Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

tản luận về Bùi Giáng - nguyễn đăng trình

                                              
 Trien lam tranh anh thu phap tuong niem Bui Giang                                                                                          
   
Nói đến Bùi Giáng, người đã từng gặp, từng nói chuyện, người chưa hề tiếp xúc, chỉ nghe nói, chỉ đọc lõm bõm đâu đó sáng tác của ông;người trong văn giới và “ người ngoại đạo”… đều lắc đầu, cái lắc đầu nhiều ý nghĩa, hoặc im lặng,cái im lặng cũng nhiều ý nghĩa nốt. Còn viết về ông thì hầu như các cây bút đều tỏ ra ngại ngùng, lúng túng trước núi tác phẩm khó tiêu hóa và cái bút pháp “xí lắc léo” của ông. Điều ấy đủ cho thấy Bùi Giáng là một tài thơ đặc biệt trên văn đàn Việt Nam hậu bán thế kỷ 20 như thế nào, mặc dù tài thơ đó còn rất nhiều điều phải “đặt lại vấn đề”. Ờ đây, THỜI VĂN chỉ mạo muội nhìn thi sĩ như ngắm một hiện tượng văn học.
  Một hiện tượng văn học quả nhiên là hiện tượng.
  Một dấu hỏi lớn quả nhiên là dấu hỏi.
                 Hỏi tên rằng biển xanh dâu
                 Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa
                 Gọi tên rằng một hai ba
                 Đếm là diệu tưởng đo là nghi tâm
  Hình như ai cũng muốn biết một Bùi Giáng thật sự nhưng đành chào thua.Hay đúng hơn là mỗi người đều cố phác thảo chân dung ông bằng cách riêng của mình khi tiếp cận với phức-liệu-bùi-giáng.
   Đã có quá nhiều bài viết về ông suốt nửa chiều dài của thế kỷ này, cả trong nước lẫn ngoài nước. Hay dở đều có, nhưng hầu như chưa ai dám khẳng định đúng hoặc sai, ngay cả tác giả của những chuyên luận. Tất cả đều đã chống lại cha đẻ của mình ngay khi mới o oe chào đời. Nghi vấn Bùi Giáng, trước sau, vẫn cứ là nghi vấn, cái nghi vấn cực kỳ trừu tượng theo kiểu bầu trời, vũ trụ bao rộng. Ai cũng có thể trả lời tức thì nhưng với cách trả lời mờ ớ rằng bao la lắm, mênh mông lắm… Nghiệt nhất là chưa bao giờ thấy Bùi Giáng cải chính.
  Chung quanh Bùi Giáng vô hình chung u u âm âm với quá nhiều giai thoại.
  Những giai thoại cứ xoắn riết lấy ông hết lớp này đến lớp khác. Ông trở thành cái nhân của sao chổi!
  Bùi Giáng không hề muốn ông là cái nhân bi đát nọ. Ông vùng vẫy để thoát ra.
                Thân xương máu đã đành là ủy mị
                Thì xin em cùng lên thác xuống ghềnh
                                                      (Phụng Hiến)

               Tôi từ xa lắc mộng trường
               Về ăn một trái mười phương tôi chào
                                                     (Trái xoài)
  Không ít người muốn vén lớp khí tù mù, cố xua đám vẩn thạch bùng xung và mở căng thị lực để nhìn ông cho rõ. Rõ cả bên ngoài lẫn con người bên trong của ông. Đủ các cách.Vẫn chưa thấy gì. Mặc dù người ta biết chắc có ông đang hiện hữu. Cuối cùng, nhiều người không thèm nhìn nhỏi đến ông, không ngó ngàng đến ông, không đoái hoài đến ông, không đếm xỉa đến ông, coi ông như không có. Riết rồi người ta cũng quên luôn rằng người ta đã, đang và sẽ nỗ lực tự lẩn trốn chính mình.
  Còn Bùi Giáng thì lặng lẽ tự tỏa sáng sau những lần bế tắc.
             Sớm kêu chiều hót dõi tìm
          Hình dung tâm sự nổi chìm bấy bao
                                                 (Con chim)


         Tôi ngồi chép mãi bài thơ
         Quẩn quanh vần điệu bao giờ cho xong
         Đôi phen lệ chảy ròng ròng
         Tâm tình kín đáo giòng giòng tuôn ra
                        (Chuyện bữa trước bữa sau)

         Làm đi làm lại bài thơ
         Kể từ tao ngộ bất ngờ Nguyễn Du
                                               (Chim hót)

  Bùi Giáng đắm mình trong sách vở cổ kim đông tây và chia xẻ cùng những nghệ sĩ “nòi tình đồng điệu” để sở cầu các mối tương cảm não nùng. Thật khó lý giải vì sao thơ ông lại là những cung bậc bi thương dù chúng được ông biểu cảm với thể điệu nào. Phải chăng cái kiến thức uyên bác của ông đã khiến cái tâm hồn vốn đa sầu đa cảm của ông càng thêm đa lụy? Bùi Giáng luôn tỏ ra vô cùng thương cảm cái biệt nghiệp hệ lụy nhân sinh thường hằng này vốn là tư hữu xưa nay của giống hữu tình. Bản chất của biệt nghiệp ấy thời đại nào cũng giống thời đại nào, Đông phương hay Tây phương gì cũng thế.
         Cho hay là giống hữu tình
         Đố ai gỡ mối tơ mành cho xong.
                                              (Kiều)

        Em đi đắm đuối tấm lòng
        Có bao giờ biết người trăm năm buồn.
                                             (Tỉnh mê)

       Anh sẽ khóc suốt thiên thu tình lụy
       Của vấn vương tình nghĩa nặng muôn nghìn.
                                               (Vì có lẽ)
  Trước Bùi Gíang, Nietzche,Heidegger, Shakespeare, Hoelderlin, Nerval, Dostoievski, Nikos Kazanzaski, Krishnamurti, Tô Đông Pha, Lỗ Tấn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn khắc Hiếu… cũng đều nhức nhối không nguôi vì cái hệ lụy đó.
  Y chang họ, Bùi Giáng sáng tác, lập ngôn, thậm chí sống (nhập thế) không phải để lưu danh hão mà cốt là để góp phần cải tạo cái hệ-lụy-tự-hữu-và-hằng-hữu của kiếp nhân sinh. Ông đáng được khâm ngưỡng vì đã dám đòng điu với nỗi cô đơn tự chọn đầy thử thách và lắm truân chuyên.
         Muộn lời chậm tiếng Lầu Tiên
         Liền tâu Thần Nữ mối phiền lão phu.
                                              (trong tập Rong rêu)

        Rồi anh bỗng thấy lời lời vô ích
        Vì bỗng dưng chợt hiểu em nguy nga
        Từ vô tận em đi về Vô Tích
       Từ Lâm Truy em lạc bến giang hà.
                                (Không thể nói rằng)

       Mỗi đêm mỗi một thở dài
       Mỗi ngày than vắn “ai hoài chiếc thân”.
                                (Gửi Thái Thậm ni cô)

      Tôi ngồi ngẫu chuyện oái ăm
      Phiêu bồng bao xiết phù trầm bấy bao.
                                (Tịch mịch)

Bùi Gíang đã âm thầm lặng lũi hành cước trên con đường độc đạo riêng lẻ của mình suốt hơn nửa thế kỷ chỉ để chiêm nghiệm cái hiện thể cát bụi của vạn vật rồi hốt hoảng gào lên cái thông điệp TỒN SINH bằng những thi phẩm thống thiết.
        Thôn làng từ bấy tới nay
        Biết còn thơ mộng như ngày xưa kia?
                               (Chiều hôm hoài niệm)

        Quanh quẹo biển dâu về tấp nập
        Nghìn trùng xa vắng tới mê man
                               (Gửi các con)
Bế tắc và tuyệt vọng vì thái độ dửng dưng của phần lớn đồng loại trước bao nhiêu thảm họa đang tới, Bùi Giáng đâm ra bỡn cợt trào lộng với hết thảy thế giới chung quanh bằng cái bỡn cợt trào lộng “cười ra nước mắt”.

       Quả nhiên bệ hạ cuống cuồng
       Bê tha ngày tháng dơ tuồng trăm năm.
                              (Thần công)

      Người điên ngôn ngữ điệp trùng
      Dở chừng như mộng dở chừng như mê
      Thưa em ngôn ngữ quặt què
      Làm sao nói hết nghiệp nghề người điên.
                             (Người điên)

      Đầu đuôi thơ viết lộn hàng
      Hóa ra nét chữ lên đàng quẩn quanh.
                             (Không thuộc bài)
Cái bi kịch kinh khủng nhất và thê thiết nhất của Bùi Giáng cũng như của các huynh đệ đồng môn trước và sau ông là tác phẩm của mình, tiếng nói của mình, tiếng gào của mình, tấm lòng của mình, tâm huyết của mình… không dễ được người cùng thời nghe ra, nhận ra. Cái giá trị chỉ thật sự giá trị đối với người đời sau, nhiều đời sau -nhất là những giá trị tư tưởng- khi chúng đã trở nên quá lạc hậu. Cho dù không lạc hậu thì cũng quá muộn màng.
        
       Bất tri tam bách dư niên hậu
       Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
                             (Nguyễn Du)

       Ngày đêm thao thức thật thà
       Sưu tầm chân lý té ra tầm ruồng.
                             (Bùi Giáng)
Bùi Giáng cô đơn lắm. Càng cô đơn hơn khi ông bị những “thày lang” chẩn đoán và mổ xẻ những đứa con tinh thần vốn dị dạng và trái nết của mình bằng những kiến thức khập khiễng khiến chúng càng què quặt thêm. Bùi Giáng chỉ thiết tha mong thiên hạ cảm ông qua tác phẩm tùy sức đọc và trình độ thẩm thức nghệ thuật của mỗi người. Với ông, hiểu thôi chưa thể chia sẻ được gì. Bới lông tìm vết lại càng lệch lạc.
Buồn.Buồn.Lại buồn…
Bùi Giáng lang thang, ăn bụi, uống hè, ngủ phố, đánh bạn với muông cầm, cây cỏ.

         Rong chơi râu tóc rối bời
         Bẽ bàng mộng mị mọc mời chiêm bao
         Còn chăng tuổi trẻ năm nào
         Thủa xa xưa lắm tiếng chào hỏi em
         Chân trời em nhớ em quên
         Chốn nào lưu lạc mất tên tuổi mình
         Chào em cuối cuộc lênh đênh
         Lời thơ kêu gọi tình em vẫn còn.
Hoặc:
         Rong chơi râu tóc bạc phơ
         Còn nghe đắm đuối vần thơ yêu người
         Người đi ở cuối chân trời
         Có nghe tình mộng nửa đời dằng dai
         Vỡ toang cung bậc tuyệt tài
         Còn rơi rớt hột miệt mài ngàn thu
         Ngày theo năm tháng trầm phù
         Lượm từng đóa đóa phù du tặng người.
                                               (Rong chơi)

        Ra đời từ đó lập tồn
        Ngàn thu rớt hột bôi tôn thập thành
        Men khúc nghiệt mở thiên thanh
        Bến bờ vô tận tung hoành cuồng ca
                                    (Ham chơi quá độ)

  Chúng tôi chưa hề có được cái vinh hạnh gặp thi sĩ Bùi Giáng.
  Chúng tôi chỉ loáng thoáng thấy ông lủi thủi trên vài chặng đường ngôn ngữ tuyệt trù của ông, trên những phác thảo nhòe nhoẹt chân dung ông qua báo chí.
 Chúng tôi cũng e dè đụng đến ông như nhiều người (?).
  Có thể BG không bận tâm, không trách cứ. Nhưng rất có thể ông đã vô cùng buồn bã vì điều đó. Bởi lẽ cho dù là  lữ tử “vạn lý độc hành” trên nẻo nhân sinh mìn mịt, BG cũng vẫn là cái hiện-thể-cát-bụi-hữu-tình.
 Chúng tôi thấy gì ở ông?

    Khái niệm HƯ VÔ, dù theo triết hệ Đông hoặc Tây phương, trước sau, vẫn chỉ là nỗi hoài nghi khi con người đối diện với bế tắc và tuyệt vọng. Bế tắc và tuyệt vọng luôn là thuộc tính của con người, nhất là ở những con người thiết tha muốn cải tạo cái hệ-lụy-nhân-sinh-thường-hằng! Bế tắc và tuyệt vọng càng lớn lao bao nhiêu thì nỗi hoài nghi kia càng bát ngát bấy nhiêu. Và qua đó, cái TÂM của kẻ hiền giả mới rạch ròi sáng hay tối, rộng hay hẹp.
    Có thể nói gì về phạm trù THI CA và phạm trù CÁI TÂM của BG khi giữa chúng là một dấu bằng (=) vừa bí ẩn vừa tách bạch, lắm người thấy và lắm kẻ không thấy (hay vờ như không thấy)? Ôi! Cái hằng đẳng thức mới ngoạn mục làm sao, mới “đẳng thức” làm sao!
    Chưa chắc chúng tôi cảm nổi BG, nhưng chúng tôi tin rằng chúng tôi sẵn dành cho ông một chỗ xứng đáng trong trái tim mình. Nói cách khác là chúng tôi đang tập chia sẻ với ông.
    Các nhà khoa học bế tắc và tuyệt vọng trước cái chết của con người, nhưng họ còn có công việc chống lại, làm chậm đi quá trình cái chết đó để đeo đuổi.
    BG bế tắc và tuyệt vọng trước nguy cơ hủy diệt của vạn vật do tham vọng thái quá của con người. Ông trở nên yếu đuối một cách tội nghiệp:

                Liều thân liều thế thất thần
                Cái thân liệu những liệu gần liệu xa
                                          (Mở đầu tỏa ra)

                Lỡ từ lạc thể thiết tha
                Ta từ vô tận nhìn ta ngó người
                           (Minh Châu hòa thượng)

                Người đi cuối cuộc hành trình
                Qui hồi bất chợt thình lình thấy ta
                                                  (Đi và về)

                Tặng nhau từ ngữ lạc lầm
                Cũng xin hồng lệ hãy đầm đìa tuôn
                                 (Y ư mộng du ư mê)

                Cây và cỏ, cỏ và hoa và lá
                Cũng thi đua ồ ạt đối lập nhau
                Nên anh chỉ đành bó tay em ạ
                Trước uy quyền của vạn vật chứ sao?
                                  (Đành chịu thế thôi)
     Nỗi đau đớn của BG ( mà cũng là của vạn vật) có lẽ chính ở chỗ đó.Đâu cần phải là nhà tiên tri mới thấy trước được cái nguy cơ trở thành tro bụi trong một sớm một chiều khi khắp hành tinh ĐẤT MẸ này còn tồn tại ý muốn tiêu diệt đồng loại để độc bá (chiến tranh phi nghĩa) và bóc lột dị loại để phồn vinh (tàn phá môi trường sinh thái).

               Mười năm sau xuống ruộng
               Đếm lại lúa bờ liền
               Máu trong mình mòn ruỗng
               Xương trong mình rã riêng
                                          (Bờ lúa)

              Ra hoa bờ cỏ mất rồi
              Sắt se trái chín đã rơi rụng nhiều
             Mất rồi bờ cỏ ra hoa
             Mạch triều suối ở nguồn xa chưa về
             Đất dâng mùa phượng trưa hè
             Đất còn ở lại giấc hòe đêm đông
                                       (Tặng trái đất)
      BG nói ông yêu sâu bọ, giun dế và yêu luôn con vi trùng là ông nói thật. Tuyệt đối không có nghĩa gì giỡn chơi hay mai mỉa tếu táo cả. Chỉ tiếc là ông thể hiện cái tình cảm rất con người ấy một cách tiêu cực chung chung.
     Chúng tôi cực kỳ xúc động trước cái tự niệm vừa tự phát vừa tự giác đến thiết tha thoạt nghe tưởng chừng như ngớ ngẩn giả tạo đó. Và BG đã không hề tự mâu thuẫn dù đang đứng trên hai thái cực của cảm xúc, trái lại, còn hết mực hồn nhiên là khác.
             Thương em mỗi lúc một nhiều
             Ghét em mỗi lúc mỗi trìu mến em
                                         (Tình yêu)

       Phải hiểu rằng BG yêu cái MẦM SỐNG một cách nồng nàn.
       Cũng phải hiểu rằng BG yêu  Bà Mẹ Vĩ Đại một cách nhiệt liệt khi ông nói ông yêu Mẫu Thân, yêu Phùng Khánh, yêu Kim Cương, yêu Brigitte Bardot, yêu Marilyn Monroe , yêu cô Mọi nhỏ…
      Sự tiến bộ vượt bậc của khoa học nói chung hồi trước và sau đệ nhị thế chiến đã khiến ông chẳng những không mừng mà còn hốt hoảng đến cuống cuồng khi tiên nghiệm, dự cảm và hình dung ra những thảm họa tất yếu khủng khiếp gấp nhiều lần thảm kịch Hiroshima… Ông hóa điên hóa rồ khi thấy người ta quá ngây thơ để tin vào cái hiệu quả tích cực nhỏ mà quên mất cái hệ quả tiêu cực lớn của những phát minh phát kiến.
      Giá như nhân loại chỉ vận dụng những tiến bộ khoa học vào mục đích hòa bình.
      Dĩ nhiên chiến tranh phi nghĩa là thủ phạm tàn bạo hàng đầu và nguy hiểm nhất đặt trái đất vào tử lộ. Nhưng điều này ai cũng có thể ý thức và nỗ lực né tránh , hạn chế. Riêng BG ông còn hoang mang hoảng sợ vì nhiều thứ, nhiều phía khác làm chết trái đất dần mòn nhưng vô cùng khốc liệt: cái-chết-không-bất-ngờ-mà-bất-ngờ!
               
              Lầu xanh phá vỡ môi hường
              Phồn vinh phá vỡ đoạn trường phố hoa
                                              (Phá)

             Em về mấy thế kỷ sau
             Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không?
             Ta đi còn gửi đôi dòng
             Lá rơi có dội ở trong sương mù?
                                   (Mưa nguồn)
       BG xót xa đau đáu có thể chết đi được (chứ điên mà nhằm nhò gì) khi thấy người ta thản nhiên phung phí lòng bao dung của bà mẹ thiên nhiên, bóc lột đến cùng kiệt nguồn tài nguyên vốn là thực phẩm của NGUỒN SỐNG, đẩy NGÔI NHÀ CHUNG và LÁNG GIỀNG mỗi ngày mỗi tiếp cận cái nguy cơ tuyệt diệt.
      Do đó, cái mà BG cần. rất cần, theo chúng tôi, là đồng loại biết chia sẻ khi đọc ông. Từ đó, người ta khẩn trương ý thức bảo tồn cái MẦM SỐNG vốn rất mong manh nhất là khi nó đang mấp mé bên bờ vực thẳm tan hủy. BG không khát khao gì hơn ở người đọc là thể nhập vào những thứ ông viết như tự vấn chính lương tri mình để tự thức hầu góp phần làm giảm bớt cái tốc độ lao về phía chấm hết của mọi hiện thể.
               Ông viết mãi một vần thơ lẩy bẩy
               Gửi cho con từ cổ tái đoạn trường
               Con có biết tấm lòng ta lửa cháy
               Đốt nướng từ tang điếu một Man Nương?
                                                 (Ông viết cho con)
     Ranh giới giữa chủ thể và khách thể hầu như không có mặt trong văn thơ BG. Ông lặp đi lặp lại cái nhất thể cốt chỉ để hòa giải các xung đột, từ ngoài vào trong, từ nhỏ đến lớn, giữa mọi cá thể trong cái toàn thể.
               Em của chị em của anh
               Em là con gái mang tên con người
                                              (Màu hoa trên ngàn)

               Hoặc rằng người cũng là tôi
               Hay là tôi cũng là tôi như người
     Với chúng tôi, BG không còn là thi sĩ. BG không còn là triết gia. Cả hai đã ngẫu nhiên hòa tan trộn lẫn để kết tụ thành một BG nghệ sĩ.
     Và nếu ai biết mến yêu con người nghệ sĩ BG một cách tỉnh táo: không hề thần thánh hóa ông, cũng không hề hoa mắt trước thứ ngôn ngữ luôn làm xiếc của ông sẽ không cảm thấy thất vọng vô lối bởi những dị tật bẩm sinh trong cái bút-pháp-không-bút-pháp hiếm thấy của BG. Mặt khác, ba tiêu chuẩn Chân Thiện Mỹ trước đây thường được dùng để đánh giá một lập ngôn, một lập thuyết, một tác phẩm… với riêng ông bỗng trở nên vô nghĩa. Cái gọi là “văn dĩ tải đạo” vốn là niềm tự hào của phần lớn văn thi gia bao đời nay bỗng trở nên ngớ ngẩn. Phía sau thơ và phía trên thơ của BG. là một cảnh giới lung linh hơn, hoành tráng hơn… Chúng sẽ triền miên đọng lại nỗi bàng hoàng thảng thốt nơi những người đọc ông.
“Thơ tôi làm… là một cách dìu ba đào về chân trời khác. Đi vào trung tâm bão giông một lúc thì lập thời xô ngôn ngữ thoát ra phá vòng vây…”.
                             (Thi ca tư tưởng)
      Xin đừng đòi hỏi BG phải như thế này hoặc phải như thế khác.
      Càng không thể đòi hỏi ông phải nghĩ phải viết khác đi với những gì ông đã nghĩ đã viết từ khi vỡ nghĩa chữ đời cách đây dễ chừng hơn nửa thế kỷ.
                 Tâm khai từ tuổi mười ba
                 Máu hồng khởi sự lệch sai nhịp mùa
                                      (Từ tuổi mười ba)

                 Kể từ khởi sự mọc răng
                 Tới bây giờ vẫn thường hằng chiêm bao
                                             (Biển đông xe cát)
      Chính những cái độc đáo kỳ khu đã tạo nên một BG không lẫn lộn với nhiều BG của mọi thời đại.
      Và thật đáng mừng biết bao vì gần đây BG tuy vẫn còn cô đơn nhưng đã hết cô độc.
Người ta đang hối hả đáp lại lời ông, đang đánh cho ông những tín hiệu tương thông, tương cảm, tương ứng tốt lành. Nhân loại đang thảng thốt đến sững sờ nhận ra rằng, hơn bao giờ hết, đã đến lúc cần phải dốc sức bảo tồn cái LIÊN TỒN vô giá của mọi hiện thể trong vũ trụ mà đầu tiên và trên hết là LOÀI NGƯỜI trước khi có vài ba Thượng đế, vài ba Adam, vài ba Eva (và vài ba con rắn?) kịp thiên di đến vài ba hành tinh xa xôi nào đó để làm lại từ đầu(?).
                       Liên tồn trong ngọc ngoài ngà
                       Tình yêu tái lập giang hà hồi sinh.
                                    (Dằng dai đeo dai đeo đuổi)
     Nếu điều ấy diễn ra đúng như kịch bản (chỉ là kịch bản thôi) thì công đầu dĩ nhiên thuộc về các nhà khoa học ngày đêm miệt mài nghiên cứu cái nhìn tiên tri của thi ca. Thứ đến là các nghệ sĩ chân chính dám quên mình, dám dấn thân để chữa cái lá số tử vi của MẦM SỐNG. Sứ mệnh của THI CA, của văn học được xem như đã hoàn thành trước khi mọi thứ trở về cát bụi.
                     Đất trời ngang ngửa xô bồ
                     Bốn mùa sắp đặt nấm mồ tình thương
                     Trăm năm dâu biển dị thường
                     Vườn lan hoa nở bên vườn mấy phen
                                                         (Trần gian)
Đó là việc sau. Còn trước mắt, đọc giả hãy cùng BG.
                     XIN CHÀO NHAU GIỮA CON ĐƯỜNG
                     MÙA XUÂN PHÍA TRƯỚC MIÊN TRƯỜNG PHÍA SAU
                                                      (Mưa nguồn)
     Để niềm ước mơ dung dị nhưng hừng hực khát vọng của chúng sinh vẫn bình thường:
                   Dạ thưa xứ Huế bây giờ
                   Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương

Và:              cõi bờ cây cỏ trổ bông
                   cõi miền phồn thịnh vun trồng lá cây.
                                              (Mộng)
Mà tạm quên đi nỗi ám ảnh:
                   Vừa đến chưa đi đà mất bóng
                   Vừa về chưa ở đã biến đâu
                                 (Một nàng tiên)
Hoặc:
                   Đi là đi biệt từ khi chưa về
     Gần đây không ít người cho là BG viết quàng xiên không có tư tưởng nào rõ nét, lại càng không có một chủ kiến nào để các nhà lý luận phê bình văn học liệt khảo. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận rằng đâu đó, trong những sáng tác của ông bật lên những câu thơ tuyệt bút và đa lụy thiết thao. Hãy nhặt lấy những hạt vàng lấp lánh, tràn  lan trên sa mạc thơ của Bùi Giáng . Và…
                                                                             
Hợp tuyển THỜI VĂN số 19-bộ cũ
Đặc tuyển về Bùi Gíang-1997

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét