AAA,AAAA…(tựa một bài thơ). Hay với A Khuê trong âm hưởng những điệu Thánh Ca:

Ta là không bóng không hình nàng ơi

Sao ta đày ải cuộc đời trăm nơi

Ta còn đây hay ta mất hút

Trong nhà lớn bao la đất trời.



Và cả Nguyễn Lương Vỵ cho đến tận bây giờ với sự mải miết đi tìm những “thất huyền âm”, “lục huyền âm”… Có thể đó là một cách “tu” trong âm điệu và ngôn ngữ của các nhà thơ.

Còn tôi, sau những ngày nghêu ngao ở Đà Nẵng, lại ngược vào những mảng vườn xanh êm đềm bên dòng Trà Khúc Quảng Ngãi, với các anh Khắc Minh, Vương Thanh, Trần Thuật Ngữ… Rồi những mặt đầm sóng vỗ của đất Quy Nhơn, Nha Trang… Hơn lúc nào hết, giữa thiên nhiên và con người cần có sự hòa điệu. Và âm điệu của thơ ca phải kết được nhịp mới cho sự hòa điệu này. Nếu chuyên “tu”, chỉ đi vào một cõi, không khéo rơi vào cảnh “tẩu hỏa nhập ma”… Tu… thơ cũng phải cho đúng “pháp”!
 ----------------------------
* nguồn: blog nguyenmienthao
[còn tiếp]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét