Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

nguyễn nhật ánh: tôi biết yêu từ lớp vỡ lòng


Chuyên mục "Cà phê với sao" tuần này trò chuyện cùng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - “ngôi sao” hiếm hoi của văn học thiếu nhi. Với tính hài hước vốn có, Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ một cách dí dỏm những trải nghiệm sống và viết của ông.

tôi viết từ ký ức












Nguyễn Nhật Ánh chuẩn bị ra mắt tác phẩm mới
 

*Phóng viên: Chào anh, lâu rồi không thấy tác phẩm mới của anh?

- Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Tôi chuẩn bị phát hành cuốn sách mới viết về con mèo… si tình. Đây là truyện đồng thoại, mở đầu bằng hai câu thơ thế này: “Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ - Một con ngồi yên một con đổi chỗ”…

*Anh cũng sẽ hóa thân vào nhân vật như trong chuyện Tôi là Bê tô?

- Không, lúc trước viết Tôi là Bêtô, tôi mượn các chú cún để chia sẻ những suy nghĩ của mình về cuộc sống. Nhưng chuyện về hai con mèo lần này yếu tố đồng thoại rõ nét hơn, cốt truyện rõ ràng hơn, tác giả cũng ít thông qua nhân vật để trực tiếp bày tỏ những chiêm nghiệm mà gửi gắm thông điệp qua câu chuyện được kể trong sách.
     
*Truyện của anh đa phần lấy từ ký ức?
                                          
-Một đứa trẻ lớn lên có nhiều thật nhiều câu chuyện để kể thì nhất định đứa trẻ đó hồi nhỏ phải rất nghịch. Thứ hai nữa là nó phải xa quê hương từ rất sớm, để nỗi niềm hoài xứ luôn ám ảnh trong lòng. Tôi mà cứ sống ở quê hoài chắc cũng không có điều kiện ôn lại ký ức, mà biết đâu cũng thấy mọi thứ chẳng đẹp đẽ lung linh như khi tôi ở xa nhớ về.

*Có khi nào anh thấy hụt hẫng vì hiện thực khác xa ký ức?
         
- Có chứ, giống như hồi viết cuốn Mắt biếc năm 1990, tôi tả chợ Đo Đo rất đẹp, rất thơ mộng. Cuối năm đó tôi có dịp về lại làng Đo Đo, rất may là viết xong rồi mới về, nếu không thì tôi khó có những trang văn đầy cảm xúc như vậy, vì ngôi chợ tuổi thơ tôi ngoài đời nhìn chẳng thơ mộng như ngôi chợ trong ký ức tôi, lại bị đem bán cho ai đó, nhìn không ra hình bóng ngày xưa.

Bây giờ người ta xây một ngôi chợ mới cách đó một quãng, lại là ngôi chợ lồng với những cây cột xi măng trông rầu chết được. Vậy đó, cứ để tuổi thơ được nhìn qua lăng kính của nỗi nhớ thì mọi thứ sẽ đẹp như mối tình đầu.                   

thuở nhỏ, tôi hay nghịch dại!                                
                          
*Anh thừa nhận rằng thuở nhỏ rất nghịch ngợm?
                                                                                                                                                                                                                - Tôi hay nghịch dại, chuyện là vầy, một ngày đẹp trời ông thầy bói nói với mẹ tôi là số tôi chết nước. Tôi có kể về ông thầy bói này trong truyện Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Nghe thầy “phán”, mẹ tôi cấm tiệt tôi chơi mấy trò sông nước với bạn bè. Nhưng một hôm tôi trốn nhà đi bè qua gò đất bên kia bàu, bè dành cho 2 người nhưng 3 đứa tôi cùng nhảy xuống, vậy là bè chìm nghỉm.

Tôi uống nước no bụng, đầu óc tê liệt hết, may mà được người làng phát hiện vớt lên kịp thời. Lần đó tôi bị ba tôi “đét” cho một trận nên thân. Chi tiết bè chìm này tôi có viết trong tập Ngủ quên trên đồi trong bộ truyện Kính vạn hoa.
                    
*Có trò nghịch dại nào để lại thương tích nhớ đời không?
                                                                                                                             
- Nhìn hai bên mắt tôi nè, hai cái sẹo ngon lành trên lông mày đó. Một lần ngồi võng đưa qua đưa lại hết cỡ, cái cột tre không chịu nổi, đang đưa vù vù thế là... chéo chéo... cây tre ngã xuống, mắt tre đập vô mặt, máu chảy!

Hai năm sau, trường tiểu học kêu học trò vót chông đem lên nộp để làm hàng rào. Một thằng bạn đang cầm thanh tre vuốt nhọn, chẳng nhớ thế nào mà tôi lại rượt nó chạy. Nó chạy chạy, nhảy lên bàn, tôi cũng nhảy theo, rượt rượt… Bỗng thằng bạn cùng đường, bí quá nó dừng lại xoay ngược thanh tre chĩa mũi nhọn ra phía sau. Ầm một phát, mũi chông đâm ngay trên mí mắt tôi, máu chảy dầm dề, thành cái sẹo thứ hai.
                                                                     
mối tình đầu “bốc mùi”

*Thế mối tình đầu của anh có đẹp lung linh như ký ức không?
                                                            
- Mối tình đầu của tôi, tôi đã viết rồi đấy, trong cuốn Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Hồi xưa tôi chính là cậu bé Thiều đi chuyển thư cho chú Đàn và chị Vinh trong truyện ấy, cũng lận thư trong lưng quần qua nhà hàng xóm xin ớt, rồi đưa thư, rồi coi… ké thư tình của ông chú, sau đó chép tặng con Xin – ngoài đời “tình đầu” của tôi tên Thu.
                                
Có chi tiết này không có trong truyện là bức thư tôi gửi, con bé Thu đem nộp cho thầy giáo, ông thầy kêu tôi lên, khẽ cho mấy khẽ rồi đem bức thư đưa cho ba mẹ tôi. Trời ạ, bức thư tình phát tán đi khắp làng quê, chạy lung tung qua nhà cô dì chú bác... Lần đó tôi muốn chui xuống đất làm con giun cho rồi, vì đi đâu cũng bị trêu chọc tối tăm mặt mũi!
 
*Năm đó anh bao nhiêu tuổi?

- Mới học lớp vỡ lòng.

*Anh biết “yêu” sớm thế?

- Mà mối tình đầu của tôi không được… thơm tho lắm đâu. Tôi đang gửi thư tình cho con bé Thu thì thằng bạn ngồi bên cạnh tôi bỗng dưng nó… ị trong quần khiến cả lớp bịt mũi và thét lên be be (!)

*Có vẻ như anh đã đưa rất nhiều chi tiết thật vào rải rác các tập truyện?

- Đúng vậy! Mỗi nơi một vài chi tiết, và nếu tôi không nói thì độc giả không thể biết chi tiết nào liên quan đến truyện nào. Ví dụ như chuyện hay bỏ quên chìa khóa trong phòng rồi bấm ổ khóa lại của nhân vật Khoa trong truyện Những cô em gái. Đó là chuyện của tôi, lúc đó tôi… nghễnh ngãng sau lần té bàu uống nước suýt chết.

xử “nỗi buồn” theo cách riêng

*Có phải vì thế giới tuổi thơ  vui quá nên anh không viết cho người lớn?
                                                        
- Lớn lên tôi nghịch kiểu khác. Nói chung, thế giới người lớn không vui bằng thế giới trẻ con. Tôi thấy làm người lớn, có nhiều nỗi buồn hơn làm trẻ con.

*Đã là người phải có lúc buồn, lúc vui; niềm vui anh cho vào văn chương còn nỗi buồn anh “thả” đi đâu?
                                                                      
- Nỗi buồn là chất xúc tác cần thiết cho văn chương. Nó là nỗi ám ảnh hay nỗi bức xúc để bắt nhà văn ngồi vào bàn, nhưng không nhất thiết phải phơi bày nó lên trang giấy. Mỗi người có cách chưng cất nỗi buồn của mình. Tôi “xử lý” nỗi buồn theo cách của tôi.

*Anh có thể bật mí cách riêng đó?
  
- Nỗi buồn riêng thì tôi gửi vào thơ. Chẳng hạn: “Anh nợ em những ngày yêu – Nợ công viên những buổi chiều cỏ xanh - Đi qua gian khó đời mình - Nợ câu thơ bắc qua nghìn nỗi đau…”.

độc giả là thượng đế!

*Chuyển qua truyện đồng thoại, anh đang tìm lối đi mới cho chính mình?

- Truyện đồng thoại là một thể loại quan trọng trong văn học viết cho trẻ em nhưng hiện nay ít người viết mà cũng ít người đọc, có cảm giác thể loại này sắp đến ngày “tuyệt chủng” rồi hay sao ấy. Viết truyện đồng thoại trong lúc này do vậy là một chọn lựa mạo hiểm. Nhưng là nhà văn viết cho trẻ em, tôi không thể “tránh né” thể loại này. Tôi đang hồi hộp, nếu cuốn này in ra được bạn đọc hồ hởi đón nhận chắc là tôi hạnh phúc lắm.

*Tên tuổi Nguyễn Nhật Ánh không đủ để bảo chứng?

- Cũng mong là như vậy. Những cuốn khác bán chạy hay tái bản thường xuyên thì tôi cũng vui, nhưng với mấy cuốn “khó nhằn”, kiểu như Đảo mộng mơ hay cuốn Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ này mà trở thành best-seller thì niềm vui của tôi được nhân lên gấp đôi.

*Anh lo vì có ý kiến nói “Nguyễn Nhật Ánh viết Đảo mộng mơ xuống tay”?

- Khi viết Đảo mộng mơ, tôi biết trước sẽ có những độc giả người lớn, cả bạn đọc cấp 2, 3 cũng sẽ không thích như những cuốn khác. Truyện viết cho nhi đồng thì không có rung động đầu đời, giận hờn, cũng không thể có chiêm nghiệm , những điều thẳm sâu của người lớn được. Đang đọc các tác phẩm “nặng đô” chuyển qua đọc Đảo mộng mơ nhiều người tự nhiên thấy… nhẹ đô, không hấp dẫn là điều đương nhiên. Nhưng đó chỉ là số ít thôi, vì Đảo mộng mơ là một trong những cuốn bán chạy của tôi, năm nào cũng tái bản 2, 3 lần.
                 
*Vì sao anh xoay qua viết truyện cho nhi đồng?
                 
- Tôi viết nhiều cho tuổi học trò cấp 3 như loạt truyện Còn chút gì để nhớ, Trại hoa vàng, Nữ sinh…thì các em cấp 2 phàn nàn “sao chú không viết cho lứa tuổi tụi con”. Thế là tôi bỏ ra 7 năm để viết bộ Kính vạn hoa. Tới lượt các em cấp 1 lại phân bì “sao chú không viết cho lứa tuổi tụi con”. Vậy là tôi lại xoay qua viết Đảo mộng mơ cho độc giả nhi đồng.

*Viết sách cho nhi đồng không dễ?

- Viết sách cho lứa tuổi càng nhỏ thì càng khó, tôi cố viết một cái truyện thật trong trẻo, hồn nhiên và dễ thương – trong tác phẩm này gần như không thấy bóng dáng tác giả đâu, là cuốn truyện mà tôi ít để lại dấu tay trên từng trang sách nhất. Bạn tin tôi đi, rồi tôi sẽ trở lại với lứa tuổi non tơ này, sẽ có một Đảo mộng mơ thứ hai.
                
*Nhà văn best-seller khổ nhỉ, cứ phải viết theo yêu cầu độc giả?
                                                                               
- Mang danh “nhà văn best-seller” một mặt là niềm vui, mặt khác là gánh nặng của người viết, cứ bị một áp lực vô hình. Muốn cuốn sách tiếp theo best-seller thì thông thường phải tiếp tục viết theo phong cách đã định hình, đã được độc giả chấp nhận và yêu thích. Không dễ gì có đủ can đảm làm ngược lại hoặc đi chệch con đường từng dẫn tới thành công, vì tạo ra được sự đồng cảm với người đọc, xây dựng một phong cách riêng vốn là một điều rất khó.
            
Nhưng khi viết Tôi là Bêtô, Đảo mộng mơ và bây giờ là Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, tôi phần nào đã cố “chống lại” thói quen của người viết lẫn người đọc, tất nhiên không hoàn toàn triệt để, vì dù trong cuộc đời hay trong văn chương không làm gì có chuyện một người khác sống thay hoặc nghĩ thay hoàn toàn cho mình.
            
mong chờ truyền nhân!

*Anh có kỳ vọng xuất hiện người kế thừa Nguyễn Nhật Ánh, mang niềm vui cho thiếu nhi?
 
- Có chứ, tôi đã từng rất thích Nguyễn Ngọc Thuần với những tác phẩm Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ và Một thiên nằm mộng của anh. Thuần là một cây bút tài hoa, có một phong cách viết độc đáo mà có lẽ không ai có thể bắt chước được. Tiếc là Thuần hình như không có ý định tiếp tục viết cho trẻ em nữa. Thật ra, viết cho thiếu nhi còn cần phải có cơ duyên nữa, mà cơ duyên đó là cái gì thì tôi không biết.

*Vẫn có những cây bút trẻ phía sau, nhưng dường như họ vẫn chưa làm được điều gì ấn tượng?

- Nhà văn trẻ mới đi những bước đầu tiên trong hành trình văn chương của họ. Có khi phải đi 5-10 năm nữa mới định hình được, một thế hệ nhà văn nổi lên như một đội ngũ, thường phải có một bước ngoặt lịch sử. Cũng không nên sốt ruột quá, văn chương là chuyện không thể sốt ruột. Thời tôi khác, lý tưởng tuổi trẻ rõ ràng, tinh thần công dân rất cao và rất tự nhiên, hoài bão rất lớn: đi lao động xây dựng đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh, sau đó là tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam.
  
*Vậy theo anh giới trẻ bây giờ thiếu hoài bão?
                         
- Điều kiện lịch sử đặc biệt làm cho suy nghĩ và sáng tác của tuổi trẻ thế hệ tôi đậm đặc cảm hứng công dân. Và chúng tôi sáng tác một cách tự nhiên, hào hứng, như nó ắt là phải thế. Các bạn trẻ bây giờ sống trong hoàn cảnh khác, nhiều lựa chọn hơn, vì thế có thể dễ lúng túng hơn. Đó là chuyện bình thường, vì đó là tâm thế và là vấn đề của một giai đoạn khác.
     
*Anh có lời khuyên nào cho các cây bút trẻ?
                         
- Tôi chẳng dám truyền dạy ai. Văn chương càng không thể truyền dạy. Nhưng tôi nghĩ những câu tự vấn như “Tại sao viết?”, “Viết để làm gì?”, Viết cho ai?” luôn luôn có ích với những bạn trẻ dấn thân vào con đường chữ nghĩa.

Xin cảm ơn anh! Cùng độc giả chờ “con mèo si tình” của anh!

Tiểu Quyên
--------------------------
* nguồn: báo NLĐ 26.5.12

Ảnh: Nhân vật cung cấp


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét