Thủy đến ga Hòa Hưng vào lúc hơn mười một giờ khuya để đáp chuyến tàu tốc hành Nam-Bắc SE 4 khởi hành lúc 23:45. Nàng kéo lê chiếc va-li nhỏ đi ngược về phía đầu máy để tìm toa số 8. Một trong hai bánh xe nhựa của va-li bị kẹt thế nào đó không lăn được, mài xuống sàn xi-măng kêu sột soạt khiến nàng phải dừng lại. Cố tìm cách sửa nhưng thất bại, cuối cùng nàng đóng tay kéo lại để xách tay. Cũng may va-li nhẹ vì chỉ có mấy bộ quần áo, mỹ phẩm, thuốc uống và những thứ lỉnh kỉnh khác.
Ga vắng. Hành khác vội vội, vàng vàng lên
tàu, tìm chỗ của mình để ngủ. Vào giờ ấy chẳng ai để ý đến ai, họ lầm lũi như
những cái bóng. Với chiếc Jean’s bạc màu và áo thun màu rượu vang, đôi dép da,
nàng cảm thấy thoải mái với cái vẻ bụi bụi của thời sinh viên. Khi tàu bắt đầu
chuyển bánh, nàng cũng đã chuẩn bị xong giường ở tầng trệt, để chiếc điện thoại
di dộng dưới gối trước khi nằm. Phòng của nàng có bốn giường, một người đàn ông
lớn tuổi ở giường bên cạnh và một cặp vợ
chồng trẻ ở hai giường tầng. Khi chào làm quen lúc mới lên tàu, nàng được biết
người đàn ông tên Huân, sống lâu năm ở
Sài Gòn, về thăm quê ở Phù Cát. Ông nằm im nhưng có lẽ không ngủ vì thỉnh
thoảng ông trở mình, nghiêng bên nầy, bên kia. Cặp vợ chồng trẻ đi hưởng tuần trăng
mật ở Nha Trang. Họ lên tàu sau nàng, chỉ nói với nhau mấy câu khi sắp xếp chỗ
nằm. Anh chàng mãi nghe nhạc từ chiếc walkman, còn cô nàng thì liên tục “chat”
với ai đó từ chiếc điện thoại di động.
Nàng cảm thấy thích thú với chuyến đi.
Đến mãi ba giờ chiều nàng mới nảy ý định về Quy Nhơn thăm mẹ. Nàng đang trải
qua những ngày nặng nề và cần một chuyến đi để thoát ra. Nàng báo tin cho chồng
lúc 10 giờ khi anh thấy nàng xếp hành lý. Anh không tỏ ra ngạc nhiên, chỉ gửi
lời thăm mẹ vợ.
Thuận, chồng nàng, thường về muộn do công
việc. Họ chỉ nấu ăn vào cuối tuần, nếu đi chơi thì ăn ngoài hoặc mua cơm hộp
mang về nhà ăn. Cưới nhau hơn một năm, sống chung trong căn hộ hai phòng ngủ ở
Khánh Hội, họ vẫn như hai sinh viên “độc thân” hùn nhau thuê nhà ở chung, việc
ai nấy làm, đi về tùy thích. Thuận là người bán hàng cho một công ty nước ngoài
nên thường đi đây đó. Còn nàng thì làm kế toán cho một ngân hàng lớn. Lương của
họ đều tính bằng đơn vị trăm đô-la Mỹ, nên chẳng phải vất vả cơm áo gạo tiền.
Mỗi người có tài khoản riêng. Trước khi cưới họ đã thỏa thuận với nhau các
khoản chi tiêu chung và tiết kiệm mỗi tháng để cùng đóng góp. Nàng được quản lý
ngân sách chung ấy, “công khai tài chính” hàng tháng. Ngoài ra, tiền ai nấy
biết, nấy giữ, nấy xài; đó là khoản riêng tư không ai được tìm hiểu, kiểm soát.
Riêng căn hộ Thuận mua trước ngày cưới bằng tiền riêng của anh và một phần của
cha mẹ cho, đâu khoảng một tỷ tư. Nàng chỉ nghe anh nói vậy, không biết chi
tiết vì thực lòng nàng không quan tâm lắm. Cho dầu sau nầy không còn ở căn hộ
đó chắc nàng cũng không lưu luyến gì, nó giống như những nơi mà nàng đã ở trọ
suốt những năm lưu học ở Sài Gòn và đi làm trước khi lấy chồng. Suốt ngày ở nơi
làm việc, đi mua sắm, gặp gỡ bạn bè, tối mò về nhà tắm, lên giường với chồng và
ngủ. Ngày nào cũng thế…
Lúc mới cưới nhau, hai vợ chồng dự định
năm sau sinh con, nhưng đã trải qua hơn 16 tháng mà nàng chưa nghe Thuận nói
chuyện con cái, có thể anh không còn nhớ. Nàng không nhắc vì cũng thấy chưa tha
thiết làm mẹ lắm, mặc dầu sắp bước sang tuổi ba mươi. Có lẽ, nếu có con thì mọi
sự sẽ khác, có thể căn hộ sẽ trở thành “tổ ấm” như người ta vẫn nói. Có thể
Thuận sẽ dành nhiều thời gian cho gia đình hơn vì làm cha khác với làm chồng
rất nhiều, người vợ không chỉ là người đàn bà ngủ chung giường mà là mẹ của con
mình.
Khi tàu qua khỏi ga Sóng Thần, nàng nhận
được tin nhắn của Thuận “Have a nice trip”, một mẫu câu có sẵn trong MP. Nàng
trả lời “Tks”. Nàng biết giờ nầy Thuận vẫn còn ngồi trên máy tính để vào
internet hoặc giao dịch bằng mail với công ty mẹ vì lúc nầy ở Mỹ là buổi sáng.
Nàng có thói quen ngủ sớm và khi Thuận lên giường nàng thường bị đánh thức để
chiều chồng và sau đó nàng không ngủ được cho đến sáng trong khi Thuận ngủ say
như chết. Lặp đi lặp lại chuyện đó khiến nàng dần dân mất cảm hứng và nhiều lần
nàng từ chối yêu cầu của chồng. Cả hai đều biết chuyện đó sẽ dẫn đến đâu nhưng
chưa có dịp ngồi với nhau để tìm cách giải quyết. Nàng thông cảm cho chồng vì
thật ra anh không còn khoảng thời gian nào khác dành cho vợ và cho mình. Nàng
nghĩ Thuận đủ hiểu biết và kinh nghiệm sống để thấy vấn đề và giải quyết nó. Sự
chờ đợi càng kéo dài càng khiến nàng buông xuôi, thậm chí không còn quan tâm
nữa.
Nhiều lần nàng tự hỏi mình có yêu chồng
không nhưng không tìm ra câu trả lời xác định, bởi nàng chưa chắc mình đã từng
yêu anh kể từ khi quen biết nhau. Có lẽ, tình yêu là có thực nhưng nàng không
may mắn có một mối tình đích thực. Vả lại, tình yêu đích thực là thế nào đến
giờ nàng vẫn còn mù mờ. Trước khi gặp Thuận, nàng cũng có bạn trai, có một vài
người tỏ tình nhưng nàng không đáp lại vì nàng chỉ xem họ là bạn. Cuối
cùng, nàng chấp nhận quan điểm rằng ai
lớn lên cũng có đôi có cặp, gặp một người “coi được” thì cặp đôi, rồi lấy nhau.
Thuận thì dư các tiêu chuẩn để một cô gái kén làm chồng: cao ráo, đẹp trai, du
học nhiều năm ở Mỹ, việc làm tốt, lương cao… Thế là nàng đồng ý lấy anh khi
được cầu hôn. Khi ấy nàng đã bước sang tuổi hai mươi tám, không còn nhiều thời
gian để kén chọn. Có lẽ, Thuận chọn nàng cũng với những tiêu chuẩn riêng nào đó
mà nàng không biết.
Giống như những hành khách đang có mặt
trên toa tàu này tình cờ gặp nhau, cùng đồng hành vì có chung những chọn lựa:
chuyến tàu cuối, giường nằm mềm, có máy lạnh, giá vé… Họ ở chung một phòng với
nàng lúc khởi hành nhưng rồi có kẻ sẽ xuống ga Nha Trang, Diêu Trì… với một câu
chào từ biệt vội vàng hoặc lặng lẽ bước xuống tàu và biến mất sau cánh cửa nhà
ga. Chẳng có cơ may nào những người đồng hành ấy gặp nhau lần nữa.
Con người vốn là “sinh thể độc lập” được
tạo ra từ cái noãn, con tinh trùng cũng là hai sinh thể độc lập. Những sinh thể
ấy với số phận riêng, tình cờ phối ngẫu, đồng hành với nhau. Tuy cùng đi trên
chuyến tàu tốc hành bất tận trong cuộc đời nầy nhưng chúng vẫn độc lập, vẫn rất
riêng tư – đó là những kẻ đồng hành cô đơn.
Nàng vẫn thức và dường như những người
đồng hành đã yên giấc. Cũng như nàng có khi ai đó còn thức mà tưởng người khác
đã ngủ. Con tàu chạy xuyên màng đêm, chẳng biết đang ở địa phương nào, chẳng
biết ngoài kia là xóm làng, phố phường, đồng ruộng hay rừng núi. Quả đất cũng
đang trong cuộc du hành lặng lẽ trong không gian tối đen vô tận chở theo tỷ tỷ
con người, cùng thập loại chúng sinh trong đó có những sinh linh trên con tàu
nầy. Mặt trời cũng đang du hành bất tận trong giải ngân hà mang theo trái đất
và những hành tinh khác… và giải ngân hà cũng thế, cũng chuyển động như thế.
Nhỏ nhoi và minh mông, lầm lũi và sống
động.
Nàng chìm vào giấc ngủ với những ý nghĩ
miên man ấy.
Nàng bị đánh thức khi tiếng loa báo đến
ga Nha Trang. Ngoài sân ga trời vừa sáng. Qua khung cửa kính, nàng nhận ra nhà
ga quen thuộc theo kiểu thuộc địa. Cặp vợ chồng trẻ leo xuống từ giường tầng.
Họ có vẻ còn ngái ngủ, không quên chào nàng và
ông Huấn. Ông ta bắt tay chàng trai và chúc họ có tuần trăng mật vui vẻ.
Và họ biến mất ở cuối hành lang toa tàu. Thay chỗ họ là hai công chức đi dự một
cuộc hội thảo ở Nha Trang, một người than mệt vì cuộc nhậu đêm rồi với đám bạn
học cũ cùng khóa. Anh ta leo lên giường, nằm im như xác chết.
Khi
tàu rời Nha Trang, nàng ngồi ngắm cảnh qua khung cửa kính. Ông Huấn gợi chuyện:
- Cô về Quy Nhơn thăm nhà?
- Dạ… Nàng chợt nhớ khi mới lên tàu nàng
đã điện cho mẹ báo giờ tàu đến ga Diêu Trì và sẽ đi taxi về, bảo chị khỏi đón.
Chắc ông ta nghe cuộc điện đàm ấy. Nàng hỏi xã giao:
- Bác chắc sống ở Sài Gòn lâu lắm?”.
- Từ trước 75. Lúc đó tôi đang học ở Sài
Gòn, giải phóng vào tôi ở lại luôn cho đến giờ… nay về hưu, rảnh rỗi tôi thường
về quê chơi.
- Bác ở trong đó lâu quá… Nàng muốn kết
thúc cuộc chuyện trò để ngắm cảnh bình minh, mặc dầu nàng có thiện cảm với ông
vì ông hao hao giống cha nàng.
- Mới đó mà gần bốn mươi năm. Nhanh thật.
Sống lâu trong đó mà vẫn thấy như người ở trọ, vẫn như dân ngụ cư. Mỗi lần về
quê, được thấy núi, thấy biển là thấy vui…
Ông ta có đôi mắt sâu giống như cha nàng.
Tuy không được sống gần cha nhưng nàng rất thương ông và thích ngắm đôi mắt của
ông mỗi khi hai cha con được gần nhau. Mẹ nàng gặp và yêu ông khi họ đều có gia
đình riêng. Thuở ấy hai người cùng dạy ở một trường miền núi. Người chồng cũ
của mẹ mất tích trong những ngày cuối của cuộc chiến. Khi biết mình đã có thai,
bà xin nghỉ dạy để không ảnh hưởng đến công việc và phiền lụy với vợ con ông.
Nàng ra đời và lớn lên với người chị khác cha. Mẹ nàng có sạp hàng ở chợ nên có
khả năng nuôi hai con ăn học tới nơi tới chốn.
Mãi đến khi nàng học trung học, mẹ nàng
mới cho biết về cha nàng mà từ lâu nàng vẫn nghĩ “chú” ấy chỉ là đồng nghiệp cũ
của mẹ. Từ ngày biết cha, nàng luôn yêu quý ông. Nàng chưa bao giờ mặc cảm là
đứa con rơi và trách móc ông, bởi ông luôn yêu thương nàng. Có một người cha để
thương và được thương – đó là điều quan trọng nhất chứ không phải cha và mẹ đã
đến với nhau thế nào, họ có là vợ chồng hợp pháp hay không.
Thuận cũng có đôi mắt sâu và sáng giống
như mắt của cha nàng. Từ đôi mắt ấy, cái nhìn luôn ấm áp, thấu hiểu. Tiếc rằng
càng về sau, mắt của anh càng kém nên phải mang kiếng rồi trở nên vô cảm, vô
hồn. Không biết khi anh lớn tuổi như cha nàng, hay người đàn ông nầy anh sẽ như
thế nào. Làm sao biết được. Ông Huấn sẽ chia tay với nàng ở ga Diêu Trì mang
theo đôi mắt của ông, có thể mãi mãi không gặp lại. Thuận cũng thế, cũng là một
người đồng hành trong cuộc hành trình một chiều bất tận của cuộc đời, có thể
chia tay ở một ga nào đó khi cả hai còn sống hay sinh ly tử biệt vào một thời
khắc định mệnh nào đó.
Ba tuần trước, Thuận về sớm, rủ nàng đi
uống cà phê ở một quán vắng trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Nàng đoán anh có
chuyện quan trọng cần bàn. Có thể anh quyết định kiếm việc khác vì anh vẫn than
phiền công việc hiện nay quá bận rộn và thường xa nhà. Cũng có thể anh muốn nói
chuyện con cái… Anh nhấp một ngụm cà-phê đá và lấy kiếng cận xuống. Lâu lắm
nàng mới thấy tận tường đôi mắt của anh. Chúng vẫn sâu nhưng đờ đẫn, mỏi mệt.
Khi thấy nàng nhìn thẳng vào mắt mình, anh nhìn tránh sang chỗ khác, vụng về
khuấy ly cà-phê bằng chiếc muỗng nhỏ khiến mấy cục đá nhỏ văng xuống bàn.
Khó khăn lắm anh mới thú nhận với nàng
anh “lỡ” có con với cô trợ lý của anh trong chuyến đi Malaysia bốn tháng trước.
Khi xong công việc ở Kuala Lampur, họ rủ nhau lên Genting Resort ở độ cao tương
đương Đà Lạt và qua đêm ở đó. Anh hầu như quên chuyện đó nhưng ba tháng sau, cô
ta báo tin đã có thai và quyết định giữ đứa con của anh vì cô là người Công
giáo nên không được phá thai. Theo lời anh, cô ta chỉ “báo tin” chứ không yêu
cầu anh chịu trách nhiệm gì cả, “em đẻ, em nuôi” - cô ta bảo thế.
Thoạt nghe, nàng sững sờ, chết lặng. Nàng
không khóc và không nói lời nào. Mãi về sau chính nàng cũng ngạc nhiên vì sao
nàng có thể bình tĩnh đến như vậy. Có thể lúc đó thần kinh của nàng bị tê liệt,
cũng có thể bản năng chịu đựng nghịch cảnh của nàng giúp nàng kiểm soát được
cảm xúc. Nàng cũng nhận ra rằng dường như từ lâu nàng đã linh cảm sự mỏng manh
của quan hệ vợ chồng, những vết nứt rạn xuất hiện ngày càng nhiều và sự tan vỡ
là không tránh khỏi. Nhưng việc Thuận có con với người đàn bà khác thật bất
ngờ.
Cuối cùng, nàng hỏi Thuận:
- Vậy anh tính thế nào?
Thuận lại xin lỗi nàng và bảo rằng anh muốn
biết ý kiến của nàng. Nàng dứt khoát:
- Trời đất, chuyện của anh mà bảo tôi có ý
kiến là thế nào? Tôi sẽ suy nghĩ và báo cho anh quyết định của tôi.
Nàng vừa giận vừa thương hại chồng nhưng
không ghen tuông, không oán trách. Cô gái ấy có thể đã gài bẫy chồng nàng, hay
cô ta nhẹ dạ và thiếu thận trọng trong quan hệ tình dục, nàng không cần quan
tâm. Lúc chưa cưới nhau, mỗi lần đi chơi với Thuận nàng luôn thủ sẵn mấy viên
thuốc ngừa thai để đề phòng việc ấy sẽ đến ngoài ý muốn. Chẳng lẽ cô bé ấy
không biết chuyện đó. Nàng không muốn hiểu sâu. Dẫu sao, đó là chuyện riêng của
Thuận và cô ta.
Khi họ ra về, hai ly cà phê chưa uống và
những cục đá Thuận làm rơi vãi đã tan chảy thành một vũng trên mặt bàn.
Tàu đến ga Diêu Trì lúc gần 10 giờ sáng.
Người đàn ông mắt sâu giúp mang va-li của nàng khi họ bước xuống bậc thang toa
tàu. Nàng cảm ơn và họ chia tay. Ông ta quay đi mấy bước rồi ngoái lại nhìn,
dường như muốn nói với nàng điều gì. Nàng chỉ mỉm cười đáp lại và lấy điện
thoại gọi mẹ: “Con mới xuống tàu. Mẹ đừng nấu cơm nhe, trưa nay mình đi ăn bún
cá. Con thèm lắm…”. Nàng nhìn theo người đàn ông mất hút trong đám đông đang
chen nhau ra cổng nhà ga.
Rồi nàng điện cho Thuận:
- … Em quyết định mình chia tay.
- ….
- Không phải vậy. Điều em quan tâm là đứa
bé trong bụng cô ta. Nó phải có cha. Còn anh có nhận nó làm con hay không là
chuyện của anh và cô ta…
07-5-2012
----------------------
* nguồn xunau.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét