Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

chắp tay dòng đời [kỳ 5] - võ chân cửu


 

Răng vàng, bạc vụn

Những câu thơ, bài thơ hay như mảnh bạc vụn. Có thể nó bị vùi lấp trong đá thô, đất bùn hoặc bị ố màu do dòng lịch sử. Những cặp mắt, tay nghề tinh đời có thể nhận ra, lấy lại giá trị đã có.
Câu nói mang tính lý thuyết và…"an ủi" cho các nhà thơ ấy ai ngờ có ngày lại hiện hình rất thực theo… nghĩa đen cho rất nhiều người làm văn nghệ còn ở Sài Gòn sau 1975, không phân biệt thuộc trường phái viễn mơ hay dấn thân (đa phần là quy kết của giới chính trị cũ cũng như mới).
Hai ba năm đầu của những năm ’80, tôi cứ vài tuần ở Quy Nhơn rồi lại vào Sài Gòn. Cả nước ăn bo bo. Gặp bạn dù hào hoa cũng phải dè xẻn. Nhiều buổi phải “ngồi đồng” tách cà phê kho.  



Cùng tắc biến
 
“Răng vàng bạc vụn - RVBV” là cụm từ diễn tả một nghề mới phát sinh giữa thời khốn khó ở Sài Gòn. Không phải tìm phế liệu chiến tranh hay liều mình đi tìm, cưa “bom bi” như những trai tráng nông thôn. Đa phần người đi mua RVBV lại xuất thân từ những người có chút ít học hành, nhiều nhất lại là giới sáng tác. Chiến tranh Tây Nam rồi biên giới phía Bắc đã xảy ra, gây nên sự cố “nạn kiều”. Người Sài Gòn mua bãi, sắm tàu rủ nhau vượt biên đông đảo. Họ bán tháo hoặc bỏ lại nhiều đồ dùng xưa kia phổ thông nhưng nay trở thành hàng hiếm. Các gọng kiếng “Pilot”, nắp và ngòi viết Parker có mạ vàng, có cái là vàng 10, 14 ròng. Những chiếc muỗng “Navy” dát dày bạc. Có những món đồ xưa như cối xay trầu, khay và chung rượu xưa đúc từ bạc, quăng lăn lóc nhiều năm bị xẫm màu, chủ nhân tưởng đó chỉ là món hàng thau, thiếc. Một lạng bạc giá bằng 1/10 vàng ròng, nếu mua được với giá ve chai, đời cũng đỡ khổ.
Nhà thơ Phù Hư và cây bút Nguyễn Ước là những văn nghệ sĩ khám phá, gia nhập nghề này trước tiên. Nguyễn Ước từng mở rộng địa bàn thu mua ra tận các thị thành xa, từng ghé ngủ nhờ nhà tôi tại Quy Nhơn để sáng sáng đi hành nghề. Gặp lại nhau tại khu vực cà phê hè Trương Minh Ký, anh cho tôi một cục nhỏ đá đen cứng và chai acid. Muốn định tuổi vàng nào, cứ cà mấy đường lên mặt đá rồi nhỏ acid lên. Không bay màu là có dát vàng. Xem độ lắc-kê (lackquer) dày mỏng để có thể tính ra phân, ly mạ vàng mà giao bán không bị hớ. Cả hai đã lên hàng “đại ca” trong nghề nên chỉ mớm dạy tôi chừng đó, rồi đi thẩm định, mua hàng. Còn lại phải tự mình khám phá khi hành nghề. Giữa lúng túng đó bỗng nhà thơ Trần Dzạ Lữ xuất hiện, giọng Huế thân tình: Mai mi đi với tau! Chắc anh nhớ những kỷ niệm hồi đi phép về Sài Gòn hết tiền. Tôi và Vũ Hữu Định dẫn ra chợ Trương Minh Giảng. “Cơm với cá như mạ với con”, lần nào, Lữ cũng nói như vậy.
Tôi ăn nói khá dở nên được phân công xách xâu hàng mẫu gồm những gọng kiếng, muỗng bạc, vỏ đồng hồ… dắt xe vừa đi vừa lắc kêu leng keng. Lữ cũng một xâu hàng trước tay nắm. Anh cất tiếng rao: “hột đá, hột bẹc, hột vương miện… đồng hồ cũ, gọng kính hư… bán… không?…”. Ở các vùng nội thành, lớp “đàn anh” như Nguyễn Ước, Phù Hư đã đi nát các hẻm. Nên chúng tôi mở trận tuyến mới, theo ngõ An Nhơn, Gò Vấp lên thắng Lái Thiêu, xuống tận trường Trịnh Hoài Đức (Bình Dương)… “Trường này, ngày xưa có các nhà văn nhà thơ… ở dạy học”. Khi nghỉ mệt, chúng tôi lại điểm những kỷ niệm, nhắc nhớ về những người còn ở lại, đã ra đi. Trần Dzạ Lữ mới gia nhập nghề RVBV, cò con, ít vốn nên cả ngày chúng tôi chỉ mua được vài món nho nhỏ, đủ bù công đi xa. Món nào tự định giá được thì về nộp cho các “đại ca” đi trước. Nếu đắt giá thì nhờ các đàn anh thẩm định rồi đem đến cho một nhạc sĩ nội tiếng đang làm chủ vựa thu hàng.
“Vào nghề” trễ, hàng đa phần đã cạn nên chỉ sau vài chuyến, tôi tìm cách giải nghệ. Nghe đâu Lữ sau đó cũng chuyển nghề, kiếm chân làm việc có lương ở quận 4. Nghề RVBV xem ra bạo phát rồi bạo tàn. Trong giới sáng tác, có người lao vào cũng trúng vài quả đậm (tất nhiên là đều giữ kín) nhưng họ chỉ mua đi bán lại, không lao vào phân kim. Về sau, giới phân kim ai nấy đều đổ bệnh hiểm nghèo do không biết tự phòng ngừa khi hít quá nhiều hơi acid.
Theo chân dòng đời: Trường Đại học đóng cửa, lần đổi tiền đầu tiên (22-9-1975) trong nhà chỉ còn 5000 đồng đổi ra 10 đồng tiền mới (chứng từ nay vẫn còn giữ), chỉ đủ sống 2 ngày. Đem sách cũ ra hè phố bán, cứ vài ngày bị đuổi chạy một lần nên tôi nghĩ ra kế đi tìm vùng kinh tế mới. Nhưng mới đi tới Định Quán thì xe khách bị du kích đeo băng đỏ thổi “quét quét” kiểm tra. Chiếc xe đạp, tài sản quý nhất của gia đình tôi bị tịch thu vì không có “giấy chứng nhận” (như kiểu quản lý của Miền Bắc). Tôi phải quay về cắt hộ khẩu để đi theo diện hồi hương cho dễ kiếm việc làm. Kiếm ra việc nhưng tại quê nhà, lại bị một nhà thơ tranh đấu làm đơn “tố” vì là tác giả một tập thơ trong diện cấm lưu hành. Quay về Sài Gòn đi mua RVBV thì nghề vặt này đã sắp tàn…

…Người nói đông nam kẻ nói tây

Thánh nhân ra đời vẫn chưa thấy
Đêm đêm trông sao trên bầu trời
Hiền nhân đời nay còn được mấy

Tà thuyết được thời rao nơi nơi
Ta muốn làm ma bay rong chơi
Làm ma còn có cháo lá đa
Làm người đói xin không ai cho…

Buồn buồn, tôi ngồi nhớ lại mấy đoạn trong bài thơ “Tiễn năm đi” của mình mà nhật báo Sóng Thần trịnh trọng đăng ngay đầu trang nhất số Tết 1974. Những câu thơ ấy như lời tiên tri cho 2 năm sau! Tôi không làm chính trị và không có ai thân với ở nhật báo này, chỉ tự động gửi bài đến. Nhưng có lẽ là tác giả đã có tên tuổi nên khoản nhuận bút tờ báo trả cho bài thơ này theo thời giá tính ra mua được nửa cây vàng. Ký nhận xong, chị nhà văn đứng tên chủ nhiệm còn ra bắt tay tôi và cảm ơn! Trên đời, có lẽ có nhiều người biết nhận ra vàng ròng. Như vậy, trong một xã hội xem báo chí là quyền lực thứ 4, nếu có cơ hội và biết làm một tạp chí văn chương đích thực, thì người cầm bút vẫn có thể sống được!
Nhưng bây giờ, tất cả đều đã thay đổi. Văn thơ chỉ còn là một “công cụ”.
 

Lời nhắc nhở
 

Có người thấy cảnh “anh chống mái che cho con khỏi ướt - Nơi em thèm viên gạch đứng rửa chân (VCHC - Bài ca túp lều)” đã đến khuyên tôi nên làm những bài thơ ngợi ca để có tiền nhuận bút cho gia đình. Tôi không trả lời nhưng cứ nằm suy nghĩ mông lung.
Sáng ra một bài thơ hiện hình :



Bóng hình

Lẩn tránh chốn ồn ào

Tôi tìm em yêu dấu
Em lắc đầu xua đuổi

Tôi một mình thui thủi

Ra ngồi bên bờ sông
Sông lạnh lùng cau mặt

Trở về qua phố đông

Tìm mua bài thơ mới
Hết giờ hiệu sách nghỉ

Đêm vỗ về giấc ngủ

Tôi mơ tìm thấy tôi

Gặp em trong giấc mộng

- Anh thành người khác rồi!

Sớm mai ngày mở cửa

Tôi rửa mặt soi gương
Cắp cặp đi ra phố
Một ngày mới bình thường...
(1981)
Phải khá lâu tôi mới làm thơ lại được. Với bài thơ 5 chữ này, có người xem, nói tôi bắt đầu có khuynh hướng chuyển sang làm thơ “hiện thực”, bắt đầu gần với “đời thường”. Tôi không quan tâm đến cách phân loại của các cây bút thích làm phê bình gia. Chỉ thích thú với sự cảnh báo trong giấc mộng  - “Anh thành người khác rồi!”.
Lời nhắc yêu thương đầy tha thiết ấy giúp tôi hiểu là dù có nghèo khó đến mấy đi nữa, cũng đừng bao giờ biến thành kẻ hai mặt trong dòng đời.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét