Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

chuyến xe lam ngày tết - huỳnh như phương











Ra khỏi nhà ga Quảng Ngãi, tôi đón xe Honda ôm xuống bến xe thị xã. 
Đợt gió mùa vừa thổi qua còn để lại những chiếc áo len mỏng trên đường phố. Buổi trưa nắng, vài chiếc xe lam nằm im đợi khách, mấy bác tài đi uống cà-phê ở đâu đó. 
Một người đàn bà buôn chuyến khuyên tôi cứ đón “xe gió” mà đi, chứ chờ xe đủ khách mới xuất bến thì lâu lắm! 
Một bà khác lại bảo, thà chờ ở đây còn khỏe hơn đi “xe gió”, nó cứ đảo tới đảo lui đón khách bắt chóng mặt, càng mệt thêm.
Tôi xách túi đi loanh quanh định tìm chỗ ăn trưa. 
Mấy năm nay thị xã xây dựng thêm nhiều cơ quan, khách sạn bề thế, nhà quét vôi mới, đường mở rộng hơn. 
Chỉ mấy bước chân, tôi đã về lại trường cũ thời trung học, trường Trần Quốc Tuấn. 
Sân trường im vắng: học trò đã nghỉ Tết. 
Tôi đứng thẫn thờ trước cổng trường đã khác xưa, nhớ thầy và bạn. 
Lớp chúng tôi một nửa từ trường cấp 2 quận lỵ chuyển ra. 
Buổi học đầu tiên năm lớp 10, thầy giáo chủ nhiệm điểm danh và bỗng dừng lại khi đọc tên một người bạn cùng lớp với tôi ở trường quận: Nguyễn Tô-Rê. Cái tên ngộ nghĩnh này từng là đề tài cho chúng tôi trêu chọc. 
Thầy nở một nụ cười hóm hỉnh: các anh chị có biết Tô-Rê là ai không? 
Chúng tôi ngạc nhiên, im lặng. 
– Đó là Maurice Thorez, cố tổng bí thư Đảng Cộng sản Pháp! 
Cả lớp cùng ồ lên. 
Thì ra cha của Tô-Rê đã đặt tên cho con như thế trước khi đi tập kết ra miền Bắc. 
Vậy mà lâu nay chúng tôi không ai biết gì về nguồn gốc cái tên của bạn mình… 
Cuối năm học đó, Tô-Rê làm lại giấy tờ, đổi tên mới. 
Nghe nói bây giờ bạn ấy đang giữ một trọng trách trong việc xây dựng khu công nghiệp Dung Quất.
Những ngày học ở trường Trần Quốc Tuấn còn lưu giữ trong tôi hình dáng cao gầy và những tình cảm đẹp của thầy Huỳnh Châm, người thầy giáo tâm huyết, mặc dù thầy không dạy lớp chúng tôi. 
Tết Nhâm Tý 1972, khi chủ biên tờ giai phẩm xuân của trường, thầy đã cho đăng lên trang đầu bài viết “Bài học nào dành cho chúng ta?” của tôi. 
Vì bài báo đó mà cả thầy và tôi đều bị “hỏi thăm sức khỏe”. 
Thầy Châm đã mất trong cảnh nhà chật vật; mấy năm trước anh Nguyễn Đăng Trình có làm một bài thơ thật cảm động về thầy. 
Trong bạn bè tôi không biết có ai còn lưu giữ tờ nội san cũ làm kỷ niệm?
Khi tôi trở lại bến xe, chuyến xe đã gần đủ khách. 
Tôi tìm được một chỗ ngồi giữa những người trong quê đi ra thị xã sắm Tết, sàn xe đầy những giỏ xách với vải vóc, trái cây, bánh kẹo và những bình hoa nhựa… 
Mấy người phụ nữ hình như vừa ở tiệm uốn tóc ra, râm ran cười nói. 
Xe lam là phương tiện phổ biến nối liền quê tôi với thị xã. 
Ngày trước đó là xe Lambretta hay Lambro ba bánh, ngày nay đã được thay bằng xe Daihatsu bốn bánh, nhưng người ta vẫn quen gọi là xe lam. 
Ngoài hai hàng ghế hai bên, bác tài còn đặt thêm một băng ghế gỗ ở giữa, thành ra các hành khách ngồi gần chạm vào đầu gối của nhau. 
Phía sau, mấy cậu thanh niên dạn dĩ đứng bám vào thành xe, hễ có dấu hiệu xuất hiện cảnh sát giao thông kiểm tra dọc đường, thì bác tài lại hối thúc các hành khách này ép người giấu vào lòng xe. 
Chỗ ngồi phía trước bên cạnh bác tài thường ưu tiên cho cụ già, nếu không thì dành cho một cô nàng mặt mày sáng sủa, có duyên. 
Không biết nhờ vậy mà bác tài lái xe an toàn hơn, hay trái lại!
Xe qua Núi Bút, La Hà, cầu Cây Bứa, Sông Vệ, rồi Quán Lát – những địa danh gắn liền với thời niên thiếu. 
Sau Quán Lát đến Mỏ Cày. 
Vùng này mang tên trùng với một địa danh ở Bến Tre, theo tiến sĩ Lê Trung Hoa – nhà danh học và là một người đồng hương của tôi, vì khúc quanh của con đường cũng có hình dáng cái mỏ cày như một đoạn sông Hàm Luông vậy. Thời chiến tranh, đây là khúc đường nguy hiểm nhất, cứ vài ba hôm lại có một cuộc đọ súng hay tiếng nổ bom mìn. 
Biết bao nhiêu người đã chết trên đoạn đường ngắn đó. 
Ở thị xã cuối tuần về thăm nhà rồi trở lại trường, sợ nhất là đi qua Mỏ Cày. 
Từ nhà, tôi thường gởi xe đạp theo xe lam, đến Sông Vệ mới biết là bình yên, thong thả xuống xe vào quán ăn một tô mì Quảng (Mì Quảng Sông Vệ bây giờ có còn như xưa?), rồi từ từ đi xe đạp ra thị xã.
Đường số 1 từ thị xã về quê tôi đã được sửa chữa và tráng nhựa nhiều lần, nhưng hai chiếc xe tải tránh nhau cũng còn khó. 
Ruộng lúa sạ ngay sau mùa lụt đã kịp lên xanh. 
Mọi năm, gần Tết, các vườn rau hai bên đường vàng rực những vồng hoa cải và những luống vạn thọ. 
Năm nay, cơn lũ kéo dài, cây lá không kịp ra hoa đón Tết. 
Nhưng niềm vui vẫn cứ òa vỡ theo những đoàn xe gắn máy đi rước dâu gặp trên đường. 
Lại có dịp cho các bà các cô trên xe bình phẩm về y phục và cách trang điểm của cô dâu chú rể. 
Xe chạy ngang Thi Phổ là quê hương một thầy giáo dạy Pháp văn của tôi. 
Thầy làm thơ, ký bút hiệu Nhan Thùy Diên, tự bỏ tiền xuất bản một tập thơ có tên Đường về làng Thi
Làng Thi chính là làng Thi Phổ đó!
Đang lúc tôi mơ màng với những bài thơ về làng Thi mà thầy tôi đọc cho nghe trong một lớp học tư gần nhà thờ thị xã, thì chuyến xe lam gặp phải sự cố. 
Vấp một ổ gà trên đường, xe bị xóc mạnh và bỗng dưng từ trên mui xe rơi xuống những giọt nước, gió tạt vào người một thứ mùi mằn mặn. 
Thì ra mấy thùng nước mắm Châu Ổ mà các bà, các chị mua về ăn Tết, để trên mui xe bị nghiêng đổ. 
Hành khách la lên oai oái khiến bác tài phải dừng xe buộc lại hàng hóa. 
Nhưng đến khi xe chạy, những giọt nước mắm vẫn tiếp tục bay vào tóc mọi người. 
Các bà các chị lại được dịp cười đùa: “Có cái mùi này, mấy bữa Tết bọn mình khỏi tốn tiền mua nước hoa”. 
Một chị nhìn tôi bằng cái nhìn tinh quái: “Anh Hai về quê ăn Tết lần này, trở vô Sài Gòn nhớ hoài mùi nước mắm Châu Ổ nghen!”. 
Nói vậy rồi chị lại lấy tấm áo mưa căng lên trần xe để che cho chúng tôi khỏi những giọt nước mắm. 
Tôi ngồi co ro dưới tấm ni-lông của chị cho đến khi chiếc xe lam qua khỏi thị trấn Đồng Cát và dừng bánh bên gốc dương liễu già trước ngõ nhà của ngoại tôi.
Hai hôm sau, trong đám cưới đứa em gái, phía họ nhà trai có một người đàn bà quen quen, tôi ngờ ngợ như đã gặp chị ở đâu rồi. 
Còn chị thì cứ nhìn tôi cười tủm tỉm. 
Khi vào tiệc, chị đến ngồi cạnh tôi và nói bên tai: “Ông anh đã kịp tẩy hết mùi nước mắm Châu Ổ chưa?”.
Hóa ra đó là người bạn đồng hành trên chuyến xe lam một chiều giáp Tết...
-----------------------
* nguồn: xunau.org


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét