Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

chắp tay dòng đời [kỳ 9] - võ chân cửu













đường vân gỗ



Con người có thể làm ra được nhiều thứ, kể cả chuyện “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa” như khẩu hiệu hành xác. Nhưng chuyện tạo nên đường vân gỗ, thì những họa sĩ tài ba nhất, cũng đều phải thua sức các dòng thực vật…

“Cần có thời gian để cho dó hóa trầm, để cho cây hóa gỗ”… Văn học và thơ ca cũng vậy, dòng chảy đến hồi cực thịnh, nó phải tự chuyển mình. “Thơ mới” bạo phát từ 1932, đến khoảng 1939 thì có những tìm tòi mới trong kết cấu vần điệu, câu từ… Năm 1942, nhóm Xuân Thu Nhã Tập với những cây bút nòng cốt là Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Văn Hạnh ra Tuyên ngôn nghệ thuật với mục đích “mở cánh cửa vào thẩm mỹ hiện đại”. Ngôn ngữ thơ muốn kết hợp thanh điệu của trời Tây với âm hưởng của Á Đông trầm lắng. Mặc dù ngay lúc này, nhiều người cho đó là lối thơ “tắc tị”, sự tồn tại của trường thơ này khá ngắn ngủi (đến 1945, do biến cố lịch sử) nhưng hiệu ứng mà nó mang lại là không nhỏ. Xuân Thu Nhã Tập theo điển tích ngôn ngữ ca ngợi quy luật vận hành một năm cây cỏ hai mùa ra hoa kết trái; thơ ca như bước chân hòa điệu cho cõi “đạo” và đời biểu hiện trong sự mầu nhiệm của thanh âm, ngôn ngữ.



đi tìm



Văn học Miền Nam sau 1954, sau bùng phát của trường thơ “tự do”, lớp cầm bút trẻ như lung túng giữa các kiểu “tượng trưng” và “siêu thực”. Chiến tranh ngày càng gây nên bao cảnh điêu tàn nên họ “tuyên ngôn” chối từ các tiện nghi văn minh, tìm đến thiên nhiên đích thực. Những câu thơ “Từ núi rừng Lục Tuyết” của Nguyễn Miên Thảo (NMT) xuất hiện trên Tuần báo Khởi Hành 1969 chính là một trong những đỉnh cao trong các sáng tác của anh và bạn hữu lúc này:

Đây căn nhà gỗ quý

Lá mây che mưa nguồn

Một đời ta khốn khó

Về đây làm trích tiên

Đời một vạn gian nan

Biết làm gì thêm mệt

Ta trốn vào rừng thẳm

Dạy các em làm người

Một điều ta nhắc nhở

Đừng tin gì hôm nay…

Và anh hùng hồn tuyên bố:

…Ở đây rất bình yên

Bom đạn không thể tới

Ta ăn toàn thú rừng

Gạo đổi từ miệt dưới

Có rất nhiều mật ong

Thứ mật ong nguyên chất

Ta có cái ống điếu

Đẹp hơn đồ văn minh…



NMT thuộc nhóm các cây bút mới xuất hiện ở Huế, gồm “San, Tụng, Thuyên, Quảng, Ngữ” (Tụng là tên thật của NMT). Nhưng sau lời dặn dò “Đừng tin gì hôm nay”, dòng đời đã cuốn số phận mỗi người mỗi khác… San và Tụng ngấm ngầm “thiên tả”, và kết cục dòng đời cũng khác nhau…

“Căn gác nhỏ dưới tàn cây vú sữa” của chúng tôi (có NMT ở nhờ) khoảng năm 1972-1973 liên thông những đường hẻm ngoằn ngoèo của vùng giáp ranh giữa Quận 3 và xã Phú Nhuận. Khu xóm nhỏ này vô tình tụ hội nhiều thế hệ làm văn nghệ. Bên trái là gia đình bên vợ họa sĩ Ngọc Dũng; gác trước có Phạm Chu Sa mới bước chân vào tòa soạn Tuổi Ngọc; phòng có tôi thường xuyên có mặt bạn văn đủ mọi khuynh hướng. Nhà Joseph Huỳnh Văn phía sau lưng không xa. Dưới đường hẻm, đêm đêm một nhóm bạn 2-3 người này vẫn rầm rì chuyện văn chương, tạp chí khi tản bộ qua. Joseph Huỳnh Văn là “linh hồn” của tờ Tập san Văn Chương muốn đem tới một thẩm mỹ khác lạ giữa thời buổi bế tắc. Từ căn gác của chúng tôi, có Nguyễn Lương Vỵ sau đó rất gắn kết, in thơ trên tạp chí này.



từ chối

"Trong một vài dòng mở đầu gửi người đọc, chúng tôi chọn lực nói sự thực đó để nói rằng viết nghĩa là tin tưởng vào những chữ, rằng chúng tôi còn viết bởi vì chúng tôi còn tin tưởng, một cách nào đó, vào những chữ.

Chúng tôi từ chối một tuyên ngôn về văn chương, vì bất cứ một người nào cầm bút để làm văn chương đều phải biết tự xét, một cách thẳng thắn, để nhận ra rằng hắn không viết gì nhiều về những chữ hắn sẽ viết ra…

Chúng tôi từ chối một tuyên ngôn còn vì chúng tôi nghĩ rằng, một cách triệt để, thì không một chữ nào được phép nói thay thế cho một chữ nào khác. Để nói đầy đủ, trung thực và triệt để cho những chữ nào (chẳng hạn những chữ của một “trường phái”, những chữ làm nên một “trường phái” văn chương nào) không có gì đầy đủ, trung thực và triệt để cho bằng chính những chữ đó. Những chữ không thể nói về những chữ. Mỗi tác phẩm của mỗi người viết là một tuyên ngôn xứng hợp với chính nó hơn bất cứ những chữ nào khác, những lời lẽ nào khác.Chính những chữ sẽ được viết ra (của một người nào) sẽ trả lời (một cách riêng tư) cùng một lúc tất cả những câu hỏi này :Tại sao anh viết, anh viết cái gì, như thế nào, anh viết để làm gì, điều anh viết đáng giá bao nhiêu đồng thời trả lời câu hỏi: văn chương, với anh, là gì, anh làm một thứ văn chương như thế nào, một thứ văn chương nào vậy?

Nghĩa là, cùng một lúc, nói tất cả những điều người ta chờ đợi ở một bản “tuyên ngôn”.

Theo chú thích của NXB Giấy Vụn (trong phần phụ lục tập Thơ Joseph Huỳnh Văn xuất bản 3-2011) thì đây là bài viết của những người chủ trương Tập san Văn Chương tại bản in số thượng tuần tháng 5-1973, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của Joseph Huỳnh Văn. “Không phải là Tuyên ngôn”, nhưng những dòng trên đã chính là một tuyên ngôn nghệ thuật. Có lẽ không cần giải thích gì thêm vì những vấn đề được nêu ra đã được đặt ra từ ngàn đời nay, có trả lời thêm cũng chỉ rơi vào vòng xà quầng. Điều có thể nhận ra là nhóm này đề cao vai trò của “chữ”, nói dễ hiểu hơn là xu hướng “nghệ thuật vị nghệ thuật” đã có từ ngàn đời nay. Nhưng “chữ” và “âm” của nó đã diễn tả được những điều cần diễn tả: cái đẹp. Điều này rất rõ trong bài thơ Mùa Cầm Xanh của Joseph Huỳnh Văn.

Hồng tuôn, em trắng nuốt dương tay

Thôi đã nghìn xưa hương khói bay

Đàn im, tôi biết làm sao thấy

Reo rắt, em tinh khiết buông tay

Réo rắt, em trong suốt như mây



Ôi khúc cầm dương sầu quý phái

Đàn ai ngăn ngắt trời tây phương

Xanh đóa hồn tôi xanh lá

Trong vườn tôi xanh đẫm tinh sương



Ôi khúc cầm xanh

sầu quý phái

Mưa trầm xanh cầm mộ ngát xanh

Tập thơ do Giấy Vụn xuất bản lấy bản do chính tác giả sửa chữa , vài câu không như bản được trích dẫn trên đây trong Tập san Văn Chương ngày xưa, nhưng tinh thần nghệ thuật không có gì khác với “tuyên ngôn” đã nêu. Hướng duy mỹ này, cách nay 70 năm (1942), Nguyễn Xuân Sanh đã từng thể hiện trong bài Buồn Xưa:

Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi

Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y

Rượu hắt bầu vàng cung vấn vương

Ngón hương say tóc nhạc trầm mi

Lẵng xuân

Bờ giữ trái xuân sa

Đáy đĩa mùa đi nhịp hải

Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm

Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa…

Nghệ thuật là một đường vòng quanh co. Những gì anh cho là mới mẻ thì trăm năm xưa, ngàn năm xưa có thể đã có người khai phá? Nhưng Tập san Văn Chương đến nay vẫn để lại dấu ấn khá đẹp trong lòng những người làm văn nghệ trước 1975. Điều này, trước tiên có lẽ nhờ ở… tư cách của người sáng tạo. Joseph Huỳnh Văn sinh năm 1942 trên vùng đất Quảng Đà. Ông nguyên được đào tạo trong một trường dòng, lớn lên lại ra đời nhập thế, đi dạy học. Người làm thơ muốn tìm cái đẹp trong từng chữ này có những câu thơ có thể gây thắc mắc:

Em đẹp như cách mạng

Vành khăn tang thấm đỏ giữa chiều vàng

Em đẹp như nát tan

Thuở bình minh

rạng rỡ xa nhau

Ôi vừng dương

vừng sầu.

Em đẹp như hoàng hôn đổ máu

thầm giấu tên chúng ta

….

Ôi ! những người kiêu hãnh chẳng ngày mai

đẹp tàn phai

….

vì lòng hoài cách mạng

(MĨ TỪ điệu)

Những năm tháng này, hai chữ “cách mạng” như một biểu tượng trong 2 thế lực xung đột. Người nghệ sĩ, có thể biện hộ đây là “cách mạng” trong vẻ đẹp ngôn ngữ. Người khảo luận lại thích nhìn vào nhân than và những nguồn gốc sâu xa tạo nên cảm xúc.

Thi sĩ Joseph Huỳnh Văn tên thật là Huỳnh Văn Hiến. Ông có người anh ruột tên Huỳnh Văn Trọng, một trong những nhà tình báo của phe “cách mạng”, từng leo lên tới chức cố vấn đặc biệt (cùng với tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ) của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Năm 1969, vụ án gián điệp đổ bể, Huỳnh Văn Trọng bị bắt, đến 1973 được trao trả về phe “Chính phủ Cách Mạng lâm thời Miền Nam VN” tại Lộc Ninh. Nhà văn Cao Huy Khanh trong tập Chân dung “Những số phận đặc biệt” đang biên soạn truyền mạng, phần viết về Joseph Huỳnh Văn cũng xác nhận rõ mối quan hệ đặc biệt này.

Nhưng cần nói rõ, Joseph Huỳnh Văn là một nghệ sĩ thứ thiệt! “Cách mạng” của đời thực và trong thơ ca có thể là biểu tượng của cái đẹp. Không như Nguyễn Miên Thảo sau 30-4 từ rừng về, xuất hiện tại nhà tôi trong bộ bà ba đen, lập tức bị Nguyễn Đức Sơn tới mò quanh bụng xem thử có dắt cây súng lục không! Ngay sau 30-4, Joseph Huỳnh Văn đi làm thợ mộc. Nhưng trong nghề mộc, anh lại chỉ chọn chuyên phần đánh vẹt-ni trên gỗ. Những đường vân từ cây có khi lại đẹp hơn chữ nghĩa, mỗi loại gỗ phải đánh theo một cách để vân lộ ra hơn hay ẩn giấu. Anh mất tháng 2-1995. Khi đó chiếc đi-văng có hộc làm chỗ đựng đồ mà năm 1981 anh chở tới tận nhà cho tôi khi tôi tay trắng về lại Sài Gòn kiếm sống vẫn chưa phai lớp vẹc-ni ban đầu.



[còn tiếp]


* viết thêm cho rõ



Bạn Võ Chân Cửu thiếu tên của tôi rồi. Chính ra là "San, Tụng, Hiền, Thuyên, Quảng, Ngữ" sau này có thêm Hầu là 7 người. Đây là nhóm văn nghệ lấy tên là "NỘI DUNG" vào khoảng những năm 60 ở Huế. Đã từng xuất bản tập thơ đầu tay của Nguyễn Miên Thảo: Hãy thức dậy cùng ta thầm lặng đêm nay. Đã từng đọc thơ ở Trường Đại học Sư Phạm Huế vào khoảng mùa đông 1967 trước Tết Mậu Thân. Và đã từng dự định ra 1 tập san văn học, có quảng cáo trên báo Bán nguyệt san VĂN hồi ấy. Bút danh của 7 người nói trên là: Thái Ngọc San (đã mất năm 2005), Nguyễn Miên Thảo, Từ Hoài Tấn, Hồ Trọng Thuyên (anh này chỉ có làm mấy bản nhạc, chơi đàn ghi-ta và hát rất hay, hiện định cư ở Mỹ), Mường Mán, Ngụy Ngữ, Phạm Tấn Hầu. Sau này dĩ nhiên mỗi người có một cuộc sống và một con đường khác, không cần phải bàn luận thêm.
--------------------------
nguồn: blog nguyenmienthao



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét