Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

ngô phan lưu: xoa tay & cười - nguyễn xuân thủy

  


Dù người ta vẫn gọi Ngô Phan Lưu là nhà văn nông dân, nhưng nếu được một lần tiếp xúc với ông, hẳn nhiều người sẽ thấy theo kịp lão nông này quả hơi mệt. Trong một buổi giao lưu tại Trại sáng tác Văn nghệ Quân đội, nhiều người bất ngờ khi nghe giới thiệu nhà văn Ngô Phan Lưu lên hát bằng… tiếng Anh và tiếng Pháp. Thì ra vốn liếng ngoại ngữ của ông cũng kha khá. Cũng chính vốn ngoại ngữ ấy đã giúp ông có thể tiếp xúc với sách ngoại văn để học hỏi và tiếp nhận nhiều điều mới mẻ. Ngô Phan Lưu đã sống đời sống nông dân gần hết cuộc đời. Đến một ngày, có lẽ sự tích lũy kinh nghiệm nông thôn đã đầy ứ, ở tuổi ngoài năm mươi, ông mới phát tiết cuộc sống ấy vào văn học. Và liên tục viết, liên tục từ bấy đến nay, viết cứ như một nhu cầu. Năm tập sách đã ra đời. Giờ đây chỉ cần ông lăm le có bản thảo là khối nơi chào mời. Nhà văn lão nông tỉnh lẻ bỗng trở nên đắt show.

Ông có đôi mắt thẳm sâu nhiều sắc thái nội tâm, chưa bao giờ là mặt hồ phẳng lặng. Nhiều giông bão khắc nghiệt đã đi qua, chìm sâu xuống thành những con sóng ngầm, thi thoảng mới quặn lên. Đôi mắt của một người bình thường vào tuổi thất tuần (lý lịch ghi năm 1946 nhưng thực ra ông sinh năm 1943) đã chẳng có gì che giấu nổi, huống chi đây lại là đôi mắt của một ông già viết văn đã đạt tới tầm thấu thị.

bán bò in thơ

Nickname của ông là “ndbchoamy”, giải nghĩa ra là “nông dân bỏ cày hòa mỹ”. Hòa Mỹ là nơi ông sinh ra. Đó là một xã nghèo thuộc huyện Tây Hòa, tỉnh phú Yên, miền Nam Trung Bộ. Ông nông dân Ngô Phan Lưu ở Hòa Mỹ giờ đây đã bỏ cày. Bỏ cày bởi bò đã bán để in thơ cũng là một cách giải thích. Bởi thời điểm năm 1997 ấy, để in tập thơ đầu tay “Bếp lửa chiều đông” ông đã phải bán đi một con bò. Tập thơ in xong, chất đống trong nhà để tặng dần. Đến bây giờ, sau 15 năm, vẫn còn dùng để tặng nữa. Các tập văn xuôi sau này vì hot hơn, và cũng có lẽ vì ông đã “ngấm đòn thơ” nên lấy nhuận bút văn xuôi bằng tiền, chẳng dại gì mà lấy sách. Nên cần tặng ai thì vẫn còn… thơ bán bò đầy rẫy ra đấy. Tôi đã suýt có tập thơ ấy, nếu không có câu nói đùa của một đồng nghiệp, khiến ông rút lại ý định tặng thơ cho khách.

Thực ra ông đâu có bỏ cày, mà chỉ là bỏ cày ruộng để chuyển sang cày bàn phím. Cánh đồng hoa màu và cánh đồng chữ nghĩa được ông ví von tưng tửng khi bảo rằng, viết văn dễ hơn làm ruộng. Nhân nói chuyện bò ông vui miệng tự trào, Phú Yên có “thịt bò một nắng và truyện ngắn Ngô Phan Lưu”. Một thứ là thức ăn vật chất còn một thứ là thức ăn tinh thần. Một thứ dù là đặc sản nhưng nhiều nhà làm được, còn thứ kia gắn với thương hiệu của ông. Ông nói đùa và cũng vội rút rất nhanh ý kiến của mình. Cũng như rút ý định tặng thơ vậy.

Dù người ta vẫn gọi Ngô Phan Lưu là nhà văn nông dân, nhưng nếu được một lần tiếp xúc với ông, hẳn nhiều người sẽ thấy theo kịp lão nông này quả hơi mệt. Trong một buổi giao lưu tại Trại sáng tác Văn nghệ Quân đội, nhiều người bất ngờ khi nghe giới thiệu nhà văn Ngô Phan Lưu lên hát bằng… tiếng Anh và tiếng Pháp. Thì ra vốn liếng ngoại ngữ của ông cũng kha khá. Cũng chính vốn ngoại ngữ ấy đã giúp ông có thể tiếp xúc với sách ngoại văn để học hỏi và tiếp nhận nhiều điều mới mẻ.

chủ quán “cà phê nông dân”

Ngô Phan Lưu đã sống đời sống nông dân gần hết cuộc đời. Đến một ngày, có lẽ sự tích lũy kinh nghiệm nông thôn đã đầy ứ, ở tuổi ngoài năm mươi, ông mới phát tiết cuộc sống ấy vào văn học. Và liên tục viết, liên tục từ bấy đến nay, viết cứ như một nhu cầu. Năm tập sách đã ra đời. Giờ đây chỉ cần ông lăm le có bản thảo là khối nơi chào mời. Nhà văn lão nông tỉnh lẻ bỗng trở nên đắt show. Hiện ông là cộng tác viên khá thân thiết của Báo Tuổi trẻ, ngoài ra ông còn tham gia chuyên mục “Cà phê nông dân” của Báo Thể thao & Văn hóa. Mỗi tuần, đều đặn từ Phú Yên, những câu chuyện đượm chất thế sự, đậm nhân tình thế thái mà vẫn ấm nóng hơi thở đời sống đều đặn “lên sóng” hòa mạng phục vụ bạn đọc cả nước.

Ông có một quán cà phê nhỏ, gọi là “cà phê nông dân” cũng được, bởi khách đa phần cũng hàng lao động bình dân. Dù không có biển hiệu nhưng người dân Tp.Tuy Hòa, những anh em bạn hữu thường ghé vẫn gọi nó bằng cái tên dân dã: Quán Ba râu. Gọi quán Ba râu bởi ông là Ba Lưu như cách anh em văn nghệ Phú Yên vẫn gọi thân tình. Còn râu thì đích thị là của ông. Ông có một bộ râu đẹp, và rất Ngô Phan Lưu. Trước đây ông chưa để râu, sau này để thí điểm, nhiều người khen đẹp nên để dài hạn luôn. Tôi cũng chưa kịp xác minh, nhưng có lẽ bộ râu có trước quán cà phê thì phải. Quán mở từ sáng tới tầm mười giờ. Thời gian ấy ông tất bật pha cà phê, bưng đồ uống cho khách. Thời gian còn lại dành cho con cháu. Đứa cháu nội ba tháng tuổi đặc biệt cuốn ông, nó khóc chỉ ông dỗ mới nín. Vì thế, thời gian dự trại viết tại resort Sao Việt, cách nhà gần chục cây số ông cứ phải chạy đi chạy về. Hôm đến thăm nhà, nhìn cảnh quán xá  đông đúc, con cháu đùm đề, ông ngồi bế đứa cháu nội bé xíu tôi đùa ông rằng, “sẽ là hạnh phúc nếu ông nội nó không phải là một người viết văn”, ông nghe chỉ nở nụ cười hiền từ, nhưng thần thái toát lên sự đồng ý một trăm phần trăm.

Nhưng cũng chính từ sự bận rộn đó đã làm giàu chất nhân văn cho những trang viết của Ngô Phan Lưu, khiến chúng gần gũi với người nông dân, khiến những người dân lao động thấy mình hiện hữu trong từng trang viết. Năm nay, ông rất cảm ơn báo Tuổi trẻ đã ưu ái tặng cho ông mỗi ngày một số báo. Thế nên, khách đến đây uống cà phê có thể đọc báo miễn phí mỗi ngày. Ở đó, những người bạn viết của ông thi thoảng cũng tụ tập bàn chuyện văn chương, chuyện đời sống. Cà phê Ba râu như một địa chỉ văn hóa thân thương vậy.
                                   
vẫn cứ “xoa tay và cười”

Ngô Phan Lưu là người hóm trong giao tiếp, trong cách trò chuyện. Ông hay pha trò một cách chơi chữ, thâm trầm kiểu đồ nho bắc kỳ. Ông đã học được cách giữ thăng bằng để trôi đi giữa cuộc đời. Trôi qua những biến động thăng trầm, để giữ một thái độ bình thản và cái cười nhếch mép. Vẫn giữ được sự tự tại riêng với phong cách cách bập bềnh và buông xả. Bây giờ thì ông đã trôi đến khúc êm đềm để có thể mở lòng. Để có thể tự giễu mình, tự “xoa tay và cười” (tên một tập sách của Ngô Phan Lưu - PV) một cách ung dung. Bởi ông biết, rồi mình sẽ trôi về đâu giữa dòng đời này.

Dường như Ngô Phan Lưu không bao giờ bế tắc về mặt ý tưởng. Ông thường hài hước rằng nếu bế tắc thì ông sẽ viết ngay về chính sự bế tắc đó. Đến dự trại sáng tác của Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2012 tổ chức tại Phú Yên, các nhà văn được ở resort 5 sao, mọi người đùa rằng, ở sướng thế này thì chả viết lách gì được, ý tưởng biến mất tiêu hết. Ngô Phan Lưu liền đùa rằng sẽ đăng ký viết truyện ngắn có tên “Ý tưởng biến mất”. Nếu như ai đó đã đọc những gì Ngô Phan Lưu viết thì hoàn toàn có thể tin, đó không chỉ là một lời đùa.

Đôi khi khó mà phân biệt giữa truyện ngắn và tạp bút Ngô Phan Lưu. Về dung lượng thì chúng cũng na ná nhau. Viết ngắn cũng như một sự lựa chọn tự nhiên của ông bởi một lý do, nó phù hợp với khuôn khổ các trang báo mà ông cộng tác. Bởi thế, có nhà xuất bản đã lúng túng khi đề thể loại tập sách của ông, cuối cùng đã để là “truyện ngắn và tạp bút” mà không chỉ rõ cái nào là truyện ngắn, cái nào là tạp bút.

Những trang viết của ông thường xuất hiện những đứa trẻ, bà vợ, cây cỏ trong vườn, những con vật… Mọi triết lý sâu xa ẩn dưới những câu chuyện bình dị ai ai cũng có thể nhìn thấy hằng ngày, nhưng khi đặt nó dưới lăng kính của mình, ông có biệt tài làm cho chúng lên màu và trở nên quyến rũ, bằng cách móc xích nó lại với nhau, gắn cho nó những dấu hỏi, những chiêm nghiệm để bạn đọc buộc phải suy ngẫm. Giống như kỹ thuật buồng tối, có thể xử lý hiện thực theo dụng ý của mình. Nói thế là bởi, trong nhiều nghề đã trải, đã có thời gian Ngô Phan Lưu làm nghề chụp ảnh.

Ngô Phan Lưu có một bàn viết nhỏ trông ra mảnh vườn xanh màu cây cối. Ở đó, giữa bộn bề đời sống, giữa tiếng trẻ thơ bi bô, giữa tiếng ô tô xe máy chạy qua chạy lại, ông ngồi nghe quá khứ vọng về, để những trăn trở hắt lên từng trang viết. Và cũng ở đó, ông đã hơn một lần tự vấn về cái gọi là ký ức. Nhưng ông không đắm chìm trong nó, mà đối xử với nó một cách công bằng, để thêm yêu, thêm trân trọng những gì của hiện tại. Từ khung cửa sổ ấy, chỉ cần một thanh âm của đời sống vọng vào, rất có thể ông sẽ lại có một tác phẩm mới.

Trôi giữa dòng đời nhưng ông không để dòng đời cuốn trôi, ông đã biết buông xả, ông biết chọn cho mình một quỹ đạo riêng, để bập bềnh cùng nó. Và nếu như có gì đó diễn ra không như ý muốn thì ông sẽ chỉ… xoa tay và cười tự giễu mà thôi.
-------------------------------
* nguồn: lethieunhon.com

 
bộ răng của ông răng

Ông Răng, tức Phùng Phục, góa vợ tám năm, nay đã bảy chục. Ông có đôi mắt sáng như đèn pin hết pin. Nhìn mắt ông, người ta thấy hai đóm đỏ.

Xóm làng gọi ông là Răng, bởi ông rụng hết răng từ hồi trung niên.

Quê tôi thích nói ngược.

Nếu người lạ nào biết được tật này, họ có thể đại cương một người nào đó đến xóm tôi, khi nghe nói tên.

Ví như, chị 8 Đẹp, thì chị ấy xấu dưới xấu đến 8 lần. Ông Hiền, đừng đến gần, mang họa; còn ông Ác, cứ quen.

Thế nên, ai mà được quê tôi gọi là Thầy, hãy coi chừng. Còn gọi Ngài, hãy trốn biệt xứ, kẻo khốn.

*

Tháng trước, mắt ông Răng đỏ hơn trong đêm khuya, mỗi khi nghĩ đến bà 9 Tốt.

Bà 9 Tốt, da dày mày trắng, mặt nhiều tàn nhang. Sém 60, bà trông vẫn như hoa héo, không phải hoa tàn. Các bác đi núi thường ghé vào, vẫn bảo: “Hoa quỳnh đấy. Nấu cháo ngọt nước lắm”. Bà là chủ quán ăn nhỏ, tấp nập khách ra vào. Bà có khuôn mặt tròn, mắt cạn, mũi tẹt, miệng rộng, cơ thể dềnh dàng, có nguy cơ phì nộn. Tuy tướng tá thế, nhưng đứng gần, người ta nghe mát và ý thức được sự mảnh mai.

Nhìn bà, lúc nào cũng như vừa mới tắm (bà vừa tắm, mà mình cũng vừa tắm). Bà có nét quyến rũ của giường nệm, chăn gối và cơn ngủ; của sạch sẽ và cả sự mệt nhoài.

Có lần đi ngang thấy vắng vẻ, ông Răng tạt vào quán bà, uống cốc bia, vui miệng nói: “Chỉ có bà là tốt thôi”. Tức thì, bà mím môi, trừng mắt đe ông, trông thật dễ chịu. Ông vội chữa lại: “Chỉ có bà là xấu thôi”. Bà cười tươi, khóe miệng giáp mang tai. Bà lấy tay chích vào trán ông: “Chỉ có ông là xấu thôi”. Thế là cả hai cùng cười. Hứng chí, ông vỗ vai, mời bà một chai và bà uống sạch. Uống xong, bà lại máy mở nhạc Rock (tiếng Rock nên hiểu theo tật quê tôi, nghĩa là êm nhẹ). Rồi, sà sát vào ông, ngón tay chích vào trán lần nữa, mạnh đến nỗi, ông suýt ngã, phải ôm lấy bà. Bà nghiến răng nói: “Đi trồng răng đi. Nói phải nghe. Giống trẻ nít quá chừng”.

Sáng hôm sau, ông về thị xã trồng răng, chi phí 800.000 đồng.

*

Kết quả đạt được sau khi trồng răng:

- Từ gia đình: Đồ mắc dịch. Cưa sừng làm nghé. Nhiều cái cau mày.

- Từ quê hương: Cái tên mới là Rụng. Nhiều tiếng cười giỡn.

*

Thế đấy, vì buồn nhiều, ông Răng lại năng đến quán bà 9 Tốt. Đang ngồi uống rượu, ông bỗng đưa tay sờ răng, lẩm bẩm: “Hai lần ngược, hóa ra lại đúng. Trước là Răng, giờ thì Rụng, đúng là Răng rụng. Kỳ thật.” Ông bật cười, lẩm bẩm tiếp: “Khá thật, quê mình khá thật”, nhưng ông liền cau mặt nhói đau, khi câu “Cưa sừng làm nghé” của thằng Bảy Ngu lại cựa quậy trong đầu. Bực mình, ông rót rượu uống tiếp.

Bỗng, ông muốn về nhà, nghỉ cho khỏe và đùa với cháu, uống rượu nhiều không tốt nữa. Nhưng ông lại không về, vì con cháu không còn như trước nữa, chúng coi ông không có trăm cà ram nào, về chi?! Ông lại đốt thuốc, ực rượu và suy tư: “Nếu ta tháo răng cất, nhà ta có như cũ không?” Xóm làng có gọi tên cũ là Răng không? Có lẽ lắm. Vậy là, ta phải cất cái Rụng để được Răng. Ôi, mà Răng lại chính là Rụng. Bà 9 Tốt không ưa. Vậy thì ta phải mang Răng để Rụng còn Răng”. Ông ực một ly nữa, lắc đầu: “Rối rắm quá chừng”.

Ông nhìn ra, nhìn vào, nhìn lên, nhìn xuống, nhìn quanh quất. Ông lại cười, lẩm bẩm: “Rượu làm mình tối dạ, nhưng sáng mắt. Tối dạ cũng không cần chi. Sáng mắt là được. Ôi, thế giới đẹp quá. Có con chó con sủa cóc, trẻ nhỏ ba ta đá banh, gà hột dầu cục tác, bà già quét sân, trẻ nít ham ăn, già nua ham đạo đức cam chuột, honđa, con bò nhai lại, răng giả ngồi đây, bên bà 9 Tốt đếm tiền... Rối rắm quá chừng.”

Ông gọi thêm rượu, ông thoáng thấy trong mắt bà 9 Tốt có sự kinh khiếp khi nhìn ông cười. Ông tức cười về chuyện này và ông cười hoài. Như chịu không nổi, bà 9 Tốt tiến lại phía ông, ôm đầu ông, nói nhỏ vào tai: “Anh tháo răng cất đi”. Ông nhìn thấy hai khoảng vú của bà, ông cười to, nói: “Tám trăm ngàn mà cất à?” Bà thì thầm vào tai ông: “Em không quen nhìn anh có răng. Em sợ”. Ông thích chí, nói lớn: “Thế thì tôi phải đeo thêm hai tròng mắt giả nữa mới được”.

Bà 9 Tốt thả ông ra, nhảy chôm chôm như giẫm phải sâu róm.

Ông thấy cái quán tự nhiên chật lại và ấm lên, thoang thoảng mùi nước hoa. Ông nói: “Đời tôi do bà định đoạt” và ông liền tháo răng đặt lên bàn. Bà 9 Tốt đi ngang như cua, đưa bao ni lông cho ông, không dám nhìn hai hàm răng. Ông gói cẩn thận hai hàm răng giả, nhét vào túi áo, rồi ông ngắm bà chằm chằm, như ngầm bảo: “Rồi đấy. Vừa ý chưa?” Bà ngồi sát ông, ngoẹo đầu tựa vai, ngước mắt nhìn ông: “Anh như thế này mới coi được. Em đã sai lắm. Em phạt em một ly nè...”

Bà đứng dậy, rót rượu, uống cạn, rồi đi xuống bếp hầm nồi cà ri dê.

Ông Rụng, xin lỗi, bây giờ không Rụng nữa vì đã cất răng, ông Răng đang nhìn theo bà đắm đuối. Ông quyết định trong óc: “Ta không đeo răng nữa. Phải quăng đi như một kỷ niệm”.

*

Dưới ánh trăng, con đường về nhà như được tráng bạc. Ông say quá, loạng choạng trên đường. Khi đến con mương lớn, ông nhớ lại cho tay vào túi, lôi túi ni lông đựng hai hàm răng giả ra và thẳng cánh quăng tõm xuống nước. Ông nhìn theo cái bao bóng trôi đi, nó không chìm. Ông cười to, vẫy tay, nói với theo: “Vĩnh biệt. Chào”.

*

Kết quả đạt được sau khi quăng răng:

- Từ gia đình: Ông già đứt dây. Trửng mỡ. Phung phí.

- Từ quê hương: Cái tên nữa là Lượm và nhiều cái bĩu môi.


*

Ngồi uống trà, ông nhận ra mình, thật bơ vơ. Ông chép miệng: “Ta là đào kép, còn lại là khán giả”. Ông nghe bộ rễ đời mình bám vào gia đình, xã hội, như đang lỏng ra, sắp đứt đi nhiều sợi căn bản. Cố nối lại, thì nó ngắn thêm. Tất cả bỗng nhiên như trườn qua tay ông, hiên ngang, thách thức.

Ông lại tìm đến nhà bà 9 Tốt.

Ông lầm lũi đi giữa xóm làng như đi giữa sa mạc. Ông cô đơn cùng cực.

Vừa đặt chân vào cửa quán, bà 9 Tốt chạy đến, áng ngay trước mặt không cho ông tiến vào. Bà đanh mặt, xẵng: “Lâu rồi. Ông tính sổ đi. Từ nay không ghi nữa. Người ta đồn ầm lên, tôi bỏ bùa ông, làm tan gia bại sản nhà ông, con cháu ông đòi đốt quán tôi.”

Ông há hốc mồm, hai đóm đỏ nơi mắt ông tắt đi. Ông nghe trong người răng rắc như một cái cây già đang bị người ta nhổ rễ.

Trước mắt ông là mặt bà 9 Tốt, mà bây giờ ông mới thấy, là xấu dưới xấu đến 9 lần. Mặt ấy, trắng toát như tờ giấy tính tiền, mà những tàn nhang là những chữ số. Ông tiếc 800.000 đồng trôi theo dòng nước. Ông không lượm lại được, bởi vì ông là Lượm, có nghĩa là quăng đi...



Cảm tính

Chuyến xe Sài Gòn - Đà Nẵng, tôi ngồi giữa hai cụ ông.

Cụ bên phải, tân cổ giao duyên: bà ba cổ bâu, nút thắt con bọ, khoác vét-tông xám, chân giày da, nón cối lá cọ, hút tẩu, tóc trắng như mây, râu ria trời sinh sao để vậy, đặc biệt không còn một cái răng nào. Nụ cười của cụ, trông ngồ ngộ, êm như nhung. Có lẽ răng là vật cứng nên không răng tạo cảm tưởng êm chăng? Cụ cười giống trẻ nít quá chừng. Tôi nhận định: Cụ này hiền.

Nhưng, cụ ông ngồi bên trái, không như thế. Cụ diện sơ mi rằn, quần tây, giày hạm đội, kính râm, râu ria nhẵn thín, răng giả trắng đến lóa, tóc chưa nhuộm lại, vì chân tóc lộ trắng đến một phân, khuôn mặt dày dạn, nếp nhăn rối rít, sâu như dao xẻ. Hình thức ấy không lừa được tôi, tôi quyết rằng cụ này còn cao tuổi hơn cụ kia. Tôi đánh hơi được mùi ác từ cụ này bay ra.

Tôi nhích xa cụ này để sát gần cụ kia.

Xe vẫn tốc độ cao, tôi lơ đãng nhìn ra cửa xe, bỗng nhớ đến bà cụ Rin trong truyện ngắn “Kể về núi Narayama” của Sichiro Fukazawa, Nhật Bản. Bà cụ Rin đã bí mật dùng đá ghè hai hàm răng, bà đập gãy từng chiếc một, vì già nua mà còn răng nhiều như thế là một điều nhục đối với con cháu và xóm giềng! Bỗng dưng, tôi mất thiện cảm với ông cụ hiện đại này. Cái ác cảm như mây, phình to, trôi giạt lung tung. Tôi thoáng thấy cụ này bóc kẹo Chewing-gum nhai chóc chách, thì đám mây ác cảm kia bỗng đen sì trong tôi muốn nổi giông.

Tôi rút điếu thuốc định hút, nhưng lại thôi, không đốt. Tay vẫn nắm điếu thuốc chưa đốt, tôi gợi chuyện với cụ không răng bên phải:

“Thưa, cụ về đâu ạ?”

Cụ cười, lật đật chọc tay vào túi, lôi ra cái bật lửa gaz màu nâu đưa tôi. Tôi cầm lấy, rồi cũng cười. Hóa ra, cụ bị nặng tai, có thể điếc đặc cũng nên.

Tôi vẫn nghe nhiều người bảo rằng: Khi đã già, thì điếc lại là một điều tốt. Vì lời thị phi, tiếng độc địa, không lọt được vào tai họ, đầu óc không bị tổn thương. Đặc biệt trong phạm vi loài người, cái miệng là “độc” nhất, nhưng nó chỉ độc với đôi tai tốt, còn đôi tai điếc, cái miệng độc địa kia sẽ vô nghiệm. Cho nên người điếc lòng họ trong hơn, thanh thản hơn, họ hay cười, và họ cười coi được.

Tôi quyết chắc rằng, ông cụ hiện đại bên trái tôi, cụ ấy không điếc. Để trắc nghiệm, tôi quay sang cụ, nói vừa đủ nghe:

“Thưa, cụ về đâu ạ?”

“Anh hỏi làm gì?”

Cụ trả lời, mà không trả lời, giọng miễn cưỡng, lạnh lùng như nước đá, mắt vẫn dõi ra cửa xe. Có lẽ, do lăn lộn nhiều, con người đã co cứng lại, cố thủ trong lô cốt thân xác, sẵn sàng nhả đạn.

Tôi đốt thuốc, trả bật lửa cho cụ không răng. Cả hai lại cười. Có lẽ, gần cụ cách duy nhất tốt là cười. Tôi mời thuốc, cụ thò tay “nhón” một điếu. Đồng hồ tay cụ chỉ 10 giờ 5 phút. Đồng hồ xịn, tôi cười, cụ cũng cười.

Thật dễ chịu, khi giao tiếp vắng tiếng nói. Giao tiếp kiểu này, dường như không còn nằm ở ngoại vi nữa, mà đã tiến vào tâm hồn. Giờ đây, tận sâu thẳm lòng tôi, cụ rất gần gũi. Cụ răng giả bên trái tôi, đã rớt ra ngoài, biến mất.

Tôi đảo mắt nhìn khắp xe. Trong xe, đa số ngủ gà ngủ gật, nước dãi nhễu lòng thòng như tơ trời. Giá mà nước dãi này ở loài chim yến hải đảo thì xuất khẩu, nhưng ở đây thì xin vái. Một số khác thì thức với khuôn mặt mệt mỏi, nhàu nát.

Trong những chuyến xe chạy đường dài, những khuôn mặt xấu nhất lại là những khuôn mặt phấn son nhiều nhất. Sự trang điểm chỉ đẹp khi tươi tỉnh, nhưng trang điểm để nôn thốc tháo trong bao nhựa bóng, trông lại ghê lắm!

Tôi bỗng nhớ, khi ra khỏi nhà, đứa cháu ngoại có trao tôi gói bắp rang. Nó líu lo: “Cho ông ngoại đi xe nhai.” Tôi vội lôi trong túi quần ra gói bắp rang ấy. Tôi nhai lắc cắc và mời cụ không răng bên phải cùng ăn. Nhìn thấy bắp rang, cụ cười tợn, lắc đầu nguầy nguậy. Tôi cũng cười tợn.

Nhai bắp + đứa cháu ngoại + cười, ba yếu tố ấy đã dìu tôi về tuổi thơ xa lắc ngày xưa. Thuở ấy, sáng nào đến trường, hai túi quần sọt tôi cũng đầy nhóc bắp rang. Hai bắp vế non cứ nóng hổi. Sáng lành lạnh, bụng thuộc bài, mà hai bắp vê nóng hổi, còn gì hạnh phúc bằng...

Đột ngột, chiếc xe tăng tốc, lấn lướt các xe khác. Thì ra, đằng xa phía trước, có một bà lão đứng lọt thỏm nơi mé đường đang vẫy tay tới tấp. Xe dạt vào lề, thắng lại.

Chú thanh niên phục vụ vạm vỡ, mở cửa nhanh như cắt, lao xuống như tên. Chú ẵm ngay bà cụ lên xe, đặt xuống nệm ghế trống, nhẹ nhàng như đặt một cái nồi cơm điện. Một thoáng, gợi nhớ đến hình ảnh con quạ gắp chú gà con. Chiếc xe lại lao vút. Nhiều người cười ồ. Nhiều người nhăn mặt.

Không hiểu sao, đột ngột tôi quay nhìn ông cụ răng giả hiện đại bên trái. Mép cụ hằn sâu xuống, khuôn mặt toát vẻ khinh bỉ cùng cực. Tôi vội quay sang nhìn bà cụ vừa lên xe. Bà đang vuốt lại tóc, kiểm tra lại cúc áo. Thay vì chửi rủa chú thanh niên phụ xe, cụ lại thẹn thùng đỏ mặt. Cái nữ tính đã không già, không chết. Tôi vụt hiểu ra, ông cụ răng giả hiện đại kia đã thấy rõ điều này nơi bà cụ, và ông ta đang khinh bỉ.

Lúc này, bà cụ nhìn láo liên xung quanh, lại thẹn thùng và cười. Một nụ cười tỏa sáng trên khuôn mặt nhăn nheo.

Tôi lại quay sang ông cụ điếc đặc, không răng, tôi thấy ông cười thật trong sáng, thông cảm cho tình huống vừa rồi của cụ bà, tuyệt nhiên không chút dấu vết khinh khi.

Tôi lại nhìn sang ông cụ răng giả hiện đại lần nữa, ánh vẻ khinh bỉ nơi cụ chưa tan.

Tôi chán nản vỡ ra rằng, ông cụ răng giả hiện đại bên trái tôi, không biến mất trong tôi như tôi tưởng, mà còn thò bàn tay vô hình cào xé.

Đột nhiên, tôi ngáp dài...



cũng một nụ cười

8 giờ tối. Vừa mãn hội thảo “Cuộc sống mới”, từ Melia ra một quãng, tôi hỏi thăm chị quét đường, khẩu trang che kín mồm mũi: “Chị biết đâu có xe ôm không?”

Chị ngừng chổi, nhìn tôi từ đầu tới chân. Đột ngột chị tháo khẩu trang: “Có. Em đây.” Và, chị cười im lặng. Nụ cười e dè nhưng êm như nhung.

Ồ! Đùa ư? Nhưng nụ cười chị không đùa. Trước nụ cười ấy, tôi lúng túng. Vừa tự do vừa trói buột.

Để trắc nghiệm, tôi hỏi: “Vậy, xe đặt chỗ nào?”. Chị chỉ tay sang trái: “Phía trong tường.” Rồi lại cười im lặng. Một lần nữa nụ cười chị không đùa. Trước nụ cười ấy, tôi lại lúng túng.

Lúc này, một cô gái nước ngoài, đi ngang qua, chân sải dài, mắt ngước lên trời đã va vào tôi. Cú va chạm bay mùi nước hoa này, làm tôi nghĩ đến thực phẩm có thể đã bị nhiễm độc. Tôi nói với chị quét đường: “Thôi. Khi khác vậy”. Chị cười một lần nữa và tôi lại lúng túng, chân bước đi yếu xìu. Ba lần cười đều như nhau.

Một tháng sau, trong chuyến xe miền Tây về An Giang, tôi gặp một chị bán quà rong cũng sở hữu nụ cười như thế. Chị xìa mẹt và rong vào một vị khách ăn mặt chỉnh tề: “Em mời ông anh hút thuốc? Em mời ông anh nhai kẹo xing-gum?”. Tôi quan sát vừa dứt lời, chị cười im lặng. Gặp nụ cười ấy, vị khách vội sửa lại kính đột nhiên mặt lạnh như tiền. Chị ta lại mời, cuối cùng lại cười, vị khách vội quay nhìn chỗ khác. Ông đã lúng túng! Tôi liền gọi chị để mua thỏi kẹo, nhưng không thấy nụ cười ấy nữa.

Xe lăn bánh. Chị vướng khách, không xuống xe được. Cái mẹt quà rong cứ bơi trên đầu. Ngay lúc khó khăn này, vị khách kia lại gọi chị để mua thuốc lá. Tôi sững người khi thấy chị mắng vị khách : “Điệu quá há? Mời rã họng không mua. Điệu quá há? Điệu chảy nước đái”. Mắng xong, chị lách người, nhô mặt hướng về vị khách: Chị cười. Tôi giật thót. Cũng nụ cười ban nãy. Tôi thật sự lúng túng. Tôi chờ sấm sét nổ ra nơi vị khách, nhưng không, vị khách lại lúng túng. Hai lần cười vẫn nụ cười như nhau.

Một hôm, tại chùa Quang Phổ nơi một vùng cao, tôi trò chuyện với một sư bà. Tôi ngợi ca cảnh chùa: “Đây là một niết bàn”. Sư bà lại phản đối: “Niết bàn là ở chỗ khác kia. Nơi ấy, mặt đất không bao giờ dơ. Kẻ nào lỡ ‘vãi’ ra đây, mặt đất liền nứt ra, rồi khép lại, chôn vùi bãi phân vĩnh viễn. Một trẻ sơ sinh vất ở ngã ba đường, vẫn không chết được. Người qua lại, ai cũng có ngón tay chảy sữa cho bé bú. Trái cây chín mọng treo lủng lẳng không bao giờ thối rữa. Trong thinh không đầy ắp tiếng nhạc trời”. Nói xong, sư bà nhìn tôi và cười im lặng. Lại cũng một nụ cười đặc biệt ấy làm tôi lúng túng. Sư bà nay đã tám mươi, nhưng nụ cười đặc biệt này không già. Tôi vụt nghĩ rằng: Nụ cười ấy, nó không có tuổi, cũng không có tiền bối và đệ tử.

Tuần trước, tôi cũng gặp nụ cười đặc biệt này nơi cháu gái bốn tuổi tại nhà một người bạn. Cháu thò tay chạm nhẹ vào đôi kính mắt đặt trên bàn, nhìn tôi, cháu cười im lặng. Trước cái cười ấy, tôi lại rơi vào lúng túng. Bỗng, trong một thoáng, nhanh hơn một thoáng, nụ cười của hai chị phụ nữ kia, nụ cười của sư bà vụt hiện ra phủ chồng lên cái cười của cháu bé ngây thơ này, tạo thành một nụ cười duy nhất. Tôi giật mình và mơ hồ nghĩ rằng: phải chăng, cái nụ cười đặc biệt này là của chung, nó đã sử dụng con người, chứ không phải con người sử dụng nó.

Giờ đây, đang đong đưa trên võng, chờ giấc ngủ thì nụ cười đặc biệt kia, một nụ cười khó có họa sĩ đa tài nào vẽ nổi, vẫn treo lơ lửng trên trần nhà, vẫn còn quyền lực gây lúng túng cho dù nó không đậu trên một khuôn mặt nào. Tại sao? Phải chăng, nó đã trao ta cái quyền toàn quyền định đoạt giữa hy vọng và một nguy cơ?
--------------------
* nguồn: talawas

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét