Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

chắp tay dòng đời [kỳ 6] - võ chân cửu


















những dòng suối

Con suối nhỏ chảy qua nhà tôi liên tục đổi màu. Người ta đưa xe ủi khai thác cát dọc những triền đồi, bơm nước rửa rồi chở đi. Những trận mưa lớn cũng không thể làm màu nước trong trở lại.
“Văn học là nhân học”. Nhưng có lẽ do con người vẫn chưa hiểu hết về chính mình, nên văn học và lãnh vực thơ ca - cũng không hoàn toàn theo quy luật của dòng chảy.
Từ giữa thập niên 60 thế kỷ 20, chiến tranh đã áp sát từng cửa sổ lớp học. Biểu tượng 3 cây súng chụm vào một vòng tròn và dòng chữ “Make Love Not War” đang là mốt thời thượng. Sau thời kỳ “hoan hô, đả đảo”, nhiều thanh niên đã xem Phạm Công Thiện và sách “Ý thức mới trong văn nghệ, triết học như một loại kinh thánh”. Họ bắt đầu nghi ngờ và phủ nhận tất cả mọi giá trị để nghiêng về “chủ nghĩa hư vô”. Nhưng các nhóm giựt dây của “Phong trào tranh đấu Miền Trung” - khơi nguồn từ Đại học Huế với báo Lập Trường- không phải đã không làm được việc. Đội ngũ sáng tác với những câu chữ đầy máu lửa, nhân danh và cổ vũ “đòi quyền sống” ngày càng xuất hiện, đa dạng, cả trong những người đang cầm súng. Tới cuối thập niên `60, một số cây bút tranh đấu thuộc lớp trẻ này đã tập hợp tự làm các tờ báo văn nghệ. Đáng kể nhất có nhóm “Việt” ở Huế, “Ý thức” ở Phan Rang (sau chuyển vào in ở Sài Gòn), Nhân Sinh ở Nha Trang, Hồn trẻ 20 của Cần Thơ…
Các nhóm văn nghệ tự ra báo gần như là một diễn tiến hợp quy luật. Người cầm bút sáng tác trưởng thành dưới các mái trường trung học ngày một đông. Chế độ “kiểm duyệt” và cách quản lý nhà in của chính quyền Miền Nam tuy có nhưng vẫn tương đối “dễ thở”. Máy quay Ronéo đời mới (IBM) lúc này đã được nhập về ở Sài Gòn và các đô thị lớn. Ở đâu, các bút nhóm cũng có thể tự ra tập san văn nghệ, lập nhà xuất bản riêng. Báo văn nghệ in typo và tập hợp được nhiều cây bút vững vàng, tiêu biểu là tờ Trước Mặt ở Quảng Ngãi. Theo nhiều nhận xét, đa phần các cây bút “tranh đấu” đều có tham vọng hoạt động chính trị; có người đã “hoạt động ngầm”. Sau 1975, khi thấy “công lao” của mình không được “trả công” bằng các vị trí lãnh đạo, nên nhiều người đã trở mặt, biến thành những cây bút “đối kháng”.

thắp Đường
 
Năm 1968, khi tôi đi khỏi mảnh đất Quy Nhơn, thì những người cùng thế hệ cũng đều không thể tránh khỏi những xung đột tinh thần mà thời cuộc mang lại. Do đặc điểm của vùng đất có truyền thống văn học nên mỗi người cầm bút qua trang giấy đã chọn cách giải tỏa tinh thần riêng. Thầy giáo Nguyễn Mộng Giác mượn truyện chưởng của Kim Dung giãi bày những suy tưởng về xã hội, nhân sinh. Đặng Tấn Tới bỏ bút hiệu Vũ Thúy Thụy Ca, đi vào làm thơ siêu hình. Còn Mường Mán, Phạm Cao Hoàng…từ các tỉnh về học sư phạm lại trải lòng qua những câu thơ ngọt ngào tình yêu, quê hương… Lớp cầm bút chủ lực ở các trường trung học đệ nhị cấp lại muốn bứt mình khỏi sự chi phối của nhà trường, như để khẳng định rằng mình đã trưởng thành.
Có một nhóm trẻ năng động, bao gồm cả những người có năng khiếu đàn hát, trình diễn. Họ muốn là một tập san văn nghệ in Ronéo riêng. Đặt tên gì cho tờ tập san đây? Cuối cùng, tất cả đồng ý với chữ “Thắp đường” mà Đinh Văn Liên, trưởng nhóm Thi văn đoàn Đồ Bàn cũ đưa ra. Thắp lên ngọn đèn sáng để tìm ra đường đi riêng của mình. Tập san quay ronéo đóng tập có sự góp mặt của cả những cây bút đàn anh đã rời trường, như Nguyễn Mạnh Dạn (Nguyễn Mạnh Song Ka), Trần Hữu Cải v.v... phát hành được 3 số, rồi tự dẹp tiệm. Lý do là ai nấy đều phải vào kỳ thi tú tài. Phần khác, có lẽ vì tờ báo chỉ tập hợp các sáng tác của từng người riêng lẻ, không có một “đích nhắm” chung trên con đường văn học. Đó là nhận xét của Liên khi anh đã trưởng thành. Thành viên của nhóm khi vào đời mỗi người chọn một con đường riêng, có người sau 75 qua Mỹ mới sáng tác trở lại!
Diễn biến trên cho thấy không phải tất cả nguồn suối đều đến được với dòng chảy văn học. Nhà văn Trần Phong Giao, thư ký tòa soạn đầu tiên và lâu năm của tạp chí Văn từng thổ lộ: báo văn nghệ muốn tồn tại vững vàng lâu dài thì không thể số nào cũng chỉ là một tập hợp sáng tác thơ văn. Quan điểm nghệ thuật của người hoặc nhóm cầm chịch quyết định sự sinh tồn của nó!
Nhìn lại 20 năm văn nghệ Miền Nam, số lượng đầu báo, tạp chí thuần túy văn học nghệ thuật không nhiều. Sau thời kỳ khai mở của các nhóm tạp chí Sáng Tạo, Văn Nghệ, mãi tới năm 1966 mới có tờ Nghệ Thuật, tạp chí văn nghệ đầu tiên ra hàng tuần. Tờ này đăng nhiều sáng tác của các tác giả trẻ. Sáng tác mới đều mang tính đột phá, tìm tòi cách thể hiện mới. Nhưng tờ báo này đến 1968 cũng chấm dứt. Giữa 1969, nhà thơ Viên Linh, thư ký tòa soạn của tờ Nghệ Thuật được Chủ tịch Hội văn nghệ sĩ Quân đội mời về làm thư ký tòa soạn tờ văn nghệ Khởi Hành đang sống dở chết dở. Ông Viên Linh được giao toàn quyền về nội dung. Trang “Thơ có lửa”-thơ của lính- được thu lại còn một mục nhỏ mang tính chất “mâm cỗ thờ cúng” một thời gian rồi biến mất luôn. Tuần báo Khởi Hành sống mạnh và khẳng định tên tuổi nhiều tác giả trẻ. Nỗ lực của các tờ báo chuyên về văn nghệ như Nghệ Thuật, Khởi Hành đã kích thích, quy tụ những người làm văn nghệ ở các “tỉnh lẻ” thành các nhóm riêng. Dù nỗ lực đến mấy đi nữa thì chưa có tờ báo “văn nghệ tỉnh lẻ” nào so được với các tạp chí văn nghệ xuất bản tại Sài Gòn. Các tờ văn nghệ dù được các tổ chức chính trị, tôn giáo tài trợ, hay tự phát hình thành bởi các nhóm sáng tác riêng lẻ, cũng không thể sánh được với những tạp chí văn nghệ tên tuổi như Van, Bách Khoa, Vấn Đề, Văn Học, Khởi Hành, Trình Bày… Theo ghi nhận của một cây bút chủ lực của nhóm “Việt”, thì dấu ấn (tự hào) sau `75 là: một số ngòi bút trong nhóm đã được công nhận là “Hội viên Hội nhà văn VN”!

nghệ thuật là nghệ thuật
 
Sẽ cứng nhắc và thô thiển khi cho rằng dòng chảy VHMN chỉ bao gồm những ngọn sóng của các tạp chí lớn nêu trên. 80 % người Việt Nam là thi sĩ nên từ các báo hàng ngày đến các tập san thuộc loại giáo dục kiến thức, giải trí đều có trang văn nghệ đậm nét. Tờ Phổ Thông của nhà thơ, nhà báo lão thành Nguyễn Vỹ ngoài chuyện “Tuấn - chàng trai nước Việt” ăn khách còn có mục Tao đàn Bạch Nga đăng rộng rãi sáng tác của hội viên. Cũng thật bất ngờ khi Tao đàn này phát hiện và nuôi dưỡng nên một Trần Tuấn Kiệt, người sau này được làng văn mệnh danh là một trong rất ít người dành trọn cuộc sống cho thơ ca. Quê ở Sa Đéc, sau khi được Tao đàn Bạch Nga phát hiện, Trần Tuấn Kiệt lên hẳn Sài Gòn làm báo. Để nàng thơ sống được, Trần Tuấn Kiệt đã xâm mình viết tất cả thể loại, từ truyện ngắn, tùy bút, truyện dài “phơi-dơ-tông” cho báo ngày đến… truyện chưởng, sách dạy võ… Khoảng đầu những năm `70, tôi tìm đến thăm. Ông ở trọ trên một căn gác xép đường Phan Đình Phùng, gần chợ Vườn Chuối. Nghe xưng danh, ông rút từ xấp bản thảo mấy trang in những bài thơ của tôi mà ông đã xé ra từ các tạp chí Văn, Bách Khoa. Kèm theo đó là những lời “bình thơ” mà ông đã viết. Gặp tôi, ông thêm vào trang viết mấy dòng: “Chàng thi sĩ trẻ có tên và dáng người như võ sĩ, nhưng tâm hồn lại rất phiêu du…”! Bản thảo lần lượt được ông đi thuê đánh máy để giao nhà xuất bản. Sách có tên đại ý là “Hợp tuyển thi ca Việt Nam hiện đại thế kỷ XX”. Đến gần `75, tuyển tập này đã in được 2 tập dày cộm, đóng bìa cứng. Kiểu sưu tập và bình thơ này về sau được khá nhiều “nhóm biên soạn” bắt chước. Tất nhiên, các nhà “sưu tập” sau, không ai viết được lời bình hay như ông. Bởi lẽ, nhà thi sĩ gốc Nam bộ giang hồ ở làng văn trận báo này mãi mãi vẫn mơ tưởng:
Mai ta về bên núi
Mà cất am tỵ trần
Vẽ hình nàng trên gối
Ngồi ngắm suốt mùa xuân…
Cách nay vài năm, người thi sĩ bạt mạng này đi tá túc tuổi già ở một ngôi chùa ngoại thành. Ông không thực hiện nổi ước mơ sáng lập ra một “Đạo” mới như đã từng tuyên bố ngày trước.
Các nhà thơ của những năm`60 nay còn được nhiều người nhắc, như Thiếu Khanh, Lâm Vị Thủy… đều không xuất thân từ một tờ báo chuyên văn học nghệ thuật. Trong lãnh vực văn xuôi, Cung Tích Biền từ khi xuất hiện trên tuần báo Nghệ Thuật đã gây dư luận; nhưng đến tận 1975 ông vẫn chưa lần nào xuất hiện trên tờ tạp chí văn nghệ nhiều uy tín là bán nguyệt san “Văn”.

Nhiều người tổng kết rằng chính lúc xã hội vào cao điểm loạn lạc, thì văn chương càng có cơ hội phát triển, làm nẩy mầm nhiều tài năng. Có lẽ cần nói thêm rằng nếu xã hội có tinh thần cởi mở, thì các tài năng văn nghệ còn phát triển tột độ. Trong hoạt động văn nghệ, sự cởi mở cần có, trước tiên ở các nhà quản lý và những người cầm chịch các cơ quan, phương tiện truyền thông. Cởi mở là biết lắng nghe và chấp nhận những cách thể hiện tư tưởng, bút pháp khác với của nhóm và cá nhân mình. Chính nhờ vậy, vào giữa những năm `60, một số cây bút mới đã trở thành “hiện tượng văn học”. Nguyễn Đức Sơn (Sao Trên Rừng) với tạp chí văn nghệ Mặt Đất do một mình ông tự biên tự diễn là một đột phá.

Nguyễn Đức Sơn (NĐS) sinh năm 1937 ở Phan Rang, theo học trung học tại Nha Trang. Khoảng đầu thập niên `60 ông đã có bài được chọn đăng ở các tạp chí văn nghệ hàng đầu như Sáng tạo, Văn Nghệ. Tuổi thanh niên, ông theo học trường Đại học Văn khoa Sài Gòn. Có lẽ do nhận thấy các tạp chí văn nghệ bây giờ đều do đội ngũ văn nghệ sĩ gốc Hà Nội di cư vào sau 1954 thống lĩnh nên muốn tạo ra một diễn đàn của riêng mình. Khoảng 1966, NĐS đứng ra chủ trương tờ báo văn nghệ xuất bản “bất định kỳ” mang tên Mặt Đất. Báo in typo khổ 40 x 60, chính ông vẽ Manchette và trình bày khá đẹp. Lần gặp lại gần nhất (tháng 2-2012), NĐS kể ông đã “ngoại giao” với đội ngũ xếp báo của một hãng phát hành để bỏ Mặt Đất vào trong tờ nhật báo Chính Luận đưa ra các tỉnh, trọng điểm là đưa ra cố đô Huế, quê gốc của ông. Tư tưởng đả phá nền “văn nghệ thống trị” (của đội ngũ các nhà văn gốc Bắc di cư vào) được một số cây bút mới ủng hộ, gửi bài cộng tác. Nhưng có lẽ do… không đủ tiền nên Mặt Đất chỉ phát hành được 2 số và dừng. 2 chữ “Mặt Đất” đã trở thành một dấu ấn cho những người cầm bút trẻ luôn khao khát sự độc lập trong sáng tác và xuất bản. Mặc dù NĐS luôn mồm chê bai, nhưng các tạp chí văn nghệ đúng nghĩa lúc đó vẫn luôn luôn sẵn sàng in các sáng tác mới của những tác giả độc đáo như NĐS. Giá trị nghệ thuật là trên hết.
Những năm đầu thập kỷ ’70, NĐS rất thân thiết với những tác giả trẻ như tôi, Nguyễn Miên Thảo, Thái Ngọc San... NĐS lại nuôi giấc mộng sẽ biến Mặt Đất thành một nhà xuất bản có tầm cỡ, nơi cho ra đời những tác phẩm có trọng lượng. Nhưng… thời thế đâu phải lúc nào cũng chìu lòng người cầm bút. “Mưu sự tại nhân…”.

----------------------------

* nguồn: blog nguyenmienthao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét